admin@phapluatdansu.edu.vn

CÓ NÊN CÔNG NHẬN “TÀI SẢN ẢO” LÀ MỘT LOẠI TÀI SẢN?

THS. LS. PHẠM THANH BÌNH – Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội

Vấn đề tài sản ảo trở nên “nóng” ở Việt Nam khoảng hơn một năm qua cùng với trào lưu chơi trò trực tuyến (game online). Đặc biệt, trong thời gian qua, với quá trình soạn thảo, lấy ý kiến của các ban, ngành, cơ quan chức năng về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật dân sự, vấn đề “tài sản ảo” càng trở nên thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Các hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến về việc có nên công nhận “tài sản ảo” là một loại tài sản được luật dân sự bảo hộ  hay không diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp trái chiều.

Điều 163 Bộ luật dân sự 2005 quy định tài sản bao gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Như vậy, Bộ luật dân sự 2005 mới chỉ liệt kê những đối tượng có thể được coi là tài sản mà không đưa ra khái niệm cụ thể về tài sản, cũng không đưa ra  tiêu chí chung để làm căn cứ xác định đối tượng nào đó có phải là tài sản hay không? Những loại tài sản được liệt kê tại Điều 163 là kết quả của quá trình phát triển giao lưu dân sự, phải thể hiện được ý nghĩa kinh tế của nó để được thừa nhận và thể hiện trong các quy định của pháp luật. Theo tiêu chí này tài sản ảo cũng có thể trở thành loại tài sản mới được pháp luật thừa nhận bởi ý nghĩa kinh tế của nó là hiển nhiên trong giao lưu dân sự, thể hiện qua thực tiễn nó đã là đối tượng của các giao dịch kinh tế liên quan.

Để xác định tài sản ảo là một loại tài sản cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau. Cụ thể:

Về tính pháp lý: Tài sản ảo là một khái niệm rất rộng như tên miền internet, địa chỉ hộp thư điện tử, các loại tài khoản Game Online,… phổ biến nhất là tài sản ảo trong trò chơi trực tuyến, tên miền. Tiếp cận theo nghĩa hẹp, tài sản ảo là các đối tượng ảo trong thế giới ảo, còn theo nghĩa rộng thì tài sản ảo được hiểu là những tài nguyên trên mạng máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự. Khái niệm này được tiếp cận thông qua tư duy lý luận về quyền tài sản.

Quyền tài sản được định nghĩa cụ thể tại Điều 181 Bộ luật dân sự 2005:“Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”. Con người không thể thông qua các giác quan của mình để tiếp cận được với quyền tài sản nên quyền tài sản không tạo cho mọi người khả năng tiếp cận mang tính vật thể mà cần phải xác định loại tài sản này thông qua giá trị thể hiện bằng tiền. Nhờ thông qua giá trị bằng tiền của quyền tài sản mà chúng ta có thể tiếp cận và tạo nên khả năng cảm nhận đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản ảo, đó là quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Điều đó cho thấy, tài sản ảo có bản chất “rất gần” với quyền tài sản và do đó việc thừa nhận nó như một loại tài sản cũng là hợp lý.

Về bản chất: Tài sản ảo (cung, kiếm, áo giáp ảo, tiền ảo …) chỉ là hình ảnh thể hiện ra bên ngoài, mà bên trong chính là thông tin tồn tại dưới dạng các đoạn mã máy tính. Các đoạn mã khác nhau tạo nên những loại tài sản ảo khác nhau. Chính vì vậy, tài sản ảo cũng có sự thống nhất của tính chất nội tại và hình ảnh bên ngoài như bất kỳ tài sản thông thường nào khác. Tuy nhiên, do các đoạn mã máy tính không tồn tại độc lập hoàn toàn nên không thể thực hiện quyền chiếm hữu như tài sản thông thường mà chỉ có thể thực hiện được quyền này thông qua giá trị bằng tiền của tài sản ảo đó. Điều này về bản chất không khác với quyền sở hữu trí tuệ (có tính vô hình) đã được thừa nhận là một loại quyền tài sản. Tương tự như vậy, việc thừa nhận tài sản ảo là các đoạn mã ghi nhận quyền của người chơi sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo hộ và khai thác các lợi ích của tài sản ảo, đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề về tài nguyên mạng đã gây tranh chấp hiện nay.

Về giá trị: Tài sản ảo có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng vì nó đáp ứng những nhu cầu của con người. Game online đáp ứng nhu cầu về giải trí; tên miền cung cấp một hình thức đại diện cho doanh nghiệp, cơ quan, thương hiệu,…

– Trong thực tế, các giao dịch liên quan đến “tài sản ảo” được thực hiện khá phổ biến, mặc dù pháp luật không chính thức thừa nhận và bảo hộ loại tài sản này là đối tượng của giao dịch dân sự nhưng giá trị của các loi tài sản ảo này là rất lớn có thể trị giá hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Ví dụ như trò chơi Game online với tên gọi “Dự án Entropia” được tạo ra ở Thụy Điển với nội dung xây dựng thế giới mới tại hành tinh Calipso và những người chơi đóng vai trò là những cư dân. Cuộc sống mới trên hành tinh này mô phỏng cuộc sống thật trên trái đất và mọi giao dịch thực hiện bằng đô la ảo với giá trị 10 đô la ảo = 1 đô la thật. Mối liên hệ giữa cuộc sống ảo và thực thông qua mối quan hệ tiền tệ dần xóa bỏ tính “ảo” của tài sản trong trò chơi khiến nó thực như bất cứ tài sản nào khác trên trái đất. Điển hình như trường hợp người chơi là David Storey (người Úc) mua một hòn đảo trên Calipso với giá 265.000 đô la ảo = 26.500 đô la thật[1], Jon “Neverdie” Jacobs mua tại phiên đấu giá một khu nghỉ vũ trụ trên quỹ đạo của Calipso với giá 1.000.000 đô la ảo = 100.000 đô la thật[2], hay tên miền vodka.com đã được công ty Russian Standard (Nga) mua với giá 3 triệu đô la[3], tên miền diamond.com với giá 7,5 triệu đô la, tên miền sex.com với giá 12 triệu đô la,… Tại Việt Nam, Công ty an ninh mạng Bkav đã bỏ ra 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com, doanh nhân Phạm Trường Sơn, Giám đốc công ty kinh doanh đồ ảo Market4gamer mạnh tay chi 1,8 tỷ đồng mua lại 02 tài khoản game của game thủ Hắc Điểu; anh Nguyễn Thanh Hùng đã đầu tư vào nhân vật Đường Môn của mình trong game Võ lâm truyền kỳ 1 ở sever Lương Sơn số tiền 700 triệu đồng cho việc sắm đồ hoàng kim, ăn event, nạp thẻ,… Chính từ thực tế đó, ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Thương mại điện tử Việt Nam 2005 cho rằng  "Dù thế nào thì trên thực tế, việc mua bán, trao đổi tài sản trong các trò chơi điện tử vẫn diễn ra. Thậm chí, ở ngoài đời thực, thị trường nhà đất có đóng băng thì những giao dịch địa ốc ảo vẫn rất sôi động. Bộ Thương mại ủng hộ việc công nhận tài sản ảo không phải vì đã có vài doanh nghiệp cung cấp game làm thế mà bởi vì thực tế cần như vậy. Quan trọng là Bộ Thương mại cần phải đưa ra quy định phù hợp nhất cho việc mua bán tài sản ảo".

Việc thừa nhận tài sản ảo là tài sản trong Bộ luật dân sự sẽ giải quyết được các vấn đề còn vướng mắc trên thực tế như sau:

+ Tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các giao dịch liên quan đến tài sản ảo với tư cách là tài sản trong giao dịch dân sự để có thể xác lập quyền sở hữu.

+ Tạo cơ sở để giải quyết các hành vi phạm tội đối với tài sản ảo khi các vụ án hình sự đối với hành vi trộm cắp, lừa đảo tài sản ảo ngày càng gia tăng.

Công nhận tài sản ảo là một xu hướng mới, do đó, vấn đề này cũng còn gặp phải rất nhiều tranh cãi trên thực tế. Tuy nhiên, đây là một đòi hỏi của thực tế cuộc sống, dù muốn hay không thì các giao dịch về tài sản ảo vẫn diễn ra. Trên thế giới, các nước cũng chưa chính thức thừa nhận tài sản ảo trên các văn bản pháp luật, nhưng đã có những hành vi thực tế để dần “luật hóa” tài sản ảo, đó là: Thụy Điển chính thức tuyên bố khẳng định sự hiện diện ngoại giao của mình trong thế giới ảo (trò chơi Second Life), Công ty truyền thông Linchtenstein Creative Media ở Cambridge (Mỹ) thực hiện chương trình truyền thông định kỳ phát sóng trực tuyến cho cộng đồng ảo mỗi tuần 1 giờ từ tháng 8/2006 với trên 250 lần phát sóng,…

Với những lý do đã phân tích ở trên, cùng tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay, việc thừa nhận tài sản ảo là cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Chính vì vậy, chúng tôi mong rằng, vấn đề công nhận tài sản ảo sẽ được nghiên cứu, xem xét và bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật dân sự 2005 sắp tới./.


[1]Xem: Virtual island sells for $26,500 in cyberassets, http://www.newscientist.com/article.ns?id=dn6807, hay bài Gamer buys virtual island for $26,500, http://www.out-law.com/page-5173

[2] Xem: Project Entropia, http://terranova.blogs.com/ terra_nova/2006/05/project_entropi.html, hay bài Gamer buys virtual space station, http://news.bbc.co.uk/2/hi/technology/4374610.stm

[3] Xem: Vodka.com d__c bán vi giá 3 trieu dôla,http://money.cnn.com/2006/12/14/news/funny/vodka_domain.reut/index.htm?postversion=2006121510

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ LIÊN ĐOÀN LUẬT SƯ VIỆT NAM

Trích dẫn từ: http://liendoanluatsu.org.vn/index.php/vi/tin-tuc/phap-luat/1262-co-nen-cong-nhan-tai-san-ao-la-mot-loai-tai-san.html

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading