Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO – ĐỊA CHỈ TIN CẬY ĐỂ QUỐC HỘI GIAO NHIỆM VỤ GIẢI THÍCH LUẬT

Advertisements

ĐỖ VĂN CHỈNH

Giải thích luật đang là vấn đề được nhiều học giả, chuyên gia pháp luật và các cơ quan hữu quan quan tâm. Giải thích luật có vai trò vô cùng quan trọng, bởi lẽ, có nhiều quy phạm pháp luật nếu không có sự giải thích của cơ quan có thẩm quyền sẽ dẫn đến hậu quả là việc nhận thức pháp luật không thống nhất và việc áp dụng pháp luật của các cơ quan Nhà nước nói chung, cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng cũng không thống nhất.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thì Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội (Uỷ ban TVQH) là cơ quan duy nhất ở nước ta có thẩm quyền giải thích luật. Thẩm quyền giải thích luật của Uỷ ban TVQH được quy định tại Điều 9 của Hiến pháp, tại Điều 7 của Luật Tổ chức Quốc hội và tại Điều 52 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một thực tế của đời sống pháp luật hiện nay là: Yêu cầu giải thích Luật của người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, hành nghề Luật, áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp,… thì nhiều, nhưng các văn bản pháp luật được Uỷ ban TVQH giải thích lại ít nên không đáp ứng nhu cầu của xã hội. Những năm gần đây, có nhiều Luật đã có điều luật để giải thích từ ngữ. Ví dụ Luật Doanh nghiệp năm 2005 có Điều 4 về giải thích từ ngữ. Luật Tố tụng hành chính năm 2010 có Điều 3 về giải thích từ ngữ…v…v… Những sự giải thích từ ngữ trong từng Luật như vậy cũng không thể đáp ứng được yêu cầu của đời sống pháp luật. Ví dụ trong luật Đất đai năm 2003 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009 có Điều 4 là điều luật giải thích từ ngữ, nhưng cũng chỉ giải thích được 28 cụm từ, mà trong 28 cụm từ  được giải thích vẫn có cụm từ không áp dụng được trong các tranh chấp. Cụ thể là về cụm từ tại khoản 24 Điều 4 giải thích cụm từ  “Giá trị quyền sử dụng đất”. Cụm từ này quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Đất đai là điều luật quy định về bồi thường cho người có đất bị thu hồi, nội dung quy định như sau “… nếu không có đất để bồi thường, thì được bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất…”. Trong khoản 24 Điều 4 Luật Đất đai giải thích cụm từ “Giá trị quyền sử dụng đất” như sau: “Giá trị quyền sử dụng đất là giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất đối với một diện tích đất xác định trong thời hạn sử dụng đất xác định”. Sự giải thích này không rõ ràng và còn mâu thuẫn với quy định trong khoản 2 Điều 42 Luật Đất đai. Không rõ ở chỗ: trong lời giải thích nói là “giá trị bằng tiền của quyền sử dụng đất…”. Nhưng giá trị bằng tiền này, tính theo giá nào lại không đề cập đến, nên trong thực tế giải quyết bồi thường là khó khăn. Cụ thể là: Đất thu hồi để giao cho doanh nghiệp thì bồi thường cho người có đất bị thu hồi theo giá của UBND cấp tỉnh quy định, mà giá này người dân thường gọi là giá làm nghèo người có đất bị thu hồi. Còn đất ở vị trí tạm gọi là đắc địa mà nhà đầu tư muốn có đất để đưa vào khai thác thì việc bồi thường có sự tham gia của nhà đầu tư nên giá đất bồi thường cao hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định nhưng cũng không phải là giá thị trường. Vậy thì giá trị quyền sử dụng đất bồi thường cho người có đất bị thu hồi lấy giá bồi thường nào là đúng với sự giải thích tại khoản 24 Điều 4 Luật Đất đai.

Sự giải thích tại khoản 24 Điều 4 Luật Đất đai mâu thuẫn với khoản 2 Điều 42 Luật Đất đai ở chỗ: Điều 42 quy định rõ là việc bồi thường được tính theo giá trị khi có quyết định thu hồi đất còn trong khoản 24 Điều 4 Luật Đất đai lại giải thích chung chung là: “…trong thời hạn sử dụng đất…” và cũng không giải thích là bồi thường giá trị quyền sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất,…

Nhu cầu giải thích luật của xã hội là nhiều mà cơ quan có thẩm quyền giải thích Luật chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Tình trạng này kéo dài đến nay là quá lâu và đã đến lúc Quốc hội cần mở rộng thêm cơ quan được nhiệm vụ giải thích luật. Theo chúng tôi, Toà án nhân dân (TAND) tối cao là cơ quan mà Quốc hội có thể giao thêm nhiệm vụ giải thích Luật, bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, TAND tối cao là cơ quan hoạt động thực tiễn và là cơ quan được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể: Điều 134 của Hiến pháp quy định TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại Điều 19 Luật Tổ chức TAND còn quy định nhiệm vụ quyền hạn cho TAND tối cao là“Hướng dẫn các Toà án áp dụng thống nhất pháp luật,  tổng kết kinh nghiệm xét xử của các Toà án”. Tại Điều 1 của Luật Ban hành văn bản quy định cũng xác định TAND tối cao là cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sự tín nhiệm này của Quốc hội đối với TAND tối cao là có căn cứ vì TAND tối cao là cơ quan xét xử đồng thời cũng là cơ quan hướng dẫn các cấp Toà án áp dụng thống nhất pháp luật. Đồng thời các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. TAND tối cao là cơ quan hoạt động thực tiễn nên am hiểu vướng mắc nhận thức pháp luật của các Toà án trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết một vụ án và biết được từ ngữ nào, cụm từ nào trong điều luật cần phải giải thích.

Thứ hai, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã đi vào cuộc sống. Nếu tính từ năm 1986 là năm đầu tiên thi hành BLHS năm 1985 ở nước ta đến hết năm 2011, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành 37 Nghị quyết để hướng dẫn các cấp Toà án áp dụng thống nhất pháp luật.

Các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã kịp thời giải quyết được vấn đề quan trọng trong công tác xét xử của Toà án là việc nhận thức pháp luật cũng như việc áp dụng pháp luật thống nhất khi giải quyết các vụ án, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất việc nhận thức pháp luật không đúng.

Ngoài ra, các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao còn đạt được kết quả ngoài sự mong muốn. Đó là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao được sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở các cơ sở pháp lý như Trường Đại học Luật, Học viện Tư pháp,… Ví dụ: khi giảng về chế định án treo trong pháp luật hình sự Việt Nam, các giảng viên đã sử dụng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để giảng dạy làm phong phú cho bài giảng về khái niệm án treo, về như thế nào là các tình tiết giảm nhẹ của người phạm tội để được áp dụng án treo… (Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 18/10/1990 và Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007)… Ví dụ 2: Trong Bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính đều quy định: bản án hoặc quyết định của Toà án cấp dưới mà vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì bị huỷ theo thủ tục phúc thẩm hoặc huỷ theo thủ tục giám đốc thẩm. Các giảng viên đã sử dụng Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để giới thiệu như thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và như thế nào là vi phạm không nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đồng thời với kết quả này, có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã được nâng cấp pháp luật hoá nội dung hướng dẫn của TAND tối cao trở thành những điều luật trong Bộ luật, Luật. Ví dụ: Nghị quyết số 01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/4/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có hướng dẫn các cấp Toà án xác định mức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong các trường hợp sứckhoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm bị người khác xâm phạm, gây ra thiệt hại cho nạn nhân. Các hướng dẫn này đã được quy định tại các Điều 609, 610, 611 và Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006.

Với sự phân tích trên, chúng tôi cho rằng, TAND tối cao là địa chỉ tin cậy để Quốc hội giao thêm nhiệm vụ giải thích Luật.

SOURCE: CỒNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Trích dẫn từ:

http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=16874465

Exit mobile version