admin@phapluatdansu.edu.vn

GIẢI PHÁP CHO “CĂN BỆNH” ĐỘC QUYỀN TẠI VIỆT NAM

 NGUYỄN TẤN DŨNG – Hai Bà Trưng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí MInh

Thị trường là nơi mọi người gặp gỡ, với một bên là những người bán, cung cấp, điều hòa các hàng hóa dịch vụ và bên kia là những người mua, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ ổn định, nhờ đó đã duy trì được cho nhà sản xuất và thị trường hoạt động. Cạnh tranh là một quy luật, là kết quả của nền kinh tế thị trường tự do gồm có nhiều doanh nghiệp của nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại để tranh dành cùng một lợi ích, mong mở rộng thị phần của mình trên một thị trường liên quan. Cạnh tranh là động lực của cải tiến và phát triển.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà có sự tồn tại sự độc quyền, cũng như một số công ty độc quyền trong nền kinh tế thị trường, đó có thể là do, doanh nghiệp được nhà nước bảo hộ độc quyền về bí quyết kinh doanh, bằng sáng chế, hay là do doanh nghiệp kiểm soát được toàn bộ nguồn cung cấp các nguyên liệu để chế tạo ra một sản phẩm nào đó, hay cũng có thể là doanh nghiệp độc quyền là nhờ vào các quy định của pháp luật-doanh nghiệp được Chính phủ bảo hộ độc quyền. Cái giá mà xã hội phải trả cho độc quyền tồn tại là không nhỏ, các doanh nghiệp độc quyền thường đưa đến kết quả là mức giá cả cao hơn, số lượng sản xuất ra thấp hơn, làm cho người tiêu thụ sa sút hơn và doanh nghiệp độc quyền khấm khá hơn.

Tuy nhiên, sự tồn tại của độc quyền là không thể tránh khỏi, chúng ta nên bảo hộ và khuyến khích các doanh nghiệp độc quyền nhờ vào những phát minh, sáng chế mới làm phát triển khoa học kỹ thuật và tăng năng suất lao động. Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng nên đặt dấu hỏi đối với các doanh nghiệp độc quyền nhờ vào sự bảo hộ của Chính phủ hay là sự độc quyền từ sự kiểm soát nguyên liệu đầu vào của việc sản xuất. Nhất là câu hỏi cho sự độc quyền của các công ty nhà nước.

Như đã biết, các công ty nhà nước thường không có động lực tìm kiếm lợi nhuận, chúng thiếu sự khích lệ mà những công ty ngoài quốc doanh thường có và phải có để sản xuất ra hàng hóa, dịch vụ mà những người tiêu thụ mong muốn và làm điều đó với mức chi phí thấp, để đạt một giá cả hợp lý. Một vấn đề nữa là các công ty nhà nước thường cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mà không có trách nhiệm trực tiếp với người tiêu thụ. Kết quả của điều này là sự phân phối tài nguyên không cân xứng. Các công ty nhà nước có khuynh hướng đáp ứng cho áp lực về chính trị hơn là cho thương mại. Việc thiếu áp lực về hiệu quả kinh tế trong công ty nhà nước thường sẽ dẫn đến kiềm chế sự đổi mới và phát triển của các sản phẩm và dịch vụ mà nó cung ứng.

Tại Việt Nam thực trạng này đang được diễn ra. Chẳng hạn, kết quả của một Tổng công ty cấp thoát nước là việc cung cấp nước không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng và độ an toàn, có khi lại ô nhiễm. Tương tự, kết quả của một Tổng công ty điện lực Việt Nam là việc cung cấp điện không đáp ứng được đầy đủ cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp và cho sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hay như, kết quả của Tổng công ty dầu khí Việt Nam là giá dầu trong nước được bán tăng cao hơn nhiều so với giá dầu trên thị trường thế giới so với mức thu nhập trung bình của người dân, hay như phải khai thác dầu thô bán với giá thấp rồi mua đầu qua tinh chế với giá gấp nhiều lần. Và đặc biệt, kết quả của một Bộ giao thông vận tải (mà nòng cốt là tập hợp các công ty xây dựng dưới quyền) là các “PMU18”, các tuyến đường “chứa đầy” nước,… Điều này cho ta thấy được việc cần làm cho nền kinh tế Việt Nam, là cần có một giải pháp căn bản cho vấn đề độc quyền của các công ty nhà nước, mà giải pháp có thể nói là tốt nhất là tiến hành không những là cổ phần hóa mà là cả tư nhân hóa các công ty nhà nước (nếu có thể).

Chúng ta đã và đang tiến hành cổ phần hóa các công ty nhà nước nhưng tại sao vẫn còn có sự tồn tại của quyền lực độc quyền? có phải chúng ta vẫn còn bảo hộ? có phải là do Nhà nước vẫn còn nắm quyền chi phối, quyết định khi vẫn còn là cổ đông nắm giữ trên 50% số cổ phần trong công ty nhà nước sau khi đã được cổ phần hóa. Sao chúng ta không tiến hành một cách triệt để hơn, là thực hiện việc tư nhân hóa.

Tư nhân hóa là một quá trình mà qua đó, sự sản xuất hàng hóa và dịch vụ được dịch chuyển khỏi khu vực nhà nước trong một nền kinh tế. Có thể được thực hiện bằng việc bán ra cho công chúng những cổ phần các công ty thuộc sở hữu nhà nước, hay được thực hiện bằng việc sử dụng các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện công việc nhà nước dưới một hợp đồng nào đó. Việc tư nhân hóa công ty nhà nước sẽ dẫn đến: Thứ nhất, sự quản lý trước đây đã trở thành một hội đồng quản trị mới như đối với một công ty tư nhân; thứ hai, người lao động trong công ty sẽ được quyền ưu tiên mua một số cổ phần để trở thành một trong những chủ sỡ hữu của công ty, điều này sẽ góp phần chắc chắn vào sự thay đổi tích cực thái độ làm việc của người lao động; thứ ba, huy động được sự tham gia của đông đảo quần chúng góp vốn vào cho công ty, điều này sẽ tạo được một nguồn vốn rất lớn để mở rộng sản xuất và kinh doanh; và một ý nghĩa đã được chứng minh là, các công ty tư nhân luôn thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn nhiều so với các công ty nhà nước, họ kiếm được lợi nhuận nhiều hơn, đóng thuế nhiều hơn và Nhà nước giảm đi những chi phí rất lớn do việc trợ cấp cho các công ty nhà nước trước đây.

Nhưng để đảm bảo cho sự ổn định kinh tế, cũng như là điều tiết vĩ mô nền kinh tế và đáp ứng cho các yêu cầu khác của Nhà nước, mà trong một số trường hợp khi tiến hành cổ phần hoá hay tư nhân hóa thì Nhà nước có thể là một cổ đông đặc biệt, người duy nhất nắm giữ “cổ phần vàng” (Golden share), một loại cổ phần cho phép nhà nước có thể can thiệp vào công việc của công ty đã được tư nhân hóa, ví dụ như: Nhà nước có thể can thiệp bằng quy định giới hạn số cổ phần mà mỗi cổ động được mua trong một công ty nhà nước được cố phần hóa hay tư nhân hóa, nhất là đối với việc mua cổ phần của những người nước ngoài trong các công ty thuộc các ngành chiến lược.

Để tiến hành cổ phần hóa hay tư nhân hóa các công ty nhà nước (thực chất là việc bán đi tài sản thuộc sở hữu nhà nước) đạt hiệu quả, đảm bảo được yêu cầu quản lý cũng như là mục đích kinh tế, thì Nhà nước cần chú ý đến 4 yếu tố:

Thứ nhất, việc cổ phần hóa hay tư nhân hóa các công ty nhà nước đòi hỏi phải có một sự định giá hợp lý. Đây là một yêu cầu rất nên được quan tâm. Việc định giá thường nên để giá cổ phần thấp hơn từ 10% đến 20% giá thị trường, vì nhằm giải quyết khó khăn đối với việc định giá công ty, đồng thời khuyến khích những người dân bình thường đầu tư vào. Nhưng không vì thế mà định gía quá thấp so với thị trường, để rồi làm cho tài sản nhà nước bị “chuyển hóa” thành tài sản của một số người, làm thất thoát ngân sách;

Thứ hai, người lao động đang làm việc trong công ty sẽ được mua bao nhiêu cổ phần? với giá như thế nào? Chế độ ưu đãi được thực hiện ra sao? Đây là một vấn đề lớn, vì thường, người lao động với đồng lương rất thấp sẽ không thể nào mua được nhiều và với một mức giá thị trường đối với cổ phần trong doanh nghiiệp được, mà nếu không để người lao động thực sự trở thành một người chủ của công ty sau khi đã được cố phần hóa hay tư nhân hóa, thì thái độ làm việc, mức đóng góp của họ có thể sẽ giảm xuống. Thường thì các nước trên thế giới khi tiến hành cổ phần hóa hay tư nhân hóa giữ lại từ 10% đến 15% số cổ phần để bán cho người lao động;

Thứ ba, đáng quan tâm đặc biệt là, việc cổ phần hóa hay tư nhân hóa có khi là việc bán tài sản giá rẻ cho một số ít người, từ đó biến công ty nhà nước thành công ty “tư nhân” của một số ít người nắm giữ hầu như toàn bộ số cổ phần. Với những mối quan hệ và quyền của mình trong công ty nhà nước trước đây, thì những người lãnh đạo, quản lý công ty có thể dễ dàng ảnh hưởng đến việc định giá, đến quyền được mua cổ phần trong công ty, rồi sau đó đương nhiên là người chủ của công ty với số cổ phần nắm quyền biểu quyết. Việt Nam ta có thể đã có hiện thượng này trong quá trình cổ phần hóa;

Thứ tư, việc có nên hay không nên, và giới hạn số cổ phần cho người nước ngoài được mua cổ phần đối với các công ty nhà nước được cổ phần hóa. Đây là vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình cổ phần hóa hay tư nhân hóa, vì yếu tố chính trị trong các công ty, các ngành có ý nghĩa chiến lược.

Cổ phần hóa và tư nhân hóa lá một quá trình phức tạp và rất khó khăn, nhưng cần được tiến hành đối với các công ty nhà nước đang được bảo hộ. Bằng cách phục hồi các động cơ của thị trường và bản chất thương mại, cổ phàn hóa và tư nhân hóa sẽ tiếp thêm sinh lực cho các công ty, các ngành nghề quốc doanh đang bị kiềm chế và có khó khăn. Nó sẽ góp phần chuyển hàng tỷ đồng từ việc phải tài trợ thua lỗ cho các công ty nhà nước thành sự đẩy mạnh sáng tạo và thúc đầy kinh doanh trong các công ty được cố phần hóa hay tư nhân hóa. Cổ phần hóa và tư nhân hóa sẽ góp phần to lớn cho sự phát triển nền kinh tế thị trường, trả lại quy luật cạnh tranh vốn có giữa các doanh nghiệp trên thị trường, và bằng chứng rõ ràng nhất là rất nhiều quốc gia đã và đang thành công khi đi trên con đường đó.

SOURCE: TÁC GIẢ

VIỆC ĐĂNG LẠI BÀI VIẾT VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI PHẢI CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading