admin@phapluatdansu.edu.vn

THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM: MỘT SỐ ĐÓNG GÓP VÀ TÁC ĐỘNG

THS. LÊ VĂN HINH – Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội

1- Đặt vấn đề

Sau hơn một thập kỷ phát triển, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cùng với các thị trường có liên quan đã tạo nên một thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam phát triển khá đa dạng. Hiện tại, TTCK đã được coi là một cấu phần quan trọng của TTTC Việt Nam (NHNN, 2007) [1] . Qua 11 năm phát triển, TTCK Việt Nam đã từng trải qua một thời kỳ bùng nổ ấn tượng vào năm 2006 (Vũ Đình Ánh, 2007)[2] và sau đó lại rơi vào tình trạng suy giảm từ năm 2009 đến nay: giá chứng khoán giảm liên tục xuống mức rất thấp so với mệnh giá, nhiều công ty chứng khoán thua lỗ…  Trong điều kiện khó khăn hiện nay, dường như xã hội đang hoài nghi về đóng góp tích cực của TTCK đối với xã hội. Trong bối cảnh đó, bài viết tập trung đánh giá về đóng góp và tác động của TTCK đến TTTC hay đến nền kinh tế.

2- TTCK Việt Nam: đóng góp và tác động

2.1. Vai trò của TTCK đối với nền kinh tế

Các nhà nghiên cứu lý thuyết chia TTTC gồm thị trường tiền tệ (gồm thị trường vốn ngắn hạn, thị trường hối đoái và thị trường giấy tờ có giá ngắn hạn) và thị trường vốn (trong đó gồm TTCK, TT vốn tín dụng) (Võ Trí Thành và cộng sự, 2004 [3]; Võ Trí Thành và Lê Xuân Sang, 2010[4]). Như vậy, TTCK là một cấu phần quan trọng của TTTC và là phương tiện để mọi thành phần kinh tế – xã hội có thể tham gia đầu tư một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; là nơi mà chính phủ có thể huy động vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. TTCK có thể coi là kênh dẫn vốn quan trọng chuyển vốn từ khu vực tiết kiệm đến khu vực đầu tư; tăng cường tính minh bạch trong sản xuất kinh doanh; góp phần tăng trưởng kinh tế; nâng cao chất lượng quản trị trong nền kinh tế (vĩ mô và vi mô) (Võ Trí Thành và Lê Xuân Sang, 2004). Rõ ràng, TTCK có vai trò quan trọng đối với sự phát triển TTTC nói chung. Thực tế thế giới cho thấy, quá trình hình thành và phát triển, TTCK đều có thể có những đóng góp hay có tác động tiêu cực đến TTTC hay đến nền kinh tế nói chung. Sự phát triển của TTCK Việt Nam, trải qua 11 năm chắc chắn cũng không ngoài quy luật phát triển đó.

2.2. Đóng góp và tác động của TTCK Việt Nam đối với TTTC và nền kinh tế

Các con số qua 11 năm phát triển của TTCK Việt Nam là căn cứ, cơ sở và cũng là dấu hiệu để chúng ta ta đánh giá đóng góp (bao gồm cả tác động tích cực) và chỉ ra những tác động tiêu cực của nó đến TTTC hay rộng hơn là đến nền kinh tế Việt Nam.

2.2.1. Đóng góp của TTCK

Về đóng góp hay tác động tích cực của TTCK Việt Nam, chúng ta có thể chỉ ra những đóng góp đáng kể dưới đây trên cơ sở những con số và những tỷ lệ mang tính trực quan.

(i) TTCK đã góp phần phát triển TTTC Việt Nam theo chiều rộng và chiều sâu Trong 11 năm qua, chúng ta có thể nhận thấy TTCK Việt Nam đã có sự phát triển về chiều rộng khá mạnh. Sự phát triển của TTCK đã đóng góp vào sự phát triển theo chiều rộng chung của TTTC Việt Nam là hệ thống các loại hình định chế như NHTM (bao gồm NHTM Nhà nước, NHTMCP, ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng đầu tư phát triển…), công ty tài chính, công ty đầu tư tài chính, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… Cho đến thời điểm giữa năm 2011, có thể nói, TTTC Việt Nam đã phát triển khá sâu rộng và có sự hội nhập quốc tế. Số lượng các định chế tài chính đã tăng lên tới con số hàng ngàn và tổng tài sản có gấp nhiều lần GDP Việt Nam.

TẢI TOÀN VĂN BÀI VIẾT TẠI ĐÂY

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 16/2011

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading