admin@phapluatdansu.edu.vn

BẢO HỘ CHỈ DẪN ĐỊA LÝ Ở NƯỚC NGOÀI

TS. VŨ TRỌNG BÌNH – Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn

TS. DENIS SAUTIER – Viện Nghiên cứu CIRAD-Pháp

Nhãn mác và chỉ dẫn địa lý khác biệt ở chỗ một bên là tài sản doanh nghiệp, một bên là tài sản của cộng đồng. Trước vấn đề tên địa lý Phú Quốc và Buôn Ma Thuột bị các công ty nước ngoài đăng ký sở hữu trí tuệ, chúng ta cần bình tĩnh cân nhắc các khía cạnh của bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Nhãn mác và chỉ dẫn địa lý

Thông thường có hai cách để nâng cao giá trị gia tăng các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản. Cách thứ nhất là tăng cường chế biến, với các sản phẩm phổ thông, là đóng gói để xuất khẩu sản phẩm cuối cùng đến tận người tiêu dùng trong và ngoài nước với số lượng lớn. Với loại chuỗi thương mại này, nhãn mác thương mại (trade mark) của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để xây dựng thị trường.

Một doanh nghiệp nông sản, thực phẩm chỉ thành công về xây dựng thương hiệu qua nhãn mác có bảo hộ của mình, khi có sản phẩm phân phối đến tận người tiêu dùng. Còn nếu chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến quốc tế như phần lớn các công ty chè, cà phê, gạo, thủy sản… của Việt Nam hiện nay, thì việc xây dựng thương hiệu có nhãn mác bảo hộ đến người tiêu dùng là rất khó khăn, không khả thi.

Cách hai, chỉ dẫn địa lý (GIS), được định nghĩa trong điều 21 của WTO về thỏa thuận TRIPs (thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ) năm 1995, có thể tóm tắt là sự kết hợp giữa chất lượng, sự nổi tiếng, những đặc tính đặc trưng của sản phẩm gắn với vùng địa lý nào đó. Châu Âu đi đầu trong xây dựng các chuỗi ngành hàng riêng biệt có bảo hộ chỉ dẫn địa lý, với sản phẩm đóng gói cho người tiêu dùng, có nhãn mác ghi tên địa phương sản xuất. Nhiều nước đã xây dựng logo quốc gia về chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm có sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Để sản phẩm được sử dụng chỉ dẫn địa lý trên nhãn mác, nhà sản xuất phải tuân thủ điều kiện nhất định, đảm bảo sản xuất ra sản phẩm đúng với yêu cầu bảo hộ, nhất là tính đặc trưng, nguồn gốc bản địa. Tên chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, trở thành tài sản chung của cộng đồng, vùng, thậm chí quốc gia, là di sản văn hóa nếu sản phẩm đó gắn với các truyền thống văn hóa. Do đó, tất cả mọi nhà sản xuất, tuân thủ điều kiện sản xuất và phân phối của yêu cầu chỉ dẫn địa lý, đều có quyền đề nghị được sử dụng tên chỉ dẫn địa lý trên sản phẩm của mình. Đây là điểm khác biệt giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý: một bên là tài sản doanh nghiệp, một bên là tài sản của cộng đồng.

Tên địa lý Phú Quốc và Buôn Ma Thuột có thể mất không?

Trước vấn đề tên địa lý Phú Quốc và Buôn Ma Thuột bị các công ty nước ngoài đăng ký sở hữu trí tuệ, chúng ta cần bình tĩnh cân nhắc các khía cạnh của chỉ dẫn địa lý.

Tùy thuộc hệ thống bảo hộ. Việc một doanh nghiệp đăng ký tên nhãn mác trùng với tên địa lý được bảo hộ đã diễn ra cả ở Việt Nam cũng như nước ngoài, và xử lý vấn đề này phức tạp, tùy hệ thống bảo hộ tại từng nước. Nhìn chung, hệ thống bảo hộ sử dụng chỉ dẫn địa lý và nhãn mác thương mại có quan hệ chặt chẽ, nhưng khác biệt.

Nếu giữa hai nước, ví dụ Việt Nam và Trung Quốc, có hiệp định công nhận bảo bộ chỉ dẫn địa lý lẫn nhau, như Việt Nam và Pháp đã làm, thì dù có nhãn mác thương mại đăng ký tên Buôn Ma Thuột, thì sản phẩm có bảo hộ chỉ dẫn địa lý Việt Nam vẫn có thể được lưu hành ở Trung Quốc dưới dạng sản phẩm chỉ dẫn địa lý. Tất nhiên lúc này người tiêu dùng sẽ bị lẫn lộn và sản phẩm chỉ dẫn địa lý thật sẽ thiệt thòi. Hiện nay, trừ Pháp, Việt Nam chưa xúc tiến các hiệp định song phương về công nhận hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của nhau và bảo hộ sản phẩm trên thị trường của nhau.

Tùy thuộc vào luật pháp và nhận thức của người tiêu dùng ở quốc gia đăng ký nhãn mác. Trong hầu hết luật về nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý trên thế giới và trong những thỏa thuận TRIPs của WTO, mà cả Trung Quốc và Việt Nam là thành viên, đã chỉ ra rằng việc đăng ký một nhãn hiệu bao gồm hay chứa đựng dấu hiệu địa lý đối với hàng hóa không có nguồn gốc tại nơi địa lý được nêu, sẽ bị từ chối hoặc không có hiệu lực, nếu việc sử dụng nhãn hiệu có thể làm cho công chúng hiểu sai về xuất xứ thực sự của hàng hóa.

Nguyên tắc quan trọng là người tiêu dùng sẽ không bị nhầm lẫn về xuất xứ của hàng hóa. Nếu luật của Trung Quốc, Hồng Kông tuân theo những nguyên tắc chung này, có nghĩa rằng, nhãn hiệu Buon Ma Thuot và Phu Quoc của Trung Quốc không thể được sử dụng đối với cà phê, nước mắm không phải xuất xứ và tuân thủ điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ Việt Nam.

Trong trường hợp này, người tiêu dùng Trung Quốc có thể hiểu nhầm về xuất xứ thực sự của sản phẩm. Việc sử dụng nhãn hiệu này cho cà phê, nước mắm không phải xuất xứ từ Việt Nam sẽ bị cấm. Sự ngăn cấm chỉ có thể được quyết định bởi tòa án Trung Quốc, vì không tòa án quốc tế nào có thẩm quyền đối với vấn đề này. Để chứng minh rằng người tiêu dùng hiểu sai, điều quan trọng là nâng cao nhận thức người tiêu dùng tại Trung Quốc là Buon Ma Thuot là một chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Việt Nam.

Tùy thuộc vào bảo hộ quốc tế về chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Nếu Việt Nam muốn ngăn chặn đăng ký nhãn hiệu bao gồm cả dấu hiệu địa lý cho các sản phẩm không phải của Việt Nam, cần nâng cao nhận thức về sự tồn tại của dấu hiệu nhận biết vùng địa lý của mình ở nước ngoài.

Ví dụ trao đổi ký các hiệp định công nhận lẫn nhau, vì hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý các nước rất khác nhau, hoặc thông báo chính thức cho cơ quan quản lý Trung Quốc, các nước khác về các chỉ dẫn địa lý Việt Nam. Khi có thể, Việt Nam nên bảo hộ chỉ dẫn địa lý của mình, không chỉ đăng ký tại Việt Nam mà còn đăng ký tại những nước xuất khẩu chính (thông qua Luật Chỉ dẫn địa lý nếu có hoặc qua Luật Nhãn hiệu thương mại). Cách khác cho Việt Nam là đẩy mạnh bảo hộ quốc tế về chỉ dẫn địa lý ngay tại các cuộc thương thảo đang diễn ra tại WTO.

Với thị trường Trung Quốc, thật sự cà phê có nhãn hiệu Buôn Ma Thuột cũng chưa phân phối đến tay người tiêu dùng Trung Quốc, mà chủ yếu dùng làm nguyên liệu cho các công ty quốc tế. Với Trung Quốc, nơi dùng nước chấm hơn nước mắm, liệu có phải là thị trường chiến lược của nước mắm Phú Quốc không? Do đó các doanh nghiệp, hiệp hội cần cân nhắc trước khi hành động.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/62688/Bao-ho-chi-dan-dia-ly-o-nuoc-ngoai.html

3 Responses

  1. 1. “Nhãn mác và chỉ dẫn địa lý khác biệt ở chỗ một bên là tài sản doanh nghiệp, một bên là tài sản của cộng đồng”. (*)
    Nhận định (*) chưa thuyết phục: bởi nhãn hiệu tập thể cũng có thể được coi là tài sản của cộng đồng (Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu – điều 87.5 Luật SHTT). Sự khác nhau giữa nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý là ở các điểm sau: (a) Hình thức sở hữu: Nhãn hiệu – là tập thể hoặc cá nhân, còn chỉ dẫn địa lý – sở hữu là nhà nước ; (b) Liên quan đến sản phẩm: nhãn hiệu hàng hóa là việc bảo hộ nhãn hiệu sử dụng trong giao dịch thương mại cho sản phẩm có thể tồn tại hoặc chưa tồn tại nhưng nhãn hiệu vẫn được bảo hộ; trong khi chỉ dẫn địa lý sản phẩm bắt buộc sản phẩm phải tồn tại là điều kiện ban đầu cần thiết để được bảo hộ; (c) Nội dung bảo hộ: Chỉ dẫn địa lý gắn liền với yếu tố công nghệ sản xuất ra sản phẩm được bảo hộ đó là kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương (điều 82. 3 – Luật SHTT), còn nhãn hiệu thì không cần thiết nội dung này.
    2. “Tùy thuộc hệ thống bảo hộ. Việc một doanh nghiệp đăng ký tên nhãn mác trùng với tên địa lý được bảo hộ đã diễn ra cả ở Việt Nam cũng như nước ngoài, và xử lý vấn đề này phức tạp, tùy hệ thống bảo hộ tại từng nước. Nhìn chung, hệ thống bảo hộ sử dụng chỉ dẫn địa lý và nhãn mác thương mại có quan hệ chặt chẽ, nhưng khác biệt.
    Nếu giữa hai nước, ví dụ Việt Nam và Trung Quốc, có hiệp định công nhận bảo bộ chỉ dẫn địa lý lẫn nhau, như Việt Nam và Pháp đã làm, thì dù có nhãn mác thương mại đăng ký tên Buôn Ma Thuột, thì sản phẩm có bảo hộ chỉ dẫn địa lý Việt Nam vẫn có thể được lưu hành ở Trung Quốc dưới dạng sản phẩm chỉ dẫn địa lý. Tất nhiên lúc này người tiêu dùng sẽ bị lẫn lộn và sản phẩm chỉ dẫn địa lý thật sẽ thiệt thòi. Hiện nay, trừ Pháp, Việt Nam chưa xúc tiến các hiệp định song phương về công nhận hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của nhau và bảo hộ sản phẩm trên thị trường của nhau ” (***)

    Tại Việt Nam khi tên nhãn hiệu hàng hóa trùng với tên chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ cũng sẽ là dấu hiệu không được bảo hộ. Luật nhãn hiệu hàng hóa Trung Quốc cũng có những điều khoản tương tự đối với tên chỉ dẫn địa lý trong nước (Trung Quốc) và tên chỉ dẫn địa lý nổi tiếng nước ngoài “The geographical names as the administrative divisions at or above the county level and the foreign geographical names well known to the public shall not be used as trademarks” (Điều 10, Luật nhãn hiệu hàng hóa Trung Quốc). Nếu giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý của nhau thì nhãn hiệu hàng hóa trùng với tên chỉ dẫn địa lý (đã được bảo hộ) sẽ không được bảo hộ.

  2. “Một doanh nghiệp nông sản, thực phẩm chỉ thành công về xây dựng thương hiệu qua nhãn mác có bảo hộ của mình, khi có sản phẩm phân phối đến tận người tiêu dùng. Còn nếu chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến quốc tế như phần lớn các công ty chè, cà phê, gạo, thủy sản… của Việt Nam hiện nay, thì việc xây dựng thương hiệu có nhãn mác bảo hộ đến người tiêu dùng là rất khó khăn, không khả thi” (**)

    Việc một doanh nghiệp chỉ tham gia một công đoạn, để đảm bảo chất lượng hóa đã ra, thì các doanh nghiệp tham gia tại mỗi công đoạn đều phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhất định. Hiện nay một số tiêu chuẩn sản xuất đề cập đếp vấn đề này như GAP (Good Agriculture Practices – thục hành nông nghiệp tốt) là những nguyên tắc được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc BVTV, kim loại nặng, hàm lượng nitrat), đồng thời sản phẩm phải đảm bảo an toàn từ ngoài đồng đến khi sử dụng. Nhiều doanh nghiệp và tổ chúc sản xuất trong lĩnh vục nông nghiệp Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn này. Hoạt động này cũng đuọc đề cập đến trong nhiều lĩnh vục khác với nền tảng sử dụng lý thuyết sản xuất theo “chuỗi cung ứng”.
    Do vậy nhận định (**) của các tác giả cần được xem xét lại.

  3. Trademark (nhãn hiệu) và Geographical Indication (chỉ dẫn địa lý) là hai đối tượng đã được định danh trong TRIPs cũng như luật SHTT Việt Nam, không hiểu tại sao tác giả dùng một cách khá tự do các khái niệm nhãn mác, nhãn mác thương mại.
    Cũng xin lưu ý là khái niệm GI nằm ở điều 22 của TRIPs chứ không phải 21.
    Nói tóm lại đọc xong tôi không hiểu 2 tác giả đang đề cập vấn đề gì mặc dù tôi biết đây là 2 chuyên gia khá nổi tiếng trong lĩnh vực này. Lỗi ở nhà báo ghi lại chăng ?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading