admin@phapluatdansu.edu.vn

MỐI QUAN HỆ GIỮA LUẬT HỘ TỊCH VỚI LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VÀ TÁC ĐỘNG CỦA CÁC CHẾ ĐỊNH HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH ĐẾN DỰ ÁN LUẬT HỘ TỊCH [1]

NGUYỄN HỒNG HẢI

1. Về mối quan hệ giữa Luật Hộ tịch với Luật HN-GĐ

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Luật HN-GĐ), phạm vi điều chỉnh của Luật HN-GĐ là quy định chế độ hôn nhân và gia đình, trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam (Điều 1). Theo dự thảo Luật Hộ tịch, phạm vi điều chỉnh của Luật Hộ tịch là quy định nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cơ sở dữ liệu điện tử; thống kê hộ tịch và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quan lý nhà nước về hộ tịch (Điều 1). Như vậy, việc xác định phạm vi của Luật Hộ tịch trong mối quan hệ với Luật HN-GĐ là rất cần thiết nhằm phân định rõ ràng hơn những nội dung, vấn đề cần được quy định, giải quyết ngay trong Luật Hộ tịch cũng như trong Luật HN-GĐ cho phù hợp với thực tiễn và trong bối cảnh giữa hai luật có những điểm chung, giao thoa và gắn kết với nhau.

Về quan hệ giữa hai Luật, có thể tiếp cận theo hai phương diện:

Thứ nhất, trên phương diện luật nội dung và luật hình thức, Luật HN-GĐ quy định về các quyền, nghĩa vụ về hôn nhân và gia đình và Luật Hộ tịch quy định thủ tục đăng ký hộ tịch nhằm tôn trọng và bảo đảm các quyền, nghĩa vụ đó. Ở phương diện này, xét về kỹ thuật lập pháp, những quy định về thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch liên quan đến các quan hệ hôn nhân và gia đình cần được quy định trong Luật Hộ tịch không quy định trong Luật HN-GĐ, đồng thời cũng không đưa vào trong Luật Hộ tịch những quy định về các quyền, nghĩa vụ của cá nhân trong các quan hệ hôn nhân và gia đình. Ví dụ, Luật HN-GĐ quy định quyền kết hôn và các điều kiện kết hôn, Luật Hộ tịch quy định về thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn.

Quy định như vậy sẽ đảm bảo xác định được rõ ràng, cụ thể phạm vi điều chỉnh của hai luật, đồng bộ, thống nhất trong quy định về quyền, nghĩa vụ hôn nhân và gia đình, các quy định về đăng ký hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch cũng có sự đồng bộ, thống nhất hơn.

Tuy nhiên, nếu thuần túy trên phương diện luật nội dung và luật hình thức để xác định quy định nào đưa vào luật nào cũng có điểm cần cân nhắc, bởi vì việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và đăng ký một quyền về hôn nhân và gia đình không đơn giản là một thủ tục mà nó thuộc nội dung quyền của cá nhân. Mặt khác, nếu Luật Hộ tịch thuần túy chỉ quy định về thẩm quyền, thủ tục thì cũng chưa đảm bảo hết vị trí của Luật Hộ tịch là đạo luật trực tiếp liên quan đến phạm trù quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền về hôn nhân và gia đình nói riêng.

­- Thứ hai, trên phương diện luật chung và luật riêng, Luật HN-GĐ là luật chung quy định về chế độ hôn nhân và gia đình, trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, còn Luật Hộ tịch là luật riêng quy định về thẩm quyền, nguyên tắc, thủ tục đăng ký hộ tịch trong các quan hệ hôn nhân và gia đình. Ở phương diện này, giữa hai Luật có những điểm chung, sự giao thoa và gắn kết với nhau tương đối rõ nét. Luật HN-GĐ vẫn có các quy định có tính nguyên tắc về trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nghi thức trong đăng ký hộ tịch về hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch sẽ cụ thể hóa các quy định có tính nguyên tắc trên của Luật HN-GĐ, đồng thời quy định cụ thể về thủ tục đăng ký hộ tịch về hôn nhân và gia đình thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về hộ tịch. Trong áp dụng pháp luật về đăng ký hộ tịch, các quy định của Luật Hộ tịch được ưu tiên áp dụng, quy định có tính nguyên tắc của Luật HN-GĐ được áp dụng khi Luật Hộ tịch không có quy định.

Quy định như vậy sẽ đảm bảo được sự đồng bộ trong một thể thống nhất về quy định quyền và cơ chế bảo đảm công nhận, thực thi quyền về hôn nhân và gia đình.

Tuy nhiên, với yêu cầu của việc hoàn thiện thể chế, góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, có hiệu lực cao cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, từ đó tạo chuyển biến cơ bản, từng bước chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác quản lý và đăng ký hộ tịch, Luật Hộ tịch cũng cần có những nội dung, quy định mang tính đột phá. Những quy định này phải vượt lên một số quy định hiện thời của Luật HN-GĐ và các luật nội dung khác có liên quan chưa thực sự theo kịp với yêu cầu cuộc sống, đặc biệt là chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, tôn trọng và bảo đảm tốt hơn các quyền nhân thân của cá nhân, trong đó có các quyền về hôn nhân và gia đình.

Theo cách tiếp cận đó, với tư cách là luật riêng, Luật Hộ tịch hoàn toàn có thể quy định những nội dung mà Luật HN-GĐ và các luật nội dung khác chưa quy định hoặc đã quy định nhưng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay, nếu chờ để sửa đổi, bổ sung các luật nội dung thì sẽ chậm và không đồng bộ với dự án Luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân. Ví dụ: (1) Đối với kết hôn giữa công dân Việt Nam tại Việt Nam, dự thảo Luật Hộ tịch quy định Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý Sổ Bộ hộ tịch hoặc nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký kết hôn (Luật HN-GĐ chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ); (2) Đối với kết hôn có yếu tố nước ngoài, dự thảo Luật Hộ tịch đã có sự đột phá khi quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp Huyện về việc đăng ký kết hôn (Luật HN-GĐ quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thuộc về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

Với phân tích như trên, theo quan điểm của chúng tôi, khi xây dựng Luật Hộ tịch cần xem xét mối quan hệ giữa Luật này với Luật HN-GĐ và các luật nội dung khác trên cả hai phương diện: Luật Hộ tịch là luật hình thức, đồng thời cũng là luật riêng của luật nội dung. Tiếp cận như vậy sẽ đạt được các mục tiêu: (1) đảm bảo xác định được rõ ràng, cụ thể phạm vi điều chỉnh của hai luật; (2) đảm bảo được sự đồng bộ trong một thể thống nhất về quy định quyền và cơ chế bảo đảm công nhận, thực thi quyền về hôn nhân và gia đình, khắc phục được những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật HN-GĐ không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay; (3) tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, có hiệu lực cao cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, từ đó tạo chuyển biến cơ bản, từng bước chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa công tác quản lý và đăng ký hộ tịch.

2. Về tác động của các chế định hôn nhân và gia đình đến dự án Luật Hộ tịch

2.1. Chế định kết hôn và đăng ký kết hôn (Điều 8 – Điều 17 Luật HN-GĐ năm 2000)

* Kết hôn và đăng ký kết hôn theo quy định của Luật HN-GĐ

Kết hôn theo quy định của Luật HN-GĐ là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn (khoản 2 Điều 8). Như vậy, việc kết hôn chỉ có giá trị về pháp lý khi việc kết hôn được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 1 Điều 11) và không vi phạm các điều kiện kết hôn theo luật định (Điều 9 và Điều 10). Trong đó, đăng ký kết hôn vừa là quyền của cá nhân đối với Nhà nước về hợp thức hóa việc kết hôn của mình, vừa là thủ tục do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện, các bên kết hôn phải tuân thủ để để hợp thức hóa việc kết hôn của họ.

Các nước trên thế giới tùy theo đặc thù của hệ thống pháp luật quốc gia, quy định về đăng ký kết hôn trong Bộ luật Dân sự, Luật HN-GĐ hoặc trong văn bản luật riêng về hộ tịch, nhưng nhìn chung có hai nghi thức đăng ký kết hôn được thừa nhận: nghi thức dân sự (do cơ quan nhà nước thực hiện – được áp dụng ở hầu hết các quốc gia) và nghi thức tôn giáo (do nhà thờ được nhà nước cấp phép thực hiện – phổ biến ở các nước có quốc giáo là đạo cơ đốc). Ngoài ra, ở những nước thừa nhận hôn nhân thực tế (chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn theo nghi thức luật định) thì nghi thức kết hôn theo truyền thống, tập quán cũng có thể là căn cứ để Tòa án xem xét tính hợp pháp của hôn nhân. Dù có khác biệt về nghi thức đăng ký kết hôn, nhưng một điểm chung giữa các quốc gia là việc tuân thủ các điều kiện kết hôn là một yêu cầu nghiêm ngặt đối với các bên kết hôn để đảm bảo việc kết hôn không trái pháp luật.

Luật HN-GĐ Việt Nam quy định nghi thức dân sự (đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền) là nghi thức đăng ký kết hôn duy nhất được thừa nhận, việc kết hôn theo nghi thức tôn giáo hoặc theo nghi thức truyền thống được tôn trọng về tín ngưỡng, văn hóa và đạo đức, nhưng không có giá trị về pháp lý (khoản 1 Điều 11). Trong trường hợp việc kết hôn được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhưng vi phạm một trong các điều kiện kết hôn theo luật định thì việc kết hôn đó là trái pháp luật và có thể bị tòa án xử hủy (khoản 3 Điều 8 và Điều 16).

Về thẩm quyền đăng ký kết hôn, Điều 12 Luật HN-GĐ quy định: “Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn là cơ quan đăng ký kết hôn. Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài là cơ quan đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau ở nước ngoài”. Về thủ tục đăng ký kết hôn, Điều 13 Luật này quy định: “1. Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về hộ tịch, cơ quan đăng ký kết hôn kiểm tra hồ sơ đăng ký kết hôn; nếu xét thấy hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn tổ chức đăng ký kết hôn.

2. Trong trường hợp một bên hoặc cả hai bên không đủ điều kiện kết hôn thì cơ quan đăng ký kết hôn từ chối đăng ký và giải thích rõ lý do bằng văn bản; nếu người bị từ chối không đồng ý thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật”.

Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên (Điều 14).

* Tác động đến dự án Luật Hộ tịch

Qua các quy định của Luật HN-GĐ về kết hôn và đăng ký kết hôn, có thể đưa ra những tác động:

Thứ nhất, nguyên tắc tự nguyện trong kết hôn phải được tôn trọng và bảo đảm trong các quy định của Luật Hộ tịch, không quy định những thủ tục làm cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

Đánh giá: Dự thảo Luật Hộ tịch đã đáp ứng tốt yêu cầu này khi quy định nguyên tắc đầu tiên trong đăng ký hộ tịch là tôn trọng và bảo đảm quyền nhân thân của cá nhân; quy định về quyền, nghĩa vụ; bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch của cá nhân; các hành vi bị nghiêm cấm trong đăng ký hộ tịch và thẩm quyền, thủ tục trong đăng ký kết hôn (Điều 5, 6, 7, 8, 9, Điều 25 và khoản 5 Điều 26).

Thứ hai, việc đăng ký kết hôn chỉ được thực hiện khi các bên kết hôn đã tuân thủ điều kiện kết hôn theo luật định.

Luật HN-GĐ quy định các điều kiện kết hôn để các bên kết hôn phải tuân thủ. Trên cơ sở đó, Luật Hộ tịch cần phải có các quy định về thủ tục, Hộ tịch viên và cơ quan có thẩm quyền về đăng ký hộ tịch căn cứ vào đó xác định được người có yêu cầu kết hôn đã tuân thủ các điều kiện kết hôn tại thời điểm đăng ký.

Đánh giá: Dự thảo Luật Hộ tịch về cơ bản đã đưa ra được cơ chế để xác định sự tuân thủ điều kiện kết hôn của người có yêu cầu kết hôn khi quy định: (1) người đi đăng ký kết hôn phải xuất trình chứng minh thư hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế, Giấy chứng minh nơi cư trú, tờ khai đăng ký kết hôn và sổ hộ tịch cá nhân của bên nam và bên nữ (khoản 1 Điều 26); (2) việc kết hôn được tổ chức tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã với sự có mặt của cả hai bên nam, nữ (khoản 4 Điều 26).

Tuy nhiên, Dự thảo Luật cũng chưa quy định cụ thể Tờ khai đăng ký kết hôn cần có nội dung gì và việc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có bắt buộc hay không? Theo pháp luật về đăng ký hộ tịch hiện hành, nội dung chính của Tờ khai đăng ký kết hôn là xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (ủy ban nhân dân cơ sở nơi cư trú, cơ quan đại diện ngoại giao hoặc thủ trưởng đơn vị trong lực lượng vũ trang) về tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu kết hôn. Nếu tiếp tục kế thừa quy định này, Luật Hộ tịch vẫn chưa giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn hiện nay về việc đăng ký kết hôn cho người có nhiều nơi cư trú, người làm nghề lưu động không có nơi cư trú ổn định, việc làm tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là rất phức tạp và khó có thể có được xác nhận vì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền không có thông tin. Bộ Tư pháp cũng đã có hướng dẫn cho phép người có yêu cầu về kết hôn không có nơi cư trú ổn định làm cam kết về tình trạng hôn nhân của mình (Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/8/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về Đăng ký hộ tịch), đây là hướng dẫn phù hợp với thực tiễn, nhưng để áp dụng pháp luật thống nhất, cần pháp điển hóa hướng dẫn này vào Luật Hộ tịch.

Mặt khác, Dự thảo Luật cũng chưa đưa ra được nguyên tắc thống nhất trong xác định việc các bên kết hôn tuân thủ điều kiện kết hôn khác, ví dụ: trong trường hợp một trong hai bên kết hôn có dấu hiệu không nhận thức được năng lực hành vi của mình tại thời điểm đăng ký kết hôn, thì thủ tục và thẩm quyền của hộ tịch viên trong trường hợp này là như thế nào? điểm d khoản 1 Điều 47 của dự thảo Luật quy định các bên kết hôn phải có xác nhận của cơ quan y tế cấp huyện trở lên của Việt Nam hoặc tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài cấp chưa quá 6 tháng tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại các bên kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, nhưng quy định này chỉ áp dụng cho thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Thứ ba, về thẩm quyền và thủ tục đăng ký kết hôn

Luật HN-GĐ năm 2000 quy định tương đối chi tiết về thẩm quyền và thủ tục đăng ký kết hôn, trong bối cảnh Luật Hộ tịch được ban hành thì các quy định này của Luật HN-GĐ cần được rà soát lại, những quy định thuần túy về thẩm quyền và thủ tục cần được quy định trong Luật Hộ tịch. Tuy nhiên, nguyên tắc về thẩm quyền và nghi thức đăng ký kết hôn cần phải được ghi nhận trong Luật HN-GĐ vì nó liên quan đến trực tiếp đến quy định quyền kết hôn và cơ chế bảo đảm công nhận, thực thi quyền kết hôn của cá nhân.

Đánh giá: Dự thảo Luật Hộ tịch đã có những quy định tốt trong định hướng cải cách về thẩm quyền và thủ tục trong đăng ký kết hôn, giải quyết được những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật HN-GĐ. Quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn trong Dự thảo Luật Hộ tịch (Điều 25) phù hợp với thực tiễn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hơn so với quy định hiện hành của Luật HN-GĐ (Điều 12). Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý Sổ Bộ hộ tịch hoặc nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký kết hôn (Luật HN-GĐ chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ). Dự thảo Luật cũng quy định về thủ tục đăng ký kết hôn tại nơi cư trú, không phải nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch của bên nam, nữ, thì sau khi đăng ký kết hôn, Hộ tịch viên phải thông báo ngay bằng văn bản trong đó ghi đầy đủ những nội dung đã được đăng ký cho Hộ tịch viên nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (khoản 5 Điều 26).

2.2. Về kết hôn có yếu tố nước ngoài (Điều 100 – Điều 103 Luật HN-GĐ năm 2000)

* Kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật HN-GĐ

Theo quy định tại khoản 14 Điều 8 và khoản 4 Điều 100 của Luật HN-GĐ, được xác định là kết hôn có yếu tố nước ngoài khi thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài; (2) Giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam; (3) Giữa công dân Việt Nam với nhau mà căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài; (4) kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài.

Các quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài được tôn trọng và được bảo vệ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng các quyền và có nghĩa vụ như công dân Việt Nam về kết hôn, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định khác. Nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ kết hôn phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế (Điều 100 Luật HN-GĐ).

Về điều kiện kết hôn, trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài với nhau tại Việt Nam trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn (Điều 103).

Về thẩm quyền kết hôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật HN-GĐ và các quy định khác của pháp luật Việt Nam. Việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân cấp xã nơi công dân Việt Nam cư trú.

* Tác động đến dự án Luật Hộ tịch

Thứ nhất, về cơ bản Luật HN-GĐ Việt Nam không có sự phân biệt đối xử trong quy định về kết hôn và đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, ngoại trừ có quy định khác về thẩm quyền đăng ký kết hôn giữa kết hôn trong nước và kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Đánh giá: Dự thảo Luật Hộ tịch đã có những quy định tốt trong bảo đảm nguyên tắc không phân biệt đối xử đã được quy định trong Luật HN-GĐ và trong định hướng cải cách về thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, giải quyết được những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật HN-GĐ. Trên cơ sở hướng tới sự bình đẳng trong kết hôn và đăng ký kết hôn, Dự thảo Luật đã có quy định đột phá so với quy định của Luật HN-GĐ khi giao thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú (nếu không có đăng ký thường trú) của công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài. Đồng thời, để tránh xáo trộn lớn trong công tác đăng ký hộ tịch, khắc phục những vướng mắc về chất lượng cán bộ hộ tịch cấp xã, dự thảo Luật cũng quy định về việc Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ lên xin ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp huyện, sau khi có ý kiến bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã mới tiến hành việc đăng ký kết hôn.

Thứ hai, xuất phát từ thực tiễn kết hôn có yếu tố nước ngoài hiện nay còn nhiều diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp kết hôn không đạt được mục đích hôn nhân, có ý kiến cho rằng Luật Hộ tịch cần quy định trong đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, các bên kết hôn phải có chứng nhận đã qua tập huấn tại các trung tâm hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài hoặc phải có chứng nhận về sức khỏe tốt, chứng nhận về khả năng ngôn ngữ…

Đánh giá: dự thảo Luật Hộ tịch không quy định các thủ tục này mà thay vào đó quy định về các trường hợp từ chối đăng ký kết hôn là phù hợp (Điều 48 dự thảo Luật), vì việc bổ sung các điều kiện trong kết hôn dù trong kết hôn trong nước hay kết hôn có yếu tố nước ngoài thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật HN-GĐ và Luật HN-GĐ hiện hành không ràng buộc các điều kiện trên trong kết hôn. Trong trường hợp xuất phát từ thực tế cần thiết phải đưa thành điều kiện trong Luật, thì cần có sự sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kết hôn trong Luật HN-GĐ.

2.3. Về nhận cha, mẹ, con (Điều 63 – Điều 65 Luật HN-GĐ năm 2000)

* Nhận cha, mẹ, con theo quy định của Luật HN-GĐ

Luật HN-GĐ quy định về nguyên tắc xác định cha, mẹ, con trong hai trường hợp xác định con chung của vợ chồng và xác định con ngoài giá thú. Về nhận cha, mẹ, con, Luật HN-GĐ quy định người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình. Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết. Con đã thành niên xin nhận cha, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của mẹ; xin nhận mẹ, không đòi hỏi phải có sự đồng ý của cha.

* Tác động đến dự án Luật Hộ tịch

Luật HN-GĐ không quy định cụ thể việc nhận cha, mẹ, con ngoài giá thú được thực hiện theo thủ tục hành chính trong trường hợp tự nguyện nhận và không có tranh chấp.

Đánh giá: Dự thảo Luật Hộ tịch cần cân nhắc khi quy định đăng ký việc nhận cha, mẹ, con theo thủ tục đăng ký hộ tịch trong trường hợp các bên tự nguyện và không có tranh chấp (Điều 31, 32, 33, 52, 53 dự thảo Luật). Theo đó, trong trường hợp một người tự nguyện nhận cha, mẹ, con mà không có tranh chấp và có đủ các căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 53 dự thảo Luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch của người con hoặc nơi cư trú của người nhận hoặc được nhận là cha, mẹ, con sẽ thực hiện việc đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Do quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con là quyền nhân thân của cá nhân không thể chuyển giao cho người khác, việc nhận một người là cha, mẹ, con trong mối quan hệ huyết thống phải có những căn cứ pháp lý xác thực họ là cha, mẹ, con của nhau. Pháp luật của nhiều nước trên thế giới thường quy định thẩm quyền trong việc nhận cha, mẹ, con thuộc về Tòa án, rất ít nước quy định thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước vì cơ quan này không phải là cơ quan tài phán, khó có thể tìm ra những căn cứ pháp lý xác thực về mối quan hệ huyết thống giữa các bên nhận cha, mẹ, con. Việc giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã e rằng có thể phát sinh những trường hợp nhận cha, mẹ, con trục lợi hoặc trá hình không đúng với mục đích nhận cha, mẹ, con, hoặc không có sự áp dụng pháp luật thống nhất trong thi hành pháp luật về vấn đề này.

Theo quan điểm của chúng tôi, trong bối cảnh Luật Hôn nhân và gia đình không quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết các việc nhận cha, mẹ, con, Luật Hộ tịch cần có sự đột phá trong quy định thẩm quyền về vấn đề này theo hướng, Tòa án là cơ quan có thảm quyền về nhận cha, mẹ, con, cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ ghi chú việc nhận cha, mẹ, con vào Sổ bộ hộ tịch và Sổ hộ tịch cá nhân căn cứ vào quyết định của Tòa án về nhận cha, mẹ, con.

2.4. Về giám hộ giữa các thành viên trong gia đình (Điều 63 – Điều 65 Luật HN-GĐ năm 2000)

* Giám hộ giữa các thành viên theo quy định của Luật HN-GĐ và Bộ luật Dân sự

Luật HN-GĐ quy định khi gia đình có người cần được giám hộ thì việc giám hộ được thực hiện theo các quy định về giám hộ của Bộ luật Dân sự và của Luật HN-GĐ.

Về giám hộ của cha, mẹ đối với con: Khi cha mẹ cùng giám hộ cho con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì họ phải thỏa thuận với nhau về việc đại diện cho con trong thực hiện các giao dịch vì lợi ích của con (Điều 80). Trong trường hợp cha mẹ không đủ điều kiện trực tiếp thực hiện các quyền, nghĩa vụ đối với con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ có thể cử người khác giám hộ; cha mẹ và người giám hộ thỏa thuận về việc người giám hộ thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc giám hộ (Điều 81).

Về giám hộ giữa anh, chị, em ruột: anh, chị, em đã thành niên có năng lực hành vi dân sự thỏa thuận cử một người trong số họ có đủ điều kiện để làm người giám hộ cho anh, chị, em ruột cần được giám hộ. Khi quyết định các vấn đề về nhân thân và tài sản của em chưa thành niên, thì anh chị là người giám hộ phải tham khảo ý kiến của những người thân thích và ý kiến của em, nếu em từ đủ 9 tuổi trở lên (Điều 83).

Về giám hộ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu: trong trường hợp cháu cần được giám hộ mà ông bà nội, ngoại có đủ điều kiện làm người giám hộ thì những người này thỏa thuận cử một bên làm người giám hộ. Cháu có đủ điều kiện làm người giám hộ thì phải giám hộ cho ông bà nội, ông bà ngoại nếu ông bà không có con phụng dưỡng (Điều 84).

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, thẩm quyền về đăng ký giám hộ cử thuộc về Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ (Điều 63 Bộ luật Dân sự). Đối với quan hệ giám hộ có yếu tố nước ngoài, thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ trường hợp việc giám hộ giữa công dân Việt Nam ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng thì thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới nơi cư trú của công dân Việt Nam (khoản 1 Điều 102 Luật HN-GĐ năm 2000). Việc cử người giám hộ phải lập thành văn bản, trong đó có ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ, văn bản thỏa thuận phải có xác nhận đồng ý làm giám hộ của người được cử làm giám hộ (64 Bộ luật Dân sự).

Ngoài ra, việc giám hộ phải được giám sát. Người giám sát do những người thân thích của người được giám hộ cử ra, trong trường hợp không có người thân thích hoặc những người thân thích không cử được người giám sát việc giám hộ thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người giám hộ sẽ cử người giám sát (Điều 59 Bộ luật Dân sự).

* Tác động đến dự án Luật Hộ tịch

Thứ nhất, về thẩm quyền đăng ký giám hộ

Đánh giá: Dự thảo Luật Hộ tịch đã có những quy định tốt trong định hướng cải cách về thẩm quyền và thủ tục trong đăng ký giám hộ, giải quyết được những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật HN-GĐ và Bộ luật Dân sự. Quy định về thẩm quyền đăng ký giám hộ trong Dự thảo Luật Hộ tịch (Điều 27, Điều 49) phù hợp với thực tiễn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hơn so với quy định hiện hành Điều 63 Bộ luật Dân sự Điều 102 Luật HN-GĐ.

Đối với giám hộ giữa công dân Việt Nam với nhau, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý Sổ Bộ hộ tịch hoặc nơi cư trú của người được giám hộ có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký giám hộ (Bộ luật Dân sự chỉ quy định cơ quan có thẩm quyền là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ). Dự thảo Luật cũng quy định về thủ tục đăng ký giám hộ tại nơi cư trú, không phải nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch của người được giám hộ, thì sau khi đăng ký giám hộ, Hộ tịch viên phải thông báo ngay bằng văn bản trong đó ghi đầy đủ những nội dung đã được đăng ký cho Hộ tịch viên nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (khoản 4 Điều 28).

Đối với giám hộ có yếu tố nước ngoài, Dự thảo Luật đã có sự đột phá so với quy định của Luật HN-GĐ khi quy định việc đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi quản lý Sổ bộ hộ tịch của người được giám hộ, có thẩm quyền đăng ký giám hộ giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam (Điều 49).

Thứ hai, về thỏa thuận giữa những người thuộc diện giám hộ đương nhiên của người được giám hộ và việc cử người giám hộ

Đánh giá: Dự thảo Luật Hộ tịch đã có quy định tốt phù hợp với quy định của Luật HN-GĐ khi quy định hồ sơ đăng ký giám hộ phải có văn bản thỏa thuận về việc cử người giám hộ đương nhiên đối với trường hợp có nhiều người đủ điều kiện làm người giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần bổ sung về việc thỏa thuận cử người giám hộ đương nhiên giữa các thành viên trong gia đình (nếu có) được quy định trong Luật HN-GĐ, vì việc thỏa thuận cử người giám hộ giữa cha, mẹ, con, giữa anh, chị, em ruột và giữa ông bà nội, ngoại không được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự.

Về giám hộ cử, dự thảo Luật cần bổ sung vào hồ sơ đăng ký giám hộ văn bản thỏa thuận của người tự nguyện làm người giám hộ (nếu có), bên cạnh yêu cầu về văn bản cử người giám hộ của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ (Điều 28 và Điều 50).

Thứ ba, về giám sát trong giám hộ, Bộ luật dân sự quy định việc giám hộ phải được giám sát.

Đánh giá: Dự thảo Luật Hộ tịch chưa có quy định về thủ tục cử người giám sát theo thỏa thuận của những người thân thích của người được giám hộ hoặc của Ủy ban nhân dân nơi cư trú của người giám hộ. Đây là nội dung quan trọng đề nghị bổ sung thủ tục này vào trong dự thảo Luật.

2.5. Về tính mở trong quy định của dự thảo Luật Hộ tịch

Cùng với việc thực hiện dự án Luật Hộ tịch, các luật nội dung của Luật này như Bộ luật Dân sự, Luật HN-GĐ cũng đang trong quá trình được sửa đổi, bổ sung, trong có một số quy định liên quan đến hộ tịch và đăng ký hộ tịch.

Ví dụ: tôn trọng và thực hiện quyền định đoạt của các bên kết hôn về tài sản, quy định các bên kết hôn có quyền thỏa thuận về tài sản trong hôn nhân bằng việc lập hợp đồng trước khi kết hôn đã và đang được nghiên cứu trong sửa đổi, bổ sung Luật HN-GĐ.

Để bảo đảm công khai, minh bạch, sự ổn định về tài sản trong hôn nhân, pháp luật nhiều nước quy định các thỏa thuận về tài sản trong hôn nhân được lập trước khi kết hôn phải dưới hình thức văn bản, được công chứng và phải được ghi chú tại thời điểm đăng ký kết hôn vào trong Sổ Bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân hoặc Giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp thỏa thuận tài sản trong hôn nhân không được ghi chú vào trong Sổ Bộ hộ tịch, Sổ hộ tịch cá nhân hoặc Giấy chứng nhận kết hôn thì coi như các bên kết hôn đã lựa chọn chế độ tài sản theo quy định của pháp luật…

Đánh giá: Dự thảo Luật Hộ tịch còn thiếu các quy định có tính mở để đảm bảo tương thích với quy định của Luật HN-GĐ, cũng như các luật nội dung có liên quan khác trong trường hợp các luật này được sửa đổi, bổ sung.


[1] Thông tin dựa trên dự thảo Luật Hộ tịch được Chính phủ trình UBTVQH

SOURCE: TỌA ĐÀM CHUYÊN GIA VỀ LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT HỘ TỊCH – ỦY BAN CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI. Hà Nội, ngày 07/9/2012

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading