admin@phapluatdansu.edu.vn

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TRAO ĐỔI VỀ THỜI HIỆU YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ

NGUYỄN HỒNG HẢI

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, trong đó có thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự là một cơ hội tốt để đánh giá, xem xét lại quan niệm và thực trạng pháp luật của chúng ta về một chế định đặc biệt quan trọng và “nhạy cảm”, liên quan đến sự công nhận và bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể trong xã hội (chủ thể dân sự). Trên cơ sở đó có những nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ bản:[1]

I. QUAN NIỆM VÀ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ THỜI HIỆU YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ

Ở Việt Nam, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự (bao gồm thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự) là một chế định được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, bao gồm cả văn bản pháp luật chuyên ngành[2] và văn bản pháp luật tố tụng.[3] Qua các quy định hiện hành, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự được tiếp cận với hai vai trò cơ bản: (1) nó là thời hạn luật định cho phép các chủ thể dân sự thực hiện quyền yêu cầu tại Tòa án để công nhận hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về dân sự bị xâm phạm.[4] Ở vai trò này, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự là một chế định của pháp luật dân sự và được quy định ở nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau mà nòng cốt là Bộ luật dân sự;[5] (2) nó là căn cứ pháp lý để Tòa án từ chối hay không từ chối giải quyết vụ việc dân sự. Ở vai trò này, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự được hiểu là thời hiệu thụ lý và là một chế định trong pháp luật tố tụng dân sự.[6]

Việc quan niệm thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự có hai vai trò nêu trên đã bộc lộ những vướng mắc về mặt lý luận và thực tiễn sau:[7]

Thứ nhất, việc quy định thời hiệu còn mang nặng mục đích tạo căn cứ pháp lý cho Tòa án từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi có yêu cầu của chủ thể dân sự, biến thời hiệu yêu cầu thành thời hiệu thụ lý trong thực tiễn tố tụng. Đây là một mâu thuẫn lớn đối với thể chế pháp lý cho nền kinh tế thị trường, xã hội dân sự và thông lệ quốc tế – Pháp luật có trách nhiệm đảm bảo được lẽ công bằng trong ứng xử và trong bảo vệ quyền của chủ thể luật tư khi quyền của họ cần được bảo vệ. Tòa án không lấy lý do thời hiệu đã hết để từ chối thụ lý đơn khi có yêu cầu. Tòa án chỉ có quyền căn cứ vào quy định về thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ để công nhận hay bác yêu cầu của chủ thể;

Thứ hai, pháp luật mới chỉ dừng lại ở việc thừa nhận quyền yêu cầu của chủ thể dân sự trong thời hạn luật định mà chưa có quan điểm rõ ràng, thống nhất hậu quả về nội dung quan hệ dân sự khi hết thời hiệu. Việc hết thời hiệu yêu cầu không đồng nghĩa chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ, bên có nghĩa vụ không được miễn trừ nghĩa vụ, trong khi bên có quyền không còn quyền yêu cầu Tòa án công nhận, bảo vệ quyền dân sự. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gia tăng sự phức tạp trong thực tiễn giao lưu dân sự (đặc biệt trong các tranh chấp liên quan đến sở hữu, hợp đồng và thừa kế);

Thứ ba, pháp luật đã công nhận quyền của chủ thể dân sự trong việc yêu cầu Tòa án công nhận, bảo vệ quyền dân sự, nhưng chưa có quy định hợp lý về tính thời hiệu, thường ấn định một thời điểm xác định mà không linh hoạt hóa cho phù hợp với các quan hệ dân sự và chủ thể có tính đặc thù. Quy định như vậy, có thể tạo ra tình trạng không công bằng trong công nhận, bảo vệ quyền dân sự của chủ thể hoặc áp dụng pháp luật không thống nhất. Ví dụ, khoản 1 Điều 136 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định, thời hiệu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu được “tính từ thời điểm giao dịch được xác lập” mà không phụ thuộc chủ thể dân sự biết hay buộc phải biết quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm hoặc hành vi vi phạm đã và đang còn tiếp diễn hay không?!

II. BẢN CHẤT PHÁP LÝ CỦA THỜI HIỆU YÊ CẦU GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ

Pháp luật dân sự của các nước trên thế giới cũng như của Việt Nam có một nhiệm vụ cơ bản là công nhận địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong xã hội về nhân thân và tài sản trong các quan hệ tư; đồng thời quy định các chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các chủ thể dân sự. Trong trường hợp, việc ứng xử của một chủ thể xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể dân sự khác, thì chủ thể bị xâm phạm có thể bảo vệ quyền dân sự của mình bằng nhiều phương thức khác nhau. Họ có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (trong đó có quyền yêu cầu Tòa án) công nhận quyền dân sự của mình; buộc chủ thể xâm phạm quyền chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, thực hiện nghĩa vụ dân sự hoặc bồi thường thiệt hại.

Như vậy, khi chủ thể dân sự yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự không phải họ thực hiện một quyền trong tố tụng mà là thực hiện một quyền dân sự cơ bản được pháp luật công nhận và bảo vệ. Tòa án có trách nhiệm đảm bảo được lẽ công bằng trong ứng xử và trong bảo vệ quyền của chủ thể dân sự khi quyền, lợi ích của họ bị xâm phạm.

Tuy nhiên, pháp luật không thừa nhận quyền này của chủ thể là vô hạn định, việc thực hiện quyền phải nằm trong thời hạn pháp luật quy định[8] – Thời hiệu yêu cầu. Trong trường hợp hết thời hạn luật định, chủ thể không thực hiện quyền thì mất quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cho mình. Mục đích của việc quy định thời hiệu yêu cầu không phải để xác định thời hiệu thụ lý đơn, mà không có gì khác nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ thể dân sự trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của mình, hạn chế phức tạp trong giải quyết tranh chấp và bảo đảm sự ổn định của các quan hệ dân sự.

Xuất phát từ bản chất pháp lý nêu trên, nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là một nội dung trong quan hệ pháp luật dân sự, được pháp luật dân sự điều chỉnh. Các nước theo hệ thống pháp luật thành văn (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Liên bang Nga, Đức, Nhật…)[9] đều quy định thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự trong pháp luật về nội dung (Cộng hòa Pháp bên cạnh việc quy định chung về thời hiệu nói chung từ Điều 2219 đến Điều 2227 Bộ luật dân sự cũng đã ban hành Luật về thời hiệu). Các nước theo hệ thống pháp luật Anh – Mỹ thường ban hành Luật về thời hiệu, theo đó thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự cũng được quy định như là một nội dung thực hiện quyền của chủ thể dân sự.[10] Bộ nguyên tắc Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế (General Principle of Commercial Contracts) tại Điều 10.9, khoản 1 cũng ghi nhận nguyên tắc“việc hết thời hiệu chỉ có hiệu lực nếu bên có nghĩa vụ viện dẫn việc hết thời hiệu như là một biện pháp tự vệ”.

Nhìn chung, qua quy định của pháp luật các nước và theo thông lệ quốc tế, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự mang hai đặc điểm cơ bản:

Thứ nhất, nó là loại thời hạn do pháp luật quy định không phải là thời hạn do các bên trong quan hệ dân sự thỏa thuận. Việc không tuân thủ thời hạn đã được pháp luật quy định có thể làm phát sinh các hậu quả pháp lý nằm ngoài ý chí của chủ thể. Trong đó, bên có quyền có thể mất quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cho mình và bên có nghĩa vụ có thể được miễn trừ nghĩa vụ đối với bên có quyền. Việc miễn trừ nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ có thể không là đương nhiên mà phụ thuộc vào ý chí của chính họ; [11]

Thứ hai, nó là thời hạn cho phép chủ thể thực hiện quyền yêu cầu Tòa án công nhận, bảo vệ quyền dân sự không liên quan đến các hoạt động tố tụng của Tòa án trong thụ lý đơn và giải quyết yêu cầu của chủ thể. Tòa án không được tự viện dẫn đã hết thời hiệu để từ chối giải quyết vụ việc dân sự.[12]

Pháp luật Việt Nam cũng thừa nhận nguyên tắc luật định về thời hiệu, không phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên (Điều 154 Bộ luật dân sự). Tuy nhiên, nhà làm luật lại xác định thời hiệu này ở cả hai vai trò: thời hạn thực hiện quyền yêu cầu Tòa án công nhận và bảo vệ quyền dân sự và thời hạn để Tòa án thụ lý đơn yêu cầu của chủ thể dân sự.[13] Khi hết thời hiệu yêu cầu, ngoài hậu quả được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự, cho phép Tòa án từ chối giải quyết vụ việc dân sự (Điểm a Khoản 1 Điều 168, Điểm c Khoản 1 Điều 192), Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác chưa thừa nhận nguyên tắc miễn trừ nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ khi hết thời hiệu yêu cầu. Bộ luật dân sự năm 2005 quy định thời hiệu khởi kiện và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ như là hai loại thời hiệu độc lập (Điều 155), trong khi về bản chất việc miễn trừ nghĩa vụ dân sự phải là hậu quả của việc hết thời hiệu mà chủ thể không yêu cầu.

Việc không thừa nhận nguyên tắc miễn trừ nghĩa vụ trong trường hợp này, dường như là sự “vô cảm” của Nhà nước, khi Tòa án từ chối giải quyết vụ việc dân sự cũng không đồng nghĩa chấm dứt tranh chấp giữa các bên trong quan hệ dân sự. Mặc dù bên có quyền không còn quyền yêu cầu Tòa án công nhận, bảo vệ quyền nhưng nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ vẫn còn, tranh chấp vì thế không được giải quyết và đây là “mảnh đất” tốt cho các hành vi thu hồi nghĩa vụ ngoài pháp luật và không minh bạch trong thực tiễn giao lưu dân sự, thương mại.

Để đưa thời hiệu về đúng bản chất vốn có của nó, chúng ta cần có những nghiên cứu cơ bản về những vấn đề sau:

Thứ nhất, không nên quy định thời hiệu trong Bộ luật tố tụng dân sự để phù hợp với bản chất pháp lý của thời hiệu và khi thời hiệu là chế định đã được quy định trong Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng dân sự cũng cần có điều khoản viện dẫn về áp dụng thời hiệu trong Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành, để đảm bảo thống nhất áp dụng pháp luật trong các hoạt động tố tụng của Tòa án.

Cũng có ý kiến cho rằng, không phải tất cả các quan hệ pháp luật đều đã được pháp luật chuyên ngành quy định về thời hiệu. Do vậy, cần tiếp tục quy định thời hiệu giải quyết vụ việc dân sự trong Bộ luật tố tụng dân sự để áp dụng cho những quan hệ pháp luật chưa được quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu[14]. Về vấn đề này, thực tế các quy định về thời hiệu trong Bộ luật dân sự và văn bản pháp luật chuyên ngành về cơ bản đã bao quát hầu hết các quan hệ pháp luật trong lĩnh vực dân sự. Trong trường hợp có sự khuyết thiếu về quy định về thời hiệu thì cần phải đặt ra việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về nội dung chứ không nên bổ sung vào trong pháp luật tố tụng[15];

Thứ hai, cần thừa nhận nguyên tắc Tòa án không có quyền từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do hết thời hiệu yêu cầu. Dự thảo 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật tố tụng dân sự (Dự thảo 4) đã loại bỏ căn cứ trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện (Điểm a Khoản 1 Điều 168). Đây là một quyết định đúng đắn của cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 159 của Dự thảo 4 vẫn ghi nhận nguyên tắc, nếu thời hạn yêu cầu kết thúc thì chủ thể mất quyền khởi kiện hoặc yêu cầu, đồng thời Điểm c Khoản 1 Điều 192 của Bộ luật tố tụng dân sự (không được sửa đổi lần này) quy định Tòa án vẫn có quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có căn cứ nguyên đơn không có quyền khởi kiện và quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 159 của Dự thảo 4 là một trong các trường hợp nguyên đơn không có quyền khởi kiện.

Như vậy, Dự thảo 4 mới có sự cải cách một phần đối với quan niệm hiện tại, coi thời hiệu yêu cầu là thời hiệu thụ lý khi loại bỏ quy định về từ chối thụ lý nhưng vẫn chưa loại bỏ quy định cho phép Tòa án từ chối giải quyết vụ việc dân sự;

Thứ ba, cần có sự nghiên cứu cơ bản và thay thế thời hiệu khởi kiện theo qui định hiện hành bằng thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ trong Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Đây có thể vấn đề mới với Việt Nam, nhưng nó đã trở thành thông lệ quốc tế. Ở một chừng mực nào đó, Bộ luật dân sự năm 2005 cũng đã có sự gắn kết giữa hết thời hiệu yêu cầu với việc miễn trừ nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ khi qui định về xác lập sở hữu đối với tài sản là vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu (Điều 239), vật đánh rơi, bỏ quên (Điều 241), gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước (các điều 242, 243, 244), đối với việc chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật (Điều 247).[16]

IV. VỀ XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM PHÁT SINH THỜI HIỆU YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ

Việc tính đúng thời điểm phát sinh thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong các hoạt động tố tụng của Tòa án, cũng như trong công nhận và bảo vệ quyền cho chủ thể dân sự. Thời điểm phát sinh thời hiệu trong pháp luật Việt Nam thường ấn định thông qua một sự kiện. Việc qui định như vậy cũng có ưu điểm, rõ ràng cho Tòa án vận dụng tính thời hiệu trong giải quyết vụ việc dân sự. Tuy nhiên, qui định này không phản ánh đúng thực tiễn quan hệ dân sự và có phần không công bằng đối với chủ thể có quyền, lợi ích bị xâm phạm hoặc các bên trong giao dịch.[17]

Thời điểm phát sinh thời hiệu theo pháp luật hiện hành phổ biến được tính kể từ ngày quyền, lợi ích của chủ thể bị xâm phạm hoặc kể từ thời điểm giao dịch được giao kết (Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 136, Điều 159, Điều 427, Điều 607 Bộ luật dân sự, Điều 319 Luật Thương mại…). Trên thực tế vì nhiều lý do khách quan, quyền, lợi ích của chủ thể đã bị xâm phạm, nhưng chủ thể không biết hoặc không thể biết quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm (người bị lừa dối chưa biết mình bị lừa dối, người bị nhầm lẫn không biết bị nhm lẫn, người bị ngộ độc thực phẩm, chịu ô nhiễm môi trường nhưng không biết sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm…). Do đó, cần thiết phải có sự sửa đổi cách tính thời hiệu dựa vào thời điểm “ngày quyền, lợi ích bị xâm phạm” thành thời điểm “chủ thể biết hoặc buộc phải biết quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm”. Khoản 3, Điều 159 Dự thảo 4 cũng đã dự liệu thời hiệu khởi kiện tính từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Dự liệu như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, Dự thảo cũng cần bổ sung thêm thời điểm chủ thể buộc phải biết quyền và lợi ích bị xâm phạm, để tránh trường hợp chủ thể cho rằng mình không biết để trục lợi về thời hiệu, đồng thời cho phép Tòa án, bị đơn có thể suy đoán bằng những căn cứ rõ ràng nguyên đơn không thể không biết.[18]

Ngoài ra, trong một số trường hợp, chủ thể dân sự biết quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm, nhưng họ không thể thực hiện quyền yêu cầu vì lý do, người có hành vi xâm phạm tiếp tục thực hiện các hành vi trái pháp luật khiến họ không thể thực hiện được quyền yêu cầu (đặc biệt đối với giao dịch được xác lập do một bên bị đe dọa, cưỡng ép). Đối với những trường hợp này, quy định thời hiệu yêu cầu tính từ thời điểm quyền, lợi ích bị xâm phạm hoặc từ thời điểm giao dịch được giao kết (theo quy định hiện hành) hay tính từ thời điểm chủ thể biết hoặc buộc phải biết quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm (như đã phân tích ở trên và theo dự liệu của Dự thảo 4) cũng đều không phù hợp, không bảo vệ được quyền lợi của đương sự. Khi quyền, lợi ích của chủ thể dân sự bị xâm phạm do bị đe dọa, cưỡng ép thì thời hiệu khởi kiện cần được tính từ thời điểm bên có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép, không tính từ thời điểm họ biết hoặc buộc phải biết quyền, lợi ích bị xâm phạm.[19]

IV. THỜI HIỆU YÊU CẦU GIẢI QUYẾT VỤ VIỆC DÂN SỰ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

Báo cáo số 4522/BC-UBTP ngày 02/12/2010 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XII xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, có nêu ý kiến cần loại trừ thời hiệu giải quyết tranh chấp quyền sở hữu tài sản và yêu cầu giải quyết việc dân sự về quyền nhân thân cho phù hợp với tính đặc thù của quan hệ và nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn. Về vấn đề này, chúng tôi xin trao đổi như sau:

1. Đối với thời hiệu về sở hữu

Quan hệ sở hữu là một quan hệ đặc thù và quyền sở hữu là một quyền tuyệt đối là điều không thể phản bác, Khoản 2 Điều 169 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật”. Tuy nhiên, không nên hiểu quyền sở hữu được bảo vệ tuyệt đối vô hạn định trong mọi trường hợp, việc thực hiện quyền sở hữu phải đặt trong hoàn cảnh tôn trọng lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, cũng như đảm bảo sự ổn định của các quan hệ dân sự.[20] Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng thời hiệu về sở hữu cần được đặt ra để yêu cầu chủ sở hữu phải tôn trọng các lợi ích nêu trên.

Pháp luật dân sự của các nước trên thế giới cũng không loại trừ thời hiệu đối với loại quan hệ pháp luật này trong mọi trường hợp. Căn cứ vào chủ thể, tính chất và đối tượng sở hữu, nhà làm luật các nước có thể áp dụng thời hiệu và không áp dụng thời hiệu.

Nhà làm luật Việt Nam loại trừ thời hiệu đối với trường hợp tài sản thuộc hình thức sở hữu Nhà nước, trong trường hợp tài sản của Nhà nước thuộc sự chiếm hữu của người khác không có căn cứ pháp luật dù ngay tình, liên tục, công khai thì quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản không bị mất đi (Khoản 2 Điều 247 Bộ luật dân sự năm 2005). Pháp luật của một số bang của Australia loại trừ thời hiệu đối việc kiện tranh chấp có đối tượng là đất (Luật về thời hiệu của lãnh thổ Thủ đô Liên bang Australia năm 1985 và Luật về thời hiệu của vùng lãnh thổ Bắc Australia năm 1981) …

Ngoài một số tranh chấp sở hữu đặc thù được loại trừ về thời hiệu, áp dụng thời hiệu yêu cầu là sự lựa chọn phổ biến của nhà làm luật trên thế giới và thường họ có quy định đa đạng về thời hiệu đối với từng loại tranh chấp sở hữu đặc thù:

– Việc áp dụng thời hiệu yêu cầu có thể được quy định căn cứ vào đối tượng tranh chấp sở hữu là động sản hay bất động sản. Luật về thời hiệu của Cộng hòa Pháp quy định thời hiệu yêu cầu là năm năm nếu liên quan đến động sản và 30 năm đối với bất động sản kể từ ngày người có quyền sở hữu động sản, bất động sản biết hoặc bắt buộc phải biết những sự kiện pháp lý xâm phạm đến quyền sở hữu của họ. Bộ luật dân sự của CHLB Đức năm 2002 (được sửa đổi năm 2007) quy định đối với vụ kiện liên quan đến chuyển dịch quyền sở hữu đất và xác lập, chuyển dịch hoặc hủy bỏ một trong các quyền đối với đất thì thời hiệu khởi kiện là 30 năm, thời hiệu khởi kiện là 10 năm áp dụng đối vụ liên quan đến quyền sở hữu động sản (Điều 196, Điều 197 )… Bộ luật dân sự năm 2005 của Việt Nam cũng có qui định tương tự về trường hợp người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì chủ sở hữu mất quyền yêu cầu Tòa án buộc người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật hoàn trả lại tài sản (khoản 1 Điều 247).[21]

– Việc áp dụng thời hiệu cũng có thể căn cứ vào tình trạng chiếm hữu tài sản. Điều 194 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định, nếu một người bắt đầu chiếm hữu động sản một cách ổn định công khai, hành động một cách ngay tình và không có sơ suất, nhưng vật chiếm hữu là vật bị lấy cắp hoặc vật bị mất thì bên bị lấy cắp hoặc bị mất có quyền được đòi hỏi lại từ người chiếm hữu trong vòng 2 năm kể từ ngày vật này bị lấy cắp hay bị mất. Pháp luật Nhật Bản cũng quy định việc kiện chiếm hữu phải được tiến hành khi có sự cản trở đang tồn tại hoặc trong vòng một năm, kể từ khi nó chấm dứt, trong trường hợp vật chiếm hữu đã bị tổn hại do việc xây dựng, thì vụ kiện chỉ được tiến hành sau một năm, kể từ ngày bắt đầu công việc và không được sau khi hoàn thành chúng. Kiện bảo vệ chiếm hữu có thể được tiến hành trong suốt thời gian tồn tại cản trở hay mối nguy hại. Nếu có bằng chứng cho thấy rằng việc thực hiện các công việc xây dựng có thể gây tổn hại cho vật chiếm hữu, thì đoạn sau của phần trên được áp dụng với sự sửa đổi thích hợp. Kiện đòi chiếm hữu phải được thực hiện trong phạm vi một năm kể từ ngày bị tước chiếm hữu (Điều 201 Bộ luật dân sự Nhật Bản). Bộ luật dân sự năm 2005 của Việt Nam cũng đã có nhiều quy định áp dụng thời hiệu về sở hữu đối với các trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình (Điều 247), đối với vật đánh rơi, bỏ quên (Điều 241), đối với gia súc bị thất lạc (Điều 242), đối với gia cầm bị thất lạc (Điều 243), đối với vật nuôi dưới nước (Điều 244).

Dự thảo 4 có dự liệu tại Khoản 3 Điều 159 theo hướng không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với những quan hệ tranh chấp về sở hữu nếu pháp luật không có quy định khác. Dự liệu như vậy là quá rộng, có thể gây phức tạp trong thực tiễn áp dụng. Việc quy định thời hiệu yêu cầu về sở hữu cần thiết phải đặt ra và một nguyên tắc cần được ghi nhận“không áp dụng thời hiệu yêu cầu về sở hữu nếu pháp luật quy định”. Để đảm bảo sự ổn định trong các quan hệ sở hữu, sự thống nhất trong áp dụng pháp luật và nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, nhà làm luật phải quy định cụ thể những quan hệ sở hữu không áp dụng thời hiệu và những quan hệ sở hữu có áp dụng thời hiệu. Đối với những quan hệ sở hữu có áp dụng thời hiệu, pháp luật cần có sự sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính hợp lý và cụ thể phù hợp với sự đa dạng và đặc thù của các quan hệ sở hữu. [22]

2. Về thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự về quyền nhân thân

Quan điểm loại trừ thời hiệu đối với yêu cầu giải quyết việc dân sự về quyền nhân thân là đúng đắn, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định hiện hành của Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 của Việt Nam[23]. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc vô thời hạn về quyền yêu cầu trong mọi trường hợp đối với việc dân sự về quyền nhân thân cũng có thể gây vướng mắc về mặt pháp lý, cũng như sự ổn định của các quan hệ dân sự. Chẳng hạn, theo Khoản 1 Điều 78 Bộ luật dân sự năm 2005, kể từ thời điểm biệt tích hai năm không có thông tin người bị yêu cầu là mất tích còn sống hay đã chết thì người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó mất tích mà không bị giới hạn về thời hiệu. Vấn đề đặt ra, khi người có quyền, lợi ích liên quan yêu cầu tuyên bố một người là mất tích thì người đó đã biệt tích trong thời gian quá dài, [24] có thể là căn cứ để người có quyền, lợi ích liên quan lợi dụng để trục lợi, xâm phạm đến quyền, lợi ích của người thứ ba. Bởi vì, người có quyền, lợi ích liên quan có thể lựa chọn tuyên bố người đó là đã chết hoặc tuyên bố người đó mất tích – Hậu quả về nhân thân và tài sản ở hai loại tuyên bố này hoàn toàn khác nhau.[25] [26]

Trên đây là một vài ý kiến trao đổi về thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, rất mong nhận được ý kiến trao đổi, thảo luận của các anh/chị.


Chú thích:

[1] Người viết không có tham vọng tất cả các vấn đề được phân tích trong bài viết để xem xét sửa đổi, bổ sung lần này, vì có những vấn đề còn mới ở Việt Nam hoặc liên quan đến phạm vi điều chỉnh của pháp luật về nội dung. Tuy nhiên, Việt Nam cần có những nghiên cứu cơ bản để chuẩn bị cho sửa đổi Bộ luật dân sự năm 2005 (đang được Bộ Tư pháp thực hiện) và Bộ luật tố tụng dân sự (sau này), đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

2 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về khái niệm và các vấn đề chung về thời hiệu (từ Điều 154 đến Điều 161) và quy định thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự trong các trường hợp cụ thể: thời hiệu tuyên bố giao dịch vô hiệu (Điều 136), thời hiệu về định đoạt tài sản chung (Điều 223), thời hiệu đòi lại tài sản đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu (Điều 239), thời hiệu đòi lại tài sản đối với vật đánh rơi, bỏ quên (Điều 241), thời hiệu đòi lại tài sản đối với gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước (các điều 242, 243, 244), thời hiệu đòi lại tài sản đối với tài sản bị chiếm hữu không có căn cứ pháp luật (Điều 247), thời hiệu khởi kiện về hợp đồng (Điều 427), thời hiệu về yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 607), thời hiệu về thừa kế (Điều 645) … Ngoài ra, thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự cũng được quy định tại Luật Thương mại năm 2005 (điểm 2 Khoản 1 Điều 237 và Điều 319), Luật Doanh nghiệp năm 2005 (Điều 50 và Điều 107), Bộ luật Hàng hải năm 2005 (Điều 97, Điều 118, Điều 137, Điều 142, Điều 164, Điều 168, Điều 183, Điều 195, Điều 211, Điều 218 và Điều 257), Luật Hàng không dân dụng năm 2006 (Điều 174 và Điều 186), Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 (Điều 92), Luật Đường sắt năm 2005 (Điều 111), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2006 (d1167, Điều 171a), Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005 (Điều 78), Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (Điều 30), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (khoản 1 Điều 22), Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 (Khoản 3 Điều 80)…

[3] Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004.

[4] Khoản 2 Điều 9 BLDS năm 2005 quy định: “Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

a) Công nhận quyền dân sự của mình;

b) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm;

c) Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

d) Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

đ) Buộc bồi thường thiệt hại.”

[5] Xem chú thích 1.

6 Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định nguyên tắc, trong thời hạn luật định, chủ thể dân sự không yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự thì họ mất quyền khởi kiện hoặc quyền yêu cầu.

[7] Bài viết này không đề cập đến những đóng góp đáng kể của các quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự trong thực tiễn công nhận và bảo vệ quyền của các chủ thể dân sự, trong việc đảm bảo sự ổn định của các quan hệ dân sự.

[8] Trừ trường hợp pháp luật qui định không áp dụng thời hiệu đối với quan hệ dân sự đặc thù.

[9] Được quy định tại Mục 5, BLDS Cộng hòa Liên bang Đức năm 2002 (được sửa đổi năm 2007); Chương 12 BLDS Liên bang Nga năm 2003, từ Điều 136 đến Điều 139 Luật về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chương VI Quyển 1 Bộ luật dân sự Nhật Bản.

[10] Australia có các Luật về thời hiệu của các bang và các vùng lãnh thổ của Liên bang Australia. Vương quốc Anh có Luật về thời hiệu năm 1980; các bang của Hoa Kỳ cũng đều có Luật về thời hiệu…

[11] Theo Bộ Qui tắc thủ tục tố tụng dân sự của Tòa án tối cao Bang New South Wales, Australia (Qui tắc 14.14 khoản 3) và Điều 68A của Luật về thời hiệu của Bang New South Wales, Australia năm 1969 trong trường hợp nguyên đơn vẫn tiến hành khởi kiện khi thời hiệu đã hết, bị đơn trong thời gian Tòa án yêu cầu phải trả lời đơn khởi kiện của nguyên đơn, phải gửi bản tự tự vệ phản bác yêu cầu của nguyên đơn với lý do quyền khởi kiện và quyền sở hữu khoản nợ đã bị hủy bỏ vì nguyên đơn không tiến hành khởi kiện trongt hời hạn luật định. Nếu bị đơn không gửi bản tự vệ phản bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với lý do như trên thì Tòa án có thể chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn.

[12] Điều 2223 Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp quy định thẩm phán không thể tự viện dẫn việc hết thời hiệu.

[13] Điểm a Khoản 1 Điều 168 BLTTDS năm 2004 cho phép Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện cho đương sự khi thời hiệu khởi kiện đã hết.

[14] Theo Báo cáo sô 4522/BC-UBTP ngày 02/12/2010 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XII Xin ý kiến UBTVQH một số vấn đề lớn về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.

[15] Hiện nay Bộ Tư pháp đã và đang chủ trì thực hiện các hoạt động chuẩn bị cho việc sửa đổi cơ bản Bộ luật dân sự năm 2005, một trong những nội dung được quan tâm sửa đổi là quy định về thời hiệu.

[16] Hiện nay Bộ Tư pháp đã và đang chủ trì thực hiện các hoạt động chuẩn bị cho việc sửa đổi cơ bản Bộ luật dân sự năm 2005, một trong những nội dung được quan tâm sửa đổi là quy định về thời hiệu và hậu quả của hết thời hiệu yêu cầu.

[17] Nguyên tắc tính thời hiệu được quy định tại Điều 156, Điều 158, Điều 159, Điều 160, Điều 161, Điều 162 của Bộ luật dân sự năm 2005, Khoản 3 Điều 159 Bộ luật tố tụng dân sự và các điều luật của Bộ luật dân sự, văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về các loại thời hiệu yêu cầu đặc thù (xem thêm chú thích 2).

[18] Việc thời hiệu được tính từ thời điểm “chủ thể biết hoặc buộc phải biết quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm”cũng đã được ghi nhận tại Điều 118 Bộ luật hàng hải năm 2005 “Thời hiệu khởi kiện về việc thực hiện hợp đồng vận chuyển theo chuyến là hai năm, kể từ ngày người khiếu nại biết hoặc phải biết quyền lợi của mình bị xâm phạm”.

[19] Liên quan đến sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự năm 2005 đang được Bộ Tư pháp tiến hành, Điều 136 qui định về thời hiệu tuyên bố giao dịch vô hiệu được dự định sửa đổi theo hướng: “1. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm kể từ ngày:

a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc buộc phải biết người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện giao dịch;

b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc buộc phải biết giao dịch được xác lập do nhầm lẫn, do bị lừa dối;

c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép.

2. Đối với các giao dịch dân sự được quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu là hai mươi năm kể từ thời điểm giao dịch được giao kết”.

[20] Điều 199 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định quyền định đoạt của chủ sở hữu có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật.

[21] Điều 17, Điều 18 Luật về thời hiệu của Vương quốc Anh năm 1980, Điều 16 Luật về thời hiệu khởi kiện của Bang New South Wales, Australia năm 1969, Điều 13 Luật về thời hiệu của Bang Queensland, Australia năm 1974, Điều 75 Luật về thời hiệu của Bang Tây Australia năm 1974, Luật về thời hiệu của Bang Tasmania Australia năm 1974, quy định thời hiệu khởi kiện đối với kiện đòi đất là 12 năm; Điều 5 khoản 3 Luật về thời hiệu của Bang Victoria, Australia năm 1958 quy định thời hiệu khởi kiện đối với kiện đòi đất là 15 năm…

[22] Hiện nay Bộ Tư pháp đã và đang chủ trì thực hiện các hoạt động chuẩn bị cho việc sửa đổi cơ bản Bộ luật dân sự năm 2005, một trong những nội dung được quan tâm sửa đổi là quy định về thời hiệu yêu cầu trong đó có thời hiệu về sở hữu .

[23] Dự thảo 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật tố tụng dân sự chưa thể hiện một quan điểm rõ ràng, nếu không nói là khó hiểu về việc áp dụng thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự về quyền nhân thân khi quy định “thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật”.

[24] Ví dụ: thời điểm biết tin tức cuối cùng người bị yêu cầu là mất tích đã 50 tuổi, nhưng 50 năm sau mới có yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó mất tích.

[25] Xem các quy định từ Điều 78 đến Điều 83 Bộ luật dân sự năm 2005.

[26] Trường hợp nêu trên cũng thể là vướng mắc đối với người biệt tích trên 5 năm, nhưng những người có quyền lợi, lợi ích liên quan lại có những yêu cầu khác nhau về tuyên bố mất tích và tuyên bố người đó đã chết.

SOURCE: CHUYÊN ĐỀ HỘI THẢO  VỀ “DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ”. ĐƠN VỊ TỔ CHỨC: ỦY BAN TƯ PHÁP QUỐC HỘI, TP HCM, NGÀY 27 – 28/12/2010

KHÔNG SỬ DỤNG BÀI VIẾT VÀO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading