admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN TỐ TỤNG: KHÔNG MƯỢN TIỀN CŨNG PHẢI TRẢ NỢ

MINH VY

Vụ việc tưởng rất nhỏ nhưng đã gây ra khá nhiều tranh cãi về việc áp dụng pháp luật dân sự. Chị gái giả mạo, vẫn phải gánh trách nhiệm.

Theo phía nguyên đơn trong vụ kiện, ông D đã ba lần mượn ông 550 triệu đồng nhưng hai bên không làm giấy tờ vay mượn mà làm hợp đồng dưới dạng mua bán nhà. Ông D thỏa thuận nếu không trả được tiền nợ thì sẽ bán căn nhà cho ông với giá 800 triệu đồng. Sau đó, ông nhiều lần yêu cầu nhưng ông D không trả nợ nên ông khởi kiện đòi ông D, một là phải bán nhà cho ông, hai là phải trả lại số tiền đã vay.

Chị gái giả mạo, vẫn phải gánh trách nhiệm

Ngược lại, ông D cho biết: “Tôi không hề biết nguyên đơn là ai. Tôi cũng không vay tiền của nguyên đơn. Khi nguyên đơn đến gặp tôi đòi thanh toán tiền thì tôi mới biết ông ta”.

Theo ông D, sau khi tự dưng bị đòi tiền, ông về hỏi chị gái (tòa sơ thẩm xác định là người có nghĩa vụ liên quan trong vụ án) thì mới hay bà này đã lén lấy giấy tờ nhà, giả mạo chữ ký của ông trong giấy bán nhà cho nguyên đơn để vay 300 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng. Trả được ít lâu thì người chị mất khả năng thanh toán nên tiền gốc và lãi lên đến 450 triệu đồng.

Thương chị, ông đã đến thương lượng với nguyên đơn xin giảm tiền lãi và trả dần nhưng nguyên đơn không chịu. “Nay tôi yêu cầu nguyên đơn trả lại giấy tờ nhà. Số tiền nợ tôi không vay nên không trả” – ông D nói.

Trong quá trình giải quyết án, phía nguyên đơn đã thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ đòi chị em ông D phải trả tiền nợ.

Hòa giải không thành, tòa đưa vụ án ra xét xử. Tòa nhận định: Người ký giấy bán nhà không phải là ông D nên hợp đồng này vô hiệu, nguyên đơn phải trả lại giấy tờ nhà cho ông D Còn về việc mượn nợ, có cơ sở khẳng định chị của ông D có mượn số tiền trên. Ông D có biết việc mượn nợ của chị gái, có chủ động liên lạc với nguyên đơn để xin trả nợ dần.

Từ đó, tòa đã tuyên buộc chị em ông D phải liên đới trả 550 triệu đồng tiền nợ, không tính lãi vì nguyên đơn không yêu cầu. Cả hai cùng phải nộp 26 triệu đồng án phí.

Bốn điểm gây tranh cãi

Xung quanh một số nội dung trong bản án sơ thẩm này đã có nhiều quan điểm rất khác nhau.

Nội dung đầu tiên: Tòa buộc ông D liên đới trả nợ khi ông không vay mượn, chỉ đứng ra thương lượng giúp chị gái liệu đã ổn? Nhiều ý kiến cho rằng việc ông D biết chị mượn nợ rồi thương lượng với nguyên đơn không thể làm phát sinh quan hệ vay mượn giữa hai bên. Việc thương lượng có chăng là ông D chỉ giúp chị gái về phương cách trả nợ chứ không phải là ông thừa nhận mình có mượn nợ hoặc gánh nghĩa vụ trả nợ thay. Trước tòa, ông cũng phủ nhận khả năng gánh trách nhiệm trả nợ thay. Như vậy, tòa không thể buộc ông phải trả nợ cho nguyên đơn.

Nội dung thứ hai: Ai là bị đơn trong vụ án? Nhiều ý kiến cho rằng chị của ông D mới chính là bị đơn, tức nguyên đơn kiện bà này mới đúng. Mặt khác, khi nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ buộc chị em ông D trả nợ chứ không buộc bán nhà thì lúc này tư cách của chị gái ông D đã chuyển sang tư cách bị đơn. Tòa phải thay đổi tư cách của bà này để đảm bảo quyền và nghĩa vụ theo luật định. Thực tế đã có nhiều vụ án bị hủy rất đáng tiếc vì sai sót này.

Nội dung thứ ba: Tòa tuyên chị em ông D “phải liên đới trả 550 triệu đồng” mà không nói rõ phần nghĩa vụ trả nợ của mỗi người là bao nhiêu. Có ý kiến rằng tuyên như thế này là không rõ ràng, thậm chí là sai nguyên tắc pháp lý. Lý ra tòa phải có các chứng cứ chắc hơn để xác định bị đơn nhận nợ bao nhiêu trong tổng số nợ rồi tuyên cụ thể về phần liên đới.

Nội dung thứ tư: Tòa tuyên chị em ông D cùng phải nộp án phí 26 triệu đồng. Theo luật, người có nghĩa vụ liên quan phải đóng án phí nếu có yêu cầu độc lập. Ở đây, chưa thấy rõ yêu cầu độc lập của chị gái ông D là gì nhưng tòa vẫn tuyên bà này phải nộp án phí là chưa hợp lý.

Phải xác định đúng tư cách tố tụng

Việc xác định đúng tư cách đương sự trong vụ án không phải là chuyện nhỏ trong ngành tòa án. Không ít tòa vẫn thường mắc sai sót trong việc xác định này ngay từ lúc thụ lý vụ án chứ không phải khi đương sự thay đổi yêu cầu. Đúng là thực tế đã có nhiều vụ án sau khi khởi kiện, tòa thụ lý xong thì nguyên đơn lại thay đổi yêu cầu khởi kiện nhưng không ảnh hưởng gì đến tư cách của các đương sự trong vụ án. Thế nhưng cũng có nhiều vụ làm thay đổi tư cách. Nhiều tòa đã điều chỉnh lại tư cách của đương sự cho phù hợp nhưng cũng có không ít tòa quên thao tác này.

TAND TP.HCM đã nhiều lần nhắc nhở để các tòa địa phương lưu ý làm đúng quy định chứ không bỏ lơ, thậm chí nó từng là một chuyên đề tập huấn nghiệp vụ. Việc xác định đúng sẽ đảm đảm cho việc xét xử đúng, khách quan, bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các đương sự…

Một thẩm phán TAND TP.HCM

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20100901121042476p1063c1016/khong-muon-tien-cung-phai-tra-no.htm

One Response

  1. Xin hỏi sau khi đăng bài xong thì có kiến nghị hay yêu cầu nào đó để toà địa phương đó chấp nhận xử lại nghiêm túc? Thời gian ngắn nhất diễn ra và sẽ kéo dài khoảng bao lâu? Sẽ có sự giám sát hay ko? Có điều tra liên đới tại sao lại có những mập mờ nghi vấn tranh cãi này ko? Tôi cũng ko rõ luật lắm nhưng tôi nghĩ dù ông kia có bảo đứng ra nhận trả hộ khoản tiền thì nếu ko có giấy tờ chữ kí hợp pháp thì sao có thể bắt ông ta trả nợ đó đc

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading