admin@phapluatdansu.edu.vn

TỔNG HỢP MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CỘNG HÒA PHÁP VỀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DÂN SỰ

NHÀ PHÁP LUẬT VIỆT – PHÁP

Trong khuôn khổ Tọa đàm về sửa đổi Bộ luật dân sự, phần các biện pháp bảo đảm, do Nhà Pháp luật Việt-Pháp tổ chức các ngày 11 và 12 tháng 1 năm 2012, Giáo sư Michel Grimaldi đến từ Đại học Paris II, Cộng hòa Pháp đã có bài trình bày tổng quát về pháp luật thực định của Pháp về các biện pháp bảo đảm. Nhà Pháp luật đang tiến hành bóc băng làm kỷ yếu hội thảo. Dưới đây là tổng hợp một số nội dung chính trong bài trình bày của Giáo sư.

I. Một số vấn đề chung

Triết lý trái quyền và vật quyền trong Bộ luật dân sự

Bộ luật dân sự Pháp được thiết kế dựa trên hai chế định cơ bản là trái quyền và vật quyền. Trái quyền hay còn gọi là quyền đối nhân được hiểu là quyền của một chủ thể đối với một chủ thể khác. Vật quyền hay còn gọi là quyền đối vật là quyền của chủ thể tác động lên một vật.

Các biện pháp bảo đảm cũng được thiết kế theo triết lý trái quyền và vật quyền và được chia thành hai loại là vật quyền bảo đảm và trái quyền bảo đảm. Vật quyền bảo đảm có sức mạnh đặc biệt vì nó tạo ra quyền trực tiếp của chủ nợ có bảo đảm đối với giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm, thể hiện ở quyền theo đuổi và quyền ưu tiên của chủ nợ có bảo đảm. Quyền theo đuổi là quyền truy đòi tài sản bảo đảm dù tài sản đó không còn được con nợ nắm giữ. Quyền ưu tiên là quyền của chủ nợ có bảo đảm được ưu tiên thanh toán trước các chủ nợ không có bảo đảm.

Pháp luật về các biện pháp bảo đảm của Pháp được cải cách căn bản vào năm 2006 và được pháp điển hóa thành quyển IV của Bộ luật dân sự. Tài liệu này đã Nhà Pháp luật dịch và gửi cho Ban soạn thảo, Tổ biên tập Bộ luật dân sự. Tinh thần cơ bản của cải cách này là bảo vệ một cách cân bằng quyền lợi của người có quyền và người có nghĩa vụ.

Phân loại các biện pháp bảo đảm

Theo nguồn gốc xác lập bảo đảm, có bảo đảm theo luật định, bảo đảm theo thỏa thuận và bảo đảm theo quyết định của Tòa án.

Bảo đảm theo luật định: là các quyền ưu tiên được pháp luật thừa nhận cho một số chủ thể xác định, bao gồm chủ yếu Nhà nước (đối với các khoản nợ thuế), người lao động (các khoản nợ lương).

Bảo đảm theo thỏa thuận: là biện pháp bảo đảm được xác lập trên cơ sở một hợp đồng (hợp đồng cầm cố, thế chấp…) được pháp luật quy định.

Bảo đảm theo quyết định của Tòa án: là biện pháp bảo đảm do Tòa án quyết định theo yêu cầu của bên có quyền (ví dụ: chủ nợ cho rằng có nguy cơ không thu hồi được khoản nợ của mình thì có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp bảo đảm để bảo toàn tài sản của con nợ)

Theo tính chất của biện pháp bảo đảm, có trái quyền bảo đảm và vật quyền bảo đảm.

Trái quyền bảo đảm là bảo đảm theo đó một trái quyền được tăng cường bởi một trái quyền khác. Tiêu biểu là biện pháp bảo lãnh.

Vật quyền bảo đảm là vật quyền được thừa nhận cho chủ nợ có bảo đảm đối với một hoặc nhiều tài sản. Vật quyền bảo đảm lại được chia thành nhiều loại khác nhau như sau:

Theo hệ quả của biện pháp bảo đảm:

– Vật quyền chỉ là quyền ưu tiên chứ không có quyền nào khác nữa. Ví dụ: quyền ưu tiên chung theo luật định;

– Vật quyền bao gồm cả quyền ưu tiên và quyền theo đuổi. Ví dụ: vật quyền phát sinh từ thế chấp;

– Vật quyền là quyền tuyệt đối đối với tài sản. Ví dụ: các biện pháp bảo đảm bằng quyền sở hữu bao gồm bảo lưu và chuyển giao quyền sở hữu.

Theo phạm vi của vật quyền:

– Vật quyền bảo đảm chung là vật quyền đối với tất cả tài sản của con nợ. Ví dụ: quyền ưu tiên của Nhà nước (nợ thuế), người lao động (nợ lương);

– Vật quyền bảo đảm cụ thể là vật quyền đối với một hoặc nhiều tài sản xác định.

Theo tính chất của tài sản:

– Vật quyền bảo đảm đối với động sản, bao gồm động sản hữu hình và động sản vô hình;

– Vật quyền bảo đảm đối với bất động sản.

Theo phương thức xác lập bảo đảm:

– Vật quyền bảo đảm có chuyển giao tài sản

– Vật quyền bảo đảm không chuyển giao tài sản

Bộ luật dân sự của Pháp khi mới ra đời năm 1804 phân loại các biện pháp bảo đảm theo tiêu chí chuyển giao và không chuyển giao tài sản. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, đã xuất hiện các biện pháp bảo đảm bằng tài sản vô hình, quyền đòi nợ, tiền trên tài khoản… nên tiêu chí chuyển giao hay không chuyển giao tài sản không được áp dụng nữa.

II) Các biện pháp bảo đảm đối nhân

1) Bảo lãnh: là hợp đồng theo đó một người nhận bảo lãnh cho nghĩa vụ của một người khác và cam kết thực hiện nghĩa vụ đó nếu người này không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ. Trên thực tế, ngoài hợp đồng bảo lãnh, giữa người có nghĩa vụ và người bảo lãnh thường có một hợp đồng trong đó người bảo lãnh cam kết bảo lãnh cho người có nghĩa vụ.

Một số trường hợp bảo lãnh phổ biến:

– Bảo lãnh do quan hệ bạn bè hoặc gia đình;

– Bảo lãnh có thu phí: ngân hàng bảo lãnh cho khách hàng của mình và khách hàng phải trả phí bảo lãnh;

– Bảo lãnh của lãnh đạo công ty đối với các khoản nợ của công ty.

Có thể bảo lãnh cho một nghĩa vụ hiện hại hoặc hình thành trong tương lai.

Có thể bảo lãnh đối với tất cả các khoản nợ của con nợ hoặc chỉ bảo lãnh đối với một hoặc một số khoản nợ cụ thể.

Có thể bảo lãnh có giới hạn hoặc không giới hạn mức trần mà người bảo lãnh phải trả trong trường hợp người được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ.

Có thể bảo lãnh liên đới.

Quyền trả nợ sau của người bảo lãnh: Theo pháp luật Pháp, chủ nợ phải cố gắng khai thác hết khả năng thanh toán của người có nghĩa vụ trước khi yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ. Điều đó có nghĩa là trước khi yêu cầu người bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ, chủ nợ phải yêu cầu người được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ và nếu đã yêu cầu mà không có kết quả thì phải tiến hành kê biên, bán tài sản nếu người có nghĩa vụ có tài sản. Người bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ nếu người được bảo lãnh không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, người bảo lãnh có thể từ bỏ quyền trả nợ sau của mình.

Khuynh hướng pháp luật Pháp là bảo vệ người bảo lãnh: Hợp đồng bảo lãnh phải được lập thành văn bản. Trong hợp đồng, người bảo lãnh phải viết bằng tay một câu là: "đã hiểu nội dung, phạm vi cam kết bảo lãnh của mình". Chủ nợ có nghĩa vụ thông tin, tư vấn và cảnh báo cho người bảo lãnh, đặc biệt là về tình hình nghĩa vụ được bảo đảm.

Bảo lãnh không thiết lập quan hệ liên đới giữa người bảo lãnh và người được bảo lãnh. Như đã nêu ở trên, người bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp người được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình và người nhận bảo lãnh đã tiến hành các thủ tục cần thiết mà không có kết quả.

Vì nghĩa vụ bảo lãnh là nghĩa vụ bổ trợ cho nghĩa vụ được bảo lãnh nên người bảo lãnh có thể viện dẫn tất cả các căn cứ mà người được bảo lãnh có thể viện dẫn để không phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

2) Bảo lãnh độc lập

Là biện pháp bảo đảm rất hiệu quả và phổ biến trong thương mại quốc tế theo đó bên bảo lãnh cam kết trả cho bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) một số tiền xác định theo yêu cầu của bên có nghĩa vụ (bên ra lệnh thanh toán). Trong trường hợp này, nghĩa vụ bảo lãnh độc lập với nghĩa vụ được bảo lãnh.

Ví dụ: một doanh nghiệp Pháp ký hợp đồng với một doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng một nhà máy ở Việt Nam. Doanh nghiệp Pháp yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam ứng trước một khoản tiền và doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp Pháp phải cam kết hoàn trả số tiền đó nếu công trình không được thực hiện. Vì doanh nghiệp Việt Nam muốn có bảo đảm về việc hoàn trả này nên doanh nghiệp Pháp yêu cầu ngân hàng của mình đứng ra bảo lãnh về việc hoàn trả.

Vì nghĩa vụ bảo lãnh độc lập với nghĩa vụ được bảo lãnh nên bên bảo lãnh không có quyền viện dẫn các căn cứ mà bên được bảo lãnh có thể viện dẫn để không phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Bảo lãnh độc lập được lập dưới hình thức thư bảo lãnh trong đó nêu rõ số tiền mà bên bảo lãnh phải trả và thời hạn bảo lãnh.

Khi được yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, bên bảo lãnh phải thanh toán ngay lập tức, kể cả khi chưa đến hạn thực hiện nghĩa vụ chính của bên được bảo lãnh. Tuy nhiên, trong trường hợp gian lận hoặc nghĩa vụ được bảo đảm không tồn tại nữa thì bên bảo lãnh không phải thanh toán.

Do tính độc lập của biện pháp bảo đảm này nên nếu quyền yêu cầu được chuyển giao thì nghĩa vụ bảo lãnh không đi theo quyền yêu cầu đó vì nó được xác lập căn cứ vào tư cách cá nhân của bên có quyền.

3) Thư bảo trợ

Thư bảo trợ là cam kết theo đó một người cam kết trợ giúp cho người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ của mình. Đó không phải là cam kết trả một khoản tiền mà là cam kết giúp đỡ người có nghĩa vụ. Ví dụ: sự giúp đỡ này có thể được thực hiện dưới hình thức tư vấn hoặc không tiến hành hoạt động cạnh tranh với người có nghĩa vụ. Đó là nghĩa vụ thực hiện một hành vi ứng xử nào đó.

Biện pháp bảo đảm này có nguồn gốc từ hệ thống Anh-Mỹ và có thể được áp dụng trong quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con. Ví dụ: công ty mẹ phát hành thư bảo trợ cho ngân hàng trong đó nêu rõ rằng công ty mẹ sẽ giúp đỡ công ty con thực hiện các cam kết của mình.

Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thanh toán thì bên bảo trợ không phải thanh toán thay.

Thư bảo trợ được quy định trong một điều luật của Bộ luật dân sự vì các nhà làm luật Pháp cho rằng đây là một biện pháp bảo đảm quan trọng. Tuy nhiên, cách thức thực hiện cụ thể việc bảo trợ do các doanh nghiệp tự xác định trong thực tiễn.

III) Các biện pháp bảo đảm đối vật

Các biện pháp bảo đảm đối vật được chia thành các biện pháp bảo đảm bằng động sản và các biện pháp bảo đảm bằng bất động sản.

1) Các quyền ưu tiên đối với động sản

Là quyền ưu tiên đối với các động sản của người có nghĩa vụ được pháp luật thừa nhận cho một số chủ thể xác định để các chủ thể này được ưu tiên thanh toán trước các chủ thể có quyền khác khi xử lý tài sản của người có nghĩa vụ. Bộ luật dân sự liệt kê các quyền ưu tiên chung (đối với toàn bộ các tài sản là động sản cử người có nghĩa vụ) và các quyền ưu tiên đặc biệt (đối với một số tài sản là động sản được xác định cụ thể của người có nghĩa vụ).

2) Cầm cố động sản hữu hình

Là thỏa thuận bằng văn bản theo đó người cầm cố tài sản cho người có quyền được ưu tiên thanh toán so với những người có quyền khác trên một hoặc nhiều động sản hữu hình, hiện tại hay tương lai.

Pháp luật Pháp không còn quy định biện pháp cầm cố dựa trên tiêu chí chuyển giao tài sản nữa mà chỉ căn cứ vào tính chất của tài sản là động sản. Do đó, cầm cố có thể được xác lập kèm theo hoặc không kèm theo chuyển giao tài sản.

Hiệu lực đối kháng của hợp đồng cầm cố đối với bên thứ ba được phát sinh theo một trong hai thời điểm:

– Thời điểm giao vật cho bên có quyền;

– Thời điểm đăng ký hợp đồng tại cơ quan có thẩm quyền.

Trong trường hợp cầm cố có chuyển giao tài sản, chủ nợ nhận cầm cố có trách nhiệm bảo quản tài sản và có thể thu hoa lợi, lợi tức từ tài sản nhưng khoản hoa lợi, lợi tức này phải được khấu trừ vào khoản nợ.

Bên có nghĩa vụ có thể chuyển nhượng tài sản được cầm cố nhưng phải sử dụng số tiền thu được để mua lại tài sản cùng tính chất.

Trong trường hợp phải xử lý tài sản cầm cố, chủ nợ có thể lựa chọn một trong ba phương thức:

– Tiến hành thủ tục kê biên, bán tài sản ố và được ưu tiên thanh toán theo thứ tự luật định;

– Yêu cầu Tòa án ra quyết định chuyển quyền sở hữu tài sản cho mình;

– Yêu cầu người có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu tài sản cho mình nếu trong hợp đồng cầm cố, hai bên đã thỏa thuận là tài sản cầm cố sẽ được chuyển quyền sở hữu cho chủ nợ trong trường hợp bên cầm cố không thực hiện nghĩa vụ.

Nếu lựa chọn hai phương thức cuối thì phải tiến hành định giá tài sản.

3) Cầm cố động sản vô hình

Các động sản vô hình như quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ… cũng có thể được cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Quyền đòi nợ được cầm cố có thể là đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai, ví dụ: cầm cố doanh thu hoặc tiền thuê nhà sẽ có được trong tương lai.

4) Bảo lưu quyền sở hữu động sản

Là điều khoản bảo đảm rất phổ biến trong hợp đồng mua bán tài sản là động sản theo đó bên bán được bảo lưu quyền sở hữu cho tới khi bên mua thanh toán hết giá trị hợp đồng, ngay cả khi tài sản đã được giao cho bên mua.

Do quyền sở hữu được bảo lưu gắn liền với quyền yêu cầu thanh toán nên kéo theo hai hệ quả sau:

– Nếu quyền đòi nợ này được chuyển nhượng thì quyền sở hữu được bảo lưu cũng đi theo quyền đòi nợ;

– Nếu bên mua bán lại tài sản thì quyền sở hữu được bảo lưu cũng đi theo tài sản.

Nếu bên mua không có khả năng thanh toán thì phải trả lại tài sản. Nếu tại thời điểm trả lại tài sản, giá trị của tài sản lớn hơn số tiền nợ được bảo đảm thì bên bán phải trả lại cho bên mua phần chênh lệch.

5) Các quyền ưu tiên đối với bất động sản

Tương tự như quyền ưu tiên đối với động sản, Bộ luật dân sự liêt kê các quyền ưu tiên chung và các quyền ưu tiên đặc biệt đối với toàn bộ hoặc một số bất động sản cụ thể của người có nghĩa vụ.

Ví dụ quyền ưu tiên chung là quyền ưu tiên của Nhà nước, người lao động đối với tất cả các bất động sản của con nợ.

Ví dụ quyền ưu tiên đặc biệt là: bên bán bất động sản được hưởng quyền ưu tiên đối với bất động sản đã bán để bảo đảm thu được tiền bán bất động sản đó; bên đã cho vay tiền để mua bất động sản cũng có quyền ưu tiên như vậy.

6) Cầm cố bất động sản:

Là việc dùng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ kèm theo chuyển giao bất động sản. Biện pháp này được pháp luật quy định nhưng không được áp dụng trên thực tế vì chủ nợ không muốn phải quản lý bất động sản được giao.

7) Thế chấp bất động sản:

Thế chấp là biện pháp bảo đảm xác lập trên một bất động sản mà không chuyển giao bất động sản. Hợp đồng thế chấp phải nêu rõ:

– Nghĩa vụ được bảo đảm (hiện tại hoặc tương lai);

– Bất động sản được thế chấp (hiện tại hoặc tương lai);

– Giá trị bảo đảm: là số tiền mà chủ nợ có thế chấp được ưu tiên thanh toán trên giá trị bất động sản được xử lý.

Một số phương thức đặc biệt trong trường hợp một bất động sản được dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ:

– Thế chấp chu chuyển: một bất động sản được dùng để thế chấp cho nhiều nghĩa vụ mà bên thế chấp sẽ xác lập trong tương lai với các chủ nợ khác nhau. Trong hợp đồng thế chấp đầu tiên có quy định là bất động sản có thể được thế chấp nhiều lần theo phương thức chu chuyển. Phương thức thế chấp này được du nhập từ Đức và rất thuận tiện vì nó cho phép tiết kiệm lệ phí thế chấp vì chỉ cần đăng ký thế chấp một lần.

– Thế chấp nhiều lần để bảo đảm nghĩa vụ hình thành trong tương lai: cũng là trường hợp một bất động sản được thế chấp cho nhiều nghĩa vụ nhưng khác với thế chấp chu chuyển, trong hợp đồng thế chấp đầu tiên thuộc dạng này có quy định là bất động sản có thể được thế chấp để bảo đảm cho các nghĩa vụ khác mà bên thế chấp sẽ xác lập với cùng chủ nợ trong tương lai.

Hợp đồng thế chấp phải được lập dưới hình thức văn bản công chứng và phải được đăng ký để có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba.

Trong trường hợp con nợ không thực hiện nghĩa vụ, chủ nợ nhận thế chấp có thể lựa chọn một trong các phương thức sau:

– Tiến hành thủ tục kê biên, bán bất động sản và được hưởng quyền ưu tiên thanh toán trên số tiền bán bất động sản;

– Yêu cầu Tòa án chuyển quyền sở hữu bất động sản cho mình;

– Đương nhiên được chuyển quyền sở hữu bất động sản nếu trong hợp đồng thế chấp, các bên đã thỏa thuận về việc chuyển quyền sở hữu bất động sản trong trường hợp con nợ không thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, nếu bất động sản là nơi ở chính của con nợ thì thỏa thuận này không được chấp nhận.

Pháp luật Pháp không quy định là trong trường hợp một bất động sản được dùng để thế chấp nhiều nghĩa vụ thì giá trị của bất động sản phải lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm.

Thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai: Chủ đầu tư xây dựng một tòa nhà chung cư có thể thế chấp toàn bộ tòa nhà chung cư đó để vay tiền đầu tư thực hiện dự án. Người mua căn hộ chung cư cũng có quyền thế chấp căn hộ sẽ xây dựng để vay tiền mua căn hộ. Trong trường hợp này, người mua căn hộ sẽ thanh toán trực tiếp cho ngân hàng của chủ đầu tư. Lúc này, đồng thời với việc giải chấp của ngân hàng của chủ đầu tư thì ngân hàng của người mua căn hộ xác lập thế chấp đối với căn hộ.

8) Quyền cầm giữ tài sản

Quyền cầm giữ tài sản được quy định ở một trong những điều đầu tiên của phần về các biện pháp bảo đảm của Bộ luật dân sự. Mặc dù quyền cầm giữ tài sản không mang đầy đủ hai đặc tính là quyền ưu tiên và quyền theo đuổi nhưng là một biện pháp rất hiệu quả để bảo vệ người có quyền đang cầm giữ tài sản. Người cầm giữ tài sản có vị thế rất mạnh trong quan hệ đối trọng với người có nghĩa vụ và những người có quyền khác. Người cầm giữ tài sản chỉ phải giao tài sản sau khi khoản nợ của mình được thanh toán hết. Nếu người có nghĩa vụ bán tài sản thì người cầm giữ tài sản có quyền không giao tài sản cho người mua nếu khoản nợ của mình chưa được thanh toán. Tương tự, nếu những người có quyền khác tiến hành kê biên tài sản thì người cầm giữ tài sản có thể phản đối việc kê biên chừng nào khoản nợ của mình chưa được thanh toán. Trong trường hợp phá sản doanh nghiệp, người cầm giữ tài sản cũng được ưu tiên thanh toán trước các chủ nợ khác. Như vậy, quyền cầm giữ tài sản là biện pháp được sử dụng để gây áp lực để người cầm giữ tài sản được thanh toán trước các chủ nợ khác, kể cả chủ nợ có bảo đảm. Tuy nhiên, để quyền cầm giữ có hiệu lực thì phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, đặc biệt là sự liên hệ giữa khoản nợ và tài sản bị cầm giữ.

Quyền cầm giữ trao cho người cầm giữ quyền tuyệt đối chừng nào người đó còn giữ tài sản. Điều đó có nghĩa là nếu người cầm giữ tài sản khởi xướng việc kê biên, bán tài sản để thu hồi khoản nợ thì sẽ rơi vào một tình thế bất lợi vì lúc đó, sẽ không được hưởng hàng ưu tiên cao hơn các chủ nợ có thế chấp, cầm cố khác.

Trên đây là tổng hợp nội dung chính bài trình bày của Giáo sư Michel Grimaldi tại Tọa đàm để Quý bạn đọc tham khảo.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Trích dẫn từ:

http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Lists/Nghin%20cu%20trao%20i/View_Detail.aspx?ItemID=4454

4 Responses

  1. Các động sản vô hình như quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ… cũng có thể được cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. . Quyền này không phải là đối nhân mà mục đích cuối cùng là đối vật. Nó là hình thức để đảm bảo cho việc bên có nghĩa vụ thực hiện quyền đối vật của bên có quyền. Ở đây cách làm này bảo đảm cả quyền cho bên có nghĩa vụ trong việc thanh toán các khoản nợ. Mà cầm cố quyền đòi nợ thì bản thân ” quyền đòi nợ ” có thể được coi là đối tượng ” vật “. Nếu tác giả Lê Luân không coi đây là biện pháp đảm bảo với vật vậy nếu quyền đòi nợ đó không được mang ra đảm bảo cho chủ nợ vậy nó hoàn toàn có thể giao vào tay người khác, hoặc người có nghĩa vụ tự thực hiện việc đòi nợ rồi mang số tài sản đó đi làm việc khác và bên có quyền sẽ bị thiệt hại về ” vật “. Rốt cuộc cũng vẫn là khoản nợ – tức là ” vật “.
    . Quyền đòi nợ được cầm cố có thể là đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai, ví dụ: cầm cố doanh thu hoặc tiền thuê nhà sẽ có được trong tương lai.Tác giả Lê Luân lại hiểu khác tôi về vấn đề này. Tôi hiểu quyền được đòi nợ là của bên có quyền hay bên cho vay đòi số nợ bằng việc bên có nghĩa vụ đã cầm cố bằng quyền đòi nợ, hay quyền sở hữu trí tuệ theo hai hình thức: Hiện tại nếu bên nghĩa vụ thực hiện được nghĩa vụ trong hợp đồng, hoặc trong tương lai khi có doanh thu để thực hiện được nghĩa vụ của hợp đồng. Đòi ở đây không phải là đối với người có nghĩa vụ – đối nhân mà qui định là với doanh thu hay tiền. Như vậy hiểu rộng ra nếu người vay muốn cầm cố bằng động sản vô hình thì bên cầm cố phải xác minh được giá trị – vật thực sự của bất động sản vô hình đó, không phải là việc sẽ đi đòi nợ đối tượng mang bất động sản vô hình đó đi cầm. Tôi đơn cử như tôi có quyền sở hữu trí tuệ, tôi cầm cho anh A cho tôi vay tiền để sản xuất như vậy tiền đó được anh A nắm rõ tôi làm gì, thậm chí tôi tính doanh thu lãi bao nhiêu… và tôi có thể trả cho anh A cho đến hết số tiền nợ. ở đây trách nhiệm anh A là định được giá trị cái quyền sở hữu trí tuệ đó của tôi mà cho vay. Còn nếu tôi không thực hiện nghĩa vụ, thì toàn bộ số vốn vay tôi đầu tư bị thu hồi, hoặc số nợ mà người khác có trách nhiệm thanh toán cho tôi sẽ chuyển qua người mà tôi đã cầm cố quyền đòi nợ của mình.
    Xin trinh bày vài nhận định của tôi về vấn đề trên. Rất mong được sự góp ý của những người có chuyên môn!
    Qua nội dung bài viết tôi thấy các hình thức bảo đảm rất đa dạng cho bên có quyền đặc biệt là quyền đối vật bằng cách sử dụng cả cầm cố bất động sản vô hình, điều mà ở VN vẫn coi là quyền đối nhân – mà một khi phải đối nhân theo cách hiểu của chúng ta tôi thiết nghĩ sẽ có tiêu cực và không hiệu quả, mà theo đó thì ngay cả bảo đảm đối nhân của pháp luật Pháp thì khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ, bên bảo đảm cũng không có trách nhiệm thanh toán nghĩa vụ phải thực hiện đó . Cái tài tình của pháp luật đảm bảo Pháp là ở chỗ này, làm cho người có quyền có thể truy đuổi tận gốc và trực tiếp với giá trị kinh tế của tài sản. Như thế xét một cách tổng thể là đảm bảo nghĩa vụ dân sự với pháp luật. Tất nhiên đây là bài viết sơ lược nên không dễ hiểu với người không có nhiều hiểu biết về luật. Mong được ý kiến bình luận từ chuyên gia luật học về vấn đề này.

  2. Bài tổng hợp về các biện pháp bảo đảm theo pháp luật của Cộng hòa Pháp mang tính tổng quát và rất hữu ích cho người nghiên cứu pháp lý. Thiết nghĩ trước hết cần làm rõ các khái niệm về tài sản, vật quyền và trái quyền…trong pháp luật VN. Bạn Le Luan có một vài điều phản hồi đối với tác giả bài viết, tôi cũng xin có đóng góp như sau:
    – Quyền đòi nợ là quyền yêu cầu con nợ phải thực hiện 1 hành vi là trả tiền chủ nợ. Trong mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ thì đó là một trái quyền.
    – Quyền đòi nợ này là một tài sản của chủ nợ (trái chủ).
    – Đối với người thứ 3 – người nhận bảo đảm thì quyền đòi nợ là một vật quyền hay trái quyền? Giả sử quyền đòi nợ đối với người thứ 3- nhận bảo đảm là trái quyền thì con nợ là thụ trái và người nhận bảo đảm là chủ trái. Điều này hoàn toàn không hợp lý và cũng không đúng bởi: Người có nghĩa vụ trả nợ không có nghĩa vụ trả nợ cho người nhận bảo lãnh khi quyền đòi nợ chưa được chuyển giao. Do đó dưới con mắt của người thứ 3- nhận bảo đảm thì quyền đòi nợ là một vật quyền.
    Theo ý kiến cá nhân của tôi thì việc phân loại quyền đòi nợ nằm trong nhóm Vật quyền đảm bảo như tác giả bài viết hoàn toàn hợp lý.

  3. xin hỏi tôi gửi ý kiến phản hồi tại sao lại không được đăng và cũng không có trả lời tường tận cho tôi?

  4. xin hỏi tác giả bài viêt một vấn đề như sau:
    1. Quyền đối nhân được hiểu là quyền của một chủ thể đối với 1 chủ thể khác, trong đó bao gồm điển hình là quyền đòi nợ hay còn gọi là trái quyền, thì tại sao tác giả lại cho rằng cầm cố quyền đòi nợ là một biện pháp đảm bảo đối vật (mục III.3)??? Quyền đòi nợ là quyền đối nhân điển hình, tại sao tác giả lại không liệt kê ở phần II-các biện pháp đảm bảo đối nhân? Bởi lẽ nếu cầm cố bằng quyền đòi nợ thì nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ thì bên có quyền sẽ truy đòi người thứ 3 (là con nợ của người có nghĩa vụ) – quan hệ pháp lý tay 3. Mặc dù quyền đòi nợ đến lượt nó là một động sản vô hình, nhưng xét về bản chất mối quan hệ thì ở đây phát sinh mối quan hệ với người thứ 3 (con nợ của người có nghĩa vụ – là đối tượng của trái quyền). Vì thế ở trường hợp này không thể nào nói rằng đây là một biện pháp đảm bảo đối vật được.
    2. Liền ngay sau đó tác giả lại giải thích:”Quyền đòi nợ được cầm cố có thể là đang tồn tại hoặc sẽ hình thành trong tương lai, ví dụ: cầm cố doanh thu hoặc tiền thuê nhà sẽ có được trong tương lai”, như vậy tác giả lại đang nhầm lẫn giữa tài sản vô hình (là doanh thu hoặc tiền thuê nhà thu được trong tương lai…) với quyền đòi nợ. Vì nếu chỉ là cầm cố tiền thuê nhà hay doanh thu thì đối tượng ở đây là tài sản vô hình (có hoặc chưa có – là tiền), chứ không phải quyền đòi nợ nào cả (vì ở đây không có người thứ 3 – là con nợ của người có nghĩa vụ). Ở đây cần tách bạch giữa tài sản thu được (doanh thu – tiền thuê nhà) với quyền đòi nợ của một người đối với một người thứ 3 (không quan tâm tài sản thu được là gì – có thể là tiền, là chứng khoán, là tài sản nào khác có giá trị…).

    Trong phạm vi hiểu biết có hạn, xin được giải đáp từ tác giả bài viết để tôi được tường tận hơn.
    Xin cảm ơn.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading