admin@phapluatdansu.edu.vn

CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ: HƯỚNG ĐI NÀO CHO VIỆT NAM?

open_business_models_commons_id32200361.jpgHUỲNH THẾ DU

Khi những xung lực cho tăng trưởng đang yếu dần, những thách thức đang lộ diện rõ hơn thì việc cơ cấu lại nền kinh tế không còn là vấn đề được đặt ra mà cần giải quyết rốt ráo nhằm tìm ra những làn sóng tăng trưởng mới giúp Việt Nam có thể bắt kịp các nước phát triển.

Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế nên được cơ cấu lại như thế nào? Việc nhìn lại yếu tố dẫn đến thành công cũng như những vấn đề đặt ra sau hơn 20 năm đổi mới và kinh nghiệm quốc tế có thể là cách tiếp cận phù hợp cho Việt Nam.

Khi năng lực được giải phóng

Có nhiều nguyên nhân tạo ra thành công trong hơn 20 năm đổi mới của Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất chính là năng lực sản xuất được giải phóng và phát huy. Khi năng lực đã được tích tụ, nền kinh tế có khả năng sản xuất 40 triệu tấn lương thực chỉ cần trả ruộng về tay nông dân là có thể đạt được mức tiềm năng, hay đội ngũ đông đảo doanh nghiệp dân doanh đã được phát huy sở trường nhờ Luật doanh nghiệp năm 2000 để tạo ra làn sóng tăng trưởng mạnh trong gần một thập niên qua.

Thành công quả là kỳ diệu với hơn nửa dân số thoát khỏi đói nghèo. Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình (GDP bình quân người từ một nghìn đô-la trở nên) sau khi duy trì được tốc độ tăng trưởng cao (hơn 7,5%) trong hơn 2 thập niên. 
Nếu dùng những hình ảnh đơn giản thì có thể nói rằng từ một nước thiếu ăn phải nhập khẩu lương thực và nhiều mặt hàng thiết yếu, sau hơn 20 năm Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản và các mặt hàng gia dụng như: hồ tiêu (số một), gạo và cà phê (số hai), chè, cao su, thủy sản, dệt may, da giày và đồ gỗ.

Nói cách khác Việt Nam đã là “nước lớn” về xuất khẩu những mặt hàng kể trên nhờ khai thác thế mạnh của mình. Hơn thế, đây chính là những ngành giúp giải quyết việc làm và nâng cao đời sống cho phần lớn người dân Việt Nam.Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là các mặt hàng này mới chỉ dừng ở mức sở chế hoặc gia công. Việc đầu tư vào những khâu có giá trị gia tăng cao hơn dường như chưa được quan tâm đúng mức.

Hành trang cho tương lai

Nhằm  đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, trong thời gian qua, nhiều ngành công nghiệp như: sản xuất ô tô, sắt thép, hay đóng tàu đã được đầu tư hay trợ cấp thông qua ưu đãi thuế nhiều tỷ đô-la. Tuy nhiên, chắc hẳn nhiều người sẽ e dè khi nói rằng đây là những ngành thế mạnh và hứa hẹn của Việt Nam cho dù hầu hết các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đã có mặt tại Việt Nam và cách đây vài năm Việt Nam đã ký hợp đồng đóng những con tàu trọng tải trên 50 nghìn tấn. Đơn giản là việc phát triển chúng không dựa vào thế mạnh quốc gia mà do những yếu tố khác. Ví dụ về ngành sản xuất ô tô trong hộp 1 là một khía cạnh.

Ngược lại, khi Việt Nam xây dựng chính sách công nghiệp cách đây hơn một thập kỷ, ít ai nghĩ rằng sẽ có ngày các hãng công nghệ hàng đầu như Intel, Canon hay Samsung bỏ hàng tỷ đô-la xây dựng các nhà máy hiện đại tại Việt Nam.

Tại sao các hãng này lại đặt cược hàng tỷ đô-la vào Việt Nam? Câu trả lời có lẽ nằm ở hai lý do:
Thứ  nhất, tiềm năng thị trường Việt Nam lớn. Ví  dụ chỉ cần 1/10 dân số Việt Nam sử  dụng con chip của Intel thì quy mô thị trường đã lên đến ba bốn tỷ đô-la.
Thứ  hai, tiềm năng về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy chất lượng giáo dục đang có vấn đề, ví dụ vào đầu năm 2008, theo Báo Tuổi Trẻ “sau một năm trực tiếp khảo sát gần 2.000 sinh viên năm cuối tại năm trường đại học chuyên ngành kỹ thuật lớn nhất Việt Nam, họ [Intel] chỉ chọn được 40 sinh viên đủ khả năng”, nhưng nhìn vào tố chất của người Việt, nhất là sự cần cù và khả năng sáng tạo, thì tiềm năng về nguồn nhân lực chất lượng cao là rất rõ ràng.

Đây có lẽ là những ngành mà Việt Nam có tiềm năng dựa vào thế mạnh của mình. Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, rất khó để Việt Nam tự phát triển, việc dựa vào những người đi đầu có lẽ là chiến lược hợp lý hơn cả.

Cám dỗ  về các ngành công nghiệp hiện đại

Những người sáng lập ra kinh tế phát triển cho rằng (1) loại sản phẩm mà một quốc gia xuất khẩu có ý nghĩa  đến thành quả kinh tế và (2) công nghiệp hóa tạo ra sự lan truyền lợi ích mà chúng dẫn đến tăng trưởng. Tuy nhiên, do thiếu các mô  hình chính thức, lý thuyết kinh tế học chính thống đã không thể kết hợp được các ý tưởng này. Thay vào đó hai cách tiếp cận được sử dụng để giải thích cho sự chuyên môn hóa của các quốc gia.

Cách tiếp cận thứ nhất tập trung vào tỷ phần tương đối giữa các nhân tố sản xuất (vốn vật chất, lao động, đất đai, kỹ năng, vốn nhân lực, cơ sở hạ tầng và thể chế). Các nước nghèo tập trung vào sản xuất các loại hàng hóa thâm dụng lao động không có kỹ năng, đất đai, trong khi các nước giàu chuyên môn hóa các sản phẩm đòi hỏi cơ sở hạ tầng, thể chế cũng như vốn nhân lực và vốn vật chất.

Cách tiếp cận thứ hai nhấn mạnh đến sự khác biệt về  công nghệ và phải được bổ sung bằng một lý thuyết về điều gì dẫn đến sự khác bit. Những mô hình về sự đa dạng và những nấc thang chất lượng giả định rằng luôn có một sản phẩm tân tiến hơn một chút hay chỉ là một sản phẩm khác mà các nước có thể tham gia mà không cần để ý đến sự tương tự của sản phẩm khi xem xét tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu.

Trên thực tế nhiều nước đang hưởng lợi rất nhiều từ  phân công lao động, nhưng do yếu tố chính trị học, nên cách tiếp cận thứ nhất có vẻ không được các nước đang phát triển chú ý vì ít ai muốn chuyên môn hóa vào việc “bán sức lao động”. Ngược lại, cách thứ hai có vẻ lý tưởng vì nước nào cũng mong muốn có những ngành công nghiệp “mũi nhọn”, hàm lượng công nghệ cao.

Lập luận một quốc gia có thể chuyển sang sản xuất những mặt hàng tân tiến mà không cần quan tâm đến nền tảng hiện tại cộng với hình ảnh so sánh một tấn gạo xuất khẩu chỉ đem lại khoảng 400 đô-la, chỉ bằng một cái máy ảnh nặng chừng 100 gam hay một con chip chưa đến vài gam quả là cám dỗ để nhiều nước tập trung nguồn lực cho những ngành thâm dụng vốn và chất xám vì họ cho rằng không thể giàu được nếu cứ sản xuất giản đơn. Tuy nhiên, mong muốn và khả năng thường là hai phạm trù khá khác biệt.

Lý  thuyết về bước nhảy của  đàn khỉ

Trên cơ  sở lập của Adam Smith, “Bí mật về sự  giàu của các quốc gia liên quan đến sự phân công lao động. Khi con người và các doanh nghiệp chuyên môn hóa vào những hoạt động khác nhau hiệu quả kinh tế sẽ gia tăng.”  và những bất cập của hai cách tiếp cận nêu trên, nhóm học giả gồm: Barabási, Hausmann, Hidalgo, Klinger thuộc Đại học Harvard đã đưa ra lý thuyết về bước nhảy của những con khỉ (monkey jumping) bằng việc phân tích thực nghiệm quá trình phát triển sản phẩm và công nghiệp hóa của các nền kinh tế trên thế giới.

Hình dung một sản phẩm như một cái cây và tất cả  các sản phẩm như một khu rừng. Một quốc gia bao gồm một tập hợp các doanh nghiệp, giả định giống như  những con khỉ sống trên những cái cây khác nhau và  khai thác những sản phẩm này. Quá trình tăng trưởng giống như việc di chuyển từ phần rừng còi cọc nơi mà những cái cây có ít trái hơn sang những vùng tươi tốt hơn. Điều này có nghĩa rằng những con khỉ phải nhảy qua những khoảng cách, hay các doanh nghiệp phải sắp xếp lại nguồn nhân lực, vốn vật chất và thể chế hướng vào sản phẩm mới khác với hoạt động sản xuất hiện tại.

Các lý  thuyết tăng trưởng truyền thống giả định rằng luôn có những cái cây trong tầm với, và vì  vậy cấu trúc của cánh rừng là không quan trọng. Tuy nhiên, nếu cánh rừng này không đồng nhất, nơi thì đông đúc, nơi thì thưa thớt và nếu những con khỉ chỉ có khả năng nhảy những khoảng cách giới hạn, thì cấu trúc của không gian sản phẩm và định hướng của một nước trở nên cực kỳ quan trọng đến sự phát triển.

Theo lý  thuyết, nhiều yếu tố khả dĩ có thể  tạo ra sự liên hệ giữa các sản phẩm –  sự gần gũi giữa các cây – ví dụ như: sự tập trung lao động, đất đai và vốn, mức độ tinh vi của công nghệ, nhập lượng và xuất lượng tham gia trong chuỗi giá trị của sản phẩm (bông vải, sợi, vải, may) hoặc các thể chế yêu cầu. Vấn đề đặt ra là sự tương tự theo khía cạnh hay chiều nào là quan trọng?

Nếu hai loại hàng hóa liên quan với nhau vì chúng cùng yêu cầu những thể chế, cơ sở hạ tầng, yếu tố vật chất, công nghệ giống nhau hay là một sự kết hợp nào đó thì chúng có thể sản xuất nối tiếp, ngược lại những sản phẩm không tương tự ít có khả năng sản xuất cùng nhau. Điều này được gọi là sự “gần gũi” (proximity) mà nó làm cho khả năng sản xuất một sản phẩm mới của một quốc gia phụ thuộc vào khả năng sản xuất những sản phẩm khác của nước này.

Ví dụ  một nước có khả năng xuất khẩu táo sẽ  có thể có hầu hết các điều kiện thích hợp để xuất khẩu lê vì chúng có cùng yêu cầu về thổ nhưỡng, khí hậu, công nghệ đóng gói và vận chuyển. Thêm vào đó họ có những nhà nông học giỏi, quy định về vệ sinh hay thỏa thuận thương mại dễ dàng áp dụng vào hoạt động kinh doanh lê. Ngược lại, tất cả hay hầu hết khả năng được phát triển cho việc kinh doanh táo sẽ là vô dụng đối với những sản phẩm khác biệt như sản xuất dây đồng hay dụng cụ gia đình.

Nhóm  học giả này kết luận “Các nền kinh tế tăng trưởng bằng cách nâng cấp các sản phẩm mà họ sản xuất và xuất khẩu. Công nghệ, vốn, thể chế và kỹ năng cần thiết để chế tạo các sản phẩm mới thì dễ hơn khi dựa vào một số sản phẩm so với những sản phẩm khác.”

Nói một cách đơn giản, nhóm học giả này đã không thừa nhận lập luận một nước có khả năng tham gia vào bất kỳ sản phẩm nào và cho rằng các quốc gia nên lựa chọn phát triển các sản phẩm tiếp theo dựa trên những sản phẩm hiện có, nhất là các sản phẩm xuất khẩu nhằm phát huy năng lực sẵn có.

Hướng đi nào cho Việt Nam?

Nếu  cách tiếp cận về “bước nhảy của bầy khỉ” nêu trên là hợp lý thì hình như định hướng phát triển các ngành công nghiệp hay công nghiệp hóa của Việt Nam có điều gì đó chưa ổn. Những ngành nghề liên quan đến cắt may, thiết kế thời trang … chắc chắn gần với công nghiệp dệt may và da giày hơn là cắt thép đóng tàu. Việc chế biến các sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao hơn từ con tôm, con cá hay hạt gạo, hạt cà phê chỉ là bước nối tiếp của các hoạt động sơ chế nông sản và thủy sản, khác xa so với sản xuất sắt thép hay xe hơi.

Khoảng cách giữa những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam và những ngành đang được tập trung nhiều vốn và ưu đãi có lẽ quá xa nên các doanh nghiệp khó lòng mà chuyển sang được. Đây có thể là điều đang gây rắc rối cho kinh tế Việt Nam.

Để có thể gặt hái được thành công như mong đợi, Việt Nam cần xem xét một số vấn đề sau:
Thứ  nhất, tập trung nguồn lực cho những ngành công nghiệp gần với các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, dệt may và da giày nhằm phát huy những thế mạnh của Việt Nam. Hơn thế, việc phát triển những sản phẩm này còn góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng vì chúng mang lại lợi ích cho phần lớn người dân Việt Nam.

Thứ  hai, tập trung phát triển những yếu tố cần thiết (nhất là nguồn nhân lực) cho những ngành công nghiệp yêu cầu hàm lượng chất xám cao. Cụ thể là  làm sao thỏa mãn nhu cầu lao động sẵn có cho các doanh nghiệp như Intel, Canon hay Samsung, hay nhân lực cho ngành công nghiệp phần mềm.

Thứ  ba, sẵn sàng mở cửa mời gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bất kỳ lĩnh vực nào miễn là hoạt động của họ có lợi cho Việt Nam và đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện môi trường và an ninh quốc gia.

Tóm lại, hơn lúc nào hết, bây giờ chính là lúc Việt Nam cần tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế nhằm phát huy những lợi thế và thế mạnh, tạo ra những làn sóng tăng trưởng mạnh và bền mới để đưa Việt Nam bắt kịp các nền kinh tế phát triển, thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình.

Tại sao các hãng sản xuất ô tô vào Việt Nam?

Câu trả lời sẽ không phải là tiềm năng có thể phát triển dựa vào những lợi thế quốc gia mà là chính sách ưu đãi thuế cho một thị trường đủ để kiếm được những khoản lợi nhuận khá lớn.

Với giá trị 1.2 tỷ đô-la nhập khẩu 80 nghìn ô tô nguyên chiếc năm 2009, ước tính một cách thận trọng với giả định thuế suất nhập khẩu bình quân khoảng 60-70% thì phần thuế nhà nước thu được sẽ là 700-800 triệu đô-la.

Tương tự, với 1,5 tỷ đô-la giá trị linh kiện nhập khẩu để sản xuất khoảng 100 nghìn chiếc xe, giả sử thuế suất nhập khẩu trung bình từ 20-30% thì phần thuế thu được sẽ vào khoảng 300-450 triệu đô-la. Nhưng nếu giá trị linh kiện này là xe nguyên chiếc thì thuế nhập khẩu sẽ từ 800 triệu đến 1 tỷ đô-la.

Như vậy, phần thuế chênh lệch ít nhất cũng khoảng nửa tỷ đô-la hay hơn 1 triệu tấn gạo. Đây có thể coi là phần trợ cấp cho việc sản xuất (thực chất là lắp ráp) hơn 100 nghìn xe ô tô trong nước với tỷ lệ nội địa khá kiêm tốn.

Ước tính bình quân một chiếc xe lắp ráp tại Việt Nam được trợ cấp khoảng 5.000 đô la và một việc làm trong ngành này (trực tiếp 50 nghìn người và liên quan 200 nghìn người) được trợ cấp vào khoảng 2.000 đô-la một năm, gấp đôi GDP bình quân đầu người hiện nay.

Hơn thế, phần lớn số tiền chênh lệch nêu trên thuộc về các nhà sản xuất (phần lớn là nước ngoài), nhưng với số vốn đầu tư khiêm tốn của các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy dường như họ đang khai thác lợi nhuận nhờ ưu đãi thuế trong ngắn hạn chứ không phải là chiến lược phát triển ngành ô tô dài hạn ở Việt Nam. Khi hết ưu đãi và thị trường mở cửa thì họ sẽ nhập khẩu ô tô về bán tại thị trường Việt Nam.

SOURCE: TẠP CHÍ TIA SÁNG ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ:

http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=3509

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading