Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

KHÁI NIỆM “VỐN TRÍ TUỆ” VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM THAM KHẢO CHO TIẾN TRÌNH XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC XUẤT – NHẬP KHẨU NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ CỦA VIỆT NAM

Advertisements

PGS.TS. PHẠM THÁI VIỆT – Khoa Truyền thông Quốc tế và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao.

Bài viết đề cập đến một vấn đề đang được thảo luận sôi nổi trên diễn đàn khoa học xã hội thế giới nhưng còn ít được chú ý và cũng ít được nghiên cứu ở Việt Nam – “vốn trí tuệ”. Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và phân tích một số quan niệm đang được thảo luận về “vốn trí tuệ” và kết cấu của nó, về vị trí của “vốn con người” trong “vốn trí tuệ” và việc đo lường “vốn trí tuệ”, qua đó, đề xuất một vài ý kiến tham khảo cho quá trình xây dựng chiến lược xuất – nhập khẩu nguồn lực trí tuệ của Việt Nam.

1. Sự gia tăng vai trò của "vốn trí tuệ"

Trong vòng 20 năm trở lại đây, “vốn trí tuệ”, “nguồn lực trí tuệ” đã trở thành những chủ đề thời sự và được thảo luận rộng khắp. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa nào thật rõ ràng để có thể xác định chính xác nội hàm của những khái niệm này.

Vấn đề trí tuệ của con người và việc sử dụng nó để tạo ra của cải – vốn không phải là điều mới mẻ. Ai cũng biết rằng, sự khác biệt giữa con người với giới động vật là ở chỗ, con người với sự trợ giúp của trí tuệ (tư duy, ý thức) đã tiến hành sản xuất và tái sản xuất ra đời sống của chính mình. Bằng trí tuệ, con người đã không dừng lại ở việc thỏa mãn với những gì có sẵn trong giới tự nhiên, mà còn tạo ra thế giới riêng của mình.

Tầm quan trọng của trí tuệ đối với đời sống xã hội và sự phát triển con người nói chung là điều không phải bàn cãi. Ngay từ thế kỷ thứ XVI, F. Bacon (nhà triết học Anh) đã đưa ra mệnh đề nổi tiếng: “Tri thức là sức mạnh”. Và, cùng với sự phát triển của lịch sử, C.Mác đã tiên đoán về sự thâm nhập ngày càng mạnh mẽ và trực tiếp của tri thức khoa học vào lực lượng sản xuất.(*)

Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là: Vì sao, vào những năm cuối thế kỷ XX và những thập niên đầu thế kỷ XXI này, vấn đề “trí tuệ”, “tri thức”, “thông tin” lại được “hâm nóng” và được đưa ra bàn thảo rộng khắp? Thuật ngữ “kinh tế tri thức”, “xã hội thông tin”, “nguồn vốn trí tuệ”,… cũng đã trở nên quen thuộc và xuất hiện ngày một nhiều trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng và trong các chương trình nghị sự toàn cầu, khu vực cũng như quốc gia.

Tình hình đó đã làm nảy sinh các câu hỏi: Phải chăng, trước đó con người đã tạo ra của cải, sự phồn thịnh và phát triển nhưng không dựa nhiều lắm vào trí tuệ của mình, mà chủ yếu là dựa vào các lực lượng tự nhiên? Hay phải chăng, trước thời điểm đó, con người đã không đánh giá hết vai trò của trí tuệ trong đời sống của mình?

Có thể lý giải việc trở lại chủ đề “tri thức là sức mạnh” trong tình hình hiện nay chủ yếu bắt nguồn từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng viễn thông và vận tải toàn cầu. Sự bùng nổ này, đến lượt mình, đã dẫn đến việc thay đổi quan niệm về các yếu tố đầu vào của sản xuất: “Vốn trí tuệ là việc nhận thức rằng, thông tin là một yếu tố của quá trình sản xuất bên cạnh các yếu tố khác, như đất đai, lao động, vốn tài chính và năng lượng”(1). Và, Peter Drucker cũng đã từng viết: “Nguồn gốc của cải là một cái gì đó thuộc về tri thức con người. Khi chúng ta áp dụng tri thức vào thực hiện các công việc mà chúng ta biết rõ là phải làm như thế nào; chúng ta gọi điều đó là năng suất lao động. Còn khi chúng ta áp dụng tri thức vào những công việc mới và khác thì chúng ta gọi đó là sáng chế. Và, chúng ta thấy rằng, chỉ có tri thức mới cho phép chúng ta thực hiện được hai mục tiêu trên”(2).

Cũng vào giai đoạn này, giới doanh nghiệp đã nhận thấy rõ một sự thật là: Tri thức là một tài sản, một loại vốn mà công ty cần nuôi dưỡng, duy trì. Khả năng nuôi dưỡng và duy trì càng trở nên hiện thực khi việc lưu giữ trí tuệ dưới dạng các tài nguyên nằm bên ngoài thân thể sinh học của con người và việc truyền trao những tài nguyên nói trên trở nên dễ dàng nhờ công nghệ thông tin và vận tải mới. Giờ đây, trí tuệ đã được lưu giữ, nhân bản, đóng gói và chuyển giao bên ngoài thân thể sinh học của con người.

Với nhận định như vậy, các nghiên cứu từ những năm 80 của thế kỷ XX trở lại đây đã tập trung đào xới nội hàm khái niệm “vốn trí tuệ”. Những người đi tiên phong và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này phải kể đến Karl-Erik Sveiby, Sullivan, Edvinsson, Thomas Stewart, và Gửran Roos…

2. “Vốn trí tuệ” (Intellectual Capital – IC): Khái niệm và kết cấu

2.1. Khái niệm

Dẫu hiện nay khái niệm IC đã được thừa nhận, song vẫn chưa có sự nhất trí cao về nội hàm của nó(3). Có thể nêu ra đây một vài định nghĩa khác nhau về vốn trí tuệ:

Vốn trí tuệ được sử dụng như một thuật ngữ chung để chỉ tất cả các tài nguyên tri thức (cơ sở dữ liệu thông tin và tri thức), tài sản tri thức (các phương pháp sản xuất) và quyền sở hữu tri thức (bằng sáng chế và nhãn hiệu đã đăng kí) mà một tổ chức/ công ty sở hữu, kiểm soát hoặc có quyền truy cập(4).

Vốn trí tuệ là tri thức, kinh nghiệm, trí tuệ của người lao động cũng như nguồn tri thức được lưu giữ trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống, phương pháp, văn hóa và triết lý của một tổ chức(5).

Vốn trí tuệ (IC) của một tổ chức bao gồm những tài nguyên và tài sản vô hình có thể được sử dụng để tạo ra giá trị bằng cách biến nó thành những phương pháp, sản phẩm và dịch vụ mới(6).

Tuy nhiên, từ những luận giải khác nhau ấy, giới nghiên cứu cũng rút ra những kết luận chung để có thể sử dụng cho những nghiên cứu tiếp theo. Đó là:

– Vốn trí tuệ thuộc nguồn tài sản vô hình.

– Lợi thế cạnh tranh của tổ chức/ công ty chủ yếu là bắt nguồn từ vốn trí tuệ.

– Giá trị mang tính tổ chức (Organizational value) là kết quả của việc sử dụng vốn trí tuệ.

Tóm lại, chúng ta có thể hiểu về vốn trí tuệ như tất cả các nguồn vô hình mà một tổ chức đang nắm giữ và nhờ đó mà có được lợi thế so sánh; và bằng cách kết hợp với các nguồn hữu hình, tổ chức tạo ra được lợi nhuận trong tương lai.

2.2. Kết cấu

Đã có nhiều ý kiến khác nhau về kết cấu của vốn trí tuệ. Chẳng hạn, theo Stam và Roos, vốn trí tuệ là kết quả của sự tương tác giữa ba thành tố chủ chốt; đó là: vốn con người (human resources), vốn tổ chức (organizational resources), vốn quan hệ (relational resources)(7).

– Vốn con người là tất cả những yếu tố liên quan đến nhân sự trong một tổ chức; cụ thể như thể chất, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, uy tín…

– Vốn tổ chức là tất cả những yếu tố mang tính tổ hợp và “vô hình” mà tổ chức sở hữu. Nó hiện thân như tri thức tập thể, các quy trình nội bộ, ý chí và văn hóa chung của tổ chức…

– Vốn quan hệ là giá trị của mối quan hệ với khách hàng, mối quan hệ giữa các cổ đông trong một công ty/tổ chức. Loại vốn này thể hiện uy tín của công ty/tổ chức và sự tin cậy của công chúng đối với công ty/tổ chức ấy.

Trong khi đó, theo Edvinsson, Malone và Sveiby, vốn trí tuệ (IC) cần được mô tả dưới dạng một khuôn mẫu ba phần, bao gồm các yếu tố là(8): Vốn con người (Human Capital), vốn quan hệ (Relational Capital) và vốn cấu trúc (Structural capital).

Yếu tố đầu tiên đại diện cho tri thức, năng lực và trí tuệ của người lao động. Vốn quan hệ đại diện cho các mối quan hệ với khách hàng, nhà tài trợ, và nhà phân phối. Vốn cấu trúc nói đến các hệ thống tổ chức, văn hóa, thực tiễn và các quy trình.

Hiện nay, quan điểm này đang được thừa nhận rộng rãi trong giới nghiên cứu.

3. Vị trí của “vốn con người” trong “vốn trí tuệ”

Với kết cấu như đã nêu trên thì ngoại diên của khái niệm vốn trí tuệ (Intellectual Capital – IC) sẽ bao chứa ngoại diên vốn con người. Vốn trí tuệ phải bao hàm trong bản thân nó khối tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực tiềm ẩn bên trong các cơ thể sống của con người (ở khía cạnh này, nó được quan niệm như vốn con người – Human Capital); và thêm vào đó là khối tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm nằm ngoài cơ thể sống – dưới dạng các vật phẩm và hệ thống quan hệ do con người tạo ra (được quan niệm là vốn cấu trúc/ Structural Capital, và vốn quan hệ/ Relational Capital ).

Mặc dù IC được cấu từ ba thành tố cơ bản như đã nêu ở trên, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn nghiêng về tầm quan trong của thành tố “vốn con người” và họ coi đây là một yếu tố then chốt tạo nên thành công, lợi nhuận và sức cạnh tranh của một công ty(9).

Trong phạm vi tư liệu về IC, vốn con người thường được lựa chọn như một yếu tố có tầm quan trọng bậc nhất, bởi “con người, chứ không phải các tòa nhà hay trang thiết bị mới là những khác biệt chủ yếu (critical differentiators) của các công ty”(10).

Trong bảng đánh giá IC của công ty do Sveiby đưa ra năm 1997(11); liên quan đến vốn con người, những chỉ báo cơ bản như dưới đây được thống kê:

– Chỉ số phát triển lao động: Bao gồm những tiêu chí, như tuổi nghề, trình độ giáo dục, mức thu nhập, mức tạo ra doanh thu.

– Chỉ số đổi mới, sáng tạo của nguồn nhân lực: Bao gồm các thống kê liên quan đến sự gia tăng khách hàng tiềm năng (ám chỉ sự gia tăng sức thu hút của công ty), khả năng đa dạng hóa sản phẩm/dịch vụ; chi phí cho đào tạo và giáo dục mà công ty đã bỏ ra.

– Chỉ số hiệu quả nhân lực: Bao gồm những thống kê liên quan đến tỉ lệ chuyên gia trong công ty, năng suất lao động/ đầu người; lợi nhuận/ đầu người.

– Sự ổn định về cơ cấu nhân lực: Được đo bằng độ tuổi trung bình, thâm niên trong nghề, mức lương tương đối của đội ngũ nhân sự trong công ty.(9)

4. Đo lường "vốn trí tuệ"

Mặc dù có sự phân định như vậy, nhưng cho đến nay, việc đo lường vốn trí tuệ của một tổ chức/công ty trên thực tế vẫn còn hết sức nan giải. Đã có nhiều phương pháp đo khác nhau được đưa ra, song phương pháp nào cũng bộc lộ ít nhiều khiếm khuyết. Hiện một phương pháp được sử dụng khá rộng rãi bởi tính ít phức tạp của nó, đó là “phương pháp thị trường hóa”. Với phương pháp này, vốn trí tuệ được đo như sau:

Vốn trí tuệ của Công ty/Tổ chức = Giá trị thị trường của công ty/tổ chức (market value) – (trừ) giá trị sổ sách của công ty/tổ chức (book value); Trong đó, Giá trị sổ sách = Tài sản vô hình + Tài sản hữu hình.

Đơn cử một thí dụ để minh họa: Giá trị sổ sách của Công ty A là 1000 USD, nhưng công ty A được thị trường định giá (thông qua việc thị trường hóa nguồn vốn của mình bằng cách phát hành cổ phiếu… hay bằng những hình thức tài chính khác) là 1500 USD. Với công thức trên, vốn trí tuệ của công ty A sẽ là: 1500 USD – 1000 USD = 500 USD.

Một ví dụ khác là Microsoft. Giá trị sổ sách (tổng tích sản – tổng tiêu sản) của công ty này tính đến thời điểm tháng 3 năm 2001 là $54.3 tỷ. Thế nhưng, thị trường lại định giá nó (sàn chứng khoán) là $248.4 tỷ. Và như vậy, chúng ta thấy, vốn trí tuệ của công ty chiếm đến 82.4% tổng vốn(12).

5. Một số kinh nghiệm tham khảo cho quá trình xây dựng chiến lược xuất – nhập khẩu nguồn lực trí tuệ của Việt Nam

Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang dành sự quan tâm đáng kể cho việc xác định, xây dựng và sử dụng nguồn lực trí tuệ của đất nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường lợi thế so sánh của nền kinh tế nước nhà khi gia nhập vào đời sống kinh tế quốc tế. Trong đó, vấn đề xuất – nhập khẩu nguồn lực trí tuệ được quan tâm nhiều nhất.

Đứng trước nhu cầu của thực tiễn đất nước, thiết nghĩ, cần vận dụng sáng tạo các thành quả của việc nghiên cứu “vốn trí tuệ” vào nghiên cứu “nguồn lực trí tuệ”.

Cơ sở của luận điểm này là: Trên thực tế, nội dung khái niệm “vốn trí tuệ” và “nguồn lực trí tuệ” hiện đang được sử dụng trong các tài liệu hữu quan, về cơ bản, là giống nhau. Sự khác biệt chỉ nằm ở phương diện áp dụng: Đối với các tổ chức, công ty, việc sử dụng thuật ngữ “vốn trí tuệ” tỏ ra thích dụng hơn, vì nó gắn với quá trình phân tích lợi nhuận của sản xuất; trong khi đó, với một quốc gia, bên cạnh mục tiêu kinh tế, còn có những mục tiêu phát triển khác nữa mà trong đó, sự hiện diện của “Trí tuệ” là không thể thiếu. Do vậy, việc sử dụng thuật ngữ “nguồn lực trí tuệ” trong tình huống này tỏ ra thích hợp hơn.(12)

áp dụng đối với vấn đề xây dựng chiến lược xuất – nhập khẩu nguồn lực trí tuệ, có thể thấy, những bước đi sau đây là cần thiết:

– Cần xác định được dấu hiệu nhận biết nguồn lực trí tuệ một cách tương đối tường minh (các chỉ báo – định tính);

– Cần xác định được về mặt lượng (tiến hành thống kê, thu thập các số liệu và phân tích).

Việc phân nguồn lực trí tuệ dựa trên tiêu chí: gắn với cơ thể sống, hay bên ngoài cơ thể sống sẽ dẫn dắt các nghiên cứu về xuất-nhập khẩu nguồn lực trí tuệ ở Việt Nam đến hai lĩnh vực cơ bản; đó là:

a) Dòng chuyển dịch qua lại xuyên biên giới của các cá nhân có trình độ, kỹ năng và chuyên môn cao. Liên quan đến khía cạnh này, hiện đang nổi lên những vấn đề đáng quan tâm, như chảy máu chất xám, di cư quốc tế cùng với những hệ lụy của nó, hoạt động thuê mướn các chuyên gia, vấn đề trao đổi học thuật, liên doanh, liên kết và đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu.

b) Các dòng chảy xuyên biên giới của tri thức, phát minh và sáng tạo (được mã hóa dưới các hình thái vật chất khác nhau). Liên quan đến khía cạnh này, hiện đang nổi lên những vấn đề đáng quan tâm, như xuất – nhập khẩu công nghệ và Know-How, chia sẻ và khai thác các tài nguyên trên thông tin trên mạng toàn cầu, vấn đề quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, người viết muốn đưa ra một cách phân loại khác, với hy vọng rằng, nó cho phép chúng ta hình dung tốt hơn về cấu trúc lôgíc của nguồn lực trí tuệ ở cấp độ quốc gia. Đó là dựa trên phẩm chất của tri thức: cũ và mới.

Theo cách tiếp cận này, có thể hình dung về nguồn lực trí tuệ của một đất nước dưới dạng một kim tự tháp gồm hai tầng:

Tầng đáy là khối thông tin, tri thức và kỹ năng cơ bản, mang tính chia sẻ (hay còn gọi là vốn trí tuệ ban đầu (IIC) –Initiate Intellectual Capital).

Tầng trên cùng là khối tri thức dưới dạng phát minh, sáng chế và ứng dụng (New Intellectual Capital-NIC).

Với mô hình này, có thể thấy, cùng với thời gian, các tri thức của tầng trên sẽ nhập với tầng đáy để tạo ra sự tăng trưởng lũy kế.

Xét trong cơ cấu vốn trí tuệ của một quốc gia, thì NIC luôn chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so IIC, với lý do: khối tri thức được tích lũy từ nhiều nguồn và trong một thời gian dài thì bao giờ cũng lớn hơn những tri thức mới được nảy sinh ra từ đó. Tuy nhiên, xét về vai trò cũng như mức độ đóng góp vào thúc đẩy xã hội, NIC lại có tầm quan trọng hơn IIC rất nhiều, bởi nó là yếu tố tham dự trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội với tư cách một trong những tham số “đầu vào trực tiếp” của nền kinh tế .

Xét từ phương diện lý thuyết, mối quan hệ giữa hai tầng mang tính tỷ lệ thuận. Điều đó có nghĩa là, nếu IIC càng lớn thì NIC càng cao và ngược lại. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với thực tiễn thì điều này không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy. Giữa IIC và NIC có một mắt khâu trung gian là quá trình chuyển hóa từ những tri thức cơ bản sang những tri thức ứng dụng dưới dạng các phát minh, sáng chế. Tính hiệu quả của quá trình chuyển hóa có ý nghĩa quyết định đối với tốc độ tăng trưởng của nguồn lực trí tuệ.

Chẳng hạn, người ta có thể lấy ra một chỉ báo đơn giản về nguồn lực trí tuệ là số lượng các nhà khoa học (chỉ báo định lượng thuộc ICC). Con số này ở một quốc gia nào đó có thể lớn gấp đôi so với quốc gia khác. Tuy nhiên, số lượng những phát minh, sáng chế và ứng dụng có hiệu quả của nước đầu tiên lại có thể kém gấp đôi so với nước sau này (chỉ báo định lượng thuộc NIC). Những thông kê định lượng như vậy cho phép đi đến kết luận về một sự chuyển hóa kém hiệu quả từ IIC sang NIC.

Việc phân tích tiếp tục các nguyên nhân khiến quá trình chuyển hóa từ IIC sang NIC bị trễ hoặc khó khăn cho thấy: Chất lượng của bản thân IIC và các chính sách đòn bẩy từ bên ngoài đối với nó là những những nguyên nhân mang tính quyết định.

Hiện nay, người ta vẫn chưa tìm được một phương pháp hay công cụ đáng tin cậy nào để đo trực tiếp và chính xác về chất lượng IIC của một quốc gia. Một chỉ báo thường dùng là thông qua nhận xét của các tổ chức, công ty sử dụng nhân lực để đánh giá về chất lượng giáo dục và đào tạo; và thông qua chỉ báo về khả năng tiếp cận của dân chúng với các nguồn thông tin.

Chất lượng của nguồn lực trí tuệ cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống các chính sách công, như giáo dục, đào tạo, xây dựng hạ tầng thông tin, cơ chế tuyển mộ và đãi ngộ nhân tài…Bởi vậy, nếu thấy xuất hiện các chỉ báo thấp về chất lượng nguồn lực, thì những nguyên nhân dưới đây cũng cần được đưa ra xem xét:

– Định hướng và phương pháp giáo dục – đào tạo: Nếu một nền giáo dục – đào tạo có “truyền thống” nhấn mạnh việc ghi nhớ những “tri thức quá khứ” và lấy đó làm thước đo thì đương nhiên, IIC sẽ rất cao, nhưng NIC có thể suy giảm mạnh.

– Khả năng tiếp cận thông tin của người dân. Liên quan đến khía cạnh này là việc đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin của quốc gia và việc đưa chúng vào sử dụng rộng rãi, miễn phí đến mức nào.

– Các chính sách của nhà nước đối với việc phát hiện, đánh giá đúng, bổ nhiệm theo năng lực và khuyến khích hợp lý đối với đội ngũ nhân tài cũng cần được đưa ra xem xét.

Quan hệ tỷ lệ thuận nói trên cũng có thể bị biến dạng bởi chiến lược xuất – nhập khẩu nguồn lực trí tuệ mà mỗi quốc gia đang theo đuổi.

Đối với những nước phát triển, xu hướng chủ đạo là nhập khẩu nguồn lực trí tuệ từ khu vực IIC dưới hình thức thuê mướn các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhân công có tay nghề và kỹ năng cao; đồng thời, xuất khẩu chủ yếu là các bộ phận thuộc NIC. Có thể hình dung cơ chế xuất nhập này dưới dạng sản xuất: nhập “nguyên liệu thô” và xuất “thành phẩm”.

Tình hình diễn ra theo chiều hướng ngược lại ở các nước đang hoặc chậm phát triển. Các nước sau này lại thiên về nhập khẩu công nghệ, phát minh, kỹ năng và chuyên gia ứng dụng (nhập NIC); trong khi xuất khẩu ồ ạt các tài năng từ khu vực IIC. Việc xuất và nhập khẩu như vậy có thể đáp ứng được nhu cầu trước mắt và ngắn hạn đối với phát triển kinh tế, nhưng về lâu dài, xu hướng này sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên trí tuệ. Cụ thể là: khi các tri thức thuộc NIC trở nên “lỗi thời” thì chúng sẽ khó chuyển thành IIC và do đó, không thể tạo ra sự phát triển lũy kế.

Bài toán “cân đối tỷ trọng giữa xuất và nhập khẩu ra sao?”; cũng như “nên lựa chọn các yếu tố nào để tiến hành xuất/ nhập khẩu?” để có thể tối ưu hóa nguồn lực trí tuệ hiện còn là vấn đề để ngỏ đối với các nước đang phát triển. Hẳn là tỷ lệ này cũng sẽ phải khác nhau tùy vào mục tiêu của mỗi nước và tùy theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, vẫn có những điểm chung để các quốc gia này cùng suy ngẫm, đó là: “làm thế nào để chuyển hóa hiệu quả IIC thành NIC?” và do vậy, phải chăng, vấn đề xuất nhập khẩu nguồn lực trí tuệ ở nước ta cũng nên được bàn thảo xoay quanh trục này. Nói cách khác, vấn đề cần đặt ra ở đây là: nên tập trung vào nhập khẩu yếu tố nào để tạo được động lực thúc đẩy quá trình chuyển hóa IIC thành NIC và nên xuất khẩu yếu tố nào để có thể đem lại lợi ích nhiều nhất (xét trên cả hai phương diện: ngắn và dài hạn).

*******************

(1) Eduardo Talero and Philip Gaudette. Harnessing Information for Development: World Bank Group Vision and Strategy, Draft Document, (Washington, DC.: The World Bank, July 1995).

(2) Dẫn theo: Michael E.D. Koenig. From Intellectual Capital To Knowledge Management: What are they talking about, Paper presented at a workshop of the section on Management and Marketing at the 64th IFLA General Conference in Amsterdam, August 18, 1998; tr. 222. http://forge.fh-potsdam. de/~IFLA/INSPEL/98-4koem.pdf.

(3) Xem: Michael E.D. Koenig. From Intellectual Capital to Knowledge Management: What are they talking about. Paper presented at a workshop of the section on Management and Marketing at the 64th IFLA General Conference in Amsterdam, August 18, 1998. http://forge.fh-potsdam.de/~ IFLA/INSPEL/98-4koem.pdf.

(4) Ljiljana Dmitrovi´c Šaponja, Goran Šijan, Sunửcica Milutinovi´c. Intellectual Capital: Part of a Modern Business Enterprise of the Future. University of Novi Sad Serbia and Montenegro. http://www.fm-kp.si/zalozba/ISBN/961-6486-71-3/231-243.pdf.

(5) L.Edvinsson, M.S.Malone. Intellectual Capital. Piatkus, London, 1997.

(6) N.Bontis, J.Fitz-enz. Intellectual capital ROI: a causal map of human capital antecedents and consequents. Journal of Intellectual Capital, Vol. 3 (3), pp.223-247, 2002.

(7) Xem: Intellectual Capital Management.

http://media.wiley.com/product_data/excerpt/69/04712750/0471275069.pdf.

(8) K.E.Sveiby. The New Organizational Wealth: Managing and MeasuringKnowledge-based Assets, Berrett-Kohler, San Francisco, CA, (1997).

(9) K.E.Sveiby. Tài liệu đã dẫn.

(10) N. Bontis and J.Fitz-enz. “Intellectual capital ROI: a causal map of human capital antecedents and consequents”, Journal of Intellectual Capital, Vol 3 (3), pp.223-247; p.1.

(11) K.E.Sveiby. Tài liệu đã dẫn.

(12) Intellectual Capital and Business Value – The Hidden Resource.www.wdc-econdev.com/intellectual -capital-management-abv.html.

SOURCE: TẠP CHÍ TRIẾT HỌC SỐ 2 (237) NĂM 2011

Exit mobile version