admin@phapluatdansu.edu.vn

CHỐNG THAM NHŨNG ĐƯỢC KHÔNG?

GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM

Có thể, nếu…

1. Việt nam có tham nhũng không?

1.1.Chuyện quốc tế.

Tham nhũng ư? Chuyện xưa như trái đất. Ở đâu có quyền lực ở đó có thể có tham nhũng, nước nào mà chẳng có tham nhũng. Rất nhiều người sẽ nói như vậy. Cách hiểu về tham nhũng (thậm chí là bản chất tham nhũng), qui mô, „chất lượng“ và hậu quả của tham nhũng cũng rất khác nhau tùy mỗi nước. Đúng thôi.

Nhưng ngày nay, qúa trình Toàn cầu hóa đã khiến tham nhũng không còn là chuyện nội bộ của mỗi quốc gia nữa. Cộng đồng quốc tế phải đặc biệt quan tâm đến việc cùng nhau tìm ra cách thức chung để giải quyết nạn tham nhũng, cũng có nghĩa là cần tìm ra những đặc trưng có giá trị phổ quát của tham nhũng.

Các nước phát triển- nơi có môi trường cạnh tranh tự do, lành mạnh- phải quan tâm xử lý cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các công ty của mình ở thị trường nước ngoài, nơi họ có thể dễ dàng hối lộ để nhận được hợp đồng. Trong vai trò nước cung cấp viện trợ phát triển và các khoản vốn đầu tư quan trọng nhất cho phát triển, các nước này ngày càng phải quan tâm đến việc sử dụng tiền của nước nhận viện trợ. Quản trị công tồi tệ gây thất thoát, sử dụng không hiệu quả số tiền này có thể gây hậu quả dây chuyền rất nghiêm trọng đến cộng đồng quốc tế (như trường hợp khủng hoảng của Hy lạp vừa qua). Cấp viện trợ, tín dụng một cách dễ dãi không cần quan tâm đến hiệu quả sử dụng cũng sẽ khiến người đóng thuế tại nước cấp viện bất bình và có thể dẫn đến giảm mạnh độ tín nhiệm vào chính phủ.

Theo Tổ chức minh bạch quốc tế TI (Transparency International) tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được tin cậy giao phó cho lợi ích cá nhân. „Corruption is operationally defined as the misuse of entrusted power for private gain“. Dưới góc độ pháp lý rộng hơn, luật pháp của nhiều nước Châu Âu định nghĩa tham nhũng gồm 02 yếu tố cấu thành: a) Hành vi lạm dụng vị trí quyền lực, không tôn trọng các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi, trách nhiệm công chức và luật pháp; và b) Cho lợi ích cá nhân. Những định nghĩa như vậy chủ yếu hướng vào sự lạm dụng quyền lực công (quyền lực của Nhà nước, cơ quan công quyền).

Tuy nhiên, lạm dụng quyền lực được tin cậy giao phó không chỉ trầm trọng ở cơ quan công quyền, mà còn ngày càng phát triển trong giao dịch kinh tế, dân sự, chính trị quốc tế. Vì vậy, Hội đồng Châu Âu cùng Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển đã đưa ra một định nghĩa rộng hơn về tham nhũng. Theo đó, tham nhũng gồm các yếu tố cấu thành sau: a) Hành vi của những người được tin cậy giao phó nhiệm vụ công hoặc tư; b) Không tôn trọng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; c) Nhằm đạt được các lợi ích không chính đáng. Định nghĩa này bao trùm các lĩnh vực công, tư, bán công, chuẩn mực đạo lý của xã hội dân sự, thực tiễn lợi dụng vị trí được tin cậy trong giao dịch dân sự, cũng như tham nhũng chính trị.

Điểm đặc biệt là ở đây, người ta không nhắc đến quyền lực mà chỉ nói đến nhiệm vụ được tin cậy giao phó. Điều này phù hợp với quan điểm chung thống nhất hiện nay về nguyên tắc phân chia quyền lực trên cơ sở quan hệ giữa nhiệm vụ và quyền hạn trong một Nhà nước pháp quyền. Theo đó, quyền lực được trao là để hoàn thành một nhiệm vụ xác định. (Nghĩa là phải xác định nhiệm vụ cụ thể trước khi trao quyền). Việc nhấn mạnh „ được tin cậy giao phó“ cho thấy nguyên nhân sâu xa của tham nhũng nằm ở lòng tin, ở giá trị của sự được tin cậy và cùng với nó là sự cần thiết phải xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội dân sự. Ngoài ra, việc không còn giới hạn mục tiêu tham nhũng trong phạm vi „vì mục đích cá nhân“, mà mở rộng thành „ đạt được những lợi ích không chính đáng“ cũng giúp pháp luật dễ dàng thâu tóm được hầu hết các hình thức tham nhũng rất tinh vi hiện đại.

Tham nhũng là một hiện tượng đặc trưng và nổi tiếng của các nước đang phát triển (ĐPT), đặc biệt là các nước nghèo. Nhưng không phải vì thế mà người ta nhanh chóng nhất trí về nguyên nhân gây tham nhũng. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi tham nhũng còn được xem là chuyện nội bộ của các nước ĐPT, thì quản trị công tồi = chính phủ yếu kém (Bad Governance) vẫn được coi là nguyên nhân cơ bản gây tham nhũng. Vì vậy, để chống tham nhũng, các nước cấp viện yêu cầu các nước ĐPT xây dựng một chính phủ quản trị tốt theo tiêu chí của EU như sau:

– Trách nhiệm của chính phủ thể hiện qua sự minh bạch và kiểm soát được của các trình tự ra quyết định.

– Sự chính danh của chính phủ qua bầu cử.

– Nhà nước pháp quyền.

– Trách nhiệm vì quyền lợi cộng đồng của các định chế công.

– Tôn trọng quyền con người.

– Bảo đảm tự do ngôn luận, báo chí.

– Tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình cân bằng-kiểm soát quyền lực công.

Không khó khăn gì để thấy ngay rằng những yêu cầu này là phi thực tế, không thể thực hiện nổi ở các nước ĐPT, mà đặc biệt là ở các nước kém phát triển mới bước đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Do những đòi hỏi này là quá cao, không phù hợp khả năng và hoàn cảnh thực tế của mình, các nước ĐPT cũng không tin vào các biện pháp chống tham nhũng được các nước cấp viện đề nghị.

Sau đó, trước tình hình tham nhũng ở các nước ĐPT càng trầm trọng, dưới sức ép Tòan cầu hóa, các tổ chức quốc tế, các nước phát triển đã phải phối hợp nghiên cứu chống tham nhũng một cách thực tế hơn, bài bản hơn. Ngày nay, ngân hàng thế giới WB, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD, Liên minh Châu Âu, nhận định nguyên nhân gây ra tham nhũng chủ yếu là do: a) Nghèo đói; b) Quản trị công kém; c) Tác động của các công ty nước ngoài.

Tiêu chí để xây dựng một chính phủ có khả năng quản trị tốt cũng thay đổi uyển chuyển hơn. Đó là: a) Một chính phủ có ý thức trách nhiệm cao; b) Tôn trọng các nguyên tắc dân chủ; c) Xây dựng được các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội là điều kiện cơ bản để chống đói nghèo, chống tham nhũng.

1.2.Chuyện ta.

Cứ đến mùa tựu trường, bác gác cổng trường oai hẳn lên vì có quyền phân phát hồ sơ nhập học. Với bác ấy, nhận thêm vài nghìn cho mỗi hồ sơ để tăng ngân sách gia đình mình, hẳn cũng là điều tự nhiên thôi, chẳng việc gì phải băn khoăn. Ai đã từng xếp hàng mua vé tàu tết, chắc hẳn không thể quên anh trật tự viên đầy quyền lực. Bạn có thể tự nhiên phải nhường chỗ cho vài người được anh ta xếp lên trước với những lý do đầy sức thuyết phục. Vài chục nghìn cho một lần xếp vượt chỗ là điều hiển nhiên anh trật tự viên vẫn làm. Và…không ai thấy đó là điều cần lên án cả. Xa hơn, cao hơn bác bảo vệ, anh trật tự viên, vẫn là những hành vi ấy nhưng ở mức độ „khủng“ hơn. Họ xếp chỗ nhận những dự án, hợp đồng, chia đất… hàng trăm triệu USD và thu nhập từ công việc xếp chỗ có thể tới hàng chục triệu USD, cũng là để tăng thu nhập đáp ứng nhu cầu ngày càng không thể thỏa mãn nổi của cá nhân, của gia đình, của họ hàng. Và…tất nhiên chẳng ai việc gì phải lăn tăn lương tâm khi làm điều đó vì gia đình.

Lạm dụng quyền lực là sử dụng quyền lực không đúng mục đích, không đúng chức năng, ngoài giới hạn được phép. Để có thể giữ mức sống tối thiểu; để nâng cao thu nhập đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của gia đình; để củng cố và mở rộng lợi ích của mình và bạn hữu…người ta sử dụng quyền lực. Do rất nhiều nguyên nhân, mục đích sử dụng quyền lực như thế được thừa nhận- hay chí ít cũng nhận được sự thông cảm- một cách tổng quát và rộng khắp trong xã hội, bất chấp ai là người có quyền gì và dùng nó để đạt được mục tiêu cụ thể nào. Sự thừa nhận- hay thông cảm- một cách tổng quát bất thành văn như vậy đã chính danh hóa việc sử dụng quyền lực vì mục đích cá nhân. Nghĩa là việc sử dụng quyền lực được tin cậy giao phó để phục vụ lợi ích cá nhân- đặc biệt là vì gia đình, bà con họ hàng, bạn bè- được ngầm hiểu là đúng mục đích, đúng chức năng và trong giới hạn cho phép, không phải là sự lạm quyền. Vì vậy, có thể nói, ở ta không có tham nhũng vì không có sự lạm dụng quyền lực. Nó chỉ đơn giản là kinh doanh quyền lực. Đây chính là một trở ngại rất lớn cho công cuộc chống tham nhũng.

Phải chỉ đích danh cuộc kinh doanh quyền lực này là tham nhũng. Tham nhũng ở ta, về cơ bản, cũng có những đặc trưng như tham nhũng ở các nước ĐTP, bị nghèo đói do thể chế:

(1) Cơ hội tham nhũng rất lớn; khả năng bị phát hiện, truy tố thấp; cơ hội giải quyết nội bộ rất cao.

· Quyền lực công bao trùm toàn bộ các lĩnh vực thiết yếu của đời sống cá nhân, hoạt động của xã hội. Ở những nước này, Nhà nước là người duy nhất có quyền định đoạt việc sử dụng đất đai, tài nguyên, công nhận các hình thức sở hữu tư nhân, chuẩn y mọi hình thức đầu tư. Các công ty Nhà nước độc quyền cung cấp điện, nước, khí đốt, nhu yếu phẩm, giao thông,…

· Chưa luật hóa giới hạn quyền lực và trách nhiệm cụ thể của người sử dụng quyền lực. Luật pháp thiếu các chuẩn mực luật định xác định nguyên tắc trao và xác định quyền lực cụ thể gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ cụ thể. Quyền lực được trao vì những mục đích lý tưởng chung chung. Trách nhiệm sử dụng quyền lực vì vậy cũng chung chung. Trách nhiệm cá nhân chỉ có tính hình thức và không thể xác định rõ ràng được trong thực tế do quan hệ xã hội nhiều tầng của công chức, cán bộ Nhà nước, cán bộ đảng cầm quyền.

· Không thể truy cứu trách nhiệm cuối cùng do chưa luật hóa qui trình truy cứu trách nhiệm đến tận gốc rễ. Vì một qui trình như vậy sẽ không phù hợp với lợi ích của đa số người sử dụng quyền lực công để thủ lợi cá nhân.

· Sự chồng chéo, không minh bạch về thẩm quyền xử lý tham nhũng. Ở những nước nghèo do cơ chế, phân chia thẩm quyền xử lý tham nhũng cũng là một lĩnh vực tham nhũng béo bở. Sự chồng chéo, không minh bạch này được chủ đích tạo ra để: i) bảo vệ và củng cố quyền lực của nhóm lãnh đạo „Nhà nước trên Nhà nước“; ii) kiểm soát hoạt động tham nhũng kinh doanh quyền lực cho phù hợp với tương quan quyền lực của các nhóm lợi ích ở cấp cao nhất.

· Hệ thống pháp luật vừa thiếu vừa lỏng lẻo.

(2) Tham nhũng chủ yếu vì lợi ích kinh tế.

Khởi đầu, tham nhũng ở các nước ĐPT nghèo do thể chế chỉ nhằm lợi ích kinh tế. Tiếp đó, sự tích lũy nhanh chóng của cải từ tham nhũng, sự thâu tóm quyền lực qua cơ chế xử lý tham nhũng, … đã dẫn đến hình thành một vài nhóm có cùng lợi ích kinh tế chia nhau quyền lực quản lý đất nước. Đây là hệ quả khó tránh khỏi khi một quốc gia nghèo đói do thể chế bước vào giai đoạn phát triển kinh tế với sự giúp đỡ của các nguồn lực bên ngoài.

(3) Hình thành, phát triển các nhóm lợi ích có quyền lực lớn, cản trở mạnh mẽ công cuộc chống tham nhũng, quá trình dân chủ hóa đất nước.

Sự hình thành một vài nhóm lợi ích cùng chia sẻ quyền lực quản lý Nhà nước (Oligarchie) trong giai đoạn kinh tế phát triển sẽ trở thành trở ngại chính cho giai đoạn phát triển tiếp theo: cải tổ hệ thống chính trị-xã hội cho thích ứng với phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế. Quan tâm chính của các nhóm lợi ích là củng cố quyền lực của mỗi nhóm và cân bằng lợi ích giữa họ. Công cụ chính của họ là phân phối lợi ích kinh tế từ việc kinh doanh quyền lực (tham nhũng) cho mỗi nhóm.

Các nhóm như vậy chỉ đồng ý thực hiện những cải cách, quyết sách nào không ảnh hưởng đến quyền lực chính trị mang lại lợi ích kinh tế của mình. Khi đó, quyết sách quốc gia thường là thỏa hiệp lợi ích giữa các nhóm này, không vì lợi ích quốc gia. Quá trình dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, chiến lược phát triển ,…vẫn được thực hiện về hình thức. Nhưng bản chất đã bị làm cho sai lệch, chỉ còn được định hướng theo các thỏa hiệp bảo đảm, bảo vệ lợi ích nhóm. Những cải cách, quyết sách nào không ảnh hưởng đến lợi ích nhóm mới được thực hiện.

(4) Không bị lên án về mặt đạo đức.

Do rất nhiều nguyên nhân- mà đặc biệt do nghèo đói kéo dài trong một thể chế dùng quyền lực để cưỡng đoạt lòng tin- việc phải tìm mọi cách để đảm bảo sự tồn tại có thể của gia đình đã không chỉ là mục đích, mà còn trở thành một biện minh vạn năng về mặt đạo lý cho việc lạm dụng quyền lực. Những tham nhũng không trực tiếp cho thấy thiệt hại vật chất nặng nề rất ít khi bị xã hội lên án.

(5) Ai cũng có thể tham nhũng.

2. Làm gì để chống được tham nhũng?

2.1.Kinh nghiệm quốc tế.

Các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Liên minh Châu Âu, Ngân Hàng Thế giới và nhiều nước cấp viện đều có công trình nghiên cứu sâu về tình trạng tham nhũng và đề xuất giải pháp chống tham nhũng ở các nước ĐPT.

Vào năm 1999, nhóm 07 nước công nghiệp phát triển nhất G-7 họp tại Köln (Đức) bàn việc cắt giảm nợ cho các nước nghèo, đã đề xuất chiến lược „ Xây dựng và thực hiện chiến lược chống nghèo đói“ ( Poverty Reduction Strategy Paper, PRSP) và quyết định lấy việc thực hiện PRSP làm điều kiện để miễn, giảm nợ cho các nước ĐPT. Ngày nay, các nguyên tắc nêu trong PRSP được công nhận là những nguyên tắc không thể bỏ qua trong cuộc chiến chống tham nhũng-nghèo đói.

PRSP nhận định, một mặt, tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính trực tiếp gây ra, làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo; tác động nhiều mặt đến kinh tế, chính trị, cá nhân, xã hội; và là một trong những biểu hiện đặc trưng của quản trị công tồi. (Bad Governance ). Tham nhũng gây tổn thất các nguồn lực quan trọng là một cản trở to lớn đối với công cuộc chống đói nghèo.

Mặt khác, đói nghèo cũng là một nguyên nhân căn bản gây ra tham nhũng. Chống đói nghèo tốt tạo điều kiện chống tham nhũng có hiệu quả. Kết quả chống đói nghèo, chống tham nhũng tuy phụ thuộc vào điều kiện xã hội, chính trị, kinh tế và truyền thống đạo lý của mỗi nước, nhưng không thể không dựa trên một số nguyên tắc chính có tính phổ cập.

Trên cơ sở đó, PRSP nêu các nguyên tắc chung nhất chống đói nghèo- tham nhũng, đó là[i]:

(1) Phải kết hợp một cách hữu cơ giữa chống tham nhũng với chống đói nghèo trong một chiến lược chống đói nghèo chung;

(2) Phải tuân thủ ít nhất là các nguyên tắc sau:

a) Minh bạch:

· Trong toàn bộ hoạt động của Nhà nước, cơ quan công quyền

· Hành vi càng minh bạch, càng dễ kiểm soát, càng khó bị lợi dụng.

· Chiến lược PRSP cụ thể hóa, làm minh bạch các hoạt động của Nhà nước.

· Nhà nước không chỉ chịu trách nhiệm đưa các chiến lược kinh tế, chính trị ra thảo luận công khai, mà còn phải cung cấp bằng chứng đã thực hiện chúng như thế nào.

b) Truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn:

· Qui định rõ ràng, cụ thể ai, cơ quan công quyền nào chịu trách nhiệm về các biện pháp, hành vi nào.

· Có quy trình pháp lý truy cứu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình hình thành và thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước.

· Kiểm soát và cân bằng quyền lực với sự tham gia mạnh mẽ của cơ quan lập pháp và xã hội để truy cứu đến nơi đến chốn trách nhiệm của chính phủ và cán bộ, công chức.

c) Trách nhiệm giải trình và chứng minh của chính phủ, cơ quan công quyền:

· Chính phủ có trách nhiệm giải trình công khai lý do thực hiện của bất cứ hoạt động quản lý, sử dụng quyền lực công nào; và

· Chứng minh sự hợp lý của chúng trước người dân, công luận.

d) Sự tham gia sâu rộng của người dân, tổ chức xã hội:

· Theo dõi, phê phán, tố cáo hoạt động sai trái của chính phủ, cơ quan công quyền, các định chế khác.

· Tạo cơ sở hợp lý cho qui trình hình thành quyết sách địa phương, nâng cao tính minh bạch, khả năng truy cứu trách nhiệm của quản trị công và tạo điều kiện để kiểm soát tốt hơn việc sử dụng các nguồn lực.

(Chương trình PRSP nào có kế hoạch thực hiện điểm (d) này được gọi là Full-PRSP).

· Quyền khởi kiện như một pháp nhân của Hiệp hội.

e) Nhà nước pháp quyền.

· Sự độc lập của Tòa án, đặc biệt là Tòa hành chính phải có thẩm quyền xem xét, kiểm tra bất cứ hoạt động nào sử dụng quyền lực Nhà nước của chính phủ và cơ quan công quyền.

· Quyền khởi kiện bất cứ hoạt động quản lý Nhà nước nào của người dân, của Hiệp hội và tổ chức phi chính phủ.

· Sự hoàn chỉnh của hệ thống tòa án, bao gồm Tòa Hiến pháp.

2.2.Một số biện pháp chính chống tham nhũng Việt nam.

Các biện pháp chống tham nhũng cần được thực hiện đồng bộ, kết hợp chặt chẽ với nhau. Tiêu chí đánh giá kết quả chống tham nhũng cần gắn liền với kết quả chống đói nghèo.

Những biện pháp cụ thể vừa phải tuân theo các nguyên tắc chính (mục tiêu) đã được quốc tế công nhận, vừa phải phù hợp với hoàn cảnh riêng của Việt nam.

Để có thể thực sự chống tham nhũng, những biện pháp sau đây là những biện pháp tối thiểu, không thể không làm:

2.2.1. Xác định, hạn chế và giới hạn rõ ràng phạm vi quyền lực công bằng và trong khuôn khổ pháp luật.

(1) Minh định rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của đảng CSVN khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đây là việc làm cấp thiết để bảo đảm rằng: a) bất kỳ sự sử dụng quyền lực tối cao nào đối với xã hội cũng phải nằm trong khuôn khổ và được pháp luật cho phép; b) có thể truy cứu trách nhiệm-đến nơi đến chốn- của bất cứ thành viên xã hội nào (cá nhân, tổ chức) được trao quyền lực; c) có đủ các điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền thật sự; và d) đảng CSVN luôn xứng đáng là đảng lãnh đạo Hiến định duy nhất được Hiến pháp công nhận.

Trong chế độ Dân chủ của một Nhà nước pháp quyền, quyền lực bao giờ cũng phải gắn chặt không thể tách rời với trách nhiệm của người sử dụng nó trước người dân. Nguyên tắc quyền lực phải gắn chặt với trách nhiệm được quốc tế nhất trí công nhận là nguyên tắc hoạt động để phân biệt chế độ dân chủ với các chế độ khác. Một hình thái tổ chức xã hội, mà ở đó, quyền lực không gắn liền với trách nhiệm thì cũng không thể có chế độ dân chủ.

Quyền lực không thể là vô giới hạn. Quyền lực được trao để thực hiện những nhiệm vụ xác định. Người được trao quyền lực có 02 trách nhiệm chính: a) trách nhiệm sử dụng quyền lực đúng mục đích và b) trách nhiệm chịu trách nhiệm khi không hoàn thành trách nhiệm a). Không thể nói đến trách nhiệm khi không có các qui định pháp luật đánh giá, kiểm tra được mức độ hoàn thành trách nhiệm và qui định những hậu quả pháp lý cụ thể mà người sử dụng quyền lực phải chịu khi không hoàn thành trách nhiệm. Các qui định như vậy có cũng như không, nếu nó không được áp dụng cho tất cả mọi người, mọi tổ chức.

Đảng CSVN được Hiến pháp giao nhiệm vụ lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Để hoàn thành nhiệm vụ này, đảng được trao cho quyền lực tối cao. Tuy Điều 4 Hiến pháp qui định mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Nhưng ta chưa có luật về hoạt động của đảng CSVN. Thực tế, đảng là người quyết định tất cả; quyết định của đảng là quyết định có hiệu lực cuối cùng đối với mọi hoạt động của Nhà nước. Nhưng hiện nay chưa có một cơ sở pháp lý nào cho phép Tòa án kiểm tra tính hợp pháp và hợp lý của các quyết định của đảng. Sử dụng quyền lực tối cao mà không phải chịu trách nhiệm với những hậu quả pháp lý xác định, chính là một trong những trở ngại lớn nhất cho công cuộc phòng chống tham nhũng.

Để khắc phục sơ xuất trên, cần sớm thực hiện Điều 4 Hiến pháp mà ban hành Luật về hoạt động của đảng CSVN, nhất thể hóa đảng CSVN với chính phủ (Tổng bí thư đảng là thủ tướng) và có thể xem xét công nhận bộ chính trị là một cơ quan hiến định.

Trước mắt, nhân chuẩn bị đại hội, đảng CSVN nên bắt tay xây dựng một qui trình đảng lãnh đạo Nhà nước một cách công khai, minh bạch mà khởi đầu là:

– Công bố công khai, đầy đủ các ý kiến tranh luận, thảo luận về chiến lược, chính sách phát triển kinh tế, xã hội tại đại hội đảng từ cấp tỉnh, thành phố đến toàn quốc trong thời gian tiến hành đại hội.

– Ngay sau đại hội đảng toàn quốc, công bố danh sách chính thức các cán bộ đảng sẽ giữ chức vụ thủ tướng, bộ trưởng do đảng giới thiệu cho Quốc hội phê chuẩn.

(2) Công nhận quyền tư hữu đất đai.

Đại đa số các vụ tham nhũng đều liên quan đến đất đai. Chính qui định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu với quyền định đoạt ai được sử dụng đất vì mục đích nào, đã khuyến khích và mở ra những cơ hội dễ dàng cho việc lợi dụng, lạm dụng thứ quyền lực mang lại mối lợi to lớn về kinh tế này.

Không ai muốn sống trong một xã hội, mà ở đó họ không được hưởng thành quả do lao động chính đáng của mình làm ra cả. Việc bảo đảm quyền tư hữu vì vậy phải là mục tiêu hàng đầu của xã hội. Được sở hữu một mảnh đất, một ngôi nhà làm nền tảng cho một tương lai ổn định, để an cư lạc nghiệp cũng luôn là mục tiêu ưu tiên nhất của bất cứ ai. Người ta dành dụm tiền bạc, thành quả lao động của mình, trước hết là để có thể sở hữu ngôi nhà trên mảnh đất của mình. Quyền tư hữu mà không được bảo đảm sở hữu đất đai là một quyền tư hữu què quặt và thực chất không thể là quyền tư hữu.

Quan trọng hơn, khi người ta biết rằng mảnh đất dưới ngôi nhà mà họ dành dụm cả đời mới mua được đó, vẫn có thể bị Nhà nước thu hồi vào bất cứ lúc nào- cho những mục đích do Nhà nước tự quyết định- thì họ không thể có lòng tin vào điều giản dị nhất: Công sức lao động của họ được bảo vệ, được đảm bảo. Sự mất lòng tin vào điều giản dị làm nên xã hội dân sự đó, cũng chính là nguyên nhân sâu xa khiến người ta không còn tin vào giá trị của sự được tin cậy. Và vì thế, cũng là nguyên nhân sâu xa khuyến khích tham nhũng khi được giao phó quyền lực công.

Một định nghĩa pháp lý thống nhất về quyền sở hữu với đầy đủ các quyền năng cho bất cứ chủ sở hữu nào trong nền kinh tế thị trường là hết sức cần thiết. Việc phân chia quyền năng sở hữu khác nhau theo các chủ thể quyền khác nhau (sở hữu nhà nước, tập thể, htx,v…v) như ta đang làm vừa gây trở ngại rất lớn cả về lý thuyết lẫn thực tiễn trong việc xây dựng một trật tự kinh tế thị trường xã hội; vừa góp phần quan trọng tạo nên các thị trường giá trị ảo khuyến khích tham nhũng.

Thị trường đất đai có vai trò hết sức đặc biệt, làm nền tảng cho hoạt động hữu hiệu của các thị trường khác trong nền kinh tế thị trường. Việc định giá đất đai giữ vai trò có tính chức năng thiết yếu trong việc bảo đảm sự minh mạch trên thị trường. Nó là một yếu tố quan trọng cho phép xác định đúng giá trị đất thế chấp vay tín dụng qua đó ảnh hưởng lớn đến hình thành giá cả của thị trường, v…v. Vì vậy, giá trị đất đai nhất thiết phải do quan hệ Cung – Cầu trên thị trường quyết định. Nhà nước giữ độc quyền quyền định đoạt (của chủ sở hữu) đối với đất đai cũng chính là giữ quyền định giá đất và cùng với nó là quyền điều khiển hoạt động của thị trường theo ý muốn chủ quan, đặc biệt là trong việc tạo các cơn sốt ảo.

Thực chất, ở ta, đây là thứ quyền lực kinh tế vô giới hạn vì: a) theo luật pháp không có một thửa đất nào là „bất khả thu hồi“ đối với Nhà nước; b) việc Nhà nước sử dụng quyền định đoạt đất đai như thế nào là không thể kiểm soát; c) việc lạm dụng quyền định đoạt đất đai vừa đem lại lợi ích kinh tế hết sức cao, vừa tạo ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài cho kẻ tham nhũng sử dụng nó. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khuyến khích, hấp dẫn tham nhũng. Công nhận quyền tư hữu đất đai sẽ loại bỏ được điều này.

Đã hội nhập kinh tế quốc tế, đã xác định phải xây dựng Nhà nước pháp quyền sớm muộn gì chúng ta cũng phải công nhận quyền tư hữu đất đai. Công nhận sớm ngày nào người dân đỡ khổ vì vấn nạn tham nhũng ngày đó. Tại sao không làm?

(3) Hạn chế tối đa hoạt động kinh tế của Nhà nước.

Về cơ bản, Nhà nước không được phép hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế của Nhà nước phải là ngoại lệ và tuân theo nguyên tắc: Nhà nước chỉ hoạt động kinh tế tại nơi và chỉ khi thị trường tự do bất lực.

Chính hoạt động kinh doanh, can thiệp của Nhà nước vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân như hiện nay, ngoài việc gây ra các hậu quả tiêu cực ai cũng biết, còn mở ra- gần như vô tận- các cơ hội hấp dẫn tham nhũng. Đơn giản vì Nhà nước-do đủ thứ nguyên nhân và quan hệ chồng chéo, mà đặc biệt là quan hệ giữa kết quả kinh doanh và năng lực điều hành chính phủ- không bao giờ có thể có, hay muốn có, được đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết cho việc kiểm soát toàn diện hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Vì vậy, tham nhũng trong và bằng các hoạt động kinh doanh của Nhà nước lấy trực tiếp „tiền tươi“ dễ nhất, nhiều nhất, khó kiểm soát nhất, dễ biện minh nhất, dễ thoát tội nhất. Tham nhũng trong hoạt động kinh tế của Nhà nước còn là động lực thúc đẩy tham nhũng trong các lĩnh vực khác.

Cần có qui định pháp lý phân biệt rõ ràng DNNN độc quyền với DN có vốn góp của NN.

DNNN độc quyền hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận hay là nguồn thu ngân sách, mà là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, của xã hội. Trước mắt, cần có luật về hoạt động của DNNN độc quyền phù hợp với các đặc trưng được WTO công nhận. Quốc hội sẽ quyết định các lĩnh vực nào là thiết yếu, trọng tâm đối với đời sống người dân, xã hội mà DNNN được độc quyền.

DN có vốn góp của NN. Cần nhanh chóng xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng cho hoạt động của DN loại này. Dứt khoát-trên cơ sở luật định- đối xử với các DN đó hoàn toàn bình đẳng như các DNTN khác, đặc biệt trong việc tiếp cận vốn, bảo lãnh vay vốn, cấp đất, giải quyết nợ nần, phá sản và cạnh tranh.

(4) Định hướng hoạt động quản lý hành chính công theo nhu cầu thực tế của người dân.

Đẩy mạnh cải tiến hệ thống quản lý hành chính công không phải theo hướng giải quyết nhanh chóng các trở ngại như ta đang làm, mà là xóa bỏ các trở ngại. Do các trở ngại này- cho đến nay- nẩy sinh chủ yếu do áp đặt suy nghĩ chủ quan phi thực tế của Nhà nước, nên nguyên tắc để xóa bỏ chúng phải là quản lý hành chính công để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân chứ không phải đáp ứng chính sách Nhà nước nữa.

Một trong những hệ quả quan trọng của nguyên tắc này là phải tạo điều kiện cho người dân, Tổ chức phi chính phủ, Hiệp hội trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành quyết sách, kiểm soát việc thực hiện, kiểm tra kết quả hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước.

(5) Từng bước- phù hợp với cải cách tư pháp- tản quyền cho địa phương.

Tản quyền là xu thế chung hiện nay tại các nước phát triển. Họ cũng muốn các nước khác làm theo. Tuy nhiên, đây là điểm cần hết sức thận trọng.

Trước tiên, nên lưu ý rằng trước khi bắt đầu quá trình tản quyền mạnh cho địa phương như hiện nay, các nước phát triển đã có một hệ thống quản lý tập quyền hiệu quả với chính quyền trung ương rất mạnh. Họ tản quyền do đòi hỏi của thực tiễn cho thấy hệ thống quản lý tập quyền dù hiệu quả cũng không còn đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong thời đại Toàn cầu hóa nữa.

Tiếp theo, các nước này đã có một hệ thống pháp luật rất mạnh; người dân, các Hiệp hội, Tổ chức phi chính phủ được trực tiếp tham gia mạnh mẽ vào hệ thống kiểm soát hoạt động của Nhà nước,do đó phát huy được lợi ích khi tản quyền cho địa phương.

Cuối cùng, việc tản quyền cho địa phương phải tuân thủ nguyên tắc quyền lực được trao là để hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể. Nhiệm vụ của địa phương được xác định theo các tiêu chuẩn sau:

· „Người trong cuộc“: Nhiệm vụ được trao cho chính quyền địa phương nào chịu tác động và ảnh hưởng trực tiếp của nhiệm vụ đó.

· „Năng lực hội nhập“: Nhiệm vụ được trao cho địa phương nếu không có nó, địa phương đó bị ảnh hưởng mạnh đến cơ hội phát triển, hội nhập.

· „Độ tin cậy“: Nhiệm vụ được trao cho địa phương nơi chính quyền có khả năng hiểu rõ nhất các đặc trưng của địa phương, có khả năng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.

· „Bình đẳng“: Nhiệm vụ được trao cho địa phương nào mà nếu không có nó thì rõ ràng địa phương đó bị đối xử không bình đẳng với các địa phương khác.

Chính quyền trung ương chỉ nhận lấy một nhiệm vụ của địa phương khi địa phương đó không thể hoàn thành hoặc hoàn thành kém hiệu quả nhiệm vụ đó. (Nguyên tắc hỗ trợ).

Hiện nay, khi hệ thống pháp luật của ta còn chưa hoàn thiện; luật hành chính còn chưa phát huy tác dụng; rất khó thi hành án đối với cơ quan công quyền; chưa đủ các điều kiện luật định để bảo đảm tính công khai, minh bạch và khả năng truy cứu trách nhiệm đến cùng; chưa đủ cơ sở cho sự tham gia kiểm tra, kiểm soát hoạt động Nhà nước của các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội, thì việc phân quyền cho địa phương sẽ đem lại nhiều bất lợi, gây thiệt hại và khuyến khích tham nhũng hơn.

Nên xem xét lại việc phân quyền quyết định cho địa phương về đất đai và dự án đầu tư, bỏ việc phân cấp quyết định theo qui mô vốn đầu tư mà nên theo các tiêu chí phân quyền nói trên. Việc tản quyền cần thực hiện từng bước một cách thận trọng tùy thuộc vào kết quả việc xây dựng được cơ sở pháp lý, các điều kiện bảo đảm tính công khai, minh bạch và có thể truy cứu trách nhiệm đối với hoạt động của chính quyền từng địa phương. Không thể làm nhanh, làm đại trà.

Riêng đối với việc cấp đất làm dự án, ta nên thành lập một Ủy ban quốc gia độc lập, mà thành viên là đại diện của các tầng lớp nhân dân, có thẩm quyền quyết định cao nhất thẩm tra dự án và giải quyết các khiếu nại liên quan đến đất đai.

2.2.2. Kiểm soát việc sử dụng quyền lực công, bảo đảm sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, chứng minh, và khả năng truy cứu trách nhiệm đến nơi đến chốn:

(1) Mở rộng chức năng của Quốc hội như một cơ quan giám sát và kiểm soát hoạt động chống tham nhũng:

· Tăng cường một cách có hệ thống khả năng kiểm soát và giám sát của quốc hội, đặc biệt là về ngân sách hàng năm. Quốc hội cần thực hiện luật ngân sách hàng năm. Quyết định phân bố ngân sách hàng năm của quốc hội nên được ban hành như một đạo luật ngân sách mà chính phủ phải tuân thủ. Việc bội chi của chính phủ phải được coi như một ngoại lệ cần được chính phủ giải trình, chứng minh sự hợp lý trước khi được Quốc hội quyết định chấp nhận.

· Thành lập trung tâm lưu trữ, phân tích và đánh giá số liệu, thông tin của Quốc hội liên quan đến ngân sách, các dự án, chương trình mua sắm công, v…v sao cho nó trở thành trung tâm lưu trữ, phân tích đánh giá thông tin đầy đủ nhất, có hệ thống và đáng tin cậy nhất trong các lĩnh vực đó.

· Tạo điều kiện để công dân, các tổ chức phi chính phủ, báo chí, dễ dàng tiếp cận với các thông tin, phân tích của Trung tâm lưu trữ của Quốc hội.

(2) Đảm bảo các cơ sở pháp lý cho sự minh bạch như: quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; quyền tự do tiếp cận thông tin; quyền được bảo vệ của nhân chứng, của người tố giác tham nhũng…

(3) Cải cách hệ thống tài chính công.

(4) Cải cách hệ thống hành chính công.

· Thay đổi căn bản về nhận thức: hành chính công không phải là để quản lý mà để phục vụ nhu cầu của người dân, của xã hội.

· Luật hóa và công khai tiêu chuẩn bổ nhiệm, qui trình bổ nhiệm cán bộ, công chức Nhà nước, cán bộ đảng các cấp thống nhất trong cả nước.

· Thành lập Cục thi tuyển công chức quốc gia chịu trách nhiệm mở các cuộc thi tuyển công chức cho các cơ quan Nhà nước. Ban hành tiểu chuẩn tuyển dụng và thi tuyển công chức thống nhất chung trong cả nước.

· Luật hóa tiêu chí xác định sự hợp pháp của một hoạt động của cơ quan công quyền. (Mục tiêu chính danh, Thích hợp để đạt mục tiêu, Cần thiết, Gây ít thiệt hại nhất.).

· Ban hành luật đãi ngộ đối với công chức, trong đó không nên đặt nặng việc đảm bảo tiền lương cao, mà tập trung xây dựng một chế độ đãi ngộ ưu tiên ngoài lương ngắn liền với tinh thần trách nhiệm, hiệu quả làm việc, thời gian làm việc của công chức. (nên tham khảo chế độ đãi ngộ công chức của Nhật và Đức).

(5) Truy cứu trách nhiệm.

· Nâng cao khả năng truy cứu trách nhiệm qua việc tăng cường hệ thống kiểm soát nội bộ cơ quan công quyền và hệ thống kiểm soát của xã hội, đặc biệt là vai trò của báo chí, bằng các đạo luật thích hợp.

· Cải cách hệ thống hành chính công. Không thể nói đến truy cứu trách nhiệm của Nhà nước, của công chức, nếu chỉ cho phép người dân kiểm soát và nếu cần thì khởi kiện yêu cầu Tòa hành chính kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của một vài hoạt động quản lý hành chính như hiện nay. Cần thực hiện nghiêm túc một nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền là toàn bộ hoạt động của Nhà nước phải được đặt dưới sự kiểm soát của người dân, dưới sự kiểm tra của Tòa án. Vì vậy một trong những điều kiện bảo đảm cải cách hành chính thành công là cho phép và bảo đảm cho người dân quyền khởi kiện bất cứ hoạt động quản lý hành chính nào.

· Nêu cao trách nhiệm tự ràng buộc trách nhiệm chính trị của mỗi cán bộ, công chức-kể cả ở cấp cao nhất- vào việc đấu tranh chống tham nhũng, lấy điều này làm một trong những điều kiện để được hưởng chế độ đãi ngộ cao.

· Công khai tài sản. Việc này phải được luật hóa và thực hiện một cách công khai, nghiêm túc, đến nơi đến chốn. Luật công khai tài sản nên có qui định tất cả các tài sản của công chức mà không được khai báo sẽ không được công nhận là tài sản của người đó nữa.

2.2.3. Xây dựng Nhà nước pháp quyền.

– Công nhận quyền tư hữu đất đai.

– Xây dựng hệ thống Tòa án độc lập, hoàn chỉnh bao gồm cả Tòa Hiến pháp.

– Cho phép khởi kiện mọi hành vi, hoạt động quản lý Nhà nước.

– Sửa đổi bổ sung Luật Cạnh tranh: chiếm lợi thế cạnh tranh bằng hành vi vi phạm pháp luật là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

– Sửa đổi, bổ sung luật hình sự, luật công chức, sao cho rủi ro khi tham nhũng là rất lớn và lợi ích kinh tế của tham nhũng nhỏ hơn rất nhiều so với cái giá phải trả khi bị trừng trị.

– Tạo điều kiện để người nghèo dễ dàng bảo vệ quyền lợi của mình bằng con đường Tòa án.

2.2.4. Kiểm soát và cân bằng quyền lực Nhà nước với sự tham gia tích cực của các tác nhân phi chính phủ. Nâng cao ý thức công dân, tạo điều kiện cho xã hội dân sự kiểm soát hoạt động của cơ quan công quyền.

– Ý thức được tham nhũng là vô đạo đức, đáng bị lên án. Đây là một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm chống tham nhũng có hiệu quả. Nhưng như đã phân tích ở trên, hiện nay nó lại là một trong những trở ngại lớn nhất cho cuộc chiến chống tham nhũng ở ta. Vai trò của người dân, của các Hiệp hội, tổ chức phi chính phủ giữ một vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng ý thức về chống tham nhũng. Cần tạo điều kiện luật định tối đa (theo nghĩa nếu chính quyền địa phương không tạo điều kiện thì sẽ bị kiện ra Tòa) cho các nhân tố này. Đối với các tổ chức quần chúng của Nhà nước như Mặt trận TQ, Đoàn thanh niên,… kết quả tuyên truyền, xây dựng ý thức về chống tham nhũng cho người dân nên là tiêu chí đánh giá hoạt động.

– Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin không hạn chế.

– Kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan chuyên trách chống tham nhũng với các tổ chức phi chính phủ, với cá nhân. Đặc biệt cần có qui định pháp lý rõ ràng về trình tự cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc tham nhũng giữa các cơ quan chống tham nhũng- đặc biệc là Trung tâm lữu trữ của Quốc hội- với người dân và tổ chức của họ.

2.2.5. Chống tham nhũng phải là một phần quan trọng trong chiến lược chống đói nghèo.

– Tham nhũng vừa là nguyên nhân gây nghèo đói, vừa ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến người nghèo.

– Các biện pháp phòng chống tham nhũng cần kết hợp chặt chẽ với các biện pháp xóa đói giảm nghèo.

2.2.6. Đối thoại, kết hợp chặt chẽ với cơ quan cung cấp viện trợ của nước ngoài.

– Ký kết các hiệp định song phương đa phương với các nước cấp viện, trong đó qui định cụ thể việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế mới cho việc phòng chống và trừng phạt tham nhũng. Đặc biệt là các qui định về cạnh tranh quốc tế, chống hối lộ cán bộ, công chức nước ngoài…

– Tạo điều kiện ràng buộc nước cấp viện cùng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng và hiệu quả sử dụng vốn của họ tại Việt nam.

– Ràng buộc nước cấp viện vào trách nhiệm bảo đảm không dành ưu đãi cho các công ty của nước cấp viện.

– Gia nhập các hiệp định quốc tế chống tham nhũng, chống đói nghèo.

Chống tham nhũng ở Việt nam là một cuộc chiến sinh tử đòi hỏi: a) cải tổ một cách cơ bản hệ thống xã hội-chính trị theo các nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền dân chủ, xã hội công dân; b) những nỗ lực thật sự của cả xã hội để quay về với hệ giá trị đạo lý truyền thống; và c) một hệ thống tòa án độc lập. Một vài biện pháp đề nghị trên đây có thể đặt những nền tảng ban đầu bảo đảm thắng lợi cho cuộc chiến này, ít nhất chúng cũng có thể hạn chế tham nhũng ở mức độ thấy được một cách rõ ràng. Tuy nhiên, để đưa tham nhũng trở về thành hiện tượng ngoại lệ bất thường trong đời sống, cần phải xây dựng một Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân.


Chú thích:

[i] Gần đây, Bộ Hợp tác và Phát triển của CHLB Đức đã công bố một nghiên cứu về tình hình chống tham nhũng-nghèo đói trên cơ sở PRSP ở 54 nước ĐPT (trong đó có Việt nam). Công trình nghiên cứu này cũng chỉ ra một số sai lầm thường gặp của các nước ĐPT như sau:

– Cho rằng tham nhũng không phải nguyên nhân gây đói nghèo, không kết hợp phòng chống tham nhũng và chống đói nghèo trong một chiến lược thống nhất chung.

Thật ngạc nhiên khi đa số trong 54 nước ĐPT được nghiên cứu không cho rằng tham nhũng là nguyên nhân gây đói nghèo và vì vậy chỉ nhắc qua về chống tham nhũng trong chiến lược xóa đói giảm nghèo. Việt nam nằm trong nhóm đa số này. Trong 54 nước ĐPT nói trên, chỉ có 09 nước đưa chiến lược phòng chống tham nhũng vào chiến lược chống đói nghèo.

– Không chú trọng tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội, tác nhân phi chính phủ tham gia vào quá trình chống tham nhũng và xóa đói giảm nghèo.

– Không cải tiến hệ thống quản lý tài chính công.

– Cải cách hành chính rất chậm do chưa xác định được mục tiêu cụ thể.

– Trì hoãn cải cách tư pháp.

– Không có các biện pháp cụ thể thực hiện chiến lược đã nêu.

SOURCE: BÀI ĐĂNG DƯỚI SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

KHÔNG SỬ DỤNG LẠI BÀI VIẾT VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI NẾU CHƯA NHẬN ĐƯỢC SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

TRA CỨU CÁC BÀI VIẾT CÙNG TÁC GIẢ TẠI ĐÂY

One Response

  1. bai viet rat hay. Cam on tac gia. Co nhieu nguoi viet ve tham nhung, nhung viet mot cach khoa hoc, he thong va thuyet phuc nhu bai viet nay thi chua thay. Doc thi thu vi lam, nhung ma cau ket thi toi khong hieu, chung ta da co nha nuoc cua dan, do dan va vi dan roi thi con dat yeu cau do ra lam gi nua?

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading