admin@phapluatdansu.edu.vn

MẤY Ý KIẾN VỀ PHẦN QUAN HỆ DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005

PGS,TS. NGUYỄN TRUNG TÍN

Hiện nay, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 đang được xem xét để đưa ra Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn xây dựng nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay. Chúng tôi nêu một số ý kiến nhằm góp phần sửa đổi, bổ sung phần “Quan hệ dân sự (QHDS) có yếu tố nước ngoài (YTNN)”.

Trước hết về Điều 758 “QHDS có YTNN”, theo chúng tôi, cách xác định “QHDS có YTNN” trong BLDS hiện hành là vừa dài dòng và vừa không chuẩn xác.

Theo Điều 758, QHDS có YTNN là QHDS có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các QHDS giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài (PLNN). Trong khi đó, chủ thể của tư pháp quốc tế (TPQT) nói chung và bộ phận pháp luật điều chỉnh phần “QHDS có YTNN” (bộ phận của TPQT Việt Nam được ghi nhận trong BLDS 2005) nói riêng, là các cá nhân và pháp nhân. Do vậy, việc dùng cụm từ “QHDS có YTNN là QHDS có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài” để xác định QHDS có YTNN về mặt chủ thể là không chuẩn xác.

Ngoài ra cụm từ “các QHDS giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo PLNN, phát sinh tại nước ngoài” cũng không chuẩn xác và khó xác định. Bởi vấn đề là làm sao để chúng ta biết được rằng căn cứ xác lập, thay đổi và chấm dứt quan hệ đó được xác định theo PLNN. Những người am hiểu về TPQT đều hiểu rằng, để giải quyết vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có YTNN, một tòa án bất kỳ của Việt Nam cần xác định xem mình có thẩm quyền xét xử hay không, cần phải xác định vấn đề đầu tiên là vụ việc này có phải vụ việc QHDS theo nghĩa rộng có YTNN hay không (?). Xác định xong vấn đề này rồi thì tòa án có thẩm quyền mới xem các dấu hiệu khác để xem mình có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó hay không[1]. Đến khi giải quyết, tòa án mới xem xét vấn đề pháp luật Việt Nam hay pháp luật một nước ngoài nào đó được áp dụng để xác định các vấn đề liên quan đến vụ việc (trong đó có các vấn đề như căn cứ xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ). Vậy khi chưa giải quyết thì làm sao mà biết được căn cứ xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ theo pháp luật của ai?

Bởi vậy, phần này cần sửa đổi như sau: “QHDS có YTNN là QHDS có ít nhất một trong ba YTNN sau: thứ nhất YTNN về mặt chủ thể, đó là trường hợp một hoặc các bên quan hệ có quốc tịch hoặc nơi cư trú ở nước ngoài (đối với pháp nhân, nơi có trụ sở ở nước ngoài); thứ hai, YTNN về mặt khách thể, đó là trường hợp tài sản đối tượng của quan hệ ở nước ngoài; thứ ba, YTNN về mặt sự kiện pháp lý, đó là trường hợp sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ xảy ra ở nước ngoài”.

Cách xác định như trên vừa ngắn gọn vừa chuẩn xác hơn cách xác định trong BLDS hiện nay. Ngoài ra, điều này cũng phù hợp với cách định nghĩa “QHDS có YTNN” trong khoa học TPQT của Việt Nam nói riêng và khoa học TPQT của thế giới nói chung[2].

Thuật ngữ “một hoặc các bên quan hệ có quốc tịch hoặc nơi cư trú ở nước ngoài” rõ ràng là chuẩn xác hơn thuật ngữ “một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Bởi đối với QHDS theo nghĩa rộng nói chung và QHDS có YTNN nói riêng, chủ thể của sự điều chỉnh pháp luật là cá nhân và pháp nhân tham gia với tư cách phải là một bên quan hệ (với tư cách là chủ thể tham gia quan hệ) chứ không phải bên “tham gia” quan hệ. Cách dùng thuật ngữ “bên quan hệ” đỡ “nguy hiểm” hơn nhiều so với thuật ngữ “bên tham gia quan hệ”, vì một chi nhánh của pháp nhân có thể tham gia vào quan hệ nhưng không phải là bên quan hệ, trong khi đó hợp đồng có hợp pháp hay không lại phụ thuộc vào việc pháp nhân có chi nhánh trên có tư cách pháp lý ký kết hợp đồng hay không.

Thuật ngữ “sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ xảy ra ở nước ngoài” chính xác và có tính khả thi hơn thuật ngữ “các QHDS giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo PLNN, phát sinh tại nước ngoài”. Bởi những ai am hiểu về TPQT cũng đều phải thừa nhận rằng việc chọn pháp luật của một quốc gia cụ thể sẽ có thể đặt ra khi các căn cứ trên xảy ra ở nước ngoài, còn như cách xác định hiện nay rõ ràng không có tính khả thi (như chúng tôi đã lập luận ở trên).

Như vậy, YTNN trong QHDS được xác định ở đây bao gồm ba loại: loại thuộc diện chủ thể (quốc tịch hoặc nơi cư trú của cá nhân, quốc tịch hoặc nơi có trụ sở của pháp nhân), loại thuộc diện khách thể (tài sản là đối tượng của quan hệ ở nước ngoài) và loại thuộc diện sự kiện pháp lý (căn cứ xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ xảy ra ở nước ngoài). Như chúng tôi đã nêu ở trên, điều kiện cần và đủ để chúng ta có một QHDS là QHDS có YTNN khi trong QHDS đó có ít nhất một trong ba loại YTNN trên. Điều này có nghĩa là trên thực tế có thể có các QHDS có YTNN sau: QHDS có YTNN về mặt chủ thể; QHDS có YTNN về mặt khách thể; QHDS có YTNN về mặt sự kiện pháp lý; QHDS có YTNN vừa về mặt chủ thể, vừa về mặt khách thể; QHDS có YTNN vừa về mặt chủ thể, vừa về mặt sự kiện pháp lý; QHDS có YTNN vừa về mặt khách thể, vừa về mặt sự kiện pháp lý; và cuối cùng, QHDS có YTNN vừa về mặt chủ thể, vừa về mặt khách thể, vừa về mặt sự kiện pháp lý. Cách xác định QHDS có YTNN như trên vừa ngắn gọn mà lại bao quát được tất cả bảy loại QHDS có YTNN. Ngoài ra, cách xác định như trên cũng phù hợp với thực tiễn điều chỉnh pháp luật của đa số các quốc gia trên thế giới và vì vậy sẽ góp phần nâng cao uy tín của trật tự pháp lý Việt Nam trên trường quốc tế[3]. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển các QHDS có YTNN ở nước ta.

Về Điều 759 “Áp dụng pháp luật dân sự (PLDS) Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), điều ước quốc tế, PLNN và tập quán quốc tế”, các quy định trong Điều này cũng cần được chỉnh lý lại.

Trước hết, trong “khoản 3. Trong trường hợp Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của CHXHCNVN hoặc điều ước quốc tế mà CHXHCNVN là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng PLNN thì pháp luật của nước đó được áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật CHXHCNVN” cần bỏ cụm từ “việc áp dụng” mà chỉ nên dùng cụm từ “hậu quả của việc áp dụng”. Bởi vì, trong thời kỳ trước đây, chính sách kinh tế tập trung bao cấp ở một số quốc gia hoàn toàn đối lập với chính sách kinh tế thị trường ở một số quốc gia khác. Điều này xuất phát từ sự trái ngược về ý thức hệ đối với quyền sở hữu (QSH) tư liệu sản xuất cơ bản. Tuy nhiên, ngay vào thời kỳ đó, các quốc gia thuc hai hệ thống nhà nước đối lập vẫn áp dụng pháp luật về QSH của nhau. Rõ ràng việc áp dụng này là mâu thuẫn với các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật của các quốc gia có chính sách về QSH trái ngược, song hậu quả của việc áp dụng thì lại không mâu thuẫn, bởi hậu quả đó đã thúc đẩy sự phát triển quan hệ thương mại giữa các quốc gia trên. Vì thế, quy định “việc áp dụng PLNN” mâu thuẫn với trật tự công cộng là không phù hợp[4].

Trong Điều này cần có phần quy định về dẫn chiếu tới nước thứ ba. Về chính sách dẫn chiếu tới nước thứ ba, có ba nhóm quốc gia có chính sách khác nhau: nhóm thứ nhất chấp nhận hoàn toàn, nhóm thứ hai chấp nhận không hoàn toàn (thường là trong trường hợp quy phạm xung đột dựa vào dấu hiệu ý chí của các bên về chọn luật áp dụng, khi đó luật mà các bên chọn được hiểu là luật thực chất của quốc gia – loại trừ dẫn chiếu ngược và dẫn chiếu tới nước thứ ba) và nhóm không chấp nhận hoàn toàn. Theo chúng tôi, chúng ta có thể chọn theo cách giải quyết của nhóm thứ nhất. Việc giải quyết như vậy vừa phù hợp với xu hướng chung của thế giới vừa khắc phục được lỗ hổng pháp luật về vấn đề này (hiện nay quy định này chưa có).

Ngoài ra, đoạn “PLNN cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng, nếu sự thỏa thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của CHXHCNVN” cũng nên bỏ đi, bởi vì, dấu hiệu ý chí của các bên có phải là cơ sở để chọn luật áp dụng hay không đã được quy định trong các quy phạm xung đột tương ứng (Điều 763 của Bộ luật này).

Điều 765 “Năng lực PLDS của pháp nhân nước ngoài – PNNN quy định:

“1. Năng lực PLDS của PNNN được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân đó được thành lập, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trong trường hợp PNNN xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực PLDS của pháp nhân được xác định theo pháp luật CHXHCNVN”.

Cách quy định như trên là không đầy đủ và không phù hợp. Bởi vì trong giao dịch dân sự có pháp nhân tham gia với tư cách là một bên quan hệ, việc xác định xem một pháp nhân có tư cách thực hiện một giao dịch dân sự hay không và thực hiện như thế nào phải căn cứ vào quy chế riêng của pháp nhân chứ không phải căn cứ vào năng lực PLDS của pháp nhân. Quy chế riêng của pháp nhân bao gồm: thứ nhất, những giao dịch dân sự mà một pháp nhân có thể tham gia (ví dụ ở nước ta điều này được ghi nhận trong Giấy phép kinh doanh của pháp nhân); thứ hai, trình tự thành lập và giải thể pháp nhân; thứ ba, đại diện của pháp nhân theo pháp luật (ví dụ, điều này được quy định trong Giấy phép kinh doanh của pháp nhân); thứ tư, thanh lý tài sản của pháp nhân[5]. Theo pháp luật đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay, quy chế riêng của pháp nhân được xác định theo pháp luật mà pháp nhân có quốc tịch.

Vấn đề xác định pháp luật điều chỉnh quy chế riêng của pháp nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong các trường hợp pháp nhân tham gia vào các quan hệ mang tính chất dân sự có YTNN.

Điều này thể hiện rõ qua một vụ mà Tòa án Anh giải quyết. Vụ việc như sau: Năm 1927 một quỹ tín dụng Hy Lạp dưới sự bảo lãnh của Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp vay ở một ngân hàng Anh một khoản tiền với tỷ lệ lãi suất nhất định. Theo hợp đồng, hai bên chọn trọng tài Anh giải quyết tranh chấp và chọn pháp luật Anh điều chỉnh nội dung hợp đồng, thời hạn thanh toán tới năm 1957. Năm 1941, Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp giải thể và sáp nhập với Ngân hàng Aten thành Ngân hàng Quốc gia Aten, Hy Lạp. Theo quyết định về giải thể ngân hàng trên, các quyền và nghĩa vụ của ngân hàng cũ được ngân hàng mới kế thừa. Đến năm 1949, ở Hy Lạp có Đạo luật về đình chỉ trả các khoản lãi cho vay.

Tại trọng tài, bị đơn – Ngân hàng Quốc gia Aten (Hy Lạp) cho rằng mình không phải là bị đơn. Trọng tài Anh bác bỏ nguyên cớ đó với lý do quy chế riêng của Ngân hàng Quốc gia Aten Hy Lạp được xác định theo pháp luật Hy Lạp (luật quốc gia mà pháp nhân có quốc tịch – lex societatis). Vì vậy, Ngân hàng đó phải kế thừa các quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp khi thành lập (sáp nhập thành ngân hàng mới, vấn đề liên quan đến trường hợp thứ hai đã nêu trên, trình tự thành lập và giải thể pháp nhân). Sau đó bị đơn đề nghị trọng tài xem xét khoản lãi với lý do năm 1949 ở Hy Lạp có Đạo luật về đình chỉ trả lãi. Về vấn đề này, trọng tài Anh cũng bác bỏ với lý do là vấn đề trả lãi thuộc về nội dung hợp đồng (quy chế trái vụ chứ không phải quy chế pháp nhân), vì vậy phải xác định theo pháp luật Anh (pháp luật mà các bên lựa chọn khi ký kết hợp đồng)[6].

Ngoài ra, cần bỏ khoản 2 Điều 765 vì, thứ nhất, nếu hiểu năng lực pháp luật của pháp nhân là những trường hợp giao dịch dân sự mà pháp nhân có thể tham gia theo quy định của pháp luật thì phải được xác định theo pháp luật quốc gia mà pháp nhân có quốc tịch; thứ hai, khi tham gia vào các quan hệ mang tính chất dân sự có YTNN tại quốc gia sở tại, PNNN có một số quyền nhất định. Đó là: (i) các PNNN có thể thực hiện một số hợp đồng không cần có sự cho phép đặc biệt. Thông thường, đó là các hợp đồng thương mại với các cá nhân và pháp nhân quốc gia sở tại có quyền ký kết các hợp đồng đó. Trong khi thực hiện các hợp đồng trên, PNNN không thể viện dẫn vào những hạn chế về quyền hạn của các đại diện của pháp nhân mà các hạn chế đó xa lạ với pháp luật của các quốc gia nơi các đại diện của pháp nhân thực hiện hợp đồng; (ii) các PNNN có quyền bảo vệ lợi ích của mình tại tòa án quốc gia sở tại không cần một giấy phép đặc biệt. Điều này được thừa nhận ở các quốc gia vì mục đích bảo vệ lợi ích hợp pháp của PNNN cũng như nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển các quan hệ mang tính chất dân sự có YTNN. Ngoài ra, việc thừa nhận đó là cần thiết để đảm bảo cho các pháp nhân quốc gia sở tại cũng có quyền như vậy ở quốc gia nước ngoài tương ứng; (iii) các PNNN có quyền đặt các chi nhánh đại diện theo trình tự của pháp luật quốc gia sở tại; (iv) các PNNN có quyền tham gia vào một số lĩnh vực nhất định theo các giấy phép đặc biệt (ví dụ, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài).

Như vậy, việc quy định như trên là không cần thiết và không phù hợp. Vì vậy, Điều này cần được sửa lại như sau: “Quy chế riêng của pháp nhân được xác định theo pháp luật mà pháp nhân có quốc tịch”.

Cách quy định như vậy vừa khách quan và công bằng với cả pháp nhân Việt Nam và PNNN (nguyên tắc các chủ thể dân sự phải công bằng và bình đẳng với nhau), vừa khắc phục được chỗ hổng của pháp luật nước ta (chưa có quy định liên quan tới quy chế riêng của pháp nhân, quy chế riêng của pháp nhân Việt Nam khi tham gia vào các giao dịch dân sự theo nghĩa rộng có YTNN). Điều này sẽ vừa thúc đẩy các QHDS theo nghĩa rộng có YTNN phát triển, vừa nâng cao uy tín trật tự pháp lý của nước ta. Bởi vì, trong lĩnh vực PLDS, việc điều chỉnh pháp luật càng đảm bảo sự tự nguyện, bình đẳng giữa các chủ thể bao nhiêu thì lợi ích chính đáng của các bên càng được bảo vệ tốt bấy nhiêu. Điều này chỉ có thể bị hạn chế bởi trật tự công cộng hoặc từ các lý do an ninh có thể chấp nhận được của quốc gia sở tại.

Về Điều 766 “QSH tài sản”:

“1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt QSH tài sản, nội dung QSH đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này.

2. QSH đối với động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, nếu không có thỏa thuận khác.

3. Việc phân biệt tài sản là động sản hoặc bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản.

4. Việc xác định QSH đối với tàu bay dân dụng và tàu biển tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật về hàng hải của CHXHCNVN”.

Theo chúng tôi, khoản 1 và khoản 2 Điều này cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Khoản 1 liệt kê chưa hết các loại quan hệ về QSH, các quan hệ tài sản khác (hay chúng ta thường gọi là vật quyền để phân biệt với trái quyền) còn khoản 2 thì vừa chưa đầy đủ các trường hợp ngoại lệ không áp dụng luật nơi có vật, vừa chưa chuẩn xác.

Ngoài trường hợp tài sản trên đường vận chuyển quốc tế là ngoại lệ có thể không áp dụng được nguyên tắc luật nơi có tài sản còn có các trường hợp khác như: đối tượng của QSH là tài sản vô hình; QSH được xác lập trên cơ sở thừa kế, thanh lý tài sản của pháp nhân.

Thứ nhất, về đối tượng của QSH là tài sản vô hình (tài sản không nhìn thấy được), trong dân luật nhiều quốc gia, tài sản được chia làm hai loại: tài sản có thể chiếm giữ được (chosses in possession); những yêu cầu về tài sản (chosses in action: các khoản nợ, bằng phát minh, quyền tài sản, giá trị mối làm ăn, danh tiếng của xí nghiệp, các giấy tờ có giá trị và cổ phiếu).

Trong TPQT, động sản được chia làm hai dạng khác: vật hữu hình (tangible things) và vật vô hình (intangible things). Đối với loại động sản hữu hình (vật nhìn thấy được), việc áp dụng nguyên tắc nơi có tài sản không gặp khó khăn, song việc áp dụng nguyên tắc đó đối với động sản thuộc loại vô hình thì rõ ràng là không thể được (không nhìn thấy tài sản thì không thể biết nó ở đâu).

Thứ hai, QSH được xác lập trên cơ sở thừa kế, pháp luật các quốc gia trên thế giới đều coi thừa kế hợp pháp (thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc) là một cơ sở xác lập QSH. Điều này không phụ thuộc vào việc tài sản là đối tượng QSH ở đâu. Trong khi đó, việc hưởng di sản thừa kế lại có thể được tiến hành theo pháp luật quốc gia nơi người để lại di sản có quốc tịch. Rõ ràng trong trường hợp này, nếu vấn đề sở hữu liên quan đến cơ sở xác lập quyền sử hữu, thì pháp luật được áp dụng phải căn cứ theo pháp luật về thừa kế (pháp luật đó có thể không phải là pháp luật nơi có vật).

Thứ ba, QSH được xác lập trên cơ sở thanh lý tài sản của pháp nhân – một trong các vấn đề thuộc quy chế riêng của pháp nhân – được xác định theo pháp luật của quốc gia mà pháp nhân có quốc tịch, chứ không phải là pháp luật nơi có tài sản.

Bởi vậy, Điều 766 cần được sửa đổi và bổ sung như sau: Điều 766. QSH tài sản

“1. Quan hệ về QSH và các quan hệ tài sản khác được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 của Điều này;

2. QSH đối với động sản trên đường vận chuyển quốc tế tại lãnh thổ không thuộc quốc gia nào được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, nếu không có thỏa thuận khác, trong trường hợp hàng hóa được chuyển đến hai quốc gia trở lên thì pháp luật được áp dụng là pháp luật mà con tàu chở hàng có quốc tịch;

3. Việc xác lập QSH đối với tài sản vô hình được xác định theo pháp luật của quốc gia mà các bên thỏa thuận lựa chọn;

4. Việc xác lập QSH đối với tài sản là di sản thừa kế được xác định theo pháp luật về thừa kế đối với di sản ấy;

5. Việc xác lập QSH đối với tài sản khi thanh lý tài sản của pháp nhân được xác định theo pháp luật của quốc gia mà pháp nhân có quốc tịch;

6. Việc phân biệt tài sản là động sản hoặc bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản.

7. Việc xác định QSH đối với tàu bay dân dụng và tàu biển tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật về hàng hải của CHXHCNVN”.

Về Điều 769. Hợp đồng dân sự

“1. Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác.

Hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật CHXHCNVN.

Trong trường hợp hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện hợp đồng phải tuân theo pháp luật CHXHCNVN.

2. Hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật CHXHCNVN”.

Cách quy định như trên không phù hợp, vì vậy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung sau:

Một là, tên Điều này cần được sửa lại là “Nội dung hợp đồng”, bởi nội dung hợp đồng không chỉ bao gồm quyền và nghĩa vụ của các bên mà còn các vấn đề khác như đối tượng của hợp đồng, mục đích hợp đồng…;

Hai, cụm từ “quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thỏa thuận khác” cần sửa lại là “nội dung hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước mà các bên thỏa thuận lựa chọn, trong trường hợp các bên không thỏa thuận lựa chọn thì áp dụng pháp luật của nước nơi nghĩa vụ chính của hợp đồng được thực hiện”. Cách quy định như trên vừa phù hợp với thông lệ điều chỉnh pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp của đa số các quốc gia trên thế giới hiện nay, vừa thể hiện rõ dạng hệ thuộc cơ bản “luật theo ý chí” là chủ yếu, vừa bao hàm được các trường hợp khi hợp đồng được thực hiện không chỉ ở một nước;

Ba, cụm từ “hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật CHXHCNVN” là không khách quan, vì, theo quy định trên, thì nếu hợp đồng được giao kết và thực hiện hoàn toàn ở nước ngoài, dạng hệ thuộc ý chí các bên lại được áp dụng (hoặc nơi thực hiện hợp đồng nếu các bên không thỏa thuận khác). Chúng ta đều biết rằng, việc áp dụng PLNN trong những trường hợp cần thiết là để bảo vệ lợi ích chính đáng các bên và vì thế, thúc đẩy quan hệ phát triển. Cách quy định như trên là không dựa vào dạng hệ thuộc “luật theo ý chí” (một dạng hệ thuộc bao trùm trong lĩnh vực nội dung hợp đồng) không được lý giải từ điều bảo lưu trật tự công cộng. Dạng hệ thuộc “theo ý chí” xuất phát từ lập luận rằng các bên là người hiểu hơn ai hết nội dung hợp đồng (chủ yếu là quyền và nghĩa vụ của các bên) cần được xác định theo pháp luật của quốc gia nào (?). Quan hệ về nội dung hợp đồng có YTNN cũng như quan hệ về nội dung hợp đồng không có YTNN, ý chí các bên cần được tôn trọng, trừ khi ý chí đó vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái với đạo đức xã hội. Các quy định về việc chọn pháp luật một quốc gia nhất định để điều chỉnh QHDS theo nghĩa rộng có YTNN được xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên và thúc đẩy quan hệ đó phát triển chứ không phải vì một lý do nào khác. Trong những trường hợp hậu quả của việc áp dụng PLNN mâu thuẫn với trật tự công cộng thì các quốc gia đã có điều bảo lưu trật tự công cộng như đã nêu ở trên để loại trừ. Bởi vậy, khoản này cần loại bỏ.

Đối với Điều 770. Hình thức của hợp đồng dân sự

“1. Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng (HTHĐ) theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về HTHĐ theo pháp luật CHXHCNVN thì HTHĐ được giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam.

2. HTHĐ liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao QSH công trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật CHXHCNVN”.

Theo chúng tôi, HTHĐ về việc chuyển trao QSH đối với tài sản cần được xác định theo pháp luật nơi có vật, chứ không phải là pháp luật nơi ký kết hợp đồng.

Giả dụ một người ở Thái Lan bị mất một số tài sản quý hiếm, sau đó tài sản ấy được bán ở Việt Nam; hoặc một người thuê một cái xe ở Nhật, sau đó mang sang Việt Nam bán hợp pháp theo pháp luật Việt Nam cho một người ở Việt Nam, thì trong những trường hợp như vậy, rõ ràng nguyên tắc khởi điểm của PLDS từ thời xa xưa bị vi phạm “không ai có thể chuyển giao quyền của mình cho người khác nhiều hơn anh ta có. Hoặc nói một cách ngắn gọn, không ai có thể cho cái mà mình không có (nemo dat quod habet).

Tuy nhiên, cơ sở của sự giao thương là niềm tin cậy chứ không phải sự nghi ngờ. Vì thế, pháp luật của các nước xuất phát từ luật La Mã hay hệ thống pháp luật chung Anh – Mỹ đều không áp dụng những câu châm ngôn đó (ở mức độ này hay mức độ khác). Khi đó, người chiếm hữu tài sản có quyền như người chủ sở hữu.

Quan điểm như vậy cũng được áp dụng trong lĩnh vực TPQT, chẳng hạn, đối với các trường hợp trên, người mua có quyền cho rằng sự mua bán và sự chuyển giao QSH được tiến hành theo pháp luật của Việt Nam, không cần phải nghiên cứu kỹ tính chất hợp pháp về địa vị pháp lý của người bán đối với hàng hóa đó.

Lịch sử pháp luật không phải là logic mà là kinh nghiệm, sự mua bán sẽ khó khăn nếu người mua cần phải biết tính hợp pháp về địa vị pháp lý của người bán đối với hàng hóa. Nguyên tắc pháp luật nơi có tài sản (lex rei sitae) cần được xây dựng trên cơ sở thực tế, quyền tài sản cần phải dễ xác định được, phải quy định thế nào để người thứ ba muốn có quyền đối với mội tài sản nào đó không bị ám ảnh bởi việc tài sản đó theo PLNN là không hợp pháp.

Trong khi đó, với quan hệ về hợp đồng trái vụ, các bên có quyền lựa chọn pháp luật áp dụng, vì hợp đồng chỉ liên quan tới quyền và nghĩa vụ của các bên, còn việc có quyền tài sản lại có thể liên quan tới nhiều người.

Hiện nay người ta thống nhất quan điểm là việc chuyển trao động sản hữu hình được điều chỉnh bằng pháp luật quốc gia nơi có tài sản trong thời điểm chuyển giao. Người chủ sở hữu mất quyền của mình đối với tài sản (động sản hữu hình) nếu như nó được chuyển ra nước ngoài và đã được chuyển giao ở đó một cách hợp pháp cho người khác theo pháp luật nước đó.

Địa vị pháp lý đối với động sản hữu hình được thừa nhận trên cơ sở pháp luật của quốc gia nơi có tài sản loại trừ các địa vị pháp lý trước đó và mâu thuẫn với nó không phụ thuộc vào việc theo pháp luật quốc gia nào chúng có.

Bởi vậy, Điều này cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng.

2. HTHĐ chuyển giao QSH đối với tài sản được xác định theo pháp luật của quốc gia nơi có tài sản”./.


[1] Xem: Trung tâm Đào tạo từ xa, Đại học Huế, PGS. TS. Nguyễn Trung Tín (chủ biên), Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb Công an, Hà Nội, 2013, tr. 217-220.

[2] Viện Nhà nước và pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, GS. M. M. Ba-gu-slav-ski (chủ biên), Tư pháp quốc tế: những vấn đề thời đại, Mat-xcơ-va, 1994, Tiếng Nga, tr. 3-12.

[3] Xem: Viện Pháp chế và luật học so sánh thuộc Chính phủ Nga, Giáo trình tư pháp quốc tế, Nxb “IN-PHRA”, Mát-xcơ-va, 2000, tr. 1-3.

[4] Xem: Viện Pháp chế và luật học so sánh thuộc Chính phủ Nga, Tlđd, tr. 84-90.

[5] Trung tâm Đào tạo từ xa, Đại học Huế, Tlđd, tr. 91.

[6] Xem: Tre-sir-nopt, Giáo trình tư pháp quốc tế, được dịch từ Tiếng Anh sang Tiếng Nga, NXB “Pro-gress”, Mát-xcơ-va, 1982, tr. 247-253.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading