admin@phapluatdansu.edu.vn

KHÓ XÁC ĐỊNH CƠ QUAN PHẢI BỒI THƯỜNG TRONG TỐ TỤNG

NGUYỄN XUÂN VIỄN

Kể từ 1.1.2010, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành (Luật TNBTCNN). Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, ngày 3.3.2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TNBTCNN. Qua thời gian triển khai thực hiện và những phát sinh trên thực tế cho thấy, việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường có những vướng mắc, rất cần được hướng dẫn kịp thời và quy định cụ thể hơn, đặc biệt là về xác định trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.

Theo quy định tại các Điều 30, 31, 32, 33 của Luật TNBTCNN thì các cơ quan có liên quan trong hoạt động tố tụng hình sự (Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân) đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi có lỗi của cơ quan đó gây ra. Tuy nhiên, quy định việc xác định như trên chưa cụ thể, sẽ khó áp dụng trên thực tế đối với một số trường hợp. Cụ thể, Luật quy định: “Cơ quan điều tra và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau đây:
1. Đã ra quyết định tạm giữ người nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền đã có quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ đó vì người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;

2. Đã ra quyết định khởi tố bị can, nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền không phê chuẩn quyết định khởi tố, vì người bị khởi tố không thực hiện hành vi phạm tội.”

“Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:

1. Đã phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ của cơ quan điều tra có thẩm quyền nhưng người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;

2. Đã phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra có thẩm quyền hoặc ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

3. Toà án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;

4. Đã có quyết định truy tố bị can nhưng Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội và bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật”

Theo các quy định trên, việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường khá dễ dàng trong một số vụ việc ít phức tạp. Nhưng trong trường hợp vụ việc phức tạp thì việc xác định “ranh giới” có lỗi giữa các cơ quan tố tụng hình sự rất khó khăn. Trường hợp, giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân không đồng nhất quan điểm về vụ việc thì phải giải quyết thế nào? Nói cách khác, khi cơ quan điều tra vẫn bảo vệ những quyết định của mình, cho dù Viện kiểm sát nhân dân có quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ, hoặc không phê chuẩn quyết định khởi tố thì lúc này trách nhiệm bồi thường có phải là của cơ quan điều tra không? Cũng rất có thể ý kiến của cơ quan điều tra về vụ việc đó là đúng quy định của pháp luật; mặt khác, cũng không thể buộc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã thực hin đúng quy định phải bồi thường thiệt hại cho người có hành vi vi phạm pháp luật. Tương tự như trên thì Viện kiểm sát nhân dân cũng có thể sẽ bị “bồi thường oan” khi Tòa án nhân dân xét xử không phù hợp, chưa đúng vớái các quy định của pháp luật. Mặt khác, trong trường hợp Tòa án nhân dân “trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội” thì quy định trách nhiệm bồi thường cho Viện kiểm sát nhân dân có hợp lý không? Hay, có nên quy định trách nhiệm bồi thường cho cả cơ quan điều tra và viện kiểm sát nhân dân không, vì cả hai cơ quan đều “có lỗi” trong vụ việc đó. Thực tế, sai sót có thể sẽ diễn ra từ cơ quan điều tra, rồi đến Viện kiểm sát nhân dân. Nếu chỉ buộc Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bồi thường thì trách nhiệm của cơ quan điều tra trong vụ việc này như thế nào?

Để giải quyết được vướng mắc có thể nảy sinh như trên, cần có những quy định, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường, qua đó cũng quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động tố tụng hình sự. Nên quy định việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo hướng, mỗi cơ quan có quyền được bảo vệ quan điểm của mình trên cơ sở các quy định của pháp luật, đối với từng vụ việc cụ thể; quy định cụ thể trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường thì sẽ có một cơ quan (có mô hình như một Hội đồng phán quyết được thành lập ở các cấp) đứng ra “phán xét và quyết định” trách nhiệm của từng cơ quan, dựa trên quy định của pháp luật. Như vậy sẽ tránh được tình trạng “đùn đẩy, không thống nhất” trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, cũng nên quy định việc xác định mức độ lỗi của từng cơ quan tiến hành tố tụng trong từng giai đoạn của hoạt động tố tụng. Việc xác định mức độ lỗi để quy trách nhiệm bồi thường đối với từng cơ quan trong quá trình tố tụng là rất cần thiết. Thực tế, sai sót dẫn đến oan sai có thể không do một cơ quan gây ra, nếu chỉ buộc trách nhiệm cho một cơ quan, cụ thể như Viện kiểm sát nhân dân trong trường hợp Tòa án nhân dân “trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội” thì cũng chưa hợp lý, bởi cơ quan điều tra cũng có lỗi. Trường hợp này, việc buộc cơ quan điều tra phải có trách nhiệm liên đới trong bồi thường là phù hợp. Tùy theo tính chất, mức độ lỗi của từng cơ quan mà Hội đồng phán quyết sẽ xác định và quyết định mức bồi thường của từng cơ quan.  

Có như vậy, mới nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, công chức và cơ quan Nhà nước trong từng giai đoạn của hoạt động tố tụng, giảm bớt được các vụ việc oan sai và tạo lòng tin vững chắc trong nhân dân đối với hoạt động tố tụng hình sự.

SOURCE: BÁO NGƯỜI ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ:

http://nguoidaibieu.com.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/7/ContentID/113315/Default.aspx

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading