admin@phapluatdansu.edu.vn

GÓP Ý SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005: DI CHÚC CHUNG CỦA VỢ CHỒNG CÓ HIỆU LỰC KHI NÀO

QUANG THÀNH

Qua 5 năm thực hiện, Bộ luật dân sự (BLDS) đã phát huy hiệu quả trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội, góp phần cũng cố và bảo vệ các quyền dân sự cơ bản của công dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển các quan hệ kinh tế và các quan hệ khác đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, các quy định của BLDS nảy sinh những bất cập đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự vận động của xã hội. Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ đề cập tới quy định về di chúc chung của vợ chồng.

Điều 663 BLDS quy định vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho vợ, chồng cùng thể hiện được ý chí thống nhất trong việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng và nó đã góp phần vào thúc đẩy các quan hệ dân sự cũng như vấn đề  tôn trọng và bảo vệ các quyền dân sự của chủ sở hữu tài sản.

Tuy nhiên trên thực tế, việc thực hiện di chúc chung của vợ, chồng còn nhiều vướng mắc, bất cập, đặc biệt nó làm giới hạn quyền của chủ sở hữu trong việc định đoạt tài sản. Theo khoản 1 Điều 664 BLDS thì vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 664 quy định việc sửa đổi, bổ sung, thay thế , hủy bỏ di chúc chung phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người chết trước thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung, di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Như vậy, trong trường hợp này, ý chí của người lập di chúc chung không thể độc lập trong việc định đoạt tài sản – kể cả phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng khi vợ hoặc chồng không đồng ý.

Điều này sẽ là một bất lợi lớn cho chủ sở hữu tài sản, vì bản chất của việc lập di chúc là nhằm thể hiện ý chí của người có tài sản. Quãng thời gian kể từ lúc di chúc được lập cho đến khi di chúc có hiệu lực tương đối dài, và trong thời gian đó sẽ có nhiều sự kiện xảy ra tác động đến ý chí của người lập di chúc dẫn tới ý định thay đổi, bổ sung thậm chí hủy bỏ bản di chúc đó. Trường hợp đạt được đồng thuận của vợ chồng để cùng thống nhất thì ý nguyện của họ sẽ đạt được. Nhưng nếu không có sự đồng thuận thì sẽ cản trở ý chí của một bên đồng thời gây nên xung đột về quyền lợi giữa hai người, dẫn tới mâu thuẫn và căng thẳng trong quan hệ vợ chồng, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.

Mặt khác, Điều 668 BLDS quy định hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ chồng cùng chết. Trên thực tế thì vợ, chồng thường không chết cùng thời điểm mà có nhiều trường hợp cách nhau hàng chục năm hoăc lâu hơn nữa. Khi đó, nếu người được thừa kế có nhu cầu chia tài sản sẽ không thực hiện được, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích chính đáng của họ. Hơn nữa, người chồng hoặc vợ còn sống cũng không thể thực hiện được đầy đủ quyền của mình đối với bản di chúc chung đó. Bởi lẽ, theo quy định thì người vợ hoặc chồng còn sống không thể định đoạt được toàn bộ khối tài sản chung của vợ chồng mà chỉ được thay đổi, bổ sung phạm vi phần tài sản của mình trong khối tài sản chung đó. Do vậy, người còn sống cũng không thể tác động đến phần di sản của người đã chết vì lợi ích của mình cũng như những người được thừa kế khác.

  Kiến nghị: Để bảo đảm quyền của người lập di chúc chung của vợ chồng, BLDS nên xem xét sửa đổi khoản 2 Điều 664 theo hướng cho phép một bên vợ hoặc chồng có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc trong phạm vi phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ chồng (đã được định đoạt bởi di chúc chung) bất cứ lúc nào kể cả khi không có sự đồng ý của vợ hoặc chồng. Khi đó, nếu bên kia không chấp thuận thì coi như di chúc chung đã lập trước đó không còn hiệu lực, mỗi người có quyền định đoạt phần của mình theo quy định chung về thừa kế. Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết trước thì nên quy định phần di sản có thể được chia cho những người được thừa kế khi có yêu cầu và được sự chấp thuận của người chồng hay vợ còn sống (sửa đổi Điều 668- BLDS về hiệu lực của di chúc chung của vợ, chồng).

Trên đây là ý kiến đối với quy định của BLDS về di chúc chung của vợ chồng, rất mong nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẽ của các đồng nghiệp để góp phần vào việc sửa đổi, bổ sung BLDS 2005.

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Trích dẫn từ:

http://moj.gov.vn/ct/tintuc/Lists/Nghin%20cu%20trao%20i/View_Detail.aspx?ItemID=2819

2 Responses

  1. Nếu như vậy thì thà rằng nên kiến nghị bỏ phần di chúc chung của Vợ chồng thì hơn.

  2. “Trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết trước thì nên quy định phần di sản có thể được chia cho những người được thừa kế khi có yêu cầu và được sự chấp thuận của người chồng hay vợ còn sống (sửa đổi Điều 668- BLDS về hiệu lực của di chúc chung của vợ, chồng).”
    Theo ý kiến của cá nhân tôi thì trong trường hợp vợ hoặc chồng chết trước mà các đồng thừa kế có yêu cầu chia di sản thừa kế thì sẽ áp dụng theo kiểu 1/2 di chúc chung của vợ chồng có hiệu lực (bởi còn một người còn sống thì 1/2 di chúc chưa xuất hiện điều kiện để mở thừa kế). Như vậy chúng ta sẽ chia 1/2 di sản theo nội dung được thể hiện trong di chúc và không cần có sự đồng ý của người chồng hay vợ còn sống.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading