admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ BÀN LUẬN VỀ LỢI ÍCH CỦA DOANH NGHIỆP THU ĐƯỢC TỪ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐỐI VỚI CÔNG NGHỆ

NGUYỄN VÂN ANH

Doanh nghiệp sẽ thu được những lợi ích gì từ công nghệ do mình tự đầu tư nghiên cứu, và sẽ trả cho các tác giả công nghệ như thế nào – Vấn đề tưởng chừng rất đơn giản do mọi nội dung liên quan đã được nhà nước quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao Công nghệ. Nhưng qúa trình triển khai, một số doanh nghiệp chưa biết hoặc hiểu chưa đúng. Trong khi đó, một số cơ quan quản lý nhà nước tại một số địa phương lại rất lúng túng khi giải quyết vấn đề này. Bài viết sau đây của tác giả là một ví dụ.

Diễn biến vấn đề liên quan đến công nghệ:

Một doanh nghiệp T đầu tư nghiên cứu để cho ra đời một giải pháp hữu ích F, giải pháp này được cơ quan nhà nước cấp bằng độc quyền về giải pháp hữu ích (trong văn bằng độc quyền giải pháp hữu ích ghi rõ chủ sở hữu văn bằng độc quyền giải pháp là doanh nghiệp T, tác giả giải pháp là cá nhân thuộc doanh nghiệp T). Nhờ có lợi ích kinh tế và kỹ thuật vượt trội từ giải pháp F, doanh nghiệp T được Ủy ban nhân dân tỉnh B giao chủ đầu tư và tự thực hiện thi công công trình có sử dụng giải pháp F, với tổng mức đầu tư xây dựng là 73 tỷ đồng (100% từ nguồn vốn ngân sách nhà nước) . Sau quá trình triển khai thực hiện 50% khối lượng công việc, doanh nghiệp T đề xuất giải pháp F1, trên nguyên lý giải pháp F, nhưng tiết kiệm nguyên vật vật liệu (cấu tạo mỏng hơn), nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật từ đó giảm giá thành hơn so với giải pháp F. Đồng thời doanh nghiệp T yêu cầu cơ quan nhà nước đưa “giá trị trí tuệ của sáng chế” của giải pháp hữu ích F và F1 (F1 không được cơ quan nhà nước cấp văn bằng độc quyền về sáng chế vì cùng nguyên lý với giải pháp F) vào tổng mức đầu tư xây dựng công trình làm cơ sở thanh toán cho doanh nghiệp T, để doanh nghiệp T thanh toán cho tác giả giải pháp F và F1. Với cách tính và lập luận như sau:

Tính ưu việt so với các giải pháp thông thường

Giá trị làm lợi cho nhà nước do sử dụng giải pháp F và F1

Theo điều 135 các tác giả được hưởng lợi là

So với giải pháp thông thường F làm lợi cho nhà nước

22tỷ đồng

10% X 22 tỷ đồng

= 2,2 tỷ đồng

So với giải pháp thông thường F1 làm lợi cho nhà nước

33 tỷ đồng

10% x 33 tỷ đồng

= 3,3 tỷ đồng

Tổng cộng giá trị làm lợi từ giải pháp F và F1 là

55 tỷ đồng

5,5 tỷ đồng

Tổng số tiền doanh nghiệp T yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh B cho doanh nghiệp là 5,5 tỷ đồng – được gọi là “giá trị tài sản trí tuệ của sáng chế” và là những lợi ích do sử dụng giải pháp F,F1 để doanh nghiệp T trả thù lao cho các tác giả giải pháp F và F1.

Sau khi lấy ý kiến các cơ quan ban ngành liên quan, với sự nhất trí của số đông các cơ quan quản lý (trong đó có Sở Xây dựng và Sở Tài chính). Đề nghị như trên của doanh nghiệp T được Ủy ban nhân dân tỉnh B chấp thuận đưa 5,5 tỷ đồng là tiền “giá trị trí tuệ của sáng chế” vào tổng mức đầu tư (điều chỉnh bổ sung).

Ý kiến bàn luận:

Theo điều 135 Luật Sở hữu trí tuệ thì “Chủ sở hữu sáng chế có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả từ những lợi ích mà chủ sở hữu thu được”. Trong trường hợp cụ thể của vấn đề nêu ở trên chủ sở hữu sáng chế F là doanh nghiệp T.

Vậy chúng ta sẽ làm rõ, chủ sở hữu sáng chế sẽ thu được những lợi ích gì khi kinh doanh dựa trên sáng chế. Đồng thời việc đề nghị của doanh nghiệp T đối với UBND tỉnh B có hợp lý hay không.

♦ Những quyền lợi của chủ sở hữu sáng chế:

Do doanh nghiệp T là chủ sở hữu sáng chế, theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp T có các quyền lợi đối với sáng chế như sau:

*Quyền định đoạt:

Doanh nghiệp T có quyền bán (chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng) công nghệ – sáng chế F (Khoản 1, điều 8, Luật chuyển giao công nghệ). Phạm vi chuyển giao theo các quy định tại khoản 2 điều 17 của Luật chuyển giao công nghệ.

*Những lợi ích tài chính:

Lợi ích tài chính doanh nghiệp T thu được, bao gồm các lợi ích trực tiếp và gián tiếp như sau:

Các lợi ích gián tiếp của doanh nghiệp T khi đầu tư nghiên cứu ra các giải pháp :

Những lợi ích gián tiếp khi doanh nghiệp T đầu tư nghiên cứu ra giải pháp là:

+Theo Nghị định 81 (Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ):

– Được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho số thu nhập tăng thêm do các hoạt động này mang lại (khoản 5, điều 42) .

-Các chi phí đầu tư cho việc nghiên cứu sáng tạo giải pháp này được coi là chi phí hợp lý và được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp (khoản 1, điều 44).

+Theo Luật chuyển giao công nghệ (2005):

-Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm trong bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong bảy năm tiếp theo (khoản 4 điều 44 ).

-Doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế hằng năm lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ để tiến hành hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ (điều 45).

Ngoài ra doanh nghiệp còn được hưởng những ưu đãi khác từ thuê đất (nếu có) để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho việc sáng tạo và phát triển các giải pháp thuộc hoạt động khoa học, công nghệ; được góp vốn bằng giá trị giải pháp F trong các dự án đầu tư hoặc vào vốn của doanh nghiệp (Luật khoa học và công nghệ; Luật chuyển giao công nghệ), .v.v.

☺ Các lợi ích trực tiếp của doanh nghiệp T:

Khi thực hiện bán (chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng ) công nghệ – giải pháp F hoặc khi doanh nghiệp T dùng giải pháp F để thi công các công trình, doanh nghiệp T thu được lợi ích như sau:

-Giá trị thu được từ việc bán (chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng) công nghệ – giải pháp F.

-Lợi nhuận doanh nghiệp thu được khi sử dụng giải pháp F thi công các công trình (theo Luật Xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan).

♦ Bàn luận về những đề nghị của doanh nghiệp T đối với UBND tỉnh B:

Theo những phân tích lợi ích doanh nghiệp thu được khi sử dụng giải pháp F đã nêu ở trên, thì phần tính toán về những lợi ích doanh nghiệp T kiến nghị UBND tỉnh phải trả cho doanh nghiệp T để doanh nghiệp T trả cho tác giả sáng chế, với lập luận “Công trình sử dụng vốn ngân sách tỉnh, do UBND tỉnh quản lý là nơi được hưởng lợi trực tiếp từ việc sử dụng sáng chế do tiết kiệm chi phí” là không đúng.

Theo pháp luật về Đầu tư, Xây dựng, Chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư được phép đưa giá trị công nghệ (trên cơ sở thỏa thuận) vào tổng mức đầu tư hay tổng giá trị đầu tư khi dự án có góp vốn bằng công nghệ, mua bán công nghệ (chuyển giao công nghệ). Đối với dự án cụ thể đã nêu, không có góp vốn bằng công nghệ (công trình thi công bằng 100% nguồn vốn ngân sách nhà nước), không có mua bán công nghệ. Mặt khác, nhờ có giải pháp F cùng những ưu điểm của nó, doanh nghiệp T đã được UBND tỉnh B giao cho thi công toàn bộ các công trình liên quan đến giải pháp F trên địa bàn tỉnh, sử dụng hoàn toàn vốn ngân sách nhà nước mà không phải thực hiện đấu thầu theo Luật Đầu thầu. Đồng thời ngay khi lập dự án đầu tư, doanh nghiệp T cũng không đặt vấn đề liên quan đến việc đưa giá công nghệ – giải pháp F vào tổng mức đầu tư để trình UBND tỉnh B phê duyệt. Chỉ khi thi công được ½ khối lượng công việc doanh nghiệp T mới yêu cầu UBND tỉnh B phê duyệt lại dự toán để đưa 5,5 tỷ đồng vào tổng mức đầu tư để thanh toán cho tác giả sáng chế là không hợp lý.

Kết luận:

Tóm lại, việc tự đầu tư nghiên cứu để có những sáng chế, đổi mới công nghệ làm lợi cho nhà nước của doanh nghiệp T là một hướng đầu tư đúng đắn, cần được các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp T được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ hiện hành. Tuy nhiên việc hiểu về lợi ích của chủ sở hữu sáng chế, và việc giải quyết theo đề nghị của doanh nghiệp T trong việc đưa giá trị tài sản sáng chế vào tổng mức đầu tư để trả thù lao tác giả sáng chế như như nội dung bài viết đã trình bày là không chính xác, và không phù hợp. Tiếc thay vấn đề này lại được nhiều cơ quan quản lý nhà nước tại tỉnh B đồng chấp thuận tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh B phê duyệt.

Đây là tình huống có thật tại tỉnh B. Vấn đề này, hiện nay còn khá mới mẻ, tác giả xin nêu để qúy bạn đọc quan tâm cùng trao đổi, rút ra những kinh nghiệm khi xử lý các trường hợp tương tự tại các địa phương.

SOURCE: TẠP CHÍ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC – BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, SỐ 604, THÁNG 9 NĂM 2009, tr 31 – 33

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading