admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP VỀ QUYỀN NUÔI CON SAU LY HÔN: BỊ GIÀNH CON SAU BỐN NĂM LY HÔN

THANH TÙNG

Đã có đủ yếu tố để khởi tố tội bắt cóc – Một độc giả của Báo Pháp luật TPHCM

Gia đình bên nội giữ lại đứa bé, không cho mẹ tiếp tục nuôi dưỡng vì cho rằng cháu đã lớn, cần sự chăm sóc của họ.

Những ngày này chị Phan Thị Lợi (xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP.HCM) đang cầu cứu khắp nơi vì phía gia đình chồng cũ quyết giữ đứa con gái mà tòa án đã giao cho chị nuôi dưỡng khi ly hôn. Không chỉ thế, khi đến đòi con chị còn bị phía gia đình chồng cũ dọa nạt…

Ban đầu để vợ nuôi con…

Sau gần 10 năm chung sống, đầu năm 2008 do mâu thuẫn gia đình, chị Lợi chủ động làm đơn xin ly hôn. Xử sơ thẩm, TAND huyện Củ Chi chấp nhận yêu cầu. Về phần con chung, tòa ghi nhận sự thỏa thuận, giao cho chị tiếp tục nuôi con, chồng chị phải cấp dưỡng cho cháu. Theo tòa, bé còn nhỏ cần sự chăm sóc của mẹ và cũng để ổn định tâm sinh lý nên cần thiết phải giao cho mẹ.

Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực thi hành.

Theo trình bày của chị Lợi, từ năm 2008 đến nay chị luôn hết lòng dốc sức nuôi con. Mặc dù kinh tế không khá giả nhưng chị vẫn đảm bảo đủ điều kiện cho cháu bé sinh hoạt học hành và bản thân cháu cũng rất gắn bó thương yêu chị. Hai mẹ con ở bên nhà ngoại nhưng chị vẫn tạo điều kiện cho chồng cũ thực hiện quyền thăm nuôi bé. Thậm chí mỗi khi rảnh rỗi hay đến dịp nghỉ hè chị đều chở con về cho bé thăm gia đình bên nội vài ba ngày.

Sau bắt lại cháu

Bốn năm sau ngày ly hôn mọi việc vẫn diễn ra êm đẹp, quan hệ giữa hai bên cũng không có biến cố. Nhưng chị Lợi cho biết đầu tháng 6-2012, như thường lệ, chị cho con về bên nội chơi nhưng gần một tuần chị quay lại đón con về thì bị nhà chồng cũ kiên quyết ngăn cản.

Phía này bảo bây giờ cháu bé đã lớn nên họ muốn giữ ở lại để tiếp tục nuôi dưỡng. Họ cũng không cho chị gặp con trong khi cháu bé bày tỏ nguyện vọng chỉ muốn sống chung với mẹ.

“Hôm ấy, sau khi tui làm căng thì họ ném ghế, lấy dao thách thức và dọa sẽ hành hung nếu không rời khỏi nhà. Họ còn giữ con bé trong phòng kín để không nhìn thấy mẹ…” – chị Lợi kể.

Sau đó chị trình báo sự việc với công an xã thì nơi này chỉ chị sang bộ phận tư pháp xã. Tiếp đó yêu cầu của chị không được tư pháp xã giải quyết mà chuyển về ấp để lập biên bản. Tuy nhiên, theo chị Lợi, chính quyền ấp không tích cực giải quyết nên mọi việc không có tiến triển gì thêm…

Nửa tháng qua, chị Lợi khóc ròng vì thương nhớ con.

Trách nhiệm thuộc cơ quan thi hành án

Tôi cho rằng chị Lợi phải làm đơn đến Chi cục Thi hành án (THA) huyện để yêu cầu người chồng cũ giao lại con cho mình. Bởi bản án của tòa giao quyền nuôi con cho chị nhưng thực tế đã bị chồng cũ giành lại con bất hợp pháp. Khi có yêu cầu thì cơ quan THA có thẩm quyền sẽ yêu cầu hoặc cưỡng chế anh này giao lại con cho người nuôi theo đúng tinh thần bản án. Nếu cưỡng chế nhưng người chồng vẫn cố tình không chịu giao con thì lúc này THA có thể kiến nghị công an xử lý về hành vi không chấp hành bản án. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý liên quan đến con người, chuyện tình cảm ruột thịt… các bên phải đặt quyền lợi của cháu bé lên đầu, không để việc tranh giành ảnh hưởng đến tâm lý của đứa trẻ.

Luật sư PHẠM VĂN VUI, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20120626113953728p1063c1016/bi-gianh-con-sau-bon-nam-ly-hon.htm

One Response

  1. Năm 2008, tôi đã tư vấn một vụ tương tự như thế này, lúc đó em bé còn chưa được 01 tuổi, theo bản thân tôi thì đây là một vấn đề rất khó khăn và nhạy cảm, thậm chí nếu không có sự quyết liệt của người Mẹ thì có thể nói là sự việc sẽ đi vào bế tắc.
    Sự khó khăn ở đây (tôi không nói đến các quy định của pháp luật) mà là sự lẩn tránh, đối phó của người cha (nếu như người cha có một Luật sư tư vấn tốt) và sự thờ ơ của chính những người có thẩm quyền giải quyết.
    Thông thường, nếu người Mẹ chỉ mang bản án lên Cơ quan Thi hành án để yêu cầu thi hành án thì khả năng bị từ chối là rất cao, khi đó người Mẹ sẽ phải trả lời một số câu hỏi “thể hiện sự quan tâm sâu sắc” như: 1. Em bé đã ở với chị 4 năm rồi, chị còn yêu cầu gì? 2. Có gì chứng minh là người Cha đã bắt em bé đi không? 3. Chị đã yêu cầu người Cha trả lại con chưa?…
    Còn nói đến sự nhạy cảm, giả sử sau khi có thông báo thi hành án gửi đến người Cha, vào một chiều mưa tầm tả, sắp hết giờ làm việc người Cha mang con lên Cơ quan THA thì các Chấp hành viên lúc đó có dám ký Biên bản nhận con không nhỉ?… Hay thậm chí, khi người Cha mang con lên, sau khi ký biên bản giao con xong, thì con cứ đi theo Cha, lúc đó Chấp hành viên sẽ xử lý như thế nào? Và: sau khi đã giao con xong tại Cơ quan THA mà người Cha bắt con đi 1 lần nữa thì sao?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading