admin@phapluatdansu.edu.vn

THỜI HẠN VÀ HẠN ĐIỀN–NHỮNG THÚC GIỤC TỪ THỰC TẾ

GS.TSKH. ĐẶNG HÙNG VÕ

Ở các nước phát triển đều không có thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp. Nông dân được tạo điều kiện hết mức để ổn định sản xuất, khuyến khích đầu tư dài hạn theo chiều sâu, con em nông dân được tạo điều kiện học tập nghiên cứu để sau đó quay trở về nông thôn, đồng ruộng tiếp tục làm nghề nông. Con em họ thường theo truyền thống gia đình, không ly nông ly hương chạy vào đô thị.

Những nước có nền nông nghiệp phát triển đã tạo cho người nông dân sự yên tâm với nghề nông, có được thu nhập cao từ nghề nông và con em họ vẫn tiếp tục chí thú với nghề nông. Trong khi ở nước ta, con em nông dân mà giỏi giang một chút là chạy vào đô thị để tìm kiếm cơ hội thu nhập cao, không bao giờ muốn quay về đồng ruộng.

Những người làm nông nghiệp là cha là mẹ cũng khuyến khích con em họ quay lưng lại với nghề nông để tránh cuộc sống lam lũ. Chúng ta luôn luôn làm cho “tam nông” bị hẫng hụt mà cái hẫng hụt đầu tiên là về nhân lực – cái hụt khó bù đắp nhất.

Câu chuyện một nông dân có 500ha ruộng mà 70-80% số đó phải nhờ người khác đứng tên, hay thời hạn năm 2013, tức 20 năm từ khi thực hiện giao đất nông nghiệp theo nghị định 64/1993, Nhà nước có thu hồi ruộng đất để chia lại hay không… đang cho thấy những thực tiễn nóng bỏng trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc giục một sự quyết đáp rõ ràng.

Đất đai luôn luôn là vấn đề lớn đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là ở các nước đang phát triển với kinh tế nông nghiệp chiếm tỉ trọng cao, dân sống bằng nghề nông còn nhiều. Ngày nay, các nước phát triển cao cũng đặt mối quan tâm lớn vào khu vực nông nghiệp và nông thôn với ý nghĩa bảo đảm an ninh lương thực và giải quyết vấn đề môi trường.

Nhìn xa hơn, khi tài nguyên hóa thạch cạn kiệt, loài người sẽ phải tìm kiếm nhiên liệu, nguyên liệu từ nông sản để tiếp tục phát triển.

Hai vấn đề cốt lõi

Từ ngày đầu đổi mới, chính sách Nhà nước giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài đã mang lại động lực cho phát triển nông nghiệp, đưa nước ta từ tình trạng thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đến nay động lực đó đã cạn dần vì không thể tăng năng suất và sản lượng cao hơn.

Để phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, chúng ta cần đầu tư hạ tầng hiện đại, quy hoạch lại đồng ruộng, tăng cường dịch vụ cho nông nghiệp và nông thôn như điện, thủy lợi, giao thông, công nghệ…, làm sao để giúp nông dân tự vươn trực tiếp ra thị trường nông sản trong nước và quốc tế. Nhưng, từ đây có hai vấn đề cốt lõi cần có những quyết đáp rõ ràng: đó là câu chuyện thời hạn (giao đất) và hạn điền. Giải quyết xong hai vấn đề này sẽ tạo được động lực mới cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Một mặt không để hình thành tầng lớp “địa chủ” mới, mặt khác lại không thể để ruộng đất manh mún và thiếu đầu tư dài hạn. Hai tư duy này cọ xát nhau rất mạnh trong quá trình phát triển nông nghiệp nước ta. Nếu không được tập trung ruộng đất quy mô lớn với thời gian sử dụng ổn định lâu dài thì người có khả năng làm nông nghiệp không dám đầu tư lớn và dài hạn để tăng năng suất và sản lượng.

Thời hạn được quy định từ Luật đất đai 1993 với tinh thần “hết thời hạn vẫn được tiếp tục sử dụng đất nếu sử dụng đất có hiệu quả”. Vấn đề phức tạp thực tế được đặt ra: ai là người xác nhận hiệu quả sử dụng đất để được tiếp tục sử dụng? Chắc chắn phải là chính quyền địa phương.

Như vậy, cơ chế này bắt người nông dân phải “cầu cạnh” chính quyền để giữ được đất. Và một cơ chế như vậy ẩn chứa nguy cơ tham nhũng rất cao. Khi chuẩn bị Luật đất đai 2003, câu chuyện được đặt ra là chúng ta có nên bỏ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hay không, nếu không bỏ thì có kéo dài thời hạn hay không? Cứ cho là thời hạn được kéo dài hơn thì cũng vẫn vướng vào câu hỏi là hết thời hạn sẽ làm gì?

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7, khóa IX đã đưa ra xem xét vấn đề này khi thông qua nghị quyết số 26-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Có hai luồng ý kiến khá ngang nhau xuất hiện: một là hết thời hạn thì chia lại ruộng đất cho công bằng theo lực lượng lao động hiện tại; hai là cho đương nhiên kéo dài thời hạn, thậm chí xóa bỏ thời hạn.

Vì số lượng ý kiến ngang nhau nên vấn đề thời hạn bị xếp lại để tiếp tục giải quyết trước ngày 15-10-2013, ngày kết thúc thời hạn 20 năm đối với đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối.

Những thực tế đòi hỏi

Một điều thấy rõ là nếu không xóa bỏ thời hạn thì chắc chắn nông dân sẽ khó lòng yên tâm đầu tư dài hạn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, nhất là với mô hình sản xuất lớn có giá trị gia tăng cao đang được cổ xúy rất mạnh mẽ hiện nay. Khi sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chỉ với thời hạn 20 năm, sau này lại không biết “thân phận” đất đai của họ đang sử dụng sẽ như thế nào, chắc chắn không người nông dân nào dám đầu tư lớn, dài hơi.

Xóa thời hạn được coi là phương án tốt nhất để người chuyên làm nông nghiệp yên tâm dồn tâm trí, tiền bạc, sức lực để tạo nên khu vực nông nghiệp có năng suất và sản lượng rất cao. Đây chính là động lực mới từ chính sách đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đầu tư cho nông nghiệp có khi phải kéo dài cả hàng chục năm mới thay đổi được phương thức canh tác làm tăng đáng kể lợi nhuận.

Việc giải phóng thời hạn sử dụng đất đồng nghĩa với việc giải phóng tâm lý lo lắng, phấp phỏng của nông dân, để họ yên tâm đưa ra một kế hoạch đầu tư dài hạn. Tất nhiên, để tránh trường hợp có đất nhưng không sử dụng, cần đặt ra nhiều chính sách khác như điều tiết bằng thuế, thu hồi đất, đừng dùng cách hạn chế bằng thời hạn sử dụng đất.

Đối với hạn điền cũng có hai cách nhìn nhận khác nhau: thứ nhất cho rằng cần loại bỏ hạn điền nhằm khuyến khích kinh tế trang trại quy mô lớn; cách thứ hai ngược lại, muốn tiếp tục quy định hạn điền để tránh xu hướng hình thành tầng lớp “địa chủ” mới và “tá điền” mới ở nông thôn. Nhưng từ lịch sử mà thấy, thì hạn điền là một chính sách đất đai rất cơ bản của thời kỳ phong kiến để nhà vua không cho tầng lớp địa chủ cơ hội lấy quá nhiều đất của vua. Cách thức đó rõ ràng không phù hợp với tư duy công nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa.

Hệ thống pháp luật đất đai của ta nhiều năm qua cũng đã đi theo hướng nới rộng hạn điền. Hạn điền theo Luật đất đai 1993 đã trở thành hạn mức giao đất của Nhà nước cùng với hạn mức nhận chuyển quyền (khoảng gấp đôi hạn mức giao đất) trong Luật đất đai 2003. Mặt khác, trên thực tế hệ thống quản lý đất đai của ta không phát hiện được và cũng không có chế tài xử lý các trường hợp vượt hạn điền.

Việc xóa bỏ hạn điền cũng là cần thiết, điều đó sẽ giúp người nông dân có điều kiện hình thành các trang trại lớn, yên tâm đầu tư chiều sâu, nông nghiệp sẽ phát triển mạnh hơn. Để tránh hiện tượng hình thành tầng lớp “địa chủ” mới, chúng ta cũng vẫn giải quyết được bằng chính sách thuế, bằng các chế tài thu hồi đối với đất đã phát canh thu tô, quy định cụ thể về phân chia địa tô, đừng giải quyết bằng hạn điền vì không hiệu quả.

“Tam nông” hiện đang cần những chính sách đất đai phù hợp hơn, tạo động lực lớn hơn để người nông dân yên tâm tự đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu. Vậy hãy trao cho nông dân cơ hội làm giàu trên đồng ruộng. Để làm được điều đó, về mặt chính sách đất đai, Nhà nước cần xóa hạn điền, xóa thời hạn trong sử dụng đất nông nghiệp, mở ra nhiều kênh tín dụng phù hợp cho nông dân để phát triển sản xuất, tạo điều kiện để người nông dân dễ dàng tiếp cận với công nghệ và dịch vụ, hỗ trợ người nông dân trực tiếp tham gia thị trường.

Vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) là một ví dụ điển hình về tiêu cực khi thu hồi đất hết thời hạn mà trên đất đó những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã bỏ quá nhiều vốn liếng, công sức ra đầu tư dài hạn. Nhiều bài học về chính sách đất đai rất cần được rút ra thấu đáo từ những đau lòng này.

SOURCE: TUỔI TRẺ CUỐI TUẦN

Trích dẫn từ: http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Tuoi-tre-cuoi-tuan/476864/Thoi-han-va-han-dien—nhung-thuc-giuc-tu-thuc-te.html

2 Responses

  1. Chung toi la nhung ho nong dan o xa Ha Cau, Ha Dong, Ha Noi. Chung toi bi thu hoi toan bo dat san xuat nghiep va da duoc UBND quyet quan quyet dinh den bu dat o va dat dich vụ. Chung toi da tien hanh boc tham thua dat tren ban do cah day 2 nam nhung van chua duoc ban giao thuc dia. Nhung bay gio, chung toi lai bi ep nhan dien tich dat bi hut di thi moi cho nhan dat. Xin hoi co quy dinh nao ve dien tich dat den bu toi da duoc cap khong va viec thuc hien cua UBND va cac co quan co dung khong

  2. CẦN SỚM SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỀU CÒN VƯỚNG MẮC CỦA LUẬT ĐẤT ĐAI NĂM 1993
    Từ khi luật đất đai năm 1993 ra đời thay thế luật đai năm 1988 từ đó đến nay đã giải quyết được nhiều vướng mắc trong công tác quản lý đất đai , tuy nhiên trong quá trình thực tiễn khi áp dụng luật vẫn có nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần thiết phải bổ sung sửa đổi một số điều luật để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đây là quy luật khách quan .Trong quá trình thực hiện luậtđất đai đã nổi lên các vướng mắc như giao đất , thu hồi đất , cho thuê đất , nhất là giá đền bù về đất đai .
    Về giao đất chúng ta thấy thời gian giao đất không đồng nhất , như đất nông nghiệp cùng mảnh đất đó nếu hộ giađình trồng cây hàng năm thì thời gian giao là 20 năm , nhưng nếu trồng cây lâu năm thì thời gian giao là 50 năm .
    Về hạn mức giao đất như đất nông nghiệp nếu trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản thì không quá 03ha, còn nếu trồng cây lâu năm thì không quá 10ha đối với trung du miền núi thì cao hơn nhưng không quá 30 ha , vì vậy làm cho người nông dân thắc mắc khó giải thích .
    Còn riêng về thuê đất thì thời gian cho thuê không quá 20 năm đối với nông nghiệp trồng cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản , đất làm muối , và không quá 50 năm đối đất trồng cây lâu năm , đất rừng sản xuất ; vì vậy các địa phương khi cho thuê đất cho các hộ gia đình và cá nhân hiểu vận dụng thời gian cho thuê đất có thể dưới 20 năm đối với đất nông nghiệp trồng cây , nuôi trồng thủy sản, dưới 50 năm đối đất nông nghiệp trồng cây lâu năm , đất rừng sản xuất cho là đúng .
    Vềcấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có điều bất cập như trong việc cho các tổchức được thuê đất , ngòai hợp đồng cho thuê đất được ký giữa sở tài nguyên môi trường với tổ chức được thuê, bên cạnh đó theo quy định còn cấp thêm bìa đỏ cho tổ chức thuê , chính vì vậy trong thời gian vừa qua nhiều tổ chức đã lợi dụng bìa đỏ đi vay ngân hàng, nhưng không có khả năng hòan trả vốn vay, tòa án các cấp cũng đã thụ lý xét xử nhiều vụ đã xảy ra , cuối cùng thiệt hại hậu quả xảy ra nhà nước và nhân dân gánh chịu .
    Về giá đền bù đây là vấn đềnhạy cảm người bị thu hồi đất thắc mắc khiếu nại rất nhiều , người dân không hiểu khi thu hồi đất có nhiều lọai đất khác nhau như đất khu dân cư , đất nông nghiệp , đất rừng sản xuất vv…do vậy giá đền bù các lọai đất khác nhau .Các địa phương cũng rất khó khăn trong việc vận động tuyên truyền với các hộ dân bị thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế ở địa phương; vì nếu dự án địa phương thu hồi theo quy định pháp luật thì áp giá đền bù theo giá đất hàng năm được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua , còn các dự án khác do các doanh nghiệp chủ đầu tư thì theo giá thỏa thuận với người dân , do đó trên khu vực đất gần nhau nhà nước thu hồi làm công trình công cộng thì giá thấp hơn do các tổ chức khác thỏa thuận , vì vậy các hộ thắc mắc . Qua các đơn khiếu nại về đất đai người dân đòi hỏi phải công bằng và đề nghị giá đền bù phải theo giá thị trường , đây là vấn đềkhó, chính vì vậy mấy năm qua các địa phương vấp phải không giải thích thuyết phục được với các hộ dân , liên tục gửiđơn vượt cấp.Để khắc phục các vấn đề nêu trên xin kiến nghị :

    Về thời gian giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản đến ngày 15/10/2013 hết hạn , để cho người dân yên tâm đề nghị tíêp tục giao đất cho các hộ gia đình , cá nhân có nhu cầu theo quy định của luật đấtđai . Sau này thời gian giao tính từ ngày giao đất , thu hồi đất lúc nào thì giao đất cho hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu tính từ thời điểm đó , không nên lấy mốc thời gian là 15/10/1993 như hiện nay. Cụ thể như giao đất hay thuê đất từ năm 2012 thì thời gian hết hạn là năm 2032. có như vậy thì các hộ gia đình hay cá nhân được giao đất yên tâm sản xuất.
    Về thời hạn giao đất , luật đất đai sửa đổi nên thống nhất thời hạn giao đất nói chung kể cả đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và lâu năm , đất nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất lâm nghiệp thời gian là 50 năm.
    Về hạnđất giao đất như đất nông nghiệp nói chung nên thống nhất một mức như 5ha, còn vượt quá chuyển sang cho thuê đất ,còn đất khác như đất rừng sản xuất hạn mức giao đất như hiện nay để khuyến khích các hộ gia đình , cá nhân đầu tư lâu dài .Chúng ta biết nước ta trên 80% là hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, nhà nước cần quy định hạn mức giao đất tránh việc tích tụ đất , vì người có điều kiện thì tích tụ nhiều đất , người nghèo không có đất sản xuât.Thực tế hiện nay đã xảy ra ở một số tỉnh đồng bằng nam bộ ,nhiều hộ gia đình khá giả đã nhận chuyển nhượng đất ruộng, từ các hộ do khó khăn trong cuộc sống đành phải bán đi mãnh ruộng của gia đình mình, đã có hộ đã tích tụ đất trên hàng trăm ha.
    Về cho thuê đất đối với các tổ chức kể cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân , nếu các tổ chức này đã nộp tiền sử dụng đất theo quy định thì cấp bìa đỏ ,họ có quyền sử dụng bìa đỏ đi vay ngân hàng theo quy định của luật đất đai. Nếu nộp tiền thuê đất hàng năm .thì chỉ làm thủ tục ký hợp đồng cho thuê đất với sở tài nguyên môi trường , không nên cấp bìa đỏ , vì như vậy tránh doanh nghiệp dễ lợi dụng lấy bìa đỏ đi vay ngân hàng , thực chất đây là đất của nhà nước chỉ cho họ thuê thôi.
    Về giá đền bù do nhà nước thu hồi đất , chính phủ nên quy định khung giá đền bù chung cho cả nước, trên cơ sở đó ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng vận dụng, xây dựng giá phù hợp với tình hình thực tế của địa phương sát với giá thị trường, trình hội đồng nhân dân tỉnh thông qua hàng năm .Việc xây dựng giá đền bù sát với giá thị trường trong thời gian vừa qua , rất khó đáp ứng được cho mọi đối tượng , nếu giao đất có thu tiền sử dụng đất đối hộ gia đình, cá nhân thì cho giá quá cao không có khả năng nộp đề nghị được miễn ,giảm nộp tiền sử dụng đất , ngược lại áp dụng cho các đối tượng phải thu hồi đất để làm các công trình phúc lợi công cộng hoặc dự án phát triển kinh tế của địa phương, thì cho là giá đền bù quá thấp không sát với giá thị trường , đây là vấn đề nan giải vướng mắc của các địa phương trong thời gian vừa qua. Hiện nay theo quy định của luật đất đai, chỉ xây dựng một giá áp dụng chung cho các đối tượng .
    .Đối với các tổ chức doanh nghiệp có nhu cầu thuê đất của nhà nước nhằm phát triển kinh tế ở địa phương , thì cho phép địa phương thu hồi đất áp dụng giá đền bù do hội đồng nhân dân tỉnh thông qua , sau đó cho tổ chức doanh nghiệp thuê đất theo quy định, tránh trường hợp các tổ chức doanh nghiệp tự thỏa thuận giá tự quyết định, làm cho người dân thắc mắc so sánh. Trường hợp các tổ chức doanh nghiệp sang nhượng lại đất của các hộ dân, thì nhà nước cho phép được làm thủ tục cấp bìa đỏ cho tổ chức doanh nghiệp đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.
    MINH TRÍ

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading