Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ VÀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG

Advertisements

THS. TRẦN ANH TUẤN – Khoa Pháp luật Dân sự – Đại học Luật Hà Nội

Các quy định về thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện nay đã đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn giải quyết tranh chấp là tính nhanh chóng và sự bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên đương sự trong việc bảo vệ quyền lợi của họ. Chế định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được xây dựng tại Chương thứ 8 Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam (BLTTDS), bao gồm 28 điều luật (từ Điều 99 tới Điều 126) là cơ sở pháp lý quan trọng cho Toà án trong việc quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để đáp ứng yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án.

Để hướng dẫn thực hiện các quy định của BLTTDS về các biện pháp khẩn cấp tạm thời, ngày 27-4-2005 Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định tại Chương VIII của BLTTDS về vấn đề này. Tuy nhiên, việc vận dụng các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thực tiễn cũng đặt ra những vấn đề, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần phải tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung.

1. Về tính khẩn cấp của các biện pháp cần áp dụng

Điểm đột phá và tiến bộ của BLTTDS hiện nay là đã mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Cụ thể là theo khoản 2 Điều 99 BLTTDS thì “Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Toà án đó”.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 117 BLTTDS thì “ Đối với trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật này thì sau khi nhận được đơn yêu cầu cùng với đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo, Chánh án Toà án chỉ định ngay một Thẩm phán thụ lý giải quyết đơn yêu cầu. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết ”.

Việc áp dụng khoản 3 Điều 117 BLTTDS trong thực tiễn cũng đặt ra những vấn đề đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần phải tiếp tục có sự nghiên cứu, hướng dẫn. Cụ thể là thời hạn 48 giờ để Thẩm phán xem xét quyết định có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hay không trong nhiều trường hợp có lẽ là quá dài. Đặc biệt là đối với các yêu cầu về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp như kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, phong toả tài khoản. Sự chậm trễ trong việc ra quyết định áp dụng các biện pháp này dù chỉ là một khoảng thời gian hết sức ngắn cũng đủ để người bị yêu cầu áp dụng các biện pháp này tẩu tán tài sản, thay đổi hiện trạng tài sản hoặc rút tiền từ tài khoản nhằm trốn tránh việc thi hành nghĩa vụ (1). Trong khi đó, Điều 101 BLTTDS cũng không quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp này đối với những thiệt hại mà nguyên đơn phải gánh chịu do việc áp dụng chậm trễ các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những hướng dẫn cụ thể theo hướng trong những trường hợp thực sự khẩn cấp Thẩm phán có thể ngay lập tức quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 99 và khoản 3 Điều 117 BLTTDS hiện nay không quy định rõ ràng là trong trường hợp thực sự khẩn cấp Toà án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời vào các ngày lễ hoặc ngày nghỉ hay không. Tuy nhiên, các quy định tại khoản 2 Điều 120 BLTTDS cho thấy trường hợp Toà án buộc bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện biện pháp bảo đảm thì “Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải được gửi vào tài khoản phong toả tại ngân hàng nơi có trụ sở của Toà án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời hạn do Toà án ấn định.Trong trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ thì khoản tiền bảo đảm được gửi giữ tại Toà án. Toà án phải làm thủ tục giao nhận và gửi ngay khoản tiền đó vào ngân hàng vào ngày làm việc tiếp theo”.

Các quy định tại khoản 2 Điều 99, khoản 3 Điều 117 và khoản 2 Điều 120 BLTTDS có thể dẫn tới hai cách hiểu và vận dụng khác nhau. Theo cách hiểu thứ nhất thì ngay cả trường hợp thực sự khẩn cấp đương sự cũng không có quyền yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu biện pháp phải thực hiện vào các ngày nghỉ, ngày lễ. Theo cách hiểu thứ hai thì các biện pháp bảo đảm có thể thực hiện vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ cho nên đương nhiên có thể suy luận rằng trong trường hợp thực sự khẩn cấp đương sự có thể yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời mặc dù biện pháp phải thực hiện vào các ngày nghỉ, ngày lễ. Hiện nay, hướng dẫn tại Mục 6 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27-4-2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì trong trường hợp khẩn cấp việc nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được thực hiện ngoài giờ làm việc( kể cả trong ngày nghỉ).

Có thể nhận xét rằng, các quy định nói trên về thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thể hiện một sự chuyển biến lớn trong nhận thức về việc xây dựng một nền tố tụng dân chủ mà ở đó quyền lợi hợp pháp của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, từ các quy định này, có thể hiểu trong trường hợp thực sự khẩn cấp, đương sự có thể nộp đơn yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày (kể cả sau 22 giờ đêm) hay không ? Đơn yêu cầu sẽ được nộp cho Chánh án Toà án, Thẩm phán hay thư ký Toà án và có thể nộp tại nhà riêng của những người tiến hành tố tụng nói trên hay không ? Chúng tôi cho rằng để bảo vệ kịp thời quyền lợi hợp pháp của đương sự các cơ quan có thẩm quyền có thể hướng dẫn áp dụng các quy định của BLTTDS theo hướng trong trường hợp cấp bách thì ngoài giờ làmviệc, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ đương sự có thể yêu cầu Toà án áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không thể không tính đến tính thực tế của nó vì đôi khi phải thay đổi cả một lề lối làm việc. Do vậy, nếu hướng dẫn bổ sung theo định hướng này thì trong thực tiễn chúng ta phải xây dựng được một cơ chế đảm bảo. Có nghĩa là phải có những Thẩm phán trực vào các ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ làm việc (2).

Việc nghiên cứu pháp luật tố tụng dân sự của một số nước trên thế giới cho thấy rằng thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời còn có thể được áp dụng trước khi khởi kiện vụ án. Theo các nhà lý thuyết về pháp luật tố tụng dân sự của một số nước theo hệ thống Châu Âu lục địa thì cần phải trao cho Toà án thẩm quyền ban hành lệnh áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách “kịp thời và có hiệu quả”. Nguyên tắc này đã được thể hiện trong các quy định cụ thể về thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, thủ tục về các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể áp dụng một cách độc lập trước khi khởi kiện mà không phụ thuộc vào vụ kiện chính(3).

Hiện nay các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định trong BLTTDS là những biện pháp nhằm đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án. Chúng tôi cho rằng để đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn, về lâu dài trên cơ sở các quy định này các nhà lập pháp Việt Nam có thể phát triển, bổ sung theo hướng cho phép Thẩm phán trong trường hợp khẩn cấp có thể quyết định áp dụng ngay lập tức các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của đương sự trước khi khởi kiện vụ án. Sau khi áp dụng biện pháp khẩn cấp, theo yêu cầu của đương sự, nếu xét thấy vụ việc cần được xét xử ngay Thẩm phán có thể quyết định đưa vụ việc ra xét xử để xem xét về nội dung tranh chấp trong một thời hạn ngắn. Tuy nhiên, việc xây dựng các quy định theo hướng này cũng đòi hỏi phải có một sự nghiên cứu kỹ lưỡng, công phu.

2. Về việc nộp các khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng

Để đảm bảo lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng từ phía người có quyền yêu cầu, các nhà lập pháp đã xây dựng trong BLTTDS những quy định về biện pháp bảo đảm buộc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá bằng tiền vào một tài khoản phong toả tại Ngân hàng. Đây là một điểm tiến bộ của BLTTDS so với các văn bản pháp luật trước đó. Theo khoản 1 Điều 120 BLTTDS thì “ Ngưòi yêu cầu Toà án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 của Bộ luật này phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Toà án ấn định tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu”. Thực tiễn vận dụng các quy định nêu trên của BLTTDS đã đặt ra những vấn đề sau đây:

Theo tinh thần của Điều luật này thì mặc dù trong “…tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra…” theo khoản 2 Điều 99 BLTTDS mà người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa thực hiện biện pháp bảo đảm thì Toà án vẫn không ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Hiện nay, theo hướng dẫn tại mục 5.3 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27-4-2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì Thẩm phán chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau khi người yêu cầu xuất trình chứng cứ đã thực hiện biện pháp bảo đảm. Như vậy, việc vận dụng các quy định về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm này trong thực tiễn trong nhiều trường hợp không bảo đảm được quyền lợi chính đáng của nguyên đơn. Mặt khác, bị đơn có thể lợi dụng các quy định của pháp luật để tẩu tán tài sản, đặc biệt là đối với các vụ án mà nguyên đơn là người nghèo không có tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá để gửi vào tài khoản phong toả tại ngân hàng nơi có trụ sở của Toà án.

Trong quá trình xây dựng các quy định về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm cũng đã có ý kiến cho rằng cần phải nghiên cứu thêm về vấn đề này để các quy định về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm không hạn chế người nghèo yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi khởi kiện(4). Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có những nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể để các quy định về buộc thực hiện biện pháp bảo đảm khi vận dụng trong thực tiễn có thể đảm bảo được sự công bằng và quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.

3. Về giá trị của các khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp

Theo khoản 1 Điều 120 BLTTDS thì ngưòi yêu cầu Toà án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, cấm chuyển dịch, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản, tài sản của người có nghĩa vụ sẽ phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá “do Toà án ấn định tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện” để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. Vậy cần phải hiểu khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá “do Toà án ấn định tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện” là như thế nào?

Xét về logic ngôn ngữ tại khoản 1 Điều 120 thì “nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện” phải được hiểu là nghĩa vụ tài sản của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời(5). Và nếu theo logic này thì phải chăng khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá mà nguyên đơn phải nộp khi yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có giá trị ngang bằng với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện? Nếu hiểu và vận dụng khoản 1 Điều 120 BLTTDS theo hướng này thì có lẽ sẽ hết sức khó khăn cho nguyên đơn khi yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và dường như điều kiện này đã hạn chế quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của nguyên đơn. Đó là chưa tính đến trường hợp nguyên đơn là những người nghèo như đã phân tích ở trên. Chẳng hạn, theo logic của điều luật này có thể dẫn tới cách hiểu là nếu nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn thanh toán số tiền là 500 triệu và có yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp phong toả tài khoản, tài sản của bị đơn thì nguyên đơn sẽ phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương 500 triệu vào tài khoản phong toả tại ngân hàng nơi có trụ sở của Toà án. Trường hợp nguyên đơn có tranh chấp với bị đơn về một tài sản có giá trị 500 triệu nếu nguyên đơn yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp kê biên, cấm chuyển dịch, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp đó thì nguyên đơn cũng phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương 500 triệu vào tài khoản phong toả tại ngân hàng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp này.

Hiện nay, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27-4-2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thì “Nghĩa vụ tài sản” là nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại thực tế có thể xảy ra cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc cho người thứ ba do việc yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng. Mặt khác, theo Nghị quyết này thì “ Người có nghĩa vụ phải thực hiện” là người có yêu cầu áp dụng BPKKTT không đúng. Trong trường hợp người yêu cầu áp dụng BPKCTT là người đại diện theo uỷ quyền của đương sự thì người có nghĩa vụ phải thực hiện là đương sự… Cách giải thích này là phù hợp với bản chất của biện pháp bảo đảm theo pháp luật tố tụng dân sự của nhiều nước trên thế giới và phù hợp với thực tiễn áp dụng. Tuy nhiên, xét về logic ngôn ngữ thì dường như cách giải thích này không đúng với tinh thần của Điều 120 BLTTDS.

Chúng tôi cho rằng việc buộc người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện biện pháp bảo đảm là nhằm bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu. Trong trường hợp nguyên đơn yêu cầu Toà án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, cấm chuyển dịch, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; phong toả tài khoản, tài sản của người có nghĩa vụ không đúng thì thiệt hại xảy ra cũng không thể tính ngang bằng với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện. Trong các ví dụ nêu trên nếu nguyên đơn yêu cầu Toà án tiến hành các biện pháp phong toả tài khoản, tài sản của bị đơn trong vụ kiện đòi nợ mà không đúng thì thiệt hại có thể xảy ra chỉ là các thiệt hại phát sinh từ việc tài sản đó không thể tham gia lưu thông do bị phong toả. Còn trong trường hợp Toà án áp dụng các biện pháp kê biên, cấm chuyển dịch tài sản đang tranh chấp thì thiệt hại có thể xảy ra đối với người bị áp dụng các biện pháp này có thể là các thiệt hại phát sinh từ việc tài sản tranh chấp không thể tham gia lưu thông hoặc không thể sử dụng do bị kê biên, cấm chuyển dịch như thiệt hại về trượt giá, do không khai thác được công dụng của tài sản .v.v.

Do vậy, theo chúng tôi sẽ là hợp lý hơn nếu quan niệm rằng tuỳ trường hợp mà Toà án có thể ấn định một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương ứng (chứ không phải là tương đương hoặc ngang bằng) với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để buộc ngưòi yêu cầu Toà án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi vào một tài khoản phong toả tại ngân hàng. Nghiên cứu các quy định về việc tạm thi hành từ Điều 514 đến Điều 526 của BLTTDS Pháp năm 1807, đặc biệt là Điều 517 thì các quy định này cũng chỉ thể hiện rằng “Việc tạm thi hành có thể phụ thuộc vào chế định bảo lãnh hoặc đảm bảo bằng tài sản, đủ để đáp ứng các yêu cầu về hoàn trả hoặc bồi thường thiệt hại” chứ không quy định tài sản bảo đảm phải có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ tài sản phải thực hiện.

Hiện nay, các hướng dẫn tại Mục 8 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27-4-2005 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao là một giải pháp để khắc phục những khó khăn trong việc áp dụng các quy định tại khoản 1 Điều 120 BLTTDS. Tuy nhiên, theo chúng tôi, vấn đề sẽ trở nên đơn giản nếu về lâu dài chúng ta sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 120 BLTTDS như sau : “ Ngưòi yêu cầu Toà án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 của Bộ luật này phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Toà án ấn định tương ứng với thiệt hại có thể xảy ra do việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc người thứ ba và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu ”

Trên đây là một số ý kiến rút ra từ việc nghiên cứu các quy định của BLTTDS về các biện pháp khẩn cấp tạm thời và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn áp dụng . Rất mong các cơ quan chức năng lưu tâm tham khảo trong việc hướng dẫn hoàn thiện các quy định của pháp luật về vấn đề này.

Chú thích:

(1), (2) Xem Trần Anh Tuấn – Chế định biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Bộ luật Tố tụng Dân sự Việt Nam, Tạp chí Luật học – ĐH Luật Hà nội, 4/2004, tr. 89

(3) Xem Jean Vincent et Serge Guinchard, Procộdure civile, Nxb DALLOZ, 2001 ,tr. 612,622;

(4) Xem Luật sư Lê Kim Quế – Một số vấn đề cần nghiên cứu thêm về Dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự, Tạp chí TAND tháng 4 /2004(số 7), tr. 24

(5) Xem Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Trường Đại học luật Hà nội, Nxb Tư pháp, năm 2005, tr. 187

SOURCE : TẠP CHÍ DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT, số 12(165) năm 2005

KHÔNG SỬ DỤNG BÀI VIẾT VÀO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI

ĐỌC CÁC BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ TẠI ĐÂY

Exit mobile version