admin@phapluatdansu.edu.vn

ÁN LỆ HAY KHÔNG ÁN LỆ?

GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM

Câu hỏi trên đã được giới chuyên môn đặt ra từ lâu. Việc nó cứ bị tranh luận mãi mà chưa ngã ngũ đã là một điều đáng ngạc nhiên. Nay Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị áp dụng nguyên tắc án lệ cho công tác xét xử, nhưng Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lại không đồng tình, lại là một ngạc nhiên nữa vì câu trả lời nằm ngay ở sự không nhất trí này.

Án lệ là các quyết định xét xử của thẩm phán cho từng trường hợp tranh chấp cụ thể. Nó được hình thành ở Anh quốc vào thời kỳ các thẩm phán không có những điều luật ghi thành văn bản mà chỉ có thể dựa vào các qui tắc đạo lý, tập tục bất thành văn trong xã hội để phân xử. Phán quyết của thẩm phán có hiệu lực bắt buộc đối với những tranh chấp có các tình tiết tương tự cho thời gian sau. Án lệ có một ý nghĩa quan trọng giúp người dân dự đoán được hậu quả pháp lý đối với những hành vi trong tương lai của mình (Nhưng Luật thành văn làm điều này còn tốt hơn). Chưa cần xét đến các điều kiện để một phán quyết được coi như một án lệ cũng như một hệ thống tư pháp đặc biệt để hiểu chỉnh các án lệ, thì việc ngày nay tuyệt đại đa số các quốc gia đều có luật thành văn, khiến câu hỏi nên áp dụng nguyên tắc án lệ hay không đã trở nên không cần thiết. Hiện nay, ngay tại Anh quốc và Mỹ nguyên tắc án lệ đã dần dần nhường chỗ cho nguyên tắc kết hợp giữa án lệ và áp dụng lý giải điều luật của hệ thống Luật thành văn.

Giả sử chúng ta áp dụng nguyên tắc án lệ thì sao? Trình độ thẩm phán của ta còn thấp, tỷ lệ án sai, án oan, án phải sửa còn cao là điều ai cũng biết. Không lẽ các bản án đó sẽ là chuẩn mực án lệ cho các vụ việc trong tương lai sao? Muốn áp dụng được nguyên tắc án lệ, phải có những thẩm phán thực sự là thẩm phán.

Nhà nước pháp quyền bảo đảm và tạo điều kiện để thẩm phán làm việc chỉ theo lương tâm và các điều luật. Họ được hoàn toàn tự do trong đánh giá, nhận định và quyết định xử lý vụ việc mà không bị ràng buộc phải tuân theo bất kỳ một bản án nào trước đó. Tuy nhiên, là con người chứ không phải thánh sống, thẩm phán vẫn có thể phạm sai lầm. Vì vậy họ cần phải được giúp đỡ qua hai con đường: 1) qua các bản án cho những trường hợp tương tự để tham khảo về cách vận dụng luật giải quyết các vấn đề chung, cơ bản là giống nhau (giống án lệ); 2) qua ý kiến của giới chuyên môn, của các nhà khoa học về Luật pháp để tham khảo cách vận dụng luật phù hợp với các tình tiết thực tế khác nhau đối với mỗi trường hợp cụ thể (áp dụng luật trên cơ sở và khuôn khổ các điều luật). Trên cơ sở hai nguồn luật này, thẩm phán sẽ ra quyết định xử lý của chính mình. Đối với chúng ta, sự kết hợp giữa án lệ và vận dụng điều luật của Luật thành văn như thế cũng là một cách rất hiệu quả giúp thẩm phán nhanh chóng nâng cao trình độ của mình.

Hiện nay, kết hợp nguyên tắc án lệ và cách lý giải, vận dụng điều luật trong hệ thống Luật thành văn như nói ở trên hiện là nguyên tắc phổ biến ở đa số các nước. Tùy đặc điểm riêng của mỗi nước, người ta có thể qui định bản án của cấp Tòa án nào là bản án mang ý nghĩa định hướng cho công tác xét xử. Ở ta, có thể đó là bản án của Tòa án nhân dân tối cao.

Mục d, khoản 1, Điều 38 Qui chế của Tòa án Quốc tế qui định: „ phán quyết của Tòa án dựa trên hai nguồn luật là các quyết định của thẩm phán (tức giống như án lệ, ND) và những ý kiến được công nhận của các nhà luật học.“ Chúng ta rất nên tiếp thu kinh nghiệm quí báu này của quốc tế, nếu muốn hội nhập thành công và-như mong muốn của Tòa án Nhân dân tối cao- tạo sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế.

SOURCE: BÁO TUỔI TRẺ NGÀY 22.08.2010 (ĐÂY LÀ BẢN GỐC CÓ MỘT SỐ ĐIỂM KHÁC BIỆT SO VỚI BẢN ĐƯỢC BIÊN TẬP LẠI KHI ĐĂNG TRÊN BÁO TUỔI TRẺ)

5 Responses

  1. Tôi thỉnh thoảng vào trang này và tôi cũng không biết chính xác người sáng lập ra trang này, dù rất cảm ơn người sáng lập ra trang này vì những đóng góp cho cộng đồng những người tạm gọi là luật gia. Khi đọc bất kỳ bài viết nào, tôi không có thói quen nhìn ngay tên hay học hàm học vị của người viết bài mà chỉ đọc nội dung để biết người đó trình độ thế nào và các bình luận của tôi cũng chỉ mang tính chất chuyên môn chứ không nhằm vào bất kỳ ai. Một người đến tên cũng không rõ và với mọi người là vô danh thì cũng không có thời gian rảnh rỗi để vào khoe khoang làm gì, chỉ vì thấy trang này không phải toàn bộ nhưng đa số là các bài viết có giá trị ở mức độ nào đó nên tôi vào bình luận cho mọi thứ sáng sủa hơn.
    Riêng về vấn đề án lệ, với những điều bạn V Chính đã nêu ra như trên tôi nghĩ rằng bạn chưa hiểu nhiều về án lệ, cơ chế vận hành của án lệ, cái gì binding cái gì not binding… Những suy nghĩ đó trước đây tôi cũng đã từng có. Ngay cả việc tòa án tối cao đưa ra ý tưởng áp dụng án lệ và bị Ủy ban tư pháp của quốc hội không đồng tình và qua phát biểu của một số đại biểu, tôi cũng cho rằng họ cũng chẳng hiểu về án lệ, lỗi này thuộc tòa án tối cao đã không có những nghiên cứu, báo cáo toàn diện đầy đủ, rõ ràng, đúng nội dung và bản chất về án lệ để những người có thẩm quyền quyết định. Khi đọc những bản án có khi dài đến hàng trăm trang, với đầy đủ các lập luận viện dẫn đông tây kim cổ, qui mô và chất lượng còn tốt hơn rất nhiều các luận án tiến sĩ hay đề tài cấp nhà nước, thì bạn mới hiểu tại sao người ta áp dụng án lệ và án lệ vẫn sẽ mãi tồn tại cùng pháp luật thành văn, và hiểu tại sao tòa án tối cao Mỹ chỉ có 9 thẩm phán mà giải quyết công lý của quốc gia hơn 200 triệu dân, tại sao các thẩm phán của họ, dù ở bất kỳ nơi đâu, đều được sự kính trọng, ngưỡng mộ (chứ không phải muốn làm quen để sau này nhờ vả) của người dân, giới luật sư, chính quyền.

  2. Xin chuc mung trang ttplds. cac ban co nhung bai viet hay. Doc ttplds co the hoc hoi duoc nhieu dieu hay.

    Toi thi thay ban Thai hay co y khoe khoang hon la binh luan. Theo thien y thi mot nhuoc diem cua an le la cung nhac khong the theo kip hoat dong thuc tien chu khong bao gio nhu ban Thai noi ” án lệ là một sự bổ sung tuyệt vời cho các đạo luật chưa và mãi mãi không bao giờ hoàn thiện”. Co the vi ban Thai doc nhieu chu ko hoc nhieu nen bi tau hoa nhap ma chang?

    Vai dong cua toi chi la mot vi du cho viec neu trang cua thay Hai cu dang nhung dong chi trich, khen ngoi ca nhan ma ko lien quan gi den hoc thuat thi se lai roi vao vong luan quan khong hay nhu cac trang khac thoi.

  3. Chào thaidt. Tôi đã đọc một số comments của bạn và thấy đấy là những comments tuyệt vời. Weblog của thầy Hải được có một thành viên xuất sắc và tích cực như bạn – thật là điều đáng mừng. Hi vọng bạn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vì một cộng đồng học tập ngày càng tiến bộ. Cảm ơn bạn!

  4. Chúng ta còn thiếu rất nhiều điều kiện cơ bản cần và đủ để có thể áp dụng nguyên tắc kết hợp giữa án lệ và lý giải áp dụng điều luật của Luật thành văn. Nhưng cũng nên bắt đầu làm đi thôi. Chẳng hạn:
    1. Cho áp dụng án lệ:
    – Cần hệ thống hóa và công bố công khai toàn bộ các bản án của Tòa tối cao, nếu được thì cả của tòa phúc thẩm.
    – Trong mỗi bản án, thẩm phán phải đưa ra lập luận cụ thể của mình cho bất cứ một vấn đề nào do các bên đưa ra. Các bản án của ta hiện nay thường thiếu hẳn phần này. Nếu có cũng chỉ là, …không có căn cứ theo điều…
    2. Cho áp dụng Luật thành văn:
    – Cần có vài tờ báo, tạp chí chuyên ngành để khuyền khích các nhà luật học bình luận, nhận xét về cách áp dụng luật của các bản án.
    – Cần có các bình luận khoa học thực sự về các bộ luật.
    Ai đã từng học tập và làm việc ở nước ngoài đều có thể đồng ý là những bình luận khoa học về luật ở ta hiện nay thực sự không phải là bình luận khoa học mà chỉ đơn giản là mô tả lại các điều luật.

    Làm thế nào để có thể áp dụng nguyên tắc kết hợp là một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng và cấp bách hiện nay. Nó đòi hỏi phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng, những đề xuất ” đâu ra đó”.

  5. Đã được học về án lệ và ngâm cứu rất nhiều bản án từ nhiều hệ thống PL khác nhau, tôi thấy rằng án lệ là một sự bổ sung tuyệt vời cho các đạo luật chưa và mãi mãi không bao giờ hoàn thiện. Anh, Mỹ và nhiều quốc gia theo hệ thống common law khác ban hành rất nhiều đạo luật nhưng vẫn áp dụng song song cùng với án lệ. Còn trình độ thẩm phán thì tôi không nghĩ rằng đó là vẫn đề đáng lo vì án lệ ra đời và phát triển từ cách đây chắc cũng không ít hơn 200 năm. Vấn đề là người ta chọn lọc thẩm phán thế nào, có cho phép thẩm phán độc lập xét xử không, còn nguồn, căn cứ là pháp luật thành văn hay án lệ hay các nghiên cứu luật học… không là vấn đề lớn.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading