Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

THOÁI THÁC TRÁCH NHIỆM BẰNG HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU

Advertisements

HOÀNG DUY

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thực hiện hợp đồng khó khăn và không còn có lợi như trước, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tìm cách thoái thác trách nhiệm thực hiện hợp đồng bằng cách đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu.

Hàng loạt hợp đồng được đề nghị tuyên vô hiệu

Khi môi trường kinh doanh thay đổi theo chiều hướng xấu tại nhiều DN, nhiều hợp đồng đã ký kết từ giai đoạn trước không còn mang lại lợi ích, thậm chí sẽ thua thiệt nếu tiếp tục thực hiện. Do đó, không ít DN trì hoãn thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết và khi tranh chấp xảy ra, các bên bèn “săm soi” xem có chỗ nào, điều khoản nào trong hợp đồng có sơ hở để đề nghị Tòa án, Trung tâm trọng tài kinh tế tuyên hợp đồng vô hiệu.

Vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xây dựng và lắp đặt Công trình Thủy điện Mường Hum giữa CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) và CTCP Phát triển năng lượng Sơn Vũ (Công ty Sơn Vũ) là một ví dụ. Theo quy định, mọi công trình xây dựng phải mua bảo hiểm, nhưng khi công trình xây dựng và lắp đặt xong, phía thi công đã không thanh toán nốt phần phí bảo hiểm còn lại. Đến khi bị kiện đòi phí thì Công ty Sơn Vũ phản tố, đề nghị Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu do người ký kết của VASS không có thẩm quyền, mặc dù người có thẩm quyền ký kết của VASS không phản đối và nhận mọi trách nhiệm, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.

Một trường hợp khác là vụ tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần và chuyển giao tài sản giữa CTCP Tập đoàn Y dược Bảo Long và CTCP Bảo Sơn. Sau khi phát sinh tranh chấp, phía Bảo Long đã chỉ ra nhiều yếu tố dẫn đến hợp đồng vô hiệu như người ký kết không đúng thẩm quyền, tài sản chuyển giao vi phạm điều cấm của pháp luật, quyền sở hữu trí tuệ chưa được định giá nên không thể chuyển giao…

Điều 137, Bộ luật Dân sự về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu quy định, giao dịch vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên và khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Nguyên tắc chung là như vậy, nhưng thực tế các vụ tranh chấp cho thấy, khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu, việc hoàn trả nhau những gì đã nhận không dễ dàng, nhất là đối với các thương mua bán, sáp nhập.

Chẳng hạn, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và cam kết chuyển giao tài sản giữa bên mua CTCP Tập đoàn IPA và bên bán là Công ty TNHH Thép Vạn Lợi. Hợp đồng đã bị Tòa sơ thẩm tuyên vô hiệu và xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu chỉ gói gọn bên bán trả lại bên mua 10 tỷ đồng, các vấn đề khác không được xem xét đến. Tuy nhiên, trong thương vụ mua bán nói trên, IPA đã bỏ ra khoảng 300 tỷ đồng để mua cổ phần Thép Vạn Lợi, cũng như tiếp tục đầu tư cho hoạt động của DN này.

Cẩn trọng khi giao kết hợp đồng

Để đảm bảo cho quan hệ pháp luật dân sự, từ hợp đồng nhỏ đến lớn, pháp luật quy định rất nhiều điều kiện, trong đó có hình thức và nội dung. Trong Bộ luật Dân sự, từ Điều 127 đến Điều 138 và Điều 411 có quy định về các trường hợp hợp đồng vô hiệu. Do đó, theo các chuyên gia pháp lý, để bảo vệ mình, có một số trường hợp hợp đồng vô hiệu thường gặp mà DN nên biết để tránh.

Đầu tiên, hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật và trái đạo đức xã hội sẽ bị vô hiệu. Ví dụ, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn khẳng định, mọi giao dịch không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ khi một bên có chức năng hoạt động ngoại hối. Tức là, nếu ký kết hợp đồng bằng ngoại tệ thì vi phạm điều cấm của pháp luật, do đó vô hiệu.

Một dạng thường gặp đối với trường hợp hợp đồng vô hiệu về nội dung, đó là vô hiệu do giả tạo: các bên lập giao dịch để che giấu giao dịch khác. Luật sư Trần Minh Hải lấy ví dụ, để lách quy định trần lãi suất cho vay, các ngân hàng lập hợp đồng tư vấn tài chính với DN để thu thêm vài điểm phần trăm lãi suất/năm, thực chất đây là giao dịch để che giấu giao dịch vay nợ. Tương tự như vậy là hợp đồng hợp tác đầu tư mà các CTCK đã ký với nhà đầu tư trước khi giao dịch ký quỹ (margin) được pháp luật chính thức thừa nhận. Thực chất, CTCK và nhà đầu tư không hợp tác đầu tư gì hết, đó chỉ là hợp đồng giả tạo để che giấu hoạt động tín dụng, vốn là hoạt động mà CTCK không được phép thực hiện.

Về yếu tố hình thức, một số loại hợp đồng được pháp luật quy định chặt chẽ và các bên tham gia giao dịch nếu không tuân thủ thì hợp đồng vô hiệu như: hợp đồng mua bán nhà phải được lập văn bản và có công chứng chứng thực, hợp đồng thế chấp phải đăng ký giao dịch đảm bảo… Thực tế, đã có ngân hàng không đăng ký giao dịch đảm bảo, không công chứng hợp đồng thế chấp tài sản, dẫn đến khi khởi kiện để đòi nợ thì bên vay nợ viện dẫn các quy định nêu trên để yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu.

Theo TS. Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, trường hợp hợp đồng vô hiệu phổ biến đó là vi phạm về thẩm quyền ký kết. “DN khi ký hợp đồng với các đơn vị như chi nhánh, trung tâm, xí nghiệp, trạm trại…, thấy họ có con dấu, tài khoản, hóa đơn chứng từ riêng là yên tâm, mà không biết rằng, thẩm quyền ký kết phải là người đại diện theo pháp luật và phải là con dấu của pháp nhân. Ngoài ra, còn phải xem ai là đại diện theo pháp luật, vì nhiều DN đăng ký người đại diện theo pháp luật không phải là tổng giám đốc, mà là chủ tịch HĐQT, chủ tịch HĐTV”, TS. Hiếu nói.

Gần đây, có một số chứng thư bảo lãnh đã bị ngân hàng từ chối thực hiện trách nhiệm thanh toán, lý do ngân hàng viện dẫn là vì giám đốc chi nhánh ký chứng thư bảo lãnh vượt thẩm quyền.

Luật sư Trần Minh Hải cho biết, trong DN có hai loại thẩm quyền ký kết và quyết định. Đối với CTCP, thẩm quyền quyết định cao nhất thuộc về ĐHCĐ và HĐQT. Thẩm quyền ký kết thuộc về đại diện theo pháp luật được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với hợp đồng có giá trị trên 50% tổng tài sản có trong BCTC gần nhất, thì phải được HĐQT thông qua. Đây là hai quy định về thẩm quyền ký kết mà pháp luật buộc tất cả các bên tham gia giao dịch phải biết.

Về việc ủy quyền, TS. Hiếu lưu ý các DN: nếu người ký kết hợp đồng không phải là đại diện theo pháp luật, thì cần phải có ủy quyền. Phạm vi, thời hạn, nội dung ủy quyền là yếu tố quan trọng, bởi rất có thể người được ủy quyền ký kết hợp đồng không được ủy quyền để ký các phụ lục, bổ sung sửa đổi hợp đồng cũng như thanh lý. Nhiều trường hợp các bên giao dịch nhầm lẫn về “ủy quyền không hủy ngang”. Pháp luật cho phép người ủy quyền có quyền rút lại ủy quyền bất cứ lúc nào, chỉ cần báo trước với người được ủy quyền một thời hạn nhất định, do đó không thể có ủy quyền không hủy ngang. Đối với việc ủy quyền lại, Điều 583, Bộ luật Dân sự cho phép ủy quyền lại nếu như người được ủy quyền ban đầu chấp nhận và phạm vi, nội dung không vượt quá ủy quyền ban đầu. Nhưng như thế không có nghĩa là được ủy quyền nhiều lần, mà chỉ được ủy quyền một lần.

SOURCE: BÁO ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Trích dẫn từ: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/CIJHIH/thoai-thac-trach-nhiem-bang-hop-dong-vo-hieu.html

00
Exit mobile version