admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN TỐ TỤNG: TÒA KHỔ VÓI ĐƯƠNG SỰ “TƯNG TƯNG”

HOÀNG YẾN

Trong thực tiễn xử án dân sự có một chuyện làm ngành tòa án nhức đầu. Đó là trường hợp một bên đương sự có dấu hiệu bị tâm thần, tòa quyết định trưng cầu giám định thì người nhà của đương sự bất hợp tác. Tòa chào thua, quyền lợi chính đáng của các đương sự khác trong vụ án cũng bị ảnh hưởng.

TAND một huyện ở TP.HCM đang thụ lý một vụ tranh chấp thừa kế. Trong vụ này có ông Y. là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau khi niêm yết lịch xét xử, tòa mới được công an thông báo là ông Y. bị bệnh tâm thần. Gia đình ông và hàng xóm cũng xác nhận điều này.

Tòa gấp, đương sự cứ đủng đỉnh

Tòa đã yêu cầu gia đình ông Y. đưa ông đi giám định pháp y về tâm thần để tòa có căn cứ tuyên ông mất năng lực hành vi dân sự rồi cử người giám hộ.

Thế nhưng không muốn liên quan gì đến vụ tranh chấp, gia đình ông Y. đã bỏ mặc luôn. Tòa càng thúc giục họ bao nhiêu thì họ càng đủng đa đủng đỉnh bấy nhiêu. Họ viện ra đủ thứ lý do này, lý do kia để không đưa ông Y. đi giám định khiến việc giải quyết án của tòa bị ách lại cho đến nay.

Ở một vụ khác, hơn 20 năm qua, ông P. đã không thể ly hôn với người vợ mắc bệnh tâm thần. Số là ông kết hôn năm 1987, ba năm sau thì vợ chồng ông có một bé gái. Con vừa thôi nôi cũng là lúc người vợ lên cơn, bỏ nhà đi, sau đó được bên ngoại đưa về nuôi dưỡng, chữa trị.

Năm 1998, ông P. nộp đơn ra tòa xin ly hôn với lý do vợ bị bệnh tâm thần, hay nói ông lăng nhăng rồi tự tử, phá phách, chửi bới, đánh đập con cái… Tuy nhiên, tòa không chấp nhận, cho rằng người vợ chỉ bị sốc về tình cảm dẫn đến ảnh hưởng đến tinh thần chứ không phải mắc bệnh.

Bao năm có vợ cũng như không, đến nay để có thể ly hôn, ông P. làm đơn yêu cầu tòa tuyên bố người vợ mất năng lực hành vi dân sự. Ông P. biết chính xác rằng vợ đang được người nhà đưa đi chữa trị tại bệnh viện tâm thần (có xác nhận của công an). Nhưng khi tòa mời gia đình vợ ông P. đến để phối hợp giải quyết thì hết người này đến người khác đều không xuất hiện. Quyết định trưng cầu giám định yêu cầu người nhà đưa bà vợ đi giám định cũng không có hồi âm.

Thế là một khi chưa có kết quả của giám định pháp y về tâm thần, dĩ nhiên yêu cầu của ông P. vẫn không được tòa giải quyết.

Luật bỏ ngỏ, tòa lúng túng

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp đang gặp vướng mắc tương tự. Không chỉ khiến việc giải quyết án của tòa bị ách lại, chuyện này còn làm quyền lợi hợp pháp của các đương sự khác trong vụ án bị ảnh hưởng.

Các lý do mà gia đình của người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần đưa ra để lý giải cho việc không hợp tác với tòa rất đa dạng như nghèo khó, đường xa, bận rộn, bị người bệnh chống trả… Ngoài ra có nhà còn nói thẳng là họ không muốn dây dưa gì đến vụ kiện.

Nếu thân nhân của người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần không hợp tác, tòa không thể cưỡng chế đưa đương sự đi giám định bởi luật không quy định. Mà nếu không có kết quả giám định về tâm thần để cử người giám hộ cho đương sự bị bệnh tâm thần thì tòa không thể xử bởi có xử cũng sẽ vi phạm tố tụng hoặc bị tòa cấp trên hủy án.

Cạnh đó, tòa cũng không có cơ sở để bắt buộc người có dấu hiệu bệnh tâm thần phải tuân thủ quy trình tố tụng thông thường như đối với người bình thường. Còn gia đình của người bệnh lại không phải là chủ thể tố tụng nên không thể buộc họ phải chấp hành quyết định của tòa.

Cứ xét xử bình thường

Theo luật sư Nguyễn Thế Hữu Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM), TAND Tối cao có thể hướng dẫn trong trường hợp này vẫn xem người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần là người bình thường vì chưa có kết luận của cơ quan hữu quan thì họ vẫn có khả năng tham gia tố tụng. Tòa cứ tiến hành theo đúng thủ tục và xét xử vắng mặt nếu đương sự không đến tòa. Nếu gia đình người bệnh không đồng ý, cho rằng tòa xử vắng mặt sẽ bất lợi cho người bệnh thì họ sẽ phải chấp hành yêu cầu giám định để có cơ sở đứng ra giám hộ, bảo vệ quyền lợi cho người bệnh. Như vậy, tòa có thể giải quyết vụ án thuận lợi mà không bị bế tắc vì chuyện gia đình đương sự thiếu hợp tác.

Cho tòa quyền cưỡng chế

Việc giám định tâm thần là một công việc đòi hỏi chuyên môn cao và rất phức tạp. Để có được những bản án khách quan, công bằng, cần bổ sung thêm điều luật cho phép tòa tổ chức cưỡng chế buộc đương sự có dấu hiệu tâm thần đi giám định pháp y nếu họ và người nhà không hợp tác. Bởi lẽ Bộ luật Tố tụng dân sự hiện nay cũng đã có những điều luật cưỡng chế cả người làm chứng đến phiên tòa nếu họ không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử. Như vậy vẫn có thể áp dụng đối với đương sự trong trường hợp cần thiết này.

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật – Hội Luật gia Việt Nam

Cần sớm có hướng dẫn

Khi giải quyết vụ việc dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự không cho phép tòa được cưỡng chế để giám định đối với những người có dấu hiệu tâm thần. Vì vậy khi thực tế phát sinh vướng mắc thì chưa có hướng tháo gỡ. Những trường hợp như thế này không hề hiếm và luật chưa tiên liệu được hết nên TAND Tối cao cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để khắc phục trong khi chờ sửa đổi, bổ sung luật.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20100809100054693p0c1063/toa-kho-voi-duong-su-tung-tung.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading