admin@phapluatdansu.edu.vn

BÀN VỀ VẤN ĐỀ VƯỢT QUÁ PHẠM VI YÊU CẦU KHỞI KIỆN BAN ĐẦU TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

TRẦN ĐỨC LONG – Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình

I. Quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự:

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là nguyên tắc mang tính bắt buộc và rất quan trọng, được áp dụng xuyên suốt từ khi Tòa án thụ lý đến khi giải quyết xong vụ án. Nguyên tắc này được quy định tại Điều 5 BLTTDS: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự… Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện không trái pháp luật và đạo đức xã hội”.

Xuất phát từ nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự nên quyền và nghĩa vụ của đương sự được quy định cụ thể tại Điều 58, 59 60,61 BLTTDS, trong đó quy định: Đương sự có quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS : "Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự, nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu". Như vậy, hiểu như thế nào là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu? đây là vướng mắc hiện nay còn nhiều quan điểm, chưa thống nhất.

Tại điểm 6 mục III Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành các quy định trong Phần thứ hai thủ tục giải quyết các vụ án tại tòa cấp sơ thẩm của Bộ luật tố tụng dân sự “Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên tòa chỉ được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu được thể hiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Như vậy, hiểu như thế nào là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, vượt quá về yêu cầu nội dung, tăng giá trị so với yêu cầu khởi kiện ban đầu hay vượt quá về quan hệ pháp luật tranh chấp, những yêu cầu nào thì được Hội đồng xét xử xem xét. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến quyền bổ sung yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm xét xử các vụ án dân sự.

2. Vượt quá về mặt quan hệ pháp luật:

Nếu tại phiên tòa, đương sự bổ sung yêu cầu nhưng là yêu cầu mới, chưa đưa ra trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và chưa được xem xét thì có thể khẳng định đây là yêu cầu vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu, Hội đồng xét xử căn cứ vào điều 218 BLTTDS không chấp nhận yêu cầu bổ sung này.

Ví dụ : Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả tiền cọc và phạt cọc, là một hợp đồng phụ của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quá trình chuẩn bị xét xử, Tòa án đã tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, đương sự yêu cầu bổ sung hủy hợp đồng chính là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đây là một yêu cầu mới và vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận. Bởi lẽ, quan hệ pháp luật tranh chấp chính trong vụ án này là tranh chấp hợp đồng đặt cọc chứ không phải hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án phải tuân thủ nguyên tắc xét xử khách quan, toàn diện, trên cơ sở xem xét đầy đủ các chứng cứ của vụ án, do vậy nếu đương sự yêu cầu mà yêu cầu đó nằm trong một quan hệ pháp luật thì phải xem xét toàn diện toàn bộ vấn đề và xem đây là việc đương sự bổ sung yêu cầu nhưng không vượt quá phạm vi của yêu cầu khởi kiện ban đầu.

ví dụ:  Nguyên đơn yêu cầu chia di sản thừa kế, tài sản để lại có một phần đã được định đoạt bằng di chúc nên khi khởi kiện không yêu cầu phần này. Tại phiên tòa, nguyên đơn bổ sung yêu cầu, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại phần di chúc tặng cho để chia vì cho rằng di chúc không hợp pháp. Đây được xác định là yêu cầu không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu vì vụ án này có quan hệ pháp luật tranh chấp chính là chia di sản thừa kế.

3. Vượt quá về mặt giá trị yêu cầu.

Trường hợp tại phiên tòa, đương sự bổ sung tăng giá trị yêu cầu trong cùng một quan hệ pháp luật tranh chấp thì có xem là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu không? Ví dụ: tại đơn khởi kiện đương sự chỉ yêu cầu giải quyết buộc bị đơn có trách nhiệm trả khoản tiền là 100 triệu đồng nhưng tại phiên tòa yêu cầu trả 150 triệu thì có xem là vượt quá yêu cầu ban đầu hay không? Theo tác giả thì trong cùng một quan hệ tranh chấp nếu tăng về giá trị không nên xem là vượt quá phạm vi khởi kiện, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu này để xem xét. Bởi vì xét về hiện tượng, bản chất thì đây là trường hợp là vượt quá về số lượng nhưng thực tế trong giải quyết án nằm trong quan hệ pháp luật chính nên không xem là vượt quá.

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Hiện nay, Tòa án địa phương chưa thống nhất về cách hiểu vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, ví dụ trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản, đương sự chỉ yêu cẩu giải quyết buộc bị đơn trả nợ gốc, nhưng tại phiên tòa yêu cầu bổ sung thêm tiền lãi chậm trả của số nợ gốc đã yêu cầu trong đơn khởi kiện, như vậy, yêu cầu về tiền lãi có xem là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu không?

Theo quy định tại Điều 302 Bộ luật dân sự thì tiền lãi chậm trả được quy định , lãi được tính theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố và đây là nghĩa vụ của bị đơn khi chậm trả tiền, do đó không xem là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, Hội đồng xét xử xem xét và quyết định trong bản án.

Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng yêu cầu lãi là một yêu cầu bổ sung vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, do đó không chấp nhận, cần phải giải quyết đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (nộp tạm ứng án phí, Tòa án phải tổ chức hòa giải trước khi đưa vụ án ra xét xử…). Tác giả đồng ý theo quan điểm này, hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu bổ sung  do vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

Hiện nay, quy định về quyền thay đổi, bổ sung của đương sự tại phiên toà được quy định tại Điều 218 BLTTDS và Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP ngày 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Do hướng dẫn chưa cụ thể nên còn nhiều quan điểm khác nhau, kính đề nghị Toà án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để các Toà án địa phương thống nhất áp dụng pháp luật.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Trích dẫn từ: http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&item_id=13681035&article_details=1

2 Responses

  1. Người khởi kiện và bị kiện hay sử dụng từ “không biết” để yêu cầu thêm cái này, cái nọ nhưng thực chất khi khởi kiện thì các bên đều biết mình có quyền yêu cầu đến đâu và giải quyết như thế nào rồi.

  2. Kính gửi tác giả,

    Bài viết của anh có một số quan điểm phù hợp với thực tế xem xét một vụ án và xét xử. Các quan điểm này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các bên trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, tôi thấy có điểm anh mâu thuẫn với chính mình:

    Tại điểm 3: anh cho rằng nếu “Theo tác giả thì trong cùng một quan hệ tranh chấp nếu tăng về giá trị không nên xem là vượt quá phạm vi khởi kiện, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu này để xem xét” nhưng đến mục 4 thì anh lại “đồng ý” theo quan điểm cho rằng yêu cầu lãi là một yêu cầu bổ sung vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

    Nếu chỉ xét đơn thuần về giá trị, tôi nghĩ khoản tăng thêm của tiền lãi chính là sự tăng thêm về giá trị mà tại mục 3 anh đã cho rằng “tăng thêm về giá trị” không vượt quá yêu cầu khởi kiện ???

    Nếu xét về tính chất của khoản tiền tăng thêm đó: “tiền lãi chậm trả” – trên nguyên tắc của luật dân sự, các bên không cần quy định về lãi châm trả trong Hợp đồng nhưng nếu phát sinh, luật vẫn cho phép bên bị vi phạm được tính lãi. Đó là quyền chính đáng của họ khi bị cầm giữ một khoản tiền do hành vi vi phạm của bên kia. Như vậy, đó là một quyền chính đáng, đương nhiên được công nhận (trừ trường hợp việc đòi nợ, đòi thanh toán là không có căn cứ – khi chưa được tòa án xem xét).

    Trong thực tế vẫn xảy ra trường hợp các đương sự khi khởi kiện không biết hoặc chưa biết đến cái quyền “tính lãi” mà pháp luật ghi nhận cho họ, cho đến lúc ra tòa thì họ mới biết và đề nghị bổ sung. Chính vì vậy, nếu yêu cầu đương sự phải thực hiện các thủ tục khác sẽ gây mất thời gian, công sức và tiền bạc của đương sự. Và giả sử trong tình huống đó, tôi thiết nghĩ, tòa án sẽ nhập hai vụ án này theo quy định tại Điều 38 Bộ luật TTDS để cùng giải quyết vì có mối quan hệ mật thiết đến nhau. Vì vậy, việc thực hiện lại toàn bộ trình tự tố tụng cho yêu cầu thanh toán thêm “lãi chậm trả” là không cần thiết.

    Một vài lời trao đổi cùng tác giả.

    Black Rose.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading