admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP VỀ HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG: CÁI CỐNG HÔI TRƯỚC CỬA SẠP

DƯƠNG HẰNG

Bên mua khởi kiện đòi lại tiền cọc vì cho rằng bị lừa bán cái sạp có cái cống bốc mùi hôi thối. Nắp cống khá lớn và cao hơn so với mặt đường, ở phía trước cống còn có nước chảy nên người bán không thể che kín bưng.

Tháng 10-2009, biết vợ chồng bà H. bán hai cái sạp liền kề tại chợ Tân Bình (TP.HCM), bà L. đến mua một cái với giá 1,5 tỉ đồng, đặt cọc trước 100 triệu đồng.

Đòi lại tiền cọc

Sau một thời gian tới lui để hoàn tất hợp đồng, bà L. phát hiện trước cửa sạp có nắp cống thường xuyên bốc mùi hôi thối. Bà L. cho rằng người bán cố tình dùng bạt phủ kín, che nắp cống khiến bà không nhìn thấy nên mới mua cái sạp này. Bà yêu cầu người bán đổi sang sạp kế bên nhưng không được đồng ý. Do vậy, bà khởi kiện đòi lại tiền cọc vì người bán lừa dối khi giao kết hợp đồng.

Ngược lại, bên bán cho rằng nắp cống hiện hữu từ lâu, bà không che giấu gì cả. Từ ngày xem sạp đến lúc đặt cọc tiền cách nhau hơn một tuần, bà L. đã tới thăm sạp rất nhiều lần. Như vậy, bà L. đã phải xem xét rất kỹ lưỡng rồi mới quyết định mua sạp. Sau khi nhận tiền đặt cọc, bà nhiều lần hối thúc bà L. đến giao tiền và nhận sạp nhưng bà L. không thực hiện.

Theo bên bán, lỗi này hoàn toàn từ phía người mua nên người này phải mất toàn bộ tiền cọc.

Hợp đồng vô hiệu

Năm 2010, xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình nhận định nắp cống khá lớn và cao hơn so với mặt đường, ở phía trước cống còn có nước chảy nên người bán không thể che kín bưng. Đồng thời, trước khi thỏa thuận và đặt cọc tiền sang sạp, nguyên đơn nhiều lần đến xem xét thực tế vị trí sạp. Do đó, không thể nói người bán có hành vi gian dối trong giao dịch. Nguyên đơn không chịu nhận sạp theo thỏa thuận là có lỗi nên bị mất cọc như đã giao kết.

Không đồng ý, bà L. đã kháng cáo lên TAND TP.HCM. Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, luật sư của bà L. cho rằng trong hợp đồng, bà H. bán cho bà L. cái sạp X. chứ không phải là sạp X./1. Nhưng khi giao dịch cả người mua và người bán đều nhầm tưởng đang mua bán sạp X./1 (sạp có cái nắp cống phía trước). Do đó, khi phát hiện mua nhầm sạp, người mua yêu cầu chuyển sạp theo đúng hợp đồng là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, sạp X. đã bị bà H. bán cho người khác khiến chủ thể của hợp đồng không còn. Do vậy, bà L. yêu cầu hủy hợp đồng, đòi lại tiền cọc là đúng.

Sau khi xem xét, HĐXX nhận định hợp đồng ghi rõ chủ thể mua bán là sạp X. Tuy nhiên, tài sản các bên tranh chấp trên thực tế lại là sạp X./1. Xét về mặt pháp lý thì hợp đồng không đúng về đối tượng, xét về mặt thực tế thì không đúng về chủ thể nên hợp đồng không phát sinh hiệu lực. Vì lẽ đó, tòa tuyên hợp đồng mua bán sạp vô hiệu, yêu cầu bên bán hoàn trả lại 100 triệu đồng mà bên mua đã đặt cọc…

Vô hiệu hợp đồng là hợp lý

Trong giao dịch, ý chí tự nguyện giữa các bên là mua bán sạp X. nhưng trên thực tế lại tiến hành giao nhận sạp X./1. Như vậy, giữa các bên đã có sự nhầm lẫn về đối tượng, nội dung của hợp đồng.

Theo quy định, khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó. Nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Như vậy, sau khi phát hiện nhầm lẫn, người mua có quyền yêu cầu người bán giao lại sạp X. đúng như giao dịch trong hợp đồng. Việc sạp X. đã bị bán cho người khác dẫn tới đối tượng chủ thể của hợp đồng không còn nên tòa tuyên vô hiệu hợp đồng là hợp lý.

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20110409123359498p1063c1016/cai-cong-hoi-truoc-cua-sap.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading