Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

CUỘC CHIẾN THƯƠNG QUYỀN BÓNG ĐÁ: CÁCH ỨNG XỬ NÀO HAY HƠN?

Advertisements

NGUYÊN TẤN

Cuộc chiến về thương quyền bóng đá giữa VFF, VPF và VAG dù căng thẳng và đầy kịch tính nhưng rồi sớm muộn cũng sẽ có kết cục. Điều đọng lại rất đáng để suy gẫm trong vụ việc này có lẽ là ở cách hành xử của các bên.

Thói quen hành chính hóa

Bất đồng giữa các thế lực trong làng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam về bản hợp đồng chuyển giao quyền khai thác các giải bóng đá kéo dài 20 năm giữa VFF và AVG thực chất đã âm ỉ từ hơn một năm nay, kể từ khi các bên đặt bút ký kết vào hồi tháng 12-2010.

Tuy nhiên, cuộc chiến chỉ thực sự nổ ra khi VPF bất ngờ bằng một công văn “bật đèn xanh” cho phép hệ thống đài truyền hình VTV được phát lại các trận bóng đá thuộc các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam.

Đáng nói là sau đó đài truyền hình VTC cũng nhập cuộc phát lại trận bóng đá thuộc một trong các giải đấu nêu trên với lý do đã được VPF “cấp phép”. Thậm chí, trả lời báo chí về việc này, ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc VTC khẳng định  rằng “VTC truyền hình trực tiếp có sự chấp thuận của đơn vị tổ chức giải là VPF và chúng tôi đã làm đúng theo chỉ dẫn phối hợp với VTV chọn trận phát sóng. Nếu AVG muốn kiện thì cứ kiện VPF” (Pháp Luật TPHCM, 9-1-2012).

Trong quá trình tranh chấp, VPF đã gửi công văn đến ba bộ Tư pháp, Thông tin Truyền thông và Văn hoá Thể thao Du Lịch nhờ giải quyết. Tương tự, AVG cũng gửi đơn cầu cứu lên Bộ Văn hoá Thể thao Du Lịch. Và mới đây, Bộ Văn hoá Thể thao Du Lịch đã phải lập một đoàn thanh tra để xem xét bản hợp đồng nói trên.

Của Caesar hãy trả cho Caesar!

Trước hết nói về hành động “bật đèn xanh” đơn phương của VPF cũng như hành vi hưởng ứng nhanh nhảu của VTC. Theo một số ý kiến thì những cách ứng xử này chưa phải thật khôn ngoan, thậm chí có thể gây nên những rủi ro không đáng có.

Thực tế, hợp đồng giữa VFF và AVG vẫn đang có hiệu lực, do đó hành vi của VPF có thể sẽ xâm hại đến lợi ích hợp pháp của AVG. Vì vậy, giả sử AVG khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường (ngoài hợp đồng), khả năng VPF, VTC phải gánh chịu trách nhiệm sẽ rất cao. Với một doanh nghiệp mà cổ đông là những người có thế lực, tiền bồi thường có thể không thành vấn đề nhưng còn tên tuổi, danh dự, thương hiệu?

Tiếp theo là việc các bên gửi đơn cầu cứu lên các bộ và Bộ Văn hoá Thể thao Du Lịch đã “chiều lòng” lập một đoàn thanh tra để giải quyết. Trong trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến những vấn đề thuộc quản lý nhà nước, theo thẩm quyền, bộ thanh tra là đúng.

Tuy nhiên, nếu thanh tra nhằm mục đích “phân xử” một hợp đồng thuộc địa hạt dân sự thì có lẽ không ổn bởi Bộ Văn hoá Thể thao Du Lịch đâu phải là một cơ quan tài phán. Hơn nữa, giả sử có hành vi vi phạm pháp luật hậu quả cuối cùng cũng chỉ là một quyết định xử phạt hành chính và như vậy hoạt động thanh tra sẽ không thể giải quyết hết các vấn đề tranh chấp. Ví dụ như vấn đề bồi thường, thanh lý, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng v.v… Đây cũng là một rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra khi các bên sẽ phải mất công tốn sức kéo dài cuộc tranh chấp cho đến khi giải quyết được trọn vẹn các vấn đề phát sinh.

Cuộc chiến giữa các bên về bản chất là một vụ tranh chấp dân sự thuần túy. Và vì vậy áp dụng các trình tự giải quyết một vụ việc tranh chấp dân sự chắc hẳn vẫn là con đường ngay ngắn, phù hợp tập quán thương mại hơn cả. Đúng như người ta thường nói “của Caesar hãy trả cho Caesar”!

Điều đó có nghĩa, nếu thực sự hợp đồng giữa VFF và AVG trái pháp luật, với tư cách là người được VFF chuyển giao quyền và nghĩa vụ, VPF hoàn toàn có quyền đề nghị các bên liên quan thương lượng để sửa đổi, bổ sung hoặc thậm chí chấm dứt hợp đồng. Trường hợp thương lượng không thành, VPF có thể khởi kiện AVG ra toà để yêu cầu xem xét, hủy bỏ hợp đồng.

Tương tự, nếu xét thấy hành vi của VPF gây thiệt hại, AVG cũng có quyền đưa vụ việc ra toà để giải quyết. Việc xét xử công khai sẽ giúp cho các bên thoải mái tranh luận và bản án có hiệu lực pháp luật sẽ có giá trị thi hành.

Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới. Do vậy, có lẽ chúng ta cũng nên hội nhập cả cách hành xử khi có xảy ra tranh chấp. Tức là hãy để cho các quan tài phán giải quyết một cách chuyên nghiệp, minh bạch thay vì hành chính hóa vụ việc như thói quen lâu nay của chúng ta.

TRA CỨU THÊM THÔNG TIN:

>>> Kịch bản nào cho cuộc chiến giữa VFG, VFF và VPF? 

>>> VFF, AVG và VPF đang tranh chấp gì? 

>>> Cuộc chiến thương quyền bóng đá: sảy nảy ung! 

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/69650/Cuoc-chien-thuong-quyen-bong-da-Cach-ung-xu-nao-hay-hon?.html

Exit mobile version