admin@phapluatdansu.edu.vn

THỰC TIỄN TỐ TỤNG: KHỔ VÌ … TÒA THI ĐUA

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO PLTPHCM

Thực trạng ngành tòa án “ngại” thụ lý đơn kiện trong cuối mùa thi đua vì sợ mất thành tích vừa vi phạm tố tụng vừa ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự. Làm sao để chấn chỉnh được việc này?

Cho mượn tiền, đòi hoài mà người vay không trả, giữa tháng 7 vừa qua, bà N. đến tòa án một quận ở TP.HCM nộp đơn kiện đòi nợ. Cán bộ tòa nhận đơn cùng một số tài liệu, chứng cứ của bà rồi hẹn ngày bà quay lại làm việc.

Nhận đơn, không thụ lý

Đến ngày hẹn, bà N. tới tòa. Thay vì thông báo đóng tạm ứng án phí để thụ lý hay yêu cầu bổ sung chứng cứ như thông thường, cán bộ tòa lại nói bà cứ về đi, đến đầu tháng 10 quay lại.

Bà N. thắc mắc thì vị cán bộ tòa giải thích là tòa đang bận tổng kết cuối năm, công việc rất nhiều, không thể thụ lý và giải quyết kịp vụ kiện của bà. Nghe lời hứa: “Chị cứ yên tâm, đơn đã nằm đây rồi, đầu tháng 10 chị quay lại, chúng tôi sẽ thụ lý ngay”, bà N. cũng đành ra về dù trong lòng không thoải mái lắm.

Tương tự, tranh chấp di sản thừa kế, cuối tháng 7, ông K. cũng ra tòa án một quận nộp đơn kiện. Lúc đầu, cán bộ tòa nhận đơn rồi yêu cầu ông về bổ sung thêm một số chứng cứ. Ông bổ sung đầy đủ theo yêu cầu nhưng tòa vẫn không thụ lý, động viên ông chờ qua tháng 10 với lý do đang tập trung tổng kết cuối năm, “làm không xuể”.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương (Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre) kể, vừa qua ông cũng có ba vụ kiện bị tòa trì hoãn thụ lý với những lý do khác nhau. Theo luật sư Lương, dù luật quy định người dân có quyền khiếu nại nhưng hầu như ai cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt vì ngại chuốc lấy bất lợi lúc gõ cửa tòa”.

Sợ án quá hạn

Những trường hợp như trên xảy ra khá phổ biến trong thời điểm các tháng 7, 8, 9 hằng năm. Đây cũng là thời điểm các tòa đang bận rộn lo thống kê, tổng kết thi đua cuối năm để báo cáo cấp trên. Tuy nhiên, không phải vì quá bận rộn mà các tòa không thụ lý nổi đơn kiện của đương sự. Lý do thật của chuyện này lại là do các tòa sợ ảnh hưởng đến thành tích thi đua.

Theo quy định ngành, cơ sở quan trọng nhất để tòa cấp trên đánh giá hiệu quả hoạt động trong năm của tòa cấp dưới chính là tỉ lệ phần trăm án đã giải quyết trên tổng số án thụ lý. Con số án chưa giải quyết càng cao thì đơn vị càng bị đánh giá thấp, thành tích giảm.

Trong khi đó, thực tế giải quyết một vụ án dân sự, nhanh lắm cũng phải mất cả nửa năm. Nếu các tòa vào sổ thụ lý đơn kiện của đương sự từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 (hết năm thi đua) mà không giải quyết kịp thì vụ kiện sẽ bị liệt vào dạng án tồn qua năm mới.

Vì thế, không có gì khó hiểu khi các tòa rất “ngại” thụ lý án dân sự trong thời điểm này và thường động viên, thuyết phục đương sự chờ đến tháng 10 (bắt đầu một năm thi đua mới).

Phạm luật, ảnh hưởng đến đương sự

Theo Điều 167 Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại tòa hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn kiện, tòa phải xem xét, ra một trong các quyết định: Thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, chuyển đơn khởi kiện cho tòa có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa khác, trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Như vậy, việc các tòa nhận đơn kiện nhưng không ra quyết định mà “ngâm” đó cho đến đầu năm thi đua mới rõ ràng đã vi phạm tố tụng. Chưa kể, thực trạng này còn ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự. Đã có không ít trường hợp vì tòa chậm thụ lý mà người bị kiện có thời gian tẩu tán tài sản. Hoặc có những vụ do chậm thụ lý nên người bị kiện có toàn quyền xuất cảnh ra nước ngoài, khiến người đi kiện chỉ biết khóc ròng.

Khắc phục sao?

Theo nhiều chuyên gia, hơn ai hết, tòa phải thực thi đúng pháp luật. Việc thi đua cùng với những quy chế của nó là chuyện nội bộ của ngành tòa án. Để chuyện nội bộ gây ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của ngành là chuyện cần phải chấn chỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó Chánh án TAND huyện Phước Long (Bình Phước), thẳng thắn đặt vấn đề: “Ngành tòa án đừng đặt nặng chuyện khen thưởng”! Theo bà, việc khen thưởng của ngành hiện còn mang tính hình thức nhiều, làm cho các tòa luôn có tâm lý “thích được khen”, dẫn đến chuyện “lách luật” mỗi khi sắp đến đợt thi đua. “Chúng ta hãy rút bớt những danh hiệu, bằng khen lại để bản thân chuyện khen cũng phải thực chất như công việc hằng ngày. Không đặt nặng chuyện khen thưởng sẽ khiến việc xử án đi vào thực chất hơn”.

Theo một thẩm phán TAND Tối cao, cách khắc phục tốt nhất cho tình trạng này là TAND Tối cao phải bổ sung thêm những chỉ tiêu khác ngoài cách tính thi đua như hiện nay. Cụ thể ngành tòa án nên quy định thêm coi việc thụ lý vụ án đúng, nhanh và phục vụ nhân dân tốt hay không… cũng là yếu tố để thi đua. Ví dụ hằng quý, hàng tháng tổng kết một lần xem tòa này, tòa kia đã thụ lý được bao nhiêu, giải quyết được bao nhiêu, còn bao nhiêu trường hợp đáng phải thụ lý thì từ chối… Nếu tính các chỉ tiêu này ngang bằng với chuyện giải quyết được bao nhiêu án thì các tòa sẽ tự nhiên điều chỉnh, không còn tâm lý phải “né thụ lý cuối mùa thi đua” nữa.

VKS nên kiến nghị?

Luật sư Nguyễn Thanh Lương đề xuất trong các trường hợp này, ngành kiểm sát cần phải lên tiếng kiến nghị. Sự có mặt của VKS chắc chắn sẽ thúc đẩy các tòa thực thi pháp luật nghiêm túc hơn để đảm bảo quyền khởi kiện của người dân.

Trái luật

Đành rằng thi đua là công tác quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cấp tòa nhưng rõ ràng việc chạy theo bệnh thành tích mà kéo dài thời gian thụ lý án dân sự như trên là trái luật.

Luật sư LỮ BẠCH LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Hình thức

Công tác tổng kết, đánh giá thi đua của ngành tòa án còn mang tính hình thức, không sát với thực tế. Khi tòa tối cao nhận được con số vụ án mà tòa địa phương chuyển lên để xem xét đánh giá thì thực tế lúc đó con số ở tòa địa phương đã hoàn toàn khác. Việc tìm cách không thụ lý đơn của tòa địa phương lại càng thể hiện thực chất công tác thi đua chỉ mang tính hình thức.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM

Phải vì dân

Tòa có quyền từ chối nhận đơn, thụ lý đơn của người dân nhưng phải có lý do và trả lời bằng văn bản để người dân biết và có bằng chứng để khiếu nại. Tôi không bàn đến công tác thi đua của ngành tòa án nhưng thi đua gì cũng không nên để anh hưởng đến quyền lợi của người dân. Quyền khởi kiện của người dân được pháp luật công nhận và đảm bảo. Người thực thi pháp luật từ chối quyền này thì phải có lý do chính đáng.

Luật sư CỔ HIỆP, Đoàn luật sư TP.HCM

Nên khiếu nại

Gặp những trường hợp như trên, đương sự cần yêu cầu tòa án có văn bản trả lời rõ lý do từ chối nhận đơn, đối với những trường hợp đã nhận đơn kiện nhưng không hướng dẫn đương sự đóng tạm ứng án phí để thụ lý vụ án thì đương sự cần khiếu nại đến chánh án giải quyết.

Luật sư LƯƠNG KHẢI ÂN, Đoàn Luật sư TP.HCM

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/2010081312025462p0c1063/kho-vi-toa-thi-dua.htm

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading