admin@phapluatdansu.edu.vn

PHẢI THẬT SỰ LÀ VIỆC CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM

Vedan chấp nhận bồi thường thiệt hại như mức TP. HCM, Bà rịa-Vũng tàu và Đồng Nai yêu cầu là một tin mừng. Nhưng điều đáng mừng nhất là niềm tin của người dân. Người bị thiệt hại trong vụ Vedan đã bước đầu tin rằng có thể sử dụng pháp luật để tự bảo vệ chính mình và họ không đơn độc. Niềm tin đó chắc chắn sẽ được củng cố hơn nữa thông qua qúa trình xét xử với một bản án thích đáng của Tòa án. Ngược lại, xử lý không thấu tình đạt lý việc ký kết thỏa thuận bồi thường thiệt hại (TTBTTH) ngoài con đường Tòa án với Vedan và sau đó là quá trình chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại, rất có thể sẽ làm mất đi niềm tin quí giá mà chúng ta vừa có được đó.

Người dân sẽ mất lòng tin vào khả năng tự bảo vệ mình bằng pháp luật, nếu họ không thấy đây là việc của mình, mình là chủ thể, là người có toàn quyền chủ động giải quyết chuyện bồi thường mà phải hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan Nhà nước. Khởi đầu, khi bị thiệt hại, theo thói quen, họ không đến Tòa án, hay đến thẳng Vedan, mà đến cầu cứu Hội nông dân (Hội ND) giải quyết, Hội ND xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cấp trên rồi mới nhân danh nông dân chỉ đạo họ: kiện, không kiện, thương lượng, rầm rộ khởi kiện, rồi sẽ là phong trào rút đơn kiện nữa sao? Hãy để người dân tự quyết định việc bồi thường đúng như đây là công việc của họ.

Trước hết, họ phải là người có quyền quyết định ai sẽ là người thay mặt mình ký TTBTTH. Hội ND không được pháp luật công nhận có tư cách pháp nhân, cũng không được tất cả người bị thiệt hại ký giấy ủy quyền, nên không thể đủ tư cách pháp lý ký kết TTBTTH. Chỉ Nhà nước, trong tư cách người đại diện quyền lợi chung của xã hội, của cộng đồng, mới có tư cách pháp lý ký kết Thỏa thuận BTTT với Vedan. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố là đại diện Nhà nước tại địa phương sẽ phải là người trực tiếp ký kết Thỏa thuận này. Vedan có thể muốn ký với Hội ND, để khi điều kiện cho phép, ban giám đốc mới hoặc một pháp nhân mới tiếp thu Vedan sẽ tuyên bố Thỏa thuận vô hiệu vì đối tác ký Thỏa thuận không có quyền đại diện người bị thiệt hại. Tuy nhiên, vì Hội ND không có quyền đại diện nên bất cứ người bị thiệt hại nào- dù đã nhận tiền từ TTBTTH- vẫn có quyền khởi kiện Vedan. Trong trường hợp này, ngay cả khi chính quyền không ủng hộ và Tòa án Việt nam không nhận đơn kiện thì người bị thiệt hại vẫn có quyền khởi kiện Vedan tại nước nó đăng ký pháp nhân hoặc tại nước Vedan có trụ sở chính. Vedan sẽ phải rất chú ý đến yếu tố “Của Dân” này.

Các điều kiện cụ thể của Thỏa thuận BTTH, ai là người quản lý khoản tiền do Vedan chuyển, cách thức, tiêu chuẩn và mức độ chi trả tiền bồi thường, cần phải do chính người bị thiệt hại quyết định. Cách làm như của TP. HCM và Bà rịa- Vũng tàu giúp đỡ, hiệp thương với từng hộ gia đình người bị thiệt hại để thống nhất con số thiệt hại cụ thể là cách làm rất tốt, thể hiện được sự tôn trọng đây là việc do dân. Để đảm bảo quyền quyết định của người dân, cần công bố công khai, minh bạch ngay toàn bộ nội dung chi tiết của TTBTTH trước khi ký kết. Việc có rút đơn khởi kiện hay không cũng phải do chính những người nộp đơn quyết định. Không nên lại có một „phong trào rút đơn kiện“ theo hướng dẫn của Hội ND hay chỉ đạo của cơ quan nào đó.

Vì dân phải là làm sao để người dân nhận được bồi thường thỏa đáng thiệt hại. Đây phải là mục tiêu quan trọng nhất của bất cứ một TTBTnào. Vì vậy, TTBTTH cần minh định rõ mục tiêu, ý nghĩa của khoản tiền bi thường là để chi trả trực tiếp cho những người bị thiệt hại do Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải gây ra. Chừng nào người dân chưa được bồi thường thỏa đáng, chừng đó họ vẫn phải có quyền khởi kiện đòi bồi thường. Quyền khởi kiện ở đây vì vậy không thể chỉ là quyền khởi kiện do Vedan không thực hiện nghiêm túc TTBTTH.

Vedan muốn giữ lại 50% tiền bồi thường cho đến khi không còn đơn khởi kiện là hết sức phi lý, mà thực chất là muốn ép Việt nam sử dụng các biện pháp hành chính ngăn không cho khởi kiện và rũ bỏ mọi trách nhiệm. Với 120 tỷ, trung bình mỗi hộ dân bị thiệt hại ở Đồng nai được bồi thường khoảng 20 triệu VNĐ- chưa bằng một vụ tôm của một hộ- cho hơn mười năm bị thiệt hại. Chỉ với 10 triệu VNĐ cho mỗi hộ, Vedan đã buộc họ không được khởi kiện đòi công lý. Sau tháng 01/2011, chỉ cần mỗi tháng có một người dân khởi kiện là Vedan yên tâm không phải trả nốt 50% còn lại rồi. Hãy vì dân mà ngăn không cho Vedan giở trò tháu cáy lần nữa.

Vì vậy, cần ràng buộc Vedan phải chịu trách nhiệm cho tới khi người dân nhận được tiền bồi thường trong thực tế. Vedan không thể trốn tránh trách nhiệm này nếu họ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị người dân khởi kiện tại Tòa khi khoản tiền bồi thường từ TTBTTH không tương xứng với thiệt hại thực tế. Nói một cách khác, TTBTTH không nên có qui định loại trừ quyền khởi kiện tại Tòa án của người nhận tiền bồi thường từ TT này. Có như vậy, để tránh nguy cơ lại bị khởi kiện, Vedan mới phải chú trọng thỏa thuận với chính quyền về cách thức quản lý, chi trả cụ thể ngay trong TTBTTH sao cho quản lý phí và “tiêu cực phí” là thấp nhất.

SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ

Trích dẫn từ: http://sgtt.vn/Goc-nhin/127598/Phai-that-su-la-viec-cua-dan-do-dan-va-vi-dan.html

One Response

  1. Tôi nghĩ bài học từ Vedan là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo Việt Nam. Hội nhập kinh tế đã khiến Việt Nam phải trả giá không ít. Không phải cứ xử lý là có thể xử lý được. Chúng ta phải tính đến nhiều vấn đề xung quanh nó. Xét về phương diện khách quan: Chính sách của Nhà nước luôn khuyến khích và tạo mọi thuận lợi để thu hút vốn đầu tư của nước ngoài nếu chúng ta dùng Vedan như là một tiền lệ răn đe các nhà đầu tư khác thì liệu rằng có giải quyết được bài toán khát vốn của chúng ta hiện nay, không đầu tư nơi này họ có thể đầu tư nơi khác. Nếu không phải vì luật pháp chúng ta mềm mỏng, nhân công lao động rẻ… thì chắc gì các nhà đầu tư đã hào hứng. Ngoài ra, chỉ tiêu phát triển mà các địa phương đặt ra liệu có đặt được? Cuộc sống có hàng nhiều gia đình khi mà chính họ đang làm việc cho Vedan. Về phương diện pháp lý, pháp luật của chúng ta chưa cho phép kiện tập thể, việc người dân bị thiệt hại từ đi thu thập chứng cứ kết quả số liệu có khả thi không? Cơ quan nhà nước đã vào cuộc cố gắng giúp đỡ với người dân mà còn khó khăn như vậy huống gì việc để người dân tự đi chứng minh, đồng thời thời hiệu khởi kiện. Cần phải nói thật rằng không phải cứ chế tài mạnh là có thể giải quyết được hết mọi vấn đề. Xung quanh đó còn phải có cơ chế, giải pháp đồng bộ, công cụ kinh tế… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng từng nói: xử lý Vedan thì xử lý được ngay nhưng mà còn nhiều vấn đề chúng ta phải tính đến.
    Hiện nay, Vedan đã chấp nhận bồi thường theo mức mà chúng ta yêu cầu là điều đáng mừng rồi. Không nên ngộ nhận rằng ra Tòa mới là cách để công lý lên tiếng.
    Cũng phải nói thêm rằng: Vedan làm giàu trên sức khỏe của người dân thì đó chỉ là cách làm ăn chộp giật mà thôi, không có một văn hóa kinh doanh lành mạnh. Dần dần khi mà thói quen tiêu dùng của người Việt Nam thay đổi, các công ty nào nếu gây ô nhiễm thì tự khắc sản phẩm của họ dù tốt đến đâu cũng sẽ bị người dân bài trừ như Hoa Kỳ và một số nước hiện nay đang làm.
    Nói chung, để có thể phát triển bền vững chúng ta sẽ còn cần phải trả giá và đút kết kinh nghiệm nhiều.

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading