admin@phapluatdansu.edu.vn

BÁO CÁO SỐ 09 /BC-TANDTC NGÀY 9 THÁNG 8 NĂM 2010 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TỔNG KẾT 5 NĂM THI HÀNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

Cùng với sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật tố tụng dân sự đã có quá trình phát triển từ năm 1945 sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập. Đặc biệt là việc ban hành ba Pháp lệnh: Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996.

Tuy nhiên, các Pháp lệnh này mới chỉ quy định những nguyên tắc chung của pháp luật tố tụng dân sự, còn thiếu nhiều quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự cũng như thiếu các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án nhân dân; mặt khác, nhiều quy định của các Pháp lệnh này không còn phù hợp, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật lao động năm 1994…

Theo Nghị quyết số 52/2001/QH10 ngày 25-12-2001 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002 và Nghị quyết số 286/2002/NQ-UBTVQH10 ngày 20-01-2002 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002, Tòa án nhân dân tối cao được giao là cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng dân sự. Ngày 15-6-2004, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2005.

Sau hơn 5 năm thi hành, Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân sự dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng dân sự. Bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

BLTTDS đã kế thừa được các giá trị của các văn bản quy phạm pháp luật được thể nghiệm trong thực tế, bảo đảm hài hoà lợi ích của các đương sự, tương thích với luật pháp quốc tế và thể hiện sự minh bạch, khả thi. Tuy nhiên, khi triển khai thi hành BLTTDS cho thấy một số quy định của BLTTDS không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định; có những quy định chưa đáp ứng được các yêu cầu cam kết quốc tế đa phương và song phương; có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác; có những quy định chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp), chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và còn có những cách hiểu khác nhau; có những quy định chưa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Bên cạnh đó việc tiếp tục hòan thiện thủ tục tố tụng dân sự cũng là một trong những nhiệm vụ cải cách tư pháp mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra.

Nhận thức được vấn đề này, ngày 04-9-2007, Tòa án nhân dân tối cao đã gửi Công văn số 123/KHXX về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và năm 2008, theo đó đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét và giao cho Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS. Ngày 21-11-2007, Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ hai đã đưa dự kiến sửa đổi, bổ sung BLTTDS vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011); Ngày 23-01-2008 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 567/2008/UBTVQH12 thành lập Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS; ngày 19-10-2009 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 51/QĐ-TANDTC thành lập Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS.

Để có cơ sở cho việc đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành các công văn gửi Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp, các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, các đơn vị chức năng có liên quan trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị tổ chức tổng kết công tác thi hành BLTTDS. Sau đây là kết quả tổng kết 5 năm thi hành BLTTDS:

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH THI HÀNH BLTTDS

1. Về công tác triển khai thi hành BLTTDS

1.1. Công tác soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành

Căn cứ Lệnh số 13/2004/L-CTN ngày 24-6-2004 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố BLTTDS, Bộ luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2005; ngày 15-6-2004 Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 5 ban hành Nghị quyết số 32/2004/QH11 về việc thi hành BLTTDS; thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn các quy định của BLTTDS, cụ thể như sau:

– Các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn BLTTDS:

+ Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS.

+ Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27-4-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định tại chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của BLTTDS.

+ Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17-9-2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về “Chứng minh và chứng cứ”.

+ Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS.

+ Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04-8-2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ ba “Thủ tục giải quyết các vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS.

– Các Thông tư liên tịch hướng dẫn BLTTDS:

+ Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17-6-2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính hướng dẫn việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí.

+ Thông tư liên tịch số 03/2005/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01-9-2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự và sự tham gia của Kiểm sát viên trong việc giải quyết các vụ việc dân sự.

+ Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV-BTC-BCA-BQP-BTP ngày 31-01-2007 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 241/2006/QĐ-TTg ngày 25-10-2006 của Thủ Tướng chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng phiên tòa.

+ Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03-4-2008 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân.

+ Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28-12-2007 Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

+ Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-TANDTC-BLĐTB&XH-VKSNDTC ngày 18-5-2010 của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Tòa án nhân dân.

Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao và Viện khoa học xét xử đã ban hành nhiều công văn trao đổi nghiệp vụ, công văn giải thích và hướng dẫn áp dụng các quy định của BLTTDS cho TAND các cấp.

Các văn bản trên đã được ban hành kịp thời, đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hoá BLTTDS, hướng dẫn và chỉ đạo thực thi thống nhất BLTTDS trên phạm vi toàn quốc.

1.2. Công tác triển khai thi hành BLTTDS

Bên cạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành nhiều biện pháp khác để triển khai thi hành BLTTDS, trong đó công tác tập huấn nâng cao nghiệp vụ giải quyết các vụ việc dân sự được chú trọng hàng đầu. Kể từ khi BLTTDS được ban hành cho đến nay Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức được 58 lớp tập huấn cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân các cấp, Tòa chuyên trách thuộc Tòa án nhân dân tối cao trên phạm vi cả nước. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức được nhiều cuộc hội thảo khoa học về pháp luật tố tụng dân sự.

Công tác nghiên cứu khoa học về pháp luật tố tụng dân sự được Tòa án nhân dân tối cao khuyến khích. Từ năm 2005 cho đến nay, Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nghiệm thu 14 đề tài (trong đó 06 đề tài cấp Bộ; 8 đề tài cấp cơ sở) về pháp luật tố tụng dân sự, đây là những đề tài khoa học có chất lượng cao, là cơ sở lý luận cũng như thực tiễn quan trọng cho việc tổ chức triển khai thi hành BLTTDS trong toàn ngành Tòa án và phục vụ cho công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành BLTTDS của Tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tố tụng dân sự cũng được Tòa án nhân dân tối cao chú trọng. Trong những năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thực hiện nhiều đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật khác nhau, trong đó có nội dung tuyên truyền phổ biến về pháp luật tố tụng dân sự; phát hành các ấn phẩm, tài liệu để phục vụ công tác này.

2. Kết quả giải quyết các vụ việc dân sự của TAND các cấp

2.1. Năm 2005:

+ Công tác giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình:

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 129926 vụ việc trong tổng số 150195 vụ việc, đạt 87%, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 115186 vụ việc trong số 134332 vụ việc đã thụ lý, đạt 86% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 110288 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 4898 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 14051 vụ việc trong tổng số 15161 vụ việc đã thụ lý, đạt 93% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 13238 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 813 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 689 vụ việc trong tổng số 702 vụ việc đã thụ lý, đạt 98% (các Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 440 vụ việc; Tòa dân sự và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 249 vụ việc).

Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết tranh chấp yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình bị hủy là 1,5%, bị sửa là 3,6%. So với năm 2004 tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy tăng 0,2%, bị sửa giảm 0,1%.

+ Công tác giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh thương mại và yêu cầu tuyên bố phá sản

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 1223 vụ việc trong tổng số 1495 vụ việc, đạt 82%, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 1035 vụ việc trong số 1260 vụ việc đã thụ lý, đạt 82,1% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 169 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 866 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 174 vụ việc trong tổng số 219 vụ việc đã thụ lý, đạt 80% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 10 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 164 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 14 vụ việc trong tổng số 16 vụ việc đã thụ lý, đạt 88% (các Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 01 vụ việc; Tòa kinh tế và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 13 vụ việc).

Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết tranh chấp yêu cầu về kinh doanh thương mại bị hủy là 2,5%, bị sửa là 3,9%. So với năm 2004 tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy tăng 0,3%, bị sửa tăng 1,3%.

+ Công tác giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về lao động

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 976 vụ việc trong tổng số 1129 vụ việc, đạt 86,4%, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 812 vụ việc trong số 950 vụ việc đã thụ lý, đạt 86% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 497 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 315 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 159 vụ việc trong tổng số 174 vụ việc đã thụ lý, đạt 94,1% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 73 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 86 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 5 vụ việc trong tổng số 5 vụ việc đã thụ lý, đạt 100% (toàn bộ số vụ việc này đều do Tòa Lao động Tòa án nhân dân tối cao giải quyết).

Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết tranh chấp yêu cầu về lao động bị hủy là 2,2%, bị sửa là 5,2%. So với năm 2004 tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy tăng 1,2%, bị sửa tăng 2%.

2.2. Năm 2006:

+ Công tác giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình:

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 143.580 vụ việc trong tổng số 160979 vụ việc, đạt 89%, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 127.137 vụ việc trong số 143.404 vụ việc đã thụ lý, đạt 88,6% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 123.087 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 4.050 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 15.856 vụ việc trong tổng số 16.926 vụ việc đã thụ lý, đạt 93% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 15.229 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 627 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 587 vụ việc trong tổng số 649 vụ việc đã thụ lý, đạt 89% (các Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 242 vụ việc; Tòa dân sự và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 345 vụ việc).

Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết tranh chấp yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình bị hủy là 1,4%, bị sửa là 3,8%. So với năm 2005 tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy giảm 0,1%, bị sửa tăng 0,2%. Trong đó, tỷ lệ các bản án quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị hủy để giải quyết lại chiếm 2%.

+ Công tác giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh thương mại và yêu cầu tuyên bố phá sản

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 2274 vụ việc trong tổng số 2866 vụ việc, đạt 79,4% (số vụ yêu cầu tuyên bố phá sản đã giải quyết là 16/53 vụ), trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 1978 vụ việc trong số 2498 vụ việc đã thụ lý, đạt 79,2% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 689 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 1289 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 280 vụ việc trong tổng số 347 vụ việc đã thụ lý, đạt 80,7% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 73 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 207 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 16 vụ việc trong tổng số 21 vụ việc đã thụ lý, đạt 76,2% (các Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 01 vụ việc; Tòa kinh tế và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 15 vụ việc).

Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết tranh chấp yêu cầu về kinh doanh thương mại bị hủy là 2%, bị sửa là 3%. So với năm 2005 tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy giảm 0,05%, bị sửa tăng 0,9%. Trong đó, tỷ lệ các bản án quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị hủy để giải quyết lại chiếm 2,3%, sửa chiếm 3,4%; tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy chiếm 3,2%.

+ Công tác giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về lao động

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 969 vụ việc trong tổng số 1043 vụ việc, đạt 92,9%, tăng hơn cùng kỳ năm trước 6,5% và vượt 6,9% chỉ tiêu đề ra trong đầu năm, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 760 vụ việc trong số 820 vụ việc đã thụ lý, đạt 92,7% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 461 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 299 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 193 vụ việc trong tổng số 205 vụ việc đã thụ lý, đạt 94,1% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 118 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 75 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 16 vụ việc trong tổng số 18 vụ việc đã thụ lý, đạt 88,9% (toàn bộ số vụ việc này đều do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải quyết).

Tỷ lệ các bản án, quyết định giải quyết tranh chấp yêu cầu về lao động bị hủy là 2,3%, bị sửa là 7,1%. So với năm 2005 tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy tăng 0,1%, bị sửa tăng 1,9%. Trong đó, tỷ lệ các bản án quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị hủy để giải quyết lại chiếm 0,92%, sửa chiếm 9%; tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy chiếm 8,3%.

2.3. Năm 2007:

+ Công tác giải quyết các vụ việc dân sự:

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 93090 vụ việc trong tổng số 105358 vụ việc, đạt 88,4%, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 78528 vụ việc trong số 89944 vụ việc đã thụ lý, đạt 87,3% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 76407 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 2121 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 13932 vụ việc trong tổng số 14724 vụ việc đã thụ lý, đạt 94,6% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 13288 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 644 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 630 vụ việc trong tổng số 690 vụ việc đã thụ lý, đạt 91,3% (các Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 226 vụ việc; Tòa dân sự và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 464 vụ việc).

+ Công tác giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình:

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 73174 vụ việc trong tổng số 77561 vụ việc, đạt 94,3%, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 70204 vụ việc trong số 74484 vụ việc đã thụ lý, đạt 94,3% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 67688 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 2516 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 2840 vụ việc trong tổng số 2936 vụ việc đã thụ lý, đạt 96,7% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 2761 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 79 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 130 vụ việc trong tổng số 141 vụ việc đã thụ lý, đạt 92,2% (các Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 86 vụ việc; Tòa dân sự và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 44 vụ việc).

+ Công tác giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh thương mại và yêu cầu tuyên bố phá sản

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 4206 vụ việc trong tổng số 4798 vụ việc, đạt 87,7%, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 3783 vụ việc trong số 4287 vụ việc đã thụ lý, đạt 88,2% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 1948 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 1835 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 401 vụ việc trong tổng số 485 vụ việc đã thụ lý, đạt 82,7% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 158 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 243 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 22 vụ việc trong tổng số 26 vụ việc đã thụ lý, đạt 84,6% (các Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 4 vụ việc; Tòa kinh tế và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 18 vụ việc).

Trong năm 2007, Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 175 trong số 175 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, đạt tỷ lệ 100%.

+ Công tác giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về lao động

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 1211 vụ việc trong tổng số 1275 vụ việc, đạt 95%, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 962 vụ việc trong số 1022 vụ việc đã thụ lý, đạt 94,1% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 799 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 163 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 240 vụ việc trong tổng số 244 vụ việc đã thụ lý, đạt 94,1% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 181 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 59 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 9 vụ việc trong tổng số 9 vụ việc đã thụ lý, đạt 100% (toàn bộ số vụ việc này đều do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải quyết).

2.4. Năm 2008:

+ Công tác giải quyết các vụ việc dân sự:

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 88454 vụ việc trong tổng số 100539 vụ việc, đạt 88%, tăng …% so với cùng kỳ năm trước, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 74562 vụ việc trong số 85893 vụ việc đã thụ lý, đạt 86,8% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 72494 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 2068 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 13213 vụ việc trong tổng số 13887 vụ việc đã thụ lý, đạt 95,1% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 12529 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 684 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 679 vụ việc trong tổng số 759 vụ việc đã thụ lý, đạt 89,5% (các Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 272 vụ việc; Tòa dân sự và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 407 vụ việc).

+ Công tác giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình:

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 79143 vụ việc trong tổng số 83856 vụ việc, đạt 94,4%, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 76152 vụ việc trong số 80770 vụ việc đã thụ lý, đạt 94,3% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 73560 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 2592 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 2885 vụ việc trong tổng số 2975 vụ việc đã thụ lý, đạt 97% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 2788 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 97 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 106 vụ việc trong tổng số 111 vụ việc đã thụ lý, đạt 95,5% (các Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 71 vụ việc; Tòa dân sự và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 35 vụ việc).

+ Công tác giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh thương mại và yêu cầu tuyên bố phá sản

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 5343 vụ việc trong tổng số 6034 vụ việc, đạt 88,5%, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 4748 vụ việc trong số 5384 vụ việc đã thụ lý, đạt 88,2% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 1948 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 1835 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 538 vụ việc trong tổng số 626 vụ việc đã thụ lý, đạt 82,7% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 262 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 276 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 21 vụ việc trong tổng số 24 vụ việc đã thụ lý, đạt 87,5% (các Ủy ban Thẩm phán Tòa án cấp tỉnh đã xét xử 0 vụ việc; Tòa kinh tế và Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử 21 vụ việc).

Trong năm 2007, Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 136 trong số 136 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, đạt tỷ lệ 100%.

+ Công tác giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về lao động

Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm được 1828 vụ việc trong tổng số 1907 vụ việc, đạt 96%, trong đó:

– Các Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết 1634 vụ việc trong số 1709 vụ việc đã thụ lý, đạt 95,6% (các Tòa án cấp huyện đã giải quyết 1504 vụ việc; các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 130 vụ việc);

– Các Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 189 vụ việc trong tổng số 193 vụ việc đã thụ lý, đạt 97,9% (các Tòa án cấp tỉnh đã giải quyết 160 vụ việc; các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã giải quyết 29 vụ việc);

– Các Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm đã xét xử 5 vụ việc trong tổng số 5 vụ việc đã thụ lý, đạt 100% (toàn bộ số vụ việc này đều do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải quyết).

2.5. Năm 2009:

Trong năm 2009, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 214.174 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 194.358 vụ việc, đạt tỉ lệ 90,7%. Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 177,417 vụ việc; theo thủ tục phúc thẩm 15.893 vụ việc và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 1.048 vụ việc. Các Tòa án nhân dân địa phương đã thụ lý 154 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản; đã ra 135 quyết định mở thủ tục phá sản, 5 quyết định không mở thủ tục phá sản và trả lại đơn yêu cầu đối với 4 trường hợp; 10 trường hợp còn lại đang được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 1,55% (do nguyên nhân chủ quan là 1,42% và do nguyên nhân khách quan là 0,13%), bị sửa là 2,64% (do nguyên nhân chủ quan là 1,91% và do nguyên nhân khách quan là 0,73%). So với năm trước, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do nguyên nhân chủ quan tăng 0,14%, bị sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,39%.

II. NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP CỦA THỰC TIỄN THI HÀNH BLTTDS

Tổng hợp Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS và các văn bản hướng dẫn BLTTDS của ngành Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan, có 117 điều luật trong tổng số 418 điều của BLTTDS có vướng mắc, bất cập. Trong đó, có những vướng mắc, bất cập đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung BLTTDS; cụ thể như sau:

1. Về Phần thứ nhất – Những quy định chung

1.1. Về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Điều 7 BLTTDS)

Tại Điều 7 BLTTDS quy định về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo đó: cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho đương sự, Tòa án chứng cứ trong vụ án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án. Trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Tòa án biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ. Như vậy, BLTTDS không quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, đầy đủ, chính xác của chứng cứ. Thực tiễn giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân cho thấy cùng một vấn đề nhưng nhiều trường hợp cơ quan có thẩm quyền có những văn bản xác nhận trái ngược nhau, ảnh hưởng đến việc giải quyết của Tòa án, do đó, đề nghị bổ sung nội dung: cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ mà không cung cấp chứng cứ hoặc cung cấp không đầy đủ hoặc từ chối cung cấp chứng cứ mà không có lý do chính đáng thì tùy theo mức độ vi phạm mà có thể bị áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Điều 389 BLTTDS[1] tại Điều này và các điều luật có liên quan trong BLTTDS.

1.2. Về sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự (Điều 21 BLTTDS)

Điều 21 BLTTDS quy định: (1) Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật. (2) Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên toà đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án.

Tuy nhiên, thực tế giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án cho thấy: Đối với việc dân sự đơn giản (khoản 2 Điều 313) thì Viện kiểm sát lại tham gia, những vụ việc phức tạp như tranh chấp về đất đai, thừa kế… là những việc phức tạp thì Viện kiểm sát lại không tham gia, như vậy là bất hợp lý nhưng khi lấy ý kiến về vấn đề này còn nhiều quan điểm khác nhau có quan điểm cho rằng cần sửa đổi theo hướng Viện kiểm sát tham gia những vụ việc phức tạp, có quan điểm khác lại cho rằng cần sửa đổi khoản 2 Điều 21 theo hướng Kiểm sát viên tham gia tất cả các phiên tòa dân sự để đảm bảo tính khách quan trong quá trình xét xử, giảm bớt thiếu sót, khuyết điểm do Tòa án trực tiếp thụ lý, điều tra, xét xử như hiện nay, giống quy định như trước khi có BLTTDS và cũng có quan điểm cho rằng không nên giao Viện kiểm sát tham gia xét xử vụ việc dân sự hay có quan điểm cho rằng cần bỏ quy định Viện kiểm sát tham gia phiên toà đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, chỉ quy định Viện kiểm sát tham gia những vụ việc dân sự mà đối tượng tranh chấp là tài sản của nhà nước hoặc một bên đương sự là người yếu thế như người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn… và tham gia tất cả các vụ việc dân sự ở cấp phúc thẩm và giám đốc thẩm.

Về Thẩm quyền của Toà án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác.

Theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây có quy định “Khi xét xử vụ án dân sự, Toà án có quyền huỷ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Toà án có nhiệm vụ giải quyết”. Nhưng kể từ khi có BLTTDS thì quy định này không còn, trong thực tế nhiều trường hợp Tòa án kiến nghị các cơ quan chuyên môn đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyết định Tòa án dẫn đến việc tuân thủ bản án quyết định của Tòa án không nghiêm. Mặt khác, việc không quy định này dẫn đến các cơ quan chuyên môn lại thêm một thủ tục nữa làm mất nhiều thời gian của người dân, tốn tiền bạc cơ quan nhà nước. do vậy, có ý kiến cho rằng cần quy định thêm điều luật này vào BLTTDS.

1.3. Về trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án (Điều 22 BLTTDS)

Điều 22 BLTTDS quy định trách nhiệm chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án. Tòa án có trách nhiệm chuyển giao trực tiếp hoặc qua bưu điện bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Tòa án liên quan đến người tham gia tố tụng dân sự. Trong trường hợp Tòa án chuyển giao trực tiếp không được hoặc qua bưu điện không có kết quả thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc có trách nhiệm chuyển giao bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Tòa án liên quan đến người tham gia tố tụng dân sự khi có yêu cầu của Tòa án và phải thông báo kết quả việc chuyển giao đó cho Tòa án biết.

Theo quy định nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo kết quả chuyển giao bản án, quyết định, giấy triệu tập, giấy mời và các giấy tờ khác của Tòa án liên quan đến người tham gia tố tụng dân sự cho Tòa án biết. Nhưng qua phản ánh của nhiều Tòa án, trên thực tế nhiều Ủy ban nhân dân cấp xã không thực hiện hoặc thực hiện chậm trễ gây khó khăn cho hoạt động xét xử của Tòa án. Việc chuyển giao tài liệu, giấy tờ của Tòa án trong tố tụng đặc biệt là tố tụng dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như góp phần đảm bảo hoạt động xét xử của Tòa án đúng thời hạn mà pháp luật quy định. Vì vậy, có nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ thời hạn Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo kết quả cho Tòa án biết kể từ ngày hoàn thành việc chuyển giao bản án, quyết định, giấy triệu tập và các giấy tờ khác của Tòa án liên quan đến người tham gia tố tụng dân sự và quy định rõ trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao và Chính phủ hướng dẫn thi hành nội dung này hoặc song song với việc xây dựng BLTTDS sửa đổi thì Tòa án nhân dân tối cao phải phối hợp với các cơ quan ban ngành xây dựng các văn bản hướng dẫn BLTTDS sửa đổi, đảm bảo việc thi hành đúng các quy định của pháp luật.

1.4. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án (Điều 25 BLTTDS)

Điều 25 BLTTDS quy định theo hướng liệt kê các tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, tuy nhiên thực tiễn áp dụng các Tòa án cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 25 BLTTDS quy định “tranh chấp về hợp đồng dân sự” là chưa phù hợp, vì khái niệm “hợp đồng dân sự” chưa bao hàm hết được các tranh chấp trong dân sự mà phải dùng khái niệm “giao dịch dân sự” mới bao hàm hết được; do đó, đề nghị sửa “hợp đồng dân sự” thành “giao dịch dân sự”. Các Tòa án cũng cho rằng nếu sửa khoản 3 như nêu trên thì phải sửa khoản 4 thành “Tranh chấp về thừa kế tài sản theo pháp luật” mới thống nhất phù hợp với việc sửa khoản 3.

Ngoài ra, trong thực tế giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 6 còn phát sinh nhiều trường hợp các bên đương sự tranh chấp tài sản gắn liền với đất, do đó đề nghị bổ sung tranh chấp loại này vào khoản 6.

1.5. Về những tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (khoản 2 Điều 27 BLTTDS)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 BLTTDS thì chỉ những tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân mới là những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp sau khi ly hôn, các đương sự mới tranh chấp tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Vậy, Tòa án thụ lý vụ án dân sự hay vụ án hôn nhân và gia đình. Do đó, nhiều Tòa án kiến nghị cần quy định rõ thêm trường hợp tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng sau khi ly hôn cũng thuộc những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án và cần bổ sung vào khoản 2 Điều 27 vấn đề này.

1.6. Về thẩm quyền của Tòa án (Chương III BLTTDS)

1.6.1. Về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại (Điều 29 BLTTDS).

– Về quy định tại khoản 1 Điều 29 BLTTDS:

Khoản 1 Điều 29 BLTTDS quy định: “Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận, bao gồm: a) Mua bán hàng hoá; b) Cung ứng dịch vụ; c) Phân phối; d) Đại diện, đại lý; đ) Ký gửi; e) Thuê, cho thuê, thuê mua; g) Xây dựng; h) Tư vấn, kỹ thuật; i) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa; k) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; l) Mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác; m) Đầu tư, tài chính, ngân hàng; n) Bảo hiểm; o) Thăm dò, khai thác”.

Nhưng tại điểm b tiểu mục 1.1 Mục I về thẩm quyền của Tòa án trong Nghị quyết số 01/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn: “Tòa kinh tế có nhiệm vụ quyền hạn giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTDS, các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một trong các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận”.

Như vậy, Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31.3.2005 nêu trên hướng dẫn mở rộng hơn quy định của BLTTDS, ở chỗ: BLTTDS quy định những tranh chấp về kinh doanh, thương mại phải gồm 2 tiêu chí: (1) Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh; (2) đều có mục đích lợi nhuận. Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31.3.2005 thì chỉ cần: “một trong hai bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận” đều thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh (Tòa kinh tế).

Hướng dẫn này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng. Một số quan điểm cho rằng hướng dẫn này mâu thuẫn với khoản 1 Điều 29 BLTTDS về nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và yêu cầu về kinh doanh thương mại của Tòa kinh tế Tòa án cấp tỉnh. Vậy, Tòa án cấp huyện có được giải quyết: “các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh, nhưng đều có mục đích lợi nhuận” không? Ý kiến này kiến nghị là cần giao thẩm quyền này cho Tòa án cấp huyện. Một số ý kiến khác lại cho rằng hướng dẫn tại Nghị quyết là phù hợp với chức năng của Tòa án cấp tỉnh (Tòa Kinh tế), mặt khác cũng nhằm giảm bớt việc thụ lý giải quyết các vụ án của Tòa Dân sự luôn trong tình trạng quá tải.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, về nguyên tắc, việc hướng dẫn mở rộng như ở Nghị quyết nêu trên là không bảo đảm theo đúng quy định của BLTTDS, do đó kiến nghị sửa quy định tại BLTTDS để các Tòa án thống nhất áp dụng các quy định về vấn đề này.

+ Các tranh chấp “đầu tư, tài chính, ngân hàng” quy định tại điểm m khoản 1 Điều 29 BLTTDS thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, nhưng trong thực tiễn nhiều trường hợp khi Tòa án cấp huyện thụ lý vụ án dân sự hôn nhân gia đình, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự hôn nhân và gia đình thì phát sinh trường hợp, do các đương sự có ký kết hợp đồng tín dụng với ngân hàng để vay vốn kinh doanh, vì mục đích lợi nhuận, khi các đương sự ly hôn, ngân hàng có yêu cầu giải quyết thu nợ, thì đối với yêu cầu giải quyết hợp đồng tín dụng đó được giải quyết như thế nào, Tòa án cấp huyện giải quyết luôn trong vụ án dân sự hôn nhân gia đình hay phải do Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 29 BLTTDS thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh? Ngoài ra, thực tiễn giải quyết cho thấy nhiều vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với cá nhân vay có mục đích sản xuất nhưng có giá trị thấp, tình tiết vụ án đơn giản, nếu quy định cho Tòa án cấp tỉnh thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thì không thực sự cần thiết mà nên giao cho Tòa án cấp huyện giải quyết; cần quy định trong trường hợp giá trị tranh chấp lớn, liên quan đến hợp đồng bảo lãnh tín dụng… thì Tòa án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết.

+ Cần quy định cụ thể thẩm quyền theo loại việc, cùng là lĩnh vực ngân hàng nhưng loại nào thuộc Tòa án cấp tỉnh, loại nào thuộc Tòa án cấp huyện. Bởi lẽ thực tiễn áp dụng khoản 1 Điều 29 và điểm b khoản 1 Điều 33 BLTTDS còn vướng mắc: Tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng như hợp đồng gia công, hợp đồng hợp tác kinh doanh… có thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện hay không? Vì khoản 1 Điều 29 và điểm b khoản 1 Điều 33 không quy định. Những việc xác định tranh chấp giữa cá nhân góp vốn và là thành viên Hội đồng quản trị của Trường phổ thông dân lập với pháp nhân, Trường phổ thông dân lập đó liên quan đến hoạt động của trường là loại án kinh doanh, thương mại hay dân sự? không thuộc phạm vi Điều 29 nhưng thuộc thẩm quyền của Tòa Kinh tế Tòa án cấp tỉnh theo Nghị quyết 01/2005 ngày 31-3-2005? Thẩm quyền giải quyết vụ việc này là Tòa án cấp tỉnh hay Tòa án cấp huyện? Tương tự với trường hợp Xã viên hợp tác xã không nhất trí với quyết định khai trừ tư cách xã viên khởi kiện hợp tác xã ra Tòa án?

+ Nhiều Tòa án cho rằng BLTTDS phân loại giao dịch tại Điều 29 theo cấp xét xử chưa hợp lý. Ví dụ, lĩnh vực xây dựng, tư vấn kỹ thuật là phức tạp thì giao Tòa án cấp huyện, lĩnh vực vận chuyển, bảo hiểm thì giao Tòa án cấp tỉnh là không hợp lý.

+ Khoản 1 Điều 29 BLTTDS liệt kê 14 loại tranh chấp thương mại (hành vi thương mại) cụ thể. Có ý kiến cho rằng việc liệt kê như hiện nay là vừa không đầy đủ lại vừa thừa. Nếu có những tranh chấp thuộc loại nằm ngoài các tranh chấp được liệt kê này thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết hay không? ví dụ: tranh chấp về vận chuyển hàng hóa bằng đường ống hoặc những loại tranh chấp mới xuất hiện ở Việt Nam. Ngược lại, nhiều loại tranh chấp cụ thể này đều có thể quy về loại tranh chấp “cung ứng dịch vụ” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29 BLTTDS, nếu hiểu khái niệm “cung ứng dịch vụ” theo nghĩa rộng như trong khái niệm “hoạt động thương mại” quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005. Có ý kiến cho rằng cần nghiên cứu để bỏ phần liệt kê này và chỉ cần quy định “Các tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là các tranh chấp dân sự giữa các thương nhân với nhau” là đủ.

– Về khoản 2 Điều 29 BLTTDS: tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận

Có nhiều ý kiến cho rằng không nên tách loại tranh chấp về sở hữu trí tuệ ra làm hai loại căn cứ vào việc xác định có hay không có mục đích lợi nhuận, nếu không có mục đích lợi nhuận là tranh chấp dân sự (khoản 4 Điều 25 BLTTDS) còn nếu có mục đích lợi nhuận là tranh chấp kinh doanh, thương mại (khoản 2 Điều 29 BLTTDS). Việc phân biệt như hiện nay dẫn đến sự phân loại tranh chấp, xác định thẩm quyền của Tòa án chưa rõ ràng. Thực tế ngày nay tri thức đã trở thành hàng hóa trực tiếp, các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ sẽ ngày càng nhiều, ngày càng phức tạp và ngày càng gần gũi với các tranh chấp thương mại hơn (các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hầu hết là đều nhằm mục đích lợi nhuận). Do vậy, có ý kiến cho rằng nên gộp hai loại tranh chấp về sở hữu trí tuệ này thành một loại là tranh chấp về sở hữu trí tuệ và giao cho Tòa Kinh tế đồng thời đổi tên “Tòa Kinh tế” hiện nay thành “Tòa Thương mại và Sở hữu trí tuệ” như xu thế hiện nay của các nước trên thế giới.

– Về khoản 3 Điều 29 BLTTDS: Về loại tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của Công ty

Thực tiễn xét xử trong thời gian qua cho thấy loại án này ngày càng nhiều và rất phức tạp. Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của Công ty theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLTTDS đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tại tiểu mục 3.5 Mục 3 Phần I Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31-3-2005[2] khá cụ thể nên giúp cho Tòa án phân định rõ các loại tranh chấp kinh doanh thương mại khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, quy định tại khoản 3 Điều 29 BLTTDS do cụm từ “liên quan đến việc thành lập, hoạt động…” có nghĩa rất rộng, nên các Tòa án địa phương gặp lúng túng và nhầm lẫn trong việc xác định các loại tranh chấp dân sự, tranh chấp lao động nói ở điểm c tiểu mục 3.5 Nghị quyết số 01/2005 nêu trên là tranh chấp thương mại (như các trường hợp: Công ty khởi kiện đòi lại con dấu của Công ty do thành viên của Công ty – lãnh đạo của Công ty nhiệm kỳ trước – không chịu giao con dấu cho lãnh đạo mới của Công ty; thành viên Công ty cho Công ty vay tiền nay khởi kiện đòi nợ; Công ty khởi kiện đòi thành viên của Công ty thực hiện nghĩa vụ khoán trong kinh doanh; . . .). Vì vậy, cần nghiên cứu để sửa lại quy định này sao cho rõ ràng hơn.

1.6.2. Về thẩm quyền giữa Tòa án cấp huyện và Tòa án cấp tỉnh (điểm b khoản 1 Điều 33 BLTTDS)

Khác với các tranh chấp dân sự, BLTTDS (điểm b khoản 1 Điều 33 và điểm a khoản 1 Điều 34) không giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm toàn bộ 14 loại tranh chấp kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 29 BLTTDS cho Tòa án cấp huyện mà chỉ giao chín loại tranh chấp (từ điểm a đến điểm g) cho Tòa án cấp huyện, còn năm loại tranh chấp sau (điểm k, l, m, n, o) của khoản 1 và các tranh chấp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 29 BLTTDS lại thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh. Việc quy định như vậy có phần chưa thỏa đáng, chưa xem xét đến tính phức tạp, đến độ khó của từng loại tranh chấp cụ thể. Có loại tranh chấp thường đơn giản hơn thì lại giao thẩm quyền cho Tòa án cấp tỉnh (tranh chấp hợp đồng tín dụng – điểm m khoản 1 Điều 29); ngược lại, có loại tranh chấp thường phức tạp hơn thì lại giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho Tòa án cấp huyện (tranh chấp về xây dựng – điểm g khoản 1 Điều 29). Đề nghị cần có nghiên cứu để giao thẩm quyền cho Tòa án các cấp phù hợp hơn.

1.6.3. Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong trường hợp “tài sản ở nước ngoài” (khoản 3 Điều 33 BLTTDS)

Khoản 3 Điều 33 BLTTDS quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về Tòa án cấp tỉnh nếu có “tài sản ở nước ngoài”. Tại điểm I.4.2 của Nghị quyết số 01/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có hướng dẫn về vấn đề này, nhưng hướng dẫn này cũng chưa thật rõ[3]. Có ý kiến cho rằng cần quy định lại là: “Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 BLTTDS mà có tài sản ở nước ngoài là tài sản tranh chấp hoặc liên quan đến tranh chấp và yêu cầu đó thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện”.

1.6.4. Việc xác định Tòa án giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận của các đương sự (Điều 35 BLTTDS)

– Điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS quy định: “Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này”. Nếu các bên đã có thỏa thuận như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS, thì có bắt buộc phải thực hiện đúng thỏa thuận đó không? Người khởi kiện – nguyên đơn có thể bỏ qua sự thỏa thuận đó để khởi kiện ở Tòa án có thẩm quyền theo các quy định khác ở Điều 35 và Điều 36 không?

Có ý kiến cho rằng cần bổ sung vào quy định này như quy định tại khoản 5 Điều 14 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây. Cụ thể, cần bổ sung điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS như sau: “Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này. Nếu Tòa án được các bên lựa chọn có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 Bộ luật này và là Tòa án nơi cư trú, làm việc hoặc có trụ sở của nguyên đơn, thì các bên có nghĩa vụ tôn trọng thỏa thuận này, nguyên đơn chỉ được khởi kiện tại Toà án các bên đã lựa chọn”;

– Các tranh chấp về bất động sản thì chỉ được khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 hay còn có thể khởi kiện được ở nơi khác theo quy định tại các điều 35, 36 không? Có ý kiến cho rằng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS có thể hiểu được theo nhiều nghĩa, do đó cần sửa đổi lại quy định này như đã quy định tại Điều 14 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế trước đây. Cụ thể, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 BLTTDS cần được sửa đổi lại như sau: “Nếu tranh chấp chỉ liên quan đến bất động sản, thì nguyên đơn chỉ được khởi kiện tại Tòa án nơi có bất động sản đó”.

1.6.5. Về thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu (điểm c khoản 1 Điều 36 BLTTDS)

Theo tinh thần của các quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự ở các điều 35 và 36 BLTTDS thì nguyên đơn có thể là cá nhân hoặc cũng có thể là cơ quan, tổ chức (điểm b khoản 1 Điều 35 BLTTDS quy định rất rõ ràng, nhưng các quy định tại khoản 1 Điều 36 lại thể hiện không đầy đủ câu chữ, mà chỉ là hiểu ngầm như quy định tại Điều 35, theo đó khi nói đến “nơi cư trú, làm việc” thì được hiểu nguyên đơn, bị đơn là cá nhân; nói đến “nơi có trụ sở” thì được hiểu nguyên đơn, bị đơn là cơ quan, tổ chức).

Khoản 1 Điều 36 BLTTDS quy định những trường hợp nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 BLTTDS thì: “Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết”. Do quy định này thiếu cụm từ “có trụ sở”, nên trong một vụ án cụ thể, đại diện của một bị đơn là doanh nghiệp nước ngoài (không có trụ sở tại Việt Nam) khiếu nại về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án nơi nguyên đơn (là một doanh nghiệp Việt Nam) có trụ sở, với lý do: quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 chỉ dành riêng cho trường hợp nguyên đơn là cá nhân mà thôi. Tòa án thụ lý giải quyết vụ án này hiểu rõ quy định của điều luật nhưng rất khó giải thích cho yêu cầu cụ thể nêu trên khi câu chữ của điều luật lại thiếu như vậy. Vì vậy, có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm cụm từ “có trụ sở” vào đoạn cuối của quy định trên cho đầy đủ và đúng nghĩa. Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 36 BLTTDS sau khi bổ sung là: “Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết”.

1.7. Về người tham gia tố tụng (Điều 56 BLTTDS)

1.7.1. Về loại chủ thể “cơ quan” và “tổ chức

– Theo quy định tại khoản 1 Điều 56: “Đương sự trong vụ án dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức . . .” gồm 3 loại chủ thể. Theo quy định tại Điều 1 BLTTDS thì: “BLTTDS quy định . . .; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) . . .”. Với quy định này thì loại chủ thể “cơ quan” được làm rõ là “cơ quan nhà nước” và có thể thêm “đơn vị vũ trang nhân dân”; loại chủ thể “tổ chức” được làm rõ là “tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp”.

Theo quy định tại Điều 8 BLTTDS thì: “Mọi cơ quan, tổ chức đều bình đẳng không phụ thuộc vào hình thức tổ chức, hình thức sở hữu và những vấn đề khác”. Vậy, loại chủ thể “cơ quan” và chủ thể “tổ chức” có gì khác nhau mà phải tách riêng ra như vậy? Theo Từ điển tiếng Việt thì:“tổ chức là tập hợp người có trật tự, có nề nếp, hoạt động vì những quyền lợi chung, nhằm một mục đích chung. Với khái niệm như vậy thì “cơ quan nhà nước”, “đơn vị vũ trang” (“cơ quan”) cũng đều thỏa mãn là “tổ chức”. Vì vậy, các chủ thể là đương sự trong tố tụng dân sự không nên quy định tách riêng “cơ quan”, “tổ chức” như hiện nay, mà cần quy hai loại chủ thể này về loại chung nhất là “pháp nhân” như quy định tại Điều 100 Bộ luật dân sự thì phù hợp hơn[4].

Mặt khác, như chúng ta đã biết, không phải mọi cơ quan, tổ chức đều có thể là đương sự trong quan hệ tố tụng dân sự. Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng là một cơ quan nhà nước, nhưng theo quy định tại khoản 7 Điều 10 của Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Tòa án nhân dân tối cao mới là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp việc xét xử của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng có người bị oan và Tòa án nhân dân tối cao chứ không phải Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng mới là đương sự trong vụ án dân sự đòi bồi thường này; chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng là một tổ chức, nhưng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam mới là đương sự trong các vụ án dân sự, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng phát sinh từ hoạt động của Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, việc quy định loại chủ thể “cơ quan” và “tổ chức” là đương sự trong tố tụng dân sự như tại khoản 1 Điều 56 BLTTDS là chưa thật chính xác và dễ nhầm lẫn. Những “cơ quan” và “tổ chức” là pháp nhân (thỏa mãn đủ bốn điều kiện quy định tại Điều 84 Bộ luật dân sự) mới có thể là đương sự trong hoạt động tố tụng dân sự. Các cơ quan, tổ chức phụ thuộc pháp nhân không phải là đương sự trong vụ án dân sự vì: Các tổ chức phụ thuộc pháp nhân không có tư cách pháp nhân (khoản 4 Điều 92 Bộ luật dân sự), không có tư cách riêng mà phải nhân danh pháp nhân để tham gia vào các quan hệ pháp luật, mọi hoạt động của các tổ chức phụ thuộc pháp nhân đều phải thông qua người đại diện có quyền nhân danh pháp nhân (theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân – khoản 4 Điều 92 Bộ luật dân sự); các tổ chức phụ thuộc pháp nhân không có tài sản riêng mà sử dụng tài sản của pháp nhân để hoạt động. Vì vậy, pháp nhân được hưởng các quyền cũng như gánh chịu các nghĩa vụ dân sự phát sinh từ các hoạt động của các tổ chức phụ thuộc mình (khoản 5 Điều 92 Bộ luật dân sự). Mọi tranh chấp dân sự phát sinh từ hoạt động của tổ chức phụ thuộc pháp nhân khi đưa ra giải quyết ở Tòa án đều có đương sự là chính pháp nhân có tổ chức phụ thuộc đó. Theo quy định tại khoản 5 Điều 92 Bộ luật dân sự, trong quan hệ pháp luật về nội dung, pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do các cơ quan, tổ chức phụ thuộc mình xác lập, thực hiện và do đó, trong quan hệ pháp luật về tố tụng, pháp nhân mới là đương sự trong quan hệ tố tụng dân sự giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các hoạt động của các cơ quan, các tổ chức phụ thuộc pháp nhân.

– Thiếu sự thống nhất giữa chủ thể trong quan hệ dân sự với chủ thể trong quan hệ tố tụng dân sự: Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005, trong quan hệ dân sự (quan hệ pháp luật về nội dung) có bốn loại chủ thể gồm: cá nhân (chương II Luật cũ, chương III Luật mới), pháp nhân (chương III Luật cũ, chương IV Luật mới), hộ gia đình và tổ hợp tác (chương IV Luật cũ, chương V Luật mới). Như vậy, ta có thể hiểu rằng bốn loại chủ thể này là khác nhau. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 19 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; Điều 20 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế trước đây đều chỉ xác nhận tư cách đương sự của hai loại chủ thể là “cá nhân” và “pháp nhân” mà không có các loại đương sự là “Tổ hợp tác” và “Hộ gia đình”; BLTTDS cũng chỉ xác định có ba loại chủ thể là “cá nhân”, “cơ quan”, “tổ chức” (khoản 1 Điều 56) mà không có các loại đương sự là “pháp nhân”, “Tổ hợp tác” và “Hộ gia đình”, đây là sự không thống nhất giữa luật nội dung với luật tố tụng trong thời gian qua. Một câu hỏi đặt ra, nếu các loại chủ thể “Tổ hợp tác” và “Hộ gia đình” này có tranh chấp trong quan hệ dân sự với nhau hoặc với các loại chủ thể khác thì giải quyết ở đâu một khi Tòa án không xác nhận tư cách đương sự của họ? Thực tiễn xét xử trước đây (giai đoạn trước BLTTDS), Tòa án các cấp thường xếp hai loại chủ thể này vào loại chủ thể “cá nhân” để có thể thụ lý và giải quyết các tranh chấp có loại chủ thể này tham gia.

Sau khi BLTTDS có hiệu lực pháp luật, theo quy định tại khoản 3 Điều 62 và khoản 1 Điều 56 của Bộ luật này, các Tòa án có thể đưa “Tổ hợp tác” và “Hộ gia đình” vào tham gia tố tụng với tư cách là đương sự của vụ án và xếp nó thuộc loại chủ thể “tổ chức không phải là pháp nhân”. Tuy nhiên, ngoài loại hình “Tổ hợp tác” và “Hộ gia đình” ra, “tổ chức không phải là pháp nhân” theo quy định tại khoản 3 Điều 62 BLTTDS còn có thể có nhiều loại khác nữa như các hội khuyến nông, khuyến ngư, khuyến học được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, đăng ký hoặc công nhận nhưng không có tư cách pháp nhân (không có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 Bộ luật dân sự); các tổ chức tôn giáo nhỏ không được ghi nhận là pháp nhân trong quyết định cho phép thành lập.

1.7.2. Về quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn (Điều 59 BLTTDS)

Một trong các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn theo quy định tại Điều 59 BLTTDS là: “d) Đề nghị Toà án tạm đình chỉ giải quyết vụ án”. Tuy nhiên, trên thực tế các Tòa án áp dụng không thống nhất, có trường hợp Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ và có trường hợp lại không? Có Tòa án nêu vấn đề người có yêu cầu phản tố có quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án không? Có ý kiến đề nghị bỏ điểm d khoản 1 Điều 59. Có ý kiến đề nghị sửa điểm d khoản 1 Điều 59 theo hướng nguyên đơn có quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án nếu có lý do chính đáng và trong khoảng thời hạn luật định. Do đó, cần sửa đổi quy định tại Điều này theo hướng quy định rõ trường hợp nào nguyên đơn được yêu cầu tạm đình chỉ giải quyết vụ án, không phụ thuộc vào có hay không có căn cứ được quy định tại Điều 189 và cần quy định cụ thể thời hạn tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này.

1.7.3. Về quyền, nghĩa vụ của bị đơn (Điều 60 BLTTDS)

Điều 60 BLTTDS quy định bị đơn có các quyền, nghĩa vụ như sau: (1): a) Các quyền, nghĩa vụ của đương sự quy định tại Điều 58 của Bộ luật này; b) Chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; c) Đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn nếu có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn hoặc đề nghị đối trừ với nghĩa vụ mà nguyên đơn yêu cầu; d) Được Tòa án thông báo về việc bị khởi kiện. (2). Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án giải quyết vắng mặt bị đơn.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng Điều này cho thấy tại điểm b khoản 1 chỉ quy định bị đơn có quyền chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn mà không có quyền này đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; bị đơn không có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, không có quyền đề nghị đối trừ nghĩa vụ đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp trong quá trình tố tụng xuất hiện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng bị đơn cũng không có quyền đề nghị đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng. Do đó đề nghị bổ sung các quyền này cho bị đơn.

1.7.4. Về chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự (Điều 76 BLTTDS)

Điều 76 BLTTDS chỉ quy định khi nhận đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự mà thấy rằng đương sự là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 75 của Bộ luật này thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng tại Tòa án. Như vậy, đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt không có tin tức mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thì Tòa án có được chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng tại Tòa án không? Nhiều Tòa án đề nghị bổ sung quy định này vào Điều 76 để bảo đảm quyền cho người mất năng lực hành vi dân sự, người vắng mặt không có tin tức.

1.8. Về chứng minh và chứng cứ (Chương VII của BLTTDS)

1.8.1. Theo các quy định tại Chương VII của BLTTDS (các điều từ Điều 79 đến Điều 98), thì về cơ bản việc thu thập chứng cứ và chứng minh thuộc về đương sự, Tòa án chỉ thực hiện việc thu thập chứng cứ khi đương sự không thể tự mình thu thập và khi có yêu cầu của đương sự, điều này là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc bình đẳng và quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng dân sự.

Nhìn chung, về cơ bản những quy định của BLTTDS về chứng cứ và chứng minh góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tuy nhiên, thực tiễn hơn 05 năm thi hành BLTTDS cho thấy, đa số các bản án bị hủy, sửa là do sai sót trong việc thu thập, xác minh chứng cứ; thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự cũng cho thấy không phải lúc nào đương sự cũng có thể tự thu thập chứng cứ để chứng minh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Điều này thể hiện các quy định của BLTTDS về chứng cứ, chứng minh còn có những bất cập nhất định, qua việc phân tích các báo cáo vướng mắc của Tòa án nhân dân các cấp, chúng tôi tổng hợp lại có mấy vấn đề bất cập sau đây:

– Những quy định của BLTTDS về chứng cứ và chứng minh chủ yếu là về nguyên tắc, thiếu những cụ thể về việc đảm bảo quyền thu thập chứng cứ và chứng minh của đương sự.

– Chưa có quy định về chế tài đối với cơ quan, tổ chức cá nhân từ chối cung cấp tài liệu, chứng có có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Mặc dù, Điều 5 BLTTDS quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp chứng cứ cho đương sự. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào việc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp chứng cứ của đương sự cũng được thực hiện. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, BLTTDS cần có quy định về chế tài cụ thể để áp dụng đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức không cung cấp tài liệu, chứng cứ khi đương sự có yêu cầu.

– Theo quy định của BLTTDS hiện nay, việc giao nộp chứng cứ có thể được thực hiện bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng, không quy định về thời hạn giao nộp chứng cứ của các đương sự. Có ý kiến cho rằng đây là điều bất cập và thiếu tính thống nhất, BLTTDS quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án nhưng lại không quy định về thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự.

1.8.2. Về xác định chứng cứ và giao nộp chứng cứ (Điều 83 và Điều 84 BLTTDS)

Điều 83 BLTTDS quy định về việc xác định chứng cứ. Tuy nhiên các Tòa án đề nghị phải sửa lại là “nguồn chứng cứ” mới đúng. Do đó cần bổ sung từ “nguồn” vào trước tất cả các cụm từ “chứng cứ” tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 của Điều 83.

– Điều 84 BLTTDS không quy định về thời hạn đương sự phải xuất trình chứng cứ là không đảm bảo sự chặt chẽ về nghĩa vụ chứng minh của đương sự; do đó, cần quy định thời hạn đương sự phải xuất trình chứng cứ ở giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm. Một số Tòa án đề xuất bổ sung quy định về thời gian giao nộp chứng cứ do Thẩm phán được phân công ấn định nhưng không được vượt quá thời gian ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử ở cấp sơ thẩm, trừ trường hợp có trở ngại khách quan mà không thể giao nộp chứng cứ đúng thời hạn.

Bên cạnh đó, cần quy định:

– Khi nhận được chứng cứ từ đương sự, Tòa án chuyển các chứng cứ cho phía bên kia, kèm theo yêu cầu đương sự đưa ra ý kiến về việc chấp nhận hay không chấp nhận chứng cứ đó; đồng thời gửi tài liệu này đến Viện kiểm sát cùng cấp đối với những trường hợp Viện kiểm sát tham gia hoặc có yêu cầu. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án đương sự phải có văn bản trả lời. Trường hợp đương sự không có ý kiến thì được xem như đã chấp nhận chứng cứ do phía bên kia cung cấp.

– Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm mà đương sự cung cấp chứng cứ thì không được chấp nhận, trừ trường hợp vì lý do khách quan mà đương sự không cung cấp được chứng cứ theo đúng thời hạn của Tòa án.

Trong trường hợp Tòa án chấp nhận chứng cứ này thì Tòa án chuyển các chứng cứ cho phía bên kia, kèm theo yêu cầu đương sự đưa ra ý kiến về việc chấp nhận hay không chấp nhận chứng cứ đó; đồng thời gửi tài liệu này đến Viện kiểm sát cùng cấp đối với những trường hợp Viện kiểm sát tham gia hoặc có yêu cầu.

– Tại phiên toà mà đương sự cung cấp chứng cứ thì không được chấp nhận, trừ trường hợp vì lý do khách quan mà đương sự không cung cấp được chứng cứ theo đúng thời hạn của Tòa án.

Trong trường hợp Tòa án chấp nhận chứng cứ này thì Tòa án chuyển các chứng cứ cho phía bên kia, kèm theo yêu cầu đương sự đưa ra ý kiến về việc chấp nhận hay không chấp nhận chứng cứ đó; đồng thời gửi tài liệu này đến Viện kiểm sát cùng cấp đối với những trường hợp Viện kiểm sát tham gia hoặc có yêu cầu.

Trong trường hợp cần phải thẩm tra lại chứng cứ mà đương sự cung cấp thì trở lại việc hỏi và tranh luận theo Điều 235 và Điều 237 của Bộ luật này. Nếu xét thấy cần phải hoãn phiên toà thì tổng số lần hoãn về vấn đề này đối với một vụ án không được quá 2 lần.

– Sau khi xét xử sơ thẩm đương sự mới cung cấp chứng cứ cho Toà phúc thẩm mà chứng cứ này chưa cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm thì không được chấp nhận, trừ trường hợp vì lý do khách quan mà đương sự không cung cấp được chứng cứ theo đúng thời hạn của Tòa án ở giai đoạn xét xử sơ thẩm.

– Sau khi xét xử phúc thẩm đương sự mới cung cấp chứng cứ cho Toà giám đốc thẩm mà chứng cứ này chưa cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm thì không được chấp nhận. Trừ trường hợp vì lý do khách quan không thể xuất trình được chứng cứ ở giai đoạn xét xử sơ thẩm và gia đoạn xét xử phúc thẩm.

1.8.3. Thu thập chứng cứ (Điều 85 BLTTDS)

Điều 85 BLTTDS quy định trong trường hợp xét thấy chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc dân sự chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ. Trong trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ, như: lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; Trưng cầu giám định; Quyết định định giá tài sản; Xem xét, thẩm định tại chỗ; Uỷ thác thu thập chứng cứ; Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự.

Khi tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ, Thẩm phán phải ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và yêu cầu của Tòa án. Đương sự có quyền khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án. Khiếu nại của đương sự phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát. Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trên cơ sở khiếu nại của đương sự và xem xét việc tham gia phiên toà. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát có quyền yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng quy định này, có ý kiến cho rằng cần xem xét, kiến nghị bỏ khoản 2, 3 Điều 85 BLTTDS về trách nhiệm của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ, vì đây là nghĩa vụ cung cấp của đương sự. Cần quy định cụ thể những trường hợp như thế nào thì được coi là “Đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ”. Thực tế nhiều trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu giữ chứng cứ thường từ chối không trả lời bằng văn bản cho đương sự về việc không cung cấp chứng cứ mà chỉ trả lời miệng, do đó, đương sự không có cơ sở chứng minh cho Tòa án là mình đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được. Do đó, Tòa án cũng không có cơ sở tự mình tiến hành thu thập chứng cứ.

Điều 88 BLTTDS quy định về đối chất nhưng tại Điều này chưa đề cập đến việc đối chất, xác minh của Tòa án, do đó, đề nghị cần bổ sung thêm việc “đối chất”, “xác minh” cũng là những biện pháp thu thập chứng cứ.

Bên cạnh đó, tại phiên tòa có trường hợp đương sự yêu cầu thu thập chứng cứ mới và cung cấp chứng cứ mới…, đối với trường hợp này việc dừng phiên tòa lại có phù hợp không? Hiện nay mới chỉ quy định việc dừng phiên tòa trong 5 ngày là không hợp lý. Đề nghị quy định việc hoãn phiên tòa để chờ đương sự cung cấp chứng cứ mới.

Qua công tác giám đốc thẩm, có ý kiến đề nghị có văn bản quy định về thẩm quyền và thủ tục thu thập chứng cứ của Hội đồng giám đốc thẩm. Nếu có quyền thu thập thì được tiến hành trước khi có kháng nghị hay sau khi có kháng nghị hoặc khi xét xử giám đốc thẩm; khi tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ có phải tuân theo quy định ở Điều 85 BLTTDS hay không?

1.8.4. Về xem xét, thẩm định tại chỗ (Điều 89 BLTTDS)

Điều 89 BLTTDS quy định việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải do Thẩm phán tiến hành với sự có mặt của đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó. Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải được ghi thành biên bản. Biên bản phải ghi rõ kết quả xem xét, thẩm định, mô tả rõ hiện trường, có chữ ký của người xem xét, thẩm định và chữ ký hoặc điểm chỉ của đương sự nếu họ có mặt, của đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định và những người khác được mời tham gia việc xem xét, thẩm định. Sau khi lập xong biên bản, người xem xét, thẩm định phải yêu cầu đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi có đối tượng cần xem xét, thẩm định ký tên và đóng dấu xác nhận.

Thực tế hiện nay việc xem xét thẩm định tại chỗ thuộc về thu thập chứng cứ và Tòa án chỉ tiến hành khi đương sự có yêu cầu. Trong thực tế nhiều vụ án phải chi phí cho việc thẩm định như: thuê phương tiện, thiết bị đo đạc, thẩm định vật tư, hàng hóa… nhưng do điều luật không quy định cụ thể ai phải chịu chi phí nên Tòa án phải thanh toán chi phí thẩm định là không hợp lý, do đó đề nghị nên quy định các đương sự phải chịu chi phí như quy định ở các điều 135, 136, 140 và Điều 142 về chi phí thẩm định…

1.8.5. Về trưng cầu giám định (Điều 90 BLTTDS)

Điều 90 BLTTDS quy định: (1) Theo sự thoả thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, những vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định. (2) Người giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định phải tiến hành giám định theo quy định của pháp luật. (3) Trong trường hợp xét thấy kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc có vi phạm pháp luật thì theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, Thẩm phán ra quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại. Việc giám định lại có thể do người đã tiến hành giám định trước đó thực hiện hoặc do tổ chức chuyên môn khác thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thực tế áp dụng nhiều Tòa án đề nghị bỏ cụm từ “theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự” và bỏ cụm từ “Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định tại khoản 1 nêu trên và sửa lại là: “Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của Cơ quan, tổ chức giám định”.

Tại khoản 2 Điều 90 nên bỏ từ “Người giám định” và cần sửa lại là: “Cơ quan, tổ chức giám định”.

Quy định tại khoản 3: “…..Việc giám định lại có thể do người đã tiến hành giám định trước đó thực hiện hoặc do tổ chức chuyên môn khác thực hiện theo quy định của pháp luật” là không bảo đảm tính khách quan, do đó, nên sửa lại là “xét thấy cần thiết”. Tại khoản 3 cần bổ sung theo hướng: Trong trường hợp phải giám định bổ sung hay giám định lại, phải do tổ chức chuyên môn khác thực hiện.

Cũng có ý kiến đề nghị khi sửa đổi BLTTDS nên quy định mở hơn về vấn đề trưng cầu giám định: cụ thể đương sự có thể tự yêu cầu giám định hoặc yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định theo trình tự tư pháp, như thế sẽ hợp lý hơn.

Có ý kiến đề nghị quy định thêm việc kiểm định vì trong một số vụ án liên quan đến kiểm định chất lượng hàng hóa, chất lượng công trình.

Về vấn đề này, hiện nay, việc trưng cầu giám định của Tòa án chỉ được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của các đương sự, Tòa án không được tự mình thực hiện trưng cầu giám định nếu không có yêu cầu của các đương sự; ngoài ra, pháp luật còn quy định, chỉ những kết quả giám định do Tòa án tổ chức mới được công nhận, còn kết quả giám định do đương sự tự thuê giám định thì không được xem xét là chứng cứ của vụ án dân sự. Quy định này trong nhiều trường hợp đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả của việc giải quyết các vụ việc dân sự tại Tòa án các cấp, do đó cần sửa đổi theo hướng đương sự có quyền yêu cầu trưng cầu giám định và trong trường hợp cần thiết Tòa án có thể tự quyết định trưng cầu giám định để đảm bảo việc giải quyết đúng đắn vụ án mà không cần có yêu cầu của đương sự. Trong trường hợp Tòa án tự ý trưng cầu giám định mà kết quả giám định phục vụ cho công tác xét xử thì bên nào thua kiện phải chịu, nếu Tòa án ra quyết định trung cầu giám định sai thì Tòa án phải chịu.

1.8.6. Về định giá tài sản (Điều 92 BLTTDS)

Điều 92 BLTTDS quy định trong các trường hợp: Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự hoặc trường hợp các bên thoả thuận theo mức giá thấp nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí, thì Tòa án ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp. Hội đồng định giá do Tòa án quyết định thành lập gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan. Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá. Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá. Cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan có trách nhiệm cử người tham gia Hội đồng định giá và tạo điều kiện để họ làm nhiệm vụ. Người được cử làm thành viên Hội đồng định giá có trách nhiệm tham gia đầy đủ vào việc định giá. Việc định giá phải được ghi thành biên bản, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, của đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên vào biên bản.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này các Tòa án gặp nhiều vướng mắc. Có ý kiến cho rằng cần xem xét, kiến nghị bỏ quy định về thành lập Hội đồng định giá tài sản. Có ý kiến cho rằng cần phải quy định trách nhiệm của cơ quan liên quan phối hợp với Tòa án trong việc định giá, quy định về xác định quyền và nghĩa vụ tố tụng, vị trí tố tụng cho những thành viên Hội đồng định giá. Nếu không được BLTTDS xác định quyền và nghĩa vụ của các thành viên Hội đồng định giá thì sẽ dẫn đến việc thành lập Hội đồng định giá gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, nhiều trường hợp Tòa án cấp huyện hoặc Tòa án cấp tỉnh ra quyết định thành lập Hội đồng định giá với thành phần các cơ quan chuyên môn theo yêu cầu định giá nhưng cơ quan chuyên môn trả lời không có chức năng nhiệm vụ thực hiện, nhiều Cơ quan chuyên môn luôn từ chối làm chủ tịch Hội đồng định giá. Bên cạnh đó, hiện nay ở nhiều địa phương có Trung tâm Thẩm định giá, nhiều trường hợp các bên đương sự yêu cầu Tòa án chấp nhận giá của các Trung tâm Thẩm định giá, đề nghị lấy kết quả định giá của Trung tâm Thẩm định giá làm cơ sở giải quyết vụ án…Vậy các trường hợp này có được coi là chứng cứ để Tòa án giải quyết vụ án không?

– Nhiều Tòa án đề nghị hướng dẫn rõ cách xử lý tình huống khi định giá tài sản trong vụ án dân sự, các đương sự cố tình chống đối, kiên quyết không cho vào khu vực có nhà đất tranh chấp để định giá, không thể xác định được vị trí tài sản, nên không có căn cứ để chia hiện vật một cách chính xác…

– Điều 92 không quy định về việc ký và đóng dấu vào biên bản định giá, vậy cơ quan nào đóng dấu biên bản định giá? Do đó, đề nghị bổ sung quy định này. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể: Chủ tịch Hội đồng định giá là ai; số lượng thành viên Hội đồng định giá (nên quy định là 3 người vì phải biểu quyết giá theo đa số); cần quy định rõ Thẩm phán có quyền thành lập Hội đồng định giá.

– BLTTDS cần quy định về quyền, nghĩa vụ tố tụng cho người định giá tài sản và xác định rõ họ là một loại người tham gia tố tụng, từ đó làm cơ sở pháp lý xác định trách nhiệm, quyền lợi của người được trưng cầu định giá tài sản và khi cần thiết triệu tập họ ra Tòa để giải thích về kết luận định giá. Có ý kiến đề nghị việc thành lập Hội đồng định giá trong tố tụng dân sự cần tham khảo quy định tại Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 03-5-2005 của Chính phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, như vậy vừa bảo đảm tính khách quan lại vừa tạo tính chủ động nhất định cho Tòa án khi giải quyết các vụ án cần phải định giá tài sản.

1.8.7. Về uỷ thác thu thập chứng cứ (Điều 93 BLTTDS)

Điều 93 BLTTDS quy định: (1) Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có thể ra quyết định uỷ thác để Tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự. (2) Trong quyết định uỷ thác phải ghi rõ tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, quan hệ tranh chấp và những công việc cụ thể uỷ thác để thu thập chứng cứ. (3) Tòa án nhận được quyết định uỷ thác có trách nhiệm thực hiện công việc cụ thể được uỷ thác trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định uỷ thác và thông báo kết quả bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định uỷ thác; trường hợp không thực hiện được việc uỷ thác thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do của việc không thực hiện được việc uỷ thác cho Tòa án đã ra quyết định uỷ thác. (4) Trong trường hợp việc thu thập chứng cứ phải tiến hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam thì Tòa án làm thủ tục uỷ thác thông qua cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự của nước ngoài mà nước đó và Việt Nam đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc cùng Việt Nam gia nhập điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này.

Thực tế, nhiều Tòa án sau khi nhận được quyết định ủy thác thu thập chứng cứ, đã không trả lời kết quả ủy thác hoặc có trả lời kết quả nhưng thường bị chậm so với thời gian quy định trong điều luật, đề nghị hướng dẫn. Có ý kiến đề nghị khoản 1 sửa đổi, bổ sung như sau: “Khi có sự ủy thác điều tra thu thập chứng cứ do Tòa án khác ủy thác đến thì Tòa án được ủy thác có nghĩa vụ thực hiện việc ủy thác thu thập chứng cứ trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác”.

1.9. Về các biện pháp khẩn cấp tạm thời

1.9.1. Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là biện pháp Tòa án quyết định áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ bằng chứng hoặc bảo đảm cho việc thi hành án, được quy định từ Điều 99 đến Điều 126 BLTTDS.

So với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, biện pháp khẩn cấp tạm thời trong BLTTDS có nhiều điểm mới như bổ sung các biện pháp mới; mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu áp dụng; thời điểm áp dụng; trình tự thủ tục áp dụng… Biện pháp khẩn cấp tạm thời là công cụ quan trọng để Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, quy định trong BLTTDS về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nhiều bất cập, không phù hợp, dẫn đến số lượng vụ việc được Tòa án áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời trên thực tế rất ít.

Trên cơ sở tổng hợp các báo cáo tổng kết thi hành BLTTDS của Tòa án nhân dân các cấp, chúng tôi thấy những quy định của BLTTDS về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có những vướng mắc, bất cập, không phù hợp như sau:

– Điều 99 BLTTDS quy định, đương sự chỉ có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nếu họ khởi kiện vụ án dân sự. Trong thực tế có nhiều trường hợp đương sự chỉ muốn yêu cầu Tòa án áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình mà không muốn khởi kiện hoặc sau đó họ tự giải quyết được tranh chấp nên không khởi kiện. Tuy nhiên, với quy định trên, để được Tòa án chấp nhận ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì đương sự phải khởi kiện, kể cả trường hợp họ không muốn.

Hầu hết pháp luật tố tụng dân sự của các nước trên thế giới đều quy định cho phép đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ trước khi khởi kiện và độc lập với việc khởi kiện vụ án dân sự và hiện nay vấn đề này cũng được quy định trong Pháp lệnh bắt giữ tàu biển và Pháp lệnh bắt giữ tàu bay. Do pháp luật tố tụng cho phép đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, nên số lượng vụ việc mà Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời lớn hơn nhiều so với số vụ án mà Tòa án thụ lý giải quyết vì tranh chấp đã được tự giải quyết mà không cần khởi kiện nữa. Có ý kiến cho rằng để việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu quả, đúng mục đích, BLTTDS cần quy định cho phép đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện. Phải coi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một loại việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

– Theo quy định tại khoản 3 Điều 117 BLTTDS thì trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được yêu cầu, Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quy định này chỉ phù hợp với một số biện pháp khẩn cấp tạm thời nhất định, không phù hợp với tất cả các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ví dụ như việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản tại tổ chức tín dụng, thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là quá dài, không phù hợp. Trong thời gian này, đương sự có đủ thời gian tẩu tán tài sản. Để việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phát huy được hiệu quả, BLTTDS cần quy định về thời hạn riêng đối với từng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

– Trong nhiều hiệp định song phương và đa phương đã ký kết (ví dụ Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ), Việt Nam đã cam kết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khởi kiện. Vì vậy, việc sửa đổi BLTTDS theo hướng tách hẳn việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với khởi kiện là cần thiết, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam.

1.9.2. Về biện pháp bảo đảm đối với yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 1 Điều 120 BLTTDS)

– Điều 120 BLTTDS quy định rất hạn chế các biện pháp bảo đảm đối với yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cụ thể chỉ có biện pháp “phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá” vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng. Có ý kiến đề nghị cần sửa lại quy định này như quy định tại Điều 5 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển mới được ban hành ngày 27-8-2008, tức là cần bổ sung thêm biện pháp bảo đảm là “bảo lãnh”, đặc biệt là bảo lãnh của ngân hàng hoặc của tổ chức tín dụng khác.

– Khoản 1 Điều 120 BLTTDS quy định: “Người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 102 của Bộ luật này phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu”. Mức tài sản bảo đảm do Tòa án ấn định quy định tại điều khoản này không rõ, do đó cần sửa lại nội dung này theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển. Cụ thể: “Mức tài sản bảo đảm do Tòa án ấn định tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng”.

1.9.3. Về các trường hợp cần phải hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng

Khoản 1 Điều 122 BLTTDS chỉ quy định 3 trường hợp Tòa án ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng gồm:

“a) Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ;

b) Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;

c) Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự”.

Thực tiễn xét xử có những trường hợp cần phải hủy bỏ ngay biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng, nhưng các Thẩm phán không có căn cứ pháp luật để thực hiện, như trường hợp sau khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại các điểm c, d, e, g khoản 1 Điều 192 BLTTDS mà người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đề nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng. Đề nghị cần bổ sung thêm vào khoản 1 Điều 122 BLTTDS các trường hợp này.

1.10. Về thời hạn tố tụng (Chương XI của BLTTDS)

Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Tùy theo theo việc dân sự mà thời hiệu khởi kiện khác nhau. Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 và BLTTDS thì thời hạn yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là 02 năm kể từ ngày xác lập. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm. Thời hạn khởi kiện về thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu là 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm… Về nguyên tắc, thời hiệu được quy định trong BLTTDS phải phù hợp với thời hiệu được quy định trong BLDS. Tuy nhiên, về thời hiệu của được quy định trong BLDS và thời hiệu được quy định trong BLTTDS là chưa phù hợp với thực tiễn giao dịch và giải quyết tranh chấp..

Một vấn đề hiện nay diễn ra rất phổ biến, đó là nếu đã hết thời hiệu khởi kiện thì cơ quan nào đứng ra giải quyết vụ án. Ở nước ta có ba cơ quan giải quyết tranh chấp đó là Tòa án, Trọng tài thương mại và cơ quan hành chính. Những tranh chấp có tính chất “” thông thường chỉ có hai cơ quan giải quyết đó là Tòa án và Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, do những hạn chế của Trọng tài thương mại nên việc giải quyết tranh chấp ở cơ quan này là rất ít. Hết thời hiệu khởi kiện theo quy định của BLTTDS, người có quyền lợi bị xâm phạm không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng quyền và nghĩa vụ của các trong quan hệ pháp luật nội dung vẫn tồn tại. Nếu không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết thì đương sự có thể thực hiện các hành vi khác để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp và hình sự hóa quan hệ dân sự.

Ví dụ: Chị A cho chị B vay 100.000.000 đồng với lãi suất là 1%/tháng thời hạn vay là 12 tháng thời hạn vay từ ngày 01/01/2006 đến hết ngày 31/12/2006. Hết thời hạn vay, chị A không trả tiền vay và trả tiền lãi. Sau nhiều lần đòi nhưng chị A không trả. Ngày 05/01/2009, chị A khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc chị B phải trả tiền vay và tiền lãi. Tòa án trả lại đơn khởi kiện với lý do chị A đã hết thời hiệu khởi kiện. Khi không được Tòa án thụ lý giải quyết chị A có nhờ công ty thu hồi nợ đến đòi nợ và công thu hồi nợ đã cưỡng đoạt tài sản của chị B giao cho chị A. Việc đòi nợ của chị A là không đúng quy định của pháp luật nhưng chị A không còn biện pháp nào khác vì Tòa án đã trả đơn khởi kiện.

Một vấn đề liên quan đến thời hiệu khởi kiện đó là việc xử lý tài sản tranh chấp khi đã hết thời hiệu khởi kiện. Người đang quản lý tài sản có thể trở thành chủ sở hữu tài sản hay không và cơ quan nào sẽ giải quyết những tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện.

Có ý kiến cho rằng, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự 2 năm như hiện nay là ngắn bởi lẽ hiện nay những giao dịch dân sự diễn ra rất phổ biến và diễn ra trong một thời gian dài. Việc xác định thời điểm nào lợi ích của đương sự bị xâm phạm không phải đơn giản. Trong một số trường hợp khi đương sự phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết đã hết. Mặt khác, thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự 2 năm và đối với việc dân sự 1 năm mà không tách ra theo từng loại tranh chấp là không hợp lý, ví dụ: tranh chấp về quyền sở hữu, tranh chấp về hợp đồng thuê nhà hay áp dụng thời hiệu trong trường hợp tuyên bố một người đã chết hay mất tích… có hợp lý hay không.

Để giải quyết được những vấn đề nêu trên, một số ý kiến cho rằng Bộ luật dân sự và BLTTDS chỉ quy định thời hiệu khởi kiện đối với một số vụ việc dân sự nhất định còn những vụ việc khác không nên quy định về thời hiệu khởi kiện.

1.11. Về thủ tục niêm yết công khai (Điều 154 BLTTDS)

Theo quy định của BLTTDS thì thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp được phân biệt rõ ràng thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cá nhân (Điều 152) và thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức (Điều 153). Tuy nhiên, trong thủ tục niêm yết công khai lại không có quy định riêng ra cho hai loại đối tượng như trên, mà chỉ quy định thủ tục niêm yết công khai đối với đương sự là cá nhân. Vậy, trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức thì tiến hành theo thủ tục niêm yết được thực hiện như thế nào? Niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức hay tại nơi cư trú của đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức đó? Vấn đề này cần được bổ sung để đảm bảo tính thống nhất theo pháp luật trong thủ tục này.

1.12. Về trả lại đơn khởi kiện (Điều 168 BLTTDS)

Điều 168 BLTTDS quy định: (1) Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây: a) Thời hiệu khởi kiện đã hết; b) Người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn xin ly hôn, xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại hoặc vụ án đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện; d) Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 2 Điều 171 của Bộ luật này mà người khởi kiện không đến Tòa án làm thủ tục thụ lý vụ án, trừ trường hợp có lý do chính đáng; đ) Chưa có đủ điều kiện khởi kiện; e) Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. (2) Khi trả lại đơn khởi kiện, Tòa án phải có văn bản kèm theo ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện.

Thực tiễn áp dụng quy định nêu trên có ý kiến cho rằng trường hợp đương sự không biết địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và trường hợp đương sự không nộp đủ các tài liệu chứng cứ, kèm theo để chứng minh cho việc khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp diễn ra rất phổ biến. Có Tòa án cho rằng trường hợp này thuộc trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 168 BLTTDS. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng cần phải bổ sung những trường hợp khác để có cơ sở pháp lý rõ ràng để trả lại đơn kiện trong trường hợp này. Do có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau về quy định này nên đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về vấn đề này.

Có ý kiến cho rằng Điều 168 BLTTDS không có quy định trả lại đơn kiện trong trường hợp “Chưa tìm được địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”. Đề nghị cần bổ sung trường hợp này vì có trường hợp vụ án dân sự sơ thẩm có quyết định tạm đình chỉ với lý do “Chưa tìm được địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, nay người khởi kiện không biết địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, thì trường hợp này Tòa án phải trả lại đơn kiện cho họ và xóa sổ thụ lý.

Có ý kiến đề nghị giải thích cụ thể hơn điều kiện khởi kiện quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 BLTTDS. Các đương sự không nộp đủ chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện hay không, nếu thụ lý rồi có quyền đình chỉ vụ án trả lại. Cần quy định rõ thế nào là chưa đủ điều kiện khởi kiện và bổ sung thêm trường hợp không tìm được địa chỉ của bị đơn.

1.13. Về yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện (Điều 169 BLTTDS)

Điều 169 BLTTDS quy định: (1) Trong trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 của Bộ luật này thì Tòa án thông báo cho người khởi kiện biết để họ sửa đổi, bổ sung trong một thời hạn do Tòa án ấn định, nhưng không quá ba mươi ngày; trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể gia hạn, nhưng không quá mười lăm ngày. (2) Trong trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 164 của Bộ luật này thì Tòa án tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.

Tuy nhiên, tại điểm b mục 10 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 hướng dẫn: “Trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, bị đơn vẫn giữ yêu cầu phản tố…thì Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của người khởi kiện và tiếp tục giải quyết vụ án đối với yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc ngược lại đối với việc bị đơn rút yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập”. Như vậy, có thể sẽ có hai kết quả giải quyết trong cùng một vụ án: một quyết định đình chỉ vụ án đối với nguyên đơn và một quyết định giải quyết hoặc bản án sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố của bị đơn. Hai kết quả này có thể bị kháng cáo kháng nghị ở hai thời điểm khác nhau thì thủ tục chuyển hồ sơ cho cấp phúc thẩm, giải quyết kháng cáo, giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn tiến hành như thế nào? Thời hạn tố tụng trong trường hợp này xác định như thế nào? Do đó, đề nghị cần sửa đổi quy định này.

1.14. Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện (Điều 170 BLTTDS)

Điều 170 BLTTDS quy định: (1) Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo do Tòa án trả lại, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. (2) Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải ra một trong các quyết định sau đây: a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện; b) Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.

Vậy đương sự có được quyền khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án hay không? Nếu quyết định trả lại đơn khởi kiện của Chánh án là sai thì xử lý thế nào? Ai có thẩm quyền giải quyết tiếp và theo thủ tục nào? Đề nghị sửa đổi quy định này theo hướng: Chánh án Tòa án cấp sơ thẩm có quyền trả lại đơn thì đương sự được quyền khiếu nại lên Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp. Quyết định của Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp là quyết định cuối cùng.

1.15. Về thụ lý vụ án (Điều 171 BLTTDS)

Điều 171 BLTTDS quy định: (1) Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. (2) Tòa án dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào phiếu báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. (3) Tòa án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. (4) Trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí thì Tòa án phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

Thực tiễn áp dụng Điều này cho thấy, ở khoản 1 không quy định về thời hạn cụ thể Tòa án thông báo cho người khởi kiện đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tạm ứng án phí. Trường hợp người khởi kiện không đến Tòa án thì giải quyết thế nào?

Có ý kiến đề nghị sửa khoản 2 Điều 171 theo hướng: “…nếu người khởi kiện không nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện”, và quy định rõ trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí. Ý kiến này cho rằng quy định như vậy sẽ ràng buộc trách nhiệm đối với người khởi kiện, rút ngắn thời gian giải quyết vụ án.

2. Về Phần thứ hai – Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm

2.1. Về thời hạn phản tố (Điều 175 BLTTDS)

Khoản 1 Điều 175 BLTTDS quy định: “Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người được thông báo phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu có. Trong trường hợp cần gia hạn thì người được thông báo phải có đơn xin gia hạn gửi cho Tòa án nêu rõ lý do; nếu việc xin gia hạn là có căn cứ thì Tòa án phải gia hạn, nhưng không quá mười lăm ngày”.

Khoản 1 Điều 176 BLTTDS quy định: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của người khởi kiện thì bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn”.

Với các quy định như trên, có phải bị đơn chỉ được phản tố trong thời hạn 15 ngày hoặc không quá 30 ngày (trường hợp được gia hạn), kể từ ngày nhận được thông báo về việc thụ lý vụ án? Quy định như trên không rõ ràng, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau và áp dụng không thống nhất trong việc thực hiện. Do đó cần nghiên cứu để sửa đổi lại quy định này cho rõ, nên để cho bị đơn thực hiện quyền đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn cho đến trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, tương xứng với quyền thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

2.2. Về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn

Khoản 2 Điều 176 BLTTDS quy định yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn được chấp nhận khi có một trong các trường hợp sau: a) Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn; b) Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; c) Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Như vậy, BLTTDS không quy định về điều kiện và thời hạn chấp nhận yêu cầu phản tố, quá thời hạn mà không trình bày yêu cầu phản tố, không nộp tạm ứng án phí cho yêu cầu phản tố thì mất quyền phản tố, do đó đề nghị bổ sung quy định này.

Khi đặt ra yêu cầu bổ sung về thời hạn đưa ra yêu cầu phản tố, có Tòa án đề nghị bị đơn chỉ có quyền yêu cầu phản tố trong thời hạn 15 ngày (hoặc tối đa 30 ngày) kể từ ngày nhận thông báo thụ lý vụ án dân sự thì mới được Tòa án chấp nhận. Có Tòa án cho rằng, Điều 176 chỉ quy định về thời điểm bắt đầu để bị đơn có thể đưa ra yêu cầu phản tố. Đó là từ khi nhận thông báo thụ lý vụ án mà không có quy định thời điểm kết thúc của thời hạn đưa ra yêu cầu phản tố. Do đó, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố đến trước khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quan điểm này phù hợp hơn, nhưng lại làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Tại điểm c khoản 2 Điều 176 quy định: “Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn”, do đó việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử sẽ không được khách quan, toàn diện. Đề nghị có quy định thời hạn kết thúc đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn (nếu yêu cầu còn trong thời hiệu khởi kiện).

2.3. Về quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 177 BLTTDS)

Điều 177 BLTTDS quy định: Trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây: (1) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; (2) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết; (3) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn. Thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, BLTTDS không quy định quyền yêu cầu phản tố của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, do đó đề nghị bổ sung quy định này theo hướng: Yêu cầu phản tố của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chấp nhận khi nộp tiền tạm ứng án phí theo quy định pháp luật; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu phản tố cho đến trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

2.4. Về thời hạn chuẩn bị xét xử (Điều 179 BLTTDS)

Điều 179 BLTTDS quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử như sau: (1) Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau: a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; b) Đối với các vụ án quy định tại Điều 29 và Điều 31 của Bộ luật này, thời hạn là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá hai tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a và một tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. (2). Trong thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều này, tùy từng trường hợp, Tòa án ra một trong các quyết định sau đây: a) Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; b) Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; c) Đình chỉ giải quyết vụ án; d) Đưa vụ án ra xét xử. (3) Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.

Có ý kiến cho rằng quy định trên có phần duy ý chí, đặc biệt là đối với các vụ án thương mại quy định tại Điều 29 BLTTDS. Thực tiễn xét xử cho thấy các Tòa án thường không thể đạt được yêu cầu này. Đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi lại thời hạn chuẩn bị xét xử của các vụ án thương mại, lao động bằng với các vụ án dân sự và có giải pháp gia hạn “mềm” hơn, không nên khống chế số lần gia hạn và tổng số thời gian được gia hạn, v× mỗi lần ký quyết định gia hạn, Chánh án Tòa án đang thụ lý giải quyết vụ án đó phải làm rõ lý do chậm trễ, đâu là lý do khách quan, đâu là lý do chủ quan và yêu cầu Thẩm phán đưa ra các giải pháp khắc phục.

2.5. Về việc ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (Điều 187 BLTTDS)

Khoản 2 Điều 187 BLTTDS quy định: “Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án”.

Tại tiểu mục 7.2 Mục 7 Phần II Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quy định tại khoản 2 Điều 187 BLTTDS như sau: “Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án (các quan hệ pháp luật, các yêu cầu của các đương sự trong vụ án) và cả về án phí. Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nhưng không thỏa thuận được với nhau về trách nhiệm phải chịu án phí hoặc mức án phí, thì Tòa án không công nhận sự thỏa thuận của các đương sự mà tiến hành mở phiên tòa để xét xử vụ án”.

Có ý kiến cho rằng trong tố tụng dân sự cần xây dựng nguyên tắc các đương sự tự giải quyết tối đa, Tòa án xét xử tối thiểu. Trong trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ các yêu cầu của họ, nhưng không thỏa thuận được với nhau về trách nhiệm phải chịu án phí hoặc mức án phí mỗi bên phải chịu, nếu thỏa thuận của các đương sự là tự nguyện không trái với pháp luật và đạo đức xã hội, thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đối với việc giải quyết toàn bộ các yêu cầu của họ, quyết định này có hiệu lực pháp luật ngay và không thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; đồng thời, Tòa án ra một quyết định khác để giải quyết phần án phí theo quy định của pháp luật. Quyết định giải quyết phần án phí có thể bị kháng cáo và kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Đề nghị nghiên cứu, sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 187 BLTTDS theo tinh thần trên.

2.6. Về tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 189 BLTTDS)

Điều 189 BLTTDS quy định về các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau: (1) Đương sự là cá nhân đã chết, cơ quan, tổ chức đã sáp nhập, chia, tách, giải thể mà chưa có cá nhân, cơ quan, tổ chức kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đó. (2) Một bên đương sự là cá nhân mất năng lực hành vi dân sự mà chưa xác định được người đại diện theo pháp luật. (3) Chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế. (4) Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan hoặc sự việc được pháp luật quy định là phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết trước mới giải quyết được vụ án. (5) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị cần phải quy định rõ quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS là trong những trường hợp cụ thể nào và những vụ án nào có liên quan đến mức độ nào thì Tòa án mới được tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Để tránh trường hợp Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án tràn lan ngay cả trong những trường hợp vụ án khác đó không có liên quan đến vụ án mà Tòa án đang giải quyết. Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình chỉ thì có được tiếp tục giải quyết vụ án sau khi có quyết định giải quyết của cấp phúc thẩm hủy quyết định tạm đình chỉ hay không?

Có ý kiến đề nghị cần quy định rõ quy định quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại khoản 5 Điều 189 BLTTDS có phải là quyền đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 BLTTDS hay không? Một số ý kiến khác đề nghị hướng dẫn cụ thể về các trường hợp được tạm đình chỉ quy định tại khoản 5 Điều 189 BLTTDS. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị vì có các cách hiểu khác nhau nên khi sửa đổi BLTTDS cần cân nhắc thể hiện lại khoản 5 Điều 189 sao cho phù hợp. Các ý kiến đều cho rằng việc quy định cụ thể hơn về các trường hợp được tạm đình chỉ tại khoản 5 Điều 189 BLTTDS là không thể thực hiện được.

Có ý kiến đề nghị bổ sung căn cứ “Chờ kết quả ủy thác thu thập chứng cứ”. Bởi vì, theo quy định tại Điều 93 BLTTDS, trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự hoặc trong trường hợp việc thu thập chứng cứ phải tiến hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam… thì Tòa án có thể ra quyết định ủy thác để Tòa án khác hoặc cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục ủy thác (cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng dân sự của nước ngoài mà nước đó và Việt Nam đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp hoặc cùng Việt Nam gia nhập điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này) để lấy lời khai của đương sự, của người làm chứng, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản hoặc các biện pháp khác để thu thập chứng cứ, xác minh các tình tiết của vụ việc dân sự. Quyết định ủy thác phải ghi rõ tên, địa chỉ của nguyên đơn, bị đơn, quan hệ tranh chấp và những công việc cụ thể ủy thác để thu thập chứng cứ. Tòa án nhận được quyết định ủy thác có trách nhiệm thực hiện công việc cụ thể được ủy thác trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác và thông báo kết quả bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác; trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do của việc không thực hiện được việc ủy thác cho Tòa án đã ra quyết định ủy thác. Nhưng qua thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự cho thấy việc thực hiện ủy thác tư pháp thường không hiệu quả, thời gian thông báo kết quả ủy thác thường bị kéo dài (không bảo đảm thời gian quy định là 30 ngày đối với ủy thác trong nước); đối với ủy thác thu thập chứng cứ phải tiến hành ở ngoài lãnh thổ Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp không có kết quả ủy thác tư pháp Tòa án không thể giải quyết được vụ việc dân sự, nhưng Điều 189 BLTTDS không quy định đây là căn cứ để tạm đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự. Các Tòa án đề nghị cần bổ sung vấn đề “Cần đợi kết quả thực hiện ủy thác tư pháp” vào Điều 189.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần quy định thêm các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án, như: “nguyên đơn xin tạm đình chỉ vụ án có lý do chính đáng”; “chờ ý kiến của cơ quan chuyên môn, chờ kết quả giám định, định giá”…

2.7. Về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 192 BLTTDS)

Điều 19. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;

b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;

c) Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện;

d) Cơ quan, tổ chức rút văn bản khởi kiện trong trường hợp không có nguyên đơn hoặc nguyên đơn yêu cầu không tiếp tục giải quyết vụ án;

đ) Các đương sự đã tự thoả thuận và không yêu cầu Toà án tiếp tục giải quyết vụ án;

e) Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt;

g) Đã có quyết định của Toà án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

h) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

2. Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xoá tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu vụ án thuộc trường hợp trả lại đơn khởi kiện quy định tại Điều 168 của Bộ luật này”.

Về khoản 1:

– Trường hợp như thế nào thì “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Toà án chấp nhận” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 của BLTTDS thì Tòa án chấp nhận. Kiến nghị sửa đổi theo hướng nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện là tự nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì Tòa án chấp nhận.

– Nên quy định trong trường hợp đình chỉ theo điểm d, đ thì tiền tạm ứng án phí mà các đương sự đã nộp được trả lại toàn bộ cho các đương sự. Quy định như vậy mới khuyến khích được việc đương sự tự thỏa thuận giải quyết vụ án và rút đơn khởi kiện.

– Đề nghị bổ sung trường hợp đương sự không thực hiện các nghĩa vụ theo yêu cầu của Tòa án lần thứ 2 như không nộp lệ phí định giá, đo vẽ thì Tòa án có quyền đình chỉ giải quyết vụ án.

– Trường hợp có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm và giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại thì nguyên đơn làm đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Vậy Tòa án có chấp nhận việc rút yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hay không. Nếu chấp nhận thì hậu quả của bản án phúc thẩm đã được thi hành được xử lý thế nào? Nếu tiếp tục giải quyết mà nguyên đơn chống đối không đến Tòa thì có đình chỉ theo điểm e khoản 1 Điều 192 hay không? Đề xuất: nếu các lần xét xử trước Tòa án đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và việc thi hành án đã xong thì nếu vụ án bị hủy để xét xử lại, Tòa án không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn và vẫn giải quyết vụ án theo thủ tục chung, nếu việc rút đơn này không được bị đơn đồng ý.

– Đề nghị tách trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 168 thành một điểm khác trong khoản 1 Điều 192 (đương sự không có quyền khởi kiện lại).

– Trường hợp đình chỉ theo điểm c, h khoản 1 Điều 192 BLTTDS và nêu rõ việc thay đổi địa vị tố tụng. Quyết định đình chỉ bị kháng cáo, kháng nghị theo khoản 4 Điều 93 BLTTDS thì Tòa án cấp sơ thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm. Nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định đình chỉ thì sẽ giữ hồ sơ vụ án lại để lưu trữ. Vậy nếu yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì sẽ được giải quyết thế nào? Tòa án cấp phúc thẩm photo hồ sơ giao cho Tòa án cấp sơ thẩm hay giao toàn bộ hồ sơ cho cấp sơ thẩm và ghi rõ trong quyết định phúc thẩm? Do đó kiến nghị bổ sung những quy định về các vấn đề nêu trên.

Về khoản 2:

– Trường hợp người có quyền, nghĩa vụ liên quan do Tòa án đưa vào tham gia tố tụng nhưng chưa biết địa chỉ của họ thì Tòa án có quyền yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ của họ hay không? Nếu nguyên đơn không cung cấp địa chỉ và Tòa án không tìm được địa chỉ của họ thì giải quyết như thế nào? Có thuộc trường hợp đình chỉ, trả lại đơn khởi kiện theo khoản 2 Điều 192 BLTTDS hay không? Thực tế xảy ra nhiều trường hợp nguyên đơn khởi kiện đã ghi đúng và đầy đủ địa chỉ của bị đơn, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đến địa chỉ do nguyên đơn cung cấp thì được biết hộ khẩu thường trú đúng như địa chỉ nguyên đơn cung cấp nhưng bị đơn đã đi khỏi địa phương trước khi thụ lý vụ án 01 tháng nhưng không thông báo tạm vắng, không báo chính quyền địa phương và không biết họ đi đâu. Trường hợp này giải quyết theo cố tình dấu địa chỉ nhằm trốn tránh nghĩa vụ hay đình chỉ vụ án theo khoản 2 Điều 192 và trả lại đơn? Đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 192 BLTTDS căn cứ đình chỉ việc giải quyết vụ án. Tòa án được quyền đình chỉ việc giải quyết vụ án trong trường hợp bị đơn đi khỏi nơi cư trú trước khi nguyên đơn khởi kiện, không rõ đi đâu, không biết việc khởi kiện của nguyên đơn.

2.8. Về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (Điều 193 BLTTDS)

Điều 193. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

1. Khoản 1 Điều 193 quy định: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ các trường hợp quy định tại các điểm c, e và g khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này và các trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.

3. Trong trường hợp Toà án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 192 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho người đã nộp tiền tạm ứng án phí.

4. Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”.

Thực tiễn có nhiều ý kiến cho rằng quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tại Điều 193 còn nhiều điểm không hợp lý và nhiều vướng mắc:

– Về khoản 1: Trong thực tiễn một số trường hợp Tòa án tiến hành thụ lý vụ án khi chưa đủ điều kiện khởi kiện, sau đó Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, và theo quy định tại khoản 1 Điều 193 BLTTDS thì đương sự không có quyền khởi kiện lại vụ án, quy định này gây bức xúc cho đương sự.

– Về khoản 2: Có ý kiến cho rằng vấn đề xử lý án phí trong một số trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 192 và khoản 3 Điều 193 BLTTDS là chưa hợp lý. Đặc biệt là trong trường hợp việc đình chỉ giải quyết vụ án xuất phát từ lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Liên quan đến vấn đề này, có ý kiến đề nghị sửa khoản 2 Điều 192 BLTTDS theo hướng: tiền tạm ứng án phí đã nộp được trả lại 50% cho đương sự, trừ trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 của BLTTDS. Riêng trường hợp quy định tại điểm g khoản 1 Điều 192 của BLTTDS thì đương sự được hoàn trả toàn bộ tiền tạm ứng án phí.

Có ý kiến đề nghị cần sửa đổi khoản 2 Điều 193 theo hướng quy định cụ thể là tại thời điểm người có quyền khởi kiện nộp đơn kiện, đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, thì tiền tạm ứng án phí đã nộp được sung công quỹ nhà nước. Ngược lại nếu sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự, mới có quyết định mở thủ tục phá sản thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho đương sự.

Sửa đổi quy định các trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án và hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án theo hướng những trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án khi chưa đủ điều kiện khởi kiện theo khoản 2 Điều 192 BLTTDS thì đương sự vẫn được quyền khởi kiện lại vụ án.

2.9. Về sự có mặt của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa (Điều 199, Điều 200 và Điều 201 BLTTDS)

2.9.1. Điều 199 BLTTDS quy định nguyên đơn phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà. Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trong trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

Tuy nhiên thực tế phát sinh trường hợp trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, nguyên đơn không phải là người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng thường vắng mặt, các Tòa án thường gặp lúng túng, có Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ, có Tòa án áp dụng máy móc cách hiểu nguyên đơn là người khởi kiện như ở giai đoạn sơ thẩm nên ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án… Do đó kiến nghị BLTTDS cần quy định rõ về trường hợp này theo hướng: Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ trừ trường hợp quy định tại Điều 266 BLTTDS.

2.9.2. Điều 200 BLTTDS quy định bị đơn phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà. Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy trường hợp bị đơn đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt lần thứ nhất không có lý do chính đáng Tòa án vẫn phải hõan phiên tòa. Để bảo đảm quyền cho các bên đương sự, các Tòa án kiến nghị không phân biệt nguyên đơn hay bị đơn, mà các bên đương sự vắng mặt lần thứ nhất là Tòa án phải hoãn phiên tòa. Do đó cần sửa các quy định này theo hướng bỏ cụm từ “có lý do chính đáng".

2.9.3. Điều 201 BLTTDS quy định (1) người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt tại phiên toà theo giấy triệu tập của Tòa án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà; (2) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ; (3) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý. Trong trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu độc lập thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Tuy nhiên, qua thực tiễn các Tòa án đề nghị không phân biệt nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…, mà cần quy định các bên đương sự vắng mặt lần thứ nhất là Tòa án phải hõan phiên tòa. Do đó cần sửa các quy định này theo hướng bỏ cụm từ “có lý do chính đáng".

Ngoài ra, BLTTDS quy định mỗi đương sự được hoãn phiên toà 2 lần, trong vụ án có nhiều đương sự (40 đương sự) mà các đương sự một phía cố tình gây khó khăn thay nhau hoãn phiên toà sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức của Tòa án và ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự khác. Do vậy, cần đề sửa đổi theo hướng tổng lần hoãn trong một vụ án không quá 4 lần.

2.10. Về sự có mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 203 BLTTDS)

Điều 203. Sự có mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải tham gia phiên toà theo giấy triệu tập của Toà án; nếu vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên toà. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Toà án tiến hành xét xử vụ án; trong trường hợp này, đương sự tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định này mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 64 (cho phép gửi bài bảo vệ) và đề nghị bổ sung quy định không cho phép người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt để tránh kéo dài thời gian xét xử.

2.11. Về thời hạn hoãn phiên toà và quyết định hoãn phiên toà (Điều 208 BLTTDS)

Điều 208. Thời hạn hoãn phiên toà và quyết định hoãn phiên toà

1. Trong trường hợp Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà theo quy định tại khoản 2 Điều 51, khoản 2 Điều 72 và các điều 199, 200, 201, 203, 204, 205, 206, 207, 215 và khoản 4 Điều 230 của Bộ luật này thì thời hạn hoãn phiên toà sơ thẩm không quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên toà.

2. Quyết định hoãn phiên toà phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Toà án và họ, tên những người tiến hành tố tụng;

c) Vụ án được đưa ra xét xử;

d) Lý do của việc hoãn phiên toà;

đ) Thời gian, địa điểm mở lại phiên toà.

3. Quyết định hoãn phiên toà phải được chủ toạ phiên toà thay mặt Hội đồng xét xử ký tên và thông báo công khai cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì Toà án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.

4. Trong trường hợp sau khi hoãn phiên toà mà Toà án không thể mở lại phiên toà đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên toà ghi trong quyết định hoãn phiên toà thì Toà án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên toà”.

Thực tế tại phiên toà có trường hợp đương sự yêu cầu thu thập chứng cứ mới và cung cấp chứng cứ mới, nên việc dừng phiên toà lại có phù hợp không? Vì BLTTDS không quy định việc hoãn phiên toà để chờ đương sự cung cấp chứng cứ mới, mà chỉ quy định việc dừng phiên toà trong 5 ngày là không hợp lý. Đề nghị quy định thêm về căn cứ hoãn phiên toà để xác minh thêm, vì nếu không hoãn phiên toà thì không giải quyết được triệt để vụ án do khi việc tranh tụng tại phiên toà có xuất hiện những tình tiết mới, chứng cứ mới không thể làm rõ ngay ở phiên toà được.

Ngoài ra, Điều 208 BLTTDS không quy định về thủ tục hoãn phiên toà nên cần quy định bổ sung về thủ tục hoãn phiên toà. Người tiến hành tố tụng không thể tham gia phiên toà vì lý do chính đáng (bị ốm hoặc đi công tác đột xuất) thì hoãn phiên toà bằng hình thức văn bản nào: quyết định hoãn phiên toà hay thông báo dời phiên toà? Nếu ra quyết định hoãn phiên toà thì áp dụng Điều luật nào? Hoặc trong trường hợp nguyên đơn thay đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện mà việc thay đổi không thể giải quyết được tại phiên toà thì có hoãn phiên toà không, căn cứ vào đâu? Đề nghị bổ sung căn cứ hoãn phiên tòa trong trường hợp khi cần xem xét, thu thập tài liệu, chứng cứ bổ sung… và đề nghị bổ sung cụm từ “… kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 230 thì Tòa án phải mở lại phiên tòa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có kết quả giám định”.

2.12. Về thủ tục ra bản án và quyết định của Tòa án tại phiên tòa (Điều 210 BLTTDS)

Điều 210 BLTTDS quy định về thủ tục ra bản án và quyết định của Tòa án tại phiên toà: (1) Bản án phải được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng nghị án. (2) Quyết định thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, chuyển vụ án, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án, hoãn phiên toà phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và phải được lập thành văn bản. (3) Quyết định về các vấn đề khác được Hội đồng xét xử thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải viết thành văn bản, nhưng phải được ghi vào biên bản phiên toà.

Khi áp dụng khoản 2, các Tòa án đề nghị bổ sung quy định: “quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự phải được thảo luận”, vì Hội đồng xét xử không thể áp dụng khoản 3 của điều luật này để thảo luận ngay quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự (quy định tại Điều 220 BLTTDS) tại phiên tòa mà phải thảo luận và thông qua tại phòng nghị án và ra quyết định bằng văn bản.

2.13. Về xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu (Điều 218 BLTTDS)

Điều 218 BLTTDS quy định xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu trong 2 trường hợp: (1) Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự, nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu. (2) Trong trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ thế nào là không vượt quá yêu cầu khởi kiện, phạm vi khởi kiện ban đầu và trình tự giải quyết yêu cầu khởi kiện bổ sung đó như thế nào? Có phải nộp tiền tạm ứng án phí cho phần bổ sung đó không, thời hạn giải quyết vụ án được tính như thế nào? Hình thức yêu cầu bổ sung, thay đổi, có phải làm lại đơn khởi kiện, đơn phản tố hay đơn yêu cầu không?

Khoản 1 Điều 218 quy định Tòa án không chấp nhận việc thay đổi bổ sung yêu cầu vượt quá phạm vi yêu cầu ban đầu. Tuy nhiên cần hiểu mục đích của quy định này nhằm đảm bảo công bằng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị yêu cầu khi họ không đủ thời gian để chuẩn bị chứng cứ cần thiết để phản bác lại yêu cầu bổ sung đó. Tòa án cần có ghi nhận và cho phép thay đổi bổ sung vượt quá yêu cầu ban đầu nếu bị đơn cũng thừa nhận?

Có ý kiến cho rằng nguyên đơn rút đơn khởi kiện tại phiên toà sơ thẩm thì việc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án chỉ được thực hiện khi cả bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cùng rút yêu cầu của mình sau khi nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện. Nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 218 BLTTDS thì nếu tại phiên toà mà có đương sự rút toàn bộ hay một phần yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là hoàn toàn tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hay toàn bộ yêu cầu mà đương sự đã rút. Vậy trường hợp nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu tại phiên toà sơ thẩm có được xem là rút đơn khởi kiện để Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (theo hướng dẫn của tài liệu tập huấn) hay Tòa án phải quyết định đình chỉ xét xử theo quy định tại khoản 2 Điều 218 BLTTDS. Đề nghị bổ sung quy định theo hướng coi như đương sự rút đơn khởi kiện, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và cần quy định rõ hậu quả của quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án trong trường hợp này.

2.14. Về công nhận sự thoả thuận của đương sự (Điều 220 BLTTDS)

Điều 220 BLTTDS quy định: (1) Chủ toạ phiên toà hỏi các đương sự có thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không. Trong trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và thoả thuận của họ là tự nguyện, không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì Hội đồng xét xử ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án. (2) Quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự về việc giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật.

Thực tiễn xét xử tại Tòa án cho thấy, trong giai đoạn tranh luận đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án thì giải quyết thế nào?

Vấn đề này có nhiều quan điểm.

Quan điểm 1: Hội đồng xét xử ra bản án ghi nhận toàn bộ sự thỏa thuận của các đương sự và cho họ biết quyền kháng cáo theo luật định đối với bản án đó.

Quan điểm 2: Hội đồng xét xử phải tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự trong suốt quá trình giải quyết vụ án và ra quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Quan điểm 3: Lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày thì ra quyết định công nhận như quy định tại Điều 187 BLTTDS.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng quy định tại Điều 220 không phù hợp với thực tiễn, vì nếu các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án theo quy định thì họ không được lợi gì (không đuợc miễn án phí); mặt khác chưa tiến hành thủ tục hỏi và tranh luận nên các đương sự chưa thể chắc chắn quyền và nghĩa vụ của mình có được lợi ích gì hay không nên khó có thể xảy ra việc các đương sự thỏa thuận với nhau. Bên cạnh đó, đề nghị chuyển Điều 220 sau Điều 230 và bổ sung như sau: “1. Sau khi nghe các đương sự trình bày, công bố các tài liệu, chứng cứ của vụ án, chủ tọa phiên tòa hỏi các đương sự có thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án hay không…”, quy định như vậy mới phù hợp trình tự tố tụng.

2.15. Về Trình tự phát biểu khi tranh luận (Điều 232 BLTTDS)

Điều 232 BLTTDS quy định về trình tự phát biểu khi tranh luận:

1. Sau khi kết thúc việc hỏi, Hội đồng xét xử chuyển sang phần tranh luận tại phiên toà. Trình tự phát biểu khi tranh luận được thực hiện như sau: a) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biểu. Nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày ý kiến. Người có quyền và lợi ích được bảo vệ có quyền bổ sung ý kiến;

b) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn phát biểu. Bị đơn có quyền bổ sung ý kiến;

c) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phát biểu. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến.

2. Trong trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ tự mình phát biểu khi tranh luận”.

Như vậy, BLTTDS chưa quy định thủ tục xét xử vắng mặt các bên đương sự. Do đó, có ý kiến đề nghị quy định rõ trong trường hợp xét xử vắng mặt bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì diễn biến phiên toà có phần tranh luận không, nếu có thì nguyên đơn tranh luận với ai? Do đó, đề xuất quy định bổ sung một khoản quy định về việc tranh luận tại phiên tòa trong trường hợp vắng mặt bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2.16. Trở lại việc hỏi và tranh luận (Điều 237 BLTTDS)

Điều 237 BLTTDS quy định về việc trở lại việc hỏi và tranh luận như sau: “Qua nghị án, nếu xét thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc hỏi chưa đầy đủ hoặc cần xem xét thêm chứng cứ thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi và tranh luận”. Có ý kiến cho rằng quy định về trở lại việc hỏi và tranh luận (chưa rõ ràng và có nhiều cách hiểu khác nhau, cụ thể như sau:

Quan điểm 1: khi đã kết thúc thời hạn nghị án 05 ngày làm việc (theo khoản 5 Điều 236 BLTTDS) nhưng vì một lý do nào đó mà không thể ra bản án ngay được nên Thẩm phán đã trở lại phần “Hỏi” để từ đó đưa quá trình xét xử trở lại từ đầu (theo Điều 237 BLTTDS); trên cơ sở đó, khi đã trở lại và kết thúc phần “Hỏi”, phần “Tranh luận” thì Thẩm phán lại tiếp tục kéo dài thời gian nghị án thêm 05 ngày nữa; và nếu khi kết thúc 05 ngày nghị án (của lần này) mà vẫn chưa ra bản án thì có thể tiếp tục cách làm như vừa nêu trên.

Quan điểm 2: qua thời hạn nghị án, nếu xét thấy cần thiết thì Thẩm phán có thể quyết định trở lại phần “Hỏi” và phần “Tranh luận” và chỉ được trở lại một lần; sau đó thì phải tuyên án nhưng phải đảm bảo việc tuyên án vẫn còn trong thời hạn 05 ngày kể từ khi kết thúc phần tranh luận đầu tiên.

Đề nghị cần quy định bổ sung trường hợp này theo hướng giới hạn số lần tối đa mà Hội đồng xét xử được tiến hành nghị án. Tránh trường hợp việc nghị án kéo dài, gây nghi ngờ cho các bên đương sự, giảm tính khách quan của hoạt động xét xử của Tòa án.

2.17. Về người có quyền kháng cáo (Điều 243 BLTTDS)

Điều 243 BLTTDS quy định: Đương sự, người đại diện của đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn. Người đại diện của đương sự bao gồm đại diện theo ủy quyền và đại diện theo pháp luật. Đây là hai quan hệ đại diện có tính chất và mức độ khác nhau. Việc quy định như Điều 243 đã tạo ra cách hiểu là cả hai trường hợp đại diện đều có quyền kháng cáo. Tuy nhiên, để đảm bảo nguyên tắc của BLTTDS về quyền tự định đoạt cũng như quyền lợi ích hợp pháp của đương sự cần quy định: “người đại diện đương nhiên như cha mẹ đại diện cho con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng… có quyền kháng cáo”, còn đại diện theo ủy quyền được kháng cáo trong trường hợp được ủy quyền.

2.18. Về thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (Điều 248 BLTTDS)

Khoản 2 Điều 248 BLTTDS quy định: Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này xảy ra vướng mắc sau:

+ BLTTDS không quy định Tòa án ra bản án sơ thẩm phải có thủ tục thông báo khi người kháng cáo không nộp tạm ứng án phí, mà Điều 248 chỉ quy định nếu hết thời hạn 10 ngày mà không nộp tạm ứng án phí thì được coi là từ bỏ kháng cáo. Do vậy, Tòa án cấp phúc thẩm không biết vụ án tiến triển tới đâu, còn đương sự thì khó khăn trong việc thi hành án.

+ Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm có thông báo tạm hõan thi hành án, vậy đương sự không nộp tạm ứng án phí thì cơ quan nào có trách nhiệm ban hành văn bản xóa bỏ nội dung đề nghị tạm hõan thi hành án của cấp phúc thẩm?

Đề nghị quy định rõ nội dung nêu trên theo hướng quy định thêm trách nhiệm của Tòa án cấp sơ thẩm phải có thông báo rõ khi quá thời hạn nhưng người kháng cáo không nộp tạm ứng án phí phúc thẩm để đương sự biết và Tòa án cấp phúc thẩm xử lý tiếp những việc liên quan.

2.19. Về thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị (Điều 256 BLTTDS)

Khoản 2 Điều 256 BLTTDS quy định về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị như sau: “2. Trước khi bắt đầu phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị.

Toà án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị”.

Thực tế áp dụng cho thấy quy định tại khoản 2 (Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị) là không thực tế, bởi vì không Tòa phúc thẩm nào khi tiến hành xét xử lại vừa ra quyết định đình chỉ đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã bị rút; đồng thời lại ra bản án hoặc quyết định đối với phần kháng cáo, kháng nghị không bị rút, và nếu ra quyết định đình chỉ đối với phần bị rút thì trái với điểm b khoản 1 Điều 260 (quy định rút tòan bộ kháng cáo, kháng nghị thì mới đình chỉ). Do đó, nên quy định theo hướng: Những phần kháng cáo, kháng nghị bị rút thì được coi là không có kháng cáo, kháng nghị nên cấp phúc thẩm không xem xét những phần này. Những phần bị rút có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

2.20. Về đình chỉ xét xét xử phúc thẩm vụ án (Điều 260 BLTTDS)

Điều 260 BLTTDS quy định Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án trong các trường hợp: (1) Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này; (2) Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị; (3) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định. Tuy nhiên, thực tiễn có nhiều trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm còn ra quyết định đình chỉ xét xử một phần vụ án; quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm trong trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút hoặc một phần kháng nghị; các Tòa án cũng đề nghị phải quy định rõ trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút kháng cáo, kháng nghị đó và ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Trong các trường hợp này, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Trong trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc đương sự rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần rút kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định này.

2.21. Về đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án (Điều 260 BLTTDS)

Điều 260 BLTTDS quy định: (1) Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án trong các trường hợp sau đây: a) Trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này; b) Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị; c) Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định. (2) Trong trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng điều này cho thấy trong nhiều trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm vẫn quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với một phần của vụ án theo các trường hợp nêu ở điểm a, điểm b khoản 1 và trong cả trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với một phần của vụ án và trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút hoặc một phần kháng nghị.

Ngoài ra, cần quy định rõ:

– Trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trong trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút kháng cáo, kháng nghị đó và ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Trong các trường hợp này, bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật từ ngày Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

– Trong trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc đương sự rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần rút kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.

2.22. Về chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu (Điều 262 BLTTDS)

Điều 262 BLTTDS quy định sau khi thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu, mà không quy định rõ trường hợp nào Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu; do đó cần bổ sung quy định cụ thể là Tòa án cấp phúc thẩm phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc đã tham gia phiên tòa sơ thẩm.

2.23. Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm (Điều 275 BLTTDS)

Điều 275 BLTTDS quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm có các quyền: (1) Giữ nguyên bản án sơ thẩm; (2) Sửa bản án sơ thẩm; (3) Huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án; (4) Huỷ bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên ở khoản 3 chỉ quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền “Huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án” nhưng trên thực tế Hội đồng xét xử còn hủy quyết định, một phần quyết định sơ thẩm. Do đó, đề nghị bổ sung quy định này.

2.24. Về huỷ bản án, quyết định sơ thẩm, huỷ một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án (Điều 277 BLTTDS)

Điều 277 BLTTDS quy định Hội đồng xét xử phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án mà không quy định việc huỷ một phần bản án, quyết định sơ thẩm; do đó, cần bổ sung quy định này.

2.3. Về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật

2.3.1. Về phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm

BLTTDS hiện hành không quy định nội dung đơn khiếu nại, nội dung văn bản thông báo bản án, quyết định có hiệu lực nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật để đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm… Thực tiễn giải quyết khiếu nại bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm tại Tòa án nhân dân đã đặt ra vấn đề cần nghiên cứu xây dựng một số quy định cụ thể đối với thủ tục này. Tuy nhiên, vấn đề này có các quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng cần giữ nguyên như quy định của BLTTDS hiện hành. Không nên quy định về nội dung đơn, thông báo khiếu nại, kiến nghị và phải kèm theo tài liệu chứng cứ… Bởi vì tính chất của giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị; trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Viện kiểm sát, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị…Tức là, khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án của Tòa án, thì người phát hiện chỉ cần thông báo cho những người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Thủ tục giám đốc thẩm là phát hiện và xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, chứ không phải là một cấp xét xử, do đó không quy định về việc đương sự phải làm đơn khiếu nại, phải có chứng cứ kèm theo để chứng minh rằng việc khiếu nại của mình là có cơ sở… Cũng chính vì yếu tố này mà pháp luật tố tụng từ trước đến nay không đặt ra vấn đề Tòa án được thu án phí, lệ phí giám đốc thẩm.

Quan điểm thứ hai cho rằng thực tiễn hiện nay cho thấy các đương sự gửi đơn khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đề nghị Tòa án xem xét lại việc giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm một cách tràn lan, phần nhiều các khiếu nại vu vơ, “cầu may”, khiếu nại không có căn cứ hoặc để kéo dài thời gian thi hành án…; các khiếu nại ngày một gia tăng, việc giải quyết đơn khiếu nại trở nên quá tải đối với Tòa án. Do đó, cần quy định về việc nộp đơn, nội dung đơn và căn cứ cho rằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mắc phải sai lầm nghiêm trọng hoặc có thể xuất trình tài liệu, chứng cứ mới mà chứng cứ này có thể làm thay đổi nội dung việc giải quyết vụ án…

2.3.2. Về thủ tục nhận đơn khiếu nại và thông báo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng mắc phải sai lầm

Xuất phát từ yêu cầu bổ sung quy định như nêu ở tiểu mục 2.3.1 nêu trên, nhiều ý kiến đề nghị thiết kế một cơ chế sàng lọc đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhằm khắc phục tình trạng quá tải trong việc giải quyết loại đơn này của các Tòa án, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, về vấn đề này có các quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng cần bổ sung một điều vào Dự thảo Luật quy định về điều kiện và trình tự gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, theo hướng: Đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phải được gửi đến Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để xem xét. Cơ chế này nhằm sàng lọc đơn khiếu nại không có căn cứ, đồng thời giảm tải việc gửi đơn lên Tòa án nhân dân tối cao; cơ chế để Chánh án Tòa án đã ra bản án có hiệu lực pháp luật xem xét và nắm được chất lượng xét xử của các Thẩm phán thuộc Tòa án mình.

Quan điểm thứ hai cho rằng cần quy định về trình tự sàng lọc đơn của Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm đúng chức năng giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao theo hướng: Đương sự có quyền khiếu nại, cá nhân, cơ quan, tổ chức, Viện kiểm sát, Tòa án có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho đương sự để họ làm thủ tục khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm khi thấy cần thiết và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Ðiều 285 BLTTDS.

Về thủ tục nhận đơn, thông báo đơn khiếu nại, giải quyết đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm thể hiện như sau:

1. Ngay sau khi nhận được đơn khiếu nại, kiến nghị về bản án, quyết định đã có hiệu lực nhưng cho rằng mắc phải sai lầm nghiêm trọng hoặc xuất hiện chứng cứ mới làm thay đổi nội dung vụ việc dân sự thì phải vào sổ theo dõi đơn và thông báo cho đương sự biết và yêu cầu đương sự cung cấp chứng cứ (nếu có) cho Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền thụ lý đơn.

2. Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, văn bản thông báo bản án, quyết định có hiệu lực nhưng mắc phải sai lầm nghiêm trọng, Tòa án, Viện kiểm sát xem xét kiến nghị, đơn khiếu nại phải chuyển kiến nghị, đơn khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng giải quyết đơn khiếu nại (Hội đồng này do Chánh án chỉ định).

a) Việc giải quyết kiến nghị, đơn khiếu nại đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện có hiệu lực pháp luật do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết;

b) Việc giải quyết kiến nghị, đơn khiếu nại đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh và bản án, quyết định của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao và bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện đã có thông báo không có căn cứ kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh do 03 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải quyết.

3. Sau khi xem xét kiến nghị, đơn khiếu nại và lời trình bày đương sự Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hoặc Hội đồng giải quyết kiến nghị, đơn khiếu nại ban hành một trong các thông báo sau đây:

a) Thông báo cá nhân, cơ quan, tổ chức bổ sung tài liệu chứng cứ có liên quan đến vụ án;

b) Thông báo kiến nghị, khiếu nại không có cơ sở;

c) Trong trường hợp có căn cứ cho thấy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án, thì Hôi đồng giải quyết kiến nghị, đơn kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định này theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trong trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức tiếp tục kiến nghị, khiếu nại quyết định của Hội đồng giải quyết đơn và khiếu nại quyết định Giám đốc thẩm của các Toà chuyên trách thì do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét.

2.3.3. Về trường hợp gần hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì mới nhận được đơn khiếu nại dẫn đến không kịp thời giải quyết đơn và trường hợp phát hiện có sai lầm của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Điều 288 BLTTDS quy định: " Ng­ười có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ đ­ược tiến hành việc kháng nghị trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật ". Theo quy định này thì thời hạn gửi đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm và thời hạn xem xét đơn khiếu nại là 3 năm; nhiều trường hợp gần hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì mới nhận được đơn khiếu nại dẫn đến không kịp thời giải quyết đơn. Bên cạnh đó, có trường hợp phát hiện có sai lầm của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Do đó, cần có cơ chế “mở” để giải quyết những trường hợp này nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các đương sự. Tuy nhiên, vấn đề này còn có những quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng việc xây dựng một cơ chế đặc biệt để cho phép kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng đã hết thời hạn kháng nghị nhằm bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức (đặc biệt trong những trường hợp mà lỗi của việc để quá thời hạn thuộc về Tòa án, vì đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm trong thời hạn luật định nhưng không được xem xét hoặc đã được xem xét nhưng không kháng nghị). Do đó, có thể nghiên cứu để bổ sung một điều trong BLTTDS.

Quan điểm thứ hai cho rằng cần bổ sung quy định “trừ trường hợp vì lý do khách quan” để đảm bảo giải quyết những trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không phải lỗi của đương sự mà mắc phải sai lầm thì kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Cũng có quan điểm đề nghị giữ nguyên như quy định của BLTTDS hiện hành vì pháp luật cần có điểm dừng.

2.3.4. Về trường hợp phát hiện có sai lầm của quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Thực tiễn công tác giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã phát hiện có quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm, nhưng không có cơ chế để kháng nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm đó. Pháp luật tố tụng nói chung BLTTDS hiện hành nói riêng cũng chưa quy định về vấn đề xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung một điều trong BLTTDS. Tuy nhiên, khi bàn đến vấn đề này còn có các quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng nên bổ sung một điều quy định về kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, quy định trong trường hợp phát hiện quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao triệu tập họp Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao với sự tham dự của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Nếu tại phiên họp có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành việc kháng nghị, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

– Quan điểm thứ hai cho rằng cần sửa đổi, bổ sung Điều 285 theo hướng: (1) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp; (2) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; (3) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị bản án, quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi bản án, quyết định này được 2/3 thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị kháng nghị.

2.3.5. Về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 288 BLTTDS)

Cần sửa đổi, bổ sung Điều 288 BLTTDS theo hướng: Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ được tiến hành việc kháng nghị trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực nhưng hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng có 2/3 thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị kháng nghị thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị bản án, quyết định.

Các Tòa án cũng cho rằng nếu chấp nhận sửa đổi các điều như nêu trên thì cần lưu ý sửa đổi, bổ sung các điều luật có liên quan (như Điều 291 của BLTTDS).

3. Về Phần thứ năm – Thủ tục giải quyết việc dân sự

3.1. Về đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự (Điều 312 BLTTDS)

Khoản 2 Điều 312 BLTTDS quy định đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây: a) Ngày, tháng, năm viết đơn; b) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn; c) Tên, địa chỉ của người yêu cầu; d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó; đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có. Như vậy, ở điểm đ chỉ quy định Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu mà không quy định rõ những người có liên quan phải là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, cần bổ sung quy định này vào Điều 312 và các điều có liên quan khác (như khoản 4 Điều 313, điểm đ khoản 1 Điều 314, điểm e khoản 1 Điều 315…).

3.2. Về đơn yêu cầu tuyên bố một người mt năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 319 BLTTDS)

Khoản 4 Điều 319 BLTTDS quy định: “Kèm theo đơn yêu cầu Toà án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có chứng cứ để chứng minh người đó nghiện ma tuý hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình”. Tuy nhiên qua thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy cần bổ sung trường hợp kèm theo đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cần “có kết luận của cơ quan chuyên môn người đó bị hạn chế năng lực hành vi dân sự ”.

Bên cạnh đó cần sửa đổi, bổ sung Điều 322 một khoản về việc “Gửi kèm theo đơn yêu cầu là tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp”.

3.3. Về đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích (Điều 330 BLTTDS)

Khoản 3 Điều 330 BLTTDS quy định: Gửi kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm. Trong trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó. Tuy nhiên. Qua thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy việc chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm là rất khó khăn cho phía người yêu cầu; do đó cần bỏ quy định này.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung đưa án lệ vào công tác xét xử, đảm bảo việc thống nhất áp dụng pháp luật trong công tác xét xử, giải thích pháp luật trong trường hợp quy định không rõ ràng, đảm bảo hội nhập quốc tế; vấn đề Tòa án công nhận kết quả hoà giải thành ở cơ sở để đảm bảo giá trị pháp lý của kết quả hoà giải thành; đưa vấn đề thủ tục đơn giản vào BLTTDS để rút ngắn thời gian, giảm bớt công sức giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân đối với những vụ việc đơn giản. Hiện nay Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu biển, Pháp lệnh Thủ tục bắt giữ tàu bay đã có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, qua khảo sát thực tế thấy rằng nhiều trường hợp người dân chỉ yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp này mà không nhất thiết phải khởi kiện tại Tòa án, do đó cần thiết đưa biện pháp này vào BLTTDS.

KẾT LUẬN

Việc sửa đổi, bổ sung BLTTDS cần thể chế hoá kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; bảo vệ lợi ích quốc gia trong quá trình hội nhập, đồng thời tôn trọng các điều ước quốc tế; kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, đầy đủ và hiệu quả của hệ thống pháp luật… Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung BLTTDS, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS cần được nghiên cứu phương án sửa đổi, bổ sung và định hướng sửa đổi, bổ sung các điều khoản có nội dung chưa tương thích với các điều ước quốc tế đa phương; chưa phù hợp với các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung điều khoản cần thiết, phù hợp, bảo vệ lợi ích tổ chức, cá nhân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập; sửa đổi, bổ sung những điều khoản chưa được quy định trong BLTTDS hiện hành; sửa đổi, bổ sung các điều khoản đang nảy sinh các vấn đề trong thực tiễn thực thi.

Trên đây là báo cáo tổng kết về việc thi hành BLTTDS. Từ những hạn chế, bất cập của BLTTDS qua thực tiễn xét xử của TAND các cấp và hoạt động tham gia tố tụng của các cơ quan, tổ chức, các ngành hữu quan cho thấy sự cần thiết hòan thiện sửa đổi, bổ sung pháp luật tố tụng dân sự nói chung, BLTTDS nói riêng. Tòa án nhân dân tối cao xin kính trình Quốc hội xem xét, quyết định.

CHÁNH ÁN

Trương Hòa Bình


[1] Điều 389. Biện pháp xử lý cá nhân, cơ quan, tổ chức không thi hành quyết định của Toà án về việc cung cấp chứng cứ cho Toà án

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức không thi hành quyết định của Toà án về việc cung cấp chứng cứ mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang quản lý, lưu giữ thì có thể bị Toà án quyết định phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc cưỡng chế thi hành.

2. Cá nhân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này tuỳ theo mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

[2] “a. Các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty là các tranh chấp về phần vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty (thông thường phần vốn góp đó được tính bằng tiền, nhưng cũng có thể bằng hiện vật hoặc bằng giá trị quyền sở hữu công nghiệp); về mệnh giá cổ phiếu và số cổ phiếu phát hành đối với mỗi công ty cổ phần; về quyền sở hữu một phần tài sản của công ty tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty; về yêu cầu công ty đổi các khoản nợ hoặc thanh toán các khoản nợ của công ty, thanh lý tài sản và thanh lý các hợp đồng mà công ty đã ký kết khi giải thể công ty; về các vấn đề khác liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

b. Các tranh chấp giữa các thành viên của công ty với nhau là các tranh chấp giữa các thành viên của công ty về việc trị giá phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty giữa các thành viên của công ty hoặc về việc chuyển nhượng phần vốn góp vào công ty của thành viên công ty đó cho người khác không phải là thành viên của công ty; về việc chuyển nhượng cổ phiếu không ghi tên và cổ phiếu có ghi tên; về mệnh giá cổ phiếu, số cổ phiếu phát hành và trái phiếu của công ty cổ phần hoặc về quyền sở hữu tài sản tương ứng với số cổ phiếu của thành viên công ty; về quyền được chia lợi nhuận hoặc về nghĩa vụ chịu lỗ, thanh toán nợ của công ty; về việc thanh lý tài sản, phân chia nợ giữa các thành viên của công ty trong trường hợp công ty bị giải thể, về các vấn đề khác giữa các thành viên của công ty liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

c. Khi thực hiện hướng dẫn tại điểm a và điểm b tiểu mục 3.5 này, nếu giữa công ty với các thành viên của công ty hoặc giữa các thành viên của công ty có tranh chấp với nhau, nhưng tranh chấp đó không liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty mà chỉ liên quan đến các quan hệ khác như quan hệ lao động, quan hệ dân sự (ví dụ: Tranh chấp về bảo hiểm xã hội, về trợ cấp cho người lao động, về hợp đồng lao động, về hợp đồng vay, mượn tài sản…) thì tranh chấp đó không phải là tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 3 Điều 29 của BLTTDS. Tuỳ từng trường hợp cụ thể để xác định đó là tranh chấp về dân sự hay tranh chấp về lao động”.

[3] Điểm 4.2 Mục I Nghị quyết số 01/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: “4.2. Tài sản ở nước ngoài: Tài sản ở nước ngoài là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.”

[4] “Điều 100. Các loại pháp nhân : 1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân. 2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội. 3. Tổ chức kinh tế. 4. Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp. 5. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện. 6. Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này”.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading