admin@phapluatdansu.edu.vn

CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN “BÌNH MỚI, RƯỢU CŨ”

TS. BÙI XUÂN HẢI – Trưởng khoa Luật Thương Mại, ĐH Luật TP.HCM

Theo qui định tại Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2005 thì chậm nhất trong thời hạn bốn năm kể từ ngày Luật DN 2005 có hiệu lực (01/7/2006), các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật DNNN năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty TNHH hoặc CTCP theo quy định của Luật DN 2005. Theo ước tính của Ban chỉ đạo đổi mới DN Trung ương, có khoảng 1.500 công ty nhà nước thuộc diện chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên vì chưa hoàn thành cổ phần hóa trước ngày 1/7/2010. Song, đến ngày 1-7 vẫn còn khoảng 50 doanh nghiệp chưa hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật DN 2005.

Chuyển đổi để cạnh tranh bình đẳng

Sự chuyển đổi này là đòi hỏi mang tính tất yếu của việc xây dựng một nền kinh tế đa thành phần theo cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và đáp ứng yêu cầu của việc hội nhập kinh tế quốc tế. Không thể có những ‘sân chơi pháp lý’ khác nhau cho những loại hình doanh nghiệp khác nhau chỉ về sở hữu; không nên có những qui định quá khác nhau về địa vị pháp lý thể hiện sự phân biệt đối xử giữa một công ty thuộc sở hữu tư nhân với một công ty do nhà nước làm chủ sở hữu.

Khác với tất cả các nhà đầu tư khác, nhà nước có quyền ban hành luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật theo ý chí của mình và tổ chức thực thi pháp luật. Vì vậy, việc tách rời hẳn chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh thực sự là việc cần phải làm, không thể né tránh. Nhìn ở góc độ cụ thể, nhiều quan chức cao cấp trong bộ máy nhà nước, thậm chí đang là thứ trưởng, lại đang đồng thời giữ vị trí thành viên hay Chủ tịch HĐTV của một tập đoàn kinh tế nhà nước, vậy thì, thật khó khăn cho các vị quan chức này hoàn thành tốt vị trí, vai trò, nhiệm vụ của một quan chức – một chính khách và một nhà quản trị doanh nghiệp cao cấp – người quản lý công ty theo qui định của Luật DN 2005; sẽ không dễ dàng để hành xử một cách khách quan giữa hai vị trí rất khác nhau và đôi khi có sự xung đột về lợi ích.

Ào ào thay áo khoác bên ngoài

Khi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là thời hạn chuyển đổi sẽ hết, ngày 19/3/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2010/NĐ-CP quy định việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH 1 thành viên. Trên cơ sở đó, các công ty nhà nước được chuyển đổi ‘ào ào’ bằng thủ tục khá đơn giản, chỉ là sự thay tên hay nói một cách khác là thay tấm áo khoác bên ngoài.

Để đơn giản và kịp mốc thời gian hoàn thành chuyển đổi trước ngày 1/7/2010 như Luật DN 2005 qui định, khi chuyển đổi, các công ty nhà nước đã không phải xác định lại giá trị doanh nghiệp theo giá thị trường như việc cổ phần hóa, doanh nghiệp cũng không cần lập phương án và thực hiện xử lý tài sản, tài chính, sắp xếp lao động, sử dụng đất… khi chuyển đổi thành công ty TNHH 1 thành viên. Bản điều lệ công ty TNHH 1 thành viên theo Luật DN 2005 cũng chỉ được soạn thảo rất sơ sài – dường như chỉ là để cho đủ loại giấy tờ khi chuyển đổi chứ hầu như không được những người có thẩm quyền và trách nhiệm quan tâm.

Thực tiễn ở các công ty nhà nước sau khi chuyển đổi, hầu hết các cán bộ quản lý doanh nghiệp vẫn giữ nguyên, mọi việc hầu như vẫn như trước khi chuyển đổi trừ cái tên đã trở thành ‘công ty TNHH 1 thành viên’. Ở một vài doanh nghiệp, có sự thay đổi nhất định về cơ cấu tổ chức quản lý, HĐQT được thay bằng HĐTV, chức danh chủ tịch HĐQT được thay bằng chủ tịch HĐTV theo đúng mô hình quản trị công ty TNHH 1 thành viên là tô chức do Luật DN 2005 qui định. Ở một số công ty, giờ đây đã có thêm chức danh mới: Chủ tịch công ty theo qui định của Luật DN 2005, song ở hầu hết các doanh nghiệp chức danh này được giao luôn cho Giám đốc kiêm nhiệm bởi vì người ta vẫn e ngại sự xung đột, mâu thuẫn giữa 2 con người giữ 2 chức vụ sẽ ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp; và như vậy, thật là khó thấy sự đổi mới và sự ‘thay máu’ trong công ty nhà nước sau chuyển đổi. Hầu hết các công ty nhà nước sau khi chuyển đổi chỉ là ‘bình mới ruợu cũ’ mà thôi. Vậy thì làm sao đạt được mục tiêu của quá trình chuyển đổi?

Theo pháp luật hiện hành thì Nhà nước là chủ sở hữu đối với công ty TNHH 1 thành viên do mình nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ. Song, nhà nước phải giao cho Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước. Nghị định 25/2010 qui định rằng mỗi công ty TNHH 1 thành viên được chuyển đổi từ công ty nhà nước chỉ do 1 tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên sẽ có các quyền, nghĩa vụ quy định tại các Điều 64, 65 và 66 Luật DN 2005, các qui định khác liên quan và điều lệ công ty. Song, việc phân định rõ việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên chuyển đổi từ công ty nhà nước với việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước không phải là việc dễ dàng.

Cần phải quyết liệt trong việc phân tách rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng của đại diện chủ sở hữu nhà nước; không thể nhầm lẫn giữa ‘trọng tài’ và ‘cầu thủ’, giữa ‘cơ quan nhà nước’ và ‘nhà đầu tư’…

Sự chậm trễ tai hại

Những khó khăn sau chuyển đổi cũng còn đó, các lãnh đạo doanh nghiệp sau chuyển đổi thấy rất lúng túng trước việc quản lý điều hành công ty theo những điều luật có vẻ còn khá sơ sài, chung chung của Luật DN 2005, rất nhiều văn bản pháp luật cần phải được ban hành để hướng dẫn cụ thể cho hoạt động của những công ty thuộc sở hữu nhà nước, những văn bản pháp luật liên quan được ban hành căn cứ Luật DNNN 2003 về nguyên tắc không còn hiệu lực sau ngày 01/7/2010. Dường như, Chính phủ và các bộ ngành hữu quan vẫn chưa thực sự hành động kịp thời và đầy đủ trong việc xây dựng cơ chế, chính sách cho những công ty sau chuyển đổi, chẳng hạn như về quản lý tài sản, tài chính, lao động, hay mối quan hệ giữa công ty với đại diện chủ sở hữu.

Với tư cách là một ‘ông chủ đặc biệt’ – nhà nước hoàn toàn có quyền ban hành những qui định hướng dẫn cụ thể những qui định của Luật DN 2005 về quản trị, quản lý tài sản, tài chính, tiền lương, lao động … dành cho các công ty thuộc sở hữu của mình – trên nguyên tắc phù hợp với Luật DN 2005 và không được tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Sự chậm trễ sẽ có thể dẫn đến những hậu quả tai hại, những thiệt hại lớn về kinh tế cho mấy ngàn công ty sau chuyển đổi, trong đó bao gồm cả những tập đoàn kinh tế nhà nước. Thực tiễn cũng đòi hỏi các cơ quan, tổ chức đại diện chủ sở hữu nhà nước, các lãnh đạo của công ty nhà nước sau khi chuyển đổi cần hiểu rõ ý nghĩa của việc chuyển đối, các qui định về địa vị pháp lý của công ty sau khi được chuyển đổi để có thể thay đổi cách thức và ‘lề lối’ quản trị, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT

Trích dẫn từ: http://news.vibonline.com.vn/Home/sk_bl/2010/10/6249.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading