admin@phapluatdansu.edu.vn

XỬ LÝ BÀI TOÁN LÃI SUẤT, THÁO GỠ KHÓ KHĂN VỀ VỐN CHO DOANH NGHIỆP

THS. CHU THỊ MINH TRÍ – Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải & THS. NGUYỄN THỊ THÚY – Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á

Thời gian qua diễn biến lãi suất trên thị trường tiền tệ tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn của dư luận nói chung, của người vay vốn, doanh nghiệp nói riêng. Hầu hết các Ngân hàng Thương mại (NHTM) đã huy động vốn vượt trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay lên tới 24% – 25%/năm, người sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp không có khả năng chịu đựng được mức lãi suất đó. Vậy, nguyên nhân của tình trạng đó là gì và giải bài toán đó như thế nào trong điều kiện hiện nay để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Theo quy định, trần lãi suất huy động của NHNN là không quá 14%/năm đối với nội tệ, song lãi suất thực trả cho người gửi tiền lên tới 17-20%/năm nhưng vốn vẫn khó huy động. Số liệu NHNN đã công bố rộng rãi cho thấy, tính đến cuối tháng 5-2011, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống NHTM, tổ chức tín dụng (TCTD) trong cả nước tăng có 1,48% so với cuối năm 2010. Đây là mức tăng thấp nhất trong so với cùng kỳ nhiều năm gầy đây. Đáng chú ý là lãi suất huy động vốn, thu hút tiền gửi của các NHTM tăng lên tới 18 – 20%/năm, cao nhất trong nhiều năm qua, tương đương mức lãi suất cuối năm 2008, nhưng vẫn không thu hút được tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Điều này cũng chứng tỏ lý thuyết truyền thống tăng cao lãi suất để thu hút bớt tiền từ lưu thông về ngân hàng không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả và không phù hợp trong điều kiện hiện nay ở nước ta. Đặc biệt là vốn huy động nội tệ lại giảm tới 2,75%, mặc dù lãi suất huy động vốn tăng rất cao, còn vốn huy động ngoại tệ tăng 18,84%. Điều này cho thấy những tháng đầu năm 2011, với lo ngại đồng tiền Việt Nam mất giá, lạm phát tăng cao, trong khi đó lãi suất tiền gửi ngoại tệ lên tới 5,0 – 5,5%/năm, nên người dân đã lựa chọn USD để gửi ngân hàng thương mại. Trong đó có một lượng đáng kể ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về nước dưới dạng kiều hối để gửi tiết kiệm vì lãi suất tiền gửi USD cao hơn nhiều so với lãi suất tại Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới. Đây là xu hướng tích cực nhìn từ góc độ Việt Nam thiếu vốn, phải đi vay vốn nước ngoài, thì nguồn vốn từ kiều hối chuyển về gửi các NHTM trong nước bổ sung nguồn vốn để cho vay là khá quan trọng. Từ giữa tháng 4-2011, lãi suất tiền gửi USD của dân cư theo quy định của NHNN giảm xuống tối đa chỉ còn 3%/năm, nhưng với số tiền USD gửi trước đó được giữ nguyên lãi suất thời điểm gửi và người dân không rút ra, còn lượng tiền gửi USD mới không sụt giảm, làm cho tiền gửi USD trong hệ thống NHTM vẫn tăng cao, mặc dù tiền gửi USD của doanh nghiệp biến động.

Về cơ cấu tiền gửi theo đối tượng khách hàng, tiền gửi dân cư tăng 11,84%; trong đó tiền gửi nội tệ về số tuyệt đối tăng 107.300 tỉ đồng, tương ứng với mức tăng 11,39% và tiền gửi ngoại tệ tăng 8,63%. Riêng về tiền gửi nội tệ phải khẳng định rằng số tuyệt đối tăng có cấu phần quan trọng là do lãi suất cao. Bởi vì với lãi suất tiền gửi bình quân 1,5%/tháng, khách hàng thường gửi kỳ hạn ngắn, gửi 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng,… tiền lãi lĩnh sau mỗi kỳ gửi ngắn lại được bổ sung, tăng tích luỹ vào gốc thì riêng yếu tố lãi suất đã làm lượng tiền gửi trong 5 tháng đầu năm tăng thêm khoảng 7-8% . Do đó số tiền gửi tăng thêm thực tế chỉ vào khoảng 3-4%, đây là mức tăng rất thấp.

Tiền gửi của các Tổ chức nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng giảm đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp rút tiền ra để đầu tư kinh doanh. Mặt khác, công nợ giữa các doanh nghiệp tăng lên, nhiều doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau bởi nhiều doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng thương mại, hoặc lãi suất vốn vay quá cao, nên không dám vay, tình trạng đó cũng làm cho tiền gửi của doanh nghiệp tại NHTM giảm.

Tính chung đến hết tháng 5-2011, dư nợ cho vay của hệ thống ngân hang đối với nền kinh tế ước tính tăng khoảng trên 5%, trong khi đó số dư vốn huy động lại chỉ tăng có 1,48%, chỉ bằng dưới 1/3 so với mức tăng dư nợ cho vay. Đây là nguyên nhân lớn nhất làm cho lãi suất huy động vốn nội tệ tiếp tục ở mức cao, thị trường khan hiếm vốn.

Được biết đến cuối tháng 5-2011 có 14 NHTM có mức tăng trưởng tín dụng vượt 20%; trong đó có một số NHTM tăng dư nợ cho vay lên tới 24 – 26%, so với mức dư nợ đến cuối năm 2011 không được tăng quá 20% theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Một điểm đáng chú ý nữa là thời điểm đầu tháng 3-2011 có 18 NHTM có dư nợ cho vay phi sản xuất lên tới trên 25% và 24 NHTM có tỷ trọng trên 26%. Theo quy định của NHNN, đến ngày 30-6-2011 các NHTM phải giảm tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất xuống còn 22% tổng dư nợ. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trì trệ, bên cạnh đó số đông các khoản đã cho vay chưa đến hạn, thời hạn cho vay ghi rõ trong hợp đồng tín dụng, bởi vì NHTM không dễ gì thu nợ trước hạn được của khách hàng để giảm dư nợ cho vay phi sản xuất. Một giải pháp khác là NHTM phải tăng tổng dư nợ sẽ làm cho tỷ trọng dư nợ phi sản xuất giảm xuống. Nhưng mới đây NHNN có văn bản nói rõ việc bảo đảm mức tăng tín dụng không quá 20% duy trì trong suốt cả năm 2011 nên không dễ gì tăng được tổng dư nợ. Do đó NHNN cần linh hoạt lùi thời hạn quy định tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất thay vì mốc 30-6-2011, nên lùi sang thời điểm 30-9-2011 hoặc kéo dài hơn để bảo đảm tính khả thi, tháo gỡ khó khăn cho NHTM trong bối cảnh hiện nay.

Nguyên nhân quan trọng thứ hai đó là NHNN tiếp tục phát đi thông điệp ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, tiếp tục thu hút tiền từ lưu thông về. Trong khoảng thời gian cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2011, thông qua mua thêm 1 tỉ USD bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, về mặt lý thuyết Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng thêm ra lưu thông 20.600 tỉ đồng. Trong suốt 1 tháng, kể từ cuối tháng 4 đến 20-5-2011 NHNN đã thu hút ròng gần 40.000 tỉ đồng trên thị trường mở. Tiếp đó trong tuần từ 23 đến 27-5-2011, NHNN tiếp tục thu hút ròng thêm trên 17.000 tỷ đồng về. Như vậy, về mặt lý thuyết, đã có một khối lượng tiền trong lưu thông được thu hút về NHNN.

Nghị quyết 11 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội đã xác định rất rõ là chính sách tài khóa thắt chặt và điều hành chính sách tiền tệ phải chặt chẽ, thận trọng để bảo đảm công ăn việc làm và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế ở mức hợp lý 6-6,5%/năm. Nhưng trong thực tế điều hành chính sách tiền tệ như đã đề cập ở trên lại theo hướng thắt chặt, được sử dụng khá nhiều biện pháp và nghiệp vụ: thường xuyên tăng tất cả các loại lãi suất chủ đạo của NHNN, khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng không quá 20% và tổng phương tiện thanh toán không quá 16%, khống chế tỷ lệ cho vay phi sản xuất, quy định tỷ lệ vốn huy động được sử dụng cho vay, thu hút tiền từ lưu thông về,….nhưng lạm phát vẫn rất cao, đành rằng chính sách đã có độ trễ, nhưng thắt chặt tiền tệ được bắt đầu thực hiện từ ngày 1-11-2010 đến nay đã là hơn 7 tháng. Như vậy một lần nữa lại khẳng định, lạm phát không phải chủ yếu và duy nhất từ yếu tố tiền tệ, mà từ giá cả thị trường thế giới, do thiên tai, do tỷ giá,…do chi phí sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao,…Bởi vậy để kiềm chế lạm phát có hiệu quả không chỉ trông chờ vào thắt chặt tiền tệ, không chỉ giảm cầu mà còn phải tăng cung, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, đặc biệt là tăng cung lương thực – thực phẩm ra thị trường. Việc NHNN tiếp tục thu hút bớt tiền từ lưu thông về sẽ làm cho thanh khoản của nhiều NHTM thêm khó khăn, lãi suất không thể hạ được, lãi suất cho vay lên quá cao, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn.

Nền kinh tế tăng trưởng được ví như cơ thể một người mới lớn đang phát triển, có nhu cầu hợp lý về vốn với lãi suất phù hợp để sản xuất thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, về nguyên tắc cần bổ sung máu cho cơ thể, hay đáp ứng nhu cầu hợp lý khối lượng tiền trong lưu thông để cơ thể hoạt động nhịp nhàng, để nền kinh tế vận hành hiệu quả. Năm 2011 kinh tế dự kiến tăng trưởng trên 6%, dự kiến tiền trong lưu thông tăng thêm 16%. Con số 16% cũng được xem là thắt chặt vì nhiều năm qua, chỉ tiêu này lên đến 25-30%. Thế nhưng trong 5 tháng đầu năm 2011, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ bơm thêm 0,98%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 1,5%, dẫn đến một cơ thể lớn nhưng bị thiếu máu, nền kinh tế thiếu tính thanh khoản, lãi suất huy động bị đẩy lên cao nhưng vốn vẫn không huy động được.

Tình trạng thiếu máu, thiếu thanh khoản, thiếu vốn trầm trọng hơn khi giá cả trên thị trường xã hội tăng cao. Trong 5 tháng đầu năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng tăng 12,07%, kinh tế tăng trưởng 5,43%, vì vậy cần phải có thêm tiền trong lưu thông thì hoạt động của nền kinh tế mới không bị ảnh hưởng. Giả sử rằng ở thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước có sử dụng hết chỉ tiêu tăng lượng tiền trong lưu thông của cả năm 2011 thì cũng chỉ đủ bù đắp cho mức tăng của giá cả và tăng trưởng kinh tế.

Tiền gửi của doanh nghiệp giảm, doanh nghiệp rút ra để sử dụng, vốn của doanh nghiệp bị chiếm dụng lẫn nhau, dư nợ cho vay tăng thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm, thị trường bất động sản trì trệ… làm cho vòng quay vốn trong nền kinh tế chậm lại, tiền luân chuyển qua kênh ngân hàng giảm, hệ số nhân tiền cũng giảm đi, càng tác động đến thanh khoản của nền kinh tế. Vì vậy đòi hỏi NHNN, với vai trò là ngân hàng Trung ương, ngân hàng của các ngân hàng linh hoạt trong vấn đề này thì mới tháo được nút gỡ về lãi suất hiện nay, chứ không chỉ có một chiều thu hút tiền từ lưu thông về.

Nhiều năm qua, về cơ bản nguyên lý lãi suất huy động thực dương được áp dụng đối với hệ thống ngân hàng, tức là lãi suất cao hơn lạm phát, có lợi cho người gửi nhưng gây khó khăn cho người vay vốn. Nhưng đến nay và trong điều kiện hiện nay thì nguyên lý trên cần được linh hoạt trong cả nhận thức và hành động. Bởi vì lãi suất lên tới 17% – 20% mà vốn huy động vẫn không vào, thì liệu rằng tăng lên 21-23% lãi suất có vào không và khi đó lãi suất cho vay sẽ tăng tới đâu, liệu có phải rằng lên tới 26% – 28%/năm hay không. Thử hỏi rằng có nền kinh tế nào trong khu vực có mức lãi suất nội tệ lên tới đỉnh điểm đó như ở Việt Nam.

Tại Mỹ lạm phát là 3,2% nhưng lãi suất huy động của các ngân hàng và định chế tài chính là 0,5%/năm; con số này ở khu vực đồng ơ-rô ở châu Âu tương ứng là 2,8 và 2,2%; tại Trung Quốc 5,3% và 3,25%; Xin-ga-po 5% và 0,5%; Thái Lan 3,27% và 1,5-2,1%. Việt Nam lạm phát dự kiến trên ( chỉ só CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2011 so với cùng kỳ năm 2010) 15% nhưng hiện nay các ngân hàng thương mại trả cho người gửi 17-18%, thậm chí 20%, gánh nặng lãi suất đổ lên người vay, người sản xuất, đến doanh nghiệp, đến người lao động.

Tại nhiều nước trên thế giới, nguyên tắc thực dương được áp dụng với lãi suất cho vay. Người gửi tiền phải chấp nhận lãi suất thấp hơn lạm phát nhưng thị trường chứng khoán sẽ thu hút được vốn, doanh nghiệp tạo công ăn việc làm.

Vì vậy, cần thống nhất trong nhận thức và hành động về nguyên lý lãi suất theo thông lệ quốc tế, cần sớm tiếp cận nguyên tắc điều hành lãi suất mới, có lộ trình thực hiện để hướng tiền nhàn rỗi chảy vào kênh đầu tư.

Bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế và cho các NHTM, hạ lãi suất cho vay, hoàn toàn nằm trong tầm tay của NHNN, vấn đề là cần linh hoạt để hành động./.

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2011/400/Xu-ly-bai-toan-lai-suat-thao-go-kho-khan-ve-von.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading