admin@phapluatdansu.edu.vn

CÔNG VĂN SỐ 998/BXD-QLN NGÀY 23 THÁNG 06 NĂM 2011 CỦA BỘ XÂY DỰNG VỀ HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐANG SỬ DỤNG NHÀ Ở THUỘC SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

Kính gửi:

Văn phòng Chính phủ

Ngày 10/6/2011, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 613/VPCP-KTN đề nghị cho ý kiến về đề xuất hỗ trợ đối với người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi phải di dời của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (có bản sao Công văn số 222/UBND-ĐTMT-M ngày 02/6/2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kèm theo). Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Về việc hỗ trợ đối với người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

Tại khoản 2, Điều 21 của Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất quy định "Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước bị phá dỡ được thuê nhà ở tại nơi tái định cư; diện tích thuê mới tại nơi tái định cư tương đương với diện tích thuê cũ; giá thuê nhà là giá thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; nhà thuê tại nơi tái định cư được Nhà nước bán cho người đang thuê theo quy định của Chính phủ về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê…". Theo đó, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại nơi tái định cư sẽ được bán cho người đang thuê theo Nghị định số 61/CP mà không phân biệt nhà ở cũ tại nơi bị thu hồi đủ điều kiện bán hay không đủ điều kiện bán như đề xuất nêu tại Công văn số 222/UBND-ĐTMT-M của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, việc quy định các trường hợp được hỗ trợ với các mức hỗ trợ như đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố là chưa có cơ sở để giải quyết; số lượng các trường hợp được bố trí nhà ở sau ngày 05/7/1994 là ngày ban hành Nghị định số 61/CP trên địa bàn thành phố là không nhiều.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, trong đó có quy định về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê. Nội dung dự thảo Nghị định đã được các Bộ, ngành và địa phương cơ bản thống nhất cao. Bộ Xây dựng nhận thấy có 02 trường hợp liên quan đến việc hỗ trợ đối với người đang thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước khi phải di dời, cụ thể là:

– Trường hợp bố trí nhà ở từ ngày 05/7/1994 là ngày ban hành Nghị định số 61/CP trở về trước, nếu không có nhà ở tái định cư để bố trí thì hỗ trợ bằng tiền để tự lo chỗ ở mới. Mức hỗ trợ bằng 60% giá trị đất với giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tại thời điểm hỗ trợ và hỗ trợ tiền nhà căn cứ vào cấp, hạng nhà và giá trị còn lại của nhà ở; nếu có nhà ở tái định cư để bố trí thì bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại nơi tái định cư cho người đang thuê theo quy định về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước nêu trên.

– Trường hợp bố trí nhà ở sau ngày 05/7/1994 thì không thực hiện việc hỗ trợ mà bố trí cho thuê nhà ở tại nơi tái định cư; thực hiện bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tại nơi tái định cư cho người đang thuê với 100% tiền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm bán và không thực hiện giảm tiền nhà, miễn, giảm tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, nếu người đang thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước tự cơi nới diện tích nhà, đất trong khuôn viên nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì xem xét cụ thể từng trường hợp để thực hiện việc hỗ trợ cho phù hợp.

2. Về trình tự, thủ tục thực hiện Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ

Thống nhất với đề xuất của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc không phải lập thủ tục thu hồi đất mà chỉ cần có quyết định của thành phố về việc di dời người đang thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước ra khỏi trụ sở các cơ quan, đơn vị và thực hiện hỗ trợ như đã nêu ở trên.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Cao Lại Quang

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading