admin@phapluatdansu.edu.vn

GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM CHẬM CẢI TỔ

NGUYỄN THIỆN TỐNG 1

Tóm tắt

Giáo dục đại học Việt Nam đã không đổi mới nhanh chóng để đáp ứng và hỗ trợ kịp thời cho giai đoạn phát triển nhanh về kinh tế xã hội vừa qua. Giáo dục đại học Việt Nam hầu như không phát triển trong thập niên 1980 vì ngân sách cho giáo dục đại học miễn phí rất eo hẹp. Sau khi các đại học được thu học phí, số lượng sinh viên đại học Việt Nam trong thập niên 1990 gia tăng đột biến lên 5,6 lần với tốc độ ào ạt gần 20% mỗi năm. Hậu quả là chất lượng giảm sút hết sức trầm trọng. Trong 12 năm vừa qua, số lượng sinh viên tăng 2,4 lần với tốc độ bình quân 8,4% mỗi năm, trong khi các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất – kỹ thuật chưa phát triển đủ để bảo đảm chất lượng đào tạo.

Nhiều vấn đề của giáo dục đại học có nguồn gốc từ sự thiết hụt trầm trọng nguồn tài chánh và quyền tự trị đại học. Học phí là nguồn thu đáng kể cho giáo dục đại học. Ở Việt Nam nguồn thu từ học phí chiếm 40% tổng thu của các trường đại học công lập. Vấn đề khiếm dụng và thất nghiệp trí thức lại càng trầm trọng ở Việt Nam khi cơ cấu tổ chức giáo dục đại học và chương trình đào tạo lạc hậu không phù hợp cho tình trạng đổi mới kinh tế và xã hội. Bằng chứng là sự cách biệt giữa khả năng chuyên môn và ngành nghề của những người tốt nghiệp đại học với nhu cầu kỹ năng mới của thị trường.

“Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”chưa đưa ra biện pháp giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển số lượng với nâng cao chất lượng. Vì thế cần phân tích để thấy rõ rằng cuộc khủng hoảng kép về số lượng và chất lượng của giáo dục đại học nước ta kéo dài trong hơn hai thập kỷ qua có nguyên nhân chủ yếu ở việc tổ chức quản lý giáo dục đại học.

Nhược điểm lớn nhất về tổ chức quản lý của hệ thống giáo dục đại học là sự phân tán trách nhiệm quản lý cho qua nhiều bộ và nhiều tỉnh thành chủ quản. Việc chia cắt các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục đại học giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ ngành khác đã làm cho việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục chồng chéo, phân tán, thiếu thống nhất. Do đó cần bải bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Nhược điểm lớn thứ hai về tổ chức quản lý của hệ thống giáo dục đại học là sự tách rời giữa các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu khoa học. Sự tách rời này làm cho những người làm khoa học ít được tham gia giảng dạy và giảng viên đại học bị hạn chế tham gia việc nghiên cứu khoa học, sinh viên cũng ít được tiếp cận những nhà khoa học giỏi. Chính sự tách rời này làm cho trường đại học chưa thực sự là trung tâm chất lượng về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhược điểm lớn thứ ba về tổ chức quản lý của hệ thống giáo dục đại học nước ta là sự phân tán của quá nhiều học viện và trường đại học chuyên ngành riêng rẽ với các chương trình đào tạo quá hẹp theo mô hình của Liên Xô cũ. Chính việc tổ chức quản lý các trường đại học chuyên ngành có mục tiêu đào tạo nặng về kiến thức cụ thể theo những tiểu chuyên ngành rất hẹp mà người sinh viên không được trang bị một nền tảng vững chắc về giáo dục tổng quát cần thiết cho việc tự học tập suốt đời và khả năng đáp ứng cao với môi trường làm việc thay đổi không ngừng trong tương lai.

Hiện nay Việt Nam hầu như không có các viện đại học đa lĩnh vực loại nghiên cứu và tinh hoa trong đó bao gồm các viện nghiên cứu và phần lớn sinh viên là trên đại học. Mặt khác Việt Nam cũng rất thiếu các trường đại học cộng đồng và cao đẳng ở các tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu gia tăng sinh viên đại chúng mà không làm giảm chất lượng của các viện đại học tinh hoa.

Việt Nam vừa có Luật Giáo Dục Đại Học nhưng mô hình viện đại học đa lĩnh vực và quyền tự trị đại học chưa được coi trọng nên giáo dục đại học sẽ tiếp tục kém hiệu quả và không đáp ứng nhu cầu nhân lực của phát triển.

Nếu Việt Nam chỉ có những đổi mới manh mún và chậm chạp mà không có chủ trương và chính sách cải tổ một cách cơ bản hệ thống giáo dục đại học bằng biện pháp sáp nhập và tái cấu trúc các cơ sở giáo dục đại học thành các viện đại học đa lĩnh vực được giao quyền tự trị đại học cao thì giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục kém hiệu quả, kém chất lượng và không đáp ứng nhu cầu nhân lực của phát triển, rồi biến thành trở lực cho phát triển.

XEM TOÀN VĂN BÀI VIẾT TẠI ĐÂY

1. Tác giả Nguyễn Thiện Tống đã du học ở Australia với Học bổng Colombo Plan năm 1965 và tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ thuật Hàng không năm 1974 ở Viện Đại học Sydney. Ông về nước giữa năm 1974 và dạy từ đó đến nay ở Trường Đại học Kỹ thuật thuộc Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, nay là Trường Đại học Bách Khoa thuộc Viện Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Ông đã du học ở Hoa Kỳ từ năm 1992 với Học bổng Fulbright và tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Hành chính công năm 1994 ở Viện Đại học Harvard. Ông nguyên là Chủ nhiệm Ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh từ 1996 đến 2007, và Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Cửu Long từ 2010 đến 2012. Ông viết rất nhiều bài báo về giáo dục đại học.

SOURCE: TẠP CHÍ THỜI ĐẠI MỚI SỐ 28 – THÁNG 8/2013

Trích dẫn từ: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai28/201328_NTTong.pdf

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading