admin@phapluatdansu.edu.vn

VẤN NẠN VỐN ĐIỀU LỆ SAU KHI SÁP NHẬP CÔNG TY

LG. CAO HUYỀN TRANG

Trong các vụ mua bán và sáp nhập (M & A), vốn điều lệ của công ty sau khi sáp nhập được ghi nhận như thế nào là một vấn đề nan giải, đặc biệt đối với trường hợp sáp nhập thông qua phương án hoán đổi cổ phần và thực hiện đăng ký kinh doanh theo thủ tục sáp nhập tại điều 153 của Luật Doanh nghiệp và Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh.

Bài viết này chỉ đề cập đến việc hoán đổi cổ phần, một phương thức mà thị trường sáp nhập ở Việt Nam ưa chuộng, vì nó đảm bảo được tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông hiện hữu sau khi công ty sáp nhập.

Có thể đưa ra một ví dụ như sau, công ty A nhận sáp nhập công ty B, mỗi công ty có vốn điều lệ là 20 tỉ đồng, tương ứng mỗi công ty có 20 triệu cổ phần, mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng.

Sẽ rất dễ dàng xác định vốn điều lệ sau khi sáp nhập, nếu các công ty nêu trên được xác định giá trị doanh nghiệp ngang nhau và tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:1. Khi đó, vốn điều lệ của công ty sau khi sáp nhập sẽ là tổng số vốn điều lệ của A và B, tức 40 tỉ đồng, tương ứng với 40 triệu cổ phần.

Nhưng nếu một trong hai công ty này ăn nên làm ra, khi đó giá thị trường một cổ phần của công ty A là 40.000 đồng, còn của công ty B là 20.000 đồng, câu chuyện lúc này không còn dễ dàng nữa.

Đối với trường hợp này, khi thực hiện việc sáp nhập theo phương thức hoán đổi cổ phần, công ty A sẽ phát hành thêm 10 triệu cổ phần để đổi 20 triệu cổ phần của công ty B. Như vậy, tổng số cổ phần sau khi sáp nhập sẽ là 30 triệu cổ phần, và theo quy định mệnh giá một cổ phần là 10.000 đồng, thì vốn điều lệ sẽ là 30 tỉ đồng.

Lúc này doanh nghiệp sẽ nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh cho cơ quan cấp giấy chứng nhận với số vốn điều lệ tương ứng là 30 tỉ đồng, nhưng hồ sơ như thế sẽ bị bác.

Lập luận của cơ quan cấp phép cho rằng khi sáp nhập, vốn điều lệ của hai công ty phải cộng gộp với nhau vì theo Luật Doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty là vốn mà các cổ đông thực nộp vào công ty, do vậy số vốn thực nộp và thực có của hai công ty nêu trên là 40 tỉ đồng, nên vốn điều lệ sau khi sáp nhập phải là 40 tỉ đồng, không thể giảm xuống 30 tỉ đồng được.

Trên thực tế, khi bị cơ quan cấp phép bác bỏ hồ sơ, doanh nghiệp thường thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo thủ tục chuyển nhượng cổ phần. Theo đó các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần ghi nhận phương thức thanh toán giá chuyển nhượng là cổ phần, và kết quả là công ty B sẽ trở thành công ty con của công ty A, và chuyển đổi loại hình thành công ty TNHH một thành viên. Nếu công ty A muốn công ty B chấm dứt sự tồn tại thì phải làm thêm thủ tục giải thể, kèm theo đó phải quyết toán thuế và hoàn tất các nghĩa vụ thuế vốn rất nhiêu khê và kéo dài, có khi hơn cả năm.

Trong khi đó, thủ tục sáp nhập theo điều 153 Luật Doanh nghiệp thì thuận tiện và nhanh chóng cả ở khâu đăng ký kinh doanh, lẫn khâu thông báo thuế. Toàn bộ nghĩa vụ thuế của công ty bị sáp nhập sẽ chuyển về công ty nhận sáp nhập và công ty bị sáp nhập mặc nhiên chấm dứt sự tồn tại. Thông thường sau khi hoàn tất thủ tục sáp nhập, trụ sở công ty bị sáp nhập sẽ được đăng ký trở thành địa điểm kinh doanh hoặc là chi nhánh của công ty A.

Tuy nhiên, thủ tục sáp nhập doanh nghiệp theo Điều 153 Luật Doanh nghiệp chỉ thực hiện được đối với trường hợp sáp nhập theo phương thức hoán đổi cổ phần ngang tỷ lệ. Còn trong các trường hợp tỷ lệ hoán đổi cổ phần không phải là 1:1 thì sẽ gặp rắc rối về thủ tục đăng ký kinh doanh.

Đã đến lúc cần có một khung pháp lý về hoạt động sáp nhập doanh nghiệp và các phương thức thực hiện sáp nhập doanh nghiệp cụ thể và rõ ràng, để các doanh nghiệp và cơ quan cấp phép có thể thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất.

Trên thế giới, chẳng hạn ở Mỹ hoặc Ấn Độ, người ta có luật về M&A, quy định chi tiết cách thức thực hiện, và các quy định về phòng chống thâu tóm. Quan trọng là sau khi sáp nhập, số vốn không nhất thiết phải là vốn cộng gộp lại mà là phần vốn được xác định trên giá trị thực có của doanh nghiệp. Ở các nước này, các phương thức sáp nhập doanh nghiệp thông qua việc tách, gộp, chia tách, hoán đổi cổ phần, mua cổ phần, phát hành thêm, và kể cả phương thức sáp nhập trả bằng tiền cho các cổ đông của công ty bị sáp nhập, được quy định một cách rõ ràng, chặt chẽ, và dự liệu được nhiều trường hợp sẽ xảy ra trong tương lai.

______

(*) Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt Đã đến lúc cần có một khung pháp lý về hoạt động sáp nhập doanh nghiệp và các phương thức thực hiện sáp nhập doanh nghiệp cụ thể và rõ ràng, để các doanh nghiệp và cơ quan cấp phép có thể thực hiện công việc của mình một cách tốt nhất.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Trích dẫn từ:

http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/phapluat/55889/Van-nan-von-dieu-le-sau-khi-sap-nhap-cong-ty.html

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading