admin@phapluatdansu.edu.vn

KHÔNG NÊN BỎ KHIẾU NẠI HÀNH CHÍNH

GS.TS. NGUYỄN VÂN NAM

Nếu Quốc hội thông qua dự án luật tố tụng hành chính, cho phép tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể khởi kiện ra toà ngay, thì quy định mới này không phải là lựa chọn tốt nhất.

Nếu Quốc hội thông qua dự án luật tố tụng hành chính, cho phép tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính (HC) có thể khởi kiện ra toà ngay mà không cần phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trước khi khởi kiện, với mục đích là “mở rộng quyền khởi kiện vụ án HC, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước” (bà Lê Thị Thu Ba, chủ nhiệm uỷ ban Tư pháp của Quốc hội), thì chắc chắn quy định mới này không phải là lựa chọn tốt nhất. Nó vừa không thích hợp để đạt được mục đích, vừa gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực mà đặc biệt là sẽ cản trở sự hoạt động trôi chảy của bộ máy nhà nước (NN).

Dưới góc nhìn thuần tuý pháp lý, việc khởi kiện không cần qua khiếu nại hành chính vi phạm ít nhất là hai nguyên tắc căn bản

Ở đâu cũng vậy, chỉ khi có tranh chấp, mới cần toà án. Các quyết định, hành vi HC trước hết là ý chí chủ quan một chiều của cơ quan HC. Đối tượng của quyết định, hành vi HC (tổ chức, cá nhân) có quyền thể hiện ý chí, quan điểm của mình đối với hoạt động này của cơ quan HC. Nếu đồng ý, họ sẽ tuân thủ quyết định, hành vi HC. Khi không đồng tình, họ có quyền nêu ý kiến của mình – dưới hình thức khiếu nại – để cơ quan HC xem xét. Ở đây, cũng như trong bất cứ một quan hệ ràng buộc trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia nào, cơ quan HC có quyền và phải được tạo điều kiện sửa chữa sai lầm (nếu có) trong quyết định của mình, một quyết định vốn được hình thành khi chưa chú ý đến ý chí, quan điểm và hoàn cảnh cụ thể của đối tượng phải thực hiện quyết định. Ở giai đoạn này, chưa có tranh chấp, bất đồng ý kiến giữa hai bên, nên toà án không thể tham gia. Chỉ sau khi cơ quan HC bác bỏ khiếu nại, tức là đã xuất hiện tranh chấp giữa hai bên, mới có thể yêu cầu toà HC giải quyết.

Thêm vào đó, cơ quan công quyền trong NN pháp quyền phải tuân thủ nguyên tắc tự ràng buộc trách nhiệm và hoạt động của mình trong khuôn khổ pháp luật. Nghĩa là họ phải có trách nhiệm chủ động kiểm tra, sửa chữa các quyết định, hành vi hoạt động nào của mình không phù hợp pháp luật. Cho phép kiện mà không qua khiếu nại là lấy mất của cơ quan HC cơ hội tự kiểm tra, sửa chữa sai sót đó.

Quy định chung phải khiếu nại trước khi khởi kiện HC như hiện nay là đúng đắn, hợp lý và phù hợp với kinh nghiệm qun lý NN pháp quyền ở các nước tiên tiến. Điều chúng ta còn thiếu là những quy định về ngoại lệ cho phép tổ chức, cá nhân khởi kiện HC ngay mà không cần phải qua khiếu nại. Đó có thể là những trường hợp như: a) việc thực hiện quyết định, hành vi HC sẽ gây tổn thất không thể bù đắp cho đối tượng, nếu sau đó xác định chúng là sai trái; b) quyết định, hành vi HC sẽ tác động đến một số lớn đối tượng, có ảnh hưởng đến xã hội; c) việc xem xét tính đúng đắn, hợp pháp của quyết định, hành vi HC đó có một ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống pháp luật và d) cho phép toà HC tối cao quyết định thụ lý vụ án HC nào không cần phải qua khiếu nại hoặc trình tự từ cấp sơ thẩm.

Khởi kiện hành chính không qua khiếu nại trước sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ tiêu cực

Đối với cơ quan hành chính:

– Bị mất một điều kiện rất quan trọng để tự ràng buộc hoạt động của mình trong khuôn khổ pháp luật. Do trách nhiệm tự kiểm tra tính đúng đắn, hợp pháp đối với những quyết định của cơ quan ra quyết định thực tế không còn là chuyện nội bộ, của cấp trên đối với cấp dưới mà được chuyển sang toà án, nên tinh thần chịu trách nhiệm của công chức sẽ giảm với hậu quả là ngày càng có nhiều quyết định, hành vi quản lý được ban hành một cách dễ dãi hơn.

