admin@phapluatdansu.edu.vn

NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ LỰA CHỌN KÊNH CHUYỂN KIỀU HỐI – KINH NGHIỆM NGHIÊN CỨU ĐẾN MỘT SỐ NƯỚC VÀ CỦA VIỆT NAM

THS. ĐĂNG THU HẰNG, THS. VŨ THANH HÀ, THS.PHAN HOÀNG YẾN & THS. NGUYỄN THÙY DƯƠNG – Học viện Ngân Hàng

I- Những vấn đề cơ bản về kiều hối

Trong những năm gần đây, kiều hối đã trở thành một hiện tượng được giới tài chính quốc tế quan tâm. Mặc dù, trên thực tế trong nhiều thập kỉ qua, những người di cư thuộc các nước đang phát triển vẫn gửi tiền về gia đình, nhưng số lượng tiền gửi về đã và đang gia tăng nhanh chóng. Và đây chính là vấn đề khiến nhiều học giả và các nhà hoạch định chính sách quan tâm nghiên cứu. Những khoản tiền này được chuyển về nước như thế nào và tới tay ai? Những nguồn tài chính từ bên ngoài này có vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế của nước tiếp nhận? Những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của lượng kiều hối đối với các thị trường đang nổi là gì?… Bài viết đi vào nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng tới kênh chuyển kiều hối, dựa theo kinh nghiệm nghiên cứu của một số nước trên thế giới và tại Việt Nam.

Trước khi đi vào trả lời câu hỏi trên, một số vấn đề cơ bản liên quan tới kiều hối sẽ được nêu lên trong phần dưới đây.

1. Kiều hối là gì?

Về cơ bản, kiều hối là một lượng tiền hoặc tương đương tiền của người lao động ở nước ngoài gửi về nước (Puri, 1999). Ví dụ, người Trung Đông sống ở châu Âu, người Mỹ Latin sống ở Mỹ, người Việt Nam sống ở Mỹ hoặc Úc gửi tiền về trong nước.

IMF đã đưa ra một định nghĩa rộng về kiều hối bao gồm 3 khía cạnh:

(i) là lượng tiền hoặc tương đương tiền được người lao động chuyển về gia đình họ hàng của mình ở trong nước; (ii) khoản tiền bồi thường cho người lao động hoặc lương thưởng dưới dạng tiền hoặc tương đương trả cho cá nhân làm việc ở nước ngoài; và (iii) là lượng tài sản tài chính do người cư trú tạm thời mang theo khi họ di chuyển từ một nước tới nước khác và sống tại nước đó nhiều hơn 1 năm.

Lãnh sự Việt Nam tại Hoa Kì đưa ra nhận định rằng “Kiều hối là một nguồn lực quý giá theo nhiều nghĩa, là một kênh mang lại ngoại tệ mạnh cho đất nước mà không một kênh nào có thể sánh nổi về hiệu quả. Bởi vì, ngoại tệ thu được từ xuất khẩu tuy rất quý nhưng xuất khẩu thì phải mất chi phí để sản xuất hàng, chi phí vận chuyển mang ra nước ngoài, lại còn phải chịu thuế nhập khẩu, chịu hạn ngạch, chịu kiện bán phá giá, chi phí tiếp thị, quảng cáo…“.

Theo báo cáo “Di trú và kiều hối” được thống kê hàng năm bởi Ngân hàng Thế giới, tại một số nước đang phát triển, số tiền được đưa vào từ kiều hối có thể đứng hàng cao thứ nhì trong các nguồn thu nhập, cao hơn cả viện trợ quốc tế. Số kiều hối hàng năm trên thế giới được ước tính từ 250 tỷ USD của Ngân hàng Thế giới và các Ngân hàng Trung ương đến 401 tỷ của IFAD. Mặc dù, kiều hối được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, cơ bản một nước có số lượng kiều hối cao sẽ thúc đẩy những hoạt động tiêu dùng và đầu tư khác trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục, chăm sóc sức khỏe, các mô hình kinh doanh loại nhỏ…

Tại Việt Nam, lượng kiều hối gia tăng khá mạnh trong những năm gần đây, tăng hơn gấp đôi từ mức khoảng 3 tỉ năm 2004 lên tới hơn 8 tỉ năm 2010 (WB, 2010) và là nước đứng hàng thứ 16/30 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất.

2. Động cơ thúc đẩy kiều hối chuyển về trong nước

Đã có nhiều nghiên cứu về động cơ thúc đẩy người lao động và sống ở nước ngoài chuyển tiền về trong nước. Các nghiên cứu cơ bản được Stark (1991) và nhóm tác giả tóm lược ở một số nguyên nhân. Có thể kể đến trước hết xuất phát từ động cơ bao bọc lẫn nhau. Người di cư thường gửi tiền về nhà vì anh ta quan tâm tới cuộc sống của gia đình anh ta ở quê nhà. Với động cơ này, người đi lao động hoặc sống ở nước ngoài cảm thấy giảm bớt lo lắng cho gia đình của mình ở nhà.

Động cơ thứ hai xuất phát từ lợi ích của cá nhân. Những người di cư làm ăn thành công thường có các khoản tiết kiệm và dùng một phần tiết kiệm này để đầu tư về nước mình như mua bất động sản, các tài sản tài chính… Gia đình của họ đóng vai trò như các đơn vị tín thác, làm nhiệm vụ quản lý các tài sản đó trong thời gian họ đang làm việc và sống ở nước ngoài. Một lý do khác để chuyển tiền về cho gia đình là do người chuyển tiền tính tới khả năng được thừa kế từ cha mẹ trong tương lai. Trong trường hợp này, những thành viên trong gia đình có đóng góp vào sự phát triển của gia đình (ví dụ như chuyển tiền về cho gia đình) sẽ tất nhiên được hưởng thừa kế trong tương lai.

Lý do thứ ba là thanh toán các khoản nợ. Thông thường, các gia đình phải vay tiền để trang trải chi phí cho người đi lao động hoặc sang học tập ở nước ngoài, với hi vọng rằng sau một thời gian lao động và học tập hoặc có việc làm, họ sẽ gửi tiền về để thanh toán một phần hoặc toàn bộ các khoản nợ trước đó. Đây thực chất giống như một khoản đầu tư.

Động cơ cuối cùng có thể xem xét là động cơ đồng bảo hiểm. Người di cư có thể đầu tư vào bất kể tài sản tài chính nào tại nước mình làm việc, nhưng không thể tránh được các loại rủi ro do thị trường tài chính không hoàn hảo. Chính vì vậy, một chỗ dựa vững chắc để giảm thiểu rủi ro này là chuyển tiền về cho gia đình. Khi điều kiện thuận lợi, việc chuyển tiền về sẽ giúp cải thiện cuộc sống gia đình. Ngược lại, khi điều kiện lao động, kinh tế ở nước ngoài không thuận lợi thì gia đình chính là chỗ dựa vững chắc và yên tâm cho anh ta trở về. Như vậy, đây là một chiến lược đồng bảo hiểm với các khoản chuyển tiền đóng vai trò như hợp đồng bảo hiểm cho người di cư.

2. Vai trò của kiều hối

Tác động của kiều hối có thể diễn ra theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Kiều hối có thể có tác động tới vấn đề nghèo đói và bất công bằng thu nhập, tiêu dùng, đầu tư và tiết kiệm gia đình, thị trường lao động, nguồn nhân lực và các biến kinh tế vĩ mô khác.

Nghèo đói và bất công bằng thu nhập: Kiều hối đóng góp tích cực vào việc giảm nghèo đói đối với các gia đình nhận kiều hối hoặc có thể giúp các hộ này tránh rơi vào tình trạng nghèo đói. Ví dụ, tại Mexico, các nghiên cứu sử dụng số liệu điều tra mức sống dân cư toàn quốc về thu nhập và chi tiêu cho thấy ít người nhận kiều hối là người nghèo. Tại Guatemala, kiều hối đã đóng vai trò rất lớn trong việc giảm mức độ nghèo đói nghiêm trọng tại nước này, với tỉ lệ nghèo đói đã giảm khoảng 20% theo số liệu năm 2005. Tuy nhiên, yếu tố công bằng thu thập giữa các hộ giàu và nghèo có thể không đạt được nếu hộ nhận kiều hối chủ yếu là hộ gia đình giàu có.

Tiêu dùng: Kiều hối và tiêu dùng có tác động tích cực tới các hoạt động kinh tế. Tại Jamaica, 68,7% kiều hối được sử dụng vào các hoạt động chi tiêu hàng ngày, 10,1% được dùng cho giáo dục, 9,5% cho y tế và 3,2% dùng cho giải trí. Tuy nhiên, tác động tích cực của kiều hối tới tiêu dùng có thể bị giảm mạnh nếu việc tiêu dùng này chủ yếu cho các sản phẩm nhập khẩu.

Đầu tư và tiết kiệm: Lượng kiều hối tạo cơ hội cho hoạt động đầu tư vào các ngành kinh doanh mới hoặc mở rộng các doanh nghiệp hiện tại.

Kiều hối cung cấp các cơ hội tài chính cho các doanh nghiệp tiềm năng nhưng khó có khả năng tiếp cận tới nguồn tài chính chính thức. Ví dụ, tại Mexico, một nghiên cứu của 30 doanh nghiệp cho thấy 31% các doanh nghiệp được tài trợ ban đầu từ nguồn kiều hối. Tại Jamaica, dưới 1% lượng kiều hối được dùng cho đầu tư; trong một nghiên cứu nhỏ tại khu vực nông thôn của nước này, 40% vốn thành lập doanh nghiệp nhỏ có nguồn gốc từ kiều hối (Kirton, 2008).

Nếu lượng kiều hối được chuyển về thông qua kênh tài chính chính thức thì lượng kiều hối này có thể khuyến khích tiết kiệm trong cộng đồng những người nhận tiền và điều này tạo ra một khoản tiết kiệm nội địa có sẵn cho đầu tư. Đồng thời, kiều hối qua kênh chính thức sẽ giúp các tổ chức tài chính tín dụng chính thức tiếp cận các hộ gia đình nghèo dễ dàng hơn, cung cấp cho họ các dịch vụ tài chính và tạo cơ hội cho họ cải thiện thu nhập và quản lý tài sản của mình nhằm tránh rủi ro tài chính. Ví dụ, các dịch vụ được cung cấp như mở tài khoản thanh toán, tài khoản tiết kiệm, cho vay hoặc đầu tư bất động sản… với kết quả đạt được là cải thiện điều kiện kinh tế. Ngoài ra, mở rộng tiếp cận qua kênh chính thức sẽ giúp các tổ chức này tiếp cận được với đối tượng khách hàng cá nhân tại khu vực nông thôn và đối tượng khách hàng có thu nhập thấp.

Thị trường lao động: Một tác động tiêu cực của kiều hối là tác động tới thị trường lao động. Kiều hối có thể có tác động trực tiếp tới quyết định không tham gia vào thị trường lao động của người nhận tiền. Có ý kiến cho rằng các thành viên của gia đình nhận kiều hối có thể phụ thuộc vào nguồn kiều hối và không nỗ lực lao động. Điều này đặt ra câu hỏi liệu rằng kiều hối có làm gia tăng giá trị ròng của thu nhập gia đình hay không. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, kiều hối có thể giảm cả đối tượng tham gia vào lực lượng lao động và cả số giờ làm việc của những người nhận kiều hối. Tác động tiêu cực này có thể giảm nhẹ nếu các đối tượng nhận kiều hối có trình độ giáo dục nhất định.

Nguồn nhân lực: Kiều hối có thể giúp gia đình nhận kiều hối đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực dưới dạng tăng chi tiêu cho giáo dục và sức khỏe. Các nghiên cứu chỉ ra rằng kiều hối sẽ cải thiện được môi trường giáo dục cho trẻ em thuộc các gia đình nhận kiều hối. Tại El Salvador, số lượng kiều hối đã giúp giảm tỉ lệ trẻ em bỏ học. Phần lớn, các nước nhận kiều hối là các nước kém hoặc đang phát triển, do đó, lượng kiều hối chuyển về đặc biệt đóng vai trò quan trọng khi hệ thống y tế công cộng chưa cung cấp bảo hiểm y tế rộng rãi tới mọi người dân. Tại Guatemala và Nicaragua, trẻ em tại các gia đình có kiều hối chuyển về đã tiếp cận được nhiều hơn tới hệ thống chăm sóc y tế so với các gia đình khác tại địa phương.

Tác động vĩ mô: kiều hối trở thành một nguồn ngoại tệ quan trọng, đặc biệt đối với các nước có thâm hụt tài khóa, nợ nước ngoài, thường xuyên mất cân bằng cán cân thương mại và ít các hoạt động đầu tư nước ngoài.

Kiều hối giúp gia tăng giá trị GDP thông qua việc gia tăng tiêu dùng, đầu tư và tiết kiệm. Tuy nhiên, luồng ngoại tệ này có thể làm tăng giá trị đồng nội tệ, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu và chính sách nhập khẩu cạnh tranh.

II- Thực trạng kiều hối ở Việt Nam

TẢI TOÀN VĂN BÀI VIẾT TẠI ĐÂY

SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 13/2011

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading