admin@phapluatdansu.edu.vn

BÌNH LUẬN CHẾ ĐỊNH HỘ GIA ĐÌNH TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005

LS. TRƯƠNG THANH ĐỨC – Công ty Luật BASICO

Hộ gia đình là một trong những chủ thể của quan hệ trong Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, nó đã tạo ra vô vàn rắc rối pháp lý trong thực tế cuộc sống, vì tuy có quy định nhưng lại gần như không thể xác định được nếu dựa trên cơ sở pháp lý.

1. Khái niệm Hộ gia đình trong hệ thống pháp luật:

Hộ gia đình đã được nhắc đến trong các văn bản quy phạm pháp luật ít nhất là từ năm 1964. Tuy nhiên, đó chỉ là những khái niệm để giải quyết một số vấn đề chính sách xã hội như khoản 6, Điều 29, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 1990), đã quy định về một trong những đối tượng được hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình, đó là “Người có anh, chị hoặc em ruột trong cùng một hộ gia đình là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ”.

Sự rắc rối pháp lý bắt đầu xuất hiện từ Luật Đất đai năm 1993, khi đã “phát minh” ra Hộ gia đình là một trong những chủ thể sử dụng đất, bên cạnh các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và cá nhân. Gắn liền với việc này là quy định về Hộ gia đình là một trong những đối tượng nộp thuế theo Luật Thuế chuyển nhượng quyền sử dụng đất năm 1994. Đặc biệt, từ khi Bộ luật Dân sự năm 1995 chính thức ghi nhận Hộ gia đình là một chủ thể pháp lý tham gia quan hệ dân sự, thì mới thực sự gây ra nhiều khó khăn, rắc rối, nhiễu loạn các quan hệ pháp luật. Sau quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 và năm 2005, Hộ gia đình đã như một thứ “dịch bệnh lây lan” ra hàng loạt đạo luật khác và các văn bản dưới luật.

Cho đến tháng 5-2012, đã có tới 52 đạo luật nhắc đến Hộ gia đình, trong đó có 12 đạo luật đã hết hiệu lực và 40 đạo luật đang có hiệu lực (xem Phụ lục 01: Danh mục các đạo luật đề cập đến Hộ gia đình).

Trong khi các chủ thể khác tham gia quan hệ dân sự đều được xác định một cách cụ thể, rõ ràng, nhưng cho đến nay vẫn không có cơ sở pháp lý để xác định thế nào là Hộ gia đình.

2. Về Hộ gia đình tham gia quan hệ dân sự:

Điều 106 về “Hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.”

Theo quy định trên, khi tham gia vào quan hệ dân sự, thì Hộ gia đình phải có phải có đủ 3 điều kiện sau đây:

Thứ nhất, phải là Hộ gia đình “mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định”, chứ mọi Hộ gia đình nói chung không đương nhiên là chủ thể trong quan hệ dân sự;

Thứ hai, chỉ khi Hộ gia đình “tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực” để “hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định”. Như vậy, chỉ trong các quan hệ sản xuất, kinh doanh như vay vốn, mua vật tư nguyên liệu sản xuất,… của gia đình, thì mới có sự tham gia của chủ thể Hộ gia đình. Còn, nếu như tham gia vào các hoạt động khác, chẳng hạn như mua bán xe ô hoặc mua bán nhà ở tô không vì mục đích kinh doanh, thì không xuất hiện ch thể Hộ gia đình trong quan hệ dân sự. Đây là một điều vô lý, vì khi cũng là tài sản chung và giao dịch liên quan đến tài sản chung của Hộ gia đình, nhưng lại không phải là giao dịch của Hộ gia đình. Tất nhiên các điều khoản liên quan khác thì lại vẫn quy định việc định đoạt ài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của Hộ gia đình thì vẫn phải được các thành viên đồng ý;

Thứ ba, các thành viên Hộ gia đình “có tài sản chung”, nhưng không phải là bất cứ tài sản nào, mà chỉ trong trường hợp có tài sản chung theo quy định tại Điều 108 về “Tài sản chung của hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự năm 2005 như sau: “Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.” Tuy nhiên, điều khó khăn là, ngoài tài sản chung là “quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình”, thì không biết căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để xác định được những tài sản nào khác là “tài sản chung của Hộ gia đình”.

Như vậy, cùng một tài sản, nhưng chủ thể tham gia giao dịch, lúc này thì là là cá nhân, nhưng lúc khác lại phải là Hộ gia đình, mặc dù không hề có bất cứ sự thay đổi nào về chủ sở hữu. Ngoài ra, cũng khó có thể tách bạch giữa tài sản của Hộ gia đình sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh với tài sản để sinh hoạt.

Và theo quy định của Bộ luật Dân sự thì chủ thể Hộ gia đình trong quan hệ dân sự chỉ áp dụng trong một số giao dịch sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Điều 106 nói trên. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực khác đã mở rộng chủ thể Hộ gia đình vượt quá quy định nền tàng của Bộ luật Dân sự, đưa chủ thể quan hệ dân sự này vào rất nhiều giao dịch khác, như: Vay vốn ngân hàng, mua bán điện nước sinh hoạt,…

3. Về đại diện của Hộ gia đình trong quan hệ dân sự:

Điều 107 về “Đại diện của hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự quy định:

1. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ.

Chủ hộ có thể uỷ quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự.

2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.”

Theo quy định trên, thì chủ Hộ gia đình đương nhiên là người đại diện của hộ gia dình để xác lập các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Người đại diện có thể là chủ Hộ gia đình được ghi tên trên Sổ hộ khẩu hoặc là người được người chủ Hộ gia đình đó uỷ quyền. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 109 về “Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình”, thì chủ Hộ gia đình không đương nhiên có quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, mà còn phải đáp ứng được một số điều kiện như sau:

1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.”

Tuy nhiên, Điều 146 về “Hợp đồng về quyền sử dụng đất”, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ về Thi hành Luật Đất đai thì lại quy định: “Hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê, thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản uỷ quyền theo quy định của pháp luật về dân sự.” Như vậy, theo pháp luật đất đai, thì giao dịch của Hộ gia đình chỉ đòi hỏi các thành viên từ đủ 18 tuổi trở lên, trong khi Bộ luật Dân sự thì yêu cầu các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên. Điều khó hiểu là ở chỗ, mặc dù Nghị định này đã được sửa đổi, bổ sung tới 6 lần, nhưng vẫn giữ nguyên về điều kiện tham gia của thành viên Hộ gia đình đủ 18 tuổi rõ ràng mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự.

Ngoài đất đai đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2003, còn lại những tài sản khác, thì không có căn cứ pháp lý để xác định thế nào là “tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình”. Chỉ có quy định tài sản phải có hay không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, chứ chưa có quy định thế nào là có giá trị lớn. Thậm chí đối với tài sản là tiền gửi tiết kiệm, thì pháp luật chuyên ngành ngân hàng không hề căn cứ vào mối quan hệ vợ chồng, gia đình,… mà khẳng định luôn: “Chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là người đứng tên trên thẻ tiết kiệm” và “Đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm là 2 cá nhân trở lên cùng đứng tên trên thẻ tiết kiệm” (khoản 3 và 4, Điều 6 về “Giải thích từ ngữ”, Quy chế về Tiền gửi tiết kiệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13-9-2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

4. Về trách nhiệm của Hộ gia đình trong quan hệ dân sự:

Trong quan hệ dân sự, Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 110 về “Trách nhiệm dân sự của hộ gia đình”, Bộ luật Dân sự như sau:

1. Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình.

2. Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình.”

Khoản 2, Điều 107 như đã đề cập ở trên cũng quy định “Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.” Tuy nhiên, nếu không đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 109 nói trên, thì có thể dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu và Hộ gia đình không phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 110 nói trên.

5. Về thành viên của Hộ gia đình:

Muốn xác định được Hộ gia đình có đủ điều kiện để tham gia các giao dịch dân sự một cách hợp pháp và phải chịu trách nhiệm hay không, thì việc quan trọng nhất là phải xác định được các thành viên của Hộ gia đình. Đáng tiếc, vấn đề mấu chốt này lại là một điều thách đố, nguy hiểm và nhức nhối trên thực tế, vì không có căn cứ pháp lý để khẳng định những người nào là thành viên của Hộ gia đình.

Trên thực tế, thường xác định các thành viên của Hộ gia đình dựa vào Sổ hộ khẩu gia đình, mặc dù, Sổ hộ khẩu không phải là căn cứ pháp lý để xác định quyền và nghĩa vụ chung của các thành viên, mà để phục vụ cho mục đích quản lý nhân khẩu thường trú. Thành viên đăng ký trong Sổ hộ khẩu thường xuyên có biến động do việc tách, nhập hộ; nhập cắt, chuyển khẩu do sinh, tử, di chuyển, thậm chí đăng ký cư trú nhờ,… Theo quy định tại Điều 19 về “Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh”, Luật Cư trú năm 2006, thì ai cũng có thể được đăng ký vào Sổ hộ khẩu của gia đình khác, chỉ cần người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà đồng ý bằng văn bản. Riêng việc nhập vào Sổ hộ khẩu tại thành phố trực thuộc trung ương thì đòi hỏi có thêm điều kiện về quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng hoặc họ hàng ruột thịt.

Do vậy, để xác định thành viên Hộ gia đình làm cơ sở cho giao dịch dân sự theo đúng quy định của pháp luật, thì thường phải phát huy hết khả năng suy đoán để tìm ra mọi tình huống có thể. Chẳng hạn, khi giao dịch bất động sản (bao gồm đất đai, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất) của Hộ gia đình, thì thường phải xác định như sau:

Thứ nhất, phải xác định thành viên của Hộ gia đình là tất cả những người có tên trong Sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận bất động sản. Không có cơ sở pháp lý để loại trừ những người cùng chung hộ khẩu, mặc dù là người ngoài cuộc, người ở nhờ không phải là thành viên đồng sở hữu tài sản chung của Hộ gia đình. Trường hợp không còn Sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận bất động sản, thì phải căn cứ vào những bằng chứng pháp lý khác như văn bản xác nhận của UBND hoặc Công an nơi đăng ký hộ khẩu về các nhân khẩu của Hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận bất động sản;

Thứ hai, phải xác định thành viên của Hộ gia đình là tất cả những người có tên trong Sổ hộ khẩu tại thời điểm thực hiện giao dịch. Không có cơ sở pháp lý để chỉ công nhận các thành viên Hộ gia đình có tên trong Sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận bất động sản và tước quyền của những người có tên trong Sổ hộ khẩu sau thời điểm đó. Và cũng như trên, không có cơ pháp lý để loại trừ những người không phải là thành viên đồng sở hữu tài sản của Hộ gia đình.

Thứ ba, phải xác định người ký giao dịch hoặc văn bản đồng ý với việc giao dịch gồm tất cả các thành viên đủ 15 tuổi trở lên (hoặc là đủ 18 tuổi trở lên theo pháp luật đất đai) trong Sổ hộ khẩu có quan hệ hôn nhân (vợ – chồng), quan hệ huyết thống (cha mẹ đẻ – con, ông bà nội ngoại – cháu ruột, anh – chị – em ruột,…), quan hệ nuôi dưỡng (cha mẹ nuôi – con nuôi) và quan hệ khác nữa, mà cùng có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản chung tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận bất động sản cũng như tại thời điểm thực hiện giao dịch. Đồng thời, còn phải xác định người ký còn bao gồm cả những người khác thực sự là thành viên của Hộ gia đình, nhưng lại không có tên trong Sổ hộ khẩu ở cả hai thời điểm được cấp Giấy chứng nhận bất động sản và tại thời điểm giao dịch. Không đủ cơ sở pháp lý để loại trừ người không có tên trong Sổ hộ khẩu, vì đã tách hộ khẩu hoặc chưa nhập khẩu vào Hộ gia đình, vì điều đó không đồng nghĩa với việc họ đã mất quyền đối với quyền sở hữu tài sản chung của Hộ gia đình. Mặc dù, nếu họ không có tên trong Sổ hộ khẩu, thì cũng khó có cơ sở pháp lý để yêu cầu ký vào văn bản liên quan, nhất là các giao dịch bắt buộc phải công chứng Bên cạnh đó, nếu người có tên trong Sổ hộ khẩu nhưng không thực sự là thành viên Hộ gia đình, thì cũng không có cơ sở pháp lý để loại bỏ họ. Vì vậy vẫn buộc phải đưa họ vào trực tiếp tham gia giao dịch, không thì cũng phải yêu cầu họ lập cam kết không liên quan đến tài sản. Vì vấn đề quá rắc rối như vậy, nên hầu như phải phó thác và chỉ còn biết thực hiện theo yêu cầu hay hướng dẫn của từng địa phương và của các công chứng viên. Ví dụ như theo Công văn liên ngành số 02/CVLN-STP-NHNNCNQN của Sở Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh ngày 04-11-2009 về việc trả lời những vướng mắc trong công chứng, chứng thực (xem Phụ lục 02: Công văn số 02/CVLN-STP-NHNNCNQN V/v Trả lời những vướng mắc trong công chứng, chứng thực).

Vì không có cơ sở pháp lý thống nhất để xác định thành viên của Hộ gia đình, cho nên trên thực tế, mỗi công chứng viên, mỗi tổ chức công chứng lại suy luận và “quyết” một kiểu thủ tục khác nhau khi chứng nhận giao dịch hợp đồng liên quan đến tài sản của Hộ gia đình. Xin nêu ra một vụ việc thế chấp cụ thể vừa xảy ra cuối tháng 5-2012 tại Maritime Bank, đối với 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Tr., liên quan đến 3 cuốn Sổ hộ khẩu khác nhau (xem Phụ lục 03: Hồ sơ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tr.):

– Năm 1992, ông Nguyễn Văn Tr. kết hôn với bà Nguyễn Thị T;

– Năm 2001, Sổ hộ khẩu gia đình được TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cấp cho chủ hộ là bà Nguyễn Thị Th. Tổng số có 7 thành viên trong Sổ hộ khẩu và có quan hệ với chủ hộ như sau: Ông Nguyễn Th., sinh năm 1949, là chồng; anh Nguyễn Kh., sinh năm 1984, là con; anh Nguyễn N., sinh năm 1990, là con; ông Nguyễn Văn Tr., sinh năm 1966, là em; ông Nguyễn Văn C., sinh năm 1974, là em và bà Phí Thị Th., sinh năm 1974, là em dâu và ông Nguyễn Văn Tr., là em;

– Năm 2004, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích 2.236m2 đất thổ cư và cây lâu năm, được UBND huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cấp cho “Hộ: Nguyễn Văn Tr.”;

– Năm 2005, Sổ hộ khẩu gia đình khác được TP Vũng Tàu cấp cho vợ ông Nguyễn Văn Tr., chủ hộ là bà Nguyễn Thị T., sinh năm 1970. Tổng số có 5 thành viên trong Sổ hộ khẩu và có quan hệ với chủ hộ như sau: Cháu Nguyễn Thị Thảo H., sinh năm 1995, là con; cháu Nguyễn Thị Thảo Ng., sinh năm 2002, là con; anh Nguyễn Văn Đg., sinh năm 1974, là em và anh Nguyễn Văn Đ., sinh năm 1971, là em;

– Năm 2008, Sổ hộ khẩu khác nữa được TP Vũng Tàu cấp cho một mình chủ hộ là ông Nguyễn Văn Tr., không có thành viên khác.

– Năm 2011, quyền sử dụng đất cấp cho Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tr. nói trên được thế chấp để vay vốn tại ngân hàng Hợp đồng thế chấp chỉ có 2 vợ chồng ông Nguyễn Văn Tr. và bà Nguyễn Thị T. ký, đã được công chứng và đăng ký thế chấp.

– Năm 2012, khi ký lại hợp đồng thế chấp nói trên, thì chúng tôi mới phát hiện ra: Vì đất cấp cho Hộ gia đình, cho nên phải được tất cả các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên (theo quy định của Bộ luật Dân sự) hay chí ít là đủ 18 tuổi trở lên (theo quy định của pháp luật đất đai) của Hộ gia đình đồng ý.

Do ông Nguyễn Văn Tr., có vợ con có kết hôn hợp pháp và lại có tên trong 2 Sổ hộ khẩu khác nhau tại 2 thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (năm 2004) và tại thời điểm thế chấp (năm 2012), nên có tổng cộng 11 người nằm trong Hộ gia đình có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến quyền sử dụng đất của Hộ ông Nguyễn Văn Tr.. Trong số đó, có 7 người trong 1 Sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 5 người trong 2 Sổ hộ khẩu tại thời điểm thế chấp. Vấn đề nan giải là, xác định các thành viên thật sự của Hộ gia đình tham gia và quan hệ pháp luật này là những ai? Phải có sự đồng ý của 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 hay cả 11 người có tên trong 3 Sổ hộ khẩu (bằng chứng pháp lý của Hộ gia đình), mà ông Nguyễn Văn Tr., là một thành viên trong đó, thì mới đúng pháp luật? Xét về pháp lý, có khả năng xảy ra 11 tình huống khác nhau dưới đây:

– Gồm có 11/11 người có tên trong 3 Sổ hộ khẩu năm 2001, 2005 và 2008 (do bà Th., bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 11 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại 2 thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại thời điểm thế chấp;

– Gồm có 10/11 người có tên trong 3 Sổ hộ khẩu năm 2001, 2005 và 2008 (do bà Th., bà T. và ông Tr, làm chủ hộ), vì cả 11 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại 2 thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 1 cháu chưa đủ 15 tuổi tại thời điểm thế chấp;

– Gồm có 9/11 người có tên trong 3 Sổ hộ khẩu năm 2001, 2005 và 2008 (do bà Th., bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 11 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại 2 thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 2 cháu chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm thế chấp;

– Gồm có 8/11 người có tên trong 3 Sổ hộ khẩu năm 2001, 2005 và 2008 (do bà Th., bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 11 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại 2 thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ có 3 người, gồm 2 cháu chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm thế chấp và 1 cháu chưa đủ 15 tuổi tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

– Gồm có 7/7 người có tên trong 1 Sổ hộ khẩu năm 2001 (do bà Th. làm chủ hộ), vì cả 7 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đến thời điểm thế chấp đều đã trên 18 tuổi;

– Gồm có 6/7 người có tên trong 1 Sổ hộ khẩu năm 2001 (do bà Th. làm chủ hộ), vì cả 7 người này đều là thành viên Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng loại trừ 1 người có quan hệ là em dâu;

– Gồm có 5/6 người có tên trong 2 Sổ hộ khẩu năm 2005 và năm 2008 (do bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 6 người đều là thành viên của 2 Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. và Hộ gia đình của vợ con ông, tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 1 người, chưa đủ 15 tuổi tại thời điểm thế chấp;

– Gồm có 4/6 người trong 2 Sổ hộ khẩu năm 2005 và năm 2008 (do bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 6 người đều là thành viên của 2 Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. và Hộ gia đình của vợ con ông, tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 2 người con chưa đủ 18 tuổi tại thời điểm thế chấp;

– Gồm có 3/6 người trong 2 Sổ hộ khẩu năm 2005 và năm 2008 (do bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 6 người đều là thành viên của 2 Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. và Hộ gia đình của vợ con ông, tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 3 người, gồm 1 người con chưa đủ 15 tuổi vào thời điểm thế chấp và 2 người em chỉ là người đăng ký nhờ hộ khẩu, chứ không phải là thành viên có quyền đối với tài sản của Hộ gia đình;

– Gồm có 2/6 người trong 2 Sổ hộ khẩu năm 2001 và năm 2008 (do bà T. và ông Tr. làm chủ hộ), vì cả 6 người đều là thành viên của 2 Hộ gia đình của ông Nguyễn Văn Tr. và Hộ gia đình của vợ con ông, tại thời điểm thế chấp, nhưng loại trừ 4 người, gồm 2 người con chưa đủ 18 tuổi vào thời điểm thế chấp và 2 người em chỉ là người đăng ký nhờ hộ khẩu, chứ không phải là thành viên có quyền đối với tài sản của Hộ gia đình (tức chỉ có 2 vợ chồng ông Tr. là thành viên của hộ gia đình đủ 18 tuổi trở lên);

– Gồm có 1/1 người trong Sổ hộ khẩu gia đình năm 2008 (đứng tên một mình ông Tr.), vì chỉ có một mình ông Nguyễn Văn Tr. trong Sổ hộ khẩu tại thời điểm thế chấp và Sổ hộ khẩu năm 2001 có hiệu lực vào thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2004 tuy có 7 thành viên, nhưng thì ông Tr. chỉ đăng ký nhờ hộ khẩu, nên các thành viên khác của Hộ gia đình không có liên quan gì đến quyền quyền sử dụng đất.

Dù có biết rõ là phần lớn trong số 11 người nói trên không có quyền đối với quyền sử dụng đất, nhưng đó chỉ là suy đoán cảm tính, chứ không có cơ sở pháp lý chắc chắn. Để bảo đảm về pháp lý, tránh nguy cơ bị vô hiệu, thì đương nhiên là phải bắt cả 11 người ký vào hợp đồng thế chấp. Nếu ai không ký vào hợp đồng thế chấp, thì ký vào giấy uỷ quyền thế chấp. Nếu ai không ký vào giấy uỷ quyền thế chấp, thì ký văn bản cam kết không liên quan, không khiếu nại, thắc mắc gì,… Tóm lại là Bộ luật Dân sự bắt người ta phải lôi tất tật mọi thành viên vào, từ người giúp việc cho đến người ở nhờ đã được đăng ký vào hộ khẩu, từ thân bằng gia quyến trưởng thành cho đến con cháu chưa thành niên, từ người đang sinh sống ở trong nước, cho đến người đã ra cư trú tại nước ngoài, từ người còn sống cho đến người đã chết (tìm người thừa kế ký thay).

Vì pháp luật không quy định rõ, nên mỗi công chứng viên, mỗi tổ chức công chứng suy luận và “quyết” một kiểu thủ tục khác nhau khi chứng nhận giao dịch hợp đồng liên quan đến tài sản của Hộ gia đình. Vì vậy, trong lĩnh vực ngân hàng, cứ 10 giao dịch thế chấp tài sản liên quan đến Hộ gia đình, thì có tới 9 vụ rơi vào tình trạng mông lung, không chắc chắn, không yên tâm, dù đã được công chứng.

6. Những vướng mắc khác liên quan đến Hộ gia đình:

Xét về bản chất, chỉ có trường hợp Nhà nước giao đất nông nghiệp, thì mới xuất hiện chủ thể giao đất cho Hộ gia đình. Tuy nhiên Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn đã nhập nhèm quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với rất nhiều loại đất cho Hộ gia đình, trong khi đó là đất thuộc quyền sử dụng của một cá nhân hay của hai vợ chồng. Ví dụ đất do 1 cá nhân nhận chuyển nhượng hoặc đất thổ cư từ lâu đời cũng “bị” cấp “sổ đỏ” cho cả Hộ gia đình (xem Phụ lục 04 và 05: Đất ở và đất nhận chuyển nhượng cấp cho Hộ gia đình).

Hộ gia đình sử dụng đất không phải là đất thuê chỉ có quyền: “Thế chấp, bảo lãnh[1] bằng quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế hoặc cá nhân để vay vốn sản xuất, kinh doanh” (khoản 7, Điều 113 về “Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không phải là đất thuê”). Nghĩa là Hộ gia đình không được phép thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm cho nghĩa vụ vay vốn hay mua vật tư, phân bón của cá nhân, tổ chức phi tín dụng để sản xuất, kinh doanh hoặc không được thế chấp tại các tổ chức tín dụng để làm việc khác như xây nhà, chữa bệnh, học tập,…

7. 3 kiến nghị pháp lý về Hộ gia đình:

3.1. Cần phải giải thích rõ việc xác định Hộ gia đình để giải quyết hậu quả pháp lý đối với những hành vi pháp lý liên quan đến Hộ gia đình trong 40 đạo luật hiện hành như đã được đề cập đến trong bản tham luận này. Theo đó, Hộ gia đình bao gồm những thành viên nào, thời điểm xác định và quan hệ giữa thành viên với tài sản của Hộ gia đình như thế nào? Việc này nhằm tránh khỏi tình trạng vướng mắc trong quá trình giao dịch mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, trao đổi, góp vốn quyền sử dụng đất (cũng như nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất) lâu nay là: Không thể biết được rằng phải có sự đồng ý của những ai, vì không có cách nào khẳng định chính xác những ai có quyền thật sự đối với quyền sử dụng đất trong trong Hộ gia đình và tài sản. Từ hộ kinh doanh gồm từ một đến vài người hay tổ hợp tác gồm một số người cho đến pháp nhân với hàng nghìn người, thì cũng chỉ cần 1 người đại diện giao dịch là hợp pháp, còn Hộ gia đình thì lại phải đòi hỏi tất cả thành viên đồng ý, mà điểm mấu chốt thì lại không có căn cứ pháp lý để xác định những ai là thành viên Hộ gia đình.

Đã 20 năm trôi qua, kể từ khi Hộ gia đình được đưa vào thành một chủ thể trong Luật Đất đai mà vẫn không hướng dẫn được nó là cái gì, thì đến nay cũng không có hy vọng làm được việc này.

3.2. Cần phải ghi rõ họ tên của tất cả những người có quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (kể cả đã cấp trước đây) thay vì chỉ ghi tên một người chủ hộ hoặc chủ hộ là 2 vợ chồng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất, để tránh những hậu quả pháp lý vô cùng rắc rối, phức tạp và nguy hại, đã, đang và sẽ xảy ra trong nhiều chục năm nữa. Đối với tài sản của Hộ gia đình là đất đai và những tài sản khác có giấy chứng nhận quyền sở hữu, thì đương nhiên phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu như đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình,… chứ chủ Hộ gia đình không thể có vai trò pháp lý quyết định hơn so với các thành viên khác của Hộ gia đình. Còn đối với tài sản của Hộ gia đình không phải là đất đai và những tài sản khác không có giấy chứng nhận quyền sở hữu, thì chỉ cần một người đại diện cho Hộ gia đình giao kết xưa nay vẫn được pháp luật công nhận hiệu lực..

Làm được việc này sẽ tránh khỏi tình trạng quy định bất khả thi như hiện nay, đồng thời cũng gián tiếp loại trừ chủ thể Hộ gia đình ra khỏi quan hệ dân sự. Ngoài ra, nếu ghi rõ tên các cá nhân liên quan, chắc chắn sẽ phát hiện ra nhiều trường hợp đã cấp sai Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Hộ gia đình, mà đáng lẽ ra phải cấp cho 1 cá nhân hoặc cho 2 vợ chồng.

3.3. Giải pháp lâu dài, cơ bản và hợp lý nhất là cần phải loại bỏ Hộ gia đình, với tư cách là một chủ thể trong quan hệ dân sự trong Bộ luật Dân sự cũng như chủ thể sử dụng đất trong Luật Đất đai. Từ đó, cần bỏ hết chủ thể Hộ gia đình trong các quan hệ dân sự khác. Trong pháp luật hôn nhân, gia đình, thì đã có khái niệm gia đình. Trong pháp luật kinh doanh, thương mại, thì đã có chủ thể thay thế là Hộ kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Chỉ còn một số trường hợp thật đặc biệt cần phân biệt một cách tương đối như trong một số quan hệ hành chính, thì vẫn có thể sử dụng khái niệm Hộ gia đình.

Không thể duy trì chế định Hộ gia đình nói chung, quyền sử dụng đất của Hộ gia đình nói riêng một cách tù mù và bế tắc như chế định sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước về đất đai.

——————————————-

Luật sư Trương Thanh Đức

E-mail: truongthanhduc@yahoo.com

ĐT: 090.345.9070

Phụ lục 01

DANH MỤC CÁC ĐẠO LUẬT ĐỀ CẬP ĐẾN HỘ GIA ĐÌNH

1. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1990 (luật gốc năm 1981 chưa nhắc đến Hộ gia đình).

2. Luật Đất đai năm 1993 (Luật Đất đai năm 1987 trước đó chưa nhắc đến Hộ gia đình).

3. Luật Thuế Chuyển quyền sử dụng đất năm 1994 (hết hiệu lực).

4. Bộ luật Dân sự năm 1995 (hết hiệu lực).

5. Luật Hợp tác xã năm 1996.

6. Luật Thuế giá trị gia tăng năm 1997 (hết hiệu lực, Luật Thuế GTGT năm 2008 hiện hành không nhắc đến Hộ gia đình).

7. Luật Thương mại năm 1997.

8. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998 (hết hiệu lực).

9. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Chuyển quyền sử dụng đất năm 1999 (hết hiệu lực).

10. Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 (Luật Hôn nhân gia đình năm 1986 trước đó chưa nhắc đến Hộ gia đình).

11. Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001.

12. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2001 (hết hiệu lực).

13. Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002.

14. Luật Đất đai năm 2003.

15. Luật Hợp tác xã năm 2003.

16. Luật Thi đua khen thưởng năm 2003.

17. Luật Thống kê năm 2003.

18. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2003 (hết hiệu lực).

19. Luật Thuỷ sản năm 2003.

20. Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (luật trước đó không nhắc đến Hộ gia đình).

21. Luật Xây dựng năm 2003.

22. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

23. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2003 (hết hiệu lực).

24. Bộ luật Dân sự năm 2005.

25. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.

26. Luật Đầu tư năm 2005.

27. Luật Nhà ở năm 2005.

28. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản (Luật gốc năm 1996 chưa nhắc đến Hộ gia đình) năm 2005.

29. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005.

30. Luật Bình đẳng giới năm 2006.

31. Luật Cư trú năm 2006.

32. Luật Điện ảnh năm 2006.

33. Luật Quản lý thuế năm 2006.

34. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2007 (hết hiệu lực).

35. Luật Hoá chất năm 2007.

36. Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007.

37. Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007.

38. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2007.

39. Luật Bảo hiểm y tế năm 2008.

40. Luật Đa dạng sinh học năm 2008.

41. Luật Trưng dụng, trưng mua tài sản năm 2008.

42. Luật Dân quân tự vệ năm 2009.

43. Luật Người cao tuổi năm 2009.

44. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (Luật Xây dựng năm 2003, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đấu thầu năm 2005, Luật Nhà ở năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2005) năm 2009.

45. Luật Thuế tài nguyên năm 2009.

46. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.

47. Luật Khoáng sản năm 2010.

48. Luật Người khuyết tật năm 2010.

49. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010.

50. Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010.

51. Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010.

52. Luật Tố tụng hành chính năm 2010.


[1] Theo tinh thần của Bộ luật Dân sự, thì hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất được thay thế bằng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm nghĩa vụ dân sự cho người khác. Tuy nhiên, hiện nay Toà án cho rằng vẫn phải là hợp đồng bảo lãnh.

SOURCE: Hội thảo Các quy định về chủ thể, giao dịch, và đại diện trong Bộ luật Dân sự năm 2005 – Định hướng sửa đổi, bổ sung – Bộ Tư pháp và KAS (CHLB Đức), Hà Nội 5-6/6/2012

VIỆC SỬ DỤNG LẠI BÀI VIẾT PHẢI CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

TRA CỨU CÁC BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ TẠI ĐÂY

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading