admin@phapluatdansu.edu.vn

BÀN VỀ THUẬT NGỮ “THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC”, “THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHỆ” VÀ “THỊ TRƯỜNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ”

NGUYỄN VÂN ANH – Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu

LÊ VŨ TOÀN – Trường Quản lý KH&CN, Bộ KH&CN

ĐÀM QUANG – Sở KH&CN Thanh Hoá

Thời gian qua, thuật ngữ “thị trường khoa học”, “thị trường công nghệ” và “thị trường khoa học và công nghệ – KH&CN” đã được nhiều tác giả trong nước đề cập, nhưng chưa đi đến thống nhất. Trong khi đó, việc xác định sự tồn tại của các thị trường này lại liên quan mật thiết với việc đề ra chiến lược phát triển hàng hoá liên quan. Vì vậy, chủ đề này được các tác giả bài viết tiếp tục bàn luận nhằm đi đến thống nhất trong việc sử dụng các thuật ngữ nêu trên.

Để làm sáng tỏ các thuật ngữ “thị trường khoa học”, “thị trường công nghệ” và “thị trường KH&CN”, tác giả đi theo các hướng sau: (1) Làm rõ khái niệm thị trường; (2) Làm rõ khái niệm hàng hóa và các thuộc tính của hàng hóa; (3) Làm rõ khái niệm “khoa học”, “công nghệ”, “KH&CN” và việc có tồn tại hay không thị trường của các đối tượng này. Từ đó rút ra kết luận về việc sử dụng các thuật ngữ nêu trên.

Khái niệm thị trường

Hiện nay, khái niệm thị trường có rất nhiều cách tiếp cận, quan điểm khác nhau. Trong công trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Quang Tuấn [1] đã tổng hợp và phân chia thành 3 nhóm như sau:

– Nhóm thứ nhất, đó là cách diễn đạt thị trường như là phương tiện phân bố các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cách hiểu về thị trường này thường được sử dụng trong các nghiên cứu về môi trường và phát triển bền vững. Ở đó sự quan tâm là vấn đề phân bố hiệu quả và bình đẳng các nguồn tài nguyên nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.

– Nhóm thứ hai, thị trường được hiểu là nơi mà những người mua và người bán tiến hành giao dịch. Đây cũng chính là cách hiểu về thị trường tương đối phổ biến ở trong nước và trên thế giới. “Nơi” ở đây không nhất thiết phải là địa điểm có tọa độ địa lý. Mạng Internet và các sàn giao dịch trực tuyến (online), giúp cho người mua và người bán thực hiện các giao dịch mà không nhất thiết phải gặp mặt nhau cũng là thị trường. Các diễn giải về thị trường này thường được sử dụng trong các nghiên cứu và phân tích về phát triển hệ thống, mạng lưới dịch vụ và thương mại của từng quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể.

– Nhóm thứ ba, một cách hiểu khác về thị trường của các nhà kinh tế nhấn mạnh vào thể chế. Các nhà kinh tế tân cổ điển coi thị trường là một thể chế phân bố nguồn lực, quy định sản xuất và phân phối sản phẩm, dịch vụ thông qua hệ thống giá cạnh tranh. Theo cách tiếp cận kinh tế học chi phí giao dịch (transaction cost economics), thị trường được xem như là một thể chế kinh tế (economic institution) để thực hiện các giao dịch kinh tế.

Ngoài ra, còn có nhóm thứ tư, theo quan điểm kinh tế học vi mô và marketing thì thị trường được xem như một tập hợp người mua, người bán có nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ nào đó: “Thị trường là một tập hợp những người mua và người bán tác động qua lại lẫn nhau, dẫn đến khả năng trao đổi” (Nguyễn Đại Thắng, 2005) [2] hay “Thị trường là tập hợp các cá nhân và tổ chức hiện đang có sức mua và có nhu cầu đòi hỏi cần được thỏa mãn” (Philip Kotler). Một số học giả kinh tế khác lại nhấn vào yếu tố dịch vụ của quá trình trao đổi giữa người bán và người mua: “Thị trường là một tập hợp các dàn xếp mà thông qua đó người bán và người mua tiếp xúc với nhau để trao đổi hàng hoá, dịch vụ” (Ngô Đình Giao, 1997) [3]. Tuy nhiên, với cách tiếp cận yếu tố dịch vụ này, có thể xếp vào nhóm thứ 2 trong cách sắp xếp, phân loại của Nguyễn Quang Tuấn đã đề cập ở trên.

Như vậy, mặc dù có nhiều cách diễn giải khác nhau về thị trường, song những cách diễn giải đó không mâu thuẫn nhau, chúng phản ánh sự đa dạng của khái niệm thị trường tương ứng với mỗi nghiên cứu cụ thể. Với cách nhìn tổng thể, (ngoài yếu tố hàng hoá – là điều kiện cần phải có) xét về mặt tổ chức, thị trường hàng hóa gồm 4 yếu cơ bản: 1) Tập hợp người bán (cung); 2) Tập hợp người mua (cầu); 3) Dịch vụ cho quá trình mua bán; 4) Tập hợp các quy định, thỏa thuận (để điều tiết hoạt động mua, bán) hay chính là những thể chế. Đồng nhất với cách nhìn nhận này là những nội dung được đề cập trong giáo trình “Quản lý kinh tế” của Viện Kinh tế, thuộc Học viện Chính trị – hành chính quốc gia Hồ Chí Minh [4]: “Để hình thành thị trường đòi hỏi phải có các yếu tố cơ bản sau: đối tượng trao đổi là hàng hóa, dịch vụ; đối tượng tham gia trao đổi là người mua, người bán; điều kiện thực hiện trao đổi là khả năng thanh toán, địa điểm trao đổi; các thể chế hoặc tập tục (luật chơi) để bảo đảm hoạt động mua bán an toàn, nhanh chóng”.

Hàng hóa và các thuộc tính hàng hóa

Hàng hóa: theo quan điểm của kinh tế chính trị Mác – Lê nin thì: “Hàng hóa là sản phẩm của lao động, có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người và dùng để trao đổi với nhau”[1]. Hàng hóa có thể ở dạng hữu hình như sắt, thép, lương thực, thực phẩm… hoặc ở dạng vô hình như những dịch vụ thương mại, hay dịch vụ của giáo viên, bác sĩ và nghệ sĩ”. Với quan điểm này, hàng hóa chỉ bó hẹp trong “sản phẩm của lao động”.

Luật Thương mại Việt Nam[2] cho rằng: “Hàng hóa bao gồm: a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) những vật gắn liền với đất đai”. Quan điểm này mở rộng hơn, vì thừa nhận “những vật gắn liền với đất đai” hay “những động sản hình thành trong tương lai” cũng đều được coi là hàng hóa. Rõ ràng đây là những hàng hóa có thể chưa phải là sản phẩm của lao động, ví dụ như tài nguyên thiên nhiên…

Thuộc tính hàng hóa: theo quan điểm kinh tế chính trị Mác – Lê nin truyền thống thì hàng hóa có hai thuộc tính: giá trị và giá trị sử dụng. Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của sản phẩm có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người. Còn giá trị của hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa kết tinh trong hàng hóa. Cũng theo quan điểm đó, muốn hiểu được giá trị hàng hóa phải đi từ giá trị trao đổi. Nói một cách khác, chính lao động hao phí để tạo ra hàng hóa là cơ sở chung của việc trao đổi và nó tạo thành giá trị của hàng hóa. Như vậy với quan điểm này, sẽ không thể giải thích được hiện tượng một chiếc áo nếu do người thợ may tại Công ty X (doanh nghiệp may trong nước) sản xuất ra, nếu gắn nhãn hiệu Công ty X, giá chiếc áo chỉ dao động từ 50.000 đến 400.000 đồng. Nhưng cũng chiếc áo ấy, nếu được gắn nhãn hiệu Pierre Cardin sẽ có giá lên tới hàng triệu đồng. Điều đó chỉ giải thích được bằng tính khác biệt của hàng hóa, trong trường hợp này là do thương hiệu Pierre Cardin[3] mang lại.

Ngoài ra, trong một công trình nghiên cứu, Nguyễn Quang Tuấn đã thống nhất với McAfee & Stanley cho rằng hàng hóa còn có tính khan hiếm [6]. Điều này được giải thích rõ ràng nhất đối với hàng hóa là tài nguyên thiên nhiên – hiểu dưới góc độ khả năng tái tạo như sự hình thành các nguồn dầu mỏ trong tự nhiên.

Tóm lại, đối với khái niệm hàng hóa trong bài viết này, chúng ta sẽ sử dụng khái niệm hàng hóa được đề cập trong Luật Thương mại Việt Nam. Đồng thời hàng hóa có 4 thuộc tính, đó là (1) giá trị; (2) giá trị sử dụng; (3) tính khác biệt; (4) tính khan hiếm.

Một điều cần thiết nữa phải được đề cập là, hàng hóa được giao dịch trên thị trường thông qua hoạt động thương mại. Theo Luật Thương mại Việt Nam thì: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.

“Công nghệ”, “khoa học”, “KH&CN”

Để hiểu các đối tượng “công nghệ”, “khoa học”, “KH&CN” có phải là hàng hóa hay không, chúng ta sẽ xem xét các khái niệm về chúng.

Công nghệ: trong từ điển kỹ thuật của Liên Xô trước đây: “Công nghệ là tập hợp các phương pháp gia công, chế tạo, làm thay đổi trạng thái, tính chất, hình dáng nguyên, vật liệu hay bán thành phẩm sử dụng trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh”. Theo quan niệm này, công nghệ chỉ liên quan đến sản xuất vật chất.

Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Economic and Social Commission for Asia and the Pacific – ESCAP) cho rằng: “Công nghệ là kiến thức có hệ thống về quy trình và kỹ thuật dùng để chế biến vật liệu và thông tin. Nó bao gồm kiến thức, thiết bị, phương pháp và các hệ thống dùng trong việc tạo ra hàng hóa và cung cấp dịch vụ” [5]. Định nghĩa công nghệ của ESCAP được coi là bước ngoặt trong quan niệm về công nghệ. Theo đó, không chỉ sản xuất vật chất mới dùng công nghệ, mà khái niệm công nghệ được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội. Những lĩnh vực công nghệ mới mẻ dần trở thành quen thuộc: công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ ngân hàng, công nghệ du lịch, công nghệ văn phòng…

Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) Việt Nam[4] định nghĩa: “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”. Như vậy, Luật CGCN thống nhất với ESCAP ở điểm: công nghệ có trong mọi ngành, mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, Luật CGCN cũng khác với ESCAP ở chỗ: công nghệ có thể có hoặc không liên quan đến phần cứng (thiết bị) để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.

Cũng cần lưu ý rằng, trong nhiều trường hợp khi cần thiết, người ta vẫn thừa nhận những định nghĩa công nghệ khác cho một mục đích nào đó. Ví dụ, trong lý thuyết tổ chức, người ta coi “công nghệ là khoa học và nghệ thuật dùng trong sản xuất, phân phối hàng hóa và dịch vụ”. Hay theo như TS Nawaz Shariff – Giám đốc Trung tâm CGCN châu Á – Thái Bình Dương (APTCC) đã viết trong lời nói đầu cuốn “Atlat công nghệ”: “Công nghệ là trò chơi của người giàu, là ước mơ của người nghèo, là chìa khoá của người khôn ngoan”.

Trong khuôn khổ bài viết này, khái niệm công nghệ được thống nhất theo quan điểm của Luật CGCN. Các tác giả của bài viết này cũng thống nhất với nhận định của các tác giả có các công trình nghiên cứu liên quan đến thuật ngữ “thị trường công nghệ” cho rằng, công nghệ là hàng hóa. Bởi công nghệ đều thỏa mãn 4 thuộc tính của hàng hóa: (1) về mặt giá trị (kết tinh từ sức lao động trí tuệ của con người) có thể mua bán, trao đổi; (2) giá trị sử dụng: được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh; (3) tính khác biệt: thể hiện ở tính mới, sáng tạo; (4) tính khan hiếm: được Nhà nước bảo hộ độc quyền khi thỏa mãn điều kiện xác định. Thực tế ở nước ta, hoạt động giao dịch công nghệ đã và đang diễn ra thông qua một số hình thức phổ biến như Techmart, sàn giao dịch công nghệ,…

Khoa học: theo Luật KH&CN Việt Nam[5] thì: “Khoa học là hệ thống tri thức về các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy”. Đồng nhất với quan điểm này là nội dung được đề cập trong từ điển New Collegiate: khoa học là tri thức nhận được qua nghiên cứu và thực nghiệm [6].

Với quan niệm về khoa học theo khái niệm của Luật KH&CN Việt Nam thì một số nhà nghiên cứu cho rằng, khoa học thỏa mãn hai thuộc tính hàng hóa theo quan điểm của Mác, đó là giá trị (là kết tinh của sức lao động con người) và giá trị sử dụng (là tiền đề, nền tảng cho các nghiên cứu ứng dụng). Tuy nhiên lại không thoả mãn thuộc tính “tính khan hiếm” được đề cập nêu trên, vì ai cũng có quyền khai thác, sử dụng, do vậy sẽ không tồn tại thị trường khoa học [6]. Nhận định này là chưa thuyết phục, bởi lẽ hàng hóa ra đời là nhờ phân công lao động xã hội. Phân công lao động xã hội tạo ra sự chuyên môn hóa lao động. Mỗi người sản xuất chỉ tạo ra một hoặc một vài loại sản phẩm nhất định. Song, cuộc sống của mỗi người là cần đến rất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Để thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi, họ phải có mối liên hệ phụ thuộc vào nhau, trao đổi sản phẩm cho nhau. Khi đó, chi phí cơ hội sẽ chính là nguyên nhân để các bên tiến hành mua bán các sản phẩm của nhau.

Bên cạnh đó, khi tra cứu các nguồn tài liệu khác thì thuật ngữ “khoa học” còn mang các hàm nghĩa: theo Siepmann (1999), khoa học được xem như là một lĩnh vực nghiên cứu nhằm mô tả và tìm hiểu bản chất của vũ trụ hoặc một phần của vũ trụ [6]. Theo từ điển Anh – Anh[6] thì “khoa học – science” bao hàm các nghĩa sau: 1. Hệ thống tri thức thu được bằng cách quan sát và thử nghiệm thực tiễn về thế giới vật lý, quy luật tự nhiên và xã hội; 2. Chỉ những nhánh của các lĩnh vực nghiên cứu như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hoặc chỉ kỹ năng của các chuyên gia.

Theo kết quả tổng hợp của Vũ Cao Đàm[7], về cơ bản có 4 định nghĩa về khoa học dựa trên 4 cách tiếp cận: khoa học là một hệ thống tri thức; khoa học là một hoạt động sản xuất tri thức; khoa học là một hình thái ý thức xã hội; khoa học là một thiết chế xã hội.

Như vậy, có thể thấy khoa học không những là hệ thống tri thức theo định nghĩa của Luật KH&CN của Việt Nam mà còn mang nhiều hàm nghĩa khác như chỉ cách thức thực hiện; hoặc là một ngành, một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể; hoạt động sản xuất tri thức, hình thái ý thức xã hội hay thiết chế xã hội. Đây cũng là quan điểm của tác giả liên quan đến nội dung về khái niệm về khoa học. Việc tồn tại thị trường khoa học hay không sẽ được đề cập tiếp trong phần trình bày dưới đây.

KH&CN: Ngoài hàm nghĩa của một tập hợp lớn “KH&CN” bao trùm lên 2 tập hợp con là “khoa học” và “công nghệ”, nó còn mang hàm nghĩa là kết quả của một quá trình của hoạt động KH&CN.

Theo Luật KH&CN, “Hoạt động KH&CN bao gồm nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ, dịch vụ KH&CN, hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp ]ý hóa sản xuất và các hoạt động khác nhằm phát triển KH&CN”. Trong đó: “Nghiên cứu khoa học là hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo các giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Nghiên cứu khoa học bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng” và “Phát triển công nghệ là hoạt động nhằm tạo ra và hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới. Phát triển công nghệ bao gồm triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm”. Như vậy, trong các hoạt động KH&CN, thì hoạt động “nghiên cứu và phát triển công nghệ” cho sản phẩm chắc chắn là công nghệ chúng ta không cần đề cập sâu. Nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học, ngoài hoạt động nghiên cứu cơ bản cho kết quả là hệ thống tri thức hay chính là khoa học (theo định nghĩa của Luật KH&CN Việt Nam), thì hoạt động nghiên cứu ứng dụng sẽ cho sản phẩm tạm được gọi với tên chung là “kết quả nghiên cứu” (KQNC) (xem hình 1).

clip_image002

Hình 1: hoạt động nghiên cứu khoa học và kết quả

(Nguồn: Tổng hợp của các tác giả, 2012)

KQNC có thể là công nghệ, hoặc không là công nghệ nhưng vẫn có thể thương mại hóa. Ví dụ, để hình thành một công nghệ cụ thể, phải bắt đầu từ các ý tưởng nghiên cứu. Khi đó ý tưởng nghiên cứu chưa phải là công nghệ nhưng vẫn có thể được thương mại hoá, nếu ý tưởng đó hội tụ đầy đủ các cơ sở khoa học để nghiên cứu phát triển thành một công nghệ. Vấn đề này đã từng được tác giả bài viết đề cập khá cụ thể[8]. Có nghĩa rằng, trong những điều kiện xác định, nhiều KQNC thỏa mãn cả 4 thuộc tính của hàng hóa – như hàng hóa công nghệ đã chứng minh ở trên. Điều đó cũng nói lên rằng, khi khoa học mang hàm nghĩa là hoạt động sản xuất tri thức thì sẽ cho kết quả là hàng hóa, đồng nghĩa với việc tồn tại thị trường khoa học.

Mặt khác, trên thực tế, nhiều tạp chí khoa học nổi tiếng trên thế giới, ngoài việc là diễn đàn trao đổi học thuật của các nhà khoa học, các tạp chí đạt được doanh thu rất lớn từ dịch vụ cung cấp thông tin khoa học – những KQNC trên thế giới. Tuy nhiên, khác với thị trường công nghệ, hoạt động thương mại trên thị trường này “kén đối tượng” hơn – tạo ra một phân khúc thị trường đặc thù mà bên cầu thường lại chính là giới học thuật để tiếp tục những định hướng nghiên cứu mới hoặc bước sang lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, nhưng số lượng giao dịch trên thị trường thường nhỏ hơn so với thị trường công nghệ. Tuy nhiên, các nước phát triển trên thế giới rất quan tâm đến việc phát triển loại hình thị trường này thông qua việc dành rất nhiều kinh phí đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản, đưa ra nhiều ưu đãi, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà khoa học để phát triển hoạt động nghiên cứu cơ bản làm nền tảng vững chắc cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng.

Hơn thế nữa, hiện nay thế giới đang bàn đến việc có hình thức bảo hộ tri thức truyền thống[9] – một loại hình của hệ thống tri thức được đề cập đến khái niệm khoa học trong Luật KH&CN. Chính tác giả của một bài viết đại diện cho trường phái khẳng định chỉ tồn tại thị trường công nghệ[10] cũng có một bài viết khá hay nhằm mục đích để bảo hộ và thương mại hóa loại hình hàng hóa đặc biệt này[11].

Khi bàn về thị trường hàng hóa nào đó, như đã đề cập ở phần đầu bài viết, ngoài hàng hóa, còn có thêm các yếu tố khác liên quan đến các đối tượng tham gia giao dịch là thể chế, cung, cầu, dịch vụ. Đây chính là những tác nhân quan trọng để hình thành nên thị trường, quyết định quy mô của thị trường. Cần thiết phải nhấn mạnh rằng, khi bàn đến thị trường hàng hóa nào đó thì hàng hóa chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải đề cập thêm đến các yếu tố của thị trường nêu trên.

Trong trường hợp cụ thể của bài viết, các yếu tố của thị trường KH&CN Việt Nam đã hiện diện đầy đủ: (1) về thể chế, chúng ta có Luật KH&CN và các luật khác liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN là Bộ KH&CN (cấp trung ương), các Sở KH&CN (cấp địa phương); (2) về dịch vụ, tồn tại dịch vụ KH&CN (được khẳng định ngay trong Luật KH&CN) như các trung tâm thông tin KH&CN; (3) bên cung, là đội ngũ nhân lực KH&CN; (4) bên cầu, là các bên có nhu cầu và/hoặc có khả năng đáp ứng nhu cầu về KH&CN như Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân. Số lượng giao dịch hàng hóa KH&CN trên thị trường ở nước ta tuy chưa nhiều nhưng đủ lớn được thể hiện qua các hợp đồng CGCN, hợp đồng mua bán hàng hóa có gắn với công nghệ, hợp đồng hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài liên quan đến yếu tố công nghệ, các hợp đồng cung cấp thông tin KH&CN… Hình thức hàng hóa KH&CN xuất hiện trên thị trường cũng khá đa dạng phong phú, từ công nghệ, đến các KQNC khác như ý tưởng, cơ sở dữ liệu liên quan đến các công trình nghiên cứu…

Nếu chúng ta chỉ công nhận thị trường công nghệ mà không thừa nhận thị trường khoa học hay thị trường KH&CN, thì sẽ xảy ra một nghịch lý là, khi xét đến “bên cung”: mặc dù có nhiều nhà sáng chế nhỏ cung cấp công nghệ trên thị trường, nhưng hiện nay tính trên bình diện trong nước lẫn quốc tế người tạo ra hàng hóa công nghệ chủ yếu lại là các nhà khoa học. Nếu khẳng định chỉ tồn tại thị trường công nghệ khác nào phủ nhận công lao đóng góp tạo ra công nghệ của các nhà khoa học trên thị trường. Đồng thời, về cơ bản không thể có được công nghệ – tức là có năng lực công nghệ nội sinh (nguồn cung công nghệ trong nước) nếu không có hoạt động nghiên cứu khoa học (ngoại trừ các trường hợp phải cậy nhờ đến các yếu tố ngoại sinh hoặc phi thị trường khác như đi mua, ăn trộm, đi xin…).

Kết luận

Qua phần trình bày nêu trên, đi đến một số kết luận như sau:

– Khi bàn về thị trường, dưới góc độ tổ chức, ngoài hàng hóa chúng ta sẽ xem xét với 4 yếu tố cơ bản: thể chế, cung, cầu, dịch vụ. Hàng hóa giao dịch trên thị trường ngoài các thuộc tính: (1) giá trị, (2) giá trị sử dụng còn bao hàm thêm các thuộc tính: (3) khác biệt, (4) khan hiếm. Tất cả các đối tượng thỏa mãn 4 thuộc tính trên đều là hàng hóa xác định.

– Hàng hóa “KH&CN” được xem xét là kết quả của hoạt động KH&CN.

– Tồn tại cả 3 khái niệm thị trường: thị trường khoa học, thị trường công nghệ và thị trường KH&CN. Tùy từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể, chúng ta sử dụng các thuật ngữ trên cho phù hợp. Khi đề cập đến thị trường công nghệ, là nhấn mạnh đến tính ứng dụng rộng rãi của các KQNC trong đời sống. Tuy nhiên, một quốc gia không thể có nền khoa học mạnh nếu không đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản, tức là phát triển thị trường khoa học, hay như một tác giả đề cập rằng, “không thể có một cây khỏe mạnh nếu chỉ quan tâm đến phần ngọn mà không chăm sóc đến phần gốc, rễ của cây”. Việc sử dụng thuật ngữ “thị trường KH&CN” sẽ phản ánh đầy đủ các yếu tố hình thành nên thị trường, đồng thời sẽ bao quát đầy đủ cả hai loại hàng hóa thuộc thị trường khoa học và thị trường công nghệ nêu trên.

Từ các phân tích của bài viết cũng cho thấy sự cần thiết phải chỉnh sửa lại khái niệm về khoa học trong Luật KH&CN cho phù hợp.

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Quang Tuấn (2010), Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chương trình phát triển thị trường công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Bộ KH&CN, 2010.

[2] TS Nguyễn Đại Thắng (2005), Giáo trình Kinh tế học vi mô, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2005.

[3] GS.TS Ngô Đình Giao (1997), Kinh tế học vi mô, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1997.

[4] Viện Kinh tế – Học viện Chính trị – hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (2011), Giáo trình quản lý kinh tế, Nhà xuất bản Chính trị – hành chính, Hà Nội, 2011.

[5] Bộ KH&CN (2001), Cẩm nang chuyển giao công nghệ, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2001.

[6] Nguyễn Quang Tuấn (2010), Sự phát triển của hàng hóa phổ dụng và thị trường công nghệ ở Việt Nam.


[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình kinh tế chính trị Mác – Lê nin dùng cho khối ngành kinh tế – quản trị kinh doanh trong các trường đại học, cao đẳng.

[2] Luật Thương mại số 36/2005/QH 11 ngày 14.6.2005.

[3] Theo http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/kinh-nghiem/2011/05/pierre-cardin-rao-ban-thuong-hieu-1-ty-euro/ hãng Pierre Cardin đang rao bán thương hiệu với giá 1 tỷ Euro tương đương với 1,4 tỷ USD.

[4] Luật CGCN số 80/2006/QH11 ngày 29.11.2006.

[5] Luật KH&CN số 21/2000/QH10 ngày 9.6.2000.

[6] Oxford advanced learner’s dictionary, trang 810.

[7] Vũ Cao Đàm (2009), Tuyển tập các công trình đã công bố, tập III, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2009.

[8] Xem: Nguyễn Vân Anh (2011), “Thương mại hóa kết quả nghiên cứu – Nhìn từ góc độ của quá trình R&D”, Tạp chí Hoạt động Khoa học số 626, tháng 7.2011, tr 24 -27.

[9] Phạm Phi Anh (2005), Bảo hộ tri thức truyền thống, Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 9. 2005.

[10] Trần Văn Hải (2012), Thuật ngữ “Thị trường KH&CN”, “Thị trường công nghệ” tiếp cận từ pháp luật về sở hữu trí tuệ, Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 7. 2012.

[11] Trần Văn Hải (2012), Khai thác thương mại đối với tri thức truyền thống, tiếp cận từ quyền sở hữu trí tuệ, Tạp chí Hoạt động Khoa học số tháng 3.2012.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỐ THÁNG 10/2012 (641)

BÀI ĐĂNG DƯỚI SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

CÁC BẠN TRA CỨU BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ TẠI ĐÂY

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading