Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

CÔNG VĂN SỐ 143/TANDTC-KHXX NGÀY 21 THÁNG 09 NĂM 2011 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ CỦA CƠ QUAN BẢO HIỂM XÃ HỘI

Advertisements

Kính gửi:

– Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Tòa án nhân dân các huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh.

Để áp dụng đúng và thống nhất một số quy định của pháp luật liên quan đến việc khởi kiện vụ án dân sự của cơ quan Bảo hiểm Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án nhân dân các cấp thực hiện đúng và nghiêm túc một số vấn đề sau đây:

1. Về việc khởi kiện vụ án dân sự của cơ quan Bảo hiểm Xã hội

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 151 Bộ luật lao động (đã được sửa đổi, bổ sung các năm 2002, 2006) thì: “Tranh chấp giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc với cơ quan bảo hiểm xã hội, giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội do hai bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì do Tòa án nhân dân giải quyết”.

Theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 94/2008/NĐ-CP ngày 22-8-2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì “Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là bảo hiểm xã hội), bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm y tế tự nguyện (sau đây gọi chung là bảo hiểm y tế) theo quy định của pháp luật”.

Trường hợp cơ quan Bảo hiểm Xã hội khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân, nếu Tòa án thấy rằng vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền của mình thì căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 151  Bộ luật Lao động, khoản 3 Điều 162 của Bộ luật Tố tụng dân sự (sau đây viết tắt là BLTTDS) và văn bản hướng dẫn thi hành để thụ lý đơn khởi kiện, giải quyết vụ án dân sự và xác định cơ quan Bảo hiểm Xã hội là nguyên đơn. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 31 và điểm c khoản 1 Điều 33 của BLTTDS thì cơ quan Bảo hiểm Xã hội có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện. Trong trường hợp người bị khởi kiện ở nước ngoài thì cơ quan Bảo hiểm Xã hội có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của BLTTDS.

2. Về việc cung cấp chứng cứ của cơ quan Bảo hiểm Xã hội khi khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước

Theo quy định tại Điều 85, Điều 165 BLTTDS và hướng dẫn tại mục 5 Phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP thì khi khởi kiện cơ quan Bảo hiểm Xã hội phải gửi kèm theo đơn khởi kiện là tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trường hợp vì lý do khách quan mà cơ quan Bảo hiểm Xã hội không thể nộp ngay đầy đủ các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, thì phải nộp các tài liệu, chứng cứ ban đầu để chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ. Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan Bảo hiểm Xã hội phải tự mình bổ sung hoặc bổ sung theo yêu cầu của Tòa án hoặc yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng.

3. Về việc nộp tiền tạm ứng án phí, án phí theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án

Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án thì cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Do vậy, cơ quan Bảo hiểm Xã hội khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước theo lĩnh vực mình phụ trách không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân các cấp nhận được Công văn này cần tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện./.

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN
Trần Văn Tú

Exit mobile version