Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

BÀN VỀ VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ: VIỆN KIỂM SÁT CAN DỰ VÀO NỘI DUNG ÁN DÂN SỰ?

Advertisements

HOÀNG YẾN

Một vấn đề đang gây rất nhiều tranh cãi hiện nay là sự tham gia của Viện Kiểm sát (VKS) trong giai đoạn xét xử phúc thẩm án dân sự: VKS chỉ được kết luận về mặt tố tụng hay có quyền kết luận cả về mặt nội dung tranh chấp?

Gần đây, ở nhiều phiên tòa dân sự phúc thẩm đã xuất hiện chuyện đại diện VKS không chỉ phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án mà còn đưa ra cả kết luận về mặt nội dung tranh chấp. Xung quanh chuyện này, hiện trong nội bộ hai ngành tòa án và VKS đang có nhiều quan điểm rất trái ngược.

Tạo sự bất bình đẳng?

Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, kiểm sát viên kết luận cả phần nội dung là sự can thiệp quá sâu vào quá trình giải quyết án. Việc dân sự “cốt ở đôi bên”, là chuyện của hai bên đương sự, khi họ không tự giải quyết được mới đưa ra tòa. Tòa giải quyết án trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên hoặc dựa vào chứng cứ. Mặt khác trong án dân sự, chuyện có kẻ thắng người thua là điều tất yếu. Cho kiểm sát viên phát biểu đường lối giải quyết vụ án thì chẳng khác gì một bên đương sự đã có thêm “đồng minh” là cơ quan nhà nước, làm mất đi sự bình đẳng trước pháp luật.

Một thẩm phán TAND quận 1 (TP.HCM) cũng nhận xét việc để kiểm sát viên kết luận về mặt nội dung tranh chấp là một bước thụt lùi, trái với thông lệ tố tụng của các nước. Ông bày tỏ lo ngại: Nhiều vụ kiểm sát viên kết luận về mặt nội dung một đằng, HĐXX lại tuyên án một nẻo khiến người dân thêm hoang mang, vụ án thêm phức tạp, rối rắm. Chưa kể, việc kiểm sát viên kết luận cả phần nội dung ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến phán quyết của tòa, đôi khi làm kéo dài việc giải quyết án một cách không cần thiết.

Giúp tòa xử án chính xác?

Ngược lại, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) lại cho rằng việc kiểm sát viên phát biểu cả phần nội dung tại phiên tòa phúc thẩm là một điều tốt, thể hiện sự tiến bộ trong tranh tụng. Theo ông, tất nhiên sẽ có những quan điểm khác nhau về mặt nội dung giữa HĐXX và kiểm sát viên trong giai đoạn phúc thẩm nhưng chỉ xảy ra ở những vụ án phức tạp, nhiều tình tiết chưa rõ mà thôi. Việc tham gia ý kiến về mặt nội dung của kiểm sát viên sẽ giúp HĐXX mổ xẻ, cọ xát vấn đề để tìm ra chân lý khi giải quyết án.

Đồng tình, kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Thanh Sơn (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) phân tích: Theo luật, tại phiên tòa sơ thẩm, kiểm sát viên chỉ phát biểu ý kiến về tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của thẩm phán, HĐXX, những người tham gia tố tụng (khoản 1 Điều 234 BLTTDS sửa đổi). Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, luật lại quy định là kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm (Điều 273a BLTTDS sửa đổi). Như vậy hiểu theo tinh thần của luật sửa đổi thì khác với phiên tòa sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm kiểm sát viên được quyền phát biểu ý kiến cả về mặt tố tụng lẫn nội dung.

Trước hai luồng quan điểm chưa thống nhất như trên, nhiều cán bộ tố tụng và chuyên gia mà chúng tôi trao đổi đều đồng ý rằng hai ngành tòa án, VKS cần sớm ngồi lại trao đổi và có văn bản hướng dẫn chính thức.

Vẫn cần VKS trong phiên tòa dân sự

Trước đây, trong quá trình lấy ý kiến sửa đổi BLTTDS, có nhiều góp ý cho rằng nên bỏ hẳn quy định VKS tham gia phiên tòa dân sự vì không cần thiết. Vụ việc dân sự cốt là ở hai bên đương sự tự định đoạt, nếu có VKS tham gia là vi phạm nguyên tắc lợi ích tư đang được tố tụng thế giới tôn trọng. Nếu cho VKS tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm dân sự chỉ để nhận định về tố tụng xem tòa xử đúng hay sai thì không có ý nghĩa. Bởi lẽ bản chất lời phát biểu đó là nói với chính người vi phạm để họ tự kiểm và kết luận mình có vi phạm hay không thì cũng chẳng để nhằm mục đích gì. Mặt khác, đương sự đã có đầy đủ quyền được yêu cầu luật sư, trợ giúp pháp lý, thay đổi người tiến hành tố tụng, kháng cáo, khiếu nại với bản án… nên không cần VKS giám sát, hỗ trợ nữa…

Tuy nhiên, quan điểm này đã không được số đông tán thành. Theo BLTTDS sửa đổi, bổ sung, phạm vi tham gia của VKS trong việc giải quyết các vụ việc dân sự đã được làm rõ hơn và rộng hơn: VKS phải thực hiện kiểm sát ngay từ khi tòa án nhận đơn khởi kiện của đương sự. VKS phải có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên tòa sơ thẩm trong các trường hợp quy định tại Điều 21 BLTTDS sửa đổi và tham gia tất cả các phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; tham gia 100% phiên họp giải quyết việc dân sự; tham gia phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Không nên đi vào nội dung

VKS không nên đi sâu vào nội dung vụ án, chỉ nên dừng lại ở việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật về mặt tố tụng mà thôi. Trước đây, chúng ta đã  từng sửa luật, bỏ việc tham gia của VKS tại phiên tòa dân sự, nay sửa lại nhưng phải có sự đổi khác là chỉ tham gia kiểm sát tố tụng chứ không nên đi vào nội dung. Nếu không chả khác gì như quay lại trước đó, là một bước thụt lùi. Nếu VKS quá “dài tay” đi vào nội dung chả khác gì hình thành thêm một “HĐXX thứ hai”. Đồng thời, việc can thiệp quá sâu này sẽ làm cho HĐXX lúng túng, dè dặt và tỏ ra quá thận trọng khi ra quyết định cuối cùng trong bản án. 

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Bước lùi

Nếu đặt nguyên tắc thỏa thuận lên hàng đầu thì ngay cả tòa án cũng chỉ làm vai trò trung gian cho các bên chứ không áp đặt ý chí hướng giải quyết. Chúng ta nên bỏ hẳn vai trò của VKS ra khỏi án dân sự vì đó là việc của cá nhân với nhau, không cần quyền lực nhà nước can thiệp. Mặt khác, VKS phát biểu quan điểm trong các phiên tòa, phiên họp là trái với nguyên tắc đảm bảo quyền tranh luận và quyền tự định đoạt của đương sự. Cho phép VKS tham gia tất cả phiên tòa dân sự là chúng ta đang bước lùi trong tố tụng.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM,
Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20120313104430384p0c1063/vks-can-du-vao-noi-dung-an-dan-su.htm

Exit mobile version