– Việc mất quyền giải quyết khiếu nại đối với cấp ban hành quyết định, hành vi HC, cũng sẽ làm quyền kiểm tra, giám sát của cấp trên đối với cấp dưới trong hệ thống cơ quan HC bị xói mòn nghiêm trọng với những hậu quả khó lường.

– Giải quyết vụ việc HC tại toà vốn đã làm cơ quan HC tốn rất nhiều thời gian, nhân lực, thì nay sẽ trở thành gánh nặng tài chính nhân sự thực sự, một áp lực tinh thần lớn – lớn hơn rất nhiều do ngày càng có nhiều đơn kiện hành vi, quyết định HC dễ dãi.

Đối với toà hành chính:

– Thực tế, rất nhiều quyết định, hành vi HC đã được thay đổi phù hợp sau khi cơ quan HC xem xét đơn khiếu nại. Khi không còn được giải quyết khiếu nại, cơ quan HC trên thực tế đã phải trao quyền chủ động kiểm tra, thay đổi hoạt động quản lý của mình cho phù hợp với phản hồi từ thực tiễn sang toà HC, dù không có tranh chấp. Đây là sự can thiệp không hợp pháp của tư pháp vào hành pháp.

– Xét xử vụ việc HC vốn đã không dễ dàng. Nước ta chỉ mới làm quen với việc xét xử hoạt động của cơ quan công quyền, nên còn rất ít kinh nghiệm. Thêm vào đó, xét xử vụ việc HC mà chưa có toà hiến pháp thì còn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều lần. Hệ thống toà HC của ta rất yếu, chắc chắn không thể giải quyết kịp thời hàng núi đơn khởi kiện. Quá tải, thậm chí tắc nghẽn hoạt động của toà HC là hiện thực rất gần.

– Với luật tố tụng HC mới, sự vận hành của bộ máy HC sẽ phụ thuộc trực tiếp vào hiệu quả xử lý đơn kiện HC. Sự quá tải, ách tắc – không thể tránh khỏi – tại toà HC sẽ là một trở ngại lớn cho hoạt động của cơ quan HC. Sẽ rất khó khăn để bảo đảm được sự hoạt động trôi chảy của bộ máy NN.

Đối với tổ chức, cá nhân:

Điều quan trọng là, việc khởi kiện HC có tạm thời vô hiệu hoá hiệu lực thi hành quyết định, hành vi HC hay không? Nếu có, thì hoạt động quản lý HC sẽ không thể thực hiện được trước khi có quyết định với hiệu lực thi hành của toà án. Và nó sẽ bị lạm dụng tối đa khiến NN trở thành bất lực. Nếu không, thì tổ chức, cá nhân (người dân) cũng sẽ chẳng được lợi gì vì còn phải chờ rất lâu hơn trước để có quyết định của toà, trong khi đã phải thực hiện quyết định, hành vi HC.

Với việc cho phép khởi kiện mà không cần khiếu nại HC trước, chúng ta lại khuyến khích ra toà để hiệu chỉnh, sửa đổi một quyết định, hành vi HC chưa có tranh chấp. Điều đó đi ngược lại nguyên tắc xây dựng và bảo đảm hoạt động trôi chảy, hiệu quả của bộ máy NN sao cho nó luôn có thể tự khắc phục sai sót, cải tiến hoạt động để càng ngày càng ít bị ra toà vì tranh chấp hơn.

Liên quan đến việc khởi kiện HC, để đáp ứng nhu cầu bức thiết, những bức xúc của người dân đối với việc giải quyết hết sức chậm trễ khiếu nại HC hiện nay, chúng ta nên:

– Giữ quy định chung về điều kiện khởi kiện HC là phải khiếu nại trước. Bổ sung ngay quy định cho những trường hợp ngoại lệ có thể khởi kiện mà không cần khiếu nại.

– Bổ sung các quy định nhằm bảo đảm giải quyết nhanh, có chất lượng đơn khiếu nại HC. Nên quy định các quyết định, thông báo hành vi HC phải kèm theo hướng dẫn thủ tục làm đơn khiếu nại như nơi, thời hạn khiếu nại và hậu quả nếu không khiếu nại. Quy định rõ sau một thời hạn nhất định mà cơ quan HC không trả lời khiếu nại thì người dân có quyền khởi kiện ngay.

– Mở rộng quyền khởi kiện: quy định chung cho phép tổ chức, cá nhân khởi kiện mọi quyết định, hành vi HC của NN trừ một số ngoại lệ. Cho phép không chỉ tổ chức, cá nhân trực tiếp là đối tượng của quyết định, hành vi HC, mà cả bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi quyết định, hành vi HC, cũng có quyền khởi kiện.

Những vấn đề ta đang gặp phải trong hoạt động HC, quản lý NN trên con đường xây dựng một NN pháp quyền, cũng chính là những vấn đề mà các NN pháp quyền tiên tiến khác đã gặp và giải quyết thành công từ rất lâu rồi. Sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn không thể là làm ngược lại những nguyên tắc và kinh nghiệm có tính phổ quát. Cho phép khởi kiện mà không cần khiếu nại trước, là biến cái ngoại lệ thành cái phổ biến, đi ngược lại kinh nghiệm quốc tế.

SOURCE: BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ

Trích dẫn từ: http://sgtt.vn/Goc-nhin/126942/Khong-nen-bo-khieu-nai-hanh-chinh.html

12 Responses

  1. Tôi không tán thành quan điểm của tác giả Nguyễn Vân Nam ở một số điểm sau:
    “1. Chỉ sau khi cơ quan HC bác bỏ khiếu nại, tức là đã xuất hiện tranh chấp giữa hai bên, mới có thể yêu cầu toà HC giải quyết”.
    – Không thể coi là tranh chấp chỉ xuất hiện khi cơ quan hành chính bác bỏ khiếu nại.
    – Tranh chấp phát sinh khi một trong hai hoặc nhiều bên không đồng ý với ý kiến của người khác, nhất là khi xâm phạm đến quyền lợi ích của mình.
    – VD: Nếu cơ quan hành chính khi tiến hành cưỡng chế, thu hồi nhà đất của ông lúc đó đã phát sinh tranh chấp rồi. Chờ được giải quyết khiếu nại thì “chưa được vạ thì má đã sưng”.
    “2. Cho phép kiện mà không qua khiếu nại là lấy mất của cơ quan HC cơ hội tự kiểm tra, sửa chữa sai sót đó”.
    – Đồng ý với tác giả là cơ quan HC nên có cơ hội kiểm tra, sửa chữa sai sót nhưng không thể ảnh hưởng đến lợi ích của người dân được. Cơ quan HC nên kiểm tra rà soát kỹ để không có sai sót trước khi ra quyết định hành chính hành vi hành chính. Còn khi đã có quyết định hoặc hành vi rồi thì phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.
    – VD: Nhà ông bị cưỡng chế rồi sau mới được phục hồi lại thì thiệt hại về vật chất và tinh thần ai có lượng hóa để đòi bồi thường được không.
    – Một nhà nước pháp quyền không bao h có chuyện cơ quan hành chính giải quyết tranh chấp dân sự (đất đai…)
    rồi Thanh tra HC đi giải quyết khiếu nại cả rồi sau khi giải quyết mới đưa ra tòa. Bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật từ bất kể công dân, tổ chức, nhà nước, tổng thống, … đều có thể kiện ra tòa. Cứ theo luật mà xử, ai sai người đấy chịu án phí và phải bồi thường.
    “3. Đây là sự can thiệp không hợp pháp của tư pháp vào hành pháp”: ông GS.TS nên nhớ rằng nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa khác với tam quyền phân lập nhé. Hiến pháp thể hiện rõ đấy, mời ông đọc.
    “4.Sự quá tải, ách tắc – không thể tránh khỏi – tại toà HC sẽ là một trở ngại lớn cho hoạt động của cơ quan HC”. Ông GS. TS nên nhớ có rất nhiều cách để giảm ách tắc cho Tòa, cho cơ quan hành chính VD: Trọng tài, tài phán HC….
    “5. Việc khởi kiện HC có tạm thời vô hiệu hoá hiệu lực thi hành quyết định, hành vi HC hay không”. Trong trường hợp cần thì tòa có thể tạm thời vô hiệu nhưng phải chịu trách nhiệm về phán quyết của mình.
    “6. Nguyên tắc xây dựng và bảo đảm hoạt động trôi chảy, hiệu quả của bộ máy NN” Không thể bao biện cho rằng vì việc trôi chảy mà muốn làm gì thì làm. Không thể khách quan được khi cấp giải quyết lần đầu lại chính là nơi ra quyết định. Ông GS.TS thử thống kê cho tôi và bạn đọc xem đã có bao nhiêu vụ không đồng thuận giữa chủ tịch huyện và Chánh thanh tra huyện; chủ tịch tỉnh và Chánh thanh tra tỉnh, Chính phủ thì thôi không nói, trên cả nước kể từ khi Luật KNTC được thực hiện. Hay những vụ không đồng thuận chủ yếu chỉ diễn ra ở UBND huyện và Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh và Thanh tra chính phủ.
    Chân lý, Công lý và lẽ phải cuối cùng cũng sẽ đến với tất cả mọi công dân Việt Nam.

  2. Luật của Úc đang phát triển thì là từ góc nhìn của Châu Âu lục địa thôi, còn đối với VN ta thì chắc cũng mấy thế kỷ nữa mới theo kịp. Người ta còn có câu chuyện rằng khi nước Úc khi bắt đầu được tách rời và độc lập có nghị viện riêng, việc đó đến tai các Lords ở Anh và các Lords đấy cầm ba tong cười sằng sặc mà rằng: hay thật, bọn tù nhân cũng biết làm luật cho nhau. Chỉ 1 thời gian sau, chính mẫu quốc của Úc cũng phải ngạc nhiên vì các tù nhân của mình với đủ các chỉ số về sự phát triển, hài hòa xã hội…
    Chúng ta đi ra nước ngoài từ xứ Annamit này thấy bóng điện tưởng là đèn treo ngược cũng là bình thường, quan trọng là tiếp thu học hỏi được gì, có phù hợp với điều kiện mình không và có thúc đẩy văn minh, tiến bộ cho đất nước không. Theo tôi tốt nhất cứ học theo Campuchia, nước đó đang có phong trào làm luật theo cách, dịch 1 đạo luật nước ngoài, đẽo gọt sửa sang tí cho phù hợp với văn hóa và trình Qh thông qua, áp dụng luôn, vừa đỡ chi phí, vừa đỡ tranh luận dài dòng.

  3. Tôi vẫn nghe bạn bè dạy luật ở Đức rất hay diễu luật của Pháp, coi luật của Úc vẫn ở trong tình trạng đang phát triển v…v. Nhưng tôi nghĩ những chuyện nói như vậy ta chẳng nên để tâm, chẳng nên coi là trọng. Vì nước nào mà chẳng có chuyện diễu như vậy. Có điều, lấy nhưng cái đó để luận thành nghiêm túc thì không nên chút nào.

    Người Việt ta hình như có thói quen cái gì của ta cũng là nhất. Ta đi học ở nước nào, thì nước đó cũng phải là nhất thiên hạ. Nếu điều đó đúng thì nó đúng là cản trở lớn trên con đường tiếp thu kiến thức đấy.

  4. Tôi đã từng được biết về luật của Pháp, Đức trong các lĩnh vực khác và nay tôi lại biết thêm về luật hành chính của Đức. Theo những gì Dr Nguyen trình bày, tôi thấy luật Đức cũng chặt chẽ và hiệu quả đấy (tuy rằng chưa được giải thích 02 options đó người bị phạt có được lựa chọn không). Ngoài ra, tôi cũng được dư luận nói rằng luật của Pháp, Đức và các nước thuộc hệ luật lục địa cũ rất thủ cựu, nặng nề và quan liêu. Tôi xin cung cấp 01 ví dụ nhỏ vô tình vừa đọc của 01 bạn đọc khác trong 1 trang web để có thông tin độc lập về pháp luật ở 1 quốc gia mà tôi cho rằng pháp luật cũng như cơ chế vận hành rất đơn giản, hiệu quả và cởi mở với người dân.

    “Đề nghị anh CSSS đi kiện đi

    Tôi thấy lạ đời ở nước ta là quyết định của chủ tịch TP có thể bị kiện, nhưng hình như chưa bao giờ có ai kiện quyết định của CSGT ra tòa. Đúng ra chuyện này phải là bình thường. Tôi từng bị phạt ở Úc, in đằng sau tờ giấy phạt của họ là hướng dẫn nộp tiền phạt nếu tôi đồng ý và hướng dẫn … cách kiện ở tòa án quận nếu tôi không đồng ý (đơn giản lắm, chỉ cần đánh dấu vào ô không đồng ý in sẵn trên tờ giấy). Nghe bà con kể thì tòa án quận xử mấy chuyện này bình thường nhanh lẹ và CSGT có thua cũng là bình thường (vì những người xung quanh làm chứng là CSGT sai).

    Văn minh một chút, gọi là thời đại cách mạng thông tin thì chính quyền của chúng ta cũng nên bắt chước như vậy. Phạt là quyền của CSGT, phản đối là quyền của người dân, bên CSGT có phương tiện thực hiện quyền của CSGT (quyền giữ giấy tờ, giữ xe vi phạm) thì bên người bị phạt cũng phải có phương tiện phản đối chứ.

    Phuong”
    http://www.vnexpress.net/Comment/2010/07/3BA3D184/?p=1

  5. 1.Nền Hành chính của CHLB Đức vốn rất nổi tiếng thế giới vì sự hiệu quả, ổn định của nó. Bản chất của một nền quản lý hành chính Nhà nước tốt qua phương châm nổi tiếng „ Chế độ sụp đổ, Hành chính mãi còn“ chính là dịch nghĩa từ tiếng Đức „Verfassung geht, Verwaltung besteht“

    Xin giới thiệu với các bạn trình tự giải quyết quyết định xử phạt của cơ quan HC tại CHLB Đức, như một ví dụ:

    Trong vòng 02 tuần kể từ khi nhận được quyết định nộp phạt của cơ quan HC, người vi phạm có quyền gửi khiếu nại phản đối đến cơ quan HC (theo mẫu kèm theo quyết định) mà không cần phải giải thích lý do tại sao:
    • Nếu khiếu nại không hợp lệ (như quá thời hiệu chẳng hạn), cơ quan HC quyết định không chấp nhận. Người vi phạm có quyền trong vòng 02 tuần kể từ khi nhận được quyết định này của cơ quan HC yêu cầu tòa án bác bỏ nó.
    • Nếu cơ quan HC thấy khiếu nại hợp lệ thì:
    + Tiếp tục điều tra, nếu thấy khiếu nại là đúng thì rút lại quyết định xử phạt.
    + Nếu thấy khiếu nại hợp lệ nhưng không đúng thì cơ quan HC phải chuyển toàn bộ hồ sơ qua Viện Công Tố và Tòa án.

    Nếu Viện Công tố không muốn rút lại quyết định cũng chẳng muốn điều tra tiếp tục thì cơ quan này chính thức khởi kiện và trình hồ sơ cho thẩm phán.

    Trình tự giải quyết tại Tòa
    • Trình tự giải quyết nhanh bằng văn bản: nếu Tòa cho rằng không cần thiết phải mở phiên xét xử công khai và bị đơn (người vi phạm) không phản đối. Tòa sẽ ra quyết định mà không cần mở phiên xử. Nếu bị đơn phản đối quyết định này thì Tòa sẽ mở phiên xét xử công khai với sự có mặt của các bên.
    • Trình tự xét xử công khai tại tòa:Nếu tòa thấy cần thiết hoặc khi người vi phạm phản đối quyết định của Tòa ở trình tự giải quyết bằng văn bản.

    Ta có thể thấy, người Đức cố gắng tận dụng hết mọi khả năng để giải quyết vụ việc HC bằng con đường khiếu nại ngoài Tòa án. Giải quyết chính thức bởi một phiên xử tại Tòa chỉ là một cách giải quyết cuối cùng khi không còn lựa chọn nào nữa.

    2. Chướng ngại vật trên con đường tiếp cận công lý không phải là thủ tục khiếu nại HC mà chính là sự giới hạn các lĩnh vực, hành vi HC mà người dân được khởi kiện. Khiếu nại HC-nếu được tổ chức hợp lý và được luật hóa đúng đắn- chính là cách tốt nhất để giải quyết nhanh nhất những bức xúc, bất bình của người dân đối với những hành vi HC có vấn đề.

  6. Chào mọi người. Để có thêm thông tin, cũng như tài liệu để tiện cho việc trao đổi. Tôi xin được public một số giải trình của Tòa án nhân dân tối cao. Hi vọng một phần nào đó có thể giúp cho mọi người có cách nhìn toàn diện từ các khía cạnh thực tế, lẫn lập pháp đối với Dự thảo Luật TTHC:
    + Mục 2, phần II Bản thuyết minh chi tiết về dự thảo Luật tố tụng hình chính số 47/BC-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 24 tháng 5 năm 2010:
    Đa số các thành viên Ban soạn thảo cho rằng việc đơn giản hoá điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là cần thiết, phù hợp với quan điểm chỉ đạo đã được xác định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; tuy nhiên, cũng cần nới lỏng điều kiện khởi kiện vụ án hành chính có lộ trình, phù hợp với điều kiện và khả năng giải quyết các loại vụ việc của Toà án. Theo đó, đối với một số loại việc có tính chuyên môn cao (như: các quyết định hành chính trong lĩnh vực về thuế, sở hữu trí tuệ, quản lý đất đai và các lĩnh vực khác được luật chuyên ngành quy định) thì nên để các cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại trước khi cho phép khởi kiện ra Toà án. Bên cạnh đó, khiếu kiện đối với hành vi hành chính ở bất cứ lĩnh vực nào thì cũng cần qua thủ tục khiếu nại trước, vì việc thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nên để cơ quan hành chính đó xem xét trước, tránh việc khiếu kiện tràn lan và việc để cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính trước khi cho phép khởi kiện ra Toà án sẽ tạo điều kiện cho các đương sự có thêm chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; bởi lẽ, theo định nghĩa tại Điều 2 của Dự thảo Luật thì hành vi hành chính có thể là hành động hoặc không hành động và như vậy, khi Toà án thụ lý giải quyết vụ án thì sẽ gặp khó khăn không chỉ ở việc xác định hành vi bị khiếu kiện có phải hành vi hành chính hay không mà còn khó khăn trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ. Ngoài ra, đối với khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã được quy định trong Luật chuyên ngành và đây cũng là loại việc đặc thù cần có quy định riêng
    + Mục 4 phần I Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tố tụng hành chính số 07/BC-TANDTC ngày 24 tháng 5 năm 2010:
    Về ý kiến đề nghị quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại Toà án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại (Điều 67 Dự thảo Luật).
    Về vấn đề này, Toà án nhân dân tối cao xin được đề xuất 2 phương án như sau:
    -Phương án 1: Quy định như Dự thảo Luật; tuy nhiên, chỉ giới hạn điều kiện khởi kiện phải qua thủ tục khiếu nại đối với các lĩnh vực thuế, sở hữu trí tuệ và quản lý đất đai; bởi lẽ theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành thì điều kiện khởi kiện là phải qua thủ tục khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; một số trường hợp phải có quyết định giải quyết khiếu nại thì mới được khởi kiện ra Toà án; một số trường hợp đã khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai thì không được quyền khởi kiện ra Toà án. Như vậy, quy định như Dự thảo Luật là đã mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính của cá nhân, cơ quan, tổ chức (cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể khởi kiện vụ án hành chính mà không cần qua thủ tục khiếu nại, trừ một số loại việc). Việc yêu cầu phải qua thủ tục khiếu nại đối với các quyết định hành chính thuộc các lĩnh vực thuế, sở hữu trí tuệ, quản lý đất đai, vì đây là các lĩnh vực phức tạp, có tính chuyên môn cao. Quy định cơ quan hành chính phải giải quyết khiếu nại trước, một mặt là tạo điều kiện để cơ quan hành chính xem xét lại trách nhiệm của mình, mặt khác có thêm cơ sở để Toà án xem xét, giải quyết khiếu kiện. Quy định như vậy cũng là nhằm bảo đảm chất lượng giải quyết các vụ án hành chính.
    Đối với hành vi hành chính, như đã nêu trong Tờ trình Dự án Luật, ở bất cứ lĩnh vực nào thì cũng cần qua thủ tục khiếu nại trước, vì việc thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nên để cơ quan hành chính đó xem xét trước, tránh việc khiếu kiện tràn lan và việc để cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại đối với hành vi hành chính trước khi cho phép khởi kiện ra Toà án sẽ tạo điều kiện cho các đương sự có thêm chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
    Theo phương án này thì khoản 2 Điều 67 Dự thảo Luật được chỉnh lý lại như sau:
    “2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính trong các lĩnh vực thuế, sở hữu trí tuệ, quản lý đất đai, nếu đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, nhưng hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại”.
    Nếu chấp nhận phương án này, thì thời hiệu khởi kiện được quy định đối với từng loại khiếu kiện như tại Điều 68 Dự thảo Luật.
    -Phương án 2: Quy định theo hướng cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện như ý kiến của Uỷ ban tư pháp của Quốc hội.
    Nếu chấp nhận phương án này thì thời hiệu khởi kiện sẽ được quy định chung cho các loại khiếu kiện là 6 tháng, kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Đối với khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là những loại việc có tính đặc thù nên thời hiệu khởi kiện vẫn được quy định như Dự thảo Luật (điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 68).

  7. – Thời gian và chi phí cho một vụ kiện bao giờ cũng lâu và nhiều hơn một khiếu nại. Sự am hiểu pháp luật của người dân đa phần còn ít nhiều hạn chế, một khi đã khởi kiện phải tính cả phí cho luật sư. Có chạm tới công lý hay không chưa biết, tốn kém cho bản thân và cho xã hội là chuyện nhãn tiền.

    – Nếu cho rằng duy trì khiếu nại là “bắt người dân khiếu nại đến một nơi mà họ chắc chắn không hy vọng được giải quyết thì liệu có ích gì.” thì có ai dám đảm bảo rằng ra toà người dân lại tiếp tục chịu đựng cảnh “phe ta bênh vực phe mình” không? Chắc gì toà hành chính không đứng về phía các cơ quan công quyền như trước nay vẫn quen thấy?

    – Nếu cho rằng quyết định bỏ qua khiếu nại hành chính, để GÂY SỢ cho các cơ quan ra quyết định thì đây không phải là biện pháp an toàn bởi vì nếu bất kỳ một quyết định hành chính nào cũng có nguy cơ thành đối tượng của một vụ kiện thì việc quá tải ở Toà Hành chính là chuyện chắc chắn.

    – Không phải cứ ban hành một luật, một bộ luật thì mọi chuyện liên quan sẽ bỗng nhiên trôi chảy. Cái cần nhắm đến là bảo đảm sao cho hoạt động của các cơ quan công quyền luôn đúng pháp luật tránh những sai sót không đáng có. Để tiến thẳng, nhanh vào thế kỹ 21, cái chúng ta cần là một con đường an toàn, trơn tru chứ không phải con đường đầy những ổ gà, để cứ phải liên tục vá đắp.

  8. dinhthehung: Thủ tục Khiếu nại hành chính là một thứ chướng ngại vật trên con đường tiếp cận công lý của người dân. Con đường tìm cônglys của người dân sẽ rất vòng vèo, gian nan và gặp không ít “lục lâm thảo khấu” hành dân khi phải qua cửa hành chính Đẻ ra cái gọi khiếu nại hành chính thực chất là biểu hiện hiện của tư duy làm luật: các cơ quan nhà nước luôn dành sự thuận lợi cho mình và đẩy khó khăn cho dân chúng. Mặt khác, bắt người dân khiếu nại đến một nơi mà họ chắc chắn không hy vọng được giải quyết thì liệu có ích gì. Luật tố tụng hành chính sắp tới sẽ được coi là bước tiến dài trong thuận lợi cho dân khi cho phép họ kiện thẳng ra tòa án.Thủ tục Khiếu nại hành chính là một thứ chướng ngại vật trên con đường tiếp cận công lý của người dân. Con đường tìm cônglys của người dân sẽ rất vòng vèo, gian nan và gặp không ít “lục lâm thảo khấu” hành dân khi phải qua cửa hành chính Đẻ ra cái gọi khiếu nại hành chính thực chất là biểu hiện hiện của tư duy làm luật: các cơ quan nhà nước luôn dành sự thuận lợi cho mình và đẩy khó khăn cho dân chúng. Mặt khác, bắt người dân khiếu nại đến một nơi mà họ chắc chắn không hy vọng được giải quyết thì liệu có ích gì. Luật tố tụng hành chính sắp tới sẽ được coi là bước tiến dài trong thuận lợi cho dân khi cho phép họ kiện thẳng ra tòa án.Thủ tục Khiếu nại hành chính là một thứ chướng ngại vật trên con đường tiếp cận công lý của người dân. Con đường tìm cônglys của người dân sẽ rất vòng vèo, gian nan và gặp không ít “lục lâm thảo khấu” hành dân khi phải qua cửa hành chính Đẻ ra cái gọi khiếu nại hành chính thực chất là biểu hiện hiện của tư duy làm luật: các cơ quan nhà nước luôn dành sự thuận lợi cho mình và đẩy khó khăn cho dân chúng. Mặt khác, bắt người dân khiếu nại đến một nơi mà họ chắc chắn không hy vọng được giải quyết thì liệu có ích gì. Luật tố tụng hành chính sắp tới sẽ được coi là bước tiến dài trong thuận lợi cho dân khi cho phép họ kiện thẳng ra tòa án.

  9. Dear Mr.s,
    Dr Nguyen cho tôi hỏi nếu đóng phạt rồi thì kiện tiếp vẫn được chứ. Theo tôi hiểu việc đóng tiền phạt để chấp hành ngay trong hành chính không đồng nghĩa với việc chấp nhận là mình sai và không kiện nữa.
    Còn ý của Mr Hải Bằng tôi làm rõ như sau:
    Tôi cũng không muốn phân tích sai hay đúng trong lập luận của Dr Nguyen vì theo tôi, các lý lẽ đó cũng đúng và trong khoa học, không nên bảo người khác là sai, có chăng là giữa các ý kiến, ý kiến nào thuyết phục hơn, và cuộc sống là phải giải quyết được vấn đề. Bài học đầu tiên trên ghế nhà trường ở nước ngoài mà thầy giáo bảo tôi: Kể cả đó là của 1 Dr Havard, nếu thấy không hợp lý, hãy nói thẳng là không hợp lý, là rác rưởi và giải thích tại sao, ở đây (tức nước mà tôi học) người ta không chấm điểm đúng hay sai mà chấm điểm học trò đã lập luận thế nào.
    3. Thực tế ở VN là, người dân rất khó khởi kiện cơ quan hành chính. Pháp luật thì rất hay, nhưng thực tế cơ quan công quyền dùng đủ các biện pháp tinh vi, không đàng hoàng, thậm chí rất bẩn thỉu để hạn chế quyền khởi kiện của người dân. Các vụ khiếu kiện đông người, ăn chực nằm chờ hàng tháng trời, lê lết tại cổng các cơ quan trung ương hay đến tận nhà các vị lãnh đạo khả kính để cầu xin, hầu hết do quyết định hành chính của chính quyền. Nếu áp dụng như ở CH LB Đức có lẽ các quan chức VN thích nhất vì như vậy là thôi khỏi kiện tụng. Không có tư pháp hoặc có nhưng như không có thì hành pháp tha hồ đè đầu cưỡi cổ dân, câu này trong sách kinh điển về Tam quyền phân lập nói rất hay mà tôi không nhớ rõ.

  10. Ở CHLB Đức (nơi tôi sinh sống từ 25 năm nay) khi vi phạm luật Giao thông, người vi phạm trước hết nhận được giấy báo phạt. Kế đó nhận được giấy chuyển tiền phạt vào tài khoản Nhà nước kèm đơn khiếu nại giải thích in sẵn. Nếu người vi phạm không chấp nhận bị phạt thì điền lý do vào đơn này và gửi lại CA. Sau đó công an sẽ gửi giấy nhắc nộp tiền kèm thông báo không chấp nhận khiếu nại. Cuối cùng, Công an sẽ KHỞI KIỆN người vi phạm ra tòa nếu không nhận được tiền phạt. Chứ không phải người vi phạm kiện cơ quan xử vi phạm.

  11. nhận định của Mr. Thaidt “bài viết đăng trên 01 tờ báo tuần không phải tạp chí chuyên ngành thì thông thường không thể hiện tính lý luận khoa học nhiều mà thường thể hiện ý chí chủ quan của nguời viết” rất hay. Các báo ngày, tạp chí khác chắc vui lắm đấy!!!hehehe. Lý lẽ của bác này cũng hay không kém. Giá mà bác phân tích được cụ thể cái sai của GS Nam trong từng điểm thì còn tuyệt vời hơn nữa. Cái đoạn mở đầu của bác đáng lẽ ban biên tập nên cắt đi mới phải. Nó chẳng có tác dụng hay ho gì cho chính tác giả cả, mà ngược lại. Đúng không cả nhà?

  12. Dear all,
    Tôi có mấy bình luận sau:
    – Dù nói hay dở thế nào, thực tế khởi kiện vụ án hành chính ở VN rất khó khăn, nhiều thủ tục, nhiều rào cản, khó cho người dân tiếp cận với tòa án, là cơ quan xét xử đúng hay sai của người dân và cơ quan công quyền (công quyền cũng phải tuân theo luật). Thực tế này phải là những người đã phải trải qua hoặc hằng ngày phải tiếp xúc, giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của nguời dân như các cơ quan của quốc hội, các cơ quan dân cử khác mới có thể hiểu được.
    – Việc khởi kiện ngay không hề ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan hành chính, khi cơ quan hành chính biết rằng, nếu ban hành một quyết định sai, có thể bị khởi kiện ngay. Khi trong tư duy vẫn còn cho rằng, nếu sai có thể sửa, dân không thể kiện ngay được, thì vẫn sẽ làm sai, tội gì không sai, sửa sau.
    – Ý kiến cho rằng các nước đều cho khiếu nại trước, kiện sau là hoàn toàn phi khoa học, không có cơ sở. Hãy xem ngay các văn bản từ thời Pháp thuộc và sau này cho đến trước năm 1955, các quyết định hành chính có thể kiện ngay ra tòa. Ngoài ra, ở rất nhiều nước, cảnh sát vừa phạt xong, chiều lại ra tòa vì bị kiện là bình thường. Người ta không cần tòa án hiến pháp như ở Pháp mà tòa án dân sự xử ngay quyết định hành chính là việc rất bình thường. Người viết từng bị phạt hành chính ở nước ngoài, trong đó ghi rõ, nếu không đồng ý thì khiếu nại hoặc khởi kiện. Khi tìm hiểu thêm, được biết rằng người ban hành quyết định sẽ bị gọi ngay ra tòa hoặc nếu ko ra phải có người đại diện, ngoài ra nếu khiếu nại mà được sửa rồi thì tùy có kiện tiếp điều gì thì cứ kiện (đòi thêm tiền bồi thường…).

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn
%d bloggers like this: