admin@phapluatdansu.edu.vn

VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ĐỊA PHƯƠNG

NGUYỄN VÂN ANH – Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu; VÕ NGỌC ANH – Sở KH&CN Bình Định; KHUẤT DUY VĨNH LONG – Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh; HÀ HUY BẮC – Sở KH&CN Vĩnh Phúc; LÊ VŨ TOÀN – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Trên thế giới, mô hình quỹ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) đã được hình thành từ lâu: Quỹ khoa học quốc gia được thành lập ở Mỹ năm 1950, Thụy Sỹ năm 1952, các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ cũng thành lập quỹ này từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tại Việt Nam, các loại hình quỹ phát triển KH&CN đã được đề cập trong Luật KH&CN năm 2000, Trong đó việc thành lập Quỹ được hình thành ở cấp quốc gia; tỉnh/thành phố; bộ/ngành; tổ chức và cá nhân nhằm mục đích đa dạng hoá nguồn đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN. Bài viết dưới đây đánh giá sơ bộ về thực trạng hoạt động của các quỹ phát triển KH&CN do các tỉnh/thành phố thành lập, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm, làm cơ sở cho việc đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ này.

Sau khi Luật KH&CN có hiệu lực, tính đến nay, cả nước đã hình thành được 36 tổ chức quỹ phát triển KH&CN. Trong đó, ở cấp quốc gia là Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED), ở địa phương có 16 quỹ, trường đại học có 1 quỹ, khối doanh nghiệp có 18 quỹ. Đối với 16 quỹ ở các tỉnh/thành phố (quỹ địa phương), đã có 11 quỹ đi vào hoạt động, đó là tại các tỉnh/thành phố: Hải Dương, Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Dương, Nghệ An, Thái Bình, Hòa Bình; 5 quỹ đã thành lập nhưng chưa hoạt động, ở các tỉnh: Đồng Nai, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Bình Phước, Quảng Ngãi. Hầu hết các quỹ được thành lập và đi vào hoạt động trong vòng 1-3 năm trở lại đây. Quỹ hình thành đi vào hoạt động sớm nhất cả nước là Nghệ An (2004).

Các quỹ địa phương hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu, không vì mục đích lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước và các ngân hàng. Các quỹ địa phương là các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh/thành phố. Vốn được cấp khi thành lập ban đầu của các quỹ không lớn, cao nhất là Quỹ Phát triển KH&CN TP Hồ Chí Minh (50 tỷ đồng), còn lại từ trên 1 tỷ đến 10 tỷ đồng, được hình thành từ ngân sách sự nghiệp khoa học, bổ sung từ kinh phí thu hồi của các đề tài/dự án hàng năm, các khoản thu từ hoạt động của quỹ. Ngoài ra, quỹ có thể được huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách khác như: Các khoản đóng góp tự nguyện, tài trợ, hiến tặng của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…

Phương thức, phạm vi tài trợ và cho vay.

Phương thức hỗ trợ tài chính của các quỹ phát triển KH&CN địa phương dựa trên nguyên tắc: 1) Tài trợ một phần cho viêc thực hiện các đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới thuộc những ngành nghề, lĩnh vực các tỉnh ưu tiên khuyến khích, do doanh nghiệp thực hiện hoặc phối hợp với các tổ chức KH&CN thực hiện (mức tài trợ không quá 30% tổng kinh phí thực hiện đề tài); hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế trong các doanh nghiệp (mức hỗ trợ không quá 20% tổng kinh phí thực hiện các dự án xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp); 2) Cho vay với lãi suất thấp hơn mức lãi suất của ngân hàng thương mại tại thời điểm cho vay hoặc không lấy lãi để thực hiện các dự án hoàn thiện công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN (sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, thử nghiệm quy trình công nghệ mới…); các dự án chuyển giao công nghệ để đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh/thành phố.

Trên thực tế, việc bổ sung quỹ từ kinh phí thu hồi các đề tài/dự án hàng năm rất thấp và khó khăn, nên các quỹ thường áp dụng hình thức cho vay với lãi suất thấp (bằng 50% lãi suất của ngân hàng thương mại) chứ không thực hiện tài trợ để bảo toàn vốn (Thanh Hoá, Thái Bình, Vĩnh Phúc). Riêng Nghệ An chỉ áp dụng hình thức tài trợ đối với các dự án đổi mới, cải tiến công nghệ của các doanh nghiệp, nên hàng năm nguồn vốn của quỹ được bổ sung từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học. Các địa phương khác, trong đó có Bình Định, áp dụng cả 2 phương thức tài trợ và cho vay (tài trợ đối với triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu có triển vọng thành sản phẩm có tiềm năng thương mại; cho vay để hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, thử nghiệm quy trình công nghệ mới và chuyển giao công nghệ).

Tổ chức bộ máy của quỹ

Bộ máy quản lý và điều hành của quỹ gồm hội đồng quản lý, cơ quan điều hành và ban kiểm soát.

Hội đồng quản lý quỹ gồm các thành viên là nhà khoa học, nhà quản lý hoạt động kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm. Chủ tịch quỹ là một phó chủ tịch UBND tỉnh/thành phố, riêng TP Hồ Chí Minh chủ tịch quỹ là Giám đốc Sở KH&CN.

Cơ quan điều hành quỹ gồm giám đốc, các phó giám đốc, các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm. Giám đốc quỹ là đại diện pháp nhân của quỹ do chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm. Hiện nay tại các địa phương, đơn vị chuyên môn chỉ bao gồm kế toán trưởng và văn phòng quỹ.

Có 4 trường hợp (TP Hồ Chí Minh, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Thái Bình), việc điều hành quỹ được thực hiện ủy thác với đơn vị tín dụng bên ngoài: Cơ quan điều hành Quỹ Phát triển KH&CN TP Hồ Chí Minh là Quỹ Đầu tư phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh theo sự ủy thác của UBND TP Hồ Chí Minh; Cơ quan điều hành Quỹ Phát triển KH&CN của các tỉnh Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, Thái Bình là các tổ thẩm định (thẩm định nội dung khoa học và tài chính của các ngân hàng theo sự ủy thác của quỹ nhằm bảo toàn vốn vay).

Riêng Bình Định và Hòa Bình đã thành lập bộ máy quỹ vận hành độc lập, gồm 5 biên chế đảm trách thẩm định cả về mặt nội dung khoa học và tài chính đối với các dự án cho vay. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập loại 2, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP.

Ban kiểm soát quỹ có từ 3 đến 5 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm, do hội đồng quản lý quỹ bổ nhiệm, miễn nhiệm. Tại các địa phương, ban kiểm soát quỹ thường có thanh tra sở KH&CN, đại diện sở tài chính và các sở, ban/ngành liên quan.

Hội đồng thẩm định/nghiệm thu có 5-7 thành viên, do giám đốc quỹ đề nghị, có nhiệm vụ thẩm định tính khả thi, hiệu quả đầu tư và tài chính của các hồ sơ đề nghị tài trợ, vay vốn. Mỗi đề tài/dự án có một hội đồng thẩm định riêng. Hội đồng thẩm định cũng có trách nhiệm đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các đề tài/dự án đề nghị tài trợ, vay vốn của quỹ.

Nói chung, kết quả hoạt động của các quỹ phát triển KH&CN tại các địa phương đều chưa có hiệu quả cao, thể hiện qua số vốn tài trợ và cho vay không nhiều. Tổng số dự án được các quỹ địa phương tài trợ/cho vay là 107 đề tài/dự án với tổng kinh phí là 51,26 tỷ đồng.

Nhận xét, đánh giá

Những thành tựu.

● Bên cạnh hình thức đầu tư truyền thống cho KH&CN theo phương thức cấp ngân sách hàng năm, mô hình quỹ phát triển KH&CN (do hệ thống cơ quan nhà nước nói chung, các tỉnh/thành phố nói riêng) tổ chức triển khai cùng mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm của các tổ chức tài chính nước ngoài (như: Quỹ Beta, Veil, Vietnam Frontier, Vietnam Fund, Templeton, Lazard, Mekong, Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG tại Việt Nam – thuộc Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG, Quỹ Techfund – thuộc công ty quản lý quỹ VinaCapital) đã mở ra phương thức tài trợ, đầu tư mới, tạo cơ hội cho các nhà khoa học theo đuổi các công trình nghiên cứu và doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất – kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế:

– Giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, phát triển các sản phẩm mới, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Ví dụ, với việc cho Doanh nghiệp tư nhân D&L (thành phố Quy Nhơn) vay 1,2 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm để thực hiện dự án “Đầu tư thiết bị xả băng để nâng cấp, hoàn thiện dây chuyền sản xuất các loại thép hình”, Quỹ Phát triển KH&CN Bình Định đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép trên địa bàn tỉnh và mở rộng ra các tỉnh lân cận, tạo thêm việc làm thường xuyên cho 15 lao động, với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng…

– Giúp các doanh nghiệp tại các địa phương phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao (ví dụ, các mô hình nuôi rắn hổ mang sinh sản, nuôi lợn rừng sinh sản cho năng suất cao tại Vĩnh Phúc; sản phẩm gạo Vạn Phước tại Bình Định…); tận dụng phế thải nông nghiệp làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp, mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân và giúp các doanh nghiệp triển khai các công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, không gây ô nhiễm môi trường (dự án sản xuất bột giấy từ thân cây ngô sau thu hoạch theo công nghệ sinh học tại Công ty TNHH Việt Sáng – Vĩnh Phúc…).

– Giúp các doanh nghiệp đầu tư giải quyết bài toàn khan hiếm lao động tại các thành phố lớn thông qua việc đầu tư hệ thống tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất, đồng thời tiết kiệm được ngoại tệ chi cho việc nhập khẩu, tăng khả năng cung cấp chủ động và đồng bộ sản phẩm cho thị trường (dự án “Đầu tư dây chuyền thiết bị công nghệ sản xuất nắp nhựa chịu gas và không gas theo công nghệ dập nén thay thế công nghệ ép phun” của Công ty Cổ phần kỹ nghệ Đô Thành; dự án “Chế tạo thiết bị tự động theo chương trình trong dây chuyền sản xuất động cơ điện và biến áp” của Công ty TNHH sản xuất – thương mại – dịch vụ Thiết Bảo tại TP Hồ Chí Minh).

● Các quỹ phát triển KH&CN địa phương cũng chính là động lực thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ từ viện nghiên cứu/trường đại học ra các doanh nghiệp, từ đó kích thích hoạt động nghiên cứu – triển khai nhằm tăng cường năng lực công nghệ nội sinh của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Một số tồn tại và hạn chế

Về cơ bản, các quỹ phát triển KH&CN địa phương mới đi vào hoạt động nên hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do các yếu tố sau:

Mức kinh phí đầu tư cho các quỹ phát triển KH&CN tại các địa phương hiện nay được đánh giá là quá thấp. Trừ TP Hồ Chí Minh được đầu tư 50 tỷ đồng, các địa phương khác chỉ từ 10 tỷ đồng trở xuống, còn rất thấp so với nhu cầu và tỷ trọng đầu tư cho KH&CN. Để nâng cao chất lượng các đề tài/ dự án nghiên cứu – ứng dụng, từ đó thúc đẩy các các kết quả nghiên cứu triển khai, ứng dụng vào cuộc sống, tăng công bố quốc tế, tiến tới đạt chuẩn quốc tế, ngoài trình độ của nhà khoa học, cơ sở vật chất thì một trong những vấn đề “đầu tiên” là phải đầu tư đến nơi, đến chốn cho các đề tài/dự án.

Do là phương thức đầu tư mới nên mô hình tổ chức còn nhiều bất cập, chưa có đội ngũ chuyên nghiệp đảm nhiệm việc tài trợ/cho vay. Hiện nay, mới chỉ có 2 quỹ (của tỉnh Bình Định và Hòa Bình) đảm nhiệm chức năng thẩm định cả về nội dung khoa học và tài chính, 4 quỹ của các địa phương (TP Hồ Chí Minh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa) liên kết với các tổ chức tín dụng thẩm định về tài chính, còn lại thông qua phương thức hội đồng với bộ máy cán bộ kiêm nhiệm. Quy trình tổ chức thực hiện cho vay còn rườm rà, phức tạp, phải qua nhiều khâu, thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài từ 60 đến 90 ngày, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện của các công trình nghiên cứu.

Một số quỹ địa phương áp dụng điều kiện thế chấp quá chặt chẽ, hình thức thế chấp chủ yếu bằng tài sản cố định. Vì vậy, các dự án tổ chức tại nông thôn (với giá trị thế chấp thấp) rất khó vay được mức vốn cao. Không ít dự án có nội dung khoa học tốt nhưng không giải quyết cho vay được vì tài sản thế chấp không hợp lệ. Do vậy, xảy ra tình trạng nhu cầu vay vốn khá nhiều nhưng không vay được đủ số vốn đề xuất.

Với các quỹ mà việc tài trợ hoặc cho vay không cần thế chấp, mức tài trợ chỉ khoảng 20-30% tổng kinh phí thực hiện. Mức tài trợ và cho vay đều bị khống chế ở mức tối đa, hoặc khống chế dưới tỷ lệ % của vốn ngân sách cấp cho quỹ. Ví dụ, Quỹ Phát triển KH&CN TP Hồ Chí Minh quy định: “Mức tài trợ cho một dự án không quá 30% tổng kinh phí thực hiện (không quá 5 tỷ đồng), thời gian vay tối đa 3 năm”, “Hạn mức cho vay tối đa của dự án là 70% tổng vốn đầu tư của dự án và không vượt quá 10 tỷ đồng”; Quỹ Phát triển KH&CN Quảng Trị quy định: “Mức tài trợ cho mỗi dự án không quá 30% tổng kinh phí thực hiện và không quá 200 triệu đồng trong thời gian tối đa 3 năm. Định mức cho vay tối đa không quá 500 triệu đồng”…

Tỷ lệ và định mức tài trợ/cho vay như vậy chưa phù hợp với tình hình nghiên cứu, thực hiện đổi mới công nghệ của các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp hiện nay. Do vậy, các quỹ phát triển KH&CN tại các địa phương chưa thu hút được các nhà khoa học và doanh nghiệp tham gia. Nhiều lĩnh vực chuyển giao công nghệ cũng chưa là đối tượng tài trợ/cho vay của các quỹ này. Ngoài ra, thời hạn cho vay của nhiều quỹ địa phương còn chưa hợp lý, với thời hạn 1 năm thì không thể thực hiện được các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất.

Mặt khác, nhiều nhà khoa học tại các trường đại học, viện nghiên cứu còn e ngại khi vay vốn thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết quả nghiên cứu khoa học được tạo ra trong nước. Nguyên nhân cũng có thể do các nhà khoa học đam mê chinh phục các vấn đề mới để phục vụ mục tiêu tích lũy các công trình khoa học công bố hơn là việc đầu tư hoàn thiện công nghệ, còn các doanh nghiệp lại không dám ứng dụng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, do công nghệ chưa hoàn thiện, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, các dự án liên quan đến vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ không thuộc đối tượng tài trợ hay cho vay của nhiều quỹ địa phương.

Kiến nghị

Hiện nay, để tăng cường đầu tư cho KH&CN, việc hình thành các quỹ phát triển KH&CN tại các địa phương là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để các quỹ này hoạt động có hiệu quả, cần thiết phải có những nghiên cứu, đánh giá lại mô hình và hiệu quả hoạt động của các quỹ để đúc rút những bài học kinh nghiệm.

Theo chúng tôi, không nên tiếp tục duy trì mô hình kiêm nhiệm như hiện nay, vì với tâm lý chung của những người kiêm nhiệm tham gia quản lý quỹ là “không cho vay sẽ an toàn, cho vay sẽ sợ mang đến rủi ro” sẽ không thúc đẩy được hoạt động của quỹ. Trong bước quá độ, việc liên kết với các tổ chức tín dụng để triển khai hoạt động của quỹ nhằm bảo toàn vốn vay là cách thực hiện thông minh, phù hợp tình hình thực tiễn nguồn nhân lực của các sở KH&CN. Thực tiễn tại Thái Bình, Vĩnh Phúc đã cho thấy liên kết này rất hiệu quả để xử lý các trường hợp doanh nghiệp “chây lỳ”, phải nhờ đội ngũ chuyên nghiệp của “đối tác liên kết” thu hồi công nợ. Tuy nhiên về lâu dài, cần xây dựng bộ máy hoạt động độc lập, từng bước hình thành một đội ngũ chuyên nghiệp trong tài trợ và cho vay đối với các đối tượng liên quan đến KH&CN (như Bình Định, Hòa Bình đang làm). Vốn cấp ban đầu cho quỹ tùy tình hình thực tế tại các địa phương, tuy nhiên tối thiểu nên từ 25 tỷ đồng trở lên. Có chính sách bổ sung vốn cho quỹ theo kết quả thực hiện. Trong tổ chức thực hiện, cần có sự phối hợp tốt với các tổ chức, cơ quan ban ngành tại địa phương; lồng ghép, phối hợp với các chương trình khác tại địa phương. Ví dụ, tại TP Hồ Chí Minh, hoạt động của quỹ đã hỗ trợ tích cực cho Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố, góp phần mở rộng các mô hình thành công, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp tham gia mua bán tại sàn giao dịch công nghệ của thành phố…; Bình Định kết hợp với việc triển khai nhân rộng mô hình thành công từ Chương trình nông thôn miền núi ở cấp quốc gia; Vĩnh Phúc kết hợp với định hướng đầu tư, tài trợ phát triển các đặc sản có sức cạnh tranh của địa phương (tép dầu Đầm Vạc, rắn Vĩnh Sơn, gạo Long Trì, cá thính Lập Thạch, susu Tam Đảo…). Đặc biệt, các địa phương cần có chính sách đãi ngộ tốt với cán bộ tham gia hoạt động tại quỹ để nhân rộng và thu hút cán bộ tín dụng giỏi trong lĩnh vực KH&CN.

Đối với các quỹ địa phương, nên bổ sung đối tượng cho vay, ngoài các đề tài/dự án nghiên cứu phát triển công nghệ nên bổ sung các đối tượng thực hiện đổi mới công nghệ (bao gồm cả các hoạt động ươm tạo công nghệ), nên có quy định cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Đồng thời, mở rộng hơn mức tài trợ/cho vay để thực sự thu hút sự tham gia của các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp.

NAFOSTED đóng vai trò đầu tàu trong hệ thống quỹ phát triển KH&CN cả nước, cần có sự hỗ trợ cho các địa phương thông qua hình thức ủy thác cho vay dự án, góp phần tăng thêm nguồn vốn cho các quỹ địa phương; chủ trì tổ chức các hội thảo, tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm để hỗ trợ các địa phương về nghiệp vụ trong quá trình tổ chức thực hiện. Đồng thời, qua đó tạo mối liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa NAFOSTED và các quỹ địa phương, nhằm đạt mục tiêu chung là đóng góp vào sự phát triển KH&CN nước nhà.

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC, BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, SỐ THÁNG92.2011 (628)

BÀI ĐĂNG DƯỚI SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

CÁC BẠN TRA CỨU BÀI VIẾT CÙNG NGUYỄN VÂN ANH   TẠI ĐÂY

One Response

  1. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả, doanh nghiệp KHCN rất cần những khoản vay hỗ trợ từ nhà nước để phát triển công nghệ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading