admin@phapluatdansu.edu.vn

THẤY GÌ TỪ VIỆC MỘT DOANH NGHIỆP KIỆN BỘ TRƯỞNG?

LG. VŨ XUÂN TIỀN – Chủ tịch HĐTV – Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam

Việc một doanh nghiệp tư nhân dám cả gan kiện ông Bộ trưởng Bộ Công Thương có lẽ cũng là chuyện hy hữu trong nền hành chính ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, sự kiện đó và những diễn biến của nó cũng cho chúng ta những suy nghĩ bổ ích và lý thú.

Tóm tắt sự việc

Ngày 4-3-2009, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất – thương mại Tam Đảo (gọi tắt là Tam Đảo), có địa chỉ tại quận 6, TPHCM nhập khẩu 760 máy phát điện và bị Đội quản lý thị trường 6B (quận 6) bắt giữ với lý do không xuất trình đủ hóa đơn chứng từ trong vòng 24 giờ kể từ khi kết thúc kiểm tra.

Không đồng tình, doanh nghiệp tư nhân Tam Đảo đã khởi kiện UBND quận 6. Đầu tháng 8-2009, Tòa án nhân dân quận 6 đưa vụ việc ra xét xử và đã bác toàn bộ đơn khởi kiện. Tam Đảo kháng nghị lên Tòa án nhân dân TPHCM. Vụ việc đang chờ Tòa án nhân dân thành phố xét xử phúc thẩm. Do bức xúc vì bị các cơ quan quản lý áp dụng Thông tư 12/2007 đã quá lạc hậu vì được ban hành căn cứ vào Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25-2-2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế; Nghị định số 138/2004/NĐ-CP ngày 17-6-2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10-10-2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại.

Song, vào năm 2009, các nghị định nêu trên đều đã hết hiệu lực thi hành. Ngày 13-8-2010, chủ doanh nghiệp này tiếp tục nộp đơn khởi kiện đích danh người đứng đầu Bộ Công Thương là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Theo giám đốc doanh nghiệp, Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính không đưa ra quy định về hành vi hành chính trước và sau 24 giờ, Bộ trưởng Công Thương cho ban hành Thông tư 12 với quy định nêu trên là vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đơn kiện, ông giám đốc cho rằng, doanh nghiệp thiệt hại hàng tỉ đồng vì bị các cơ quan chức năng dùng Thông tư 12 xử phạt hành chính. Ông yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương bồi thường thiệt hại 2,5 tỉ đồng.

Ngày 13-8-2010, Tòa án nhân dân TPHCM nhận được đơn khởi kiện Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng của Tam Đảo. Ngày 19-8-2010, Tòa án nhân dân TPHCM đã ra thông báo bác đơn kiện của Tam Đảo với lý do: không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Ngày 20-8-2010, Tam Đảo đã khiếu nại Tòa án nhân dân TPHCM về việc trả lại đơn khởi kiện. Đến 10-9-2010, doanh nghiệp lại gửi đơn tới Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các cơ quan có liên quan của Quốc hội, cùng Ủy ban Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, đề nghị can thiệp để đưa vụ án ra xét xử.

Vài suy ngẫm

Sự việc vẫn chưa có hồi kết. Song, với những diễn biến nêu trên, có những vấn đề sau đây cần nghiên cứu và giải quyết một cách nghiêm túc.

Thứ nhất, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Thông tư 12 không phải thông tư riêng do Bộ Công Thương ban hành và ông cũng không phải là người trực tiếp đặt bút ký. Thông tư 12 là thông tư liên tịch do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), Bộ Tài chính và Bộ Công an ban hành từ năm 2007. Trong đó, Bộ Tài chính đóng vai trò chủ trì. Như vậy, phải chăng Tam Đảo đã kiện chưa đầy đủ những cơ quan có trách nhiệm?

Thứ hai, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: “Thông tư được ban hành trước khi Bộ Công Thương thành lập. Tất nhiên trách nhiệm của bộ là liên tục và Bộ Công Thương trong vai trò kế nhiệm cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Công an sửa đổi thông tư này”.

Thật lạ lùng khi những căn cứ để ban hành thông tư đều đã hết hiệu lực từ lâu, nhưng đến nay Bộ Công Thương mới đang “phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Công an sửa đổi thông tư này”. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không thể dừng lại để chờ việc “phối hợp sửa thông tư”. Điều đó, chắc các bộ trưởng có liên quan đều biết rõ.

Thứ ba, vì sao Tòa án nhân dân TPHCM bác đơn kiện của Tam Đảo với lý do “Không thuộc thẩm quyền giải quyết”? Có ý kiến cho rằng, Tòa hành chính thuộc Tòa án Nhân dân chỉ xét xử những vụ kiện liên quan đến các văn bản hành chính. Thông tư của các bộ, ngành (bao gồm cả thông tư liên tịch) là văn bản quy phạm pháp luật, không phải là văn bản hành chính nên doanh nghiệp không thể khởi kiện.

Nếu giải thích trên là đúng thì phải chăng, các bộ, ngành cứ vô tư ban hành các thông tư trái luật còn hậu quả của nó thì các doanh nghiệp cứ “vô tư gánh chịu”?

Doanh nghiệp tư nhân Tam Đảo bị tịch thu tới 760 chiếc máy phát điện. Điều đó là đúng hay sai? Thiết nghĩ, dù với bất kỳ lý do nào, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cũng cần vào cuộc giải quyết để đảm bảo sự minh bạch và lành mạnh của môi trường kinh doanh.

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN

Trích dẫn từ:

http://www.thesaigontimes.vn/Home/doanhnghiep/phapluat/42185/Thay-gi-tu-viec-mot-doanh-nghiep-kien-bo-truong?.html

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading