admin@phapluatdansu.edu.vn

NGUYÊN TẮC TRANH TỤNG trong tố tụng dân sự

TS. MAI BỘ – Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương

1. Một số vấn đề lý luận về tranh tụng trong tố tụng dân sự

Tranh tụng là tranh luận trong tố tụng. Còn tranh luận được hiểu là: “bàn cãi tìm ra lẽ phải”[1]; là một phần tố tụng của phiên tòa, được tiến hành sau khi kết thúc phần xét hỏi.[2] Tương ứng với các loại tố tụng có tranh tụng trong tố tụng hình sự, tranh tụng trong tố tụng hành chính và tranh tụng trong tố tụng dân sự. Tương ứng với các loại phiên tòa có tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm và tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm. Như vậy, tranh tụng trong tố tụng dân sự là một loại tranh tụng trong tố tụng, bao hàm cả hoạt động tranh tụng trước khi mở phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa và tranh trụng sau khi có quyết định giả quyết vụ án dân sự. Vì tố tụng dân sự là quá trình giải quyết vụ án dân sự cho nên tranh tụng trong tố tụng dân sự là tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự có thời điểm bắt và thời điểm kết thúc. Theo đó, có thể hiểu giới hạn của việc tranh tụng trong tố tụng dân sự theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp.

– Theo nghĩa rộng, giới hạn của việc tranh tụng trong tố tụng dân sự bắt đầu từ khi có tranh chấp dân sự và đương sự thể hiện nhu cầu giải quyết tranh chấp đó, kết thúc khi giải quyết xong tranh chấp dân sự bao gồm cả giai đoạn thi hành án dân sự. Nếu có tranh chấp dân sự nhưng đương sự không muốn giải quyết tranh chấp thì không xuất hiện nhu cầu tranh tụng để giải quyết tranh chấp. Việc đương sự là người thắng kiện trong vụ việc dân sự từ chối (không làm đơn) yêu cầu thi hành án dân sự trong thời hạn do pháp luật quy định có thể được hiểu là nội dung quyền tự định đoạt của đương sự và thể hiện quan điểm tranh tụng của đương sự. Bởi lẽ, trong thực tiễn có vụ tranh chấp dân sự, đương sự chỉ cần Tòa án ra phán quyết là mình thắng kiện mà không cần buộc bên thua kiện thi hành quyết định của Tòa án. Mặt khác, hiểu giới hạn của việc tranh tụng trong tố tụng dân sự theo nghĩa rộng có ý nghĩa rất lớn đối với việc Tòa án ghi nhận và cho thi hành kết quả hòa giải thành những tranh chấp dân sự trong nhân dân do Ban tư pháp và các đoàn thể chính trị cấp xã thực hiện. Việc giải quyết tranh chấp dân sự theo cơ chế pháp lý này sẽ hạn chế được rất nhiều vụ kiện dân sự mà Tòa án phải giải quyết, xét xử và đương nhiên sẽ giảm chi phí xã hội rất lớn cho việc giải quyết tranh chấp dân sự.

– Theo nghĩa hẹp, giới hạn của việc tranh tụng trong tố tụng dân sự bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự và kết thúc khi Tòa án ra quyết định, bản án giải quyết vụ việc đó. Giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự) theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng dân sự quy định với nguyên tắc xét xử hai cấp. Cho nên, mặc dù tranh tụng trong tố tụng dân sự được bắt đầu từ khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện và kết thúc khi Tòa án ra quyết định sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự nhưng tập trung nhất là ở các giai đoạn: chuẩn bị xét xử; xét xử sơ thẩm; xét xử phúc thẩm vụ án dân sự. Bởi lẽ, giai đoạn giám đốc thẩm và tái thẩm chỉ là những thủ tục đặc biệt, Tòa án xét xử thông qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, hầu như không có sự hiện diện của các bên đương sự. Nếu quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy một phần hoặc toàn bộ bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại thì lại bắt đầu một quá trình tranh tụng mới.

Chủ thể tranh tụng trong tố tụng dân sự bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Căn cứ vào lợi ích, có thể chia các đương sự thành hai bên là bên khởi kiện và bên bị kiện. Bên khởi kiện là nguyên đơn dân sự còn bên bị kiện là bị đơn dân sự. Tùy từng vụ án dân sự cụ thể mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được coi là đương sự thuộc bên khởi kiện hoặc bên bị kiện. Bên khởi kiện và bên bị kiện bình đẳng trước Tòa án trong việc đưa ra chứng cứ và thể hiện sự đánh giá của mình về các chứng cứ trong vụ án cũng như quan điểm giải quyết vụ án. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được Tòa án chấp nhận tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 BLTTDS, thì những người sau đây được Tòa án chấp nhận làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư; Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý; Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không phải là cán bộ, công chức trong các ngành Tòa án, Kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an. Vì các bên tham gia tranh tụng trong tố tụng dân sự là những đương sự trong vụ án dân sự, trong rất nhiều trường hợp họ là những người không am hiểu nhiều về pháp luật do vậy chất lượng tranh tụng sẽ rất cao khi các bên đương sự có người bảo vệ quyền và lợi ích của mình tham gia tố tụng.

Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần. Khi tham gia các phiên họp, phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm, Viện kiểm sát chỉ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án, các bên đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Như vậy, Viện kiểm sát không phải là chủ thể tranh tụng trong tố tụng dân sự mà chỉ là chủ thể thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.

Tòa án là trọng tài và có quyền áp dụng những quy định của pháp luật để phân xử tranh chấp giữa các bên đương sự trong vụ án dân sự. Nhiệm vụ của Tòa án tiếp nhận chứng cứ của vụ án do các bên dương sự cung cấp và hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ để giải quyết đúng đắn vụ án dân sự, điều khiển phiên tòa. Trên cơ sở việc xem xét, đánh giá chứng cứ, Tòa án thể hiện quyết định về từng vấn đề phải giải quyết trong phần Quyết định của bản án và công bố công khai tại phiên tòa.

Bản chất của tranh luận trong tố tụng dân sự là sự thể hiện chính kiến của từng bên đương sự về việc giải quyết vụ án dân sự dựa trên những chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Như vậy tranh tụng là một nguyên tắc của tố tụng hình sự, tố tụng hành chính và tố tụng dân sự. Còn tranh luận tại phiên tòa chỉ là hình thức tố tụng (một giai đoạn tố tụng của phiên tòa) mà trong đó Tòa án thay mặt nhà nước xác định sự thật của vụ án trên cơ sở điều tra công khai tại phiên tòa, nghe ý kiến của các bên tham gia tố tụng để ra quyết định phán xét giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật.[3] Do vậy, chúng tôi đồng ý với quan điểm của PGS.TS Trần Văn Độ cho rằng, tranh tụng trong tố tụng bao gồm những nội dung sau đây:[4]

– Thứ nhất là, cung cấp chứng cứ và yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ mới bằng cách: chủ động cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thu thập được , triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá.

– Thứ hai là, đánh giá chứng cứ và thể hiện quan điểm về việc giải quyết vụ án dân sự tại phiên hòa giải do Tòa án thực hiện trước khi mở phiên tòa xét xử.

– Thứ ba là, thực hiện việc xét hỏi tại phiên tòa. Xét hỏi tại phiên tòa thực chất là cuộc điều tra chính thức, công khai tại phiên tòa để xác định sự thật khách quan của vụ án. Vì vậy, các bên tham gia tố tụng đều có quyền điều tra dưới sự điều khiển của  chủ tạo phiên tòa, xem xét chứng cứ, tài liệu. Việc xét hỏi này chỉ kết thúc khi Tòa án thấy rằng thông qua xét hỏi một cách khách quan, các tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ án đã được làm rõ.

– Thứ tư là, phát biểu ý kiến về đánh giá chứng cứ. Qua việc điều tra chính thức, công khai tại phiên tòa, mỗi bên tham gia tố tụng đều có cách nhìn nhận, đánh giá của mình về kết qủa chứng minh. Để thực hiện chức năng tố tụng, nhiệm vụ tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên tham gia tố tụng phải công khai đưa ra ý kiến đánh giá của mình về sự thật khách quan của vụ án để giúp cho Tòa án cân nhắc khi ra phán quyết. Các đánh giá khác nhau, phản biện nhau của các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa sẽ giúp cho Tòa án khách quan hơn, toàn diện hơn, thận trọng hơn khi đánh giá để ra phán quyết.

– Thứ năm là, phát biểu ý kiến về pháp luật áp dụng. Thực tiễn cho thấy rằng, do nhiều lý do khác nhau như kĩ thuật lập pháp chưa tốt, quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, trình độ nhận thức pháp luật chưa tốt mà pháp luật được nhận thức rất khác nhau trong hoạt động tố tụng. Vì vậy, nội dung của tranh tụng trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa bao gồm việc các bên tham gia tố tụng đề nghị áp dụng luật để bảo vệ quan điểm của mình trong giải quyết vụ án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

– Thứ sáu là, đề nghị biện pháp giải quyết vụ án liên quan đến quyền và lợi ích liên quan. Mỗi bên tham gia tố tụng đều nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, nội dung không thể thiếu trong tranh tụng là các bên đề xuất ý kiến và lập luận trên cơ sở chứng cứ, quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích đó. Tùy theo tư cách tố tụng của mình mà phạm vi xét hỏi, tranh luận, đề xuất ý kiến của mỗi người tham gia tố tụng cũng có khác nhau như nguyên đơn dân sự đòi hỏi việc bồi thường, bị đơn dân sự bác bỏ hoặc giảm mức bồi thường…

2. Thực trạng quy định của pháp luật về tranh tụng trong tố tụng dân sự

Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, thì “tranh tụng” chưa được quy định là một nguyên tắc của tố tụng dân sự. Bộ luật tố tụng dân sự mới chỉ quy định “bảo đảm quyền tranh luận của đương sự là một nguyên tắc của tố tụng dân sự”. Theo quy định tại Điều 23a BLTTDS, thì “Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án bảo đảm để các bên đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Theo quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa, thì “tranh luận” là một phần của tố tụng phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử vụ án dân sự được tiến hành sau khi kết thúc phần xét hỏi.

– Trước khi xét hỏi và trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thì về nguyên tắc, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thuộc về các bên đương sự. Nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ chứng cứ đó. Tuy nhiên, không phải lúc nào đương sự cũng có được chứng cứ để nộp cho Tòa án vì nhiều lý do khác nhau cho nên Tòa án phải có nhiệm vụ hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ bằng cách tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ: lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa các đương sự với người làm chứng; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản, yêu cầu thẩm định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.[5]

Mặt khác, theo nguyên tắc “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự”, thì  trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.[6] Nhưng làm thể nào để đương sự có thể quyết định chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện. Hiện nay, Bộ luật tố tụng dân sự mới chỉ quy định:

+ “Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây: a) Ngày, tháng, năm làm văn bản thông báo; b) Tên, địa chỉ Tòa án đã thụ lý vụ án; c) Tên, địa chỉ của người khởi kiện; d) Những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết; đ) Danh sách tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện; e) Thời hạn người được thông báo phải có ý kiến bằng văn bản nộp cho Tòa án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có; g) Hậu quả pháp lý của việc người được thông báo không nộp cho Tòa án văn bản về ý kiến của mình đối với yêu cầu”[7].

+ Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 181 và Điều 182 của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc: tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội[8].

+ Mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự với sự có mặt của các đương sự theo quy định: “1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau: a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn; b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ; c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn; d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ”[9].

Như vậy, về mặt pháp lý thì các bên đương sự chỉ gặp nhau tại phiên hòa giải và tại phiên tòa. Đồng thời đương sự cũng chỉ được Tòa án thông báo những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết sau khi thụ lý vụ án mà không được thông báo về những chứng cứ mà bên đương sự còn lại cung cấp cũng như những chứng cứ mà Tòa án thu thập được. Với những quy định như trên, thì đương sự không có đủ căn cứ (chứng cứ) để so sánh sự thiệt hơn trong quá trình theo đuổi vụ kiện để thể hiện quan điểm chấm dứt vụ kiện hoặc tự hòa giải bất cứ lúc nào trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án.

– Tại phiên tòa, theo quy định tại Điều 222 BLTTDS, thì thứ tự hỏi được quy định như sau “Sau khi nghe xong lời trình bày của đương sự, việc hỏi từng người về từng vấn đề được thực hiện theo thứ tự chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến Hội thẩm nhân dân, sau đó đến người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác; trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thì Kiểm sát viên hỏi sau đương sự”.

Đến phần tranh luận, thì nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là những những người có quyền tranh luận. Trường hợp đương sự nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền tranh luận. Khi đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phát biểu tranh luận sau đó đương sự bổ sung ý kiến theo thứ tự:

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biểu. Nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày ý kiến. Người có quyền và lợi ích được bảo vệ có quyền bổ sung ý kiến;

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn phát biểu. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến;

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phát biểu. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến.

Khi phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, người tham gia tranh luận phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa cũng như kết quả việc hỏi tại phiên tòa. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án. Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án[10].

Những nội dung được đề cập về lý luận và thực trạng quy định của BLTTDS hiện hành cho thấy cả về lý luận và thực trạng quy định của pháp luật tố tụng dân sự thể hiện những bất cập sau đây:

– Thứ nhất, tranh tụng chưa được ghi nhận là một nguyên tắc của tố tụng dân sự. Quy định tại Điều 23a BLTTDS về nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận trong tố tụng dân sự mới chỉ giới hạn phạm vi tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm xét xử vụ án dân sự.

– Thứ hai, khái niệm tranh tụng chưa được thừa nhận theo nghĩa rộng cho nên chưa có cơ chế Tòa án ghi nhận và cho thi hành kết quả hòa giải thành các tranh chấp dân sự do Ban tư pháp và các đoàn thể chính trị cấp xã thực hiện trước khi đương sự khởi kiện vụ án yêu cầu T�a án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

– Thứ ba, mặc dù pháp luật có ghi nhận đương sự có quyền “yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình để giao nộp cho Tòa án”; Tòa án (Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án) có quyền “yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự” nhưng vẫn chưa có cơ chế, chế tài hữu hiệu để thực hiện quyền của đương sự cũng như của Tòa án.

– Thứ tư, pháp luật chưa quy định: đồng thời với việc nộp chứng cứ cho Tòa án, đương sự phải thông báo cho đương sự khác có liên quan trong vụ án; Tòa án phải định kỳ thông báo cho đương sự còn lại biết kết quả của việc thu thập chứng cứ để nghiên cứu, quyết định định đoạt vụ kiện.

– Thứ năm, pháp luật mới chỉ quy định việc hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà chưa quy định việc tạm dừng phiên tòa để các bên đương sự hòa giải.

– Thứ sáu, việc tranh luận tại phiên tòa chỉ được tiến hành sau khi xét hỏi đã là rõ tất cả các vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự cho nên đến phần tranh luận, đương sự không còn gì để nói.

– Thứ bảy, với trình tự xét hỏi như quy định của BLTTDS hiện hành, thì quyền chủ động xét hỏi thuộc về Tòa án (Hội đồng xét xử). Kiểm sát viên tham gia phiên tòa để kiểm sát sự tuân theo pháp luật của Tòa án và những người tham gia tố tụng nhưng vẫn có quyền xét hỏi (BLTTDS chỉ quy định trường hợp Kiểm sát viên hỏi đương sự khi tham gia phiên tòa nhưng không quy định là không được hỏi về nội dung vụ kiện). Do vậy, không loại trừ trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm và Kiểm sát viên đặt những câu hỏi nhằm tìm câu trả lời của đương sự phục vụ cho việc giải quyết vụ án theo sự thiên vị của mình.

Những quy định về thủ tục xét hỏi tại phiên tòa từ Điều 217 đến Điều 231 BLTTDS cho thấy sau khi xét hỏi, nội dung vụ án đã được làm sáng tỏ. Ví dụ Điều 221 quy định về nghe lời trình bày của đương sự theo trình tự các bên trình bày yêu cầu, đề nghị của mình và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Đồng thời, quá trình hỏi sẽ kết hợp với việc công bố các tài liệu của vụ án; nghe băng, đĩa ghi hình; xem xét vật chứng; hỏi người giám định. Bằng quy định này, qua trình bày của đương sự trong phần xét hỏi, nội dung vụ án không những đã đầy đủ, rõ ràng, sáng tỏ mà các bên đương sự cũng đã có dịp đối đáp với những nội dung trình bày của nhau. Như vậy, với quy định của BLTTDS, thì qua phần xét hỏi, nội dung vụ án đã đầy đủ nên phần tranh luận không còn nội dung và chỉ là sự lặp lại những nội dung đã trình bày ở phần xét hỏi.[11] Mặt khác, như đã trình bày, việc tranh luận tại phiên tòa cũng chỉ được tiến hành sau khi xét hỏi. Có những vụ án dân sự, việc xét hỏi được thực hiện trong một thời gian dài (một buổi, một hoặc vài ngày) đến nỗi khi đến thời điểm tranh luận thì đương sự lại quên mất những nội dung và kết quả xét hỏi từng vấn đề vì họ không phải là những người am hiểu về luật.

– Thứ tám, số vụ án dân sự có sự tham gia của Luật sư với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự chiếm tỷ lệ không cao nên chất lượng tranh tụng không cao. Hầu như rất ít trường hợp có người tham gia tố tụng tham dự phiên tòa giám đốc thẩm, phiên tòa tái thẩm xét xử vụ án dân sự. Nhiều trường hợp, đương sự chỉ phát biểu tranh luận “đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật”. Theo chúng tôi, nguyên nhân của tình trạng này là: số lượng luật sư của nước ta còn ít lại tập chung chủ yếu ở các đô thị;  phí dịch vụ thuê luật sư quá cao, Nhà nước chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát sự không tương xứng giữa giá trị và chất lượng dịch vụ, giá cả dịch vụ pháp lý của luật sự. Cá biệt, có trường hợp luật sư của hai bên đương sự bắt tay nhau cùng làm tiền các thân chủ.

3. Một số định hướng xây dựng các quy định của pháp luật bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự.

Theo quy định tại Điều 103 Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, thì “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Mặc dù Hiến pháp quy định là “tranh tụng trong xét xử” nhưng chúng tôi cho rằng, việc thể chế nguyên tắc tranh tụng trong xét xử phải theo hướng giới hạn của việc tranh tụng trong tố tụng dân sự theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa là những người có quyền tranh tụng phải được đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết tranh chấp dân sự trước, trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án và cả trong giai đoạn thi hành án dân sự. Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và thể chế nguyên tắc tranh tụng trong xét xử vụ án dân sự, chúng tôi đề nghị:

– Thứ nhất, ghi nhận “tranh tụng là một trong những nguyên tắc của tố tụng dân sự”. Giới hạn của việc tranh tụng được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Cần quy định Tòa án ghi nhận và quyết định thi hành kết quả hòa giải ở cơ sở do Ban tư pháp hoặc các đoàn thể chính trị cấp xã thực hiện đối với những tranh chấp dân sự để giảm số lượng vụ kiện dân sự mà Tòa án phải giải quyết.

– Thứ hai, chỉ có các bên đương sự mới có quyền tranh luận. Viện kiểm sát chỉ có quyền tranh luận khi được pháp luật quy định quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công hoặc bảo vệ lợi ích cho nhóm người yếu thế trong xã hội.

– Thứ ba, Tòa án tiến hành tố tụng với tư cách trung gian và đưa ra các phán quyết và có nhiệm vụ hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ như quy định tại Điều 85 BLTTDS. Ngoài việc thông báo những vấn đề cụ thể người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo cho đương sự về: những chứng cứ mà đương sự cung cấp cho bên đương sự còn lại; những chứng cứ mà Tòa án thu thập được. Bởi lẽ, chỉ khi có đủ chứng cứ (thông tin) thì đương sự mới so sánh thiệt hơn trong việc theo đuổi vụ kiện và quyết định việc chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ kiện.

– Thứ tư, tăng cường công tác hòa giải trước khi xét xử theo hướng Tòa án mở nhiều phiên họp kiểu như điều trần trước khi mở phiên tòa để Tòa án thông báo về: những chứng cứ mà đương sự cung cấp cho bên đương sự còn lại; những chứng cứ mà Tòa án thu thập được cho các đương sự. Đồng thời, cho phép các bên đương sự đánh giá các chứng cứ đó cũng như thể hiện quan điểm về việc giải quyết từng vấn đề hoặc cả vụ án khi đã có đầy đủ chứng cứ. Nếu làm được như vậy, thì phiên tòa chỉ giải quyết những vấn đề mà các bên chưa thống nhất và ghi nhận sự thỏa thuận (cách giải quyết) những vấn đề đã được giải quyết trước khi mở phiên tòa.

– Thứ năm, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa có thể diễn ra đồng thời với việc xét hỏi. Nghĩa là khi xét hỏi từng vấn đề, Tòa án có thể cho các bên đương sự phát biểu quan điểm về việc giải quyết vấn đề đó mà không phải đợi đến khi tranh luận mới nêu quan điểm. Khi các bên đương sự thống nhất được cách giải quyết vấn đề nào thì ghi nhận ngay sự thỏa thuận đó.

– Thứ sáu, nghiên cứu vấn đề có nên tiếp tục duy trì nguyên tắc “xét xử liên tục” hay có thể tạm dừng (không phải là hoãn phiên tòa) một hoặc nhiều lần để các bên đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Sửa đổi quy định về thủ tục phiên tòa theo hướng cho các bên phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án (tranh luận) trước khi xét hỏi. Nếu tổ chức phiên tòa theo phương án này, thì xem xét và quy định lại vai trò của Hội đồng xét xử cũng như trình tự phiên tòa cho phù hợp.

– Thứ bảy, một vấn đề liên quan đến nguyên tắc tranh tụng là thời điểm đưa ra chứng cứ. Có quan điểm cho rằng, phải quy định thời hạn chót của việc cung cấp chứng cứ. Chúng tôi cho rằng, không nên khống chế thời hạn chót của việc đương sự cung cấp chứng cứ. Bởi lẽ, trong thực tế tuy có trường hợp đương sự dấu chứng cứ và chỉ đưa ra tại phiên tòa nhưng không phải đương sự nào cũng thu thập được chứng cứ và nộp cho Tòa án trước ngày mở phiên tòa. Có những chứng cứ nằm ở các cơ quan, tổ chức mà đương sự biết nhưng không thể tiếp cận được cho nên pháp luật mới quy định đương sự có quyền “Đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được hoặc đề nghị Tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, định giá, thẩm định giá”. Mặt khác, với chức năng nhiệm vụ của Tòa án là bảo vệ công lý thì khi giải quyết, xét xử vụ án dân sự, Tòa án phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do vậy, phải tăng cường công tác giải quyết kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm trong tố tụng dân sự đồng thời có cơ chế hữu hiệu để hạn chế việc khiếu nại “cầu may”.

– Thứ tám, tăng cường công tác đào tạo nguồn luật sư để tăng số lượng luật sư đáp ứng nhu cầu giải quyết xét xử vụ án dân sự theo nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự. Mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

– Thứ chín, quy định chế tài đủ mnh để buộc cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự theo yêu cầu của Tòa án (Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án).

– Thứ mười, bảo đảm cơ sở vật chất cho việc nâng cao chất lượng tranh tụng trong tố tụng nói chung và tố tụng dân sự nói riêng. Theo đó, các cơ quan tiến hành tố tụng phải tạo điều kiện cho người dân nói chung và các đương sự trong các vụ án dân sự dễ dàng tiếp cận với công lý, nghĩa là cần công khai hóa các thủ tục tố tụng tư pháp tại các cơ quan tiến hành tố tụng để người dân tra cứu thông tin pháp luật, nội dung vụ kiện, chứng cứ mà Tòa án thu thập được một cách thuận lợi nhất bằng các phương tiện khoa học công nghệ.


[1] Xem: Từ điển Tiếng Việt năm 2003 Viện ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, tr 1024.

[2] Xem: Từ điển luật học, NXB Từ điển bách khao, Hà Nội, 1999, tr 533.

[3] Xem: PGS.TS Trần Văn Độ, Bản chất tranh tụng tại phiên tòa, www.hcmlaw.edu.vn/hcmlaw/index.php?=com

[4] Xem: PGS.TS Trần Văn Độ, Bản chất tranh tụng tại phiên tòa, www.hcmlaw.edu.vn/hcmlaw/index.php?=com

[5] Xem: Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự.

[6] Xem: Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự.

[7] Xem: Điều 174 Bộ luật tố tụng dân sự.

[8] Xem: Điều 180 Bộ luật tố tụng dân sự.

[9] Xem: Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự.

[10] Xem: Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự.

[11] Xem: Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao, Nâng cao chất lượng tranh luận tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, Đề tài khoa học cấp cơ sở, Hà Nội, 2013, tr. 37-38.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Trích dẫn từ: http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading