LS. QUÁCH TÚ MẪN – Công ty Luật hợp danh Danh & Cộng sự
Ngày 21/9/2011, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao đã ban hành Công văn số 141/TANDTC-KHXX (công văn số 141) hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản. Nhận thấy công văn số 141 mang nhiều điểm trái pháp luật, không khoa học và không phục vụ cộng đồng nên Công ty Luật hợp danh Danh & Cộng sự đã có văn bản kiến nghị Chánh án toà án nhân dân tối cao kiểm tra và xử lý.
Bài viết này gồm hai phần, phần phân tích công văn số 141 và phần nội dung kiến nghị.
I. Công văn số 141: Nội dung và những vấn đề pháp lý, kinh tế xã hội.
1. Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản
Công văn số 141 nhận định rằng “các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ Luật Dân sự năm 2005”.
Nhận định trên chỉ dựa vào điểm 8 Điều 6 luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.
Chỉ chứng minh các giấy tờ này không phải là “giấy tờ có giá”, công văn số 141 làm người đọc hết sức phân vân, không rõ theo quy định bộ luật dân sự 2005, các giấy này là gì, có phải là tài sản hay không.
Cơ sở pháp lý về “giấy tờ có giá” của công văn số 141 cũng không thuyết phục. Thật vậy, phạm vi điều chỉnh luật Ngân hàng Nhà nước (1) chỉ giới hạn trong “quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” và không bao quát, điều chỉnh hết mọi quan hệ dân sự.
Có quan điểm cho rằng “giấy tờ có giá” trong quan hệ dân sự phải được hiểu là giấy tờ có thể trị giá bằng tiền theo Điều 321 “Tiền, giấy tờ trị giá dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự” (2) Bộ Luật Dân sự. Có ý kiến coi giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là một phần của quyền tài sản. Giấy chứng nhận bị chiếm hữu sẽ hạn chế quyền tài sản của chủ sở hữu.
Quan điểm của người viết bài, Giấy Chứng nhận quyền sở hữu tài sản là vật, tài sản theo Điều 163 Luật Dân sự.
Vật trong Điều 163 không được luật Dân sự định nghĩa chi tiết nên phải hiểu theo nghĩa thông thường. Vật theo tự điển tiếng Việt là “Cái có hình khối, tồn tại trong không gian, có thể nhận biết được”. Tờ giấy là vật, “Giấy” chứng nhận quyền sở hữu tài sản cũng là vật. Căn cứ vào khoản 2 Điều 179 bộ luật dân sự (3), giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản được phân loại là vật đặc định. Với cách hiểu này các loại giấy chứng nhận khác, chứng minh nhân dân, bằng cấp, chứng chỉ nghề nghiệp đều là vật, tài sản.
2. Thẩm quyền giải quyết yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản
Công văn số 141 cho rằng yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là “yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án”, không dựa trên một cơ sở pháp lý nào ngoài lý do rất mơ hồ “các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 của Bộ Luật Dân sự năm 2005”. Lập luận trên không có sức thuyết phục, sai quy tắc logic, thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự của tòa án không tùy thuộc vào giấy tờ có là “giấy tờ có giá” hay không.
Ngược lại, nếu đã công nhận các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là một loại tài sản quy định tại Điều 163 của Bộ Luật Dân sự năm 2005, tất nhiên phải thừa nhận tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu trả lại giấy theo khoản 2 Điều 25 Bộ Luật Tố tụng Dân sự “tranh chấp về quyền sở hữu tài sản”.
Nguyên tắc “bất khẳng thụ lý”, một nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự các nước trên thế giới. Theo đó, tòa án không thể viện dẫn bất kỳ lý do gì để từ chối thụ lý hoặc xét xử yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự của người dân. Bộ luật Dân sự Pháp tại Điều 4 quy định “Thẩm phán nào từ chối thụ lý xét xử một vụ việc, viện dẫn lý do luật không có quy định, quy định tối nghĩa, không rõ, có thể bị truy tố về tội bất khẳng thụ lý”. Án lệ Pháp phát triển “tội bất khẳng thụ lý” thành mọi hình thức thiếu trách nhiệm đối với nghĩa vụ bảo vệ người dân (4), bao gồm từ chối thụ lý, chậm xét xử, dẫn chứng dữ kiện không có thật để xét xử. Các nhà làm luật Việt Nam cũng đồng ý với nguyên tắc trên nên đã thông qua Điều 4 Luật TTDS quy định người dân có quyền yêu cầu tòa án “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của mình. Cụ thể hóa nguyên tắc này, tại Điều 25 Bộ Luật Tố tụng Dân sự, ngoài 8 khoản đầu quy định chi tiết thẩm quyền giải quyết của Tòa án, các nhà làm luật đã thêm khoản thứ 9 “các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có quy định”. Một cách dễ hiểu, tòa án có thẩm quyền và nghĩa vụ phải giải quyết tranh chấp đối với mọi quan hệ, giao dịch dân sự đã được ghi nhận trong một quy định pháp luật bất kỳ. Trong trường hợp nêu trên, hành vi chiếm hữu Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản của người khác đã làm phát sinh nghĩa vụ dân sự phải giao trả lại cho chủ. Quan hệ dân sự này được ghi nhận tại Điều 280, 281 (5) Luật Dân sự 2005. Như vậy, Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản có là tài sản hay không thì người dân cũng có quyền yêu cầu và tòa án có nghĩa vụ và thẩm quyền giải quyết tranh chấp này, buộc giao trả giấy tờ cho chủ.
Việc thời gian qua Tòa án từ chối thụ lý giải quyết đối với những tranh chấp như đòi lại các loại giấy tờ, đòi lại con (quyền nuôi con), đòi lại quyền chiếm hữu, chăm sóc mồ mã đều trái pháp luật và thiếu cân nhắc.
3. Chứa quy phạm pháp luật
Công văn số 141 chứa quy phạm pháp luật, có quy tắc xử sự chung “từ chối thụ lý, đình chỉ vụ án, không được khởi kiện đối với yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản”, có hiệu lực bắt buộc chung, được gởi đến tòa án các cấp để thi hành với quyền lực Nhà nước đối với mọi người dân trong cả nước.
Là văn bản chứa quy phạm pháp luật nhưng công văn số 141 lại không được ban hành theo đúng hình thức, trình tự, thủ tục quy định đối với văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích người dân.
4. Những nếp mòn xấu
Hiện đang có tình trạng, một số cơ quan thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật hoặc quyết định hành chính không đúng quy định pháp luật, chỉ dựa vào ý chí chủ quan và những diễn giải sai quy tắc khoa học. Tình trạng này kéo dài qua năm tháng trở thành những nếp mòn xấu trong việc thực thi pháp luật.
Những nếp mòn xấu trong công văn số 141:
– Tùy tiện ban hành văn bản chứa quy phạm pháp luật.
– Ban hành quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật.
– Diễn giải, chứng minh sai quy tắc logic.
– Thiếu trách nhiệm trong công vụ.
Nhận thức rằng thời đại xã hội tri thức đòi hỏi chúng ta phải xóa bỏ các vết mòn xấu, phải sáng suốt hơn, khoa học hơn trong thực thi pháp luật, góp phần phát triển một Nhà nước pháp quyền mà trong đó mọi thành phần xã hội đều phải tuân theo pháp luật, đặc biệt là cơ quan tòa án, chúng tôi đã có bản kiến nghị gởi Tòa án Nhân dân tối cao với nội dung dưới đây.
II. Nội dung bản kiến nghị đã gởi đến Tòa án Nhân dân Tối cao
A. Những điểm trái pháp luật, không khoa học và không phục vụ cộng đồng của Công văn số 141/TANDTC-KHXX:
1. Trái pháp luật
a) Trái Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 (luật VBQPPL 2008):
– Điều 1 của Luật VBQPPL 2008 quy định văn bản quy phạm pháp luật là văn bản trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội và phải được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật.
– Khoản 6 Điều 2 luật VBQPPL 2008 quy định Chánh án tòa án tối cao ban hành Văn bản quy phạm pháp luật bằng hình thức thông tư.
– Điều 70 luật VBQPPL 2008 quy định dự thảo thông tư do Chánh án tòa án tối cao phải được đăng tải 60 ngày trên báo điện tử để nhân dân góp ý, phải tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan và phải được Hội đồng thẩm phán tối cao thảo luận và cho ý kiến.
Công văn số 141/TANDTC-KHXX, có chứa quy phạm pháp luật, đã được ban hành không đúng hình thức Thông tư và không có đăng tãi trên báo cũng như lấy ý kiến các tổ chức có liên quan, có thẩm quyền theo đúng trình tự, thủ tục theo các điều khoản nêu trên của Luật VBQPPL 2008.
b) Trái Luật Tố tụng Dân sự (Luật TTDS)
– Điều 4 luật TTDS quy định “Quyền yêu cầu toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của người dân là một nguyên tắc cơ bản của luật.
Các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy đăng ký xe mô tô, xe máy; Giấy đăng ký xe ô tô…) dù có là giấy tờ có giá hay không vẫn là quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Vì vậy, có thể khẳng định rằng yêu cầu tòa án giải quyết đòi lại các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là yêu cầu chính đáng, đúng pháp luật của người dân. Việc tòa án từ chối nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, vi phạm nguyên tắc cơ bản luật dân sự.
c) Vi hiến
Điều 126 Hiến pháp 1992 quy định tòa án có nhiệm vụ “bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”.
Ban hành văn bản từ chối thụ lý yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu đối các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản (cũng là tài sản) của người dân, tòa án đã không làm tròn nghĩa vụ “bảo vệ tài sản công dân”, vi phạm hiến pháp.
2. Không khoa học
a) Chứng minh sai quy tắc lô gích:
Công văn số 141 đưa ra các tiền đề sau:
– Tài sản gồm “vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 163 Bộ luật Dân sự)
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không phải là giấy tờ có giá (theo quy định của nhiều luật khác nhau)
Để đi đến kết quả:
– Yêu cầu đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án do giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản không phải là giấy tờ có giá, không phải là tài sản nên người dân không có quyền yêu cầu đòi lại.
Cách chứng minh trên do đã “đánh tráo khái niệm”, đồng nhất “giấy tờ có giá” với tài sản, vi phạm quy tắc cơ bản trong lô gic học, nên cho ra kết quả hoàn toàn sai.
Cần lưu ý, tài sản là thành phần lớn hơn “giấy tờ có giá”. Ngoài giấy tờ có giá, tài sản còn bao gồm nhiều thành phần nhỏ khác.
b) Kết luận hời hợt, thiếu đầu tư
Hầu hết mọi người khi đọc xong công văn số 141 nói trên đều có chung câu hỏi “Vậy theo quy định pháp luật các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản này là gì?”
Rất tiếc, công văn số 141 lại không tự đặt câu hỏi này. Nếu có đặt ra câu hỏi này thì tất phải có câu trả lời và dĩ nhiên sẽ không dám đưa ra kết luận hời hợt, trái pháp luật như trên.
c) Chỉ dẫn không thực tiễn
Công văn số 141 còn có đoạn hướng dẫn trong trường hợp người chiếm hữu bất hợp pháp làm mất giấy chứng nhận tài sản thì người chủ sở hữu có thể xin cấp lại giấy mới và“bên có lỗi trong việc làm mất giấy tờ phải chịu toàn bộ chi phí, lệ phí trong việc cấp lại giấy tờ mới”.
Để chứng minh cho yêu cầu đòi bồi thường nói trên, chủ sở hữu phải khởi kiện đòi lại giấy chứng nhận để xác định được bên bị kiện là người chiếm hữu bất hợp pháp và có lỗi làm mất giấy tờ. Thế nhưng người dân đã không có quyền khởi kiện đòi lại giấy chứng nhận thì làm thế nào có thể yêu cầu đòi bồi thường được.
d) Khập khiểng, mâu thuẫn trong áp dụng pháp luật:
– Trong vụ án dân sự, một bên có nghĩa vụ thanh toán, bên kia có nghĩa vụ hoàn trả giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đang tạm giữ để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán, theo quy định công văn số 141, tòa án chỉ còn được quyền:
– Buộc một bên thực hiện nghĩa vụ thanh toán
– Đối với bên kia, hướng dẫn đương sự đến “cơ quan chức năng” để được giải quyết yêu cầu giao trả giấy tờ (do yêu cầu không thuộc thẩm quyền tòa án).
Bản án như trên quá khập khiểng, quá kỳ dị và vô lý. Nó sẽ không bao giờ được người dân, xã hội, cộng đồng quốc tế chấp nhận.
– Thế nhưng, nếu như tòa án, cứ tiếp tục như trước khi có công văn số 141, tuyên buộc một bên thực hiện nghĩa vụ thanh toán và buộc bên kia giao trả giấy tờ tài sản, sẽ dẫn đến tình trạng kỳ dị không kém, mâu thuẩn trong áp dụng pháp luật, luật pháp có nhiều cách hiểu và nhiều cách thi hành, pháp chế không được tôn trọng, học thuật pháp lý nước nhà ngày càng tụt hậu. Người dân, sinh viên luật, luật gia trong và ngoài nước sẽ phải hiểu sao cho đúng về giấy chứng nhận quyền tài sản. Tòa án giải thích thế nào khi mà, cũng một loại giấy chứng nhận quyền tài sản, lúc thì tuyên không có thẩm quyền giải quyết đòi lại, lúc thì lại có thẩm quyền buộc giao trả (phải có thẩm quyền xét đòi lại mới có thể tuyên giao trả).
3. Không phục vụ cộng đồng
a) Vô cảm với người dân:
Công văn số 141 hướng dẫn tòa án khi trả đơn khởi kiện hướng dẫn cho người khởi kiện có thể yêu cầu “cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền” buộc người chiếm hữu bất hợp pháp phải trả lại giấy tờ nhưng lại không chỉ rõ cơ quan nào. Nếu có chút đồng cảm với nỗi khổ, bức xúc, hoang mang của người dân khi giao dịch gặp khó khăn phải nhờ đến cơ quan công quyền, công văn số 141 tất đã chỉ rõ, trực tiếp cơ quan nào có chức năng giải quyết vụ việc trên để an lòng người dân.
Thế nhưng, mặt khác, mọi người đều biết, tranh chấp về dân sự tương tự như trên nếu các bên không tự thỏa thuận được, chỉ có thể khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết, không có “cơ quan chức năng” nào khác có thẩm quyền giải quyết. Thực tiễn các cơ quan chức năng đã từ chối giải quyết và cho rằng công văn của tòa án tối cao không có giá trị pháp lý.
b) Quan liêu với toàn xã hội
Giao dịch, vụ án dân sự có việc giao giữ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản hiện khá phổ biến. Chủ xe giao giấy tờ xe cho tài xế, chủ nhà giao giấy tờ đảm bảo vay, nợ, để ủy quyền làm thủ tục hành chính, xảy ra tranh chấp.
Dù vậy, công văn số 141 thản nhiên từ chối thụ lý giải quyết yêu cầu đòi lại giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu của người dân, bất chấp hệ quả có thể xảy ra, giao dịch trong xã hội ngưng trệ, không quan tâm đến ý kiến, phản ứng của cơ quan ban ngành, của cộng đồng và xã hội, lòng tin vào cơ quan thẩm quyền tài phán suy giảm, tan mất.
c) Làm lợi cho nhóm lợi ích thiểu số
Hiện có tình trạng khá phổ biến, người dân mua nhà, căn hộ dự án đã thanh toán đủ tiền, nhận bàn giao và vào ở, sử dụng rất lâu nhưng vẫn chưa được chủ đầu tư dự án giao giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà, căn hộ. Nguyên nhân là do các chủ đầu tư dự án xây dựng thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước, không tuân thủ quy hoạch dự án, không xây dựng đúng thiết kế nên hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, căn hộ cho từng người mua không được giải quyết.
Khi người mua, trong trường hợp này, khiếu nại đến các cơ quan chức năng từ cơ quan cấp phép đầu tư, quản lý dự án, cấp giấy chứng nhận nhà, đất đều được hướng dẫn nộp đơn khởi kiện tại tòa án.
Nay công văn số 141 với quy định không được khởi kiện đòi giấy tờ nhà đất, đã tước mất hy vọng cuối cùng, sẽ được tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, của rất nhiều người dân, người tiêu dùng mua nhà, căn hộ.
Công văn số 141 gạt bỏ quyền lợi hợp pháp của nhóm đa số người dân, người tiêu dùng mua nhà nhưng lại ưu ái bảo vệ một cách đặc biệt cho nhóm lợi ích thiểu số, các chủ đầu tư dự án thiếu trách nhiệm. Công văn tạo ra một hành lang pháp lý ưu đãi tuyệt đối cho nhóm lợi ích thiểu số này, cứ thiếu trách nhiệm, cứ không thực hiện nghĩa vụ giao hồ sơ, giấy tờ nhà và cứ yên tâm không người dân nào có thể khiếu kiện đòi giấy tờ nhà được.
B. Yêu cầu
Qua phần trình bày trên, chúng tôi khẳng định rằng:
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là tài sản, là “quyền và lợi ích hợp pháp” của người dân.
– Tòa án có thẩm quyền và nghĩa vụ giải quyết “Yêu cầu đòi lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản” theo đúng Điều 4 và 25 Bộ Luật Tố tụng Dân sự.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra và xử lý công văn số 141 theo đúng quy định pháp luật.
Chú thích:
(1) Điều 1 Luật Ngân hàng Nhà nước;
(2) Điều 321 Tiền, giấy tờ trị giá dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự: “Tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và giấy tờ có giá khác được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”;
(3) Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí;
(4) Dân luật Pháp, NXB Litec, 2002, trang 22;
(5) Điều 280 “Nghĩa vụ dân sự”; Điều 281 “Căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự”.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN LUẬT SƯ TPHCM
Trích dẫn từ: http://www.hcmcbar.org/NewsDetail.aspx?CatPK=2&NewsPK=247
Like this:
Like Loading...
Related
Filed under: 1. SỬA ĐỔI BLDS 2005, 5. Quan điểm của Tòa án và về Tòa án, Quyền sở hữu |
xin hỏi chữ KHXX là viết tắt của chữ gì vậy ạ?
Cảm ơn tác giả! Bài viết rất hay và logic.
Xin hỏi thực tiễn áp dụng Công văn này tại các tòa hiện nay như thế nào ạ?
Có một tình huống thực tế như thế này, rất mong được các anh/chị chia sẻ! Trường hợp chuyển nhượng ô tô, bên mua đã thanh toán hết tiền nhưng bên bán lật lọng không đưa giấy tờ xe để bên mua làm thủ tục sang tên. (Phải thừa nhận trường hợp này bên mua hơi tin người quá nhưng sự đã rồi). Bên mua không có giấy tờ xe để thực hiện các quyền của chủ sở hữu và bị thiệt hại rất nặng nề: 1) Mất cơ hội kinh doanh từ chiếc xe; 2) Hàng tháng, mất tiền gửi giữ xe; 3) Tiền sửa chữa, hao mòn xe.
Trường hợp này, bên mua không thể đến cơ quan đã cấp giấy tờ xe để xin cấp lại vì trên giấy tờ xe vẫn ghi tên bên bán.
Bên mua chỉ có một cách duy nhất là khởi kiện ra tòa yêu cầu trả giấy tờ xe. Nhưng nay lại gặp phải Công văn 141 thì phải làm thế nào?
Rất mong được chia sẻ!
Trân trọng cảm ơn!
Do thời gian qua bận công việc nên giờ tôi mới vào lại và đọc hết từng câu chữ của Tác giả Ls Quách Tú Mẫn, có đoạn viết về giấy CMTND, Chứng chỉ nghề nghiệp tác giả cũng khẳng định đó là tài sản; đồng thời phân tích GCN QSDĐ dưới khía cạnh là vật (đặc định, có hình khối) mà vật cũng là tài sản theo quy định tại Điều 163 BLDS nên nó cũng là tài sản, thì quả thật điều này hết sức sai lầm và nguy hiểm. Bởi lẽ:
Thứ nhất, đảo ngược mệnh đề kéo theo thì chưa chắc đúng, thậm chí sai nghiêm trọng. Vì khẳng định tài sản bao gồm vật, nhưng ngược lại, không phải bất cứ vật nào cũng là tài sản. Chứng minh thư nhân dân là giấy tờ về nhân thân một cách đơn thuần, nó mang thông tin về nhân thân của một cá thể và không gắn với tài sản cũng như phát sinh các giá trị về tài sản nào, vì vậy nó không phải và cũng không thể là tài sản được. Kể cả các chứng chỉ nghề nghiệp cũng tương tự như vậy.
Thứ hai, GCN QSDĐ không thể nào được hiểu là tài sản theo logic như của tác giả đã nêu là: GCN QSDĐ là vật, mà tài sản theo quy định tại Điều 163 BLDS bao gồm vật, suy ra GCN QSDĐ là tài sản. Vì theo logic này nên tác giả mới kết luận CMTND, các Chứng chỉ nghề nghiệp cũng là tài sản. Một số bạn như hoangvanlim2007 cũng có suy luận như vậy. Nếu hiểu theo cách này thì kéo theo hệ quả sai nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm là có thể suy ra tất cả các giấy tờ liên quan đến một chủ thể đều là tài sản!!! Đây là logic hoàn toàn sai và chết người. Chúng ta không được đảo ngược mệnh đề kéo theo. Nếu nói về sức thuyết phục đối với logic của tác giả thì lại càng không có. Bởi phải hiểu được đúng bản chất của các GCNSH tài sản, GCN QSDĐ thì mới phân tích đúng về mặt học thuật và logic được. Như tôi đã bình luận ở trên thì GCNSH tài sản, GCN QSDĐ là tài sản về mặt khía cạnh pháp lý, vì nếu tài sản là vật (hữu hình hoặc vô hình) thì phải gắn với sở hữu của một chủ thể nào đó. Vật (đối tượng của quyền) và quyền sở hữu là hai mặt không thể tách rời của tài sản.
GCN QSDĐ nếu hiểu là tài sản theo khía cạnh là vật (đặc định, hình khối) để khẳng định nó là tài sản thì quả là trái khoa học, bởi vì các GCNSH và GCNQSDĐ tự thân nó không thể tồn tại một mình một cách độc lập được, không thể có các giấy đó mà không có đối tượng của sở hữu/sử dụng cụ thể. Tự một mình nó không thể tồn tại thì nói gì đến việc nó là tài sản.
Tôi rất hy vọng mọi người là luật sư, những bạn học luật và những người làm về luật khi học, đọc, nghiên cứu thì nên suy nghĩ và phân tích thật sự cẩn thận và kỹ lưỡng các quan điểm, luận cứ lẫn phân tích của mỗi người. Để từ đó không hiểu sai, không tiếp nhận những điều không đúng. Các bạn học, đọc và nghiên cứu đều phải tỉnh táo và vận dụng sự logic, sáng tạo và hiểu bản chất của vấn đề. Từ đó các bạn mới nắm đúng đắn, sâu sắc chuyên môn và mới sáng tạo ra được những điều, những thứ hay những giá trị mới của chính mình. Khi đó các bạn là những nhà khoa học.
Vài lời muốn được chia sẻ cùng mọi người.
Trân Trọng !
Tôi thấy những phân tích của luật sư Lê Luân mới thực sự nguy hiểm. Có lẽ luật sư nên tìm hiểu thêm khái niệm thế nào là vật và nó cần thiết như thế nào.
Trong khi ở Thủ đô này có nhà phải mất hàng tỷ đồng mới xin được cái giấy mà Luật sư Lê Luân coi đó không phải tài sản đây. Có doanh nghiệp phải bỏ ra vài chục tỷ đồng đóng tiền sử dụng đất cũng chỉ để lấy được cái giấy đó. Có được cái giấy đó người ta mới được chuyển nhượng, tặng cho, đổi, thế chấp…, thế mà nó không được coi như là tài sản đấy.
Tôi chưa phải luật sư, nhưng nghe luật sư Lê Luân nói thế làm tôi thất vọng. Xin trích lại cái câu của Ls Lê Luân viết:
“Tôi rất hy vọng mọi người là luật sư, những bạn học luật và những người làm về luật khi học, đọc, nghiên cứu thì nên suy nghĩ và phân tích thật sự cẩn thận và kỹ lưỡng các quan điểm, luận cứ lẫn phân tích của mỗi người. Để từ đó không hiểu sai, không tiếp nhận những điều không đúng. Các bạn học, đọc và nghiên cứu đều phải tỉnh táo và vận dụng sự logic, sáng tạo và hiểu bản chất của vấn đề. Từ đó các bạn mới nắm đúng đắn, sâu sắc chuyên môn và mới sáng tạo ra được những điều, những thứ hay những giá trị mới của chính mình. Khi đó các bạn là những nhà khoa học.”
Bạn hoanganlim2007 đọc thật kỹ những gì tôi viết trước khi phản biện một vấn đề nhé. Tôi không nói lại những gì tôi đã phân tích ở trên. Bạn đọc thật kỹ (và thật kỹ) nhé. Tôi đã phân tích cụ thể, rõ ràng từng chi tiết về mặt học thuật rồi, rằng các GCNSH tài sản và GCN QSDĐ là tài sản, nhưng không phải và không thể theo logic của tác giả và cách hiểu của bạn, mà là tài sản theo logic và cách hiểu tôi đã phân tích. Bạn đọc mà còn không hiểu tôi viết gì thì không biết bạn tiếp nhận một vấn đề như thế nào???
Trân Trọng!
không biết bạn Chuyên viên luật Q.Huy có đọc luật không mà nói
” Nếu trộm 50 ngàn VNĐ thì cũng không bị bắt, vì chưa đủ 500 000 VNĐ”.
trộm bao nhiêu chả bị bắt. theo tôi hiểu ý bạn là từ bắt ở đây la bắt trong hình sự, nhưng cấu thành của tội trộm cắp thì 500.000VND chưa đủ để xử lý hs bạn ơi. Chắc chuyên viên mới đây. còn bao nhiêu thì bạn đọc luật nhe
Bạn Tường Linh hãy mở mang tầm kiến thức ra ngoài phạm vi của mình, hãy học hỏi nhiều, đọc nhiều và nghiên cứu các quy định pháp lý của thế giới (BLDS Pháp 1804, BLDS Đức 1896, BLDS Hà Lan, Nhật Bản, Quebec Canada, Anh, Mỹ…) và suy nghĩ kỹ trước khi phản biện trong sự ngộ biện của mình.
Bạn hoangvanlim2007 đưa ra ý kiến nào cũng hay hết. nên phát huy nhé mình hạn chế nên chỉ làm theo pháp luật đã quy đinh thôi, mong hoangvanlim2007 chỉ dẫn thêm.
Không hiểu luật thì sao áp dụng được
Gửi bạn Bùi Đàm !
Đôi khi một vấn đề đúng, một chân lý đúng, một công thức đúng…đưa ra xã hội (hoặc đám đông) thì có khi ngay tức khắc nhận được đa số hoặc tất thảy sự phản đối, thậm chí còn gay gắt, vì trực quan, vì định kiến, vì sự thiếu hiểu biết, vì sự ích kỷ…nhưng qua thời gian, sẽ được hiểu, kiểm nghiệm và cuối cùng là hiển nhiên được chấp nhận trên thực tế.
LS Lê Luân thân!
Tôi hết sức đồng tình với ý kiến của LS dưới góc độ một nhà nghiên cứu! Có thể bạn ham mê nghiên cứu, đọc sách thấy nhiều ý kiến, quan điểm hay của các học giả, các bậc GS, TS xuất thân từ giảng viên các trường ĐH chuyên ngành.
Tuy nhiên, bạn thân mến, đến những bậc học giả trực tiếp nghiên cứu, viết về các vấn đề đó còn chưa đưa ra ý kiến gì mà bạn lại “mượn lời” đưa ra ở đây thì tôi e bạn CHƯA ĐỦ BẢN LĨNH! Xin lỗi bạn nhé, để sửa đổi luật chắc bạn nhận biết được quy trình như thế nào chứ nhỉ??? Còn quan điểm của bạn có thể viết trong những tác phẩm có đầu có cuối, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành thì sẽ có ích hơn. Giả như bạn CÓ ĐỦ BẢN LĨNH thì hãy kiến nghị, đóng góp ý kiến với những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền bạn nhé! Tất nhiên, xin nhắc lại, bạn phải đủ BẢN LĨNH để trình bày quan điểm của mình, nghĩa là quan điểm phải có cội nguồn, gốc rễ, đứng trến chính đôi chân của mình và ĐỦ SỨC THUYẾT PHỤC CẢ CỘNG ĐỒNG! Chúc bạn bình an với cương vị LS của mình, hãy đóng góp tốt nhất cho VP Luật sư của bạn, đó là tương lai tốt nhất cho bạn!!! Thân!
Bạn Bùi đàm đã đưa ra được quan điểm nào để đủ sức thuyết phục cả cộng đồng chưa hoặc bạn có biết một ai đưa ra quan điểm về mặt pháp lý mà thuyết phục được cả cộng đồng chưa?
Quy định bất cập dĩ nhiên phải có ý kiến, đây là vấn đề dân chủ, nếu không thắc mắc ý kiến thì làm sao có sửa đổi. Còn về việc ý kiến có giá trị thế nào thì hạ hồi phân giải, đâu phải ý kiến nào cũng được đồng thuận. Nói như bạn Bùi Đàm chắc nếu không phải là ca sĩ thì không bao giờ hát, không phải vận động viên thì không bao giờ đá bóng. Bạn xem lại bạn đã có bằng luật sư chưa mà phản biện người ta (theo kiểu lập luận của bạn) dùng từ của bạn nhé BẠN CHƯA ĐỦ BẢN LĨNH.
Việc này, khi nó đã đúng với bản chất sao ta lại làm cho nó rối lên, giả xử ta kiện được đi chẳng nữa, bên giữ GCN đã làm mất, hư hỏng rách nát như vậy đối tượng đi đòi không còn làm thế. cũng có nhiều khái niệm rất hay nhưng không có tính thực tế, không thể thực hiên được trông cuộc sống.
Giử bạn Nguyễn Tường Linh
Bạn nhầm rồi, chưa có tí thực tế nào cả
Thứ nhất: Nếu đã làm mất thì xuất hiện một yêu cầu mới về bồi thường (các chi phí đi làm lại);
Thứ hai: Đâu phải trong trường hợp nào cũng bị mất, bị rách, rất nhiều vụ án như vay tài sản bên cho vay vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản đấy chứ và họ có thể nộp ngay theo yêu cầu của tòa án đấy chứ;
Thứ ba: trong lĩnh vực đất đai thì giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cũng là một trong những căn cứ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo điều 150 luật đất đai đấy chứ;
Thứ tư, xin cấp lại thì đâu phải dễ dàng, có những giấy tờ mà không thể cấp lại được ấy chứ. Ví dụ giấy tờ về quyền sở hữu tài sản do chế độ cũ cấp thì sao;
Thứ năm, tôi biết trong luật hình sự thì không coi giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản là một loại tài sản, phần này được hướng dẫn tại một nghị quyết. Tuy nhiên, khi áp dụng bạn Nguyễn Tường Linh phải xem là nghị quyết này điều chỉnh về vấn đề gì chứ;
Thứ sáu: Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản có phải là vật không? Nếu là vật thì có quyền từ chối thụ không?
Cuối cùng, tôi thấy bạn chẳng hiểu gì về luật cả, kiến thức thực tế thì không có mà cứ thích chê bai người khác
Chào bạn.
Tôi đính chính một chút tại phần “Thứ ba” là điều 50 luật đất đai
Vậy là đại Ls Lê Luân cầm đèn chạy trước ô tô rồi, Ví dụ có thân chủ tới nhờ LS nói khỏi kiện ông A lấy GCN không trả lúc này LS tư vấn thế nào ???. hay cũng làm theo công văn 141
Xin lỗi bạn Tường Linh, bạn phải hiểu luật sư là người áp dụng pháp luật, và khi có những bất cập cần phải kiến nghị để sửa đổi, để bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của người dân. Không thể để những quy định tréo ngoe, không đúng luật tồn tại được, vì thế cần những người áp dụng luật và hiểu luật bảo vệ pháp luật cho thật đúng đắn và phù hợp với thực tế cũng như đúng với triết lý pháp luật trên thế giới.
Tôi cũng không tranh cãi với bạn Tường Linh vì không giải quyết vấn đề gì ở đây cả. Đó là quan điểm về pháp lý nêu lên để bảo vệ người dân.
Chào bạn.
Bạn Nguyễn Từơng Linh sao hay hỏi những câu ngoài lề thế, nếu luật bất cập thì phải kiến nghị, cứ cái tinh thần tiêu cực như bạn thì quy định sao thì làm vậy ah?
vì thế luật dân sự của Việt Nam mới cần phải sửa đổi. Cả VN chưa có một học thuyết thật sự nào về tài sản. Đừng nói suy diễn, mà phải hiểu về bản chất pháp lý khi nghiên cứu về chế định tài sản trong Luật DS. Không phải Luật nói thế nào thì biết thế đấy. BLDS của nước ta còn quá nhiều vấn đề, quá nhiều quy định đi ngược với quan niệm và triết lý pháp luật tồn tại hàng thế kỷ trên thế giới, vì thế mới không tồn tại được lâu, chỉ chục năm lại sửa đổi. BLDS 2005 cũng đang trong quá trình sửa đổi.
Còn các bạn đang đi theo cách suy nghĩ của những người làm BLDS, cho rằng tài sản là vật (không gắn với sở hữu), và giấy tờ có giá mới là tài sản. Vậy các bạn hãy tự trả lời câu hỏi: Tại sao cần GCNQSDĐ??? Tại sao bạn không vứt nó đi vì nó không có giá trị, không phải tài sản của mình??? Tại sao pháp luật lại phải quy định GCNSH để làm gì??? Các bạn có thực hiện được quyền của mình đối với tài sản nếu không có GCN??? Dù thực hiện thì nó có giá trị pháp lý không – chắc chắn là không (vô hiệu)??? Vì vậy các bạn đừng mang ý chí cá nhân để cố gắng đến cố chấp với sự ngộ biện của mình.
Nếu có khái niệm hoàn chỉnh về tài sản, các bạn sẽ hiểu khác. Các bạn có thể cũng là người biết về luật, nhưng không phải luật quy định thế nào thì biết thế, không cần suy nghĩ và phản biện.
Chào bạn.
Cho rằng ko tính đến khía cạnh vật chất và giá trị thành tiền mà chỉ tính đến giá trị pháp lý của GCNQSDĐ cũng xem là tài sản là hiểu sai về tài sản. Đến thời điểm hiện nay, pháp luật VN ko thừa nhận GCNQSDĐ là tài sản. Những điều luật được viện dẫn để phủ nhận quan điểm này đều không đúng và chỉ mang tính lý luận ( đôi lúc còn lý sự nữa).
Mặc dù không thể phủ nhận rằng xã hội quí tờ GCNQSDĐ còn hơn là vàng và mọi người đều xem nó như của cải trong nhà.
“GCNQSDĐ là tài sản về khía cạnh pháp lý”. theo em được biết chưa có văn bản nào nói đến điều này cả. Chắc Bác tự suy nghĩa ra, cái gì pháp luật chưa có quy định mình không được tự ý suy diễn.
Thế một tờ giấy có phải là một vật không bạn?
trộm GCNQSDD thì không bị bắt vì nó là tài sản nhưng có giá trị thấp, tùy theo người mà có giá trị sử dụng, ví dụ đối với chủ giấy thì rất có giá trị nhưng đối với bạn thì chẳng dùng làm gì cả. Vấn đề đáng nói ở đây các anh, chị đang bàn cãi nó có phải tài sản ko. Nếu trộm 50 ngàn VNĐ thì cũng không bị bắt, vì chưa đủ 500 000 VNĐ, nhưng ko lẽ bạn nói 50 ngàn ko phải là tài sản +,+
GCNQSDĐ là tài sản về khía cạnh pháp lý chứ không phải khía cạnh về vật chất và giá trị thành tiền. Mà QSDĐ là một tài sản và được thể hiện thông qua GCNQSDĐ, nó là khía cạnh pháp lý của tài sản để thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản của mình. Không có GCN bạn bị treo quyền.
Cho em hỏi các Bác học cao hiểu rộng, nguyên cứu pháp luật Tây, Ta có đủ. Nếu nói GCNQSDĐ là tài sản, thì kẻ cắp lấy trộm GCNQSDĐ có phạm tội không?? nếu phạm tội xử ở khoản nào nhỉ ??. Mong các đại LS cho em chút kiến thức về trường hợp này với!
Tôi là LS Nguyễn Tiến Tài
Tôi hoàn toàn đồng ý với bài viết của LS Quách Tú Mẫn nhìn từ góc độ pháp lý và cả xã hội. Tôi xin cảm ơn LS Mẫn.
Tuy nhiên, tôi lại hết sức sửng sốt về comment của một bạn luật sư nào đó cho rằng công văn cũng có thể chứa đựng quy phạm pháp luật. Tại sao lại có thể hiểu một cách kỳ di như vậy được nhỉ?
Trước hết, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) 2008, VBQPPL hoàn toàn không có hình thức công văn (Đ 2). Thứ 2, VBQPPL phải được ban hành theo trình tự, thủ tục luật định (ví dụ lập ban soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp v.v…), có quy tắc xử sự chung và hiệu lực bắt buộc chung (K1 Đ 1). Công văn của TANDTC không đáp ứng được điều kiện về hình thức, trình tự nên nó không thể là VBQPPL (K2 Đ 1).
Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền làm sao có thể chấp nhận việc tùy tiện ban hành một công văn vô lối như thế. Bạn hiểu như trên là đang cổ súy cho sự tùy tiện đó đấy!
chủ bút “Tào Lao” không hiểu gì về luật, cũng không hiểu thế nào là tài sản cả, nên đừng lên đây comment, bàn luận.
Về nội dung chứa quy phạm trong công văn. Khi Luật văn bản của ta chưa điều chỉnh hết, có điều chỉnh thì chung chung, thì không thế nói rằng công văn không thể chứa nội dung quy phạm. Vì thực chất, công văn là việc trả lời và/hoặc hướng dẫn thi hành các quy phạm của văn bản luật cao hơn, bởi vậy, nó có thể chứa nội dung quy phạm. Ở đây tôi nói công văn mang nội dung quy phạm chứ không phải là Văn bản quy phạm.Bởi lẽ hướng dẫn luật cao hơn thì cần khẳng định/phủ định và/hoặc cho phép ai được làm gì/không được làm gì trong trường hợp nào (giải thích rõ hơn việc ai/có quyền làm gì hay không được làm gì đã được quy định trong văn bản mà công văn nhắm đến để hướng dẫn – để làm rõ ràng hơn, chi tiết hơn nội dung của văn bản luật trước đó có hiệu lực cao hơn)). Việc giải thích luật cũng chính là việc quy định chi tiết và cụ thể các quy định của luật, và các quy định chi tiết đó hoàn toàn có thể chứa nội dung quy phạm. Tôi không cổ súy, mà phải hiểu xuất phát từ thực tế, nước ta theo truyền thống luật thành văn nên việc Tòa án có thể hướng dẫn bằng một công văn có chứa nội dung quy phạm thì có thể hiểu được, và cũng phù hợp với chức năng của Tòa án, vì Tòa án mới là nơi hiểu luật nhất do hàng ngày phải áp dụng và thi hành luật.
Thực chất của vấn đề ở đây là Tòa án hướng dẫn về thẩm quyền của Tòa án các cấp, và chỉ rõ nguyên nhân tại sao lại không thụ lý giải quyết các vụ việc đòi lại GCN tài sản (vì cho rằng các GCN này không phải là tài sản), nó là cách hiểu sai bản chất pháp lý của tài sản, từ đó hướng dẫn trái luật về thẩm quyền của Tòa án.
Nếu Công văn 141 mà ban hành có lợi cho người dân, không trái với bản chất pháp lý của chế định tài sản của luật dân sự thì chắc đã không ai lên tiếng rồi, và có khi lại hoàn toàn ủng hộ công văn đó nữa. Vì thế, thực chất của việc phản đối chính là về nội dung trái luật và trái nguyên lý của pháp luật dân sự mà thôi. Nên Ls Tiến Tài đừng cho là hiểu kỳ dị. Mong Ls nhìn nhận và đánh giá đúng hơn với thực tế cũng như hiểu đúng quan điểm pháp lý của tôi.
Rất đồng tình với luật sư
Với phân tích của tác giả vậy làm cách nào để bảo vệ thân chủ của mình trong khi tòa án không thụ lý giải quyết yêu cầu đòi lại giấy chứng nhận? Đâu phải hễ thấy khác khác một chút là đòi sửa luật. Không cần khởi kiện vẫn có cách cấp lại GCN cơ mà.
Có một điều không cần phải bàn cải là GCN, Giấy phép lái xe, giấy CMND không phải là tài sản. Thửa đất và GCN của thửa đất: hai cái này cái nào là tài sản thì chúng ta đều biết rồi. Chẳng qua chúng ta thấy loại giấy tờ này nó có giá trị và quá ấn tượng với chúng ta nên suy diễn cảm tính rằng đó là tài sản.
phản hồi thật không hiểu biết về luật. Lại còn lôi cả GCMND vào đây, rồi còn khẳng định GCN sở hữu tài sản không phải là tài sản. Thật hết chỗ nói.
Mấy bác bàn rất hay nhưng chỉ là bàn luận cho vui thôi, hãy làm theo sẽ hiệu quả cho thân chủ, đỡ tốn công sức và thời gian nhé. chẳng Tòa cấp dưới nào ” dám cãi” công văn 141 đâu.
Về vấn đề Công văn chứa quy phạm pháp luật: tác giả và các bạn cần nghiên cứu lại “xử sự chung” là gì? Ở đây là Công văn hướng dẫn riêng của ngành Tòa án, các ngành khác không chịu sự điều chỉnh của Công văn 141 (cần phân biệt là điều chỉnh hoạt động chứ không phải ảnh hưởng của sự điều chỉnh này). Do đó, 141 không thể chứa đựng QPPL như lý lẽ trên.
Về nhiệm vụ Hiến định: Tòa án đã góp phần đảm bảo pháp chế XHCN. Thực vậy, hướng dẫn của TANDTC đã tuân thủ tinh thần chủ đạo của Hiến pháp cũng như quy định của BLTTDS về đảm bảo quyền “tự định đoạt” của công dân trong đời sống dân sự. Thử hỏi, khi giao kết các giao dịch như chuyển nhượng QSDĐ, quyền sở hữu nhà, căn hộ hay thế chấp vay tín dụng, cầm cố tài sản … thì có ai báo với tòa án không? để rồi khi chủ đầu tư không giao giấy chứng nhận, ngân hàng làm mất hoặc người nhận thế chấp không trả lại giấy tờ thì yêu cầu được bảo vệ độc lập mà không phải là tranh chấp hợp đồng đã giao kết. Trong các trường hợp này, đương sự có yêu cầu đã và sẽ thực hiện nghĩa vụ gì, thực hiện nghĩa vụ như thế nào để tòa án bảo vệ quyền của họ???
Có mấy lời bình luận, mong được chia sẻ.
Chào Tác giả bài viết và những ai quan tâm đến bài viết,
Tôi chỉ đồng tình với một số quan điểm của LS Quách Tú Mẫn, còn vấn đề khác tôi không đồng ý.
Về phần đồng ý, tôi xin giải thích vì sao lại có Công văn 141 với nội dung như thế:
Thứ nhất, khái niệm tài sản quy định tại Điều 163 BLDS 2005 hoàn toàn không đủ nội hàm để đảm nhiệm hết các khía cạnh của tài sản. Nó là khái niệm vớt vát được từ các khái niệm của Luật DS LB Nga trước đây, và tham khảo khái niệm tài sản của một số nước khác nữa và sau khi loại trừ, lược bớt thì ra được khái niệm tài sản không giống ai như đã nêu. Nếu ai quan tâm thì đọc các bài viết của TS Ngô Huy Cương hoặc của PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện về vấn đề này, rất đúng và hay. Xin nói với các bạn một điều rằng, QSDĐ là một quyền, là tài sản (bất động sản vô hình) và được thể hiện qua một tấm giấy gọi là GCNQSDĐ (ghi nhận ai là chủ tài sản đó – tài sản ở đây là quyền). Vì đất đai là tài sản của toàn dân, không phải đối tượng sở hữu của người sử dụng, vì vậy quyền SD đất chính là một tài sản (tài sản đặc biệt), nó không có đối tượng để sở hữu như các vật thông thường khác mà chỉ có đối tượng để thực hiện quyền của chủ sử dụng mà thôi. Nó định giá được bằng tiền, và là tài sản có giá trị lớn. Nếu bạn không có GCN QSDĐ thì bạn không thể thực hiện được các giao dịch với người thứ 3 (bị treo quyền) đối với tài sản bạn đang có (là quyền sử dụng đất). Vì thế, phải hiểu rằng, đối tượng của quyền sở hữu và quyền sở hữu là 2 mặt không thể tách rời của tài sản. Đối với các tài sản là vật hữu hình thì phải gắn với việc sở hữu của một chủ thể nào đó, không thể tách rời vật mà không có sở hữu được. Vì vậy, Tòa án hướng dẫn không thụ lý việc đòi lại các GCN QSH, QSDĐ là trái luật và vi hiến, vì Tòa án đã hiểu một cách máy móc rằng, các giấy tờ ghi danh đó là vô giá trị (không định giá được bằng tiền, có thể làm lại nếu mất, hỏng, bị chiếm giữ trái phép), vì Tòa án quy chiếu về Điều 163 BLDS (có 4 loại tài sản), và không thấy nó ở dạng tài sản nào nên phủ nhận nó không phải là tài sản. Bởi ở Việt Nam chưa có học thuyết nào về tài sản, chưa có cách hiểu thực sự, chưa có một trường phái để có thể bóc tách hết bản chất của tài sản, bởi vậy mà Tòa án mới “vứt” đi một mặt của tài sản. GCN QSH, GCN QSDĐ tài sản chính là phần thể hiện, phần ghi nhận “quyền” của chủ thể đối với tài sản, mà cái đó có ý nghĩa pháp lý cực kỳ quan trọng, không có nó thì các chủ thể không thể thực hiện được quyền của mình, có tài sản mà không thực hiện được giao dịch đối với cái hợp pháp mình đang có. Chỉ có ở Việt Nam mới có những quy định trái khoa học và không giống ai như vậy cả. Nước Mỹ người ta gọi tài sản là một mớ quyền (bundle right). Điều 163 quy định tài sản gồm : vật (không gắn với quyền sở hữu), tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản (4 loại tài sản – không giống ai, không đúng khoa học và bản chất của nó). Chính vì chỉ quy định vật (không gắn với quyền sở hữu) là tài sản nên mới có hướng dẫn của Tòa án tối cao như công văn 141. Đó là nguyên nhân sâu xa của vấn đề.
Thứ hai, Tòa án đang hiểu sai bản chất và không có khái niệm tài sản hoàn chỉnh, nên Tòa án muốn trả lại “quyền” giải quyết cho nơi cấp các giấy đó (là các cơ quan hành chính). Nhưng vì thế, mà lại đi ngược lại các quy định cốt lõi của Luật dân sự, chế định tài sản và quyền sở hữu, là hai mặt không thể tách rời. Nếu tách rời thì phải sửa lại toàn bộ hệ thống luật: từ Hiến pháp, đến BLDS, BL TTDS, và các luật liên quan. Vì tài sản quy định tại Điều 163 BLDS quá bé, không đủ để đảm đương khái niệm tài sản theo nghĩa thực sự của nó, nên Tòa án đang không biết xếp các GCN quyền sở hữu tài sản vào đâu, và chỉ thấy rằng không định giá được bằng tiền thì không phải là tài sản. Quy định tài sản của Việt Nam mang màu sắc của vật chất liệu, lấy vật chất liệu làm cơ sở (và gạt bỏ hẳn quyền sở hữu ra khỏi tài sản).
Về phần không đồng ý:
Về nội dung quy phạm trong văn bản, hoàn toàn có thể được, một công văn của Tòa án hoàn toàn có thể có nội dung quy phạm để giải quyết một vấn đề chưa được hướng dẫn. Ls có thể xem các công văn của Tòa án, của các Bộ, rất nhiều công văn chứa quy phạm để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tế. Nhất là ngành Thuế, ngành Hải Quan, ngành Tài chính, và ngành Tòa án, ngành mà thực tiễn bắt buộc phải có nhiều văn bản hướng dẫn và quy định để làm căn cứ áp dụng cho những lần sau và những đối tượng khác nhau.
Còn nhiều vấn đề trao đổi nhưng với nội dung trên tôi xin đưa ra một số quan điểm như vậy.
Ls Lê Luân – Công ty Luật Hải Nam – 40A Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nghị định 11/ 2012/ NĐ – CP quy định về giấy tờ có giá như sau:”9. Giấy tờ có giá bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ quỹ, giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật, trị giá được thành tiền và được phép giao dịch”.
Vài thông tin tôi vừa search trên mạng, chia sẻ cùng các bạn.
Với bài viết này các nhà khoa học cũng nên nghiên cứu thực tế để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân.
phản biện kém nhưng bức xúc cá nhân (hay ý đồ cá nhân) của bài viết thì nhiều hơn phản biện.
Gửi chủ bút và các bạn.
Trước hết tôi(cũng là Luật sư – Đoàn Luật sư Hà Nội), rất cảm kích trước sự say mê nghiên cứu và có những đánh giá sâu sắc về công văn 141/TANDTC – KHXX của chủ bút và các bạn comment.
Tôi có vài ý kiến về vấn đề này như sau:
1. Nội dung phần 1 công văn:
1.1. Tòa án tối cao đang Trả lời về các loại “giấy tờ có giá”(Liệt kê tại điểm 8 điều 6 Luật Ngân Hàng năm 2010) – thì đương nhiên giấy tờ có giá không có các loại – Giấy CNQSDĐ, Đăng ký mô tô, ô tô…. Chúng ta đều hiểu Luật Ngân hàng là Luật chuyên nghành và chỉ định hướng cho việc áp dụng giải quyết trong lĩnh vực tín dụng Ngân hàng thôi.
1.2. TANNDTC cũng hướng dẫn nếu Đương sự khởi kiện để yêu cầu tòa án buộc người khác trả lại “giấy tờ có giá” thì Những loại giấy tờ đã nêu và được hỏi trong công văn 141…(Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe máy, ô tô…) không phải là “giấy tờ có giá” để thụ lý(Không đúng với quan hệ pháp luật) – nên đã không cho thụ lý và giải quyết.
1.3. Nếu đương sự khởi kiện đòi người khác phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Đăng ký ô tô, xe máy…thì đương nhiên Tòa án phải thụ lý và giải quyết. Vì tôi đồng tình với Chủ bút các loại giấy tờ này(Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sỏ hữu nhà, giấy đăng ký xe máy, ô tô…) là Vật(Trong Phạm vi định nghĩa Tài sản là….Vật, tiền, giấy tờ có giá) điều 163 Bộ luật dân sự.
2. Công văn chỉ đạo sai.
Cũng trong nội dung công văn 141 – Phần 3, đã hướng dẫn Tòa án cấp dưới không được thụ lý, nếu thụ lý thì đình chỉ….và hướng dẫn Đương sự yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp lại hoặc đòi lại…
Tại sao lại không hướng dẫn cho đương sự làm lại Đơn khởi kiện – chỉ cần làm lại đơn khởi kiện(Có lẽ vì Tòa án không có chức năng tư vấn cho dân), ghi đúng mối quan hệ cần khởi kiện là Tòa án phải thụ lý. Đây là một việc chỉ đạo sai nguyên tắc cơ bản, tước bỏ quyền tự định đoạt của đương sự(Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự), Tòa án từ chối nghĩa vụ của Nghành Tòa án nhân dân mà Hiến pháp(điêu 126 Hiến pháp 1992 – Tòa án có nhiệm vụ “bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”.) và các luật có liên quan qui định trách nhiệm của nghành Tòa án.
Với sự chỉ đạo của công văn 141(Phần 3)thì Đương sự không được khởi kiện vụ án đòi Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản tại Tòa án cần đề nghị xem xét lại sự chỉ đạo của TAND TC đối với công văn này.
3. Bàn về loại hình văn bản:
Đây là Công văn hướng dẫn, đôn đốc, và là Hướng dẫn Khoa học xét xử chủ bút ạ. Nên bạn nói Chánh án được ban hành mỗi Thông tư là không đúng.
Một vài ý kiến nhỏ mong các đồng chí góp ý.
Luật sư Lê Huy Quang – Giám đốc công ty Luật hợp danh Danzko – Đoàn Luật sư Hà Nội. ĐT: 043.7931223. 043.7931224. DĐ: 0904230023. Site: http://www.tuvanphapluat.mobi. http://www.thutuclyhon.vn . Email: huyquang12001@yahoo.com
Tôi đồng tình với quan điểm của Ls Quách Tú Mẫn. Vì theo qui định hiện hành các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản chỉ cấp lại trong trường hợp giấy chứng nhận bị mất, hư hỏng, rách nát mà thôi chứ không qui định trường hợp giấy chứng nhận này đang bị người khác chiếm giữ thì có được cấp lại hay không. rõ ràng một người đang chiếm giữ trái phép giấy tờ sở hữu tài sản của người khác thì người đang chiếm giữ phải có nghĩa vụ hoàn trả các giấy tờ này cho người bị chiếm giữ và nếu họ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì người bị chiếm giữ phải có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc người đang chiếm giữ thực hiện nghĩa vụ. Nếu tòa không thụ lý giải quyết các tranh chấp này thì rõ ràng là người dân phải tự giải quyết với nhau, quyền lợi của họ không được đảm bảo.
Trước tiên tôi bày tỏ sự cảm kích trước tinh thần trách nhiệm của LS Quách Tú Mẫn với xã hội về một văn bản tạm gọi là “Siêu luật” của TANDTC. Tôi đồng tình với quan điểm của luật sư và bày tỏ một vài suy nghĩ sau khi đọc CV 141 và bài viết của tác giả.
Thứ nhất, đánh giá chủ quan của tôi với loại hình văn bản được ban hành dưới hình thức công văn, tôi tạm gọi nó là “Siêu luật” vì nó là văn bản ngành dọc có giá trị áp dụng tức thì, vì nôm na đối với cơ quan cấp dưới văn bản của cấp trên là “Thánh chỉ”. Vì ngoài việc hướng dẫn giải quyết công việc nó còn bao gồm trách nhiệm, tôi không làm vì văn bản cấp trên, có sai thì anh phải gõ đầu cơ quan ban hành chứ đâu phải tôi.
Thứ hai, về nội dung của Công văn 141 của TANDTC khiến tôi cũng thấy hoang mang, với một số lý do sau:
Một, thực tiễn hiện nay có rất nhiều cá nhân, tổ chức nhận Giấy tờ sở hữu/sử dụng nhà đất có thể cầm cố như một giấy tờ có giá (Không tin bạn có thể mang ra hiệu cầm đồ). Đương nhiên không phải ai cầm Giấy chứng nhận sở hữu/sử dụng là người đó có quyền với nhà đất, nhưng thử hỏi bạn sẽ làm gì khi nhà đất không có giấy tờ chứng minh quyền của mình (Tôi tạm gọi là bạn đang bị treo quyền). Nếu trong trường hợp báo mất thì bạn cũng phải bỏ ra một khoản tiền kha khá để làm lại, vậy nếu đổi ngang thì nó có phải là một loại giấy tờ có giá không?. Thật ra nó có giá trị rất lớn đấy vì nó gắn liền với việc chứng minh quyền sở hữu/sử dụng với nhà đất. Nếu không tại sao Ngân hàng lại phải giữ nó, có khi nào Ngân hàng chấp nhận sau khi đi đăng ký giao dịch bảo đảm xong rồi trả lại sổ cho khách hàng không? Thực tế là các hiệu cầm đồ cầm hết cả CMND, bằng lái, Đăng ký xe … Nếu nó không có giá thì tại sao họ lại cầm vậy? Nếu chỉ dựa vào lý do người cầm đồ phải mất công làm lại thì họ chẳng ngại gì mà không kiếm lấy ít tiền tiêu. Đây là thực tiển dù quan điểm trên tôi cũng thấy chưa thuyết phục.
Hai, về góc độ lý luận tôi cũng giống tác giả khi đặt ra câu hỏi vậy Giấy chứng nhận quyền sở hữu/sử dụng nhà đất, Đăng ký xe …. là loại giấy tờ gì vậy? Không tài sản, không giấy tờ có giá vậy nó là tờ giấy A3 không hơn à? cứ mất là đi làm lại được hay sao? Còn trong trường hợp thế chấp, ngân hàng không chịu trả lại (hoặc Ngân hàng làm mất) khách hàng không thể khởi kiện vậy họ yêu cầu cơ quan nào giải quyết?
Ba, TANDTC thật vô lý khi đưa ra một kết luận Tòa án không giải quyết việc đòi lại Giấy chứng nhận nhà đất, đăng ký xe…? Vậy cơ quan nào có thẩm quyền? Nhờ cơ quan hành chính sao? Cơ quan hành chính có quyền đi đòi lại Giấy chứng nhận cho khổ chủ không, có sử dụng được các chế tài? Như vậy là bế tắc người dân dựa vào đâu để tìm lại quyền của mình. Hay lại đi làm lại. Không thể dựa vào việc quá tải để TA không chịu giải quyết (vì việc quá tải có thể là lỗi chủ quan hoặc khách quan)
Co le chung ta nen tham khao xem luat o nuoc ngoai ho xu ly nhung vu viec nhu the nay ra sao de chung ta co the hoc hoi van dung sao cho co loi cho nguoi dan. Đúng là tòa hien nay cung qua tai lam roi, nhưng neu theo tinh thần của công văn 141 quả thật tôi thấy cũng chưa ổn. Mọi người cùng thảo luận tiếp xem sao
Kính gửi: Tác giả bài viết.
Tôi chưa có thời gian đọc kỹ bài viết, nhưng qua cách lập luận của tác giả về một số nội dung như: Giấy tờ có giá, văn bản QPPL, vi phạm quyền công dân, và một số nội dung có liên quan đến CV của TANDTC, tôi không đồng tình vì một số lý do sau:
1. Giấy tờ có giá theo quy định của Luật Ngân hàng là phù hợp. Vì tiền tệ, giấy tờ có giá do Luật chuyên ngành ngân hàng quy định. Theo nguyên tắc áp dụng luật, áp dụng luật chuyên ngành trước khi áp dụng luật chung, giả sử các ngành luật khác có quy định về Giấy tờ có giá thì vẫn phải ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành (mà theo tôi được biệt thì hiện nay ngòai luật ngân hàng, không có quy định pháp luật nào quy định về giấy tờ có giá, vậy không áp dụng theo đúng quy định pháp luật ngân hàng thì tôi cho rằng tác giả đã nhầm lẫn về nguyên tắc áp dụng và hiểu luật.
2.Công văn chứa văn bản QPPL: Văn bản QPPL được quy định rất rõ tại Luật ban hành vănn bản QPPL, gồm chương, Điều, .. Đây là công văn hướng dẫn, vẫn có thể hướng dẫn có thụ lý hay không thụ lý.
3. Comments về công văn: Tôi cho rằng công văn hướng dẫn hợp lý. vì cá giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản không phải là giấy tờ có giá, do cơ quan hành chính cấp, trong trường hợp bị mất, bị rách hỏng, vv.. thì người sở hữu tài sản có thể gửi đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp lại (tôi được biết GCN QSD đất khi bị mất có thể xin cấp lại, Giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản cũng tương tự như vậy). Đôi khi cần có sự phân biệt rạch ròi giữa quan hệ hành chính và tư pháp, tránh gánh nặng cho tòa án.
Vài lời chia sẻ, rất mong nhận được ý kiến góp ý của các bạn.
Th.s Nguyễn Thùy Trang
3
Gửi chị THẠC SỸ Thùy Trang,
Nếu chị chưa có thời gian đọc kỹ thì chị hãy đọc kỹ lại. Tôi cũng không đồng tình với cách phân tích của chị khi mà chị chưa đọc kỹ.
1. Quan điểm của bài viết cho rằng giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản dù có phải là giấy tờ có giá hoặc không phải là giấy tờ có giá thì vẫn là tài sản của công dân, chứ bài viết ko quy chụp buộc GCN quyền sở hữu phải là giấy tờ có giá. Mà nếu là tài sản của công dân thì tòa án có nghĩa vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tài sản đó.
3. Chị đi lạc vấn đề. Bài viết đang nói về việc người dân khởi kiện yêu cầu tòa án đòi lại GCN quyền sở hữu tài sản đã – bị – chiếm – hữu – bất – hợp – pháp bởi một đối tượng nào đó, chứ không phải bị mất (làm rơi, làm mất…), rách, hỏng… Nếu bị mất, rách, hỏng… thì chẳng ai đi khởi kiện lên tòa án để làm gì chị ạ, vì lúc đó thì kiện ai, tự mình làm mất chẳng nhẽ lại đi kiện, kiện củ khoai à; lúc đó người dân tự biết đến các cơ quan có thẩm quyền để xin cấp lại.
Vấn đề số 2. mà chị nêu ra thì tôi chưa đọc kỹ các quy định của pháp luật nên tôi chưa dám có ý kiến.
Còn chị trước khi comment nên đọc kỹ chị nhé. Thân.
Xin bổ sung bài phản hồi của tôi:
Bài viết nói về việc người dân yêu cầu đòi lại GCN đã bị chiếm hữu bất hợp pháp, hoặc trường hợp đối tượng chiếm hữu có nghĩa vụ phải hoàn trả lại giấy tờ (ví dụ cho mượn giấy đăng ký xe khi cho mượn xe; trao trả lại giấy tờ nhà đất khi hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng thế chấp…)
Cảm ơn bạn nhé.
Trân trọng
NTT
Thạc sĩ gì mà đọc một bài viết hay thế mà cũng không hiểu.
Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả bài viết. Thực trạng ban hành pháp luật việt nam có thể nói là tùy tiện, theo ý chí chủ quan không có nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc.