admin@phapluatdansu.edu.vn

TRANH CHẤP DÂN SỰ: NGÔI MỘ CỦA AI?

HOÀNG YẾN

Một ngôi mộ, hai người đều giành là mộ của cha mình. Tranh chấp, không ai giải quyết vì pháp luật chưa quy định. Cho đến nay chưa có một văn bản pháp luật nào quy định tranh chấp về mồ mả, hài cốt thì giao cho tòa hay UBND giải quyết.

TAND một quận tại TP.HCM đang lúng túng, không biết có thụ lý, giải quyết một vụ tranh chấp mồ mả hay không.

Một ngôi mộ, hai người giành

Trong đơn khởi kiện, ông TVT trình bày rằng năm 1985, cha ông mất, được an táng tại miếng đất mà ông mua giấy tay của một người quen. Hằng năm, ông vẫn đến chăm nom, hương khói cho người đã khuất. Được một thời gian, do hoàn cảnh khó khăn, ông phải rời TP về quê làm ăn. Nay quay trở lại, ông muốn bốc mộ cha đưa về nơi mình đang sinh sống để tiện thăm nom. Thật bất ngờ, ngôi mộ của cha ông đã được gia đình ông NVD (người mua đất gần đó sau này) trang trí, tu bổ khác hẳn.

Ông T. bèn gặp ông D., nói ý định muốn bốc mộ cha về nơi khác để an táng thì ông D. phản đối, nói ngôi mộ đó là của cha ông D., được an táng vào năm 1990 ngay trong khuôn viên nhà ông D. Bức xúc, ông T. trưng các bức ảnh khi tổ chức an táng cha mình, giấy tờ mua đất… để chứng minh ngôi mộ đó là mộ của cha mình. Tuy nhiên, ông D. cứ một mực khăng khăng rằng khi gia đình ông dọn về đây sinh sống thì mảnh đất không có bất kỳ ngôi mộ nào. Sau này cha ông chết, ông mới lập ngôi mộ trên để thờ cúng.

Ông T. đến nhờ UBND phường can thiệp nhưng ủy ban từ chối vì cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Ông bèn khởi kiện ông D. ra TAND quận, yêu cầu được bốc mộ của cha về nơi khác chăm nom. Nhưng như đã nói, tòa cũng đang lúng túng, không biết có nên thụ lý hay không.

Luật chưa quy định, không ai giải quyết

Trong vụ này, nội bộ của tòa đang có hai luồng quan điểm trái chiều: Một cho rằng pháp luật chưa có quy định đối với loại tranh chấp này, nếu tòa thụ lý giải quyết thì nhất định sẽ bị cấp trên hủy án. Ngược lại, có ý kiến cho rằng nếu không thụ lý thì sẽ rất ngặt cho ông T. vì ông sẽ không biết phải nhờ ai nữa.

Đây không phải là vụ tranh chấp mồ mả đầu tiên. Báo Pháp Luật TP.HCM đã từng phản ánh nhiều vụ tương tự nhưng đều không được cơ quan nào đứng ra giải quyết cũng bởi lý do pháp luật hiện hành chưa có quy định điều chỉnh.

Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, với tranh chấp dạng này, trước đây có tòa thụ lý, giải quyết nhưng cũng có tòa từ chối. Vì thế, ngành tòa án đã nhiều lần đưa ra bàn cãi, sau đó có quan điểm chung là nếu gặp tranh chấp đất đai mà trên đất có mồ mả thì các tòa chỉ thụ lý, giải quyết về phần đất, không đụng tới phần mồ mả, hài cốt. Bởi lẽ cho đến nay, chưa có một văn bản pháp luật nào quy định tranh chấp về mồ mả, hài cốt thì giao cho tòa hay UBND giải quyết. Mặt khác, TAND Tối cao cũng chưa có văn bản hướng dẫn riêng trong ngành.

Quay trở lại vụ việc của ông T., vị thẩm phán mách nước: “Nếu tôi giải quyết vụ này, tôi sẽ hướng dẫn ông T. khởi kiện theo dạng tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể ở đây, ông T. có thể kiện đòi ông D. bồi thường thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm theo Điều 629 Bộ luật Dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ việc, các bên sẽ phải chứng minh bằng được đó là mồ mả thuộc về gia đình nào để tòa phán quyết. Như vậy tòa cũng sẽ xác định được là mộ đó thuộc về gia đình ông T. hay ông D.”.

Phải thụ lý?

Quyền di dời, bảo quản, trông nom, hương khói mồ mả, hài cốt của thân nhân là một quyền chính đáng và thiêng liêng. Việc không được cơ quan nào đứng ra phân xử sẽ vô tình thúc đẩy người dân “tự xử” với nhau, dẫn đến các hành xử tiêu cực, vi phạm pháp luật. Mặt khác, theo nguyên tắc tư pháp tiến bộ, tòa không thể từ chối thụ lý đối với bất kỳ dạng tranh chấp nào chỉ vì thiếu quy định. Do đó, ngành tòa án nên thụ lý, giải quyết dạng tranh chấp này. Trong trường hợp pháp luật dân sự chưa kịp bổ sung quy định điều chỉnh thì ngành tòa án có thể áp dụng tập quán để xử.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM

Một số vụ tranh chấp mồ mả

– Tháng 4-2010, ông S. gặp chú ruột xin được cải táng mồ mả cha mẹ hiện chôn cất tại khu mộ gia tộc trên đất của người chú ở Lai Vung (Đồng Tháp) về một nghĩa trang tại TP Cần Thơ để tiện bề chăm sóc. Người chú cương quyết không đồng ý nên ông S. phải nhờ đến chính quyền xã. Xã đã vận động người chú cho ông S. bốc mộ cha mẹ nhưng bất thành. Ông S. bèn gửi đơn nhờ huyện Lai Vung giải quyết thì bị từ chối, chỉ qua TAND huyện vì nội dung yêu cầu của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện. Ông S. kiện ra TAND huyện Lai Vung, tòa cũng trả lại đơn vì cho rằng vụ việc của ông không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

– Tháng 5-2008, TAND huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ ông HQC bị họ hàng kiện đòi bồi thường vì tự ý di dời ngôi mộ của người anh. Theo tòa, loại tranh chấp này hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn giải quyết cụ thể. Trước đó, năm 2006, ông C. di dời hài cốt của người anh về chôn cất ở chỗ khác để giao mảnh đất tọa lạc tại xã Thới Thạnh cho người mua đất. Phát giác sự việc, thân nhân của người quá cố đã tố giác đến các cơ quan chức năng. Xã đưa ra hòa giải không thành nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến tòa…

– Năm 2007, bà N. khởi kiện nhờ TAND quận Bình Tân (TP.HCM) tuyên dời mộ người anh họ ra khỏi đất của bà. Nhận đơn, tòa lắc đầu từ chối thụ lý vì cho rằng không thuộc thẩm quyền. Bà N. khiếu nại việc này thì bị lãnh đạo tòa bác đơn. Do vậy, bà N. phải quay về nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng chính quyền cũng lúng túng, không biết xử lý sao…

SOURCE: PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ HCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20110112115223258p1063c1016/ngoi-mo-cua-ai.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading