admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN BỊ XÂM PHẠM: CA SĨ ĐÒI ĐƯA CHỦ SPA RA TÒA

HOÀNG YẾN

Cho rằng mình bị xài ảnh mà không được xin phép, ca sĩ đòi bồi thường 20.000 USD. Tiếp đó, khi đến spa trên tìm hiểu, anh còn thấy ảnh của mình được in thành poster lớn dựng ngay cổng ra vào.

Ca sĩ AK đang chuẩn bị nộp đơn khởi kiện Spa Y. (dành cho nam tại quận 1, TP.HCM) đòi bồi thường 20.000 USD vì đã dùng hình ảnh của anh quảng cáo mà không xin phép… Trước đó ca sĩ này dự định nộp đơn khởi kiện tại TAND TP.HCM nhưng sau đó được hướng dẫn phải nộp đơn ở TAND quận cho đúng thẩm quyền.

Dùng ảnh ca sĩ làm poster, tờ rơi

Theo ca sĩ K., khoảng tháng 2-2011, một người bạn báo hình ảnh của anh xuất hiện trên một số tờ rơi được phát trên đường để quảng cáo cho Spa Y. Bán tín bán nghi, anh nhờ người bạn đem tờ rơi về cho xem. Nhìn qua tờ rơi, anh nhận ra ảnh được sử dụng trên đó là một trong những tấm ảnh anh đã chụp để chuẩn bị cho album của mình vào năm ngoái (nhưng vì lý do cá nhân album này không phát hành).

Tiếp đó, khi đến spa trên tìm hiểu, anh còn thấy ảnh của mình được in thành poster lớn dựng ngay cổng ra vào. Qua trao đổi với người quản lý spa, anh được biết chủ spa này là bạn của người đã chụp ảnh cho anh lúc trước. Người chủ đã mua lại bức ảnh trên với giá 20 triệu đồng để lấy làm quảng cáo.

Quay về tìm nhiếp ảnh gia, anh không thể nào tìm được bởi anh này đã chuyển đi đâu không rõ.

Bức xúc trước việc ảnh của mình bị xài không xin phép, ca sĩ K. đã buộc spa này không được tiếp tục sử dụng hình ảnh này để quảng cáo và bồi thường tổn thất cho anh. Tuy nhiên, phía spa chỉ gỡ poster có hình ảnh anh xuống nhưng không đồng ý bồi thường vì đã trả tiền cho nhiếp ảnh gia trước khi sử dụng.

Nhiều lần anh muốn gặp để bàn bạc lại nhưng chủ spa lảng tránh và cho rằng việc họ dùng hình ảnh của anh để quảng cáo chỉ làm lợi cho anh, không có ý đồ bôi nhọ, xúc phạm nên không thể bồi thường. Không đồng ý với lập luận này, ca sĩ K. đã chuẩn bị hồ sơ khởi kiện… Theo anh, phía Spa Y. phải xin lỗi trên ba tờ báo vì đã dùng ảnh không xin phép nhằm mục đích kinh doanh; phải chấm dứt vĩnh viễn việc sử dụng hình ảnh này và phải bồi thường 20.000 USD tiền tổn thất danh dự, uy tín, nhân phẩm…

Vi phạm quyền nhân thân

Phân tích về khía cạnh pháp lý, một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cho biết hành vi sử dụng ảnh không xin phép là vi phạm nghiêm trọng về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, nhất là khi nó được sử dụng vì mục đích thương mại.

Theo Điều 31 BLDS, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Và nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Vì vậy anh K. khởi kiện ra tòa cho rằng quyền nhân thân bị xâm hại là có cơ sở.

Phân tích sâu hơn, thẩm phán này nhấn mạnh theo luật, không nhất thiết phải gây ra thiệt hại mới bị coi là vi phạm quyền nhân thân. Trường hợp không có thiệt hại (thậm chí còn làm lợi cho người có hình ảnh đó) cũng bị coi là vi phạm quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh nếu sử dụng hình ảnh của họ mà không có sự đồng ý của họ.

Bồi thường thiệt hại do danh dự… bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Theo Điều 611 Bộ luật Dân sự

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20110930105628747p1063c1016/ca-si-doi-dua-chu-spa-ra-toa.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading