Site icon THÔNG TIN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

HƯỚNG TỚI HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ: CÓ NÊN XỬ RÚT GỌN ÁN DÂN SỰ?

Advertisements

HOÀNG YẾN

Một khi vụ việc đã rõ như ban ngày, một mình thẩm phán cũng xử lý được, cần gì phải có thêm hai hội thẩm nhân dân cho cồng kềnh?

Thực tế đã xuất hiện ngày càng nhiều tranh chấp dân sự mà chứng cứ rõ ràng, các bên đương sự đều thừa nhận và mong muốn tòa giải quyết nhanh. Nhiều chuyên gia, thẩm phán cho rằng nên lược bỏ bớt thủ tục không cần thiết để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án…

Một điều làm ngành tòa đang đau đầu là theo thời gian, lượng án dân sự ngày càng tăng. Đối với các đô thị lớn như TP.HCM, trung bình một thẩm phán một tháng phải giải quyết từ 10 vụ việc trở lên. Trong số đó cũng có không ít trường hợp tranh chấp đơn giản, các bên đều thừa nhận và mong tòa giải quyết nhanh.

Áp dụng với án đơn giản

Theo Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, một vụ tranh chấp đơn giản thì thời gian giải quyết ít nhất cũng phải vài tháng với rất nhiều khâu bắt buộc (lấy lời khai, đối chất, hòa giải, xác minh…). Vì vậy, đã có nhiều ý kiến cho rằng để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án, pháp luật nên bổ sung thủ tục rút gọn cho tòa.

Theo luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam, việc này vừa giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng của người dân, vừa đỡ tốn thời gian, công sức của tòa và đương sự. Luật gia Thịnh đề xuất nên áp dụng thủ tục rút gọn với những vụ án chứng cứ rõ ràng, các bên nguyên, bị đều thừa nhận, không có yếu tố nước ngoài, không gặp vướng mắc, xung đột về pháp luật.

Một số thẩm phán tòa quận thì đề xuất ngoài tranh chấp có chứng cứ rõ ràng thì còn phải quy định giá trị tranh chấp ở mức nào mới được áp dụng thủ tục rút gọn. Đồng thời luật cũng cần quy định rõ thời gian tiến hành xử rút gọn cho một vụ án tối đa cho phép là bao lâu, có thể từ 20 ngày đến một tháng từ ngày tòa thụ lý…

Bỏ khâu hòa giải, khỏi xử phúc thẩm?

Theo luật sư Phạm Tất Thắng (Đoàn Luật sư TP.HCM), để áp dụng được thủ tục rút gọn trong án dân sự cần phải lược bớt, rút ngắn các thủ tục thông thường.

Đồng tình, luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói nên bỏ khâu hòa giải. Một khi tình tiết, chứng cứ đã rõ, đã được các bên thừa nhận, không phản đối và không cần xác minh thì tòa hòa giải cũng bằng thừa.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng một khi về cơ bản, các đương sự ngay từ đầu đã thống nhất với nhau, không cần hòa giải thì cũng không cần thực hiện thủ tục xét xử phúc thẩm nữa. Nên chăng, với các vụ án áp dụng thủ tục rút gọn, chỉ cần xét xử một lần là có hiệu lực thi hành ngay?

Chỉ cần một thẩm phán?

Một điều đáng quan tâm là phiên xử án dân sự rút gọn được tiến hành như thế nào? Có hai luồng quan điểm: Thứ nhất, vẫn xét xử theo một hội đồng gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân. Thứ hai, chỉ cần một thẩm phán là đủ.

Những người theo quan điểm thứ nhất thì lập luận có rút gọn, lược bớt thủ tục thế nào đi nữa thì khi xét xử vẫn phải đảm bảo nguyên tắc xét xử dân chủ, công bằng, phán quyết theo đa số để tránh tình trạng thẩm phán lạm quyền.

Ngược lại, những người theo quan điểm thứ hai lại nói một khi vụ việc đã “rõ như ban ngày” thì một mình thẩm phán cũng xử lý được, cần gì phải có thêm hai hội thẩm nhân dân. Làm như thế vừa đỡ cồng kềnh vô ích vừa đề cao được trách nhiệm của thẩm phán đối với phán quyết của mình.

Thế nào là thủ tục rút gọn?

Hiện thủ tục này mới chỉ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Theo đó, khi người phạm tội bị bắt quả tang, có căn cước, lai lịch rõ ràng, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ, tội phạm thực hiện thuộc loại tội ít nghiêm trọng thì cơ quan tố tụng có thể áp dụng thủ tục rút gọn. Tòa phải mở phiên xử trong vòng 30 ngày kể từ ngày khởi tố vụ án. Phiên xử vẫn diễn ra giống bình thường (chỉ rút gọn trong quá trình điều tra, truy tố).

Đối với án dân sự, thủ tục rút gọn chưa được luật quy định nhưng có thể hiểu nôm na là tòa sẽ lược bỏ bớt các thủ tục đối chất, hòa giải… để ra quyết định hòa giải thành hay mở phiên xử nhanh hơn bình thường.

Quy định chi tiết

Khi áp dụng thủ tục rút gọn, luật cần quy định chặt chẽ, chi tiết từ khâu tiền tố tụng đến khi thụ lý, giải quyết án. Ở giai đoạn tiền tố tụng, luật cần tôn trọng, bảo đảm quyền khởi kiện của người dân. Còn trong giai đoạn giải quyết án, hồ sơ đã thể hiện chứng cứ rõ ràng, hai bên đương sự thừa nhận thì cần rút gọn các bước. Trong thời gian chờ luật bổ sung thủ tục rút gọn cho án dân sự, các thẩm phán cũng nên áp dụng luật một cách linh hoạt để giải quyết nhanh gọn những hồ sơ án đơn giản, rõ ràng.

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam

Bước đột phá lớn

Việc đơn giản hóa một số thủ tục nhất định đối với những vụ án có tính chất đơn giản, rõ ràng về chứng cứ là bước đột phá để góp phần giải quyết số lượng án tồn đọng, tiết kiệm được tiền của cho nhà nước nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự.

Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Công ty Luật TNHH ANPHANA

Tạo điều kiện cho thẩm phán

Hiện nay có rất nhiều vụ án đòi nợ, đòi tiền cấp dưỡng… đơn giản nhưng tòa không thể đưa ra xét xử ngay. Một trong các nguyên nhân là thẩm phán sợ nếu không tiến hành đầy đủ các bước như luật định, dù không cần thiết cũng có thể bị hủy, sửa án, dẫn đến thành tích kém. Vì vậy, nếu pháp luật bổ sung thủ tục rút gọn trong án dân sự sẽ là một bước tiến bộ lớn, giảm được lượng án tồn đọng, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc…

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20100726114119556p1063c1016/co-nen-xu-rut-gon-an-dan-su.htm

Exit mobile version