Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TẠM HOÃN THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THANH TOÁN CỦA DOANH NGHIỆP LÂM VÀO TÌNH TRẠNG PHÁ SẢN

Advertisements

THS. BÙI ĐỨC GIANG – Công ty Luật Audier and Partners Vietnam LLC & NCS khoa Luật, đại học Paris 2, Pháp

Việc thu hồi các khoản vay khi doanh nghiệp đi vay có dấu hiệu mất khả năng thanh toán là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng. Một câu hỏi khá thực tiễn đặt ra là khi doanh nghiệp đi vay lâm vào tình trạng phá sản, bên cho vay có thể yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện việc thanh toán khoản vay hoặc tiến hành khởi kiện hay yêu cầu thi hành án liên quan đến nghĩa vụ thanh toán của bên đi vay hay không?

Về nguyên tắc, doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản – tức là không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu (điều 3, Luật phá sản) – được hưởng việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ về tài sản đối với các chủ nợ của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này giúp cải thiện khả năng thanh khoản của doanh nghiệp và qua đó giúp tăng cường khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa nó cũng phản ánh nguyên tắc chung của pháp luật phá sản là đảm bảo đối xử bình đẳng giữa các chủ nợ không có bảo đảm (pari passu principle) : do doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản không có khả năng thanh toán cho tất cả các chủ nợ nên không phải thanh toán cho bất cứ chủ nợ nào ngay lập tức, tất cả các chủ nợ sẽ được thanh toán một cách công bằng khi thanh lý tài sản của doanh nghiệp.

1. Cấm và đình chỉ việc thanh toán

a) Nguyên tắc chung

Thanh toán khoản nợ có bảo đảm và khoản nợ không có bảo đảm – Luật phá sản đề cập tới việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản trong hai quy định riêng. Khoản 3, điều 27, Luật phá sản liên quan đến trường hợp khoản nợ có bảo đảm trong khi điểm b, khoản 1, điều 31 xử lý trường hợp khoản nợ không có bảo đảm.

Theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 31, kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, nghiêm cấm doanh nghiệp thực hiện việc thanh toán khoản nợ không có bảo đảm. Quy định này là một điều cấm của pháp luật mà nếu vi phạm thì giao dịch thanh toán sẽ vô hiệu (điều 128, Bộ luật dân sự).

Khoản 3, điều 27 của Luật phá sản quy định kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp đối với các chủ nợ có bảo đảm phải tạm thời đình chỉ, trừ trường hợp được Tòa án cho phép.

Thời điểm bắt đầu việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán – Có thể thấy thời hạn bắt đầu việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản là không giống nhau. Thực vậy đối với khoản nợ có bảo đảm, thời hạn bắt đầu việc tạm đình chỉ xử lý tài sản bảo đảm (tức là tạm đình chỉ việc thanh toán khoản vay có bảo đảm) là ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong khi thời điểm mà việc thanh toán các chủ nợ không có bảo đảm bị cấm là ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản. Cần lưu ý là điều 27, Luật phá sản sử dụng thuật ngữ tạm đình chỉ việc xử lý tài sản của doanh nghiệp. Tuy vậy không có bất cứ quy định nào trong pháp luật phá sản chuyển thủ tục này sang thủ tục đình chỉ như đối với trường hợp giải quyết vụ án hay thi hành án về nghĩa vụ tài sản sẽ được phân tích trong phần dưới đây của bài viết. Nếu xuất phát từ quy định tại điều 35, Luật phá sản về việc xử lý các khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản cầm cố, thế chấp theo đó các khoản nợ của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản được bảo đảm bằng tài sản cầm cố hoặc thế chấp được xác lập trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được ưu tiên thanh toán bằng tài sản đó có thể suy ra rằng nguyên tắc tạm hoãn xử lý tài sản bảo đảm (trừ trường hợp được Thẩm phán cho phép) được áp dụng cho tới khi mở thủ tục thanh lý tài sn doanh nghiệp. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là có sự phân biệt đối xử theo hướng bất lợi cho chủ nợ có bảo đảm so với chủ nợ không có bảo đảm trong khi mà theo nguyên lý thông thường thì quyền lợi của chủ nợ có bảo đảm phải được ưu tiên hơn quyền lợi của chủ nợ không có bảo đảm.

Nghĩa vụ được xác lập trước khi thụ lý đơn xin mở thủ tục phá sản – Dù khoản 3, điều 27 và điểm b, khoản 1, điều 31 không nêu rõ tính chất của khoản nợ là đối tượng của giao dịch mà việc thanh toán bị tạm đình chỉ hay bị nghiêm cấm nhưng nếu đọc kết hợp các quy định này với điều 33 của Luật phá sản và điều 1, mục III, Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ngày 28/04/2005 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật phá sản (Nghị quyết 03) có thể suy ra rằng đây là các khoản nợ được xác lập trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Cần phải chỉ rõ thời điểm xác lập, phát sinh quyền đòi nợ. Bộ luật dân sự chỉ nêu các căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự (điều 281) chứ không quy định thời điểm xác lập một nghĩa vụ dân sự. Thông thường, thời điểm phát sinh quyền đòi nợ là thời điểm của sự kiện hay giao dịch pháp lý là căn cứ, nguồn gốc xác lập, phát sinh quyền đòi nợ này. Thời điểm phát sinh quyền đòi nợ khác với thời điểm đến hạn thanh toán của quyền đòi nợ. Như vậy về nguyên tắc, nếu sự kiện hay giao dịch pháp lý diễn ra trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì quyền đòi nợ được xem là phát sinh trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho dù thời điểm đến hạn thanh toán của quyền đòi nợ là khi nào đi chăng nữa.

b) Các ngoại lệ

Xử lý tài sản bảo đảm khi được thẩm phán cho phép – Ngoại lệ thẩm phán cho phép xử lý tài sản bảo đảm nêu tại khoản 3, điều 27 Luật phá sản được cụ thể hóa tại khoản 2.3, điều 1, mục II của Nghị quyết 03 theo đó chỉ trong trường hợp có đầy đủ các điều kiện sau đây, thì Thẩm phán có thể cho phép xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp đối với chủ nợ có bảo đảm :

– Tài sản có yêu cầu xử lý là tài sản bảo đảm cho khoản nợ đã đến hạn;

– Việc xử lý tài sản bảo đảm đó không làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

– Người yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm có đơn yêu cầu, trong đó trình bày các lý do của việc xin xử lý tài sản bảo đảm và xét thấy các lý do đó là chính đáng, việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp đối với chủ nợ có bảo đảm là cần thiết.

Như vậy, nếu như không xét tới yếu tố về thủ tục, về cơ bản để được xử lý tài sản bảo đảm, thì nghĩa vụ được bảo đảm phải đến hạn và việc xử lý tài sản bảo đảm không thực sự có tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Do thẩm phán có toàn quyền xem xét các tiêu chí đánh giá nêu ở trên để cho phép hoặc từ chối việc xử lý tài sản bảo đảm nên các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm như vậy được coi là các ngoại lệ cá biệt.

Bù trừ nghĩa vụ – Theo quy định của Bộ luật dân sự, bù trừ nghĩa vụ là một trong các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự (điều 374 và điều 380). Về bản chất, bù trù nghĩa vụ thực hiện hai giao dịch thanh toán các nghĩa vụ cùng loại đã đến hạn của các bên đối với nhau dưới hình thức rút gọn làm chấm dứt nghĩa vụ có giá trị thấp hơn trong số hai nghĩa vụ được bù trừ. Điều 48 của Luật phá sản cho phép việc bù trừ nghĩa vụ đối với những giao dịch được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản. Chẳng hạn trong trường hợp doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản đã bán thiết bị cho một doanh nghiệp khác và chưa nhận hết số tiền bán thiết bị trong khi doanh nghiệp này có quyền yêu cầu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản phải bồi thường một khoản tiền do thiết bị đã bán có lỗi thì có thể thực hiện việc bù trừ giữa hai nghĩa vụ này. Tương tự một ngân hàng là nơi doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản mở tài khoản thanh toán có thể bù trừ số dư trên tài khoản này với các khoản vay mà ngân hàng đã cấp cho doanh nghiệp trước đó. Có hai điểm đáng lưu ý đối với cơ chế bù trừ. Thứ nhất, ngân hàng nơi doanh nghiệp có tài khoản không được thực hiện việc bù trừ để thanh toán các khoản vay của doanh nghiệp kể từ ngày nhận được quyết định áp dụng thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp (khoản 2, điều 59, Luật phá sản). Thứ hai, quyền bù trừ trong thủ tục phá sản không được mở rộng hay thu hẹp hơn so với quyền bù trừ ngoài thủ tục phá sản.

c) Thanh toán các khoản nợ mới phát sinh

Theo quy định tại khoản 1, điều 30, Luật phá sản, mọi hoạt động của doanh nghiệp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản vẫn được tiến hành bình thường dưới sự giám sát của Thẩm phán và Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Điều này được hiểu là “doanh nghiệp có thể giao kết hợp đồng mới – xuất hiện những chủ nợ mới, các khoản nợ mới[2]”. Điểm e, khoản 2 điều 31, Luật phá sản quy định sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, việc thanh toán các khoản nợ mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán trước khi thực hiện. Tuy nhiên, không có quy định nào trong pháp luật phá sản nêu rõ các căn cứ hay tiêu chí nào mà dựa vào đó Thẩm phán có thể đưa ra quyết định cho phép thanh toán một khoản nợ mới. Yêu cầu phải xin phép thẩm phán trước khi thanh toán khoản nợ mới là một điều đáng tiếc bởi nó không tạo động cơ cho chủ nợ cũ hay mới tham gia một cách “mặn mà” vào quá trình phục hồi doanh nghiệp. Nên quy định theo hướng các quyền đòi nợ của các bên đã cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp được phát sinh hợp pháp sau khi mở thủ tục phá sản sẽ được thanh toán khi đến hạn mà không cần phải xin phép Thẩm phán.

2. Tạm hoãn việc truy cứu trách nhiệm của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản

a) Tạm hoãn việc giải quyết một số vụ án

Tạm đình chỉ từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản – Theo quy định tại khoản 2, điều 27, Luật phá sản, biện pháp tạm đình chỉ cũng được áp dụng cho việc giải quyết vụ án đòi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về tài sản kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Khoản 2.2, điều 2, mục II, Nghị quyết 03 chỉ rõ trong trường hợp doanh nghiệp là đương sự trong vụ án đòi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về tài sản thì Thẩm phán phải gửi văn bản thông báo cho Tòa án đang giải quyết vụ án biết và yêu cầu Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Luật phá sản cũng như Bộ luật dân sự không đưa ra định nghĩa về nghĩa vụ về tài sản nhưng nếu đọc kết hợp các điều từ điều 33 đến điều 42 của Luật phá sản về nghĩa vụ về tài sản đặc biệt là điều 38, có thể dễ nhận thấy nhà làm luật coi các nghĩa vụ về tài sản là các khoản nợ, các quyền đòi nợ hay các nghĩa vụ có đối tượng là một khoản tiền. Cách hiểu này cũng phù hợp với tinh thần chung của Luật phá sản. Như vậy kể từ thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, các chủ nợ không được kiện yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về tài sản và nếu như họ đã khởi kiện trước đó thì các vụ kiện này sẽ tạm thời bị đình chỉ.

Đình chỉ kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản – Việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án đòi doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về tài sản được chuyển thành việc đình chỉ giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ về tài sản mà doanh nghiệp là một bên đương sự trong vụ án đó kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản (khoản 2, điều 57, Luật Phá sản). Trong trường hợp này, bên được doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về tài sản có quyền yêu cầu được thanh toán trong khối tài sản của doanh nghiệp như một chủ nợ không có bảo đảm (khoản 2, điều 58, Luật phá sản) còn nếu bên này phải thực hiện việc thanh toán quyền đòi nợ của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì phải thanh toán cho doanh nghiệp giá trị của quyền đòi nợ đó (khoản 3, điều 58, Luật phá sản).

b) Tạm hoãn việc thi hành án dân sự về tài sản

Tạm đình chỉ từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản – Khoản 1, điều 27 đặt ra nguyên tắc theo đó kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp là người phải thi hành án phải tạm định chỉ. Khoản 2.1, điều 2, mục II, Nghị quyết 03 chỉ rõ trong trường hợp doanh nghiệp là người phải thi hành án dân sự về tài sản, thì Thẩm phán phải gửi văn bản thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự biết và yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự đó ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án dân sự. Có thể thấy đây là một “đặc ân” nữa mà pháp luật dành cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, giúp doanh nghiệp tạm thời bớt gánh nặng về mặt tài chính, tăng hy vọng phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đình chỉ kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản – Tương tự, kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, việc thi hành án dân sự về tài sản đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản bị đình chỉ. Theo quy định tại khoản 1, điều 57, số phận của người được thi hành án phụ thuộc vào việc có hay không có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật kê biên tài sản của doanh nghiệp để bảo đảm thi hành án. Thực vậy, nếu có bản án, quyết định tuyên việc kê biên thì người được thi hành án sẽ trở thành một chủ nợ có bảo đảm và được hưởng quyền ưu tiên thanh toán quy định tại điều 35 của Luật phá sản còn nếu không sẽ chỉ đơn thuần là một chủ nợ không có bảo đảm và chỉ được thanh toán trong khối tài sản của doanh nghiệp mà thôi.

3. Một số khía cạnh khác

a) Duy trì thời hạn của các hợp đồng đã ký trước thời điểm mở thủ tục phá sản

Do khoản 3, điều 27 và điểm b, khoản 1, điều 31 của Luật phá sản quy định việc tạm hoãn thực hiện thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, nên có thể hiểu chủ nợ có khoản nợ xác lập trước thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản dù đã đến hạn về nguyên tắc vẫn không thể yêu cầu doanh nghiệp thanh toán. Nếu xuất phát từ quy định tại điều 34, Luật phá sản theo đó trường hợp Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp thì các khoản nợ chưa đến hạn vào thời điểm mở thủ tục thanh lý được xử lý như các khoản nợ đến hạn, có thể suy luận rằng từ khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hay từ khi có quyết định mở thủ tục phá sản đến khi thực hiện thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp thì thời hạn của hợp đồng vẫn được duy trì một cách bình thường theo quy định của các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong thực tế các hợp đồng thường có điều khoản quy định nghĩa vụ thanh toán một khoản nợ sẽ lập tức đến hạn trong trường hợp một bên lâm vào tình trạng phá sản (chẳng hạn khi có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản) và bên này sẽ phải chịu các khoản tiền phạt hay các chế tài phạt vi phạm hợp đồng khác mặc dù về bản chất không có việc doanh nghiệp không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ. Để bảo vệ tốt hơn doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản trong các mối quan hệ hợp đồng đặc biệt khi việc duy trì các hợp đồng hiện có vốn rất cần thiết cho sự phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, pháp luật phá sản nên nghiêm cấm các điều khoản của hợp đồng quy định việc quyền đòi nợ lập tức đến hạn khi có quyết định mở thủ tục phá sản[3].

b) Lãi suất phát sinh từ quyền đòi nợ

Cũng xuất phát từ quy định tại điều 34, Luật phá sản theo đó trường hợp Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục thanh lý đối với doanh nghiệp thì các khoản nợ chưa đến hạn vào thời điểm mở thủ tục thanh lý được xử lý như các khoản nợ đến hạn nhưng không tính lãi đối với thời gian chưa đến hạn có thể thấy tinh thần của Luật phá sản là các khoản lãi suất vẫn tiếp tục có hiệu lực cho tới thời điểm thanh lý tài sản doanh nghiệp trước khi Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản. Tuy nhiên, do một trong những mục tiêu lớn của pháp luật phá sản là giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động kinh doanh và cụ thể hơn là để giúp doanh nghiệp giảm bớt việc gia tăng gánh nặng nợ mới, nên chăng quy định việc các khoản lãi suất theo luật định hay theo thỏa thuận cũng như các khoản lãi phạt chậm thực hiện nghĩa vụ sẽ bị dừng và không được tính kể từ ngày có quyết định mở thủ tục phá sản trừ đối với các hợp đồng vay trung và dài hạn hay các hợp đồng cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán từ một năm trở lên.

c) Thay đổi tính chất, phạm vi quyền đòi nợ

Doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản không được phép chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp. Điều cấm này được quy định tại điểm d, khoản 1, điều 31, Luật phá sản và được áp dụng kể từ ngày doanh nghiệp nhận được quyết định mở thủ tục phá sản. Mục đích của quy định này là nhằm bảo đảm quyền của các chủ nợ không có bảo đảm khác của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản.

Hơn nữa, Luật phá sản cũng cấm doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản và các bên có nghĩa vụ đối với doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thỏa thuận từ bỏ hay giảm bớt quyền đòi nợ của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản (điểm c, khoản 1, điều 31). Quy định này nhằm bảo toàn tài sản của doanh nghiệp.

Có thể thấy về cơ bản pháp luật phá sản đã có các quy định về việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán của doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng phá sản, giúp cho doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản có thể tạm thời bớt gánh nặng thực hiện các nghĩa vụ thanh toán đồng thời bảo đảm nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các chủ nợ không có bảo đảm vốn là một trong các nguyên tắc cơ bản của hầu hết các nền pháp luật phá sản trên thế giới. Tuy nhiên nhà làm luật cần bổ sung một số quy định mới đối với một số vấn đề còn tồn đọng hay chưa được đề cập như đã được phân tích, đặc biệt cần thống nhất thời điểm bắt đầu thực hiện việc tạm hoãn nghĩa vụ thanh toán đồng thời có thể áp dụng chế độ tạm hoãn cho các khoản nợ nói chung và quy định một số ngoại lệ cụ thể. Cùng với pháp luật về ngân hàng, pháp luật về giao dịch bảo đảm, pháp luật phá sản là một trong ba yếu tố cấu thành pháp luật về tín dụng. Một hệ thống các quy định hiệu quả về phá sản sẽ giúp cải thiện đáng kể các quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Tài liệu tham khảo

  1. Françoise Pérochon et Régine Bonhomme, Entreprises en difficulté, Instruments de crédit et de paiement, L.G.D.J, 8è édition, 2009.
  2. TS. Nguyễn Văn Tý (chủ biên), ThS. Hoàng Minh Chiến và các tác giả khác, Giáo trình Luật thương mại, Tập II, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, tái bản lần thứ 5, 2009.
  3. TS. Nguyễn Thái Phúc, “Luật phá sản năm 2004, những tiến bộ và hạn chế”, Tạp chí Khoa học pháp lý, tháng 3/2004.
  4. Ben Jones and Eva Wilhelm, « Past the point of no return », Corporate Rescue and Insolvency Journal, Volume 4, Issue 2, April 2011.

[1] ThS. Bùi Đức Giang, Công ty Luật Audier and Partners Vietnam LLC & NCS khoa Luật, đại học Paris 2, Pháp.

[2] TS. Nguyễn Thái Phúc, “Luật phá sản năm 2004, những tiến bộ và hạn chế”, Tạp chí Khoa học pháp lý, tháng 3/2004.

[3] Xem thêm, Ths. Bùi Đức Giang, “Pháp luật về thực hiện các hợp đồng đang có hiệu lực trong thủ tục phá sản”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8(292), tháng 8/2012.

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 19, THÁNG 10/2012, TR 33-37

VIỆC ĐĂNG LẠI BÀI VIẾT NÀY PHẢI CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ VÀ CÓ TRÍCH DẪN ĐẦY ĐỦ VỀ NGUỒN

TRA CỨU CÁC BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ TẠI ĐÂY

Exit mobile version