admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP BẤT ĐỘNG SẢN LIỀN KỀ: HAI NHÀ NHÙNG NHẰNG CÁI VÁCH TƯỜNG?

HỒNG TÚ

Hai nhà nhùng nhằng cái vách tườngNhà phố liên kế xây dựng theo kiến trúc thời cũ, mỗi nhà thường được hưởng một nửa bề dày bức tường chung.

Mới đây, VKSND thị xã Bạc Liêu đã kháng nghị bản án sơ thẩm của tòa thị xã vụ hai nhà hàng xóm ở nhà liên kế kiện tranh nhau một bức tường. VKS cho rằng bản án trên đã vi phạm phạm vi xét xử, HĐXX xác định chứng cứ không đúng khi tuyên án.

Bức tường xây hơn 50 năm

Ông N. trình bày, mấy năm trước, bà hàng xóm cất nhà đã xây bốn cây cột lấn qua bức tường nhà ông. Ông đã yêu cầu bà này dừng xây cất, không được xâm phạm vào bức tường riêng của ông.

Bà hàng xóm thì bảo nhà bà và ông N. nằm trong dãy nhà được xây dựng cách đây hơn 50 năm, theo kiến trúc thời cũ, sử dụng chung một vách tường dày 20 cm. Việc này được thể hiện rất rõ trong bản vẽ hiện trạng nhà đất và được những người sống lâu năm ở đây xác nhận. Do vậy, bức tường trên là của chung, mỗi bên nhà được quyền sở hữu một nửa bề dày. Bà yêu cầu tòa bác bỏ đơn của ông N. và buộc ông phải bồi thường thiệt hại gần 50 triệu đồng vì đã ngăn bà xây nhà.

Tòa, viện không thống nhất

Sau khi nghiên cứu, tòa cũng nhìn nhận bức tường giữa hai nhà được xây đã lâu, bề dày như các bên trình bày, còn nó thuộc của riêng ai thì cần phải xem xét thêm. Do vậy, tòa đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng cung cấp hồ sơ liên quan đến quá trình hợp thức hóa một trong hai căn nhà. Tuy nhiên, sau đó cơ quan được yêu cầu trả lời rằng hồ sơ bị… thất lạc, không tìm thấy.

Thế là tòa phải đi xuống khảo sát thực tế. Kết quả đo đạc diện tích của nhà bà hàng xóm (không bao gồm bức tường) đúng với giấy tờ nhà đất của bà. Còn diện tích thực tế nhà ông N. so với giấy tờ hụt đúng bằng diện tích bức tường dày 20 cm. Từ kết quả này, tòa tuyên “Bức tường trên là của ông N.”, bác yêu cầu phản tố của bà hàng xóm.

Ngay sau đó, VKSND thị xã Bạc Liêu đã kháng nghị cho rằng tòa dựa vào kết quả đo đạc để công nhận bức tường thuộc quyền sở hữu của nhà ông N. là không có căn cứ. Theo viện, đây là dãy nhà liên kế (có tường chung) được xây dựng từ rất lâu. Tòa cần căn cứ vào bản vẽ hiện trạng để xác định tường nhà của ai khi mà giấy tờ nhà đất của hai nhà không thể hiện về bức tường. Tòa không thể nói diện tích nhà ông N. thiếu nên phải cộng cả bức tường vào cho đủ.

Chưa kể, hai bên tranh chấp bức tường, khi ra phán quyết, tòa lại công nhận luôn một phần diện tích đất cho ông N. và nhầm lẫn trong cách tính án phí. Điều này đã vượt quá giới hạn, phạm vi xét xử. Do vậy, viện kiến nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án để xét xử lại…

Bản vẽ hiện trạng là chứng cứ quan trọng

Qua nội dung vụ án có thể thấy hai căn nhà trên được xây dựng theo kiến trúc khá phổ biến trước đây là nhà phố liên kế, sử dụng tường chung. Thông thường, trong quá trình sử dụng, mỗi nhà có quyền sở hữu một nửa bề dày bức tường.

Tòa nên khảo sát những căn nhà liên kế tương tự trong cùng dãy. Nếu tất cả có cùng chung kiến trúc và đều có tường chung ngăn cách thì có thể xác định đây là bức tường chung. Ngoài ra, bản vẽ hiện trạng cũng là một trong các chứng cứ quan trọng để tòa xem xét trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất không xác định rõ tình trạng của bức tường. Bởi vì bản vẽ hiện trạng là một tài liệu không thể tách rời hồ sơ nhà đất…

Theo tôi, kháng nghị của VKS thị xã có cơ sở. Tòa án cấp phúc thẩm cần xem xét lại một cách khách quan, toàn diện, tránh việc xét xử bị sai sót, ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của đương sự.

Luật sư LƯƠNG KHẢI ÂN, Đoàn Luật sư TP.HCM

THÔNG TIN CẬP NHẬT:

Mới đây, TAND tỉnh Bạc Liêu đã xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bức tường chung giữa nguyên đơn là ông PQN với bị đơn là bà L.T.T.

HĐXX đã chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà T., kháng nghị của VKSND tỉnh Bạc Liêu, sửa án sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông N. đòi sở hữu bức tường chung.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20110914102441320p0c1063/buc-tuong-tranh-chap-la-buc-tuong-chung.htm

3 Responses

  1. Quá bức xúc với cách xử của tòa án. tôi đồng ý với bạn NGUYEN CAM 2282 quốc hội phải có đạo luật riêng về công tác xét sử. nếu xử sai án phải bồi thường hoặc cách chức

  2. VIỆT NAM SAO KHÔNG ĐƯA RA LUẬT XỬ ÁN NHỈ? CHẲNG HẠN XỬ SAI NHIỀU QUÁ THÌ CÁCH CHỨC,…???

  3. Tòa xử sai, xử lại là bình thường. Nhưng không thấy bị kỷ luật hoặc bồi thường tổn thất cho các bên. Lâu ngày thành quen, xử sao cũng được. Ai biết thì kháng cáo, ai không biết thì ngậm bồ hòn….

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading