admin@phapluatdansu.edu.vn

VEDAN VÀ NHỮNG LỜI “VUỐT ĐUÔI” CỦA ÔNG BỘ TRƯỞNG

THS. ĐINH THẾ HƯNG – Viện Nhà nước và Pháp luật

Vedan đã quá nổi tiếng ở Việt Nam bởi họ đã tạo ra loại bột ngọt có vị đắng của nước sông Thị vải. Báo chí đã đang và chắc chắn sẽ tốn khá nhiều giấy mực cho họ bởi lẽ vụ việc này chưa thể xong như nhiều người nghĩ. Có xong thì chỉ xong với Bộ Tài nguyên môi trường bởi lúc này, trách nhiệm xử lý vụ việc được chuyển sang tòa án.

Quá trình đi tìm kiếm công lý của người dân mới chỉ bắt đầu bằng hoạt động đầu tiên của quy trình tố tụng: khởi kiện ra tòa. Không chỉ là một vụ kiện tụng bình thường giữa bên nguyên và bên bị, không chỉ là giá trị vài chục tỷ đồng bồi thường…. Vụ án Vedan còn mang trong nó nhiều ý nghĩa hơn thế. Mọi con mắt đang hướng về tòa án. Nơi diễn ra cuộc chiến gay go giữa cái thiện và cái ác, nơi công lý và sự thật sẽ được bảo vệ. Vụ kiện Vedan, có thể đi vào lịch sử tư pháp nước nhà nếu những hy vọng tốt đẹp trên được thể hiện. Mọi con mắt đang hướng về tòa án với sự tin tưởng đó. Một trách nhiệm nặng nề đồng thời cũng là một vinh dự to lớn đặt lên vai các thẩm phán của chúng ta.

Người ta tin tưởng điều đó không phải vì lời nói như đinh đóng đóng cột của ông Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường khi ông khoát tay và hùng hồn khẳng định rằng: Chúng ta có thừa chứng cứ để kiện Vedan, Kiện Vedan chắc chắn sẽ thắng vvw… và vvw…. Thực ra vụ Vedan đã diễn ra từ lâu và điều mà người dân phiền lòng nhất đó chính là sự phát hiện chậm trễ, sự lung túng nhiều khi đến mức khó hiểu trong việc xử lý về mặt hành chính đối với công ty Vedan của các cơ quan quản lý nhà nước mà đứng đầu là Bộ Tài nguyên Môi trường. Nếu xử lý sớm hơn và quyết liệt hơn vụ Vedan có lẽ không phức tạp thế này. Một vụ việc đã ra đến tòa thì có lẽ, mọi sự đều trông chờ vào tòa án với sự công tâm của mình. Xin thưa rằng: kiện chắc thắng, thừa chứng cứ….đều chỉ là sự phỏng đoán của ông Bộ trưởng chứ không không phải là kết luận và một khi vụ án chưa được tòa xét xử. Kết luận đúng sai, quy trách nhiệm bồi thường bây giờ là nhiệm vụ của các quan tòa chứ không phải ông Bộ trưởng. Việc của ông Bộ trưởng có lẽ là cần kiểm điểm lại hoạt động quản lý của ngành mình và nếu có một Vedan thứ hai thì xử lý thế nào hơn là cao đàm khoát luận “phán” thay tòa án. Báo chí, dư luận của chúng ta đôi khi cứ làm thích thay công việc của tòa điều đó ít nhiều tạo ra cái nhìn không đúng đắn đối với công tác tư pháp của chúng ta.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, Vedan là một vụ án khó đối với tòa án bởi sự “rắn mặt” và khôn ngoan của một bên đương sự, bởi luật lệ còn nhiều chỗ chưa rõ ràng, tiền lệ chưa có, khi Vedan liên tục hỏi: chứng cứ đâu và quý vị chứng minh thiệt hại đi? Chính vì vậy, sự vào cuộc của công luận, sự hỗ trợ hợp pháp về vật chất và pháp lý của các tổ chức hội đoàn, các nhà khoa học trong việc tư vấn và hoàn thiện thủ tục pháp lý, cung cấp chứng cứ là điều rất quan trọng đối với người nông dân trong cuộc chiến pháp lý này. Bộ Tài nguyên không thể lấy tiền ngân sách hỗ trợ nông dân khởi kiện bởi “bình đẳng trước pháp luật” và “hành pháp bất khả can thiệp” vào công việc tư pháp là nguyên tắc tối quan trong của tư pháp. Ai cũng muốn bênh vực lẽ phải, ai cũng muốn kẻ yếu thế được bảo vệ trước tòa. Nhưng trong một nhà nước pháp quyền, đã ra tòa thì người ta nói chuyện với nhau bằng chứng cứ, bằng sự hợp pháp hay không hợp pháp, bằng việc sự thật khách quan được chứng minh, bằng sự bình đẳng giữa các bên, bằng sự công tâm của quan tòa chứ không đơn thuần là sự mong muốn. Nếu Chính phủ Việt Nam can thiệp vào công việc của tòa án sẽ tạo nên cái nhìn khác của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vào tính vô tư khách quan của tư pháp Việt Nam.

Vụ Vedan, dường như đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một vụ kiện dân sự bình thường. Đằng sau đó là uy tín của Nhà nước, của hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp nước nhà. Chúng ta đang hội nhập. Thu hút được đầu tư nước ngoài càng nhiều càng tốt. Nhưng chúng ta chào đón và hoan nghênh những nhà đâu tư đến Việt Nam làm ăn chân chính trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Đến Việt Nam làm ăn nhưng chỉ chăm chăm đào bới tài nguyên, tàn phá môi trường, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm bằng hệ thống pháp luật văn minh, bằng các cơ quan tư pháp có năng lực, trong sạch và không có ngoại lệ. Đó chính là thông điệp người Việt Nam gửi đến cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài. Với bản án công minh của mình, Tòa án xét xử vụ Vedan có sứ mệnh chuyển tải thông điệp này./.

SOURCE: BÀI  TÁC GIẢ CUNG CẤP – VIỆC SỬ DỤNG LẠI BÀI VIẾT VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI PHẢI CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ

6 Responses

  1. Bài viết thật sau sắc! Tôi cho rằng TA cần phải phán quyết một cách công bằng và hợp lý dựa trên quy định pháp luật, yêu cầu của người khởi kiện và chứng cứ mà họ cung cấp, khả năng chứng minh để yêu cầu TA buộc Vedan bồi thường. Đây là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, vấn đề chứng minh thiệt hại không dễ, nhất là phải chi tiết, cụ thể. Nếu TA dựa vào công luận và sức mạnh quyền lực hành chính để đưa ra phán quyết thì rất nguy hiểm cho nền tư pháp nước nhà.
    Tuy nhiên, tôi nhận định rằng vụ việc này sẽ không đến mức TA phải giải quyết bằng Bản án. Khả năng Vedan chấp nhận bồi thường thiệt hại ở mức cao để hoà giải thành là rất lớn. Bởi hiện nay chính quyền, công luận đứng về phía người dân, vì thế một DN như Vedan một mình không thể đi ngược chiều gió được. Tuy nhiên, nếu thoả thuận thành công trước tố tụng cũng không ổn bởi việc chia số tiền bồi thường, tính cưỡng chế về các thoả thuận bồi thường không rõ ràng nên rất khó thực hiện.
    Do đó, có thể việc khởi kiện ra TA là cách để các bên thoả thuận rõ ràng dựa trên yêu cầu của người khởi kiện và quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự vẫn là hy vọng không những của riêng tôi.

  2. Bài viết thẳng thắn và rất hữu ích. Vụ kiện Vedan hoàn toàn không dễ dàng và nguy cơ Vedan không phải trả đồng bồi thường thiệt hại nào vẫn không phải là không có. Cơ quan công quyền từ nay đặc biệt phải thận trọng mới có thể ngăn chặn được nguy cơ này.

  3. Thật kỳ lạ! Trái bóng trách nhiệm bị đá qua cơ quan Tòa án.
    Trước cuộc họp, Bộ TN & MT đòi mời cả TAND TC tham gia. Cơ quan này không tham gia cuộc họp quả là khôn ngoan.
    Tòa án chưa xử mà công luận và báo chí đã xử Vedan rồi.
    Thật không tưởng tượng nổi nếu TA xử nông dân thua hay buộc Vedan bồi thường ít hơn.

  4. ở việt nam,ngay cả người đứng đầu của một bộ mà vẫn hiểu sai lệch về pháp luật,chức năng của từng cơ quan nhà nước như thế thì liệu pháp luật của việt nam đã được thượng tôn hay chưa?một vấn đề tuy nhỏ nhưng nếu cứ tiếp tục có những câu nói bất hủ như ông bộ trưởng kia thì chúng ta sẽ có nhiều vụ vedan mới

  5. Bài viết rất hay, trưa nay tôi vừa nói chuyện về việc vuốt đuôi này, chiều nay đọc thấy như là mình nghĩ. Xảy ra việc này Bộ trưởng quản lý đáng nhẽ phải từ chức rồi chứ không đợi đến giờ phút này mới hùa theo. Từ khi vi phạm cũng không có biện pháp gì để đến nỗi dân phải tự đứng ra kiện tụng, tự đi tìm công lý.
    Ngoài ra, sẽ còn rất nhiều Vedan khác nếu quản lý hành chính vẫn như hiện nay.

  6. thật là một bài viết ngắn gọn nhưng mà rất súc tích đáng để nhiều người suy ngẫm
    cảm ơn tác giả

Leave a Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

HỌC LUẬT ĐỂ BIẾT LUẬT, HIỂU LUẬT, VẬN DỤNG LUẬT VÀ HOÀN THIỆN LUẬT - nhhai@phapluatdansu.edu.vn

Discover more from THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Subscribe now to keep reading and get access to the full archive.

Continue reading