admin@phapluatdansu.edu.vn

ỨNG DỤNG QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG TRONG LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH

DOÃN THỊ NGỌC

Ngày 30 và 31 tháng 6, năm 2013, Trường Đại học An Giang tổ chức Hội thảo Quốc tế về Công Tác Xã Hội và Sức Khỏe Cộng Đồng. GS Susan Newfield (trường Đại học Y) và GS Neal Newfield (trường Công Tác Xã Hội) thuộc Viện Đại học West Virginia đã trình bày về các quan điểm hệ thống trong liệu pháp gia đình, cụ thể là, những nguyên tắc cốt lõi trong liệu pháp gia đình và làm thế nào giúp các cặp vợ chồng và gia đình tăng khả năng giải quyết vấn đề.

Theo GS Susan and Neal Newfields, giga đình như những hệ thống, gồm nhiều  mối liên hệ qua lại chằng chịt về mặt huyết thống hoặc luật định, cùng chia sẻ những lợi ích, nhiệm vụ và lịch sử gia đình. Vì vậy, để áp dụng hệ thống các quan điểm vào việc giải quyết vấn đề trong gia đình đòi hỏi nhà tham vấn (NTV) phải hiểu hệ thống gia đình là một hệ thống vừa đóng vừa mở và được phân chia thành các tiểu hệ thống có những ranh giới, vai trò, thứ bậc, tầm ảnh hưởng bên trong gia đình, sự liên kết, và bị chi phối bới các luật lệ.

Để làm được điều này đòi hỏi nhà tham vấn phải nắm vững quan điểm về lý thuyết hệ thống, giao tiếp, thay đổi, truyền thông Cybernetics, vai trò, và lý thuyết phát triển để đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp. Các quan điểm của những trường phái trên có tính đa ngành và có thể vận dụng trong nghiên cứu, trong việc giải quyết những trường hợp cụ thể, cũng như những vấn đề xã hội khác ở lĩnh vực sinh học, tâm lý, giới và phát triển, xã hội, vật lý, hóa học v.v…

Bài viết này chỉ tập trung trình bày các quan điểm lý thuyết hệ thống (systems concepts), lý thuyết thay đổi, cụ thể là mô hình trị liệu mối quan hệ nhân quả một chiều (A > B) và mô hình mối quan hệ nhân quả vòng xoay (tác động qua lại -circular causality), lý thuyết giao tiếp, phương pháp phân tích và đánh giá gia đình bằng biểu đồ gia tộc và sinh thái, và một số qui tắc cơ bản cần ghi nhớ khi làm việc với gia đình.

Thứ nhất, các quan điểm về lý thuyết hệ thống

Hệ thống được định nghĩa là một tổng thể phức hợp gồm nhiều thành tố tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Quan điểm về hệ thống cung cấp cho chúng ta một khung tổ chức gồm nhiều yếu tố, bộ phận liên quan và tác động qua lại với nhau trong môi trường xã hội. Ví dụ, xét về mặt sinh học của cơ thể, khi một cơ quan nào đó bị bệnh (viêm phổi, đau tim, tiểu đường, đau răng, hay đứt tay chẳng hạn) thì bác sĩ y khoa sẽ phải xem xét tiến trình bệnh tại cơ quan đó trong mối liên hệ với cơ quan và bộ phận khác và với toàn bộ cơ thể. Như vậy, nếu có biến động từ một bộ phận thì đều tác động lên các bộ phận khác, tác động lên toàn hệ thống, và tác động theo kiểu quan hệ nhân quả xoay vòng (circular causality). Vì thế, trong liệu pháp gia đình “tổng thể quan trọng hơn bộ phận” (Whole is greater than part).

Ví dụ trên chưa dừng ở đó vì gia đình cũng là một hệ thống có sự tương tác, phụ thuộc và tác động qua lại giữa các thành viên. Nếu một cá nhân bị đau ốm thì không chỉ tác động đến tâm lý, tình cảm của cá nhân đó, mà còn tác động đến các thành viên khác trong gia đình. Khi một cá nhân trong gia đình bị bệnh có thể giúp gia đình thay đổi và sự thay đổi này sẽ tác động đến tất cả những thành viên theo hướng tích cực hay tiêu cực. Tuy nhiên, nhân viên công tác xã hội cần phối hợp với các cơ quan ban ngành khác để hỗ trợ và làm sao giúp các cặp vợ chồng hay gia đình cân bằng trong thay đổi. Đồng thời, phải tìm hiểu xem gia đình đó thuộc vào loại hệ thống nào – đóng (closed) hay mở (open), xa cách (disengaged) hay không gắn bó (enmeshed); tìm hiểu sự phản hồi (feedback) trong gia đình; những ranh giới (boundaries) chức năng phân chia theo vai trò; và các qui tắc (rules) trong gia đình.

Hệ thống đóng (closed) có nghĩa là gia đình đó không giao tiếp tốt với nhau hoặc giao tiếp hạn chế với người trong gia đình và ngoài xã hội, lẩn tránh giải quyết vấn đề, tạo ra bức tường ngăn cách giữa gia đình với cộng đồng xã hội, không tin tưởng hay không nhờ sự hỗ trợ từ bên ngoài. Ví dụ, một gia đình có một người con đi học cấp hai. Em này gần đây học sa sút và nhân viên xã hội tới gặp gia đình để tìm hiểu. Nhưng gia đình em từ chối không tiếp, bỏ ngoài tai những vấn đề học hành và hành vi thay đổi của con, và không chịu gặp gỡ hay hợp tác với nhân viên xã hội trường học.  Họ chăm sóc, bảo bọc, nuông chiều con quá mức và luôn tự hào rằng con mình là con ngoan trò giỏi.

Hệ thống mở (open) giống như cơ thể sinh học và xã hội. Hệ thống này giúp cho các thành viên trong gia đình vừa có tính tự chủ vừa có tính phụ thuộc, cùng có cơ chế duy trì sự ổn định bản sắc trong gia đình, nhưng linh hoạt để thích nghi và có khả năng tự thay đổi với môi trường xung quanh. Đây là sự thăng bằng trong gia đình được duy trì qua sự phản hồi (feedback), ranh giới (boundaries), và quy tắc (rules).

Phản hồi: Phản hồi tích cực làm gia tăng khả năng thay đổi, tăng khả năng tự điều chỉnh, tăng khả năng tổ chức và phát triển. Trái lại, phản hồi không tích cực thì sẽ làm cho cá nhân nản chí, làm giảm nhiệt huyết, làm giảm khả năng thay đổi và giảm khả năng tự điều chỉnh.

Ranh giới: Gia đình là một hệ thống, trong gia đình bao gồm nhiều tiểu hệ thống phụ thuộc lẫn nhau, mỗi tiểu hệ thống là một cá nhân thực hiện những chức năng riêng để duy trì bản thân và bảo vệ cả hệ thống như một tổng thể thống nhất. Tiểu hệ thống có thể được hình thành dựa trên các thứ bậc, như cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, hoặc theo giới như: cha và con trai, mẹ và con gái…

Các tiểu hệ thống được phân chia bằng những ranh giới. Ranh giới bảo vệ tiểu hệ thống và đồng thời cho phép tác động qua lại giữa các tiểu hệ thống. Có ba loại ranh giới – cứng nhắc (rigid), lỏng lẻo (too open), và lành mạnh (healthy).

Ranh giới cứng nhắc thể hiện sự xa cách rõ ràng giữa các thành viên trong gia đình, giao tiếp thường bị tắc nghẽn hoặc khi nói chuyện thường cãi mắng, bảo thủ, không lắng nghe nhau giữa những thành viên trong gia đình, đồng thời cũng không cho người lạ xâm nhập dễ dàng.

Ranh giới lỏng lẻo là ranh giới không rõ ràng, mất tính cách riêng tư của các cá nhân, khiến các thành viên quá phụ thuộc, quá gắn bó dẫn tới khó phân định đâu là cái riêng và đâu là cái chung, mất đi sự phát triển độc lập và mất bản sắc cá nhân.

Ranh giới lành mạnh là ranh giới linh hoạt, uyển chuyển, và rõ ràng. Mọi người trong gia đình có thể tin tưởng, cởi mở trao đổi, tôn trọng, gắn bó giữa các thành viên trong gia đình nhưng vẫn tạo sự phát triển độc lập, tham gia, tự quyết, mức độ riêng tư, và trưởng thành của từng người.

Tùy thuộc vào các giai đoạn phát triển của gia đình (giai đoạn có con nhỏ, giai đoạn có con vị thành niên..), các ranh giới có thể di chuyển ở trạng thái cứng nhắc, hay lỏng lẻo, hay uyển chuyển. Thông thường bệnh lý của một cá nhân có thể bị khởi phát khi gia đình có những ranh giới cứng nhắc. Trái lại, nếu gia đình có những ranh giới lỏng lẻo thì có thể gia đình bị rơi vào trạng thái hỗn loạn. Những trạng thái quá xa cách, hỗn độn nếu xảy ra thường xuyên và không có chiều hướng thay đổi thì sẽ hình thành nên những vấn đề của gia đình. Lúc đó, gia đình đi gặp nhà tham vấn với sự căng thẳng ngày càng gia tăng.

Qui tắc: là những qui định chung cho phép cá nhân thực hiện những nhiệm vụ trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài vấn đề huyết thống hay luật định, cá nhân trong gia đình còn bị chi phối bới những qui tắc, thứ bậc, cùng với nhưng vai trò của từng thành viên trong gia đình. Có những qui tắc được công khai (phân chia công việc nhà, vợ làm gì, chồng làm gì…) nhưng ngược lại có những qui tắc ngầm hay bất thành văn. Ví dụ, khi ngủ thì vợ hay chồng ngủ bên nào-trái hay phải, và cứ thế mỗi lần đi ngủ thì ta thường ngủ bên đã tự qui định từ trước. Hay khi vào lớp học, chúng ta thường ngồi một chỗ và ít khi di chuyển chỗ ngồi khác và thường ngồi chung với bạn hay người quen. Nói chung, gia đình lành mạnh sẽ có những qui tắc cơ bản chung, nhất quán, rõ ràng, và có thể uyển chuyển thích nghi với sự thay đổi.

Thứ hai, quan điểm về thay đổi trong liệu pháp gia đình

Quan điểm thay đổi cho rằng hành vi của một người không chỉ liên quan đến những đặc điểm cá nhân mà còn liên quan đến bối cảnh tương tác của cá nhân trong môi trường gia đình và xã hội mà cá nhân sống trong đó.

Có hai mô hình về quá trình thay đổi trong hệ thống- mô hình quan hệ nhân quả một chiều (linear causality) và mô hình mối quan hệ nhân quả vòng xoay (circular causality). Về truyền thống, khi gặp một vấn đề thì người ta thường chỉ xem vấn đề đó ở mối quan hệ nhân quả đường thẳng từ A>B>C. Ví dụ, một anh chồng nghiện rượu thì đổ thừa do vợ anh luôn cằn nhằn nên anh ta chán và tìm rượu giải sầu. Vậy là lỗi do cô vợ hay cằn nhằn. Vì vậy, người ta thường nhắm vào người vợ để thay đổi, chứ không phải ông chồng.

Mô hình nhân quả xoay vòng nhấn mạnh đến hành vi của mỗi cá nhân đều có tác động lên cá nhân khác trong gia đình, vấn đề gia đình đi theo một vòng tròn qua lại, vợ chồng không đổ lỗi cho nhau. Mô hình thay đổi mối quan hệ nhân quả xoay vòng trong trị liệu thì căn nguyên vấn đề không phải chỉ do người vợ. Anh chồng đi uống rượu hoài về nhà vợ cằn nhằn, vợ anh cằn nhằn do anh đi uống rượu hoài và còn nhiều yếu tố khác nữa tác động vào vấn đề này dẫn đến gia đình lục đục triền miên. Ngoài ra, nếu bà vợ thay đổi mà ông chồng không thay đổi thì sẽ tạo là một áp lực ngược lại cản trở sự thay đổi của người vợ. Vì vậy, thay đổi là một quá trình và cấp độ thay đổi nhanh hay chậm, cao hay thấp còn tùy thuộc vào từng cá nhân, từng hoàn cảnh. Thuyết thay đổi nhấn mạnh đến trạng thái cân bằng về cấp độ thay đổi giữa những cá nhân trong gia đình, tạo điều kiện cho sự thay đổi thông qua giao tiếp cởi mở, nhận diện hướng mong muốn, kết quả muốn hướng tới và các lực cản trước khi lên kế hoạch thay đổi.

Khi làm việc với cặp vợ chồng, nhà tham vấn phải giữ vai trò trung lập, lắng nghe các bên, có sự hiếu kỳ, tò mò nhưng không phê phán, làm việc dựa trên các mối quan hệ, tạo điều kiện cho từng người bộc bạch về bản thân, trao đổi cởi mở, và củng cố giá trị bản thân. Ví dụ, ở buổi gặp đầu tiên, nên giới thiệu với thân chủ, mời từng cá nhân trong gia đình tự giới thiệu, không để mẹ giới thiệu dùm con, và mời từng người nói về những điều tích cực, điều muốn thay đổi ở bản thân cũng như viễn cảnh thay đổi cho toàn bộ gia đình. Tuyệt đối không đề cập tới vấn đề khi vừa mới gặp. Qua đó có thể tìm hiểu sự khác biệt trong nhận thức của mỗi người về vấn đề đang diễn ra, tìm ra những nhu cầu, mong đợi cụ th của mỗi cá nhân. Tránh để vợ chồng thân chủ có thể phản bác nhau kịch liệt trước mặt nhà tham vấn và áp dụng những kỹ năng giao tiếp để họ không tranh cãi với nhau, sắp xếp ghế ngồi đối diện với nhà tham vấn, thay vì vợ chồng ngồi đối diện nhau, cho thời hạn bộc bạch, nhìn vào mắt họ… Nếu họ có con nhỏ thì cần có người chăm sóc trong buổi trị liệu. Trước khi kết thúc buổi trị liệu lần đầu thì nhà tham vấn phải tóm tắt lại những thông tin chính, nêu ra những điểm tích cực của mỗi người, điểm chung của những thành viên trong gia đình, vạch ra những mục tiêu cụ thể cho các cá nhân, sắp xếp và lên kế hoạch sẽ làm gì, làm như thế nào, mong muốn đạt kết quả gì cho buổi trị liệu thứ hai.

Thứ ba, quan điểm về giao tiếp trong liệu pháp gia đình

GS. Neal Newfield đưa ra một tình huống giả dụ, “Bạn được một giải thưởng là một vé máy bay khứ hồi và có thể đi đến bất kỳ nước nào mà bạn mong ước. Khi bước lên máy bay, bạn được ngồi ở khoang hạng sang. Xung quanh bạn toàn là những người mà bạn ghét nhưng họ cứ nói chuyện với bạn”. Vậy bạn phải làm gì để tránh những tình huống không muốn giao tiếp nhưng không thể tránh?

Những người tham dự đưa ra nhiều giải pháp như: giả bộ ngủ, giả vờ lắng nghe, đọc sách nhưng thể hiện sự lịch sự bằng cách chào hỏi qua loa rồi đọc tiếp, nói thẳng với người đối diện là mình không muốn nói chuyện với họ.

Theo GS Newfields, ngôn ngữ giao tiếp không lời chiếm 75% và thường người ta hiểu sai và diễn dịch sai. Điều quan trọng chúng ta phải hiểu được giữa lời nói và hành động có phù hợp hay không, hay nói một đường nhưng làm một nẻo. Vì vậy, quan điểm giao tiếp rất quan trọng và được vận dụng nhiều trong trị liệu gia đình. Từ chối giao tiếp cũng là một loại giao tiếp. Nhưng nếu chúng ta từ chối giao tiếp sẽ làm tình hình căng thẳng kéo dài và vấn đề vẫn bị vướng mắc và không được giải quyết. Ví dụ, vợ muốn chồng nói nhưng chồng không nói hay thoái thác sẽ dẫn đến không khi căng thẳng, leo thang. Nếu tình trạng giao tiếp này tái diễn liên tục sẽ dẫn đến đổ vỡ mối quan hệ.

Loại giao tiếp digital và analogic

Giao tiếp theo kiểu digital nghĩa là chỉ đề cập thông tin mang tính sự kiện (fact), kiểu nói bằng lời, điệu bộ chỉ thiên về ý, không có tứ và không theo qui tắc nhất định nên khó đoán và dễ hiểu lầm. Ví dụ, chúng ta dùng tin nhắn (text) mà người nhận không thể giải mã được mối quan hệ cảm xúc của người gửi với thông điệp và dễ đưa đến diễn dịch sai và gây tổn thương trong giao tiếp. Ngược lại, giao tiếp theo kiểu analogic nghĩa là người nhận và người gửi thông điệp đều hiểu được cả ý lẫn tứ, hiểu được nội dung, cảm xúc của người gửi và cả nội hàm trong giao tiếp. Ví dụ, chúng ta dùng tin nhắn nhưng kèm theo những biểu tượng cười. Nhạc, thơ, tranh…là loại giao tiếp analogic không lời.

Loại giao tiếp đối xứng (symmetry) và giao tiếp bổ sung (complementary)

Giao tiếp đối xứng (symmetry) là cả vợ và chồng có đều quyền quyết định bình đẳng như nhau, họ có cùng những suy nghĩ, giá trị, nhận định chung về một vấn đề nào đó. Điều này sẽ dễ dàng cho họ trong giao tiếp vì cả hai bên đều cùng nhìn về một phía. Đối với loại giao tiếp bổ sung (complementary) nghĩa là vợ có điểm mạnh của vợ và chồng có điểm mạnh của chồng. Ví dụ, chồng là người giỏi giao tiếp trong nhà thì người chồng sẽ đảm nhận việc nhận điện thoại khi có ai gọi và giao dịch với những người bên ngoài. Trong khi đó, người vợ lại giỏi về quản lý tài chính trong gia đình thì sẽ đảm nhận vai trò chi thu, cân đối ngân sách trong gia đình. Hai đặc điểm trên của vợ chồng bổ sung cho nhau, giúp gia đình phát triển hài hòa và bền vững.

Vì vậy, khi làm việc với các gia đình, nhà tham vấn cần phải áp dụng loại giao tiếp làm sáng tỏ vấn đề của mỗi cá nhân, tránh việc hiểu lầm trong giao tiếp do nói điều vô nghĩa, nói lạc đề, nói không hết ý.

Thứ tư, phân tích và đánh giá gia đình (family assessment) bằng biểu đồ gia tộc và sinh thái

Nhà tham vấn đánh giá gia đình dựa vào ba điểm chính sau:

·         Tìm hiểu cấu trúc gia đình,

·         Xác định giai đoạn phát triển của gia đình, và

·         Tìm hiểu các chức năng của gia đình.

Về cấu trúc gia đình, nhà tham vấn cần phải xem xét vấn đề của một cá nhân trong một khối thống nhất gồm mối quan hệ bên trong, bên ngoài gia đình và bối cảnh tương tác giữa gia đình và xã hội. Mối quan hệ bên trong cần tìm hiểu xem ai có quyền nhất trong gia đình? Ai có tầm ảnh hưởng nhất trong gia đình? Cách tổ chức gia đình ra sao? Ranh giới giữa các cá nhân trong gia đình thế nào? Về mối quan hệ bên ngoài gia đình, cần tìm hiểu các mối liên hệ với bà con họ hàng và hệ thống cộng đồng xã hội chặt chẽ hay lỏng lẻo? Nhà tham vần cần tìm hiểu về bối cảnh tương tác giữa gia đình và xã hội, họ thuộc sắc tộc, giai cấp xã hội, và tôn giáo nào?

Về xác định giai đoạn phát triển của gia đình, nhà tham vần phải xem xét gia đình này đang ở giai đoạn nào: Giai đoạn người trường thành độc thân, giai đoạn lập gia đình nhưng chưa có con, giai đoạn gia đình có con nhỏ, giai đoạn có con vị thành niên, giai đoạn gia đình có con trưởng thành, hay giai đoạn gia đình lúc cuối đời.

Về chức năng của gia đình, nhà tham vấn cần phác họa được các hoạt động hàng ngày của từng thành viên trong gia đình, ví dụ như phân công lao động theo vai trò giới ra sao, và tâm lý tình cảm của các cá nhân trong gia đình, bao gồm thái độ, các biểu hiện ngôn ngữ có lời và không lời, vai trò của từng người, sắp xếp thứ tự vai vế, các giá trị trong gia đình, ai liên minh với ai?…

Dùng biểu đồ gia tộc (Genogram) and biểu đồ sinh thái (Ecomap)

Biểu đồ gia tộc (genogram) là một bản đồ vẽ ra những tiến trình gia đình cùng những tương tác đã xảy ra trong ít nhất ba thế hệ của một tộc họ. Đi kèm theo sơ đồ này có những sự kiện  quan trọng trong đời sống, bao gồm những thay đổi, các sự kiện, những biến cố trong cuộc sống của mỗi người, các yếu tố quan trọng và những mối quan hệ phức tạp bên trong gia đình.

Nhà tham vấn còn có thể tìm hiểu lịch sử gia đình và các vấn đề của họ thông qua những biểu đồ gia tộc từ đơn giản đến phức tạp.

Cuối cùng, những qui tắc cơ bản khi làm việc với gia đình

Vai trò và nhiệm vụ của tham vấn viên là giúp các thành viên trong gia đình trở nên tích cực thông qua việc tái cấu trúc tổ chức gia đình và giúp họ khơi dậy những điểm mạnh, giá trị cá nhân và gia đình, truyền thông cởi mở để họ tự giải quyết vấn đề gia đình một cách có hiệu quả và có cơ chế, khả năng thay đổi linh hoạt tùy thuộc vào các giai đoạn phát triển của gia đình. Khi cấu trúc tổ chức của gia đình giữ được ổn định, trở nên lành mạnh thì triệu chứng về tâm thần, tình cảm, và xã hội của một cá nhân sẽ thuyên giảm và phục hồi. Vì vậy, nhà tham vấn cần lưu tâm những điểm sau khi làm việc với gia đình:

1.      Làm rõ khái niệm gia đình là khi gia đình có vấn đề sẽ giúp các thành viên gần gũi, gắn kết với nhau hơn,

2.      Xem gia đình cũng là một tiểu hệ thống trong hệ thống xã hội và phải xem xét mối quan hệ của hệ thống gia đình với các hệ thống khác trong bối cảnh chung,

3.      Nhớ về mô hình thay đổi mối quan hệ nhân quả xoay vòng khi nghe thân chủ, khi nghe phải nghe nhiều người, nhiều quan điểm khác nhau và những quan điểm này đều thật với người nói, không phê phán khi nghe các quan điểm khác nhau,

4.      Nêu ra được một vài điểm mạnh của mỗi người, thể hiện sự thân thiện với tất cả, tuyệt đối không bè phái,

5.      Năng động, biết ngắt đúng lúc nếu như tương tác giữa các thành viên trở nên căng thẳng,

6.      Giảm căng thẳng bằng cách giao tiếp trực tiếp với từng thành viên, thay vì để họ giao tiếp với nhau, sắp xếp ghế ngồi hợp lý,

7.      Giúp mọi người cùng hiểu vấn đề, hướng tới những điều mà mọi người đều quan tâm,

8.      Không khuyến kích đổ lỗi và dán nhãn, và

9.      Nhìn, quan sát tương tác (ai nói đỡ cho ai, ai kết tội cho ai, ai đồng minh với ai).

Nhà trị liệu sẽ làm gì với một trường hợp điển cứu sau đây, sau khi đã học những phương pháp trị liệu gia đình ở trên:

“Một bé trai 10 tuổi hay nổi giận với  mẹ của nó. Cậu bé này sống cùng với cha mẹ và một đứa em trong một gia đình. Cậu bé này hay so sánh, phân bì với những người bạn đồng lứa về những gì mà cậu bé không có. Tâm tính của nó thì rất bất thường, lúc thì rất ngoan, lúc khác thì mắng mỏ, giận dữ với mẹ mình. Nếu cậu bé này nhìn thấy người em họ được ôm một cái thì nó liền thể hiện nó muốn được ôm 4 cái. Hình như nó chẳng thích hay muốn bất kỳ những gì có trong gia đình. Cậu bé được đưa đến gặp một nhà trị liệu (NTL) và NTL này khuyên  người mẹ động viên cậu bé và duy trì tình yêu thương vô điều kiện. Mặc dù người mẹ không nói ra rằng bà cảm thấy lo sợ cho sự an toàn của đứa con thứ 2 vì người anh của nó luôn có hành vì bất thường. Người cha thường hăm he, dọa bỏ nhà ra đi vì không khí căng thẳng leo thang trong gia đình. Người cha là người có tính nóng nảy, dù không đánh mắng vợ con nhưng bộc lộ sự khó chịu buồn phiền khi đứa con thường xuyên giận dữ với mẹ nó. Báo cáo cho thấy người mẹ đều chăm sóc yêu thương cả hai người con. Không có chẩn đoán gì về những hành vi của cậu bé.  Quý vị có gợi ý gì cho trường hợp này không? – by Laurel.

Tài liệu tham khảo:

[1] hms-567.blogspot.com

[2] http://www.genopro.com

[3] relationshipadvicecafe.com

[4] en.wikipedia.org

[5] hes310spring2012group9.pbworks.com

SOURCE: Cổng thông tin điện tử của Mạng Công tác xã hội Việt Nam

Trích dẫn từ: http://socialwork.vn/2013/07/24/4000/

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading